Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Tư, 24 tháng 8, 2011

30 PHÚT VÀ 30 GIÂY


Nguyễn Đặng Hạnh Phúc 
(Lớp Báo chí K29 - ĐHKH Huế)

Đừng nói gì cao siêu, mà hãy nhớ lại : Có thể vào một ngày đẹp trời nào đó ta dành 30 phút hoặc thậm chí cả một buổi sáng để uống cà phê, để tán gẫu với bạn bè mà ta không thể đợi được 30 giây khi đèn đỏ, cố rú ga thật mạnh để vượt...

Người Việt ta từ xưa đến nay vốn rất biết quý trọng và sử dụng thời gian sao cho hợp lý. Bởi ông bà ta xưa vốn làm nông, lúc ấy làm gì có đồng hồ hay một vật dụng gì khác để tính thời gian nhưng có bao giờ sai thời vụ, sai giai đoạn phát triển và thu hoạch mùa màng. Thế nhưng ngày nay, việc sử dụng thời gian của một số người trong xã hội ta thật khó hiểu.

Có lúc nào chúng ta ngồi ngẫm nghĩ về những việc ta đã làm trong một ngày đã hợp lý? Có lúc nào ta nghĩ có thể trong một ngày ta có thể làm được nhiều hơn nếu ta biết sắp xếp? Có bao giờ ta nhìn thẳng vào vấn đề để hiểu rằng mình là kẻ sử dụng thời gian một cách vô tội vạ...

Đừng nói gì cao siêu, mà hãy nhớ lại : Có thể vào một ngày đẹp trời nào đó ta dành 30 phút hoặc thậm chí cả một buổi sáng để uống cà phê, để tán gẫu với bạn bè mà ta không thể đợi được 30 giây khi đèn đỏ, cố rú ga thật mạnh để vượt...

Còn với giới trẻ, như sinh viên chúng tôi chẳng hạn, không ít người sẵn sàng chơi suốt gần hết cả một học kỳ để rồi đến khi thi thì cắm đầu cắm cổ vào để học.

Nào sách, nào vở được lật tung lên để kiếm tìm những kiến thức mà cả một thời gian dài đã bị lãng quên một cách nhẹ nhàng. Ấy vậy một số người còn tung hô cho cách học ấu trĩ ấy là “tài tử”, “học như thế mới là siêu”!

Và cách nghĩ chung vẫn thường trực trong nhiều người chúng ta chính là còn trông chờ ỷ lại vào người khác.Thời gian là của mình nhưng sử dụng nó như thế nào đôi khi cũng còn... chờ cái đã, vô tình tạo cho mình thói quen “giờ cao su”- đặc trưng cho nền văn minh nông nghiệp cũ kỹ.

Xin dẫn ra đây câu chuyện về buổi họp của lớp tôi. Giấy mời phát đi: “đúng 9 giờ...”, thế mà trong đầu ai cũng nghĩ “đợi cho chúng nó đến đông đủ rồi mình đến cũng được, lo gì”. Cuối cùng lớp cũng đã đông đủ, nhưng lúc ấy đã là... 11 giờ. Người này trách kẻ kia để rồi nhận được những câu trả lời dạng: “Tớ cứ tưởng...”.

Đôi khi, tôi vẫn có suy nghĩ rằng, xã hội ta phần đa đều như thế cả, nên chăng mình cũng sẽ là họ, bão hoà giữa số đông sẽ chẳng ai trách mình được.

Câu hỏi to tướng lúc này sẽ là: “Đến bao giờ nước ta sẽ là một nước công nghiệp năng động và trong đó sẽ có những con người mang tác phong công nghiệp thực sự - nhanh nhạy và đón đường tương lai?”.

Và ngay bây giờ ta sẽ cố gắng sửa sai và lập một kế hoạch, một thời gian biểu cho riêng mình, hay là còn... chờ cái đã?                          


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét