Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Sáu, 5 tháng 4, 2013

Amai B'Lan - Đường về Krông Pa (5)



Amai B'Lan
(Trích bút ký " Nước Mắt Của Rừng")

Tôi dự định ở lại Ayunpa thêm vài ngày nữa thì cha Gioan cho người đến tìm tôi vào một buổi sáng thứ tư. Cha nhắn rằng cha đang ở bên Trung tâm, có muốn về Krông Pa cùng cha thì qua. Tôi đã cho cha biết là tôi ở nhà ami H’siu từ khi tôi tới đây, có lẽ cha mong tôi và cũng muốn gặp tôi nên mới cho người qua báo như thế. Ami H’siu không muốn tôi đi chút nào vì chẳng mấy tin tưởng vào cái thân hình ốm nhom của tôi, cứ sợ qua cầu gió bay hoặc đổ bệnh nên dặn dò đủ thứ, nhất là chuyện ăn uống. Thực sự, tôi cũng đang rất tò mò về cha, vì những ngày ở đây, tôi nghe mọi người nói về cha khá nhiều, nên đồng ý đi ngay. 


Krông Pa – bút kim (tác phẩm của Trần Văn Thi)

Người ta dẫn tôi thẳng ra phía sau nhà ăn của Trung tâm và nói tôi chờ một chút. Lát sau, cha chạy xe honda về, xách theo cái lồng chim, bên trong có một con chim vàng anh rất đẹp. Cha mặc cái áo khoác kiểu Liên Xô rộng thùng thình cộng với cái mũ bảo hiểm trùm kín đầu trông giống người chạy xe ôm hơn tu sĩ. Cha có đôi mắt sâu và gương mặt dài, thân hình cao to lực lưỡng. Mái tóc búp bê dài chấm ót. Chân đi đôi dép phao đen bụi bặm. Tôi đã quen nhìn các cha (triều) trong diện mạo chỉnh tề, nên không khỏi ngạc nhiên. Cha vừa nhìn cái valy đã đoán ra được tôi là ai, liền đi tới bắt tay và hỏi:
Sao? Đã sẵn sàng về Krông Pa chưa?

Dạ, con lên đây để về đó mà cha.

Cha cười sảng khoái, kiểu cười giòn tan của người đi tu. Thế là hai cha con lên đường về Krông Pa trong buổi sáng hôm ấy.

Từ Ayunpa về Krông Pa chỉ dài có 25 cây số thôi nhưng đi mất gần một tiếng đồng hồ vì đường lổm chổm ổ gà, có những đoạn đang sửa bụi bay mờ mịt, phải leo qua một dãy núi cao chót vót đỉnh còn mù sương rồi đổ xuống đèo Tôna đầy những khúc cua chết người. Cha nói những tay tài xế xe container chở hàng từ Tuy Hòa về Ayunpa ớn nhất đoạn đèo này vì rất dễ lật xe. Chính cha cũng đã xuống “đo đèo” hai lần rồi, may mà có Chúa đỡ nên không sao. Người ta đang làm một con đường khác dưới chân núi để xe cộ không phải qua đèo nguy hiểm. Nhưng từ đỉnh đèo nhìn xuống, một quang cảnh hùng vĩ mở ra trước mắt tôi. Núi đồi trùng điệp xếp lớp bên nhau không biết đâu là điểm dừng, phía dưới chân núi, người dân đương dọn nương rẫy, từng cụm khói trắng bay lên, tan loãng vào không gian hoặc lơ lửng lưng chừng núi tạo thành làn sương huyền ảo. Sông Pa uốn lượn núi đồi như vòng tay ôm lấy buôn làng dọc bờ  sông. Những mái nhà sàn lợp tôn lấp lóa trong ánh nắng buổi sáng. Tôi thấy quang cảnh này thật quen, dường như đã thấy ở đâu đó rồi. Trong tiềm thức hay trong những giấc mơ, tôi không rõ, nhưng tôi cảm thấy một sự gần gũi như đã từng đến đây.

Lúc chạy xe ngang qua buôn Phùm Gi, cha đưa tay chỉ những ngôi nhà sàn lụp xụp, nhà xây cấp bốn nằm khép nép gần nhau nói:
Đây là dân Israel, dân nghèo nhất trong các buôn ở Krông Pa, khổ nhất và ít học nhất. Cha muốn con về đây dạy học cho họ.

Sao cha ưu tiên cho con toàn cái “nhất” không vậy? 

Vì con tới sớm nhất và vì họ cần người giúp nhất.

Thật không ngờ buổi nói chuyện phiếm hôm đó lại trở thành sự thật sau này.

Ngay cạnh Phùm Gi là công trường ngổn ngang đá tảng và máy xúc của công ty Hoàng Anh Gia Lai. Cha kể họ đang xây thủy điện, những ngôi nhà cấp bốn tôi vừa thấy khi nãy là nhà dân trong vùng quy hoạch bị giải tỏa dạt về. Nhà nước lấy đất rồi bán cho công ty Hoàng Anh lấy tiền mà không trả cho dân một đồng bồi thường, đến khi người dân khởi kiện thì chính quyền đưa bộ đội về đàn áp. Tôi ngoảnh đầu nhìn lại Phùm Gi, sau làn bụi mờ, chỉ thấy vài nóc nhà rúm ró đứng giữa đất trời hoang liêu.

Về tới Ia R’siơm, cha rẽ vô một con đường đất đầy phân bò dẫn vào buôn Ơi Nu. Đầu buôn có trường làng gồm bốn phòng học dành cho học sinh cấp một. Hai bên đường là những ngôi nhà sàn, vách gỗ mái tôn, một kiểu nhà đặc trưng của người Jrai bây giờ. Thỉnh thoảng cũng có nhà xây kiểu người Kinh nhưng vẫn thường giữ lại ngôi nhà sàn bên cạnh. Vài chú heo mọi chạy lăng xăng trên đường. Mấy đứa nhỏ da đen nhẻm, quần áo lếch thếch chạy theo xe mừng cha đã về. Cuối con đường, ngôi nhà nguyện da cam hiện ra rực rỡ trên phông nền bàng bạc của buôn làng. 

Đấy là một khu đất rộng gần hai sào, bốn bề đã xây tường cẩn thận, một phần đất đang cất nhà dở dang, phần còn lại ngổn ngang đất cát, sắt thép xây dựng. Nhà có ba phòng phía dưới, gác trên dùng làm nhà nguyện. Có một cái cầu thang bên hông nhà dẫn thẳng lên nhà nguyện. Nhà nguyện đơn sơ, nền gỗ đóng chiếu, không có cửa nẻo gì cả, ai muốn tới giờ nào cũng được, nên cha nói rằng đây không phải là nhà của cha, mà là nhà của dân. Trước đây, trong buôn của người Jrai thường có một ngôi nhà rông, đó là ngôi nhà của mọi người trong làng. Tất cả những việc chung đều diễn ra ở đó. Nay trong buôn không còn nhà rông nữa, người Jrai xem nhà nguyện như nhà rông vậy. Cha kể, cha làm nhà nguyện chính quyền bắt gỡ xuống, không cho làm. Giờ cha quay sang xây nhà ở, gác phía trên làm nhà nguyện, họ không cớ gì bắt bẻ được đành chịu. Tôi đã biết chính quyền không hề dễ chịu với các vị thừa sai, nhưng không ngờ sự việc lại khó khăn đến vậy. Sau này, khi đã về Sài Gòn rồi, tôi muốn đưa một nhóm bác sĩ lên khám bệnh cho người dân nhưng chính quyền không cho. Lần khác vào dịp tết, một nhóm sinh viên tình nguyện xin lên tổ chức sinh hoạt vui chơi với các em dân tộc, chính quyền cho nhưng khi tới nơi, bắt làm đủ thứ thủ tục và đưa công an đến khủng bố tinh thần đến mức nhóm chẳng dám quay lại. 

Bước vào nhà, tôi gặp cha Micae còn rất trẻ đang lúi húi nấu ăn. Nhà bếp chưa có nên nấu tạm trong phòng ở. Bếp ga đặt trên hai cái thùng sơn rỗng, mắm muối dầu ăn và các thứ gia vị khác để chung trong một cái thau. Nồi niêu xoong chảo treo trong nhà tắm. Hôm nay cha Micae đãi tôi món cá khô, rau muống sốt cà chua và một tô cà pháo trộn nắm nêm. Tất cả đồ ăn để nguyên trong nồi và chảo rồi bày ra giữa phòng. Bàn ghế chẳng có nên cứ ngồi bệt xuống nền nhà mà ăn. Kiểu ăn dã chiến và bữa cơm đạm bạc làm tôi đắng họng khi nghĩ đến các vị linh mục ở Sài Gòn.

Sau bữa cơm, cha Gioan xếp cho tôi ở phòng giữa, cạnh phòng cha. Đẩy cửa bước vào, trước mắt tôi là bao to, bao nhỏ, chén bát, xô chậu, đĩa muỗng để ngổn ngang. Cha giải thích đây là đồ dùng cho những buổi tĩnh tâm lớn, khi tất cả mọi buôn tụ họp về. Cái phòng trông giống nhà kho hơn phòng ở, được cái khá rộng rãi. Tôi xách valy vào phòng, kiếm một góc làm chỗ ở cho mình. Kể ra, tôi còn may mắn chán vì có một cái phòng riêng để ở, không đến nỗi thảm hại như cha Giuse Trần Sĩ Tín phải ngủ ké chuồng dê. Các phòng ngăn cách với nhau bằng những tấm kính lớn. Trong phòng, nhà tắm và nhà vệ sinh chung nhưng chưa có nước, phải kéo nhờ nhà dân bên cạnh. Phía trên là sàn gỗ nhà nguyện, vài khe hở lớn nhìn thấy cả mái tôn. 

Krông Pa lọt thỏm trong một thung lũng bốn bề núi đồi bủa vây của cánh đông Trường Sơn, nên khí hậu đặc biệt nóng hơn các vùng khác ở Gia Lai. Gió cũng nhiều và mạnh đến nỗi các tấm kính trong phòng tôi đã rạn nứt. Nhà nguyện phía trên không có cửa, chỉ có một tấm bạt che tạm bợ cho nắng mưa đỡ tạt vào, gió thấy thế được đà lộng hành, thổi tấm bạt bay phần phật, luồn qua khe hở rít lên từng hồi như ma hú, kể cả ban ngày lẫn ban đêm. Chỉ khi tới đây, tôi hiểu thêm thế nào là “Đỉnh gió hú” của nữ nhà văn Emily Brontë. 

Chiều hôm đó, cha Gioan kêu tôi đi chợ mua đồ ăn cho bữa tối, thích ăn gì thì mua nấy. Ở đây có hai cái chợ, chợ Ia R’siơm chỉ bán buổi sáng, còn chợ Chư Rcăm chỉ bán buổi chiều. Cha chỉ đường sơ sơ rồi tôi tự đi. Tôi vừa dắt xe ra chuẩn bị đi thì có người gọi điện. Đó là Luông, một người bạn Jrai đang học dưới Sài Gòn cùng Mơai, người mà tôi chưa hề gặp mặt. Luông đã sống cùng cha Gioan ở trung tâm ngoài Ayunpa một thời gian, nên khi nghe Mơai nói tôi về Krông Pa giúp cha Gioan thì Luông gọi điện hỏi thăm và đặc biệt dặn dò rằng, nếu có đi chợ nấu ăn cho cha, thì nhớ mua cá vì cha Gioan chỉ ăn cá thôi. Tôi là người không thích ăn cá và ghét nhất là ăn cá nhỏ, vậy mà cha Gioan chỉ thích ăn cá, mà phải là cá nhỏ mới khoái. Thế là suốt thời gian ở với cha, tôi tập ăn cá. Thành thử bây giờ tôi ăn được tất cả mọi loại cá lớn bé mà không ngại gì cả. 

Chợ Chư Rcăm nằm bên dòng sông Pa, băng qua cầu Lệ Bắc là tới. Chợ nhỏ và ít hàng hóa. Lèo tèo vài ba quán tạp hóa, mấy hàng thịt, hàng rau của người Kinh. Người ta đi chợ chiều chủ yếu để mua cá của người Jrai bắt từ sông Pa lên, còn sống tươi ngon hơn chợ sáng. Người Jrai cũng đem rau cỏ ở nhà trồng được ra chợ bán, nhưng kiểu bán không cân đo đong đếm như người Kinh. Ví dụ như họ bán cà, họ không bán theo ký, mà bán theo đống. Họ chia ra từng đống nhỏ nhỏ, có quả to quả bé, quả tốt quả xấu. Mỗi đống chừng hai ba lạng, giá hai nghìn đồng. Người Jrai không biết thương lượng giá cả, hai nghìn thì bán mà ba nghìn thì không, bớt xuống năm trăm cũng không chịu. Cho nên, mua bán với người Jrai miễn trả giá. Nói một là một. Hai là hai. Sau này biết tôi ở nhà cha Gioan, họ bán rẻ đi và còn cho nữa. Trước khi tôi tới, cha phải tự đi chợ nấu cơm. Người ta thấy cha đi chợ mua đồ ăn, tội nghiệp không dám lấy tiền. Vì vậy, khi nào nhà sắp hết quỹ tôi lại chọc cha: “Nhà mình nghèo rồi, cha đi chợ đi.” Cơm tối xong, cha Micae về lại trung tâm ngoài Ayunpa. Từ nay, chỉ còn tôi và cha Gioan ở Krông Pa. 

Khi bóng chiều sụp tối, tôi nhìn thấy những đứa trẻ đi chăn bò về, lặng lẽ và mệt mỏi. Người lớn đi nương về, tay xách cuốc, lưng gùi củi, vừa đi vừa rầm rì nói chuyện. Bên thềm giếng, mấy đứa nhóc tranh nhau múc nước tắm, tiếng la ó đùa giỡn náo nhiệt một góc làng. Ở một mái hiên nhà, người phụ nữ lom khom giã lá mì lốc cốc. Nơi gian bếp bập bùng ánh lửa. Khói lan tỏa buôn làng. Tiếng dế rúc rích kêu. Cuộc sống thâm trầm và bình dị trôi qua, chỉ còn ngửi thấy mùi khói bếp và mùi nồng nồng của phân bò trên đường làng. So với Ayunpa, người Jrai ở Krông Pa còn “nguyên thủy”, đậm chất Jrai lắm. Bao nhiêu điều cha Jacques Dournes viết về người Jrai, ít ra vẫn còn thấy bàng bạc ở Krông Pa. 

Tối nay là tối thứ tư, cả buôn Nu lũ lượt kéo nhau tới nhà nguyện. Họ tới đông đến nỗi ngồi tràn ra cả mái hiên. Mỗi tuần có hai ngày cầu nguyện, vào tối thứ tư và thứ sáu. Những buổi cầu nguyện như thế này thường là để chia sẻ Lời Chúa và kể cho anh chị em nghe về những ơn lành mình đã lãnh nhận được trong ngày qua. Chính vì vậy, buổi nguyện rất đông người tham dự. Tôi thấy người đàn ông Jrai lần giở cuốn Kinh Thánh bằng tất cả sự kính cẩn của mình. Người mẹ địu con trên lưng ngồi lặng im nghe người khác chia sẻ. Những cô gái Jrai cất tiếng hát ngợi khen Đức Chúa và đám trẻ mong chờ cha ban phúc lành. Tôi ngồi đây, nghe họ nói mà chẳng hiểu gì, nhưng tôi có thể cảm thấy sự linh thiêng và tín thác của họ trong những lời nguyện. Họ đến với Chúa mang theo nguyên vẹn con người của họ, vẻ lam lũ khổ cực, áo quần lấm lem bụi bẩn, đôi tay thô kệch chai sạn, bàn chân rạn nứt và ánh mắt xa xăm. Chúng tôi dù là Kinh hay Jrai, thì trong buổi cầu nguyện này, mọi sắc tộc đều vô nghĩa. Chúng tôi trở thành anh chị em của nhau. Chúng tôi trở nên một vì chúng tôi có cùng một Cha trên trời.

Mọi người ra về khi trăng 16 đã lên cao. Bầu trời cao lồng lộng và đẹp như bức tranh hổ phách. Ánh trăng soi tỏ từng ngóc ngách buôn làng. Giữa đất trời thanh khiết này, tôi thấy mình như đang ở một thế giới khác, thế giới của sự bình dị và thánh thiêng.

(Nguồn: VRNs – Gia Lai)


Mời xem thêm tại đây:

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét