Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Chủ Nhật, 21 tháng 4, 2024

Đã Tìm Lên Xứ Trà Ngao…

 

Nhà Rông Bahnar ở Kon Tum. Ảnh MEP.

Xứ Trà Ngao là xứ Kontum. Đúng hơn là Miền truyền giáo Kontum bao gồm cả Kontum, Pleiku, Banmêthuột, Phú Bổn…

Sở dĩ có tên gọi Trà Ngao là vì ở Miền truyền giáo Kontum, các vị thừa sai đã đặt một cư sở chính ở tại Trung tâm Truyền giáo cho người Bahnar-Rơngao, còn gọi là Rơhai, vị trí ngay giáo xứ Tân Hương thành phố Kontum bây giờ. Chung quanh thành phố này có nhiều đồng bào dân tộc Rơngao – một sắc dân chính trong vùng. Khi chưa có tên gọi hành chính, người Kinh ở Trung Châu (các tỉnh đồng bằng duyên hải miền Trung) thường gọi tên vùng theo sắc dân và đã gọi vùng Kontum là xứ Rơ Ngao. Và cũng từ đó xuất hiện tên gọi Trà Ngao.

Không riêng gì ở Tây Nguyên – Kon Tum, trong nước Việt Nam từ Nam ra Bắc có nhiều địa danh mang thành tố “Trà” ở trước tên gọi. Tùy theo đặc điểm từng vùng và yếu tố ngôn ngữ mà chúng có ý nghĩa khác nhau.

Có khi từ tố này có gốc thuần Việt, chẳng hạn địa danh Trà Mi ở Quảng Nam, là tên một loài hoa thuộc hoa hồng, được trồng làm cảnh.

Có khi thành tố Trà có gốc Hán Việt, nó lại liên quan đến…trà (chè), như ở Quảng Ninh có địa danh Trà Bản (cái gốc của cây trà); Trà Cổ (tên ghép Trà Phương – Cổ Trai. Trà Phương là hương thơm của trà).

Một số khác bắt nguồn từ ngôn ngữ Chăm hoặc Khơme:

-Xuất phát từ chữ Ia (sông nước) gốc Chăm mà chuyển thành: Trà Bồng, Trà Khúc, Trà Câu (Quảng Ngãi), Trà Bình (Bình Định)…đều liên quan đến các  dòng sông, con suối.

-Do âm tiết Tra đứng đầu trong tên gọi, hay Tà (nghĩa là ông+tên người) trong ngôn ngữ Khơme: Trà Vinh, Trà Cuôn, Trà Lọt, Trà Quýt…, ở các tỉnh miền Tây Nam Bộ.v.v. [1]

Tuy nhiên, khi thành tố Trà theo lớp cư dân người Kinh ở Trung Trung Bộ lên Kon Tum, nó lại mang một ý nghĩa khác. Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân, nhà nghiên cứu lịch sử Tây Nguyên đã dẫn ý kiến và đồng tình với ý nghĩa sau đây của từ tố Trà trong một số địa danh ở tỉnh Gia Lai khi viết rằng: “Theo Linh mục Gioakim Nguyễn Hoàng Sơn, một người đam mê nghiên cứu lịch sử-văn hóa, từ tố Trà trong rất nhiều địa danh ở Gia Lai có nguồn gốc từ từ pla, tức là làng trong tiếng Chăm. Trong cách đọc của cư dân ven biển miền Trung Trung bộ, pl thường bị biến âm thành tr, trà ở đây được biến âm từ pla, có nghĩa là làng mà thành” [2]. Và Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Vân kết luận: “Vậy, chúng tôi thấy ý kiến cho rằng từ tố Trà trong những địa danh ở Gia Lai có nguồn gốc từ pla hay plơi – tức là làng trong ngôn ngữ Malayo-Polinesian mà cư dân Việt vùng ven biển miền Trung nước ta chịu ảnh hưởng từ trước, là có cơ sở”[3].

Nhận định trên hoàn toàn có thể áp dụng cho cả tỉnh Gia Lai và Kon Tum. Thường thì tên của làng bắt đầu bằng Trà kết hợp với tên chính của làng hay tên người lập làng. Những tên làng này qua thời gian có thể chuyển hóa thành tên đơn vị hành chính lớn hơn như xứ, vùng, xã, cộng đồng dân cư.

Ở Kon Tum, ngoài Trà Ngao (xứ Rơ Ngao), còn có Trà Rộp (Plei Jơdrâp), Trà Quắc (Plei Rơ Wăk), Trà Lét (Plei Klech). Gia Lai có Trà Huỳnh (Plei Towân), Trà Oe (Plei Tơuer), Trà Cu/ Trà Cú (Plei Ku), Trà Tiên (Plei Têng), Trà Nhiên (Plei Nhing), Trà Đa (Plei Dal – làng Cố Corompt Hiển thành lập), Trà Phan (làng linh mục Phan thành lập), Trà Dôm (Plei Piơm), Trà Nhá (Plei Tơ Nhă), Trà Bá (?)…

Năm 1925, Đức Cha Đamianô Grangeon Mẫn (Qui Nhơn) đã cho phép các tín hữu các tỉnh Trung Châu lên lập nghiệp làm ăn trên Tây Nguyên, do hoàn cảnh đói kém xảy ra dưới vùng đồng bằng. Ngài đã ra thư chung “Về sự cho bổn đạo nghèo đi làm ăn nơi khác”, trong đó Đức Cha đã hướng dẫn cặn kẽ các cha sở và bổn đạo:

“Vì vậy đừng cho đi Saigon hay Đà-lạch [Đàlạt], vì phần thì xa xuôi, phần thì chẳng ai bảo lãnh lo liệu cho, ắt phải khốn khó mọi bề mà chớ. Có hai nơi nên cho bổn đạo tới làm ăn:

Một là, trong Phan-rang; tại Hộ-diêm, địa sở cố Thiết; hoặc tại Rừng-lai, địa sở cố Lợi. – Nhưng vậy hai nơi này cũng hẹp, chẳng lãnh đặng bao nhiêu nhà.

Hai là, xứ Trà-ngao (trên mọi); đất ruộng minh mông, khí lạnh, đất tốt; lập vườn, làm ruộng đều được. Ai tới đó chí công lập nghiệp chắc sẽ được ấm no và có khi sẽ nên phú túc”.

Ngài còn đề xuất những nơi đến cụ thể:

“Vả chăng nhiều Cha trên ấy sẵn lòng lãnh bổn đạo dưới nầy lên, và lo lắng cho phần hồn phần xác; nhứt là mấy cha sau nầy:

a) Cố Hiển [Corompt] ở tại An-hòa và Đàng-riơ, muốn cho có kẻ tới đặng vỡ ruộng, lập vườn trồng trà-phe, trồng chè…

b) Cố Cận [Nicolas] tại Pơlei-Poo, cũng hiếm chỗ lập vườn làm ruộng.

c)  Cha Phan, ở Pơlei-ku, Tiên-sơn; Cha Nhì [Hutinet], Thăng-bình; cha Diện, Pơlei-Đơrap; Cha Ban, Hamông; cùng mấy cha khác cũng trông cho kẻ tới lập nghiệp làm ăn, chẳng thiếu chi đất hoang nhàn phì mĩ” [4]

Chúng tôi xin giới thiệu một bài thơ miêu tả phong cảnh xứ Trà Ngao, tại trung tâm của sắc dân Rơ Ngao – tỉnh lỵ thành phố Kon Tum ngày nay, kèm một vài hình ảnh xưa, để chúng ta hiểu hơn về xứ sở này. Bài thơ trích trong Tạp chí “Chức Dịch Thơ Tín” của Địa phận Kon Tum, số 44, tháng 12 năm 1936, tr.553-554. Bài thơ cách đây gần một thế kỷ nhưng chúng ta ngày nay đọc lên vẫn cảm thấy đồng cảm với tác giả: “Gọi là gợi chút ơn xưa…”.

 

NHÌN PHONG CẢNH NHỚ NGƯỜI XƯA

 

Mắt nhìn phong cảnh Kontum,

Nhớ người thiên cổ bút cầm chép qua.

Tòa Công sứ Pháp ở Kontum 1933

Kể từ lầu sứ tỉnh tòa,

Ngó lên thẳng rẳng cửa nhà liên miên.

Khu phố trên đường Nguyễn Huệ xưa (gần khách sạn Đăk Bla ngày nay)

Hết hai dẫy phố tiếp liền,

Xảy thấy một miền đồn lính vẻ vang.

Từ đây đã hết nhà quan,

Tiếp luôn trên nữa là tràng Têxa.

Trường Thánh Têrêxa Tân Hương xây dựng năm 1931, tiền thân Trường THPT Kon Tum ngày nay

Nhà thờ đẹp đẽ nguy nga,

Thánh danh bổn mạng Đức Bà Môi-khôi.

Nhà thờ Tân Hương, Tp Kon Tum, năm 1933

Gióng lên Phường-nghĩa một hồi,

Mắt trông đã thấy một ngôi thánh đường.

Toàn cây chắc đẹp phi thường,

Nhà thờ Chính tòa Kon Tum (Nhà thờ Gỗ)

Bên kia lại có vừng hồng vẻo ve.

Hiệu là trường thánh Giu-se,

Trường Thánh Giuse của Dòng Ngôi Lời, về sau là Tu viện của Dòng Ảnh Phép Lạ Kon Tum

Ngó quanh qua phía hàng tre kia đàng,

Đức Cha đã lập một tràng,

Trong ngoài đẹp đẽ vẻ vang quá chừng.

Trường Yao Phu Cuénot xây dựng năm 1906, khánh thánh năm 1908

Bây giờ xây lại sau lưng,

Ngay ra đàng cái nhắm chừng xa xa,

Mắt trông lại thấy một tòa,

Nguy nga tráng lệ gọi là “Torium”.

Trường nầy lớn nhứt Kontum,

Đã cao lại rộng lẫy lừng minh mông.

Cố Lui (Louison) cũng lập vườn bông,

Kế luôn phía dưới giữa đồng ngã ba,

Thường kêu hang đá Đức Bà,

Để cho ai nấy đến mà khẩn xin.

Tự lòng kính mến cậy tin,

Ốm đau tật bịnh an tuyên hằng hà.

Hang Đá Đức Mẹ Phương Nghĩa, Tp Kon Tum 1932

Ấy là vắn tắt đơn sơ,

Những nơi lễ tế phượng thờ mà thôi,

Không sao cho hết các nơi,

Kẻo ra dài quá lạc lời đề trên.

Vậy nay muôn việc đều nên,

Láng tràn nước Chúa khắp trên miền này.

Đầu giây mối nhợ ai gầy,

Đem đàng chỉ lối ở đây bây giờ.

Xưa kia vốn những bụi bờ,

Rừng cao núi rậm mịt mờ liên liên.

Ấy nhờ các đấng chăn chiên,

Dâng mình tế lễ cho miền mọi cao.

Đã tìm lên xứ Trà Ngao,

Những hồi chưa có đàng vào nẻo ra.

Thương thay cho bấy các Cha,

Vì con chiên lạc đàng xa chẳng nài,

Giày sàn đạp sỏi chông gai,

Miễn sao cho đặng truyền lời Evan.

Đành lòng cam chịu gian nan,

Đem người ngoại giáo hiệp ràn Hội-công.

Rày người giữ đạo rất đông,

Minh mông khắp xứ khôn cùng kể ra.

Lâu đài phố xá nguy nga,

An cư lạc nghiệp, âu ta phải tường.

Nhớ ơn các đấng mở đường,

Nguyện cho hồn đặng miên trường tiêu diêu.

Nay vì thanh khí ban chiều,

Dạo chơi phường phố thấy nhiều cảnh xinh.

Bỗng nhiên trực nhớ đến mình,

Còn mang ơn nặng vô tình bấy lâu.

Vội vàng vắn tắt vài câu,

Hiến cùng độc giả giải sầu cho vui.

Gọi là gợi chút ơn xưa…

                                          Paul T. P. N.

                     (Chức Dịch Thơ Tín số 44, tháng 12.1936, tr.553-554)

 Minh Sơn – Tháng 04/2024

Nguồn: vanthoconggiao.net

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét