Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Năm, 22 tháng 2, 2024

ÔNG CÂU TÂN




Ông Câu Tân sinh ngày 30/06/1939 tại làng Tân Hương. Gia đình nguyên gốc ở làng Tân Hương, vào Tân Điền, trước kia gọi là Ruộng Lào (nay xã Đoàn Kết, Tp. Kon Tum) lập nghiệp, làm ruộng. Theo các bậc lão thành ghi lại, các làng như Tân Thành, Tân Điền, Tân Phú, Tân Cảnh…được hình thành theo thời gian do chính người dân Tân Hương đứng đầu hoặc làm nồng cốt, nên lấy chữ “Tân” để nhớ đến làng gốc là Tân Hương.
Người viết được nghe kể lại, ông Câu Tân nguyên tên khai sinh là Ngô Đình Khôi, về sau có lẽ để tránh trùng tên với ông Ngô Đình Khôi trong gia đình Ngô Tổng thống, mà đổi tên thành Ngô Đình Tân, được sử dụng cho đến ngày nay. Ông Ngô Đình Tân gọi Cha Antôn Ngô Đình Thận (Lm xuất thân làng Tân Hương: s 1903 – lm 1933 – qđ 15/12/1982) bằng bác ruột. Nguyên gia đình Cha Thận ở dưới Bình Định lên lập nghiệp tại làng Gò Mít (Tân Hương). Ông nội của Cha Thận (ông cố ông Câu Tân) là cụ Của, thuộc lớp cư dân thời kỳ đầu theo bước chân của Cha Do lên Kon Tum vào hậu bán thế kỷ thứ 19…Chính vì vậy từ thời niên thiếu cậu Ngô Đình Tân gắn bó với địa sở Tân Hương, theo học, giúp lễ và sinh hoạt trong Nghĩa Binh Thánh Thể thời Cha Hutinet (Cố Nhì) làm chính xứ (1948-1952). Tiếp theo các Cha phụ trách Tân Hương: Cha Marcel Lantrade (Cố Lãng, 1952-1954), Cha Gioakim Chế Nguyên Khoa (1954-1955), Cha Alexis Phạm Văn Lộc (1955-1956), Cha Giacôbê Nguyễn Tấn Đường (1956-1963). Nghề nghiệp của ông là giáo viên dạy học trong thị xã Kon Tum. Thời cha sở Giuse Phạm Thiên Trường (1963-1972), ông tham gia sinh hoạt trong Đoàn Liên Minh Thánh Tâm. Cũng trong giai đoạn này, ông chuyển gia đình từ Tân Điền ra ở khu B15 cạnh quốc lộ 14 trên khoảnh đất ô thấp thuộc xóm giáo La Vang 1, giáo xứ Tân Hương.
Năm 1974, giáo xứ Tân Hương có các Xóm Giáo và quý Chức việc:
-Xóm Môi Khôi (Xóm trên), Xóm Mông Triệu (Xóm dưới), Xóm Vô Nhiễm, Xóm Trinh Thai, Xóm Bình An, Xóm Sao Mai, Xóm La Vang.
-Quý chức việc: Biện Đoán (quyền Câu), Biện Quý, Biện Đâu, Biện Cháu, Biện Hiền, Biện Thanh.
Vào năm 1976, Cha Luca Bùi Thủ củng cố các Xóm Giáo và ban chức việc, gồm:
+Ông Võ Văn Muồi (Câu Nhất)
+Ông Phạm Văn Thanh (Câu Nhì)
-Xóm Môi Khôi (ông biện Hồ Đình Hớn)
-Xóm Trinh Thai (ông biện Lê Ngọt [Hiếu])
-Xóm Vô Nhiễm (ông biện Nguyễn Văn Quý + Nguyễn Đình Phương)
-Xóm Mông Triệu (ông biện Nguyễn Phúc Phướng)
-Xóm Hòa Bình (ông biện Nguyễn Văn Tư + Lê Văn Ba)
-Xóm Bình An (ông biện Huỳnh Vân + Trịnh Trữ)
-Xóm La Vang 1 (ông biện Nguyễn Đâu)
-Xóm La Vang 2 (ông biện Hồ Minh Thông + Nguyễn Ngọt)
Ngoài ra có ông Nguyễn Thế Bửu (biện Huệ) công bố bổ nhiệm ngày 30.01.1977.
Năm 1978 ông Ngô Đình Tân được Cha Luca Thủ trạch bàu làm biện Xóm Giáo La Vang (thời gian này Xóm giáo La Vang từ cầu Đak Bla đến Đồi Đức Mẹ B15).
Tiếp sau ông Câu Võ Văn Muồi, các ông quyền Câu giáo xứ Tân Hương: Nguyễn Phúc Phướng và Trịnh Du.
Năm 1990, Cha Luca Thủ cho tổ chức bầu phiếu Ban chức việc (đại diện các hội đoàn, ban ngành trong giáo xứ), ông Phêrô Nguyễn Văn Thông được bầu làm Câu chánh và ông Philipphê Ngô Đình Tân được bầu làm Câu phó.
Ngày 08/11/2012, ông Câu Thông qua đời thì ông Câu Tân lãnh trách nhiệm Câu chánh cho đến nay.
Với thời gian 46 năm trong hàng chức việc, trong đó 34 năm trong trách vụ ông Câu (22 năm Câu phó, 12 năm Câu chánh), ông Câu Tân là người hiền lành, đạo đức, làm việc bền bỉ. Ông rất kính mến Đức Mẹ, chăm sóc đài Đức Mẹ La Vang và đọc kinh mỗi tối tại Hang đá Đức Mẹ Tân Hương. Ông thường xuyên xin lễ cầu cho các linh hồn đã qua đời.
Ông cũng được biết đến là thầy thuốc đông y khá nổi tiếng, chữa khỏi bệnh cho nhiều người lương giáo.
Vài năm gần đây, tuổi cao, sức khỏe giảm sút. Trước Tết Giáp Thìn, ông bị tai nạn xe honda phải nhập viện. Những tưởng thời gian sống của ông còn kéo dài. Không ngờ ông được Chúa gọi về lúc 15h45 ngày 21/02/2024 ngay sau Tết.
Thời gian làm ông Câu Tân Hương của ông cũng không có gì đặc biệt hay nổi trội, nhưng quãng thời gian phục vụ trong hàng chức việc ngót gần 50 năm của ông chia sẻ buồn vui cùng giáo xứ, thật đáng kính nể!
Riêng tôi, vì ông Câu lớn tuổi, từng trải và hiểu biết nhiều, tôi thường lân la hỏi ông về những câu chuyện lịch sử giáo xứ, giáo phận, về Kon Tum. Ông kể bác ông là Cha Antôn Ngô Đình Thận (người say mê tìm hiểu lịch sử giáo phận), trước lúc qua đời tại Nhà hưu các Cha Kon Tum (đường Nguyễn Trãi bây giờ), có trao lại cho ông nhiều sách vở lịch sử truyền giáo, trong đó có 3 tập viết tay rất dày do chính ngài soạn thảo, bảo ông gìn giữ và chép lại. Nhưng trong thời kỳ bao cấp ông đã làm thất lạc. Tôi hết sức lấy làm tiếc! Mỗi lần gặp ông thì hay nói nửa đùa nửa thật: ông Câu tìm ra tài liệu của Cha Thận chưa? Ông Câu mỉm cười và tôi thì cứ còn hy vọng…
Đến nay thì hết hy vọng thật rồi!
Xin Chúa thương dẫn đưa ông Câu về đến nơi an nghỉ đời đời.
LMSon 22/02/2024










Kontumquehuongtoi 23.02.2024








Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét