Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Sáu, 21 tháng 3, 2025

Mục Vụ Hôn Nhân Và Gia Đình Trong Bối Cảnh Giáo Phận Kon Tum (Thường Huấn Linh Mục Trẻ, 12-13/02/2025)

Tiếp sau kỳ tĩnh tâm linh mục toàn Giáo phận ngày 11/02/2025, trong 2 ngày 12-13/02/2025 đã diễn ra thường huấn cho các Linh mục trẻ (các cha thụ phong linh mục từ năm 2019) và các Thầy phó tế. Đề tài được chọn cho kỳ thường huấn này là về Mục vụ Hôn nhân và Gia đình.

Những biến chuyển của xã hội đặt ra những thách thức cho đời sống đức tin, nhất là trong lĩnh vực đời sống hôn nhân gia đình. Giáo phận Kon Tum cũng không nằm ngoài những tác động chung ấy, nhưng vì là giáo phận có đông các tín hữu người sắc tộc (chiếm hai phần ba), nên còn có những nét đặc thù riêng, vì thế mà khó khăn lại càng khó khăn hơn, đòi hỏi các mục tử phải hiểu sâu về giáo luật và các giáo huấn của Giáo Hội, đồng thời phải có con tim nhạy bén và thao thức học hỏi không ngừng để chăm lo cho các gia đình công giáo trong giáo xứ.

Trong bài dẫn nhập khai mạc kỳ thường huấn, cha Phêrô Nguyễn Văn Hiền, Giám đốc Chủng viện Thừa sai Kon Tum, phụ trách thường huấn linh mục đã trình bày những suy tư mở đường xoay quanh chủ đề truyền thống gia đình người Việt và vấn đề mục vụ. Truyền thống gia đình đóng vai trò quan trọng. Trở về với truyền thống gia đình là điều cần thiết trong bối cảnh hôm nay, khi mà có nhiều người coi thường hay bỏ quên những giá trị truyền thống tốt đẹp như là hiếu thảo, kính trọng, hòa nhã…và hậu quả của việc xem nhẹ này là sự lên ngôi của lối sống giành giựt, bon chen, ích kỷ, hám danh, hám lợi. Tuy nhiên, khi đón nhận truyền thống thì cũng cần chọn lọc để có thể đáp ứng với đòi hỏi của thời đại và biết tìm tòi, kết hợp hài hòa nét truyền thống bản xứ và nét đẹp nơi các truyền thống của dân tộc khác.

Trong ngày thường huấn thứ nhất (12/02), cha Giuse Trần Ngọc Tín, tiến sĩ giáo luật, cha sở giáo xứ Phú Bổn, đã trình bày với quý cha và quý thầy những quy định về thủ tục hôn phối áp dụng cho toàn Giáo Hội tại Việt Nam, đã được HĐGMVN thông qua trong Hội nghị kỳ I/2024 tại Trung tâm Mục vụ Giáo phận Vĩnh Long. Cha Giuse cũng đã chỉ ra những điểm thêm bớt so với những qui định trước đây, cũng như một số điểm tế nhị cần lưu ý và cẩn trọng khi áp dụng. Tiếp đến, liên quan đến mục vụ hôn nhân và gia đình trong Giáo phận Kon Tum, cha Giuse giúp mọi người có được một cái nhìn tổng quát về hôn nhân Kitô giáo theo Giáo Luật trong những trường hợp khác nhau: Hôn nhân giữa hai người Công giáo; Hôn nhân giữa người công giáo và người ngoại giáo; Hôn nhân giữa hai người ngoại giáo (mà một trong hai hoặc cả hai người trở lại đạo).v.v. Nhìn chung, tuy có khác biệt về văn hóa và ngôn ngữ, người tín hữu Kinh hay Sắc tộc cũng đều phải tuân giữ những quy tắc cơ bản liên quan đến hôn nhân mà Giáo Hội đã đề ra. Vi phạm những quy tắc này sẽ khiến hôn nhân trở thành rối. Và một khi đã bị rối, hôn nhân cần được điều chỉnh lại cho hợp luật.


Vị thuyết trình viên thứ hai trong dịp thường huấn lần này là cha Nicôla Vũ Ngọc Hải, Dòng Anh Em Hèn Mọn. Với kinh nghiệm 21 năm phục vụ tại miền truyền giáo Tây Nguyên, cách riêng cho anh chị em sắc tộc Jrai, cha Nicôla đã chia sẻ những kinh nghiệm mục vụ hữu ích về hôn nhân gia đình trong bối cảnh Giáo phận Kon Tum.

So với người Kinh, gia đình người sắc tộc mang một số những nét riêng, trước hết là định chế “Làng” chi phối tất cả đời sống sinh hoạt của con người, kể cả gia đình. Gia đình được ổn định, củng cố trong cái khung của cơ cấu làng. Tuy nhiên ngày nay cái khung “làng” dần dần bị tan vỡ do tác động của các loại văn hóa khác mạnh hơn, nền tảng gia đình theo đó cũng bị lung lay. Mặt khác, nét riêng liên quan đến cách giáo dục con cái của anh chị em sắc tộc, đó là thương con hơi quá, nuông chìu con, ít nghiêm khắc với con, ít chỉ bảo hướng dẫn cho con, nhất là trong bối cảnh hôm nay. Đa số con cái các gia đình từng được nuông chìu, dần dần tự coi mình là “vô cùng quan trọng”, là “trung tâm’… ngay cả sau khi kết hôn, họ vẫn sống thiếu quan tâm và khoan dung với người khác.

Một nét riêng khác liên quan đến vai trò của người phụ nữ trong gia đình: phụ nữ sắc tộc thường nắm giữ hầu hết kinh tế trong gia đình, phải lo hết mọi thứ. Chế độ “mẫu hệ” là một nét văn hóa độc đáo của người sắc tộc, tuy nhiên, cần phải giáo dục, thích nghi sao cho phù hợp với những giá trị Kitô giáo và nhân bản hôm nay.

Cha Phêrô A Xoang, cha sở giáo xứ Plei Rơhai, với những kinh nghiệm mục vụ cho anh chị em Bahnar, đã trình bày thực trạng của các gia đình ngày nay đang sống và đang phải đối diện, gồm những điểm sáng và những khoảng tối. Về điểm sáng đó là truyền thống đạo đức được hun đúc lâu đời trong các gia đình người Bahnar. Nhiều gia đình trong các buôn làng vẫn luôn ý thức ơn gọi hôn nhân gia đình, sống chung thủy suốt đời dù gặp những hoàn cảnh éo le, thử thách. Các đôi bạn trẻ ý thức phải có thời gian tìm hiểu kỹ càng trước khi tiến tới hôn nhân. Nhiều gia đình trong các xứ đạo cố gắng vun đắp gia đình và nhắc nhở nhau sống đức tin và xây dựng mái ấm ngày càng thuận hòa, hạnh phúc.

Bên cạnh đó cũng có những mảng tối đang bao phủ và đe dọa hạnh phúc gia  đình, trong đó đáng quan tâm hơn cả là vấn đề di dân. Thật vậy, nhiều thành viên gia đình hoặc cả gia đình phải rời bỏ làng quê đi tìm kế sinh nhai  trong những thành phố lớn, từ đó kéo theo nhiều hệ lụy khó lường: vấn đề sống chung như vợ chồng trước khi cưới xảy ra rất phổ biến; sự ích kỷ cá nhân, ảnh hưởng của trào lưu hưởng thụ; sự thờ ơ, nguội lạnh trong việc sống đạo; tình trạng hôn nhân khác đạo và cuối cùng là các gia đình bị đổ vỡ. Đó là những thách đố mà các mục tử đã, đang và sẽ đối diện.

Sau mỗi phần trình bày của mỗi thuyết trình viên, gồm những hướng dẫn mục vụ cũng như những gợi ý để mở rộng suy tư cho những sáng kiến mục vụ hôn nhân và gia đình, các linh mục trẻ và các thầy phó tế đã chia sẻ những nhận định và ý kiến cá nhân dựa trên kinh nghiệm của mình, tại giáo xứ, vùng truyền giáo mình đang phục vụ, với thao thức cùng nhau tìm một đường hướng mục vụ Hôn nhân và Gia đình phù hợp với văn hóa, tâm lý, hoàn cảnh đặc thù của anh chị em sắc tộc; chuẩn bị những vốn liếng hành trang cần thiết nhất cho các đôi bạn trẻ. Các cha cũng đưa ra những sáng kiến mục vụ gia đình cho người di dân, về vấn đề sống chung trước hôn nhân, giúp đỡ các gia đình nguội lạnh tìm lại được niềm vui sống đạo; vấn đề đồng hành với những người ly thân, ly dị.v.v.

Mặc dù những chia sẻ, trao đổi không thể nào thỏa đáp hết những thắc mắc và kỳ vọng, nhưng cũng giúp quý cha, quý thầy phần nào nhẹ lòng vơi đi những ưu tư thao thức đối với sứ vụ hôn nhân gia đình.

Khóa thường huấn kết thúc vào lúc 16 giờ ngày 13/02/2025.

 

Ban Mục vụ Truyền thông GP Kon Tum

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét