Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Ba, 28 tháng 4, 2015

LỄ GIỐ TỔ HÙNG VƯƠNG TẠI ĐÌNH LƯƠNG KHẾ, TP KON TUM MỒNG 10 THÁNG BA ÂM LỊCH (28/4/2015)


Lúc 15g30 ngày Mồng 10 tháng ba âm lịch (tức 28/4/2015), tại Đình Lương Khế, Tp Kon Tum đã diễn ra Lễ Giỗ Tổ Vua Hùng Vương. Sau các nghi thức của chính quyền thành phố, đến các nghi lễ truyền thống của Đình do ban điều hành Đình thực hiện.


Chúng tôi xin giới thiệu một số hình ảnh Lễ Giỗ Tổ Hùng Vương 2015 tại đình Lương Khế. Nhân đây xin giới thiệu đôi nét về lịch sử Đình Lương Khế, cũng như một số đình làng khác trong Tp Kon Tum. Những bài viết sau đây chưa được đầy đủ và còn nhiều sai sót. Chúng tôi hy vọng sẽ trở lại đề tài này khi thu thập được đầy đủ hơn các tư liệu liên quan.

LMSơn.



























































                                                                (Ảnh: Minh Sơn 28/4/2015)

__________________________________

1. Sự thành lập Đình làng Lương Khế


Làng Lương Khế là một trong những làng người Kinh ra đời muộn hơn, họ xuất thân là những người buôn bán, trao đổi hàng hóa trên vùng Kon Tum. Một trong những người có công đầu tiên trong việc lập làng Lương Khế là ông Đặng Ngại (còn gọi là Đặng Huynh). Sau vài lần lên Kon Tum mua bán, ông Đặng Ngại thấy nơi này còn hoang sơ, đất đai trồng trọt rất tốt nên ông đã quay về Phù Mỹ (Bình Định) kêu gọi một số gia đình lên Kon Tum khai hoang lập nghiệp. Lúc đầu số người từ bình định lên Kon Tum chỉ hơn 10 gia đình vào năm 1911 gồm có ông Đặng Ngại, Nguyễn Hy, Thái Đặng, Huỳnh Thừa, Võ Thủy, Thái Nam, Trần Văn Hóa, Trần Ô, Ngô Đình Quang, Huỳnh Kiến.




Đình làng Lương Khế tọa lạc trên đường Trần Phú - TP. Kon Tum
Những gia đình này đã bỏ công, bỏ sức, kể cả tiền bạc để thuê mướn nhân công, bắt đầu khai khẩn đất đai. Địa điểm đánh dấu khai sinh làng Lương Khế đầu tiên đó là địa điểm Am Bà (nay thuộc góc đường Hoàng Văn Thụ - Nguyễn Đình Chiểu). Trong quá trình khai hoang, mở mang đất đai ranh giới của làng lúc bấy giờ phía Bắc giáp khu rừng (đường Phan Chu Trinh), phía Nam giáp làng Tân Hương (đường Nguyễn Đình Chiểu), phía Tây giáp làng Trung Lương (đường Hoàng Văn Thụ), phía Đông giáp làng Phương Nghĩa (đường Tăng Bạch Hổ).
Trong những buổi đầu sơ khai lập địa, dân làng phải chịu biết bao cơ cực trước cảnh hoang vu, khí hậu khắc nghiệt, sơn lâm chướng khí, sốt rét, bệnh tật, thú dữ, rắn rết, đêm đêm cọp đến tận nhà rình bắt người. Trước những khó khăn thách thức đó, dân làng Lương Khế đã đứng ra lập một ngôi đình để thờ Thành Hoàng bản xứ, với mong muốn thần linh phù hộ cho dân làng an cư, lạc nghiệp. Đó là khoảng thời gian năm 1913.
Lúc đầu, ngôi đình chỉ dựng tạm bằng mái tranh, vách nứa, nền đất, mặt đình quay về hướng nằm trên khu đất cao ở trung tâm của làng.
Đến khoảng năm 1924-1925, cuộc sống của dân làng đã ổn định, sung túc, đầy đủ hơn. Họ nghĩ đến việc trùng tu lại ngôi đình, mái đình được lợp ngói vảy, sườn gỗ, tường gạch vôi vỉa. Trên đầu nóc nhà có đắp nổi tượng "Lưỡng long chầu nguyệt", các hàng cột ở tiền sảnh có khắc hình rồng uốn lượn. Và vào ngày 26 tháng 06 năm 1925, Đình Lương Khế đã được vua Khải Định ban sắc thần.
Năm 1964, ngôi đình được kiến tạo lại mới hoàn toàn, phỏng theo kiến trúc dân gian Huế do ông Phạm Văn Lưu thiết kế và đốc công xây dựng. Ngày nay đình Lương Khế tọa lạc tại phường Thống Nhất, thành phố Kon Tum. Mặt đình quay về hướng Tây giáp đường Trần Phú. Nhìn tổng thể kiến trúc theo kiểu chữ Môn, gồm có Chánh điện, nhà Tiền hiền và Cô hồn, trước mặt đình tạo dựng một bức bình phong án ngự có nắp nổi hình cuốn thư.
Chánh điện là một ngôi nhà 3 gian 2 chái, cổ lầu, gian chính giữ rộng hơn gian hai bên. Cấu trúc đình theo kiểu chồng diềm hai tầng mái, mái đình lợp ngói vảy, trên bờ nóc ở chính giữa gắn hình "Lưỡng long chầu nguyệt". Bốn đầu đao tầng mái trên, dưới mái đình gắn dây cuốn.
Trong chánh điện, ở trung tâm thờ vua tổ Hùng Vương, ở phía sau bàn thờ Vua Hùng là bàn thờ thần, hai bên tả hữu thờ Tiền hiền khai khẩn, Hậu tiền khai cơ. Trên 4 trụ cột treo bốn câu liễn đối được sơn son thếp vàng do bà con trong làng phụng cúng. Trên các mảng tường trong chánh điện treo các bản gỗ, khắc tên những người có công góp tiền của để kiến tạo đình.
Ở dãy nhà quay về hướng Nam thờ các vị Tiền hiền có công khai phá xây dựng làng. Dãy nhà hướng Bắc là nơi dân làng hội họp trong các ngày lễ hàng năm của làng.
Hằng năm, cứ vào dịp từ 14 tháng 2 âm lịch và ngày 10 tháng 3 âm lịch. Trong làng thường tổ chức lễ tế Thần, giỗ tổ Hùng Vương và hội làng. Các thủ tục làm lễ rất trang nghiêm, Văn tế có bài bản do các vị chức sắc trong làng đảm nhiệm nhất là thủ tục tế lễ trời đất, được chuẩn bị lễ vật công phu để dâng lên điện thờ và cả đoàn người đi dọc theo đường Trần phú từ phía đình tiến đến Điện Thánh Mẫu (nơi thờ Mẫu Thiên Y A Na), dẫn đầu là đội khèn, trống "bát âm" tiếp theo là ban tế lễ bận lễ phục có Long Đỉnh đi trước để rước sắc thần của vua Khải Định về Đình Làng.
Sau buổi tế lễ dân làng mới tập trung vào ăn uống và bàn việc chung của làng, qua đó mới kể cho con cháu nghe về những người có công tạo dựng nên làng. Đến tối bắt đầu khai hội...Kết thúc lễ hội, Ban tế lễ lại đưa sắc thần về cất tại Điện Thánh mẫu.
Nhìn lại lịch sử, Đình lương Khế từ khi lập đền đến nay đã gần 100 năm tuổi, trải qua biết bao biến cố lịch sửngôi đình đã bị hư hỏng và mất mát rất nhiều về những di vật trong di tích. Phần kiến trúc bị thay đổi, các phần lễ hội bị lãng quên không còn tổ chức nguyên vẹn như xưa. Sau ngày giải phóng, việc chia tách phường lại chia cắt làng Lương Khế cũ thành nhiều khu vực khác nhau (phường Quyết Thắng, Phường Thắng Lợi...) do đó, người dân làng cũ bị tản mác, không còn điều kiện gắn bó như trước.
Ngoài ý nghĩa là một chứng tích của người Kinh lên lập nghiệp sớm ở Kon Tum. Đình Lương Khế còn là một công trình kiến trúc dân gian của người Việt ở vùng miền Trung Việt Nam có mặt sớm ở Tây Nguyên cần được bảo tồn gìn giữ. Bên cạnh là một di tích về kiến trúc dân gian, cùng các di vật lịch sử được lưu giữ tại đình đã góp phần làm phong phú thêm vốn di sản văn hóa của địa phương và là tư liệu quý phục vụ cho công tác nghiên cứu lich sử, địa chí của tỉnh nhà. Sự có mặt của người kinh làng Lương Khế ở đây đã góp phần lớn công sức của họ trong quá trình khai phá để biến một vùng đất hoang vu thành những làng xóm trù phú, những ruộng rẫy tốt tươi, phố xá sầm uất ở Kon Tum như ngày nay.
Tường Lam
(Theo CTTĐTTKT)
_______________________________________________

2. ĐÌNH LÀNG Ở PHỐ NÚI


Đình làng là công trình kiến trúc gắn bó với cư dân vùng đồng bằng từ rất xa xưa. Nhưng, ở ngay trung tâm thành phố Kon Tum thuộc khu vực Tây Nguyên này, cũng có những mái đình làng sừng sững "thi gan cùng tuế nguyệt". Những ngôi đình hoà nhập trong một không gian rộng lớn của vùng đất với những mái nhà Rông truyền thống, góp mặt cho sự đa dạng, phong phú của văn hoá các dân tộc Kon Tum.

Đình Lương Khế
Cùng với sự có mặt và định cư ngày càng đông của cư dân người Kinh trên đất này, những ngôi đình được lần lượt xây dựng vào những năm đầu thế kỷ XX. Ngôi đình đầu tiên được xây dựng là Đình Lương Khế, đến nay đã gần 100 năm tuổi. Năm 1913, sau hai  năm lập làng Lương Khế, dân làng cùng nhau xây dựng một ngôi đình giữa làng làm nơi thờ thần hoàng bản xứ, mong cho thần linh phù hộ, che chở cho dân an cư lập nghiệp. Đình được xây dựng bước đầu bằng mái tranh, vách nứa, nền đất. Mặt Đình quay về hướng nam và nằm trên khu đất cao. Đình xây dựng theo kiểu chữ "môn". Chính điện thờ Tổ Hùng Vương. Dãy nhà hướng nam thờ các vị tiền hiền có công khai phá xây dựng làng. Dãy nhà hướng bắc là nơi dân làng hội họp trong các ngày lễ hội. Nhà chính điện ba gian, kiểu kiến trúc nhà kho của người Việt, bờ nóc gắn hình "lưỡng long chầu nguyệt", bốn đầu đao mái trên, mái dưới đều gắn dây cuốn. Sau những lần tu bổ, mái đình được lợp lại bằng ngói vảy, tường xây bằng gạch, sườn gỗ. Trên đầu nóc đắp đôi lưỡng phụng chầu nguyệt, các hàng cột ở tiền sảnh được khắc hình rồng. Ngày 26-6-1925, Vua Khải Định ban Sắc thần cho Đình Lương Khế. Đình còn lưu giữ được nhiều di vật cổ thời vua Khải Định và vua Bảo Đại cho đến ngày nay. Đình Lương Khế hiện tọa lạc tại đường Trần Phú, thành phố Kon Tum.
Khuôn viên di tích LS-VH đình Trung Lương.
Cùng một mục đích thờ cúng thần linh, cầu mong sự yên ổn và thịnh vượng cho dân làng, các đình Trung Lương, Võ Lâm cũng được xây dựng.
Đình Trung Lương, xây dựng năm 1917. Là nơi thờ thần Hoàng Bổn Cảnh, mang đậm tín ngưỡng văn hoá dân gian của khu vực miền Trung. Ngày nay, Đình Trung Lương tọa lạc tại góc ngã tư đường Phan Đình Phùng - Phan Chu Trinh, thành phố Kon Tum. Tại Đình hiện còn lưu giữ các di vật có giá trị rất lớn về mặt lịch sử văn hoá của địa phương (01 chiếc mõ, 01 giá để chiêng, chế tác năm Bảo Đại thứ 11, 01 tấm hoành phi, 02 giá bát bộ có niên đại cùng với Đình).
Di tích LS-VH đình Võ Lâm
Đình Võ Lâm, niên đại 1935, sau khi thị xã Kon Tum được thành lập (năm 1929). Đình được xây dựng tại trung tâm làng Võ Lâm, tổng Tân Hương, đạo Kon Tum. Hiện Đình toạ lạc tại vị trí góc ngã tư đường Bà Triệu - Mạc Đĩnh Chi, thành phố Kon Tum. Khi xây dựng, diện tích toàn bộ khuôn viên của Đình rộng 10.000 m2. Đình Võ Lâm cũng là một công trình kiến trúc dân gian cổ của người Việt thuộc khu vực miền Trung Việt Nam. Kiểu kiến trúc hình chữ "Đinh", gồm nhà Tiền đường, Chánh điện, nhà thờ Tiền hiền và nhà Nhóm. Hiện nay đình vẫn còn lưu giữ được một số hiện vật có giá trị.
Trước đây, khi các ngôi đình được lập nên, dân làng đều cử một người đứng ra trông coi đình. Người này được gọi là Chủ tạo. Những linh vật của đình được chủ tạo cất giữ và đem ra lau chùi cẩn trọng mỗi khi chuẩn bị tổ chức tế lễ. Ngày nay, đình vẫn được những người có trách nhiệm giữ gìn, trông nom. Tại đây diễn ra các lễ tế và là nơi nhân dân trong, ngoài tỉnh thường xuyên đến dâng hương, cầu an.
Sự hiện hữu của những ngôi đình với những giá trị lịch sử - văn hóa có ý nghĩa rất lớn trong tiến trình lịch sử xây dựng vùng đất Kon Tum, góp phần đánh dấu sự giao thoa, hội nhập văn hoá của người Kinh trong nền văn hóa đa dạng của cộng đồng các dân tộc Kon Tum. Ngày 03-8-2007, đình Trung Lương và Võ Lâm đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định công nhận là di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh. Đây là 2 trong số 17 di tích lịch sử, văn hoá, danh thắng cấp quốc gia và cấp tỉnh của Kon Tum đã được công nhận tính đến thời điểm hiện nay. Riêng Đình Lương Khế, hiện đang hoàn tất hồ sơ đề nghị công nhận di tích.
Trần Lê
(Nguồn: CTTĐTTKT)
___________________________________________

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét