Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Năm, 30 tháng 3, 2017

Sự mở đạo Banmêthuột


Ngày 22/06/1967, Đức Thánh Cha Phaolô VI ban Sắc chỉ Qui Dei Benignitate thiết lập giáo phận Ban Mê Thuột gồm 3 tỉnh: Đăklăk (Gp Kontum), Quảng Đức và Phước Long (Gp Đà Lạt). Giáo phận mới trải rộng trên diện tích 21.723 km2 với dân số 290.800 người, gồm: người Kinh, Thượng, Mường, Nùng, Thái. Đồng thời với Tông sắc "Qui omnium Catholicae", Đức Thánh Cha Phaolô VI đã bổ nhiệm linh mục Phêrô Nguyễn Huy Mai (Sinh 03/07/1913-Lm 29/06/1941-Gm 15/08/1967-Qđ 04/08/1990) làm giám mục tiên khởi giáo phận Ban Mê Thuột. Ngài được tấn phong giám mục ngày 15/8/1967, tại Sài Gòn; Tựu chức Gm BMT ngày 22/08/1967. Khi thành lập, giáo phận có 55 linh mục, 33 giáo xứ với 56.719 giáo dân.

Nhân dịp mừng kỷ niệm Kim Khánh thành lập giáo phận Ban Mê Thuột (22/06/1967- 22/06/2017), và cũng là dịp tạ ơn 80 năm thành lập Giáo xứ Ban Mê Thuột - Gx Thánh Tâm (Nhà thờ Chính tòa) BMT ngày nay (30/03/1937-30/03/2017), chúng tôi xin đóng góp một vài sưu tầm nho nhỏ cùng hiệp thông với niềm vui lớn của Gp BMT và Gx Thánh Tâm-nhà thờ Chính tòa BMT." 


Trong hình ảnh có thể có: bầu trời, cây, đám mây và ngoài trời
Nhà thờ Chính tòa BMT (Gx Thánh Tâm) 2017
_________________________________________________

Ngày 18/01/1932, Giáo phận Kontum được thành lập, gồm ba tỉnh: Kontum, Pleiku, Đăklăk và một phần lãnh thổ Attâpư thuộc Lào. Toà Thánh bổ nhiệm cha Bề trên Martial Jannnin Phước làm giám mục tiên khởi giáo phận Kontum, hiệu toà Gadara. Lễ tấn phong giám mục ngày 23/06/1933 tại nhà thờ chính tòa Kontum.
Ngày 29/01/1934, ngài đến kinh lý Ban Mê Thuột - Đăklăk lần đầu tiên (cùng đi với Đức Cha có cha Corompt Hiển, cha Crétin Xuân và cha Lê Đình Ban) [1] và tìm khu đất để lập họ đạo với số giáo dân khoảng 50 người, trực thuộc địa sở Plei Pơo (La Sơn, Pleiku ngày nay), lúc đó do cha Phaolô Lê Đình Ban làm quản xứ.

Tiếp đến, Đức Cha sai thầy Hiền (tức Phaolô Đỗ Hữu Hiền) là một thầy giảng thuộc Họ đạo Mang Yang đi giúp lập Họ đạo Banmêthuột. Đến BMT ngày 11/05/1934, đến ngày 15/08/1934 thầy Hiền và giáo dân đã lập một nhà nguyện nhỏ đầu tiên ở Ban Mê Thuột...
Chúng tôi xin giới thiệu bài viết sau đây của Lm Phaolô Lê Đình Ban, phụ trách mục vụ BMT thời kỳ đầu. Bài viết in trong Tạp chí “Chức dịch thơ tín”, Địa phận Kontum số 24, tháng 04.1935, tr. 278-281.
MINH SƠN 30/03/2017
Mừng kỷ niệm
80 năm thành lập Gx Thánh Tâm-Nhà thờ Chính tòa BMT (30/03/1937-2017)
50 năm thành lập Gp Ban Mê Thuột (22/06/1967-2017)




_______________________________



                          
            Cha Phaolô Lê Đình Ban (1881-1945)
                                                                          
                                                                    Thầy Phaolô Đỗ Hữu Hiền (..?..-1946)
 

Sự mở đạo Banmêthuột


          Năm ngoái Đức Cha vô Banmêthuột tính liệu đất cát và sắp đặt mọi sự, đặng lập đạo ở tỉnh ấy. Khi người về khỏi ít lâu, thì sai thầy Hiền vô lo việc trưng đất và cất nhà thờ.
          Vậy thầy Hiền đã vô gần được một năm nay và nhờ sức Quan Đạo là người có đạo nhiệt tình phụ giúp, thì nay đã có một vùng đất rộng lớn của nhà chung và đã cất nhà thờ khá rộng lớn tốt vừa xứng chỗ mới sơ khai. Ngày mồng sáu tháng chạp Đức Cha phái một cha và ký giả đi thăm bổn đạo Banmêthuột. Theo lẻ như đi được ngõ đàng trên, thì xe điện chạy sớm mai chiều tới nơi được. Song ký giả nghĩ có một xe, thì đi đàng trên hiểm nghèo, vì đàng chưa có xe hàng đi qua lại, nên rủi có chết máy, thì phải nằm giữa rừng mà thôi. Vì vậy chúng tôi tính đi ngõ Quinhơn, vô Ninh-hòa, lên ngõ đèo Mdrak mà lên Banmêthuột. Đi đàng nầy thì xa xấp ba và có nhiều đều rắc rối. Hết bốn ngày đàng chúng tôi mới tới Banmêthuột là chiều thứ bảy. Anh em bổn đạo đã hay trước, nên chực rước trước nhà thờ ngay đàng cái cách trọng thể mừng rỡ hết tình.
          Ký giả vừa tới, thì thấy các việc khác xa hồi năm ngoái, khi ký giả đi với Đức Cha mà viếng chỗ Banmêthuột. Vì chỗ đất bây giờ có nhà thờ, thì năm ngoái là miếng rừng cách châu thành một ít chục thước, mà nay là một khoảng đất bằng thẳng, dọn sạch sẽ, gần sát châu thành, có một nhà thờ và các nhà phụ tùng gọn gàn gói gắm. Khi trước phải làm lễ trong nhà hàng, cách xa bổn đạo, trống trải bất tiện mọi đàng, mà nay làm lễ được trong nhà thờ, đã dọn dẹp màng ảnh rực rỡ tốt đẹp, lại ở giữa bổn đạo dễ tiện mọi đàng. Năm ngoái bổn đạo còn thưa thớt, ở rải rác một hai người, mà năm nay khá vui vầy đông đảo, các nhà ở gần nhau làm một xóm có đạo. Chúng tôi vô nhà kế có Quan đạo, thầy sở và anh em bổn đạo hết thảy vô chào mừng. Hết mọi người tỏ dấu vui mừng, vì đã lâu hằng trông mong cho có các cha tới thăm viếng.
          Hôm sau là ngày Chúa nhựt, có quan tây bà đầm, Quan đạo, quan Phán và bổn đạo nam nữ vào xem lễ chật nhà thờ. Lễ xong chúng tôi đi thăm Quan Sứ và đưa trình ngài cái thơ Đức Cha. Quan Sứ tiếp chúng tôi cách vui vẻ tử tế và mời chúng tôi đến ngày thứ ba làm lễ kỷ niệm cầu cho quan cố Toàn quyền Pasquier. Chúng tôi vưng chịu, thì Quan Sứ xin Quan đạo và quan ba lo sắm bàn mồ và treo cờ cột lá, còn trong nhà thờ thì Quan đạo dạy mua vải đen vải trắng cắt hoa trau dồi trọng thể hết sức. Sáng ngày có binh lính bồng súng đến chào mừng và có các quan tây nam và các ông chủ sở đều đến đông đảo. Sự ấy cũng là một đều làm sáng danh đạo thánh Chúa giữa muôn vàn người ngoại đạo và mọi rợ, là những người thuở nay chưa biết đạo là gì.
          Ký giả ở lại dạy dỗ và rửa tội hơn năm mươi người chầu nhưng [2]. Trông cậy ơn Chúa, có lẽ họ Banmêthuột mau thạnh, vì phần nhà nước còn cấm chưa cho người annam trưng đất cát lập làng xóm, còn phần đạo Đức Cha đã trưng thành một vũng đất bằng thẳng rộng lớn, để cất nhà thờ và cho người annam ở. Nên những người annam mới lên, phải tới chỗ đất nhà chung thì mới có chỗ ở được.
          Ở Banmêthuột cách sáu bảy tháng trước có đạo Tin lành tới cất nhà ở và lo mở đạo mình. Ký giả nhơn dịp đi thăm ông phán Đê, có ghé lại nhà đạo Tin lành thấy đóng cửa…
          Hiện rày người có đạo còn ít, song sánh với người kẻ ngoại thì đã được phần nửa. Lại chỗ Banmêthuột còn đang mở mang, có công việc làm nhiều; có tiền bạc nhiều, nhơn công rất mắc mỏ, nên người annam hằng tìm lên đặng kiếm tiền. Trông cậy càng thêm người annam, thì sự đạo cũng càng thêm.
          Còn người mọi , thấy họ cũng quen lớn với người annam. Ở nhà thờ mấy bữa chiều tối đọc kinh có thắp đèn, thì thấy họ tới coi đông; họ ngó coi trên bàn thờ cách còn sợ, song bộ kính nể. Trông cậy ơn Chúa, có kẻ giảng khuyên, thì chắc có nhiều kẻ theo đạo. Khi ký giả đã giúp dạy dỗ, rửa tội cho người đạo mới và cũng mở ơn Toàn xá cho anh em bổn đạo cũ, xong các việc ký giả trở xuống, thì anh em bổn đạo cũ mới cũng đều gởi lời cúi lạy Đức Cha và gắn xin người cho có cha sở cho mau, hầu mở mang nước Chúa. Ký giả hứa sẽ trình Đức Cha mọi đều, song sự cho có cha sở cho mau, ký giả trộm nghĩ: Đức Cha cũng khó bề liệu. Vì địa phận mới chia, các cha annam không lên nữa, còn các cha tây có qua cha nào, thì may vừa lắp lại đủ những cha đau hay là chết.
          Vậy anh em hãy nguyện xin Chúa sai thêm những kẻ làm việc trong ruộng mình, vì lúa chín thì nhiều mà thợ gặt thì ít.

                                                                                             P. Ban
                                                         (Trích “Chức dịch thơ tín”, Địa phận Kontum số 24,
                                                                               tháng 04.1935, tr. 278-281)

MINH SƠN giới thiệu
_____________________
[1] x. Thư của ĐC Martial Jannin gởi cho cha Nicolas Cận ngày 21/03/1934 (tài liệu MEP).
[2] Dự tòng.
          

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét