Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Ba, 27 tháng 11, 2012

KONTUM QUÊ TÔI ( Lan man chuyện GIÀ LÀNG)


Kontumquehuongtoi xin trân trọng giới thiệu bài viết dưới đây của Già Làng Y Chang. Già Làng Y Chang là bút danh của Nguyễn Vạn Sự, một người con gốc Kon Tum, hiện sống tại Mỹ.




GìÀ LANG Y CHANG
(thiếu tài dư tật)


KONTUM QUÊ TÔI
(Lan man chuyện Già Làng)

"Quảng Nam hay cãi
Quảng Ngãi hay lo
Bình Định nằm co
Thừa Thiên ních hết"


Không biết mấy câu nói trên đây xuất xứ từ đâu nhưng chỗ nào Già Làng tui cũng nghe người ta nhắc đến rồi phân tách, nhận định, lật qua lật lại vấn đề, suy tư động não để cuối cùng đi đến việc nhất trí mỗi người một ý ! Có điều rõ ràng là bốn "sắc dân" chính này đã lần lượt đến Kontum lập phố chợ khiến người Thượng bung ra chung quanh để làm vòng đai an ninh và "tránh con voi không xấu cái mặt nào". Già Làng sẽ theo thứ tự của bốn câu "thai" này để đánh số đề theo "quan điểm" riêng của mình.

Người Quảng Nam đến Kontum để tiếp tục cuộc tranh cãi trường kỳ bất phân thắng bại giữa Tourane và... Đà Nẳng, giữa Phai Phô và... Hội An. Ngay cả việc "mì quảng" cũng chưa ngã ngũ nên đã đem theo đặc sản này của mình đến phổ biến và trưng cầu dân ý, nhưng không thấy ai mở tiệm cả, chỉ nấu tại gia rồi gánh đi bán vòng vòng kiểu hàng rong. Cũng không hề thấy cái xe đẩy, gõ lốc cốc như "mì gõ". Cho nên mì An Nam Quảng Nam không ăn khách bằng mì Tàu Quảng Châu kế bên tiệm bán gạo Thu Ba của nhà văn Tiểu Thu, tác giả "Tiếng Hót Vành Khuyên" mà Cậu Tư Chơi vừa mới hê lên diễn đàn của bà con mình hổm rày. Già Làng khoe riêng với Cậu Tư Chơi là tui đã có tác phẩm này với lời đề tặng của tác giả từ khuya. Nhân tiện hỏi thăm Quan Thuế Má ngày xưa có ký giấy phạt depot gạo Thu Ba về tội thiếu thuế lần nào chưa. Nếu có thi đừng có mà qua Canada khám bịnh, lỡ sa chân vào phòng mạch Bác Sĩ phu quân của Tiểu Thu thì lãnh viên "xi-a-nuya" là cái chắc. Bà hú luôn đó.


Người Quảng Ngãi không biết lo cái nỗi gì mà đưa kẹo gương, mạch nha di tản chiến lược đến Kontum quảng bá khiến dân Kontum rặt gốc Bà Na phải cà răng căng tai ráo trọi. Lại bị lây nhiễm cái bịnh "hay lo con bò trắng răng" nữa. Hồi đó chưa có nhà nước để mà no (lo.)

Dòng Dakbla gợi nhớ
Người Bình Định lên Kontum chưa quen với gió núi mưa rừng nên phải nằm co... ro vì không đem theo áo ấm mà chỉ đem bánh tráng lên để "đùm bọc" măng le chấm nước mắm é rồi nhai...đứt lưỡi luôn. Già Làng tui thuộc "chi tộc do thái" này. Trong bài viết về Bok Do vừa đăng trên ĐHKT, tác giả Lê Minh Sơn có nhắc đến tên đường Câu Tài (xin đừng lầm là Cầu Tài) tức là tên Nội Tổ của tui Câu Phủ Nguyễn Tài, người đã cùng Bok Do lên khai phá Kontum năm 1847. Bà Nội của Lê Minh Sơn (bà Câu Tin mẹ Cha Ánh) là em gái Ông Nội của Già Làng nên dù muốn dù không thì Lê Minh Sơn cũng là em họ của tui. Ngoài tình bà con ruột thịt ra, Già Làng còn rất thích "văn chương phú lục" của người em họ này.
Bánh tráng của "nẫu "
"Ai về Bình Định mà coi 
Con gái Bình Định cầm roi đi quyền"

Bà Ngoại của Già Làng khá giỏi về môn này nhưng bà không dạy hai anh em tui mà lại dạy cho thằng em con ông chú là Nguyễn Sanh, sau này nó tiếp tục theo học Võ Sư Trịnh Thiếu Anh từ Bình Định lên dạy và bây giờ đã trở thành Võ Sư Thiết Trụ hiện ở Kontum, tuy già mà còn gân lắm. Lý do mà Bà Ngoại không dạy cho anh em tui vì hai đứa có cái tật khó trị là con gái nào có "má bầu nhìn lâu muốn nựng", còn con trai thì đứa mô có "mặt ngầu nhìn lâu muốn đục". Bệnh thì còn chữa trị được chớ tật thì thầy chạy luôn . Thằng em tui có tật mà có tài, còn Già Làng thì thiếu tài mà dư tật.


Người Thừa Thiên mang bún bò giò heo vào nhem thèm dân bản xứ. Nghe nói "tổ sư bà bà" của môn phái này là Mụ Rớt. Tui ghiền món này lắm. Già Làng có thể ăn ngày ba bữa, còn tắm rửa chẳng cần lần nào cũng được. Vậy mà có người còn ghiền hơn tui nữa. Như quan xe tăng Hồ Công đã thường trực đóng đô ngày đêm tại tiệm Đông Ba đường Phan Thanh Giản ngày xưa. Ngoài việc "rao giảng" bún bò giò heo hấp dẫn, người Huế còn gieo rắc giống ớt cay điếng hồn. Cay đến nỗi ớt mọi cũng bỏ chạy ngay "đuôi" luôn, chỉ có người gốc Huệ là coi như pha, cay cỡ nào cũng xơi tái hết. Có lẽ vì vậy mới có câu "Thừa Thiên ních hết".

Bún bò Huế

Trước khi nói về ớt thì Già Làng xin lạm bàn về cái "đuôi". Không phải như Cậu Ba Cẩn lúc nhỏ theo thân phụ đến Kontum lập nghiệp thấy người Thượng thắt cà vạt mà lầm tưởng là mọi có đuôi. Già Làng đã có lần giải bày trên trang web này rồi...

"Đầu trần chân đất tay cầm xà gạc
Dưới thắt cà vạt trên khoác vét tông"


Cũng giống như Kontum có nghĩa là Làng Hồ theo tiếng Bà Na vì Kon là Làng, Tum là Hồ. Tỉnh Pleiku theo tiếng Gia Rai có nghĩa là Làng Đuôi Trâu vì Plei là Làng, Ku là Đuôi Trâu. Tục truyền rằng thuở xa xưa khi tuyển lựa tộc trưởng, dân làng có lệ bắt các trai tráng lực lưỡng trong làng phải đấu võ với nhau để giành cái đuôi trâu, người nào lấy được thì dân làng cho làm tộc trưởng. Từ đó mới có tên Pleiku. Lúc ấy chưa có Già Làng này đâu. Nếu có thì Già Làng cũng không thèm giành giựt đuôi trâu làm gì. Tui chỉ thích tóc đuôi gà thôi.

"Cô kia búi tóc đuôi gà
Nắm đuôi giật lại hỏi nhà cô đâu
Nhà tôi ở trước đám dâu
Ở sau đám mía đầu cầu Dakbla"

Trở lại chuyện ớt, xin đừng nghĩ rằng chỉ có Cậu Ba Cẩn Xa Cừ (ớt Trung Lương), Cậu Tư Chơi Cầu Ba Cẳng (ớt Lương Khế) hay Cô Năm Phương Hướng (ớt Plateau GI) mà thôi nghe. Còn có những trái ớt hoa hậu Thanh, Trí, Tạo (Phương Nghĩa), Minh Hưng (Võ Lâm), Marie Lý (Tân Hương), Y La, Y Blung (Kon Hra), Hoa Mít Nghệ (Phương Hòa), Cà Ung (Ruộng Lào), Măng Rung (Plei Rơhai) v.v...Ngoài ra còn có một trái ớt hiểm cực kỳ cay ở đường Lê Thánh Tôn mà Già Làng quên tên. Hình như là "Trường" hay "Sơn" gì đó.


Ở Mỹ muốn biết về ớt thì nên tham khảo ý kiến với cặp bài trùng Tâm Hà ( Võ Sư Huỳnh Trọng Tâm và Võ Sư Thu Hà). Nghe thiên hạ đồn rằng nẫu trồng nhiều giống ớt lạ rất cay. Già Làng tui chưa có dịp thử nhưng tin chắc là cay lắm vì Thu Hà có tay trồng ớt. Cho dù... "Ớt nào là ớt chẳng cay - Gái nào là gái chẳng hay ghen chồng" nhưng ớt của Thu Hà chắc phải cay hơn nhiều. Viết đến đây thì Già Lang tình cờ đọc được bài thơ "LẠNH" của Huỳnh Trong Tâm vừa gửi cho ai đó không biết. Gửi cho DNA Paris để thử nghiệm chăng ?

Giống ớt lạ của Ông Bà Huỳnh Trọng Tâm sẽ được gửi tặng bạn bè Kontum,nhưng bị ảnh hưởng thời tiết lạnh của xứ người
"Ớt chim" của Ô/Bà DS/BS/VS/CS/NS... Huỳnh Trọng Tâm

"Ớt giống đang ươm vàng
Chờ gởi sang cho bạn
Nào ngờ Đông vừa đến
Cơn gió lạnh phủ phàng
Thổi qua khu vườn nhỏ
Hoa, lá, quả tiêu tan
Nhưng bạn hiền yên chí
Hạt giống sẽ gởi sang"

Ớt Lạ

Sáng chiều tưới nước bón phân
Ớt, su hái được em dâng nhà thờ
Ai ơi xin chớ làm ngơ
Mua giùm gây quỹ nhà thờ biết ơn
Thu Hà

Bà con của Già Làng cũng có "người Việt gốc ớt" khá nhiều. Điển hình như Chú của Cha tui là Bok Phú lấy vợ người Huế họ Hà là chị của Hà Văn Lâu (Kontum), Cựu Đại Sứ Việt Nam tại Liên Hiêp Quốc đó. Đa số dòng họ của tui sống tại Làng Gò Mít (Tân Hương) có nhiếu ruộng đất ở Ruộng Lào (Tân Điền) cho nên người làng Tân Hương "ruộng" lắm chớ không "văn minh" bằng dân xóm ngoài. Dân xóm ngoài có nhà thơ Trang Y Hạ cộng tác thường xuyên với trang nhà ĐHKT, nhà thơ Hoàng Ngọc Ẩn, tác giả bài thơ sáng giá "Rừng Lá Thay Chưa" đã được phổ nhạc thì hầu như ai cũng mến mộ :"Anh đi rừng chưa thay lá. Anh về rừng lá thay chưa". Tác giả dùng đảo ngữ tài tình thiệt. Biết nhà thơ Hoàng Ngọc Ẩn đang ở Houston, TX nhưng Già Làng chưa bao giờ gặp. Mà có gặp cũng chưa chắc gì nhận ra nhau. Như hôm qua thằng Thay và thằng Vẹn có đưa Tâm ở gần Trường Lasan Kontum đến thăm mà Già Làng không tài nào nhận ra, cứ nghĩ là "con chim ngói" Cao Hoàng Định. Mấy tháng trước Lê Văn Sính (Phương Nghĩa) từ Arizona cũng về thăm. Lễ Tạ Ơn năm rồi nhà văn Ngãi Luyền (Nguyễn Lài} có ghé lại đây nhưng năm nay vắng mặt. Có lẽ người đẹp Phường Quí đã xiềng chân bằng sợi "xích thằng" chăng ? Những người Kontum mang tình đồng hương đến với nhau thiệt đáng trân quý.
Nhìn vào các trò chơi "bình dân học vụ" của xóm trong thì biết "trình độ" ngay. Lấy nhà thờ Tân Hương làm ranh giới thì hướng lên Phương Nghĩa là xóm trên, hướng xuống cầu Dakbla là xóm dưới. Chỉ vì câu "Xóm trên ăn...kên kên, xóm dưới ăn đám cưới" mà đám con gái luôn luôn rượt đuổi nhau khi vừa ra khỏi nhà thờ. Hôm nào xóm dưới mạnh thì rượt xóm trên chạy tới nhà ông Xã Ngọc mới thôi. Còn bữa nào xóm trên mạnh thì nạp xóm dưới tới nhà bà Phó Khá mới chịu tha tào. Đám con trai thì thô bạo hơn : "Phương Nghĩa là lỗ...của Tân Hương" được đáp lại là "Tân Hương gặm xương xác chết" rồi thì uýnh lộn. Mạnh rượt, yếu chạy. Mà chạy cũng không dễ gì thoát nạn đâu vì phe mạnh sẽ lấy cây đánh trống phang trúng ống quyển té lòi báng họng luôn.
Còn nhớ lúc Già Làng từ Trường TSQ Vũng Tàu về quê nghỉ hè, một buổi trưa đi ngang nhà thờ Tân Hương thấy một thiếu nữ đang vẽ, tui tò mò tới gần nhìn vào phát họa thì thấy ký tên Bé Ký. Tui ngưỡng mộ lên tiếng: "Chị vẽ nghề thiệt". Chị cười :"Ai tập vẽ cũng được mà". Tui bùi ngùi nhớ lại lớp vẽ ở trường do họa sĩ Đào Nghiệp phụ trách, Già Làng tui là người bị thầy dzớt ót nhiều nhứt. Thầy Nghiệp nóng tánh lắm, ai mà vẽ sai ý là ổng cầm cú nựng sau ót không nương tay, cho nên tui có nhiều cục "ngố" hơn ai hết. Số Già Làng có duyên với các người nỗi danh nên có dịp gặp họ như Họa Sĩ Bé Ký đã nói ở trên. Và một dịp rất tình cờ khác khi Cố Vấn Phòng TLC/BK24 rũ tui cùng ra phi trường Kontum để đón một VIP, khi tới nơi ông cố vấn giới thiệu tui với một người tui thấy quen quen mà không nhớ là ai. Cố vấn Mỹ hỏi tui có biết ai không, tui cười cười...thì ông ta bảo là "Rifle Man" đó. Quỷ thần thiên địa ôn hoàng hột vịt lộn ơi ! Tui đang đứng trước tài tử gạo cội của điệh ảnh Mỹ. Tui không còn nhớ tên ông là gì, chỉ biết là "Rifle Man" đang bắt tay tui. Cho dù những người này không biết tui là ai nhưng tui cũng thấy..."phê" lắm.
Một hình ảnh đẹp về nhà thờ Tân Hương khác nữa là giờ lễ dành cho người Thượng, họ ăn mặc giống y chang dân Chùa ngày xưa. Đó là hình ảnh mà bây giờ hồi tưởng lại mới thấy được chớ hồi đó Già Làng chỉ thích lễ Thượng vào mùa mưa. Biết tại sao không ? Vì mùa mưa thì dưới làng Kon Hra lầy lội nên họ phải đi "cà khêu" lên nhà thờ xem lễ. Họ để cà khêu ở ngoài nên bọn tui có dịp mượn đỡ. Già Làng đi cà khêu "chì" lắm. Tui có thể nhảy cò cò và đá lộn với anh em Hường, Đào con ông Hường say rượu ở gần Mả Thánh nữa. Không biết có phải vì vậy mà sau này thằng Đào đã trả thù đưa em Monica Thục dẫy dụa của tui vào hạ ?! Đúng là hận thù này phải chờ kiếp sau mới trả được chớ bây giờ Monica Thục cũng bèo mà Sự "Cà Lí Lơn" cũng teo ! Thôi cũng đành. Hai đứa mình cùng ca bài "Người Yêu Và Con Chim Sâu Nhỏ" của ngày nào.


Bên ngoài, khu phố nhỏ đã lên đèn. Già Làng bỗng nhớ đến bản "Phố Đêm" của Tâm Anh tui biết là hậu duệ của Chế Bồng Nga và là bạn của ca sĩ Lính Chê (Chế Linh). Tui thích nhạc phẩm này lắm.

"Phố đêm đèn mờ giăng giăng
Màu tím những vì sao gối đầu ngủ yên
Phố đêm nhiều lần suy tư chinh chiến từ lâu rồi với niềm riêng hay ước
Cho tôi mười ngón thiên thần
Cho tôi mười ngón thiên thần
Để tôi dìu người tôi yêu, dìu người không yêu và người chưa yêu..."



Cũng có người hát rằng :

"Báo đăng đàn bà Việt Nam
vì quá mê tiền đô nên bỏ chồng bỏ con
Báo đăng nhiều lần anh khuyên, anh bảo đừng đi làm bỏ bầy con nheo nhóc
Em la rằng quá cù lần
Em răn tiền ai cũng cần
Để em tìm tiền em tiêu, tìm tiền con tiêu, tìm tiền cho anh tiêu..."

Không biết Già Làng viết tầm phào như vậy đã đủ dài chưa để gửi người cầm càng trang mạng Đồng Hương Kontum đang bỏ công "kinh lý" lang thang khắp hang cùng ngõ hẹp trên quê hương. Dù sao thì Già Làng cũng đành phải thất lễ vì còn hái lá é mà quết với cá khô rồi ăn với cơm nguội cũng đủ lãng quên đời.

GIÀ LÀNG Y CHANG


Nhạc phẩm :RỪNG LÁ THAY CHƯA
Thơ : Hoàng Ngọc Ẩn (Kontum)
Nhạc : Huỳnh Anh

(Nguồn: http://www.donghuongkontum.com/index.php?c=article&p=1771)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét