Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

A DUA THEO TIN ĐỒN


Thu Ly

TP - Tôi có chị bạn trước đây công tác tại cơ quan X. Chị thường xuyên kêu ca, nói xấu thủ trưởng và đồng nghiệp; chị chê họ dốt, bảo thủ, hay trù dập nên giỏi như chị mà mười mấy năm nay vẫn là nhân viên quèn, không lên nổi chức tổ phó.

Ngược lại chị hết lời ca ngợi cơ quan Y, nơi bạn chị công tác, nào là “thủ trưởng người ta sao mà giỏi thế, biết tập hợp toàn nhân viên giỏi”, nào là “đối xử công bằng, dân chủ, bình đẳng, trọng dụng nhân tài”…

Chị chỉ nghe qua lời kể của bạn chứ chưa tiếp xúc với cơ quan Y bao giờ nhưng vẫn quyết tâm xin chuyển sang cơ quan đó.

Gặp lại sau gần nửa năm, tôi hỏi: “Sang bên ấy chắc làm ăn khá lắm?” chị thở dài thườn thượt: “Tránh vỏ dưa gặp vỏ dừa, sang đó tưởng ngon lành ai ngờ cũng một giuộc, trong chăn mới biết chăn lắm rận; số tôi sao long đong lận đận thế, sao người tốt hiếm thế?”.

Thực ra loại người “đứng núi này, trông núi nọ” như chị có chuyển đi bao nhiêu cơ quan cũng không thể ưng ý vì tính chỉ biết mình không biết người, coi mình là trung tâm của vũ trụ…

Cạnh nhà tôi có ông, trình độ văn hóa lớp 5, chưa một lần đi ra khỏi luỹ tre làng. Ông học lỏm được nghề bốc thuốc nam của một người bán dạo, bèn treo bảng lương y, hành nghề.

Ông thường khoe với những người ở xa đến rằng thuốc của ông là thuốc gia truyền chữa bách bệnh. Người trong làng gọi ông là “lang băm” và chẳng ai hốt thuốc của ông cả.

Thế nhưng ngày nào dân tứ phương cũng kéo đến nườm nượp. Ông phải tổ chức phát số, gọi tên như bệnh viện, có người chầu chực cả ngày mới đến lượt.

Trong một lần đi công tác sang huyện H, vào quán bên đường uống nước tôi nghe mấy người bàn tán về một thầy thuốc nào đó.Có người bảo thầy từng tu nghiệp và theo sư phụ bên Tàu mười mấy năm, nay về quê hành nghề để cứu nhân độ thế chứ tiền bạc thầy không thiếu; người khác góp chuyện nghe đâu thầy đã chữa khỏi mấy ca ung thư giai đoạn cuối bị bệnh viện trả về.

Hóa ra họ nói về “thầy” K quê tôi. Một đồn mười, mười đồn trăm, mỗi người thêu dệt một tý đã biến một “lang băm” thành đại danh y. Có lẽ do tâm lý “có bệnh vái tứ phương” và  “phước chủ may thầy” nên chỉ cần nghe đồn đại có thầy giỏi là người bệnh tìm đến mà không cần biết nguồn gốc, lai lịch.

Có người thế chấp nhà đang ở để mua cổ phiếu, có thể họ giàu lên nếu gặp vận may nhưng khả năng trắng tay sau một đêm thức dậy cũng không phải là nhỏ. Họ đang chơi trò may rủi.

Nhiều thí sinh chọn trường, chọn ngành không phải bằng năng lực, sở trường mà bằng sự rủ rê của bạn bè, bằng những thông tin vỉa hè “thi vào trường đó dễ đỗ, ra trường dễ tìm việc làm”…

Hậu quả là ngành nghề không phù hợp dẫn đến không có hứng thú trong học tập, không phát huy được năng lực sở trường và suốt đời phải làm công việc không yêu thích.

Để khắc phục hiện tượng trên có lẽ nên suy nghĩ, cân nhắc kỹ lưỡng, xem xét một cách toàn diện và biện chứng trước khi quyết định một vấn đề nào đó, không nên a dua theo số đông khi mình chưa thực sự hiểu biết và nắm chắc thông tin.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét