“Khâm định Việt sử Thông giám cương mục”, của Quốc sử quán triều Nguyễn, có một ghi chú bên lề: “Theo sách Dã Lục, thì ngày tháng 3 năm Nguyên Hòa thứ nhất (1533) đời Lê Trang Tông, người Tây Dương tên là Y-nê-xu lén lút đến xã Ninh Cường, xã Quần Anh huyện Nam Chân và xã Trà Lũ huyện Giao Thủy, ngấm ngầm truyền giáo về tả đạo Gia tô”. Căn cứ lời chua ấy, một số nhà sử học cho rằng: năm 1533 là mốc lịch sử Tin Mừng truyền vào Việt Nam. Tuy nhiên, sự kiện lịch sử này vẫn còn tồn nghi.
Một số tác giả nghi ngờ “lời chua” sự kiện truyền giáo năm 1533.
Một số bài viết của các nhà nghiên cứu, tiêu biểu như: Chu Thiên, Đinh Xuân Lâm, Trần Thanh Ái, Lm. Bùi Đức Sinh, Lm. Vinh Sơn Trần Minh Thực,... , nghi ngờ về tính chính xác của sách Dã Lục, bởi vì những chi tiết mà “Khâm định Việt sử Thông giám cương mục” dẫn lại từ Dã Lục không phù hợp với những dữ liệu lịch sử.
1. Từ năm 1968, hai tác giả Chu Thiên và Đinh Xuân Lâm[1] có bài viết: Tây dương Gia tô bí lục, một tài liệu lịch sử quý giá, nêu cao tinh thần yêu nước chống xâm lược, đăng tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số tháng 2.1968. Hai tác giả chép: “Chắc chắn là sách Khâm định Việt sử Thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn đã căn cứ vào đấy (Tây dương Gia tô bí lục), nên mới chua: “Lê Trang tông, niên hiệu Nguyên hòa năm đầu, có người Tây là Y-nê-khu lẻn vào truyền giáo ở các làng Quần Anh, Ninh Cường huyện Nam Chân (tức Nam Trực ngày nay) và các làng Trà Lũ huyện Giao Thủy, đều thuộc tỉnh Nam Định ngày nay”[2]. Về thời điểm này, chúng tôi ngờ rằng chưa được đúng với sự thật và cần được nghiên cứu thêm. Những sách cũ của các giáo sĩ Tây phương viết chưa có quyển nào xác minh công nhận. Theo chỗ chúng tôi biết thì thời kỳ này, miền Bắc còn thuộc nhà Mạc (Mạc Đăng Doanh) và trong các sách về truyền giáo của thời kỳ này, không thấy nói đến việc này. Chỉ thấy một số tác giả, các thời kỳ sau nhắc tới sự kiện 1533 ở Đàng Ngoài đã có chỉ dụ cấm đạo do một người ngoại dương tên là Y-nê-khu (Ingace) có lẽ từ Ma-lác-ca sang[3]. Chúng tôi ngờ rằng có thể do hai tác giả Phạm Ngộ Hiên và Nguyễn Hòa Đường, là hai cha dòng Tên đã lầm lấy năm sáng lập ra dòng Tên và tên người sáng lập ra Hội ấy làm thời điểm và người truyền giáo vào Việt Nam chăng. Vì năm Quí tỵ đời Trang tông là năm 1533, liền với năm 1534 là năm một giáo sĩ người Tây Ban Nha là Ingace (I-nê-khu) de Loyola sáng lập ra một giáo đoàn sang Viễn đông lấy tên là Compagnie de Jésus. Những người trong Hội gọi là Jésuites mà sau người ta dịch là dòng Tên. Chính những giáo sĩ dòng Tên là những người phương Tây đến nước ta đầu tiên”[4].
2. Sách Giáo hội Công giáo ở Việt Nam của Lm. Bùi Đức Sinh, xuất bản ở Canada năm 2002, chép: “Ở Việt Nam, “Khâm định Việt sử” có ghi tài liệu như sau “Năm Nguyên Hòa nguyên niên (1533) đời Lê Trang Tông, có một dương nhân tên là I-Ni-Khu đi đường biển lén vào giảng đạo Gia-tô ở làng Ninh Cường, Quần Anh thuộc huyện Nam Chân và làng Trà Lũ thuộc huyện Giao Thủy”[5] . Đây là vị thừa sai thứ nhất được nói đến trong lịch sử Việt Nam. Giáo sĩ I-Ni-Khu là người nước nào và thuộc dòng tu nào? Không một sử liệu nói rõ. Có tác giả cho người là một Linh mục dòng Đaminh Tây Ban Nha, nhưng cũng có tác giả khác nói I-Ni-Khu thuộc dòng Phan-xicô hoặc dòng Tên quốc tịch Bồ Đào Nha…[6]. Nói tóm, ngoài những chi tiết mà “Khâm định Việt sử” kể lại, chúng ta phải kết luận như Bonifacy rằng: “Người ta không biết gì hơn về vị giáo sĩ có tên là I-Ni-Khu”[7]. Chúng ta cũng không cần quan tâm nhiều đến sử liệu này, bởi vì tuy có trong “Khâm định Việt sử”, nhưng không phải ở phần “chính sử” (chữ lớn), mà ở phần “dã sử” (chữ nhỏ)”[8].
3. Tài liệu Hội Thánh và Quê hương, thường huấn cho Linh mục đoàn Giáo phận Bắc Ninh, tháng 6 năm 2018, chương II - Một đôi nét về những cuộc bách hại đạo thuở ban đầu và dưới thời nhà Nguyễn, Lm. Trần Minh Thực, đã nhận xét: “Chúng ta dễ dàng nhận thấy sử quan nhà Nguyễn chép lại sự kiện đã được sử quan nhà Lê biên soạn và bổ sung thêm một số thông tin. Đặc biệt, sử quan nhà Nguyễn ghi thêm chú thích về các tên gọi Tây Dương, Hoa Lang và Gia tô. Riêng với tên gọi Gia tô, sử gia triều Nguyễn đã đưa ra thông tin về việc về giáo sĩ người Tây dương tới truyền đạo vào năm Nguyên Hòa nguyên niên, 1533. Những chi tiết này khiến nhiều học giả lấy mốc này như khởi thủy việc rao giảng Tin Mừng tại Đàng Ngoài. Chúng tôi nghĩ rằng cần phải xem xét lại các thông tin của sử quan triều Nguyễn liên quan đến tên gọi này… Thực ra, Dã lục không phải là tên sách, mà là cách gọi chung những ghi chép trong dân gian, tức không phải sử kí chính thức của triều đình. Xét về mặt thông tin, lời chú của bộ Khâm định Việt sử Thông giám cương mục giống với quyển 9 cuốn Tây dương Gia tô bí lục đến kì lạ[9], dù hai sách này thuộc những thể loại văn chương rất khác nhau. Chúng tôi xin nêu ra ở đây những chi tiết giống nhau của hai văn bản này:
- Mốc thời gian: Lê Trang Tông Nguyên Hòa nguyên niên;
- Nhân vật I-nê-khu;
- Các địa danh: Ninh Cường thuộc Nam Chân; Ninh Cường, Quần Anh, Trà Lũ”[10].
4. Tạp chí Xưa & Nay, số 530, 4.2021, có đăng bài viết của tác giả Trần Thanh Ái[11]: Người Bồ Đào Nha đến Đại Việt, ông nhận xét: “Mặc dù sự việc chỉ được ghi lại trong Dã lục, và không thấy tài liệu nào của Bồ Đào Nha ghi về việc truyền giáo trong giai đoạn này, nhưng không vì thế mà phủ định ghi chép trên… Tuy nhiên, nhiều chi tiết cho phép nghĩ rằng Dã lục mà Khâm định Việt sử Thông giám cương mục sử dụng để nói về người Tây dương đến truyền đạo chính là tài liệu Tây dương Gia tô bí lục, vì các chi tiết liên quan đến việc các nhà truyền đạo Thiên Chúa vào nước Đại Việt của hai tài liệu này trùng khớp với nhau hoàn toàn”.
Theo Trần Thanh Ái, sách Tây dương Gia tô bí lục, chép: “Nước ta về thời Hậu Lê đời vua Trang Tông Dụ hoàng đế, năm Quí Tị niên hiệu Nguyên Hòa thứ I (1533), giặc Tây sai giám mục khâm mạng là Ingatiô[12] lẻn vào lén lút truyền đạo ở làng Ninh Cường, huyện Nam Chân”[13].
Ở một đoạn sau đó, Tây dương Gia tô bí lục có các chi tiết khiến người đọc nghi ngờ về độ chính xác của thông tin trên: “Về sau môn đồ của Ingatiô đều được phong làm giám mục, xin được lấy tên thánh của thầy làm tên của dòng đạo. Nhưng Ingatiô khiêm tốn không dám nghe theo, chỉ lấy tên Jêsu làm tên gọi của dòng”.
Thế nhưng, dòng Tên Jesus[14] được thành lập năm 1540 theo sắc chỉ (bulle) Regimini militantis ecclecsioe của Đức Giáo Hoàng Paul III. Vì thế, năm 1533 không thể là cái mốc thời gian cho dòng Tên truyền đạo ở Đại Việt, và chi tiết “Nhưng Ingatiô khiêm tốn không dám nghe theo, chỉ lấy tên Jêsu làm tên gọi của dòng” khiến người đọc nhận ra ngay sự không chính xác, bởi vì người thành lập dòng Tên là Ignacio de Loyola mãi đến năm 1537 mới được phong Linh mục và ông cũng chưa bao giờ đặt chân lên vùng Viễn Đông.
Và việc đào tạo Linh mục người bản xứ chỉ mới được đề cập cho đến khi A. de Rhodes kiến nghị với Đức Giáo Hoàng trong cuộc diện kiến ở Roma năm 1649, sau khi trở về từ Đại Việt. Vì thế, có lẽ sớm nhất phải đến cuối thế kỷ XVII mới có linh mục thụ phong[15] thì không thể có chuyện “môn đồ Ingatiô đều được phong làm giám mục”.
Tác giả Trần Thanh Ái cũng dẫn chứng thêm: “theo J.G. Mendoza, vào thế kỷ XVI, vua Tunquin[16] đã nhiều lần sai người mời các nhà truyền giáo ở Macao đến giảng đạo, nhưng Tỉnh dòng Macao vì không đủ người nên không thể đáp ứng được yêu cầu ấy. Vì thế việc lén lút giảng đạo không thể xảy ra vào thời ấy được”[17].
Trần Thanh Ái đúc kết: Các điều trên khiến người đọc phải nghi vấn về tính chính xác của nhiều chi tiết trong Tây dương Gia tô bí lục, nhiều nhà nghiên cứu gọi là truyện ký dã sử. Tóm lại, những chi tiết mà Khâm định Việt sử Thông giám cương mục dẫn lại từ Dã lục là không phù hợp với những dữ liệu lịch sử đã được xác nhận.
5. Ngày 2.11.2021, trên trang Giáo phận Qui Nhơn - https://gpquinhon.org đăng bài viết: Thực hư có giáo sĩ I-Nê-Khu lén truyền đạo ở Đại Việt năm 1533? của Linh mục Võ Đình Đệ, có dẫn chứng.
Về sử liệu dòng Phan sinh Tây Ban Nha:
“Biên niên sử của Tỉnh dòng Phanxicô Tây Ban Nha và các tài liệu sử liên quan có nhắc đến thành viên của Tỉnh dòng là Linh mục Martin-Ignatio de Loyola, cháu thánh Ingatio de Loyola, trên chuyến hải trình khởi hành từ Macao đi Malacca vào ngày 31.12.1582, có ghé vào bờ biển Đại Việt nhưng không thể ở lâu vì phải đi Malacca. Trong thời gian ngắn lưu lại Đại Việt, cha ghi nhận người dân ở đây sẵn sàng đón nhận Tin Mừng và tha thiết xin được đón nhận Phép rửa…”[18].
Về tên gọi thừa sai Ingatio (I-Nê-Khu, Y-Nê-Khu, I-nê-xu):
“Các Dòng Đaminh, Dòng Phan sinh Bồ Đào Nha, Dòng Tên, Dòng Phan sinh Tây Ban Nha là những Dòng có liên quan đến việc truyền giáo ở Á Đông từ thế kỷ XVI. Trong số các Dòng nầy có những thừa sai có tên gọi Ingatio. Tuy nhiên, hành trạng của thừa sai Ingatio có liên quan đến sự kiện năm 1533 mà Tây Dương Gia tô Bí Lục và Khâm Định Việt Sử nói đến, hiện chưa được tìm thấy trong các nguồn sử của các Dòng. Các tác giả viết sau này cũng chỉ căn cứ vào Khâm Định Việt Sử để nói về mốc điểm Kitô giáo được du nhập vào Việt Nam”…
Linh mục Võ Đình Đệ đi đến kết luận: “Sự kiện và nhân vật mà Tây Dương Gia Tô Bí Lục và Khâm Định Việt Sử viết về mốc điểm truyền giáo ở Việt Nam là một vấn đề tồn nghi lịch sử, thậm chí là sự bịa đặt của Tây Dương Gia Tô Bí lục, không thể tin tưởng”.
Về bài phản biện của tác giả Bùi Công Thuấn
Sau khi bài viết của Lm. Võ Đình Đệ đăng tải, tác giả Bùi Công Thuấn có bài viết phản biện bài viết của Lm. Võ Đình Đệ, đăng trên blog: http://buicongthuan.wordpress.com, ngày 9.11.2021; Giáo phận Qui Nhơn đăng trên trang: http://gpquinhon.org, ngày 15.11.2021.
Tác giả Bùi Công Thuấn cho rằng: “Các nhà sử học Công giáo như Phan Phát Huồn CssR, Hồng Lam, Lm Trần Anh Dũng (Paris)… và Giáo hội Công giáo Việt Nam đều lấy năm 1533 là mốc lịch sử Tin Mừng truyền vào Việt Nam. Căn cứ để chọn năm 1533 là thông tin trong Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, quyển XXXIII, trang 6 B (1856-1884), một chính sử của Việt Nam”.
Theo chúng tôi, thứ nhất: việc ghi nhận sự kiện năm 1533 của các nhà sử học Công giáo, tác giả Bùi Công Thuấn dẫn trên chỉ là ý kiến cá nhân của tác giả; ngược lại, có những ý kiến nghi ngờ sự kiện năm 1533 của các nhà sử học và các Linh mục như tôi đã nói ở trên. Điều quan trọng là “Giáo hội Công giáo Việt Nam lấy năm 1533 là mốc lịch sử Tin Mừng truyền vào Việt Nam” như Bùi Công Thuấn nói, thì không thấy tác giả chứng minh: được công nhận ở văn bản nào của Giáo hội Công giáo Việt Nam ?
Thứ hai: tác giả Bùi Công Thuấn cho rằng: “Căn cứ để chọn năm 1533 là thông tin trong Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, quyển XXXIII, trang 6 B (1856-1884), một chính sử của Việt Nam”. Bùi Công Thuấn không để ý hay cố tình lờ đi, nội dung này được chép ở “phần chua” – phần chú thích, để tham khảo thêm. Trong sách Giáo hội Công giáo ở Việt Nam, Lm. Bùi Đức Sinh có ghi rõ: “không phải chính sử”. Và có lẽ, tác giả Bùi Công Thuấn cũng không lạ gì việc có những tồn nghi trong chính sử của nước ta mà giới sử học ngày nay chưa làm sáng tỏ được.
Tác giả Bùi Công Thuấn lập luận: “Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục là chính sử, nên nếu có “tục biên” cũng phải căn cứ vào Chính sử (là Đại Việt sử ký toàn thư) không thể “sao chép” lại một “dã sử” như Tây Dương Gia tô Bí lục… Về khoa học nghiên cứu lịch sử, Tây Dương Gia Tô bí lục không phải là một văn bản khả tín để tham khảo. Quốc sử quán triều Nguyễn khi viết Khâm Định Việt Sử thông giám cương mục không thể dựa vào một văn bản không có thật (bởi Văn Hoằng-tác giả của Tây Dương Giatô bí lục chỉ có một bản sao và đã cất giấu đi không ai biết) để viết lịch sử”.
Và tác giả Bùi Công Thuấn khẳng định: “Vậy nếu Khâm Định Việt Sử thông giám cương mục có ghi “lời chua” về “dã lục”, chắc chắn đó là dã sử của Đăng Bính. Bởi vì phần chính sử đã chép của Đại Việt Sử Ký Toàn thư, thì phần chú thích (Lời chua) cũng sẽ lấy nguồn “dã sử” từ chính sử. Không thể chép phần đầu của Đại Việt Sử Ký Toàn thư, còn phần “Lời chua” lại chép của Tây Dương Gia Tô bí lục”.
Cuối cùng Bùi Công Thuấn kết luận: “Nói vắn tắt, Khâm Định Việt Sử thông giám cương mục là chính sử, thì chỉ có thể viết tiếp nối chính sử trước đó là Đại Việt Sử Ký Toàn thư. Không có chuyện Quốc sử quán triều Nguyễn lại dựa vào một loại “ngụy thư” như Tây Dương Gia Tô Bí lục để viết chính sử” [19][19].
Căn cứ cơ sở khoa học nào để tác giả Bùi Công Thuấn “chắc chắn đó là Dã sử của Đăng Bính” ? Và dựa vào đâu để Bùi Công Thuấn khẳng định: “phần chính sử đã chép của Đại Việt Sử Ký Toàn thư, thì phần chú thích (Lời chua) cũng sẽ lấy nguồn “dã sử” từ chính sử. Không thể chép phần đầu của Đại Việt Sử Ký Toàn thư, còn phần “Lời chua” lại chép của Tây Dương Gia Tô bí lục” ?
Tác giả Bùi Công Thuấn trong bài viết này, thường xuyên dùng từ khẳng định “chắc chắn” để bảo vệ quan điểm của mình, phủ nhận quan điểm trái chiều của người khác, nhưng lại dựa trên những suy luận và lập luận không có gì chắc chắn. Xin thưa tác giả Bùi Công Thuấn, đây là vấn đề tồn nghi lịch sử, chúng ta cần những chứng cứ khoa học để xác tín, chứ không thể suy diễn chủ quan, cảm tính và đơn giản như vậy, rồi đi đến khẳng định một sự kiện lịch sử.
XEM CÁC BÀI LIÊN QUAN
1. Thực hư có giáo sĩ Inêxu lén truyền giáo ở Đại Việt năm 1533 (gpquinhon.org)
2. Năm 1533, Tin Mừng truyền vào Việt Nam (gpquinhon.org)
[1] GS. Đinh Xuân Lâm – Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, người đứng đầu trong tứ trụ ngành sử học Việt Nam: “Lâm-Lê-Tấn-Vượng” (Phan Huy Lê, Hà Văn Tấn, Trần Quốc Vượng)
[2] Lời chua ở Việt sử Thông giám cương mục, quyển 33, tờ 6b.
[3] Romanet du Caillaud. Tiểu luận về nguồn gốc đạo Thiên Chúa ở Bắc kỳ và các xứ An Nam (Essai sur les origines du christianisme au Tonkin et dans les pays annamites); (Paris, 1915); Bonifacy. Đạo Thiên Chúa ở xứ An Nam từ buổi đầu đến thế kỷ XVIII (Les débuts du christianisme en Annam des origines au commencement du XVIIIè siècle), Hà Nội, 1930.
[4] Chu Thiên - Đinh Xuân Lâm. Tây dương Gia tô bí lục, một tài liệu lịch sử quý giá, nêu cao tinh thần yêu nước chống xâm lược. tạp chí Nghiên cứu Lịch sử, số tháng 2-1968, tr. 58.
[5] Khâm định Việt sử Thông giám cương mục, XXXIII, 6b.
[6] Báo Tông đồ, Sài Gòn 1949, số 14. Tr. 15 có viết: I-Ni-Khu là một giáo sĩ dòng Tên. Souvignet: Variétés Tonkinoises, Hanoi 1903, cũng ức đoán I-Ni-Khu thuộc dòng Tên. Caratini Grandjean: Le Statut des missions en Indochine, Hanoi, tr. 24 viết: Giáo sĩ I-Ni-Khu có lẽ thuộc dòng Đaminh hay Phan sinh, quốc tịch Bồ Đào Nha. Nhiều tác giả theo ý kiến này.
[7] Bonifacy. Sđd, tr. 4.
[8] Lm. Bùi Đức Sinh O.P.,M.A. Giáo hội Công giáo ở Việt Nam, xuất bản ở Canada năm 2002, tr. 54-56.
[9] Nguyễn Khắc Thuần. Đại cương lịch sử văn hóa Việt Nam, tập 4, Hà Nội 2012, tr. 215-218.
[10] Lm. Vinh Sơn Trần Minh Thực. PSS. Hội Thánh và Quê hương, Tài liệu thường huấn cho Linh mục đoàn Giáo phận Bắc Ninh, tháng 6-2018, chương II - Một đôi nét về những cuộc bách hại đạo thuở ban đầu và dưới thời nhà Nguyễn, tr. 22-25.
[11] PGS. Trần Thanh Ái nguyên giảng dạy Trường Đại học Cần Thơ.
[12] Người dịch phiên chuyển sai, lẽ ra phải là Ingacio (tiếng Latin là Ignatius), nhưng cho biết “nguyên thư phiên là YnêKhu”.
[13] Tây dương Gia tô bí lục, 1981.
[14] tiếng Latin là Societatis Iesv, tiếng Bồ Đào Nha là Companhia de Jesus, và tiếng Pháp là Compagnie de Jésus.
[15] Ngày 31.3.1668, Giám mục Lambert de la Motte truyền chức linh mục cho người Việt đầu tiên là linh mục Giuse Trang. (Xem A. Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine 1658-1823, Paris 1923, T.I, trang 62)
[16] Người Bồ Đào Nha gọi Tunquin để chỉ kinh thành “Đông kinh”. Mendoza không cho biết vị vua ấy tên gì, nhưng nhà Mạc chiếm giữ Đông kinh từ 1527 đến 1593. Như vậy, lúc ông đến Macao (1577-1581) thì Mạc Mậu Hợp đang đóng đô ở Đông kinh, tức Thăng Long, còn vua Lê phải rút về cố thủ ở Thanh Hóa và Nghệ An.
[17] GONZALEZ DE MENDOZA, Histoire du grand royaume de la Chine, situé aux Indes orientales…, Paris 1589, tr. 300-300b.
[18] GONZALEZ DE MENDOZA, sđd, trang 304b.
[19] Bùi Công Thuấn. Năm 1533, Tin Mừng truyền vào Việt Nam. http://buicongthuan.wordpress.com, ngày 9-11-2021; http://gpquinhon.org, ngày 15-11-2021.
(Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả, không đại diện cho tiếng nói của trang WQN)
Tác giả bài viết: Nguyễn Thanh Quang
Nguồn: gpquinhon.org
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét