Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Chủ Nhật, 30 tháng 12, 2012

NHÀ THỜ CHÍNH TÒA KON TUM TRÒN 100 NĂM TUỔI (1913-2013)



Năm 2013 - kỷ niệm tròn 100 năm Nhà thờ Chính tòa-Gỗ Kon Tum được xây dựng (1913-2013). 
“NHÀ THỜ CHÍNH TÒA KONTUM NHƯ DI SẢN CHẲNG NHỮNG CỦA TỈNH KONTUM, MÀ CÒN MANG TÍNH THẾ GIỚI CÓ MỘT KHÔNG HAI VỀ NHIỀU MẶT: NHƯ LÀ MỘT KIẾN TRÚC ĐỘC ĐÁO TẦM CỠ QUỐC TẾ, NHẤT LÀ DI SẢN TÔN GIÁO VỀ MẶT TÂM LINH, BẢO TỒN VĂN HÓA, NGÔN NGỮ, CHỮ VIẾT, ÂM NHẠC…. TRONG MỘT VÙNG ĐẤT NHIỀU BẢN SẮC DÂN TỘC (Lm Nguyễn Hoàng Sơn).
kontumquehuongtoi trân trọng giới thiệu bài nghiên cứu sau đây của Lm Gioakim Nguyễn Hoàng Sơn, trưởng Ban Truyền Thông GP Kon Tum. Bài viết đã được đăng tải nhiều lần, mới đây được đăng lại trên trang web của Gp Kon Tum: http://giaophankontum.com, ngày 30.12.2012.
Xin trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc gần xa.
---------------------------------------------------

Nhà Thờ Chính Tòa KonTum 


 


 Nhà thờ Chính toà Kontum hiện nay

Nhà thờ Chính toà Kontum làm bằng danh mộc, tồn tại đến ngày hôm nay. Ai đi ngang qua cũng thán phục khen ngợi tài khéo léo của những người xây dựng nên nó; nhưng thiết nghĩ ít ai biết cặn kẽ, đầy đủ và rõ ràng về lai lịch ngôi thánh đường này hình thành như thế nào. Chúng tôi xin mạo muội trình bày cách vắn gọn về ngôi Nhà thờ Chính toà Kontum, như để đánh dấu 95 năm tính từ ngày khởi công xây dựng (1913-2008) và 90 năm kể từ ngày khánh thành (1918-2008) và làm phép thánh hiến ngôi nhà thờ cổ kính, thân thương của các Kitô hữu thuộc Giáo phận Kontum, một giáo phận đã có bề dày lịch sử 160 năm (1848-2008). Chúng tôi dựa vào những văn bản viết như tiểu sử của Cha Bề trên Vialleton Truyền, Cha Joseph Décrouille Đệ, Cha Bề trên Kemlin Văn, các cha liên hệ và các bản tường trình hằng năm về Trụ sở Hội Thừa sai Hải ngoại Paris (MEP) của các Giám mục Đại diện Tông toà Đông Đàng Trong năm 1913 và 1918, cũng như Nguyệt san Hlabar Tơbang 1913 của Địa phận Kontum, và các chứng từ của các cha đặc trách Nhà thờ Chính toà trong những năm qua.
Chúng tôi xin trình bày tập nghiên cứu về cội nguồn lai lịch xây dựng Nhà thờ Chính toà Kontum trong hai phần chính:
PHẦN I: Quá trình xây dựng, bảo quản ngôi thánh đường Kontum đến năm tu sửa (năm 1994-1997)
PHẦN II: Tu sửa năm 1994-1997 và hiện trạng Nhà thờ Chính toà Kontum.

PHẦN 1:  NHÀ THỜ CHÍNH TOÀ KONTUM  – QUÁ TRÌNH XÂY DỰNG, BẢO QUẢN VÀ TU SỬA 

I. CHUẨN BỊ, KHỞI CÔNG XÂY DỰNG
1.  Tên và tước hiệu nhà thờ
Nhà thờ Chính toà Kontum hôm nay mang nhiều tên và tước hiệu khác nhau qua các giai đoạn:
Giai đoạn khi bắt đầu xây dựng (1913): Nhà thờ được gọi là NHÀ THỜ LÀNG KONTUM, vì nằm trong Plei Kontum Kơnâm (làng Kontum Kơnâm), NHÀ THỜ ĐỊA SỞ KONTUM, vì nhà thờ chính của nhiều làng hợp thành một địa sở (“Địa sở” tiếng dân tộc Bahnar có nghĩa là “Tơring”). Người ta gọi ngắn gọn là Nhà thờ Kontum.
Năm 1932, khi vùng truyền giáo Kontum tách khỏi Địa phận Qui Nhơn và được nâng lên thành Địa phận Tông toà Kontum, nhà thờ được mang tên và tước hiệu là NHÀ THỜ CHÍNH TOÀ KONTUM, vì nhà thờ trực thuộc quyền Giám mục, trung tâm phụng vụ và nơi thực thi quyền giáo huấn của giám mục cho toàn thể địa phận.
Thập niên 90, khi phát triển ngành du lịch, người dân thường có thói quen “coi mặt đặt tên”, “xem mặt mà bắt hình dong” nên đã gọi Nhà thờ Chính toà Kontum với tên bình dân là “NHÀ THỜ GỖ”, vì vật liệu xây dựng là gỗ quý hiếm.
Nhưng dù tên nào đi nữa, Nhà thờ Chính toà Kontum là Trung tâm Tôn giáo của toàn địa phận, nơi quy tụ tất cả giáo dân trong địa phận về dự lễ hoặc trong dịp sinh hoạt tôn giáo cả giáo phận và cũng là nơi được coi như một trong nhiều điểm du lịch trên vùng đất Tây Nguyên đáng mọi người đến tham quan.
2.  Quá trình hình thành Nhà thờ Kontum
Cha Do đặc trách Trung tâm Truyền giáo RƠHAI (Tân Hương ngày nay) cho xây dựng nhiều nông trại và gửi thầy Thám là em ngài đến khai khẩn vùng đất bồi gọi là TUM, nằm phía đông Rơhai vài cây số. Khi cơ sở do thầy Thám xây dựng bên bờ hồ Dak-Tum đã hình thành, có nhà ở, có  rẫy lúa, có dân cư, cha Hòa từ vùng người dân tộc Pnong (cũng gọi là Mnong vùng Dăklăk ngày nay), vì không thể tiếp tục ở điểm Truyền giáo Pnong, đã dẫn một số gia đình người dân tộc Pnong thật sự tòng giáo và người giúp việc, kẻ ăn người ở cũng như một số thầy giảng về Trung tâm Truyền giáo Rơhai [1]. Cha Bề trên phái Cha Hoà làm phó Cha Do, phụ trách khu vực mới khai khẩn  Dak-Tum này vào năm 1856.
Cha Hòa được đồng bào Kinh và dân tộc rất mến phục. Làng Môer về ở với Cha. Dần dần làng Kontrang-Ôr không chịu được thái độ hung hãn của các tên đầu sỏ trong làng, nên cũng kéo về sáp nhập xóm Dak-Tum của Cha, làm thành một làng lớn. Từ đó, Dak-Tum được đổi thành làng KONTUM cho đến ngày nay.
Dần dần, vài năm sau đó, số người dân tộc xin gia nhập ngày một đông thêm, nhất là sau khi hình thành được làng Kontum, ngài cố gắng làm một nhà nguyện nhỏ cho những người khai khẩn vùng đất TUM và cho dân làng bằng tranh nứa đáp ứng nhu cầu tôn giáo.
Năm 1890, Cha Vialleton Truyền được cử làm Bề trên vùng thừa sai Kontum. Ngài ra sức xây dựng được một thánh đường theo phong cách Tây Nguyên trong suốt 5 năm. Năm 1894, ngài rời nhiệm sở Kontum đi dưỡng bệnh tại Hồng Kông; tại đây, ngài cho in quyển sách “Cuộc Đời Chúa Giêsu Kitô” tại nhà in Nazareth. Tháng 7 năm 1895, ngài trở về nhiệm sở tại Kontum, và ngài đau lòng khi thấy nhà thờ phải mất 5 năm để hoàn thành nay bị hoả hoạn thiêu rụi, cùng với nhà xứ của ngài. Nhiều gia đình dự tòng lung lạc đức tin đã bỏ cuộc. Ngài đành làm lại một nhà thờ tạm bằng tranh để dâng lễ và để dân làng tập trung đọc kinh hôm sớm cho đến khi ngài qua đời ngày 11-11-1908 [2].
II. XÂY DỰNG NHÀ THỜ ĐỊA SỞ KONTUM
1. Cha Joseph Deucrouille Đệ
Người khởi công trực tiếp xây dựng nhà thờ địa sở (Tơring) Kontum còn tồn tại đến nay chính là Cha Joseph Décrouille Đệ. Chúng tôi xin ghi lại quãng đường linh mục của ngài gắn chặt với việc khởi công một công trình kiến trúc độc đáo là ngôi thánh đường cổ kính làm bằng gỗ này.
Cha Joseph Décrouille Đệ thuyên chuyển về địa sở Kontum


a. Tiểu sử

CHA JOSEPH DÉCROUILLE ĐỆ sinh ngày 17-12-1881, tại WISSANT, thuộc địa phận ARRAS, vùng PAS-DE-CALAIS. Gia đình ngài gồm 7 người con, trong đó có 4 người là linh mục: hai thuộc Giáo phận ARRAS, 2 thuộc vùng thừa sai KONTUM, và một nữ tu thuộc Dòng Phaolô thành Chartres.

Vào tháng 10-1894, chú Joseph bắt đầu theo học trung học trong Tiểu Chủng viện BOULOGNE, và ngày 13-9-1900 vào Chủng viện Thừa sai Hải ngoại, nơi đây thầy được gặp lại một trong các đồng môn cùng học tiểu chủng viện là M. DENIS, về sau là người sáng lập Dòng Khổ tu Phước Sơn, gần Huế (Việt Nam). Thầy Joseph nhận nghi thức cắt tóc vào ngày 20-9-1901, và các chức nhỏ vào ngày 28-9-1902; lãnh thừa tác vụ Phụ Phó tế vào ngày 26-6-1904, Phó tế vào ngày 24-9-1904, và chức Linh mục ngày 17-12-1904. Ngài được gửi đến Địa phận Tông toà Đông Đàng Trong (Qui Nhơn) và lên đường đến Địa phận Tông toà vào ngày 26-8-1905.
Và Cha Joseph DÉCROUILLE bắt đầu học tiếng Việt tại Sông Cát, một làng gần Toà Giám mục. Tháng 4-1906, Đức cha Grangeon gửi ngài đến vùng dân tộc Bahnar (Kontum). Ngài đến địa sở KON KLONG, một trung tâm gồm hàng chục họ đạo. Vài tháng trước đó, Cha GAILLARD bị tấn công tại chính làng này. Cha DÉCROUILLE bắt tay vào công việc, ổn định nơi ăn ở và một ngôi nhà thờ, ngài quan tâm đến giới trẻ và đã giúp một người con trai chủ làng có ảnh hưởng xin tòng giáo.
Vào năm 1908, cha được bổ nhiệm phụ trách tại KON HNGO (Phương Quý ngày nay) trong một thời gian. Cha VIALLETON Truyền, Bề trên vùng truyền giáo và cũng là chánh xứ KONTUM,  vừa qua đời ngày 11-11-1909, Cha Joseph Décrouille được thuyên chuyển về phụ trách chánh xứ địa sở gồm nửa người Kinh, nửa dân tộc này.
b.  Tai hoạ và cơ may
Một vài tháng ở tại nhiệm sở mới, một trận hoả hoạn thiêu rụi nhà thờ bằng tre tranh nứa của ngài. Trong thảm cảnh buồn thương này, một lá thư từ Pháp báo cho ngài biết em của ngài là cha Jean Baptiste Décrouille[3] sắp tới sẽ lên vùng truyền giáo Bahnar và sẽ mang đến cho ngài một dự án tài trợ của một vị quý tộc nhằm xây một nhà thờ vững chắc, kiên cố tại Kontum.
c. Thiết kế ngôi thánh đường mới
Để lên bản vẻ cho ngôi nhà thờ mới, ngài đã tham khảo kinh nghiệm và hỏi ý kiến Cha Kemlin [4], một kiến trúc sư tài ba. Ngài đã xây dựng ngôi nhà thờ cao vút tương ứng với tháp chuông của nó, các cửa lớn và cửa sổ được chạm trổ hết sức sắc sảo, rất nhiều cột nhỏ được bày biện cách hợp lý chung quanh những bức tường, không ai có thể đoán ra tất cả những phần còn lại được làm bằng đất trộn với rơm [5].
2. Thời gian chuẩn bị  công trình
a. Công trình xây dựng nhà thờ phải mất 3 năm để chuẩn bị
Ngài thuê thợ giỏi đốn những cây gỗ thích hợp, cho voi kéo từ rừng về, để ở những nơi thuận tiện thi công; rồi ngài về Trung Châu thuê thợ mộc và những nghệ nhân điêu khắc, chạm trổ giỏi về tiến hành thi công: các tay thợ được phân công theo từng bộ phận một: xẻ gỗ, cưa ván, đục mộng, xây lò nung gạch ngói… theo nhu cầu thiết kế công trình xây dựng.
b.  Làm Phép khuôn viên xây dựng nhà thờ [6]
Đức cha Jeanningros, Giám mục hiệu toà Havara, phụ tá của Đức cha Grangeon, đi kinh lý và ban bí tích Thêm Sức cho tín hữu vùng truyền giáo dân tộc Tây Nguyên năm 1913 [7]:  Thứ bảy đầu tháng ba, Đức Cha rời  Làng Sông. Dọc cuộc hành trình này, ngài đến Kim Châu, một đêm tại nhà xứ cha Lành, nghỉ qua 2 đêm tại Đồng Phó, họ đạo của cha Ngữ. Thứ hai, ngày 11  ngài  lên đèo An Khê và lên vùng núi. Ngày thứ ba, ngài đã đến Rơhai và được các cha, đại diện ban chức việc và một số giáo dân Kinh cũng như dân tộc đón rước ngài rất long trọng tại đây.
Chúa Nhật Phục Sinh, Đức cha cùng 4 cha dâng lễ long trọng tại nhà thờ Rơhai có đông đảo giáo dân địa sở Kontum, Rơhai và Kon Hara  tham dự. Trong Tuần Bát Nhật, ngài kinh lý và ban bí tích Thêm Sức cho các tín hữu vùng Bahnar Jơlơng. Chúa Nhật cuối Tuần Bát Nhật, ngài ban bí tích Thêm Sức tại địa sở Rơhai. Thứ hai kế tiếp, Đức cha ban bí tích Thêm Sức cho giáo dân địa sở Kontum tại Trường Cuénot. Sau khi ban bi tích Thêm Sức, Đức cha đến làm phép vùng đất sẽ xây nhà thờ, nằm giữa Trường Cuénot và nhà xứ [8] của Cha Đệ [9].
c. Nhà thờ làm bằng gỗ
Bản tường trình vào năm 1913 của Đức cha Grangeon [10], Giám mục Đại diện Tông toà Đông Đàng Trong gửi về trụ sở  Hội Thừa sai Paris (MEP) có đoạn viết như sau:
Nhà thờ Kontum hai lần bị hoả hoạn thiêu rụi trong khoảng thời gian 10 năm với tất cả đồ đạc trong nhà, đã được xây dựng lại, nhờ lòng hảo tâm của một vị ân nhân hào phóng đặc biệt. Không thể dùng đá cũng như gạch để xây dựng, nhưng chỉ có dùng gỗ mới xây dựng với chất lượng cao và kiến trúc sư biết cho ngôi nhà thờ trên xứ Bahnar có dáng dấp ngôi thánh đường chánh toà”.
3. Quang cảnh ngày dựng sườn Nhà thờ Kontum [11]
Chúng tôi xin lược dịch một đoạn viết bằng tiếng Bahnar thuật lại quang cảnh sinh động trong những ngày toàn thể anh em tín hữu họ đạo Kontum, Kinh cũng như dân tộc, chung sức kéo những trụ cột bằng gỗ to nặng để hoàn thành sườn gỗ ngôi thánh đường như thế nào. Cha Bề trên Kemlin vì bị bệnh sốt rét [12] nặng, nên không chứng kiến quang cảnh hồ hởi, vui tươi thể hiện trên nét mặt các vị hữu trách cũng như con chiên họ đạo Kontum:
“Ấm áp của mùa hè! Mặt trời vừa ló rạng khỏi dãy núi phía đông. Lòng người rộn rã như tiếng sấm  mùa hè. Tùng, tùng, tiếng trống vang vội kêu gọi dân làng đến để dựng nhà thờ! Từ sáng sớm, có hai cha là cha Phước [13]và cha Lê đã chuẩn bị đầy đủ, nào dây thừng v.v… Dân Kontum, anh em người Kinh và tất cả người Bahnar ra tập trung để chung sức kéo dựng. Đức cha [14] và các cha đứng gần đó để coi. Gian đầu tiên, người ta kéo từ từ coi thử dây cột có chắc không; biết đã chắc rồi, cha Phước hô một tiếng to: phắt, tùng tùng, ông già đánh trống giữ nhịp độ [15] kéo, người ta kéo các cột từ từ lên và dựng đứng thẳng. Trong lòng mọi người an tâm; họ thấy dễ dàng và không lo gì nữa. Từ sáng sớm đến trưa, người ta dựng được hai gian rồi. Trưa nghỉ ăn cơm. Ăn xong, họ bắt tay vào việc cho đến chiều tối, cũng dựng được hai gian. Ngày hôm sau, cũng dựng được 4 gian nữa; ngày thứ tư đã hoàn tất. Cảm ơn hai cha Phước và cha Lê đã hướng dẫn, chỉ bảo trong công việc dựng nhà thờ  này.
“Trời đẹp quá, nếu sau này làm hoàn thành tất cả, thì sẽ đẹp hơn các nhà thờ khác: chiều dài, cũng dài hơn nhà thờ Rơhai; chiều rộng có phần ngắn hơn đôi chút. Hiện giờ, nhà thờ Kontum này  họ đã lợp tranh. Cho nên, ngày kiệu Thánh Thể, cha Đệ đã dâng Thánh lễ tại đó để cầu xin Chúa ban phúc lành hồn xác cho các ân nhân ngoại quốc đã giúp dân  làng Kontum có nhà thờ đẹp mới này“.
Quang cảnh vui mừng, hồ hởi những ngày dân làng cùng tiếp sức dựng cột kèo, đòn tay dưới sự hướng dẫn của hai cha là Cha Phước và Cha Lê, với tài nghệ khéo léo của các tay thợ mộc từ Trung Châu lên làm theo thiết kế đã vẽ. Tuy nhiên, vì nhu cầu những lễ sắp tới, nhà thờ lợp tạm bằng tranh và cần thời gian hoàn chỉnh hơn.
III. HOÀN CHỈNH
1. Vai trò Cha Bề trên Kemlin Văn

a. Trong lần dựng nhà thờ vào trung tuần tháng 3-1913,Cha Kemlin, lúc bấy giờ làm Bề trên Vùng Truyền giáo Kontum, thay Cha Guerlach qua đời ngày 29-1-1912, đã vắng mặt vì bệnh. Vào cuối năm 1913, ngài bị buộc phải sang Hồng Kông nghỉ ngơi, dưỡng sức.

Sau 6 tháng nghỉ ngơi ở Béthania, Cha Kemlin đảm trách lại sứ vụ, lần đầu tiên tháp tùng Đức cha Jeanningros đi kinh lý mục vụ ở miền Thượng. Vị Đại diện Giám mục, Bề trên Vùng Truyền giáo, đã đồng hành cùng Đức Giám Mục của mình đến tận các làng xa xôi, hẻo lánh nhất.
b. Vào năm 1914, ngài đưa ra ý hướng cần tiếp tục việc xây dựng ngôi nhà thờ Kontum hoàn chỉnh, đáp ứng số giáo dân ngày càng gia tăng, nhưng ít lâu sau, chiến tranh bùng nổ, việc tổng động viên đã lấy đi nhiều nhiệm sở của ngài [16]. Vì Chiến tranh Thế giới I (1914-1917) xảy ra, tiến trình thi công ngôi thánh đường Kontum chậm lại và cũng có lúc bị trì trệ nhiều tháng, nhưng cuối cùng công trình xây dựng ngôi thánh đường Kontum bằng gỗ đã hoàn thành vào đầu năm 1918, nhờ Cha Bề trên Kemlin cùng với Cha Joseph Décrouille phối hợp toán thợ cách khôn khéo và tế nhị. Tạ ơn Chúa, trong trình xây dựng lâu dài và nguy hiểm này không có sự cố trầm trọng gây thiệt hại tính mạng xảy ra.
2. Lễ khánh thành Nhà thờ Kontum
a. Năm 1918, tỉnh Kontum khi đó gồm có 5 quận thị, 38 phường xã, 1 phó tỉnh trưởng, 978 làng Thượng, 210.000 dân cư, trong đó khoảng 15.000 người Công giáo, 153 cộng đoàn Kitô hữu được phân thành 19 địa sở, 1 trường đào tạo giáo lý viên, 1 dòng nữ với 11 tu sĩ, 1 Nhà In và một ngôi thánh đường mới xây dựng xứng tầm với sự phát triển xã hội và số giáo dân ngày càng gia tăng, đó là ngôi Thánh đường Kontum có ngọn tháp 24 mét vút cao.
b. Tường trình của Đức cha Phụ tá Jeanningros gửi về Hội Thừa sai Paris năm 1918 có đoạn:
“Quang cảnh ngày lễ Ba Vua càng trọng đại tại Kontum, nghi thức làm  phép ngôi thánh đường mới đưa vào phụng tự. Đây là một toà nhà rộng rãi và quí giá, được xây dựng bằng danh mộc do Cha Bề trên Kemlin hướng dẫn, và nhờ lòng thiệt thành và rộng rãi tài trợ của Bá Tước De Kergolay; chúng tôi biết ơn cách sâu xa ông Bá tước đã thay thế nhà thờ bằng tranh nứa xưa đã bị hoả  hoạn cách 7 năm về trước bằng ngôi thánh đường đẹp này”.
c. Xây dựng địa sở thành một Đền Thờ sống động
Tuy nhiên, công sức của Cha Joseph Décrouille Đệ quá lớn, chẳng những trong việc khởi công xây dựng Thánh đường Kontum bằng gỗ quý mà còn xây dựng địa sở thành một Đền Thờ sống động với một đời sống nội tâm sâu sắc, tinh thần hiệp nhất trong cùng một đức tin và đức ái giữa các tín hữu Kinh và dân tộc ngày càng cao. Từng hồi chuông từ tháp cao ngân vang lên mỗi ngày quy tụ mọi người  sốt sắng về ngôi Thánh đường để cùng chia sẻ chung một Bữa tiệc Thánh và dâng lời kinh nguyện:
“Ngày 06 tháng 01 năm 1918, Đức cha JEANNINGROS làm phép long trọng ngôi thánh đường này, đã trở thành Nhà Thờ Chánh Toà giáo phận Kontum hiện nay. Trong 10 năm với giao tiếp rất khéo léo tế nhị và điềm đạm trong lời nói, Cha Joseph Décrouille điều hành trực tiếp các công việc tâm linh đạo đức và vật chất; ngài đã được lòng hết mọi người” [17].
IV. MÔ HÌNH NHÀ THỜ
1 -  Mô hình nhà thờ nguyên thuỷ
Vì Chiến tranh Thế giới I xảy ra làm trì trệ nhiều mặt, Nhà thờ Chính toà Kontum xây dựng và hoàn chỉnh phải kéo dài từ giữa tháng 3-1913 đến đầu năm 1918 mới khánh thành. Tuy nhiên, theo thiết kế, đặc biệt phần chính nhà thờ và cung thánh làm trước, mái nhà dần dần thay tranh bằng rui mè tre và lợp ngói vảy. Mặt tiền nhà thờ với ngọn tháp cao 24 mét hoàn chỉnh sau.
Nhà thờ gồm 4 hàng cột dọc chạy dài từ mặt tiền đến phòng áo: 2 hàng cột giữa to, tạo nên gian chính rộng, cao và thoáng mát; 2 hàng cột ngoài, nằm sát vách, là 2 gian phụ với trần nhà thấp hơn. Nhà thờ kiểu nhà cổ lầu thoáng mát với hai mái ngói giữa cao và hai mái ngói phía ngoài thấp hơn. Bốn hàng cột bằng danh mộc trụ trên các đế đá vững chắc, có sức chịu đựng với thời gian, nâng đỡ cả trọng lượng ngôi thánh đường bằng gỗ. Sàn nhà thờ cách mặt đất 8 tấc làm bằng các tấm ván gỗ rộng trên dưới 2 tấc, dày 5 phân, cưa bằng thủ công ghép mộng khít vào nhau; mặt sàn cung thánh ghép ván rộng 10 phân theo hình hoa văn vuông trông rất đẹp mắt.
Ngôi nhà thờ cao tương ứng với tháp chuông của nó, các cửa lớn, và cửa sổ được chạm trổ hết sức sắc sảo, rất nhiều cột được bày biện cách hợp lý chung quanh các bức tường, đặc biệt những hàng cột nhỏ rải chung quanh phía trên vòm, giữa hai hàng cột lớn, nối với nhau bằng các vòng cung gỗ giữ vững chắc phần cổ lầu nhà thờ và trông đẹp mắt; không ai có thể đoán ra tất cả những phần còn lại được làm bằng đất trộn với rơm[18]. Dù vật liệu bằng gỗ, nhưng nhà thờ vẫn mang được phong cách dáng dấp goltique, nhờ hai hàng cột gỗ giữa lớn, cao vút 12 mét liên kết tạo hình vòm, vòng cung, có những hàng cột gỗ tròn nhỏ đỡ các cửa sổ kính phía trên, như ôm trọn những ai vào giữa lòng nhà thờ, cảm thấy mình nhỏ bé trong một khung cảnh đầy màu sắc lọt qua từ những cánh của sổ nhỏ trên cao chiếu xuống, như thấy Đấng Vô Hình đang hiển hiện bao trùm cả không gian huyền bí, và đang mời gọi họ trầm lắng để nghe đâu đó tiếng từ thâm sâu đang thì thầm về cõi phúc.
2. Cha Phước với tài năng khéo léo hướng dẫn trang trí nội thất


Có 3 cung mặt trước bàn thờ, Cha Phước cho chạm trổ tinh vi hình phù điêu “Bữa Tiệc Ly” và trọn vẹn “Kinh Lạy Cha” bằng tiếng Latinh, cũng như trang trí nhà tạm với màu đỏ, có tháp vươn cao, bằng các hoa văn rất đẹp với đường nét sắc sảo.

3. Mặt tiền nhà thờ

        
Nhà thờ Chính toà Kontum năm 1927

Mặt tiền nhà thờ được giữ màu gỗ, gồm 4 cột chính, với hai cột phụ nằm trong, nối kết thành những vòng tròn, màu nhạt hơn, nâng  toàn khối lên càng nhỏ dần, gồm 4 tầng, cao đến 24 mét. Lưng chừng tháp, một ô cửa sổ [19] vòng tròn với nhiều thanh gỗ cong đồng tâm, tạo nên cửa sổ kính màu tuyệt đẹp và trên đỉnh tháp có thánh giá bằng gỗ quý cao vút.
Cha chánh xứ Benjamin Louison, thuộc Hội Thừa sai Paris, của địa sở Kontum, một Trung tâm Truyền giáo người dân tộc Bahnar tại Việt nam, là người rất nhiệt tình, hăng say. Ngài có viết như sau [20]:
“Địa sở Kontum cả lớn nhỏ gồm 1500  tín hữu, một nửa là người dân tộc Bahnar, một nửa là người Kinh. Tôi rất hài lòng khen ngợi con cái của tôi, chỉ tính nội trong một năm từ tháng 07 năm 1926 đến tháng 07 năm 1927 có 34.000 lựơt người rước lễ.
Phía người dân tộc Bahnar có 03 chủng sinh đang theo học Đại Chủng viện Pinăng và 05 tiểu chủng sinh; có 03 đệ tử là những bông hoa tốt đẹp của núi rừng vào dòng để tô đẹp vườn hoa của Chúa.
Phía người Việt, linh mục đầu tiên của địa sở, là học trò cũ của tôi cử hành Thánh lễ mở tay tuần vừa qua. Có 03 thanh niên đã gia nhập Hội Dòng và 06 thiếu nữ tận hiến để phục vụ cho Vị Thầy nhân hậu chí ái.
Về phần nhà thờ, là một công trình xây dựng lớn đã hoàn thành, mặt tiền trang trí rất đẹp, nhưng thiếu nước sơn bền chắc để chống chọi với nước trong mùa mưa gió. Bên trong nhà thờ phần nội thất sẽ bố trí dần dần. Nhà thờ Kontum có một tượng ĐỨC MẸ VÔ NHIỄM được đặt ở trên bàn thờ chính; còn các tượng khác đặt trên bệ gỗ ở các bàn thờ phụ: như tượng Thánh Tâm, thánh Cả Giuse và thánh Nữ Jeanne D’Arc. Tượng thánh Isodore và những chiếc chuông sẽ đến sau. Nhưng khi nào? Khi các cha có tài chánh để đặt hàng và trả tiền chuyên chở”.

PHẦN II: TU SỬA NHÀ THỜ CHÍNH TOÀ NĂM 1994-1997 



Sau 83 năm sau, Nhà thờ Chính toà Kontum mới được tu sửa và nới rộng (năm 1994-1997) dưới thời Đức cha Alexis PHẠM VĂN LỘC. Cha Giuse Nguyễn Thanh Liên Linh mục chánh xứ Giáo xứ Chánh Toà trực  tiếp điều động cho công trình này. Ngày 14-11-1994, sau Lễ mừng thánh Giám mục Stêphanô Cuénot Thể, bổn mạng Bôl Yao Phu, Đức cha Alexis cho khởi công tu sửa Nhà thờ Chính toà Kontum. Ngài chứng kiến quang cảnh khởi công và ngài hài lòng vì khởi đầu đã tiến hành tốt.


Sau khi lên kế vị giám mục tiền nhiệm, Đức cha PHÊRÔ TRẦN THANH CHUNG và cha Giuse Nguyễn Thanh Liên, chánh xứ Giáo xứ Chánh toà, tiếp tục tu sửa các cơ sở khác như đã vạch định dưới thời Đức cha Alexis.

SƠ ĐỒ THIẾT KẾ PHẦN TU SỬA
NHÀ THỜ CHÍNH TOÀ KONTUM







Nhà thờ Chính toà Kontum, theo cách nói thông thường là Nhà thờ Gỗ, vì được làm toàn bằng gỗ. Nhưng với năm tháng, gần cả thế kỷ, không một danh mộc nào có thể chai lỳ đưa lưng để gánh lấy nắng mưa miền Tây Nguyên mà không bị hao mòn, hư hại, mục nát, chưa nói đây là vùng đất mối mọt vào hạng nhất nhì đất nước.
b. Chuẩn bị cho Đại Năm Thánh Giáo phận
Ngoài lý do cơ sở xuống cấp, còn một lý do khác nữa là chuẩn bị cho Đại Năm Thánh Giáo phận, kỷ niệm 150 năm khai sáng Vùng Truyền giáo Tây Nguyên (1848-1998), nên Đức cha ALEXIS PHẠM VĂN LỘC, kế tiếp là Đức cha PHÊRÔ TRẦN THANH CHUNG, Giám mục Giáo phận, đầu tư nhân lực và vật lực tu sửa hai cơ sở chính thuộc Giáo xứ Chính toà. Cha chánh xứ  Giuse Nguyễn Thanh Liên đã cho tiến hành trùng tu, chẳng những ngôi thánh đường, mà còn làm mới nhà xứ và chuyển vào sâu phía trong, và còn nhiều công trình phụ khác.
2. Năm 1994-1995: dự án tu sửa

Cha Giuse NGUYỄN THANH LIÊN, trước tiên được Đức cha ALEXIS và sau đó là Đức cha PHÊRÔ, Giám mục Giáo phận đương nhiệm lúc bấy giờ, uỷ nhiệm công việc trùng tu. Về tài chính, ngài không lo vì mọi chi phí công trình tu sửa Nhà thờ Chính tòa, cũng như cơ sở nhà xứ đã được cả hai Đức cha đảm bảo. Nhưng vấn đề trùng tu như thế nào để giữ được sắc thái Tây Nguyên, vừa rộng để đáp ứng nhu cầu mục vụ ngày càng cao, vừa có bộ mặt lịch lãm đáng cho du khách đến Kontum tham quan ngày càng nhiều?

3.  Tham khảo và tìm kiến trúc sư
Sau khi được Đức Giám mục chỉ đạo, và được linh mục đoàn góp ý, cha chánh xứ Giáo xứ Chính toà đã liên hệ với nhiều kiến trúc sư nhiệt tâm và có năng khiếu với nghệ thuật Tây Nguyên.
Ngài dành nhiều thời gian tìm hiểu, tham khảo các kiến trúc sư có tầm cỡ, trong Sở Xây dựng, cũng như nhiều kiến trúc sư khác. Cuối cùng, ngài gặp được một vị kiến trúc sư lương dân, sinh trưởng tại Kontum, và được hấp thụ nền Kitô giáo nơi Lưu xá Phục Hưng, Dòng Đa Minh Sài Gòn, khi còn học ở Trường Đại học Kiến trúc Sài Gòn từ những năm 50-60 trước đây: kiến trúc sư NGUYỄN HỮU AN.
II. THỰC HIỆN DỰ ÁN
1. Dự án được duyệt xét – sơ đồ thi công

2. Thi công
a. Sau nhiều lần trao đổi và phác hoạ, một đề án được đưa ra và chấp thuận. Phải mất 2 năm hoàn thành bản vẻ: thay các cột đã hư, ván đã mục, nâng các trụ cột bị lún xuống thấp lên cùng một mặt phẳng, gia cố các trụ cột mặt tiền, tra mộng lại những nơi bị xuống cấp, nới rộng hai cánh và phía sau nhà thờ tạo hình thánh giá.

b. Trần nhà thờ: gian giữa cao, hai gian phụ hai bên cánh mặt phẳng, lộ những bộ phận gỗ màu đen, in trên nền vữa trắng, hài hoà với kiểu cách xây dựng cổ kính Việt Nam.

c. Trên các cửa kính có hoạ những hình
trong Kinh Thánh, một số bằng kính màu ghép lại, một số khác bằng chất dẻo trong ngoại quốc có màu sắc đặc biệt và do một nghệ nhân ngoại quốc trực tiếp hướng dẫn trang trí. Khí sắc tôn giáo càng đậm nét sau khi tu sửa lần này.
 
 
d. Mặt tiền nhà thờ khi mới nhìn vào tưởng chừng cao như cũ, nhưng đã tăng cao hơn một thước, theo kích cỡ nhà thờ đã nới rộng ra, tương xứng với hai hành lang hai bên. Cửa sổ vitraux vẫn ở giữa mặt tiền như cũ, chỉ khác là cửa này kết dính bằng nhiều tấm kính nhỏ, các màu sắc tạo hình cảnh Tây Nguyên, có dòng sông Dak-Bla, có mặt trời ánh sáng rực rỡ toả xuống, có chú voi kéo gỗ, và những người dân tộc trong buôn làng… Nhờ vậy, nhà thờ vẫn là gỗ, cân xứng, hài hoà và trở thành điểm du lịch đáng cho cả nước đến tham quan, và cũng để lại cho hậu thế một công trình xây dựng nghiêm túc cần nghiên cứu.


e. Làm thêm hai hành lang hai bên hông nhà thờ, mái theo hình nhiều tam giác cân nối lại: bề thế, đẹp mắt với những hoa văn đơn giản nhưng hài hoà cổ kim, không lấn lướt phong cách của nhà thờ gỗ nguyên thuỷ, cũng không gượng ép trong tổng thể kiến trúc.


PHẦN KẾT
Hằng năm, nhiều khách hành hương về Kontum, nhất là các tín hữu trong giáo phận quy tụ nơi Thánh đường Chính Toà thân thương vào các dịp lễ lớn, cảm thấy một niềm vui khó tả, niềm vui của hậu sinh nhận được quà tặng do các ân nhân trước kia đã trao ban là ngôi Thánh đường cổ kính. Họ cũng biết giữ gìn tài sản và lưu truyền lại cho con cháu cái tinh tuý nhất, đó là đức tin sống động, đức ái phong phú, và sự hiệp nhất trong đời sống chứng nhân Tin Mừng cho thời đại hôm nay, mà mỗi ngày họ được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và bằng bí tích Thánh Thể trong ngôi Thánh đường quý giá này.
Kontum, ngày 1-3-2008
Kỷ niệm 95 năm công trình Nhà thờ Kontum khởi công
Lm. Gioakim Nguyễn Hoàng Sơn

[1] x. Hlabar Tơbang, Giáo phận Kontum, năm 1918, tr. 65-66; và năm 1917, tr. 45-48.
[2] x. Tiểu sử của Cha Vialleton Truyền; x. Notice nécrologique, C.-R., 1909, p. 373 (lưu trữ tại MEP).
[3] Cha Gioan Baotixita Décrouille Tôn thụ phong linh mục vào ngày 27-3-1909 và lên đường đến Địa phận Đông Đàng Trong vào ngày 12-12-1909.
[4]  Bản vẽ thiết kế ngôi nhà thờ Kontum được cha Bề trên Kemlin hướng dẫn và định hình.
[5] x. Tiểu sử của cha Joseph Décrouille Đệ, xin xem [2821] DECROUILLE Elie, Joseph, Jean-Baptiste (lưu trữ tại MEP).
[6]  x. Hlabar Tơbang, năm 1913, số  26, tr. 26.
[7]  x. Hlabar Tơbang, năm 1913, số 26, tr. 26: chuyến đi thăm mục vụ của Đức cha Jeanningros trên vùng Tây Nguyên, trình bày rất rõ những nơi ngài đi thăm cũng như công việc ngài làm.
Theo bản báo cáo năm 1913 của Đức cha Grangeon, Giám mục Đại diện Tông toà Địa phận Đông Đàng Trong cho biết Đức cha Jeanningros đi kinh lý vùng  dân tộc Tây Nguyên lần này từ tháng 3 đến tháng 5-1913.
Theo tiểu sử của Đức Cha Jeanningros (x. Tiểu sử của Đức cha trong văn khố của MEP) cho biết ngài đã đi thăm mục vụ trên miền truyền giáo dân tộc 3 lần, và chuẩn bị đi lần thứ tư, ngài lâm bệnh nặng, nên bị gián đoạn, không thể thực hiện được.
[8] Nhà thờ Chính toà Kontum hiện nay toạ lạc tại vùng đất được làm phép.
[9] Kontum Kơnâm.
[10] x. Bản tường trình của Đức cha Grangeon về MEP năm 1913.
[11] x. Hlabar Tơbang, năm 1913, số  27, tr. 34-35.
[12] Bản tường trình của Đức Cha Grangeon năm 1913 cũng cho biết: Trong lần kinh lý này, Đức cha Jeanningros gặp mặt đông đảo tín hữu Kinh cũng như dân tộc, có các linh mục, trừ  Linh mục Bề trên vùng (Cha Bề trên Kemlin) bị bệnh sốt rét.
[13] Cha Phước tên Pháp là Jannin, tên dân tộc là Phưk; Cha Lê tên Pháp là Guichard, tên dân tộc là Lêh: Tiểu sử của Cha Lê dựa theo văn khố MEP: “Cậu Jean Jacques Guichard sinh ngày 23-9-1880 tại St Just Malmont, thuộc địa phận Le Puy. Sau khi đã hoàn tất chương trình học ở hai Chủng viện Verrières và Alix, ngày 10-9-1902, thầy Guichard gia nhập Chủng viện Hội Thừa sai. Ngày  10-3-1906, thầy Guichard được thụ phong linh mục, tiếp đó, ngày 26-4, ngài đã lên đường truyền giáo tại Địa phận Đông Đàng Trong.
Đến Việt Nam, ngài gặp lại người anh cả là cha Laurent, nhà truyền giáo của Địa phận Bắc Đàng Trong, và đã chết tại Montbeton ngày 30-12-1910.
Thể theo nguyện vọng, Cha Guichard được làm việc truyền giáo cho người Bahnar. Sau 3 năm, ngài phải đi nghỉ một thời gian ngắn ở chỗ anh của ngài tại Dang Song, Huế, rồi họ Nhu Ly. Năm 1908, lợi dụng thời gian nghỉ ngơi, Cha Guichard chăm chỉ học tiếng Rơngao. Năm 1914, ngài làm cha sở họ Kon Mahey (…)”.
[14] Đức cha Jeanningros ban bí tích Thêm Sức cho tín hữu Kontum vào ngày Thứ Hai sau Tuần Bát Nhật Phục Sinh, trung tuần tháng 3-1913, và sau Thánh lễ, ngài đã làm phép khuôn viên nhà thờ. Sáng thứ ba kế tiếp, ngài chứng kiến quang cảnh dựng sườn nhà thờ, trong vòng 2 ngày: thứ ba và thứ tư, đã làm xong 8 gian.
[15] Nhà thờ có những cây cột to, dài và nặng, để kéo lên cần có hiệu lệnh chung đã quy định trước bằng trống để nâng lên đồng bộ theo nhịp trống mạnh nhẹ, nhanh chậm, tựa như đua thuyền phải có người giữ nhịp đứng trước mũi thuyền vậy. Còn dựng những cột nhà rông to, nặng, người ta đào một mương dài, một đầu nông, phía sẽ chôn cột thấp hơn theo độ sâu cần thiết, làm điểm tựa ghì cột lại; để cột nằm theo con mương đó và nhiều dây thừng, với sức nhiều người cùng kéo theo một hiệu lệnh chung.
[16] x. Tiểu sử Cha Kemlin, lưu trữ  tại thư viện MEP.
[17] x. Tiểu sử Cha Joseph Décrouille Đệ , lưu giữ tại văn khố MEP.
[18] x. Tiểu sử của Cha  Joseph Décrouille Đệ, xin xem [2821] DECROUILLE Elie, Joseph, Jean-Baptiste (lưu trữ tại MEP).
[19]  Nhà thờ Kontum có nhiều cửa sổ và cửa ra vào ghép kính màu quen gọi là vít-trô (vitraux tiếng Pháp), đặc biệt cửa sổ hình tròn tạo hình đoá hoa ngay mặt tiền nhà thờ.
[20] Như trên, tr. 581.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét