Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Chủ Nhật, 4 tháng 1, 2015

Lễ Hiển Linh, suy nghĩ về truyền giáo


Các vị Đạo sĩ, những nhà truyền giáo loan báo về Con Thiên Chúa ra đời 

Mùa Giáng sinh đang dần kết thúc, và chúng ta đang chuẩn bị đón mừng Lễ Hiển Linh. Đại lễ này giúp chúng ta gợi nhớ lại câu chuyện tuyệt vời về việc các vị Đạo sĩ đến triều bái Chúa Hài Nhi – Họ, những nhà thông thái diệu kỳ đến từ Phương Đông, mang theo vàng, mộc dược, nhũ hương đến Bê-lem thờ lạy Chúa Giê-su, ánh sáng của muôn dân.

Khi nói về Lễ Hiển Linh nghĩa là chúng ta đang nhắc đến sứ mạng truyền giáo, là loan báo về Đức Giê-su Ki-tô cho toàn thể nhân loại trên thế giới này.


Hình mẫu về việc dấn thân cho sứ mạng truyền giáo chính là bản thân Các vị Đạo sĩ. Chúng ta hầu như không biết nhiều về họ. Chúng ta chỉ biết một ít thông tin như : họ đến từ Phương Đông, trên đường đi, họ chỉ nhìn lên bầu trời, và đi theo sự dẫn đường của một ánh sao lạ tỏa sáng với một niềm hy vọng rằng đó chính là dấu chỉ của Thiên Chúa.

Họ đã nhìn thấy nó và đã đi theo.

Đó chính là vì sao loan báo về Vị Vua của Israel ra đời : Ngài là Vua  các Vua, Chúa các Chúa. Lúc đầu, họ đã đến xin Vua Hê-rô-đê chỉ đường với lòng kính trọng và đầy thiện chí, nhưng Vị Vua này đã không ngần ngại lừa dối họ. Họ lại tiếp tục lên đường trong khi “ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông, lại dẫn đường cho họ đến tận nơi Hài Nhi ở, mới dừng lại. Trông thấy ngôi sao, họ hết sức vui mừng. Họ vào nhà, thấy Hài Nhi với thân mẫu là bà Maria, liền sấp mình bái lạy Người, rồi mở bảo tráp, lấy vàng, nhũ hương, và mộc dược mà dâng tiến. Sau đó, họ được báo mộng là đừng trở lại gặp vua Hêrôđê nữa, nên đã đi lối khác mà về xứ mình. (Mt 2, 9-12) 

Các vị Đạo sĩ đến thờ lạy một hài nhi bé nhỏ trong vòng tay của Đức Mẹ Maria, bởi vì chính trong Ngài, họ nhận ra được một nguồn ánh sáng bao trùm nhân loại đã dẫn đưa họ trên đường: ánh sáng của vì sao lạ và ánh sáng đến từ Thánh Kinh. Họ cũng nhận ra chính Ngài là Vị Vua Do Thái, là vinh quang của Israel, và còn là Vị Vua của muôn dân, muôn nước.

Biểu tượng của Các vị Đạo sĩ trong Mùa Giáng sinh mang đầy ý nghĩa tượng trưng ,vì đó cũng là lời mời gọi và thách đố cho chúng ta từ Biến cố Giáng sinh :
khả năng nhìn thấy những dấu chỉ về sự hiện diện của Thiên Chúa trong cuộc đời chúng ta và trong thế giới xung quanh; sự nhẫn nại trong việc tìm hiểu chân lý được mạc khải cho chúng ta; sự kiên tâm cho đến ngày tận thế chúng ta gặp gỡ Thiên Chúa; niềm hân hoan, việc thờ lạy và những lễ vật chúng ta tiến dâng Ngài; sự thay đổi đời sống của chúng ta sau khi gặp gỡ Chúa giống như các vị đạo sĩ trở về nhà trên một con đường khác sau khi thấy Chúa Hài Nhi.
Thiên Chúa, Đấng là ánh sáng của muôn dân đã tỏ lộ cách trọn vẹn chính mình nơi hành trình và chính bản thân các vị Đạo sĩ. Họ chính là những nhà truyền giáo đầu tiên rao giảng về Thiên Chúa xuống thế làm người. Việc Gặp Gỡ Đức Ki-tô tại Bê-lem đã không giữ chân họ ở lại nhưng thúc đẩy họ dấn thân trên mọi nẻo đường đời . Ngôi nhà thờ, ngôi nhà của Thiên Chúa, nơi chúng ta gặp gỡ, thờ lạy và dâng lễ vật lên Ngài, chỉ là nơi khởi điểm cho sứ mạng của chúng ta mà thôi. Vì sau đó chúng ta luôn được mời gọi lên đường, mang Chúa Giê-su đến với mọi người, gần và xa. 

Thiên Chúa đã luôn biểu lộ tình yêu và lòng nhân  hậu của Ngài đến từng Người Ki-tô hữu chúng ta, do đó, chúng ta lại được mời gọi:
"Kể cho muôn dân biết Người thật là vinh hiển,
cho mọi nước hay những kỳ công Người làm!" (Tv 96:2-3) Quà tặng Giáng sinh phải được mang đến với mọi người, mọi thời, mọi nơi, để một ngày kia chúng ta có thể nói trong sự thật rằng:
“Toàn cõi đất này đã xem thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa chúng ta.” (Tv 98: 3)

Vì thế, giờ đây sứ mạng của từng người môn đệ của Đức Ki-tô phải thực thi, đó là: Trở thành những nhà truyền giáo không biết mỏi mệt, lòng đầy hân hoan loan báo Tin Mừng, để khắp nơi trên mặt đất này, ai ai cũng được nhận biết Ngài và sứ điệp Cứu độ của Ngài.

Bài do Lm Antôn M.D. Phan Tự Cường, OP
Nhà thờ Kon Rơbàng gởi đến ngày 03.01.2015

Xem và tải bài có minh họa hình ảnh dưới đây:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét