Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Năm, 16 tháng 4, 2015

Một số vấn đề về Hôn Nhân và Giáo Luật trong Giáo phận Kontum (1)



1/ Bài viết của cha Phêrô Nguyễn Vân Đông, lm Tổng Đại Diện Giáo phận.
2/ Bản góp ý về Giáo luật - Lm Giuse Trần Ngọc Tín, chính xứ Phương Quý, KT.



Kết quả hình ảnh cho hôn nhân gia đình

1/ Bài viết của cha Phêrô Nguyễn Vân Đông, lm Tổng Đại Diện Giáo phận.

GIÁO PHẬN KONTUM
GIÁO HẠT PLEIKU

Kính gời:

- Đức Cha Micae, Giám Mục Giáo Phận Kontum.
- Quý anh em Linh Mục trong Giáo Phận.

Con là linh mục Phêrô Nguyễn Vân Đông, Tổng Đại Diện Giáo Phận Kontum, cha sở Giáo Xứ Thăng Thiên, Hiếu Đạo, Hiếu Nghĩa, Hiếu Đức, thuộc Giáo hạt Pleiku.


Năm nay con đã 74 tuổi, với 43 năm linh mục, gần 40 năm làm cha sở, hiện đang phụ trách giải quyết các đôi hôn phối khác Tôn Giáo trong tỉnh Gia Lai (mỗi năm có khoảng 400 đôi), và là người lập ra nhà mở nuôi các bà mẹ đơn thân.

Là một linh mục thường xuyên tiếp xúc với các đôi hôn nhân khác tôn giáo, các thiếu nữ lầm lỡ…..Con có những suy tư, ray rứt về những vấn đề đời sống gia đình trong Giáo Phận Kontum chúng ta, nhất là trong tỉnh Gia Lai.

Nhân dịp Giáo Phận học hỏi về tài liệu “Ơn Gọi và Sứ Mạng của gia đình trong Giáo Hội và trong thế giới ngày nay” của Thượng Hội Đồng Giám Mục Thế Giới.

Nhân dịp Đại Hội Về Gia Đình Thế Giới sắp tổ chức tại Philadelphia, Hoa Kỳ năm 2015.

Con xin gởi đến Đức Cha cùng các anh em linh mục trong Giáo Phận, những vấn đề cảm thấy còn vướng mắc của các gia đình trong Giáo Phận. Con xin nêu lên để chúng ta tìm phương cách giúp đỡ, đồng hành với người giáo dân.

Đây chỉ là những suy tư mang tính cá nhân con, nên chắc hẳn còn nhiều thiếu sót, xin Đức Cha và quý Cha trao đổi và góp ý để đem lại ích lợi cho đời sống gia đình.

NHỮNG VẤN ĐỀ CỦA GIA ĐÌNH

TẠI GIÁO PHẬN KONTUM

1- Hôn nhân khác Tôn Giáo:

Công Giáo và Tôn Giáo khác; Công Giáo và Không Tôn Giáo.

a. Rửa tội cho con cái ? Tùy ý? Bắt buộc?

b. Trong đám cưới: Cử hành nghi thức Công Giáo và nghi thức của Tôn Giáo khác (Tin Lành, Phật Giáo, Cao Đài…) như thế nào?

c. Nghi thức cử hành Hôn Phối Khác Tôn Giáo: Trong Thánh lễ hay ngoài Thánh lễ? Quyền hạn của Đấng Bản Quyền.

d. Tiếp xúc đầu tiên với Giáo Hội Công Giáo của bên gia đình không có đạo (hoặc tôn giáo khác): Vai trò linh mục trong việc tiếp xúc này là rất quan trọng để gieo ấn tượng tốt ban đầu.

2- Vấn đề phá thai: Việt Nam có số ca phá thai nhiều nhất!

a. Phân tích rõ: Tội và Vạ. Ai có quyền giải quyết?

b. Ảnh hưởng tới gia đình khi phá thai:

* Sức khỏe người mẹ.

Dằn vặt tâm lý khi sinh những đứa con sau.

Mặc cảm phạm tội vì phá thai.

c. Hạnh phúc đích thực có được không, khi đã phá thai.

d. Cần rao truyền Ánh Sáng Chân Lý để đối phó với vấn đề phá thai: Ai là người phải thực hiện?

Vai trò của linh mục trong những vấn đề trên như thế nào?

3- Ly thân và Ly hôn.

a. Ly thân được Giáo Hội cho phép, nhưng không được pháp luật bảo vệ đối với người vợ (hoặc chồng).

b. Ly hôn không được Giáo Hội cho phép. Nhưng quyền lợi của người vợ (hoặc chồng) và con cái: Sức khỏe, tài sản, công việc…..chỉ được pháp luật bảo vệ khi đưa ra tòa để xin ly hôn?

c. Hôn nhân ngoài luật đạo: Ngăn trở không được nhận Bí Tích theo giáo luật, nhưng không hề ngăn trở đời sống đức tin. Ai giải thích cho những trường hợp này?

4- Vấn đề Hôn Nhân không thành sự.

a.Tại Giáo Hội Việt Nam ? Được áp dụng chưa?

b. Tại các nước khác: Châu Âu, Mỹ….thực hiện như thế nào?

c. Quyền hạn của Giám Mục địa phương trong vấn đề này đến đâu?

5- Giáo lý Hôn Nhân.

a. Chương trình Giáo Lý Hôn Nhân: nội dung chương trình dành cho các đôi: Đạo và Đạo; Đạo và Khác Đạo; Đạo và Không Đạo, có được chuẩn bị đầy đủ không?

b. Vai trò của linh mục trong việc dạy Giáo lý Hôn Nhân.

c. Những trường hợp bỏ đạo, không sống đạo, nhưng đến lúc cưới hỏi thì đi học Giáo Lý Hôn Nhân vì lo sợ họ hàng, người thân không tham dự đám cưới! Phải làm gì?

d. Hiện tượng các đôi hôn nhân khác tôn giáo càng ngày càng nhiều hơn. Tại sao? Phải làm gì? Trách nhiệm ở ai? Linh mục phải làm gì?

6- Bảo Vệ Sự Sống: Những thiếu nữ lầm lỡ.

a. Tư vấn, hướng dẫn, giúp đỡ cho các bậc cha mẹ có con gái lỡ mang thai ngoài ý muốn giữ lại con mình. Vai trò linh mục?

b. Công khai trao đổi, học hỏi, đánh giá về: Danh giá của gia đình và mạng sống của con cháu mình!

c. Người thiếu nữ lầm lỡ cần gì? Tâm lý? Thông cảm? Giúp đỡ?

7- Đồng hành với các gia đình mới.

a. Ai có thể thực hiện:

* Gia đình?

* Linh mục, tu sĩ?

Giáo xứ?

b. Tổ chức đồng hành như thế nào?

8- Vấn đề của gia đình đồng bào Thượng ở Giáo Phận Kontum.

a. Điều gì là quan trọng cho hạnh phúc gia đình của đồng bào Thượng?

b. Gia đình người Thượng quá đông con: Nuôi con, dạy dỗ con. Giáo Hội đồng hành như thế nào?

c. Hiện nay người Thượng có xu hướng phá thai theo kế hoạch của xã hội. Giáo Hội có làm gì trước vấn nạn này?

9- Vấn đề mục vụ di dân ở Giáo Phận Kontum.

a. Có ảnh hưởng đến hạnh phúc gia đình, vì đi làm ăn xa nên làm cho tình cảm vợ chồng càng ngày càng xa cách.

b. Ảnh hưởng đến việc giáo dục con cái.

c. Ảnh hưởng đến đời sống đức tin.

d. Giáo Phận Kontum hôm nay quy tụ rất nhiều anh chị em từ các vùng miền khác nhau tụ về làm kinh tế, họ không thuộc vào bất kỳ một Giáo xứ nào. Ai là người có trách nhiệm trong việc này? nhất là ở tỉnh Gia lai.

e. Nên chăng có một ban chuyên trách cho vấn đề Mục Vụ Di Dân? Nên có tổ chức thế nào?

“Giáo Hội là Mẹ và là Thầy” (Mater et Magistra)

Rất mong được sự góp ý và trao đổi.

Xin Chúa chúc lành cho chúng ta

Thăng Thiên, ngày 19 tháng 3 năm 2015

Linh mục Phêrô Nguyễn Vân Đông

GPKONTUM (28/03/2015) KONTUM

Kết quả hình ảnh cho hôn nhân gia đình

2/ Bản góp ý về Giáo luật - Lm Giuse Trần Ngọc Tín, chính xứ Phương Quý, KT.


Kính gởi:
Đức Cha Micae,
Cha Tổng Đại Diện,
Quý anh em Linh Mục trong Giáo Phận.  
Trọng kính Đức Cha,
Kính thưa quý cha,
Là một người sinh sau đẻ muộn, chẳng dám múa rìu qua mắt thợ, con chỉ mạn phép được góp vài ý kiến liên quan đến Giáo Luật và Tòa Án hôn phối của Giáo Phận Kon Tum mà thôi… Nếu có điều gì sơ suất hoặc thiếu sót, kính xin đức cha và quí cha bổ túc thêm.
Con xin chân thành cám ơn Đức Cha và quý cha..
Lm Giuse Trần Ngọc Tín
Chính xứ Phương Quý

1. HÔN NHÂN KHÁC TÔN GIÁO.
Trước khi đi vào vấn đề, thiết tưởng chúng ta nên phân biệt:
-          Hôn nhân tạp giáo: là hôn nhân giữa một người công giáo và một người đã được rửa tội không công giáo.
Thí dụ: Hôn nhân giữa một người công giáo và một người chính thống giáo. Hôn nhân giữa một người công giáo và một người tin lành.
-          Hôn nhân dị giáo (khác đạo): là hôn nhân giữa một người công giáo và một người không được rửa tội.
Thí dụ: Hôn nhân giữa một người công giáo và một người lương. Hôn nhân giữa một người công giáo và một người phật giáo.
1.1.      Về việc rửa tội cho con cái[1].
Để được hưởng “phép chuẩn khác đạo”, Giáo Luật điều 1125 buộc phải có một lý do chính đáng và hợp lý, đồng thời phải hội đủ 3 điều kiện (mà 1 trong 3 điều kiện đó là con cái phải được rửa tội và được giáo dục trong Giáo Hội công giáo):
Đấng Bản Quyền địa phương có thể ban phép trên đây, nếu có một lý do chính đáng và hợp lý, nhưng không được ban phép ấy, nếu không hội đủ điều kiện sau đây:
10    bên công giáo phải tuyên bố mình sẵn sàng tránh mọi nguy cơ mất đức tin và thành thật cam kết sẽ làm hết sức để tất cả con cái được rửa tội và được giáo dục trong Giáo Hội công giáo.
20   phải kịp thời thông báo thế nào cho bên không công giáo biết những điều bên công giáo phải cam kết, để họ ý thức thật sự về lời cam kết và nghĩa vụ của bên công giáo.
30   cả hai bên phải được giáo huấn về những mục đích và đặc tính chính yếu của hôn nhân mà không bên nào được phép loại bỏ”.
1.2.      Nơi cử hành hôn nhân của cha mẹ.
1.2.1.     Hôn nhân giữa công giáo và chính thống giáo:
-          Phải xin Giám Mục ban phép chuẩn “hôn nhân tạp giáo” để cử hành hôn nhân tại nhà thờ công giáo.
-          Phải xin Giám Mục ban phép chuẩn “hôn nhân tạp giáo”  và chuẩn “hình thức Giáo Luật” để cử hành hôn nhân tại nhà thờ chính thống giáo.
1.2.2.     Hôn nhân giữa công giáo và tin lành:
-          Phải xin Giám Mục ban phép chuẩn “hôn nhân tạp giáo” để cử hành hôn nhân tại nhà thờ công giáo.
-          Phải xin Giám Mục ban phép chuẩn “hôn nhân tạp giáo”  và chuẩn “hình thức Giáo Luật” để cử hành hôn nhân tại nhà thờ tin lành.
1.2.3.     Hôn nhân giữa công giáo và người ngoại.
-          Phải xin Giám Mục ban phép chuẩn “hôn nhân khác đạo” để cử hành hôn nhân tại nhà thờ công giáo.
1.3.      Về việc cử hành:
1.3.1.     Hôn nhân giữa công giáo và tin lành:
-          Nghi thức hôn phối có thể được cử hành trước mặt những người đại diện của 2 Giáo Hội, hoặc tại nhà thờ công giáo, hoặc tại nhà thờ tin lành. Nếu hai vị đại diện này đồng chủ lễ, thì linh mục đảm nhận phần phụng vụ, còn mục sự đảm nhận việc giảng thuyết. Chỉ cử hành phụng vụ Lời Chúachứ không cử hành Phụng Vụ Thánh Thể.

1.3.2.     Hôn phối giữa công giáo và người ngoại giáo:
-          Hôn nhân khác đạo không có tính cách bí tích, dầu vậy cũng không thể tháo gỡ được.
-          Khi một người phối ngẫu không là kitô hữu, thì phải cử hành hôn phối ngoài Thánh Lễ.
-          Ủy ban Giám Mục về Phụng Vụ đã phổ biến nghi lễ hôn phối giữa người công giáo và người chưa được rửa tội phải được cử hành ngoài Thánh Lễ(xem Sách Lễ Mùa Vọng và Giáng Sinh, Saigon, 1969, tr 354-356).
2.VẤN ĐỀ PHÁ THAI.
Cần phải phân biệt:
-          Tội lỗi (luân lý):
  1. oTội nhẹ.
  2. oTội trọng: Điều lỗi nặng, biết, và cố tình phạm.
-          Tội phạm (hình sự).
Trong Giáo Luật, tội phạm được hiểu như là sự vi phạm bên ngoài một điều luật có kèm theo một hình phạt giáo luật ít là bất định và có tính qui trách về mặt luân lý” (đ. 2195, §1  Giáo Luật 1917).
Tội phạm là thực hiện một tội luân lý có kèm theo một hình phạt.
Thí dụ: Phá thai là một tội luân lý (giết người) có kèm theo hình phạt là vạ tuyệt thông tiền kết không dành cho Tòa Thánh. Như vậy, ai phá thai có hiệu quả thì phạm TỘI GIẾT NGƯỜI và tức khắc bị VẠ TUYỆT THÔNG không dành cho Tòa Thánh.
2.1.      Tội phạm phá thai.
2.1. 1. Giáo Luật.
Điều 1398 – Người nào thi hành việc phá thai và nếu việc phá thai có hiệu quả, thì bị vạ tuyệt thông tiền kết.
2.1.2. Giải thích.
Thi hành việc phá thai” có nghĩa là “muốn việc phá thai cách trực tiếp và cố ý và dùng những phương tiện hữu hiệu để gây ra việc phá thai, hoặc bằng một sự cộng tác thể lý, hoặc bằng một sự cộng tác luân lý[2].
Điều 1398 nói đến việc phá thai đã được nhắm tới cách hữu ý và với mưu kế. Tội phạm này chỉ bị phạt nếu có hiệu quả. Mưu toan phá thai hoặc phá thai không có hiệu quả vì một lý do độc lập với ý muốn thì không đủ để cấu thành tội phạm phá thai.
Khác với các sơ đồ soạn thảo, Bộ Giáo Luật hiện hành dự trù vạ tuyệt thông tiền kết cho tội phạm phá thai (chứ không phải là vạ cấm chế). Sự thay đổi này làm nổi bật ý muốn của nhà lập pháp là phải nghiêm khắc chống lại tội phạm phá thai, bởi vì một hình phạt hậu kết sẽ ít hiệu nghiệm hơn để chống lại tội phạm phá thai, mà tội phạm này thường là tội kín hoàn toàn[3].
Ngày 19-1-1988, Hội đồng giải thích Giáo Luật đã tuyên bố:
Sự phá thai bao gồm cả việc trục thai non ra khỏi lòng mẹ, cũng như việc tiêu hủy thai còn ở trong bụng mẹ, bất kỳ thời gian thụ thai là bao lâu” (AAS 80, 1988, tr. 1818).
Chủ thể của tội phá thai là: bác sỹ, y tá phá thai, những cộng tác viên phá thai, người mẹ có thai.
2.1.3. Hình phạt. 
Phá thai có hiệu quả: phạm nhân phải bị vạ tuyệt thông tiền kết.
Những người đồng lõa thiết yếu cũng bị phạt vạ tuyệt thông tiền kết (đ. 1329, §2).
Hơn nữa, tội phạm phá thai cấu thành bất hợp luật để chịu chức (đ. 1041, 40), cũng như để thi hành chức thánh (đ. 1044, §1, 30).
Nếu tác giả tội phạm là tu sĩ của Hội Dòng thánh hiến (đ. 695), tu hội đời (đ. 729), hay tu đoàn tông đồ (đ. 746), thì hình phạt là việc trục xuất.
2.2.      Ai có quyền giải quyết?
Sau khi nghe hối nhân thú tội, vì biết rằng không phải tất cả mọi linh mục đều có quyền giải vạ, cha giải tội phải chỉ cho hối nhân biết vị nào có thể giải vạ, hoặc vừa giải vạ vừa tha tội.
Cha giải tội phải tìm hiểu xem đương sự đang ở trong trường hợp nào:  bình thường, khẩn cấp hay nguy tử ?
Cha giải tội phải thông báo cho hối nhân biết theo sự khôn ngoan và bác ái của mình, vì hối nhân có quyền nhận sự xá giải này như một “hành vi công bình” ngay khi hối nhân đã sửa mình.
Hình phạt cho tội phạm phá thai là một hình phạt tiền kết được luật dự kiến vàkhông dành riêng cho Tòa Thánh. Trong những điều kiện này, phải qui chiếu về điều 1355-1357.
Những vị sau đây có thể giải vạ trong những điều kiện và giới hạn sẽ được trình bày dưới đây:
1)Đấng Bản Quyền địa phương (đ. 1355).
Phải phân biệt hai trường hợp:
-          Trường hợp hình phạt không được tuyên bố.
Nếu hình phạt tuyệt thông tiền kết không được tuyên bố, Đấng Bản Quyền địa phương có thể tha ở tòa ngoài cho:
  1. oNhững người thuộc quyền mình.
  2. oNhững người đang ở trong lãnh thổ của mình và thực hiện tội phạm đó.
-          Trường hợp hình phạt tuyệt thông tiền kết được tuyên bố bằng sắc lệnh tòa án hoặc bằng sắc lệnh ngoài tòa, người có thể tha là:
  1. oĐấng Bản Quyền đã khởi tố nhằm mục đích phải tuyên bố hình phạt, hoặc Đấng Bản Quyền đã tuyên bố hình phạt bằng sắc lệnh.
  2. oĐấng Bản Quyền địa phương nơi phạm nhân cư ngụ, nhưng phải tham khảo Đấng Bản Quyền nêu trên, trừ khi hoàn cảnh bất thường không cho phép tham khảo.
Quyền này có thể được thừa ủy.
Đấng Bản Quyền địa phương có thể ủy quyền phù hợp với qui định của điều 137, §1 (ủy quyền hành pháp thông thường cho một hành vi riêng biệt hoặc cho một số trường hợp).
-          Nếu Đấng Bản Quyền địa phương đã ủy quyền cho cha giải tội, cha giải tội có thể giải vạ ở tòa ngoài, và sau đó tha tội, ngay cả khi mọi sự diễn ra trong tòa bí tích.
-          Nếu cha giải tội không được ủy quyền, thì ngài tha tội sau khi đương sự đã được Đấng Bản Quyền hoặc một vị khác giải vạ.
2) Mọi Giám Mục trong khi ban bí tích giải tội (đ. 1355, §2).
Mọi Giám Mục đều có thể tha hình phạt trong khi ban bí tích giải tội, nếu hình phạt không được tuyên bố.
(Nếu hình phạt đã được tuyên bố, thì phải tới Đấng Bản Quyền xin tha).
Mọi Giám Mục” ám chỉ:
-          Giám Mục giáo phận ở ngoài lãnh thổ của mình và đối với những người không thuộc quyền mình.
-          Giám Mục hiệu tòa.
-          Giám Mục nghỉ hưu.
Như vậy, quyền ban cho “mọi Giám Mục” trong khi ban bí tích giải tội không thể được thừa ủy.
Khi tha hình phạt như thế, Giám Mục nên soạn thảo một giấy chứng nhận giải vạ, để hối nhân có thể báo cho Đấng Bản Quyền có thẩm quyền biết sự cải thiện của mình, khi cần, để việc này được phù hợp ở tòa ngoài.
3) Kinh sĩ xá giải (đ. 508).
Kinh sĩ xá giải, chiếu theo chức vụ, có quyền giải vạ không tuyên bố, ở tòa trong, khi cử hành bí tích.
Quyền này không được thừa ủy.
4) Cha tuyên úy (đ. 566, §2).
Trong nhà tù, nhà chăm sóc, hoặc trong hành trình vượt biển, cha tuyên úy có năng quyền giải vạ không tuyên bố (chỉ tại những nơi này mà thôi).
Cha tuyên úy có thể giải vạ trước, và tha tội liền ngay sau đó.
Quyền này không được thừa ủy.
Những cha tuyên úy khác không sử dụng năng quyền này, vì chức vụ của mình.
5) Cha giải tội.
-          Trường hợp cha giải tội không được ủy quyền giải vạ.
Nếu cha giải tội không có quyền giải vạ bằng việc ủy quyền chiếu theo điều 137, §1, ngài có thể xin quyền thừa ủy này nơi Đấng Bản Quyền có thẩm quyền.
Cha giải tội có sáng kiến gặp Đấng Bản Quyền hay vị đại diện ngài để xin năng quyền tha tội phạm. Để tôn trọng ấn tòa giải tội, cha giải tội phải trình cho ngài tất cả mọi sự chỉ dẫn cho phép thẩm định tình trạng của hối nhân, mà không tiết lộ danh tánh hối nhân.
Khi cha giải tội đã có quyền giải vạ do Đấng Bản Quyền hoặc do Đại diện của Gíam Mục, ngài phải triệu tập hối nhân sớm nhất có thể để giải vạ và liền sau đó tha tội. Trong một trường hợp như thế, cha giải tội ban 2 ơn xá giải trong giới hạn và điều kiện sẽ được trình bày sau đây.
Sự hiện diện của hối nhân trước Đấng Bản Quyền hay Vị đại diện nêu trên là không bắt buộc và không cần thiết cho việc thành sự của việc xá giải tội phạm theo Giáo Luật.
Hối nhân cũng có thể yêu cầu cha sở hoặc tùy ý chọn một linh mục khác làm người đại diện để can thiệp trước thẩm quyền ở tòa ngoài. Người bị vạ phải ủy quyền bằng giấy tờ cho người đại diện mình.
Người bị vạ có thể được giải vạ trên văn bản, qua điện tín, qua telex, hoặc trực tiếp qua điện thoại.
Chỉ đòi buộc hối nhân phải hiện diện trước một cha giải tội để lãnh nhận sự tha thứ vì tội đã phạm.
Tất cả những điều được trình bày trên đây được diễn tiến trong một bối cảnh bình thường.Nhưng không phải trường hợp nào cũng giống nhau.
Còn trong 2 trường hợp sau đây, cha giải tội có trực tiếp năng quyền giải vạ trong khi ban bí tích hòa giải.
-          Trường hợp khẩn cấp (đ. 1357).
  • ØĐịnh nghĩa khẩn cấp.
Có sự khẩn cấp nếu phạm nhân cảm thấy khổ sở khi phải sống trong tình trạng tội lỗi trong suốt thời gian cần thiết để Bề Trên có thẩm quyền định liệu. 
  • ØĐiều kiện bên trong buộc hối nhân phải có.
Hối nhân không thể chờ đợi, vì hối hận mãnh liệt, và vì cảm thấy chán ghét phải sống thêm một ngày nữa trong tình trạng tội trọng, nhất là khi Đấng Bản Quyền vẫn im tiếng sau nhiều ngày.
  • ØNghĩa vụ mà cha giải tội phải áp đặt cho hối nhân (đ. 1357, §2).
Khi tha hình phạt, cha giải tội phải áp đặt cho hối nhân vài việc sám hối. Ngài phải thượng cầu trong hạn kỳ một tháng lên Đấng Bản Quyền hay người đại diện có thẩm quyền ở tòa ngoài.
Hơn nữa, cha giải tội buộc hối nhân phải tuân theo ý của thẩm quyền là nơi thực hiện việc thượng cầu.
Cha giải tội cũng áp đặt cho hối nhân một việc đền tội thích hợp và, nếu có thể được, một biện pháp hình sự.
  • ØViệc thượng cầu.
Để dễ dàng hơn, cha giải tội nên gặp Đấng Bản Quyền hay người đại diện để xin giải vạ ở tòa ngoài.
  1. oNgài không nêu danh tánh của hối nhân trong hồ sơ xin thượng cầu (đ. 1357, §2).
  2. oVà ngài phải hành động rất kín đáo với hối nhân.
  3. oBuộc phải thượng cầu, và buộc phải thực hiện việc sám hối. Nếu hối nhân bỏ qua việc thượng cầu hay từ chối việc sám hối do thẩm quyền qui định để xác định việc thượng cầu, hối nhân bị mắc vạ trở lại.
-          Trường hợp nguy tử (đ. 976).
Nguy tử là một tình trạng nguy kịch, khách quan hay chủ quan, trong đó hối nhân có khả năng chết hay sống sót.
Mọi linh mục có thể giải tội dù mất năng quyền và ngay cả khi có sự hiện diện của một linh mục khác được chuẩn nhận.
Luật ban cho “mọi linh mục” năng quyền này, nhưng năng quyền này không hủy bỏ những năng quyền của những người có năng quyền dưới một danh xưng khác (như Đấng Bản Quyền có thẩm quyền, linh mục được ủy quyền…)
Theo điều 1357, §2, nếu hình phạt được công bố hay được dành riêng cho Tòa Thánh, thì hối nhân sau khi khỏi bệnh phải thượng cầu thẩm quyền để giải vạ ở tòa ngoài. Nếu không thượng cầu, thì hối nhân bị mắc vạ lại. Những hình thức thường cầu đều giống với những hình thức được dự kiến trong trường hợp khẩn cấp: hạn kỳ là 1 tháng. Có thể ra một hình phạt theo Giáo Luật hoặc một biện pháp hình sự.
Nếu hình phạt tuyệt thông tiền kết không được công bố, cũng không dành riêng cho Tòa Thánh, thì hối nhân không phải thượng cầu.
Công thức giải vạ.
Ở tòa ngoài, mục tử nói với tín hữu (hoặc viết):
Nhân danh quyền được ban cho cha, cha giải vạ tuyệt thông cho con. Nhân danh Cha, và Con và Thánh Thần
Đương sự thưa: “Amen”, nếu đang hiện diện tại chỗ hoặc qua điện thoại.
Ở tòa trong, khi ban bí tích, chỉ cần vị mục tử đọc những lời xá giải của bí tích Giao Hòa với ý giải vạ. Không buộc phải đọc công thức bổ sung nào.
3.LY THÂN VÀ LY HÔN.
3.1.Lý do chính đáng để ly thân.
Yếu tố đặc trưng nhất của ly thân là việc đình chỉ nghĩa vụ sống chung. Việc đình chỉ nghĩa vụ sống chung buộc phải có một lý do chính đáng:
« Những người phối ngẫu có bổn phận và có quyền bảo vệ đời sống chung vợ chồng, trừ khi được miễn vì một lý do hợp pháp » (đ. 1151),
Vậy đâu là những lý do chính đáng?
Giáo Luật đưa ra hai lý do:
-          Ngoại tình (đ. 1152§1),
-          Có sự nguy hiểm nghiêm trọng về tinh thần hay thể xác cho một bên hoặc cho con cái, hay nếu bằng cách nào khác làm cho đời sống chung trở nên nặng nề (đ. 1153, §1).
3.2.    Trong những quốc gia chấp nhận việc ly dị.
Giáo Hội chấp nhận cho ly thân, nhưng luật dân sự chỉ bảo vệ quyển lợi của người ly dị mà thôi.
Vì thế, trong những quốc gia chấp nhận ly dị (như Việt Nam), người được Giáo Hội cho phép ly thân có thể trình bày với thẩm quyền Giáo Hội để xin ly dị ở tòa đời,nhẳm bảo vệ quyền lợi của mình về mặt dân sự và hứa sẽ không tái hôn khi người bạn đời của mình vẫn còn sống. Trong trường hợp này, họ vẫn được xưng tội rước lễ.
4.VẤN ĐỀ HÔN NHÂN KHÔNG THÀNH SỰ.
4.1. Tòa án hôn phối giáo phận .
Phải thành thật mà nói: “Chẳng sung sướng gì khi được làm chánh án tòa án hôn phối giáo phận”, bởi vì sau vụ kiện tụng nào chánh án cũng bị “chửi” là khó. Giải quyết đẹp lòng bà vợ, thì bị ông chồng chửi. Và ngược lại, giải quyết đúng ý ông chồng, thì bị bà vợ ông ta chửi. Thậm chí có một vài cha “mị dân” còn rêu rao là con “khó quá” không chịu giải quyết cho người ta.
4.1.1.Vậy tòa án hôn phối gồm có những ai?
Theo Giáo Luật, mỗi Giáo phận phải thành lập một tòa án hôn phối và Giám Mục giáo phận chủ tọa xét xử, hoặc ngài giao việc xét xử cho linh mục Đại Diện tư pháp trong những vụ kiện không bị luật minh nhiên loại trừ (đ. 1419, §1). Khi xét xử một vụ án hôn nhân, luật buộc phải có 3 thẩm phán (đ. 1425), và trong những vụ án quan trọng hơn, luật buộc phải có 5 thẩm phán. Thẩm phán chủ tọa phiên tòa là chánh án. Chánh án phải chịu trách nhiệm trước Giám Mục Giáo Phận, trước Tòa Án cấp II (Tổng Giáo Phận), và đôi khi trước tòa Án cấp III (Tòa Thượng Thẩm Rota ở Rôma). Phía nguyên đơn có một linh mục luật sự để bào chữa cho họ. Phía Giáo Hội có một bảo hệ viên để bảo vệ dây hôn nhân. Ngoài ra còn có một lục sự ghi chép các biên bản hỏi cung.

4.1.2.Và công việc của tòa án hôn phối là gì?
Từ ngày được thành lập[4] đến nay, Tòa án hôn phối giáo phận Kon Tum đã nhận khoảng 40 đơn, nhưng chỉ điều tra có 3 vụ án xin tiêu hôn mà thôi, và nay mai sẽ điều tra 6 vụ xin ly thân. Tất cả những đơn bị bác đều đươc trả lời trực tiếp cho nguyên đơn khi gặp mặt, hoặc được gửi bằng thư phát nhanh của bưu điện, với đầy đủ lý do.
Phần nhiều các đơn gửi cho Tòa Án hôn phối chỉ là kể lể những khó khăn trong cuộc sống, những bất đồng với nhau vì tiền bạc, những xung khắc về tính tình, những thói xấu của người phối ngẫu sau một thời gian chung sống hạnh phúc với nhau. Có người còn bì tị “cô ấy đi lấy chồng khác rồi, cha cứ bắt con sống như vậy mãi sao?
Việc làm chính của Tòa Án Hôn Phối không phải là gỡ rối tơ lòng, cũng không phải là “lách luật” để giải quyết theo tình cảm cá nhân, nhưng là XÉT TÍNH THÀNH SỰ CỦA BÍ TÍCH HÔN PHÔI, nghĩa là bí tích hôn phối mà đôi bạn đã cử hành có thành sự không?
Bí tích hôn phối của hai người phối ngẫu được coi là THÀNH SỰ khi họ:
  1. vKHÔNG MẮC NGĂN TRỞ TIÊU HÔN NÀO TRONG KHI CỬ HÀNH BÍ TÍCH.
Có 12 ngăn trở khiến hôn nhân không thành, được gọi là ngăn trở tiêu hôn:
  1. 1)Ngăn trở về tuổi (đ. 1083).
  2. 2)Ngăn trở bất lực (đ. 1084).
  3. 3)Ngan trở hôn hệ (đ. 1085).
  4. 4)Ngăn trở khác đạo (đ. 1086).
  5. 5)Ngăn trở chức thánh (đ. 1087).
  6. 6)Ngăn trở khấn Dòng (đ. 1088).
  7. 7)Ngăn trở bắt cóc (đ. 1089).
  8. 8)Ngăn trở tội ác (đ. 1090).
  9. 9)Ngăn trở huyết tộc (đ. 1091).
  10. 10)Ngăn trở Ngăn trở kết bạn (đ. 1092).
  11. 11)Ngăn trở công hạnh (đ. 1093).
  12. 12)Ngăn trở pháp tộc (đ. 1094).
  13. vKHI HỌ ƯNG THUẬN KẾT HÔN VỚI NHAU.
Phải có sự ưng thuận thì kết hôn mới thành sự. Nếu không có sự ưng thuận thì kết hôn bất thành. Sự thiếu ưng thuận kết hôn được biểu hiện qua 6 trường hợp:
  1. 1)Không có khả năng kết hôn (đ. 1095).
  2. 2)Lầm lẫ(đ. 1097).
  3. 3)Kết hôn vì bị lường gạt (đ. 1098).
  4. 4)Giả vờ cam kết (đ. 1101, §1).
  5. 5)Đặt điều kiện (đ. 1101, §2).
  6. 6)Kết hôn vì sợ hãi (đ. 1103).
  7. vVÀ KHI HÔN NHÂN CỦA HỌ ĐƯỢC CỬ HÀNH THEO HÌNH THỨC GIÁO LUẬT.
Hôn nhân sẽ không thành sự nếu được cử hành thiếu hình thức Giáo Luậtqui định. Có 2 trường hợp:
  1. 1)Thiếu linh mục chứng hôn (đ. 1108, §1)
  2. 2)Thiếu hai nhân chứng (đ. 1108, §1)
Như vậy, nếu đơn xin tiêu hôn không nêu lên được 1 trong 20 nố nêu trên, đơn sẽ bị bác.
Ngược lại, nếu đơn nêu lên được một ngăn trở nào đó, đơn sẽ được chấp nhận.
Sau khi chấp đơn, Tòa án hôn phối giáo phận sẽ thu thập những bằng cớ để chứng minh những nguyên nhân khiến hôn nhân không thànhlà đúng hay sai:
  • ØNếuxác minh được một yếu tố khiến hôn nhân bất thành, thì Tòa Án tuyên bố hôn nhân vô hiệuvà đôi bạn được chia tay nhau.
  • ØNgược lại, nếu không xác minh được một yếu tố nào khiến hôn nhân bất thành, hai người phối ngẫu đành «» cho đến khi một trong hai người «».
 4.2.Áp dụng.
Trên nguyên tắc, mọi qui định của Bộ Giáo Luật 1983 được áp dụng cho Giáo Hội công giáo la tinh (đ. 1) kể từ ngày 27-11-1983, sau một thời kỳ hưu luật dài 10 tháng 2 ngày.
Trong thực tế, tại Việt Nam, do thiếu chuyên viên, nhiều giáo phận vẫn chưa áp dụng những qui định của Bộ Giáo Luật mới, chẳng hạn như việc thành lập Hội Đồng kinh tế, hội đồng mục vụ, ban hòa giải… Việc giải quyết tố tụng lại càng xa vời, tựa hồ như một giấc mơ. Trong tố tụng, việc tuyên bố hôn nhân vô hiệu thuộc thẩm quyền của tòa án cấp II (hoặc cấp III, tùy trường hợp).
5.NHỮNG VẤN ĐỀ KHÁC.
Những vấn đề khác như :
-          Các bà mẹ độc thân.
-          Người không sống đạo và người vô tín với hôn nhân.
Kính mời quý cha tham khảo:
SYNODE DES EVEQUES
IIIe ASSEMBLÉE GÉNÉRALE EXTRAORDINAIRE
LES DÉFIS PASTORAUX DE LA FAMILLE 
DANS LE CONTEXTE DE L'ÉVANGÉLISATION
INSTRUMENTUM LABORIS
Cité du Vatican
2014

Kính chúc Đức cha, cha Tổng và quý cha
một Tuần Thánh thật sốt sắng.
Phương Quý, ngày 29-3-2015
Giuse Trần Ngọc Tín.
__________________________________________
[1]Peut on se marier dans une église si on ne veut pas faire baptiser ses enfants ?
Ce n’est pas possible. Pour se marier chrétiennement il faut s’engager à faire baptiser ses enfants et à leur donner une éducation chrétienne. Cette condition du mariage est fondamentale.
 [2] Ngày 19-01-1988, Ủy Ban giáo hoàng giải thích luật đã xác định rằng việc phá thai theo điều 1398 không chỉ có nghĩa là loại bỏ một bào thai chưa thành thục, nhưng còn là giết chết bào thai bằng bất cứ phương thế nào và dù ở bất cứ thời gian nào từ sau khi thụ thai [x. AAS 80 (1988), tr 1818].
[3] Comm. 9 (1977), tr 317.
[4]Tòa án hôn phối giáo phận Kon Tum được thành lập năm 2007.
                                                              GPKONTUM (30/03/2015) KONTUM

(Nguồn các tài liệu: giaophankontum.com)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét