Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Sáu, 12 tháng 10, 2012

Lễ hội Mở cửa kho lúa của người Rơ Măm ở Kon Tum


Lễ hội Mở cửa kho lúa hay Tết cơm mới của người Rơ Măm là một trong những sinh hoạt cộng đồng tập trung, chứa đựng, chuyên trở nhiều giá trị văn hóa đặc sắc - Văn hóa tâm linh, văn hóa xã hội, văn hóa nghệ thuật và những khuôn mẫu ứng xử xã hội - cộng đồng đầy tính nhân văn.

Hàng năm, khi công việc thu hoạch lúa rẫy đã xong (tức là khoảng tháng 11-12 dương lịch), khi hạt lúa, hạt bắp, hạt kê đã được đem về cất kỹ trong nhà lúa trên rẫy, người Rơ Măm chuẩn bị các nghi thức cho việc tổ chức lễ hội Mở cửa kho lúa.
 
Lễ hội Mở cửa kho lúa diễn ra trong 3 ngày, nhưng người ta phải chuẩn bị các điều kiện vật chất, tinh thần trước đó cả tháng. Già làng xem ngày và thông báo với Giàng về việc làng chuẩn bị làm lễ hội. Khi ngày giờ đã được ấn định, tất cả gia đình bắt tay vào chuẩn bị rượu, gạo, trâu, bò, heo, gà... Đàn ông "lên dây chiêng", sửa lại đàn; đàn bà con gái khẩn trương rệt nốt những bộ váy áo đẹp cho mình và người thân trong gia đình để kịp mặc trong ngày hội. Thanh niên trai tráng vào rừng tìm cây tre già thẳng ngọn, cây lồ ô giữa bụi để làm cây nêu; những người khác xuống sông ra núi bắt nhiều con cá to, lấy nhiều đọt cây ngọt, mây đắng cho ngày hội thêm nồng...
 
Khi các bước chuẩn bị đã hoàn tất, già làng (chủ lễ) làm cái lễ nhỏ. Lễ vật là một con gà, một ghè rượu để thông báo với Giàng và xin phép để làng làm cây nêu (loong gung găng). Những người khéo tay nhất trong làng được tuyển chọn làm cây nêu cho lễ hội; mỗi người còn lại được phân công theo khả năng của mình. Người thì đẽo cột, đẽo cây;người làm chuỗi dây, làm các tua, đan các hoa văn trang trí hình mặt trời; người tìm các củ, lá rừng để pha màu đen, đỏ, xanh...Khi làm các công đoạn đã xong, người ta lắp ráp các phần lại thành cây nêu lộng lẫy bởi cách trang trí độc đáo những mảng màu và hoa văn, những đường nét duyên dáng, uyển chuyển. Cây nêu được bảo quản cẩn thận, không ai được bước qua hay làm ô uế bằng những hành động phàm tục; bởi theo quan niệm của đồng bào, cây nêu lúc này không còn là cây tre bình thường nữa, mà nó là một vật thiêng, là đường lên xuống-cầu nối, mối liên hệ giữa cộng đồng và thế giới bên trên (Giàng). 
 
Ngay tối đó, các gia đình mang những ghè rượu tới nhà Rông. Già làng làm lễ và thông báo với Giàng về tất cả các bước tiến hành và lễ thức của cộng đồng và công việc tổ chức lễ hội quan trọng này.Khi nghi lễ hoàn tất, mọi người cùng uống cang rượu lễ tại nhà Rông, và mang ý thiêng từ ngôi nhà chung của cộng đồng về từng gia đình mình để làm lễ.
 
Lúc này, mỗi ông chủ gia đình, đóng vai trò là chủ lễ, tiến hành nghi lễ tại gia đình mình. Lễ vật là gà, heo, có khi cả trâu bò và rượu cần. Chủ nhà (chủ lễ) đặt miếng gan của con vật lên tai ghè, gắn một cây nến bằng sáp ong được thắp sáng lên miệng ghè và bắt đầu khấn. Lời khấn bao giờ cũng chuyên chở 3 ý chính là: Thông báo với Giàng về việc gia đình sẽ tổ chức lễ Mở cửa kho lúa vào sáng ngày mai; kể tên các lễ vật và ước muốn, cầu xin cho mùa màng tươi tốt, nhiều ngô, lúa và con người, vật nuôi cây trồng không đau ốm bệnh tật, luôn tươi tốt, phát triển... 
 
Sau lễ, chủ nhà uống cang rượu đầu tiên và mời mọi người cùng chung vui, những người khách của gia đình được quan tâm hơn cả. Suốt đêm hôm đó, các gia đình qua lại thăm hỏi lẫn nhau, uống rượu, ăn thịt và chúc mừng nhau những gì tốt đẹp nhất; thanh niên nam, nữ thì đánh chiêng, chơi đàn và hát, múa tại nhà Rông thâu đêm. Và sáng hôm sau, lễ hội bắt đầu.
 
Ngày thứ nhất:
 
Khi mặt trời vừa thức dậy, các gia đình mang lễ vật nào heo, gà, rượu lên rẫy để Mở cửa kho lúa.Đến nơi, đàn bà nhóm lửa, đàn ông chuẩn bị các điều kiện và nghi lễ cần thiết. Ông chủ làm cầu thang cho hồn lúa theo đó bò về nhà, làm thịt heo, gà cắt tiết, gan con vật đặt lên tai ghè, gắn cây nến nhỏ bằng sáp ong được thắp sáng lên miệng ghè và bát đầu cầu khấn:
 
"Hôm nay gia đình làm lễ Mở cửa kho lúa, chúng tôi đem nào heo, gà, rượu làm lễ vật mời giàng sông suối,Giàng rừng,Giàng nương rẫy, Giàng lúa... cùng chung vui và chứng kiến cho gia đình được mang luá, bắp về dùng và mong cho lúa, bắp trong kho đầy mãi,không bị chuột bọ phá hỏng và cầu mong cho mẹ “lúa” ấp ủ hạt mầm trong kho chờ đợi đến mùa sau nẩy mầm cho cây tươi tốt để được nhiều cái lúa, cái bắp cho dân làng được no cái bụng..."
 
Chủ nhà khấn xong, lấy rượu trong ghè tưới trước cửa kho lúa, lấy máu con vật hiến sinh vẩy lên cửa kho và mở cửa kho để người đàn bà lấy những gùi lúa đầu tiên. Sau đó, chủ nhà cài cành lá xanh lên cửa kho làm dấu và mọi người gùi lúa về làng.
 
Lúc này, tại nhà Rông, già làng tiến hành nghi lễ cộng đồng với sự có mặt của tất cả các chủ gia đình. Khi già làng làm lễ xong, các chủ gia đình lấy ý thiêng từ "Ngọn lửa thần" trên miệng ghè của cộng đồng về nhà mình để nhóm lửa tại từng bếp gia đình và chuẩn bị cho bữa cơm mới đầu năm.
 
Không khí trong làng nhộn nhịp hẳn lên, đàn ông thì chế biến thịt heo, gà..;đàn bà con gái thì giã gạo nấu cơm; tiếng chày rộn ràng, mùi khói bếp, mùi thịt nướng, mùi cơm mới quyện vào nhau thơm lừng cả làng...Trong không khí đó, con người xích lại gần nhau hơn, mối quan hệ cộng đồng được củng cố, lúc này không còn sự phân biệt thành phần, lứa tuổi, họ nói với nhau những điều tốt đẹp nhất. Và cứ thế, họ ăn uống vui chơi nhảy múa từ nhà này sang nhà kia trong mối thân thiện kết đoàn, niềm hân hoan được mùa và tình tương thân, tương ái. Đến chiều, nghi thức dựng cây nêu bắt đầu.
 
Già làng đem một ghè rượu ra trước cửa nhà Rông vùa tưới rượu xuống đất, vừa khấn; sau đó, già làng sẽ đào nhất đầu tiên để quy định lễ trồng cây nêu, những thanh niên sẽ hoàn thành độ sâu của hố. Hố đào xong già làng cùng mọi người tưới rượu xuống hố và khấn. 
 
Dưới sự điều khiển của già làng, cây nêu được dựng lên cao vút, uy nghi trước nhà Rông, Những tua bông màu sắc rực rỡ bay trong gió; những hình trang trí đẹp mắt ẩn tàng, chuyên chở những mã số của tâm linh được cộng đồng gửi gắm vào đó càng tạo nên những điều thiêng liêng, bí ẩn và hùng tráng, sừng sững cùng núi rừng Tây Nguyên bất khuất...Cây nêu thực sự đóng vai trò trung tâm, là linh hồn của cả không gian lễ hội khi già làng trèo lên tận nóc nhà Rông để rước "Giàng nhà Rông" xuống trú ngụ tại "Loong gung găng", để "Giàng nhà Rông" cùng chung vui lễ hội với dân làng.
 
"Giàng nhà Rông", theo ý niệm của người Rơ Măm thì đây là vị Giàng rất quan trọng, chi phối toàn bộ đời sống con người và sự hưng vong của cả cộng đồng. Giàng nhà Rông vừa vô hình, vừa hữu hình. Cái vô hình là niềm tin, sự tin tưởng, là sức mạnh cộng đồng được thổi vào cái hữu hình là Vật tổ-Tô tem, đó là chiếc ngà voi huyền bí và nhưng hòn đá thiêng được cộng đồng gìn giữ cẩn thận và đặt nơi linh thiêng nhất.Nó đã được chuyển giao qua bao đợi,đang tồn tại và có một sức mạnh siêu nhiên,là chỗ dựa tinh thần của cả cộng đồng.
 
Vật tổ được đặt cẩn thận lên cây nêu, trong sự chứng kiến kính cẩn và niềm hoan hỷ của dân làng, người ta vui vì đã luôn cảm được có Giàng trợ giúp, giờ đây lại được Giàng chung vui trong lễ hội.
 
Sau đó, già làng và những người cao tuổi dắt con trâu được chọn và nuôi riêng trước đó cả tháng ở cánh rừng vào cột lễ làm vật hiến sinh cho Giàng. Mỗi gia đình mang tối những ghè rượu ngon xếp thành hàng trong không gian lễ hội; các thiếu nữ mang cối, chày và gùi lúa ra sân…
 
Tiếng cồng chiêng hoà cùng tiếng giã gạo nhịp nhàng của các cô gái tạo ra một bản hoà tấu rộn ràng âm vang cả núi rừng Tây Nguyên. Khi những gùi gạo đã được làm sạch sẽ, tất cả mọi người trong làng đồng loạt ném những nắm gạo vào con trâu hiến sinh và vừa vung gạo vừa đọc lời khấn.
 
“Hôm nay, dân làng làm lễ mở cửa kho lúa, chúng tôi có nào trâu, nào gạo, nào rượu để mời Giàng cùng ăn cùng uống, xin Giàng hãy vui lòng nhận lấy và hãy giúp đỡ chúng tôi có nhiều trâu, nhiều lúa nhiều bắp, để dân làng được no đủ, không đau ốm bệnh tật, không bị con ma rừng, ma suối làm hại, cho dân làng đông con nhiều cháu, để làm được cái nương cái rẫy to hơn, cái nhà cao hơn chắc hơn, tất cả là của Giàng đấy, Giàng hãy nhận lấy và đừng làm điều ác với chúng tôi, chúng tôi đã làm đủ các thủ tục với Giàng rồi đó….”
 
Tiếp đó, mọi người uống rượu cần múa hát, đánh chiêng quanh cây nêu. Những cô gái đem “gạo thiêng” về nhà và tiếp tục nấu bữa cơm tối tại bếp lửa nhà mình. Họ cứ vui như thế, khi mặt trời đi ngủ thì ánh lửa lồ ô bập bùng càng làm cho không gian hội huyền ảo, say nồng…
 
Đêm nay, cả làng không ngủ, cỏ cây cũng thổn thức đón chờ ngày mới, cũng là lúc đội chiêng thanh, thiếu niên với giai điệu rộn ràng của bài chiêng chúc mừng năm mới, họ xuất phát từ nhà Rông và lần lượt tới mọi nhà, đánh bài chiêng cầu chúc cho gia đình năm mới mạnh khoẻ và no ấm. Đáp lại, gia đình nào cũng dành cho họ lời chúc và tình cảm nồng nhiệt nhất. Tùy theo mỗi gia đình mà họ có “thưởng”; có khi chỉ là điếu thuốc, củ khoai hay những gì mà gia đình sẵn có… nhưng đó là cả một mỹ tục, phong cách và biểu hiện văn hoá độc đáo của người Rơ Măm.
 
Ngày thứ hai:
 
Khi con nai rừng đã ra sông uống nước, con sóc tìm quả ngọt trên cây, cũng là lúc đội chiêng hoàn thành sứ mệnh của mình, họ trở về nhà Rông và ngày thứ hai- Lễ hội Đâm trâu bắt đầu.
 
Tiếng cồng chiêng rộn ràng, tiếng hò reo ngân vang, những con dúi lười còn ngủ quên dưới gốc le cũng phải ngơ ngác, lúc này, dân làng lại vung gạo vào con vật hiến sinh và rồi tiếp những ước nguyện của mình, già làng buộc con heo nhỏ vào cây nêu, cắm cần rượu nghi lễ xin phép được giết con trâu cúng giàng:"Hôm nay dân làng làm lễ Mở cửa kho lúa, làng có ăn trâu,đây là con trâu của Giàng, xin Giàng hãy vui lòng nhận lấy và hãy giúp đỡ chúng tôi có nhiều trâu hơn, nhiều lúa nhiều bắp, để dân làng được no đủ...".
 
Đội chiêng-xoang nối thành vòng tròn lớn, ngược chiều kim đồng hồ quanh cây nêu. Già làng làm những động tác nghi thức, sau đó người thanh niên khỏe mạnh được làng tuyển chọn hoàn thành công việc thiêng liêng của cộng đồng. Con vật hiến sinh ngã xuống trong tiếng hò vang của dân làng, không khí lễ hội lúc này lên tới đỉnh điểm, niềm hoan hỉ của dân làng khi đã cảm thấy được Giàng chứng giám. Già làng cắt tiết heo hòa lẫn tiết trâu vẩy lên cột lễ. Nghi thức và hành động đâm trâu hoàn tất, người ta phân công nhau làm thịt trâu.
 
Việc đầu tiên, người ta cắt lấy đầu trâu và treo lên cột lễ trước khi xẻ thịt chế biến các món ăn cho cả làng, những cô gái hối hả nấu cơm lam... Cả ngày hôm ấy dân làng ăn uống tại nhà Rông. Lúc đầu là hành động ăn thiêng, uống thiêng- ăn uống cùng Giàng, ăn uống là hành động truyền giao phép nhiệm màu, là sức mạnh là niềm tin tưởng giữa con người với đấng siêu nhiên, sự cộng cảm giữa cá nhân và cộng đồng, sự lây lan tâm lý tình cảm, để người ta thăng hoa, người ta xích lại gần lại gần nhau...người già thì hồi tưởng lại quãng đời oanh liệt và vất vả của bản thân và cộng đồng, những người khác thì bàn bạc trao đổi việc phát nương rẫy, người có khả năng nổi trội thì có cơ hội thể hiện tài nghệ ứng tác và trình diễn nghệ thuật và đặc biệt đây là môi trường để trai gái gần gũi hẹn ước...
 
Ngày thứ 3:
 
Ngày cuối của lễ hội với nhiều hành động và nghi thức quan trọng, nếu như ngày đầu là sự hối hả để chuẩn bị, ngày thứ hai là ngày hội tưng bừng,thì ngày này, con người như được cởi mở tất cả, được thanh thản đón chờ ngày mới bắt đầu. Ngày thứ ba cũng còn được gọi là ngày ăn đầu trâu, già làng làm lễ hạ Giàng. Đám rước Giàng và đầu trâu lên nhà Rông, già làng làm lễ tại nhà Rông.
 
Một nghi thức rất quan trọng được già làng tiến hành một cách cẩn thận là Lễ rửa Giàng. Người ta lấy rượu ghè pha với các loại lá rừng, thành một thứ nước màu, có mùi thơm để rửa vật tổ một cách cẩn thận vào giỏ và gắn cây nến nhỏ làm bằng sáp ong được thắp sáng lên miệng giỏ và bắt đầu lời khấn: "Hôm nay làng đã làm xong lễ Mở cửa kho lúa, chúng tôi đã mời Giàng cùng chung vui, tất cả mọi thứ nào trâu, nào rượu Giàng đã được thưởng thức cùng chúng tôi, bây giờ thịt đã hết, rượu đã cạn, chúng tôi mời Giàng lên nóc nhà Rông và ở yên đó đừng bỏ đi, và làm cho dân làng được nhiều lúa ở vụ sau, dân làng không đau ốm dịch bệnh, chúng tôi cảm ơn Giàng và sang năm làng lại tiếp tục làm lễ mời Giàng cùng tham dự..” Già làng đặt Giàng lên đúng vị trí trang trọng nhất trên nóc nhà Rông trong niềm vui mãn nguyện của lòng thành đã được chứng giám. Người ta cảm thấy được trút bỏ, cởi mở hết những băn khoăn trăn trở của đời sống khó khăn, của thiên nhiên khắc nghiệt. Lúc này chỉ còn con người với lòng thân thiện nhất, người ta lại đắm chìm trong niềm vui của lễ hội; những bầu nước được các thiếu nữ gùi về từ giọt nước đầu làng, họ té nước vào nhau, càng nhiều càng may mắn, từ già làng đến con trẻ đều háo hức đón những dòng nước mát, giọt nước của may mắn, mạnh khỏe và yên vui. Người ta cảm thấy như được gột rửa toàn bộ những phàm tục của đời thường, những gian khổ và tội lỗi được tẩy trần; người ta hoan hỉ và rủ nhau ra suối tắm giặt thỏa thuê và trở về nhà trong niềm thanh thản tinh khiết của cuộc sống tương lai cho năm mới bắt đầu.
 
Lễ hội Mở kho lúa là một trong những lễ hội lớn nhất của người Rơ Măm, đánh dấu sự hoàn tất một chu trình sản xuất nông nghiệp khô, trong một hoàn cảnh sống đặc biệt, gắn với thiên nhiên khắc nghiệt và núi rừng mênh mông vô tận.
 
Xét ở góc độ tín ngưỡng thì đây là một lễ thức để tạ ơn trời đất, tạ ơn các vị Giàng đầy huyền bí đã trợ giúp cho con người có được mùa màng bội thu, một niềm tin tất yếu, một mối quan hệ thân thiện, vừa gần vừa xa, nhưng rất sòng phẳng giữa con người với đấng siêu nhiên. Có lúc Giàng là Vật tổ, trong nghi lễ rướcGiàng; có lúc Giàng là khách được mời xuống chung vui; cũng có lúc Giàng như một cá thể riêng lẻ, một thành viên của cộng đồng, cùng ăn cùng uống, cùng vui chơi trong lễ hội.
 
Xét ở góc độ khác, thì lễ hội là một kỳ nghỉ ngơi vui chơi của cộng đồng sau một năm vất vả vật lộn với bao công việc mùa màng khó khăn nặng nhọc, thì đây là mùa Ninh Nơng, mùa của vui chơi và thưởng thức các giá trị, sản vật mình làm ra trong quá trình tất yếu, nó là không gian ''thiêng'' của tín ngưỡng, nhưng nó lại là không gian vui vẻ, thân thiện, đoàn kết- không gian văn hóa của cộng đồng. 
 
Khi phần nghi lễ đã qua đi và nhanh chóng nhường chỗ cho phần hội, con người hòa nhập vào nhau, ngập tràn trong tình bằng hữu, trong mối quan hệ ứng xử đa chiều, tình tương thân tương ái. Người ta trao đổi với nhau về mọi mặt của cuộc sống, hiềm thù được xua tan đi, thương yêu thêm thắm lại; người ta bỏ qua cho nhau tất cả những gì không bằng lòng nhau hay khúc mắc trong đời thường và thiết lập một quan hệ ứng xử mới tốt dẹp hơn. Đặc biệt, lễ hội là một sân khấu nghệ thuật đặc sắc của các nghệ nhân dân gian hôm qua còn còng lưng gùi lúa, thì hôm nay, lúc này trong ảnh lửa bập bùng của đêm lễ hội, họ là những diến viên thực thụ đắm say và bay bổng; cũng bằng đội chân chai sạn ấy, cũng bằng bàn tay thô tháp, lam lũ kia, nhưng tất cả đã có hồn, lung linh và quyến rũ...
 
Lễ hội Mở cửa kho lúa của dân tộc Rơ Măm chứa đựng những giá trị văn hóa đặc sắc, mang sắc thái riêng,'' cái văn hóa'' chịu sự quy định, chi phối của điều kiện tự nhiên, con người và xã hội, nó chất chứa, ẩn tàng trong các quy trình của các hành động hội; nhưng khi nghiên cứu, bóc tách các lớp lang văn hóa thấy có nhiều nét tương đồng, giao thoa hay tiếp biến với các dòng văn hóa khác.
 
Có thể so sánh hành động chiêng- xoang của đội thanh thiếu nhi đánh những bài chúc mừng năm mới, từ nhà này qua nhà khác và cách ứng xử của chủ nhà bằng hành động chúc tụng, tặng quà... với hát sắc bùa của người Mường, ta thấy hai tộc người khác nhau, ở hai vùng văn hóa khác biệt mà cách biểu hiện , mục đích rất giống nhau. Hành động rửa Giàng (Vật tổ) hay hành động té nước, tắm gội sau cuộc lễ của người Rơ Măm đem so sánh với lễ Mộc Dục của người Việt theo Phật giáo và hành động té nước trong các cuộc Lễ- Tết của người Lào, ta thấy có nhiều nét tương đồng về cả hành động và mục đích. Giao thoa, tiếp biến hay nguồn gốc xin đặt dấu hỏi (?) cho các công trình nghiên cứu tiếp theo và các nhà khoa học.
 
Lễ hội Mở cửa kho lúa của dân tộc Rơ Măm, với các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể tồn tại cùng với không gian và thời gian . Nó được sản sinh cùng đời sống của con người; đó là những bông hoa đẹp trong vườn hoa đầy hương sắc của đại gia đình các dân tộc Việt Nam.
 
Bùi Ngọc Quang (St)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét