Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

THIẾU TỰ TIN


Thúy Trần

Thiếu tự tin là nguyên nhân của hầu hết mọi thất bại. Trong không ít người có nhiều biểu hiện của thiếu tự tin.
Trong giao tiếp, người Việt ít khi bắt chuyện, hoặc không thích trò chuyện với người lạ, do vậy mà bỏ qua nhiều cơ hội làm quen, kết bạn. Thiếu tự tin khiến người ta khó cởi mở, tự nhiên trong trò chuyện, do vậy làm giảm hiệu quả giao tiếp.
Một cô bạn học tiếng Anh năm cuối ở Huế, 4 năm liền đứng trong top học giỏi của lớp, nhưng chưa bao giờ nói chuyện với người nước ngoài, cùng lắm là chỉ đường cho họ.
Cô bạn kể, có lần nói chuyện với người nước ngoài nhưng không tự tin về vốn ngoại ngữ của mình nên cô đã nói lúng búng và làm người đó hiểu nhầm tai hại. Thế là cô lại càng ngại nói chuyện với người nước ngoài.
Trong công việc, người Việt chúng ta lại ít thể hiện bản lĩnh. Ví dụ như đi phỏng vấn xin việc, người Việt thường không dám thể hiện cá tính của mình, khiến người tuyển dụng thiếu tin tưởng, dẫn đến bỏ lỡ nhiều cơ hội xin việc.
Người Việt Nam được đánh giá là giàu tính sáng tạo nhưng do thiếu tự tin nên thường đi theo những lối mòn mà không dám ứng dụng những sáng tạo mới mẻ có khả năng đem lại hiệu quả công việc cao. Người Việt thường không dám đề nghị tăng lương, trong khi mình hoàn toàn xứng đáng.
Trong học hành, thi cử, học sinh- sinh viên Việt Nam rất ngại phát biểu hoặc đứng nói trước đám đông. Đa số họ thiếu định hướng nghề nghiệp tương lai: Khi  được hỏi sẽ làm gì, ở đâu khi ra trường, hầu hết đều trả lời là “chưa nghĩ đến”. Trong thi cử, kiến thức là quan trọng nhất, nhưng tự tin là điều quyết định.
Thiếu tự tin dẫn đến thiếu quyết đoán, nhút nhát, không dám đưa ra các quyết định cần thiết và đúng đắn của đời mình, không có chính kiến, không dám đưa ra quan điểm.
Đây cũng là nguyên nhân làm một bộ phận người Việt có tư tưởng sống chung với cái xấu, không dám lên án, bác bỏ cái xấu, không dám đứng về cái đúng, bênh vực kẻ yếu.
“Khi đã đánh mất niềm tin vào bản thân, thì sẽ còn đánh mất thêm nhiều thứ quý giá khác nữa” (danh ngôn). Nếu tin là mình làm được thì chắc chắn sẽ làm được và phải quyết tâm hành động để đạt được mục tiêu đó.
Sức lực, khả năng của mỗi người là có hạn, nhưng nghị lực thì vô hạn. Có niềm tin vào bản thân là đã đi được hơn một nửa đoạn đường thành công.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét