Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Tư, 31 tháng 10, 2012

KON TUM: KỶ NIỆM 100 NĂM THÀNH LẬP TỈNH, PHÁ BỎ CHỨNG TÍCH 100 NĂM TUỔI !



Mấy tuần nay nhiều người dân Kon Tum buồn sâu sắc. Buồn cho Kon Tum mình, dần dần cái hồn quê hương dường như càng ngày càng bị sứt mẻ. Để chuẩn bị mừng kỷ niệm 100 năm thành lập tỉnh (9/2/1913-9/2/2013), người ta đã chặt bỏ đi hàng chục cây cổ thụ phía đầu cầu Đăk Bla, cửa ngõ vào thành phố Kon Tum, gồm những cây dông, cây xà cừ, cây cầy (kơnia) lâu năm. Trong số đó có 2 cây Dông gần trăm tuổi, phía trước Khách sạn Đăk Bla, đã đứng đó nơi đầu ngõ thành phố, dãi dầu năm tháng làm chứng tích cho bao thăng trầm của phố núi nhỏ bé yên bình này.

Ngày xưa còn nhỏ, tôi nghe ông nội tôi (mất 1975 ở tuổi 96) kể rằng : những gốc Dông ấy được trồng từ khi người ta xây dựng nhà Quản Đạo. Vào năm 1928 (ngày 20/8), Nam Triều đã lập nên Đạo Kon Tum, trên cơ sở hợp nhất Phủ Kon Tum và Huyện Tân An (thuộc huyện An Khê), và đặt tri phủ lúc đó là ông Phùng Duy Cần làm quản đạo đầu tiên. Dinh Quản Đạo đã được xây dựng để làm nơi làm việc cho quan quyền. Người ta đã trồng một hàng dông trước Dinh, giống cây này sống lâu năm, tàn lá rộng, thân có gai nhỏ chịu đựng được khí hậu khắc nghiệt. Sang năm 1929 (ngày 3/12), thị xã (centre urbain) Kon Tum được thành lập, hàng dông trở thành “cư dân” thành thị, và với hơn 80 năm tuổi, những “lão cây dông” này đáng tự hào về sức dẻo dai, so với bất kỳ “công trình” có tuổi nào trong thành phố Kon Tum hiện nay.

Thật vậy, qua thời gian, Dinh Quản Đạo đã không còn vết tích từ lâu, cầu Đăk Bla cũng thay đổi diện mạo hơn đôi lần, nhưng hàng dông thì vẫn còn đó, thách thức cùng năm tháng. Đến khi một tượng đài được xây dựng gần gốc Dông, thì chỉ còn lại 2 cây Dông lớn nhất, tàn đẹp nhất, vẫn phe phẩy cùng mưa nắng dòng đời.

Không có người Kon Tum nào mà không biết đến địa danh “Gốc Dông” ở thành phố Kon Tum. (Còn một địa điểm gốc dông nữa chỗ gần ngã tư Trần Hưng Đạo-Phan Đình Phùng, hàng dông chỗ đó là trước Tòa Khâm Sứ thời xưa).  Nhớ thời bao cấp, “Gốc Dông” trở nên quen thuộc biết bao! Ai có việc phải đi Gia Lai, Bình Định, hay ngược lên Đăk Tô, Tân Cảnh .v.v. thì ra “Gốc Dông” mà đón xe. Gốc Dông trở nên điểm hội tụ để người ra đi xuôi ngược…, rồi ai ai cũng nhớ về Kon Tum da diết, chính nơi điểm mình đã xuất phát. Hiện thực đó ngày nay vẫn còn. Và vì vậy mà Gốc Dông còn là nơi qui tụ của cánh “xe ôm” dừng nơi đây để đón khách, dưới bóng râm giữa trưa nắng gắt hay chiều mưa phùn…

“Gốc Dông” mang hồn quê hương, đằm thắm tình nghĩa như vậy, sao con người nỡ vô tình ? Sao lại vô cảm nỡ chặt phá một chứng tích lịch sử ? Theo tin tức, đại diện chính quyền thành phố Kon Tum cho biết (ngày 11-9),  lý do phải chặt bỏ hàng chục cây cổ thụ này, gồm cả 2 gốc Dông, là để xây  dựng “đảo giao thông”, phân luồng giao thông…, vì khi cầu Đăk Bla (cầu thứ 2!) hoàn thành, nút giao thông đầu cầu – nơi nhiều tuyến đường đổ về (Phạm Văn Đồng, Phan Đình Phùng, Nguyễn Huệ, Bạch Đằng, Trương Quang Trọng)…gây ùn tắc, dễ gây tai nạn khi tham gia giao thông. Hơn nữa, những cây xanh này không thể di thực được nên không còn cách nào khác là phải chặt hạ (?!) (Theo Tuổi trẻ online ; Pháp luật Tp HCM)

(Ảnh: Tuổi trẻ online)
Gốc Dông bị chặt hạ không thương tiếc !

Cây kơ-nia hàng trăm tuổi bị đốn hạ. Ảnh: NL
(phapluattp.vn)

Có thật cần thiết phải như thế không ? Đã mấy chục năm nay, Gốc Dông đã tự nguyện trở thành một “đảo giao thông” phục vụ cho con người. Một “đảo giao thông xanh” độc đáo, độc nhất vô nhị trong thành phố, có 3 luồng giao thông, mà có thời luồng ở giữa được cắm bảng hướng dẫn hẳn hòi dành cho xe đạp và xe xích lô ; sau hết thời xích lô thì dành cho xe đạp và xe hon đa. Thực tế từ trước đến nay, số vụ tai nạn giao thông ngay tại địa điểm Gốc Dông rất ít, ít hơn nhiều lần so với đường Phan Đình Phùng hay đường Nguyễn Huệ. Vả lại, hai cây Dông nằm cách xa đầu cầu, đâu ảnh hưởng gì nhiều. Di dời Tượng đài đến một địa điểm khác là rất hợp lý, nhưng lẽ ra đừng chặt hạ hai cây Dông, thì có lẽ còn hợp lý hơn nữa. Đàng này…

Ngày hôm trước, tôi đi ngang qua Gốc Dông, thấy có người đang xúm xít chặt cây, nghĩ là chắc người ta tỉa cành, cho cây mọc mạnh hơn, xanh tốt hơn. Nào ngờ đến sáng hôm sau, không còn nhìn thấy cây nữa, người ta đã hạ gốc và chở đi trong đêm…Tôi thật ngỡ ngàng! Chợt nhìn sang hướng công viên Giọt Nước, một panô khẩu hiệu đập vào mắt : “Toàn dân phấn đấu xây dựng tỉnh Kon Tum Giàu đẹp-Hiện đại -Văn minh-Nghĩa tình”. Chợt nghĩ: quả thật, nếu không có chữ sau cùng (Nghĩa tình), thì dù Kon Tum có phát triển đến mấy cũng còn thiếu sót! Đài phun nước vừa khánh thành, cùng với quần thể công viên Giọt Nước được tôn tạo, nhìn na ná như nhiều công trỉnh ở nơi khác, không thể nào sánh được với hai Gốc Cây Dông gần trăm tuổi, giờ đã vĩnh viễn ra đi…!

Tuy nhiên, như một sử gia đã viết, lịch sử hiện tồn tại theo cách riêng của nó: cả cái đang có lẫn cái đã biến mất đều được sống mãi cùng với dòng chảy bất tuyệt của đời người.
  
                                                                      Minh Sơn



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét