Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Chủ Nhật, 1 tháng 3, 2015

Hành Trình Tìm Lại Dấu Ấn Lòng Tin - Xã Măng Buk, Huyện Kon Plong, Tỉnh Kontum


Kontumquehuongtoi xin giới thiệu ghi nhanh một vài sự việc liên quan đến HÀNH TRÌNH TÌM LẠI DẤU ẤN LÒNG TIN CỦA NGƯỜI DÂN TỘC VÙNG MĂNG BUK ĐƯỢC BÁM RỄ SÂU GẦN 55 NĂM, TRÊN NỬA THẾ KỶ (1961 – 2015) VÀ VÀI HÌNH ẢNH CƯ DÂN KƠ YONG TẠI XÃ ĐĂK NÊN. Phóng sự do Lm Gioakim Nguyễn Hoàng Sơn, Ban Mục vụ Truyền thông Gp Kontum thực hiện, đăng trên trang web của Gp Kontum: www.giaophankontum.com.


Hành Trình Tìm Lại Dấu Ấn Lòng Tin - Xã Măng Buk, Huyện Kon Plong, Tỉnh Kontum 

Cứ mỗi lần xuân về, Vị Giám mục Giám phận dành riêng mấy ngày Tết đến vùng sâu vùng xa thăm các linh mục tu sĩ, nhất là anh em đồng bào sắc tộc và những người nghèo vui xuân như thế nào. Trong năm Giáp Ngọ, giáo phận gặp nhiều biến cố: vui cũng có, lo lắng cũng nhiều. Nhưng, điều làm cho Ngài quan tâm nhất, đó là việc học hành của con em kinh cũng như dân tộc tại vùng sâu vùng xa bị thiệt thòi rất nhiều được giải quyết làm sao?. Mặt khác, đời sống phát triển toàn diện con người để sống THÀNH CON NGƯỜI ĐÍCH THỰC bao hàm chiều kích NHÂN VĂN VÀ TÂM LINH như thế nào?. Trong những ngày Tết Ất Mùi Cổ Truyền, Đức Giám mục cùng một số linh mục tu sĩ đi hành hương đến một nơi ít có người mục tử nào trong Giáo phận biết đến, đó là vùng cực bắc huyện Kon Plong, tỉnh Kontum, cụ thể là xã


* MĂNG BUK GHI DẤU ẤN LÒNG TIN TỪ NĂM 1961

* ĐĂK NÊN ĐANG THI CÔNG MỘT CÔNG TRÌNH THỦY ĐIỆN NHIỀU KHÍA CẠNH BẤT CẬP CHO VÙNG ĐẤT TÂY NGUYÊN NÓI CHUNG, TỈNH KONTUM NÓI RIÊNG.

Ban mục vụ Truyền thông xin ghi nhanh một vài sự việc liên quan đến HÀNH TRÌNH TÌM LẠI DẤU ẤN LÒNG TIN CỦA NGƯỜI DÂN TỘC VÙNG MĂNG BUK ĐƯỢC BÁM RỄ SÂU GẦN 55 NĂM, TRÊN NỬA THẾ KỶ (1961 – 2015) VÀ VÀI HÌNH ẢNH CƯ DÂN KƠ YONG TẠI XÃ ĐĂK NÊN.

GPKONTUM (28/02/2015) KONTUM

XIN KÍNH MỜI


HÀNH TRÌNH TÌM LẠI DẤU ẤN LÒNG TIN

XÃ MĂNG BUK - HUYỆN KON PLONG - TỈNH KONTUM

Cuộc xuất du đến thăm các xã phía bắc huyện Kon Plong - Tỉnh Kontum vào Mồng Bảy Tết (ngày 25/02/2015) đối với tôi, người ghi nhanh cuộc du khảo này thật bất ngờ và rất lý thú. Chúng tôi có dịp nghiên cứu Địa danh Kon Plong và Măng Đen cũng đã biết một số xã cực bắc huyện Kon Plong, đặc biệt xã Măng Buk và xã Nên, nhưng chưa có dịp đi thực địa như ngày du khảo này [1].

Ngày không ngờ đã đến. Đức Giám mục báo cho tôi biết chuẩn bị đi Măng Buk vào 7 giờ 30 sáng Mồng Bảy Tết (25/02/2015). Lòng nhủ thầm lòng mình: tuyệt, không ngờ!. Ngài nói thêm: cha thử xem có tài liệu hoặc mẫu tin gì về vùng truyền giáo Măng Buk này không?. Ngài nói thế, thật ra, ngài đã đi khảo sát vào Ngày Mồng Một Tết (19/02/2015), và ngài cũng nắm được một số dữ kiện về địa danh địa hình các xã nằm trên trục lộ từ thị trấn Kon Plong đến Măng Buk và các xã từ Ngã Ba Măng Buk đến xã Đăk Nên, nơi cư trú của người dân tộc Kơ Yong di dời từ lòng hồ Xuân Ring xã Đak Ring lên ở dọc triền núi.

I- Hành chính huyện Kon Plong – các xã:

1- KON PLONG nguyên sơ chỉ một làng nhỏ người dân tộc Bơnom nằm đầu nguồn suối Dak Xo Rack, quân lính người Pháp thường gọi vùng Cao nguyên Kon Plong là “Plateau G.I”. Với thời gian, dần dần KON PLONG trở nên địa bàn hành chánh “HẠT” thời kỳ thập niên 30 thế kỷ trước, và được đổi thành huyện Chương Nghĩa năm 1959

2- PLATEAU GI (Plateau GI là tên chỉ bình nguyên, có một tiền đồn lính địa phương quân trú, nay thuộc huyện Kon Plong )

Chúng tôi xin ghi lại đây một số tài liệu về các đồn lính được ông VÕ CHUẨN liệt kê trong Tập tài liệu có tựa“KON TUM TỈNH CHÍ”, đăng trong NAM PHONG Văn-học Khoa học Tạp Chí số 191, trang 544 ngày 24 Octobre 1933 như phần đóng góp ý kiến trên: “Ở thành phố KonTum, có một đồn lớn, coi cả lao tù và cả lao chính trị phạm. Lại có 5 đồn có quan Tây ở Daksut, Daktô, Kon Plong, An-khê và Konnak” .

3- Ngày 26/6/1946, quân Pháp tấn công và chiếm lại Kon Tum, thiết lập trở lại bộ máy cai trị vùng này. So với trước Tháng 8 năm 1945, bộ máy thống trị và chính sách cai trị của Pháp từ tỉnh tới làng không mấy thay đổi. Đứng đầu bộ máy hành chính cấp tỉnh là một công sứ người Pháp, bên dưới có các huyện thường do đồn trưởng người Pháp nắm giữ, rồi đến làng.

Về phía chính quyền Sài Gòn, sau khi Hiệp định Giơnevơ được ký kết năm 1954 - tiếp quản Kon Tum.

Năm 1958, chia bộ máy hành chính tỉnh Kon Tum thành tòa hành chính Kon Tum - bộ máy hành chính cấp tỉnh, bên dưới gồm các quận Kon Tum, Đăk Tô, Konplong và Đăk Sút.

Năm 1958, chính quyền Sài Gòn thành lập quận Tumơrông. Năm 1959, chính quyền Saigon thành lập thêm quận Chương Nghĩa. Năm 1960, quận Konplong bị xóa bỏ. Như vậy, thực tế quận Tumơrông và quận Chương Nghĩa chiếm gần trọn diện tích của quận Konplong trước đó. Một phần đất còn lại của quận Konplong không thuộc phạm vi của hai quận mới này được sáp nhập về quận Kon Tum.

Năm 1961, quận Chương Nghĩa bao gồm phần đất phía đông sông Đăk Nghé, giáp với Ba Tơ (Quảng Ngãi) được cắt về tỉnh Quảng Ngãi. Tỉnh Kon Tum còn lại 4 đơn vị hành chính cấp quận: Kon Tum, Đăk Tô, Đăk Sút, Tumơrông.

Sau năm 1965, phân cấp hành chính của chính quyền Sài Gòn tại Kon Tum có sự thay đổi. Đối với khu vực thị xã, thị trấn đông dân, vẫn giữ nguyên cấp quận; những nơi xa xôi, ít dân cư hơn, giảm quận đặt thành phái viên hành chính.
Năm 1970, bộ máy hành chính quyền Sài Gòn ngoài tòa hành chính và các ty, sở ở tỉnh, bên dưới có các cấp sau: quận Kon Tum, quận Đăk Tô, phái viên hành chính Đăk Sút, phái viên hành chính Măng Buk, phái viên hành chính Chương Nghĩa (quận Chương Nghĩa chuyển về Quảng Ngãi một thời gian sau đó được nhập trở lại tỉnh Kon Tum).

Năm 1972, chính quyền Sài Gòn cải danh chi khu Đăk Pét thành quận Đăk Sút để mở rộng chức năng về hành chính.

Sau chiến dịch xuân - hè năm 1972, quân đội miền bắc đánh Đăk Tô - Tân Cảnh và đại bộ phận các vùng nông thôn, vùng kiểm soát của chính quyền Sài Gòn bị thu hẹp đáng kể; quận lỵ Đăk Tô phải di tản về đèo Sao Mai (đông nam thành phố Kon Tum); các chi khu Đăk Pét, Măng Đen, Măng Buk bị cô lập. Chính quyền Sài Gòn chỉ còn co cụm phần lớn tại khu vực thành phố Kon Tum.

Năm 1974, quân VC tấn công tiêu diệt hoàn toàn các chi khu Đăk Pét, Măng Đen, Măng Buk. Tận dụng thời cơ thắng lớn ở Buôn Ma Thuột, ngày 17/3/1975, quân đội bắc Việt tấn công vào đầu não chính quyền Sài Gòn ở nội thị, chiếm thành phố và toàn tỉnh Kon Tum.

4- Ngày 31/1/2002: Địa giới huyện KON PLONG ngày nay được thành lập ngày 31/1/2002 theo Nghị định số 14/2002/NĐ-CP của Chính phủ.

Các xã, thị trấn trực thuộc huyện Kon Plông: Xã (9)
Xã Hiếu , Măng Buk , Măng Cành, Ngok Tem , Pờ Ê , Đắk Long, Đắk Nên, Đắk Ring, Đắk Tăng
Măng Buk là một xã thuộc huyện Kon Plông, có diện tích 73,1 km², dân số năm 2004 là 2281 người, mật độ dân số đạt 31 người/km².

II- Chúng tôi xin ghi lên đây 2 bản đồ để dễ đối chiếu với nội dung tóm lược hình thành các địa danh huyện thị xã như trình bày ở trên:

1/ Bản đồ Nha Địa Dư Quốc Gia Việt Nam phát hành năm 1961: Quận Chương Nghĩa và xã Măng Buk thuộc tỉnh Quảng Ngãi.

Phi trường Măng Buk nằm hữu ngạn sông Đăk Nghé bắt nguồn từ phía bắc, vùng Đăk Lack, Kon Kleang, suối Đăk Chang (Măng Buk) chảy xuống phía nam, qua quận Chương Nghĩa, trước nhất hợp lưu với sông Đăk Akoi thượng nguồn từ đông nam huyện Tumơrông chảy xuống phía nam, và cùng đổ vào sông Đăk Pơne tại huyện Kon Brai (ngày nay). Những con sông này là phụ lưu thêm nước cho dòng sông Đăk Bla qua thành phố Kontum ngày nay.


2/ Bản đồ Nha Địa Dư Quốc Gia Việt Nam phát hành năm 1963 (Quận Chương Nghĩa và xã Măng Buk trở thành căn cứ quân sự của chính quyền Sai-gòn đều có phi trường riêng. Cả hai thuộc tỉnh Quảng Ngãi)




3/ Chúng tôi xin phép đăng một bản đồ vệ tinh ngày nay để định vị nơi chúng tôi qui thực địa trong ngày 25/02 vừa qua:

7 giờ 30 rời thành phố Kontum, theo quốc lộ 24 thẳng đến thị trấn Kon Plong. Đoạn đường từ Kontum đến thị trấn Kon Plong khoảng 48km - 50 km này đang làm, gồ ghề mấp mô, nên chúng tôi cần nghỉ ngơi 30 phút để tiếp tục đoạn đường khó khăn vất vả hơn.




Chúng tôi viếng Mẹ Măng Đen lúc 9 giờ và cầu nguyện gần 30 phút bên Mẹ. Chúng tôi cũng biết trong dịp tết, nhiều người từ xa hành hương đến với Mẹ rất đông. Hôm nay dù Mồng Bảy Tết cũng còn khách hành hương viếng Mẹ, dâng lời Tạ Ơn Thiên Chúa và Xin Ơn Người qua bàn tay bầu cử của Mẹ. Tâm hồn của những cụ già, các thanh niên nam nữ và cả những em nhỏ thành tâm khấn nguyện cho năm mới được mọi sự lành. Họ không tìm cảnh vui náo nhiệt trong Lễ hội hào nhoáng bên ngoài, nhưng đến vùng hẻo lánh xa xôi thiếu tiện nghi để gặp gỡ Mẹ và tìm cho mình một quyết tâm trong năm mới. Nhìn Mẹ, thấy thiếu cánh tay và hai bàn tay, gợi nhớ cần làm gì nối tiếp cánh tay và bàn tay của Mẹ để xoa dịu nỗi khốn khổ đời sống lao linh của những con người bất hạnh chưa tìm sự an bình và hạnh phúc thật.

III – Măng Buk.

Qua 9 giờ 30, chúng tôi lên đường vượt qua xã Măng Cành (cách Thị Trấn độ 5-6 km), vượt qua xã Đăk Tăng (cách thị trấn trên 20 km). Từ Đăk Tăng, vượt 16 km nữa, chúng tôi mới đến Ngã Ba Măng Buk, có bản ghi: “Khu Di Tích Lịch Sử Chiến Thắng Măng Buk”. Từ ngã ba này, chúng tôi theo hướng bên trái trên 5km nữa đến sân bay Măng Buk xưa kia lúc 10 giờ 30. Đường xe đi bằng bê-tông, nhỏ hẹp quanh co, không có trụ báo bên mép đường lộ. Rất nguy hiểm. Có một số nơi lồi lõm, đất đá, đặc biệt gần Măng Buk. Dân cư thưa thớt, nghèo nàn, chỉ có những trũng lúa vùng ven sông suối, rẫy trên cao không nhiều. Trường cấp II tại xã Đăk Tăng. Ngày ngày các em học sinh phải đi bộ hoặc xe đạp đoạn đường trên mười mấy cây số. Đa phần các em bỏ học khi còn ngồi ghế nhà trường mới lên cấp II. Dân cư Măng Buk biết và hiểu tiếng Xơ-Đăng vùng Tumơrông và hai bên quan hệ rất thân tình, vui vẻ, có một số người lập gia đình với nhau, vì trong một thời gian Măng Buk là phái viên hành chánh thuộc quận Tumơrông. Nhà nước đang mở đường từ huyện Tumơrông đến Măng Buk. Hiện nay, con đường định khai mở này chưa xong, đi xe honđa cũng chưa được.

Vì Măng Buk là một địa danh mang dấu ấn công giáo từ năm 1961, nên chúng tôi xin ghi lại một số địa điểm đặc biệt này, nay vẫn còn trụ đài Đức Mẹ. Hình ảnh và văn bản được lưu trữ tại Tòa Giám Mục như tư liệu lịch sử quí hiếm.

Chúng tôi xin đăng trình 2 bản đồ vệ tinh ngày nay và sau đó một số văn bản và hình ảnh làm chứng từ có tính lịch sử của dấu ấn tôn giáo công giáo.

A - BẢN ĐỒ VỆ TINH

1- Bản đồ vệ tinh có ghi địa bàn địa lý vùng Măng Buk- huyện Kon Plong.


2/ Bản đồ vệ tinh: chúng tôi khảo sát tại chỗ và ghi Trụ Đài Đức Mẹ.



B- MỘT SỐ VĂN BẢN & HÌNH ẢNH

1. Văn Bản- Chúng tôi xin phỏng dịch tài liệu về cơ sở tôn giáo: nhà thờ, thánh giá và Tượng đài Đức Mẹ [2]

MĂNG BUK

(Theo lời kể của Chú Yao Phu Raphael Thuin, Cán bộ phát triển sắc tộc Kontum ở Măng Buk)

Măng Buk xưa kia chỉ là một ngôi làng nhỏ nằm cách xa một vài ngôi làng khác: nhìn từ chỗ này, chúng ta toàn thấy những cánh rừng già; nhìn từ chỗ khác toàn thấy những ngọn núi đá cao ngút ngàn. Dọc theo chân núi, từ xa chúng ta toàn nhìn thấy những hàng cây lau, cây sậy và những cánh đồng lúa. Cọp, beo và khỉ cũng còn rất nhiều; cá, ếch nhái và các loại rau cũng vậy.

Măng Buk xưa kia còn gặp nhiều khó khăn vì những nhu yếu phẩm không nhiều và phong phú như bây giờ. Nhờ những người “Yuơn- Hre”, người dân Măng Buk mới có mắm muối để ăn. Nhưng khó khăn nhất cho người dân nơi đây là đất đai thường xuyên bị sạc lỡ. Chính phủ cử quân đội luân phiên lên để giúp đỡ người dân nơi đây. Vì thế, có vài nhóm lính ở vùng Tumơrông và ‘Dak Tô lên ở vùng Măng Buk khó khăn và mưa dầm dề này. Giờ đây, người ta đặt tên cho vùng này là “Cơ sở phái viên hành chánh Măng Buk Quận Tumơrông”. Măng Buk giờ đây ngày càng rộng lớn. Đất đai canh tác cũng dễ dàng hơn và không còn nguy hiểm như trước kia nữa. Thú rừng lớn không còn quấy phá dân làng nữa. Chúng đã biết sợ và thường chạy trốn trong rừng sâu vì người dân đã biết sử dụng tiếng súng để xua đuổi dù chúng ở trên núi cao hay ở vùng đồng bằng.

Tổng Thống Ngô Đình Diệm là người đầu tiên coi sóc vùng Măng Buk. Năm 1961, ông cho dựng nơi đây một bức tượng Đức Mẹ thật lớn, nằm gần đồn lính. Ngôi làng Măng Buk nằm gần con sông nhỏ “Dak Chang” mà cửa sông của nó chảy vào con sông Hơnge mà lúc bấy giờ chúng gọi là con sông Bơlah. Gần con sông ‘Dak Chang, có những cánh đồng lúa mênh mông nằm bao quanh đồn lính. Nằm sau cánh đồng lúa là ngôi làng Măng Buk. Ngoài ra, có nhiều đồn lính nhỏ nằm xung quanh ngôi làng và trên mỗi ngọn núi cũng đều có một đồn lính nhỏ.

Năm 1971, trưởng Ty tỉnh Kontum có ý định muốn đưa một nhóm cán bộ lên xây dựng những ngôi làng cho người dân nơi đây. Họ vốn là những người sống cách xa Kontum, nhất là vùng Măng Buk nơi không mấy người biết đến. Đến ngày tập trung, tất cả các cán bộ phát triển sắc tộc và ông trưởng Ty đã thảo luận nhiều vấn đề. Sau đó ông nói với họ những công việc phải làm. Ông ra lệnh cho họ sửa lại những luật lệ chưa đúng và có vẻ không công bằng và ra lệnh cho họ mau mắn tiếp thu và nghe theo những chỉ dạy của những bô lão. Sau cùng, ông lặp lại câu hỏi: có ai muốn đi giúp cho người anh em đồng bào phát triển và giúp cho người khác biết đến vùng đất này không? Ông lặp lại nhiều lần nhưng không có ai trả lời. Sau cùng có một ông già ít hiểu biết, mẹ chết và đã bỏ vợ con đã giơ tay để đi đến nơi mà người ta xem mình như người xa lạ; người ta coi chúng tôi như kẻ thù vì họ chưa quen tiếp xúc với người lạ. Nhưng khoảng chừng 2 tháng sau, dân làng đã quen việc này. Khi họ không còn ngại ngùng mắc cỡ, tôi liền hỏi họ có muốn theo đạo không? Họ trả lời tôi rằng nếu có các chú Yao Phu đến dạy Lời Chúa và dạy chúng tôi cầu nguyện, chúng tôi sẽ đồng ý.

Ngày đó, Măng Buk ước mong theo đạo nhưng chưa có ai đến đây rao giảng về Chúa cho họ. Năm 1973, Cha tuyên úy Phạm Minh Công đã đặt chân lên Măng Buk. Ngày 29 tháng 3 năm 1973, Ngài cho dựng một cây Thánh giá thật lớn tại nơi Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã cho đặt một bức tượng Đức Mẹ thật lớn năm 1961.

Trước khi cho dựng cây Thánh giá lớn tại đây, Cha Công đã thảo luận với ông quận trưởng Đại úy Tự vốn là người coi sóc (phụ trách) vùng Măng Buk thời bấy giờ. Ông là một người tốt lành, có đời sống đức tin vững mạnh và lòng yêu mến Chúa. Ông luôn khuyến khích dân làng cầu nguyện xin Chúa ban cho vùng Măng Buk khỏi kẻ thù quấy phá và cũng kêu mời cả binh lính cầu nguyện và đi đàng Thánh giá. Phần tôi, ông cũng khuyến khích tôi phụ trách một nhóm thanh thiếu niên, dọn phát xung quanh khu vực tượng Mẹ cũng như dạy cầu nguyện và dạy hát về Đức Giêsu đã chịu chết trên cây thánh giá và chết thay cho con người. Đến ngày dựng cây Thánh giá, cả dân làng và Cha cùng kiệu và hát dâng Mẹ vì đây là một ngày vui thật sự của dân làng Măng Buk. Các tín hữu được rước mình Thánh Chúa. Ngoài ra, còn có hơn 150 anh chị em tân tòng. Dân làng trồng rất nhiều hoa xung quanh khu vực dựng cây Thánh Giá. Vào mỗi chiều thứ 7 và sáng Chúa nhật hay những ngày lễ trọng, tất cả tín hữu tập trung quanh cây Thánh giá đọc kinh cầu nguyện vì lúc đó chưa có nhà thờ. Tôi cũng phân chia mỗi nhóm thanh thiếu niên của mỗi làng (mỗi nhóm có một anh trưởng và phó nhóm) phụ trách công việc quét dọn và làm cỏ khu vực xung quanh cây Thánh giá vào sáng thứ 7 hàng tuần.

Dân làng Măng Buk ngày càng đông đúc và siêng năng cầu nguyện và trong làng ngày càng có nhiều người theo đạo. Trong vùng Măng Buk có 3 xã: Virsia, Măng Pong và Klé longo với 11 làng trong đó có 7 làng đã theo đạo; 4 làng còn lại chưa muốn theo vì tổ tiên của họ chưa trả xong món nợ đã thề hứa dâng cúng cho các thần. Dân số của Măng Buk là 2630 người trong đó có 1229 nam và 1401 nữ với 583 gia đình và 350 ngôi nhà.

Hơn hết, dân làng Măng Buk ước mong mau có một bức tượng Đức Mẹ như xưa dù chưa có nhiều người theo đạo nhưng lại có một đức tin mạnh mẽ. Năm 1972 tôi khuyến khích dân làng hết lòng cậy trông vào Mẹ Maria. Vì thế, Việt minh đã không tấn công vào các đồn lính và ngôi làng nhờ đó ngôi làng được bình an vô sự và số người chết không đáng kể.

Đến đầu tháng 10 (vào mùa trồng lúa), Đức Cha và Cha Bề Trên trường Cuênot nghĩ việc mang bức tượng Đức Mẹ lên Măng Buk bằng máy bay rất khó khăn. Việc chở bằng máy bay không còn dễ dàng như bằng đường bộ như xưa vì chỉ có binh lính mới được đi máy bay. Dù biết vậy nhưng Cha Bề Trên cũng gắng sức xin máy bay của Chính phủ để đem tượng Mẹ lên Măng Buk. Cuối cùng, Chính phủ cũng đồng ý cấp máy bay. Đến ngày hẹn, ông Quân đã ra lệnh cho dân làng ra đón Mẹ ở sân bay Măng Buk. Ông cũng lệnh cho làm trước những bức hàng rào kẽm gai chung quanh khu vực đặt tượng Mẹ để đón tượng Đức Mẹ từ Kontum lên che chở những người con Măng Buk. Hai lần dân làng ra sân bay đợi đón Mẹ xuống nhưng vô vọng vì thời tiết quá xấu đến nỗi trực thăng không thể hạ cánh xuống sân bay nên đành bay về lại.

Mẹ Thiên Chúa đầy quyền năng và nhân hậu nhìn thấy đoàn con cái Măng Buk cậy trông Mẹ, nên Mẹ đã đoái thương nhận lời. Đến ngày thứ 3 (27/11/1973), cha Hoàng muốn đến vùng Măng Buk nhưng có công việc khác nên Đức Cha giao Măng Buk cho Cha Lộc coi sóc và sau đó là Cha tuyên úy Phạm Minh Công. Ngài coi sóc cả binh lính, Măng Buk và Tamăn Dang. Một buổi sáng nọ, chúng tôi muốn lên Măng Buk nhưng không được vì thời tiết xấu và mưa như trút. Đến gần 11h 30, nhìn thấy bầu trời quang đãng và nắng đẹp như mùa khô trong lòng chúng tôi vui mừng khôn xiết vì Mẹ đã nhận lời chúng tôi cầu xin khi nghe tiếng trực thăng chở các viên chức xã ấp và công chức Mỹ đáp xuống sân bay Măng Buk. Được như vậy, chúng tôi nhờ đến sự giúp đỡ của ông cố vấn Mỹ khi cho chúng tôi binh lính, các linh mục, các cán bộ tỉnh, những người anh em đồng bào và nhất là mang đến cho chúng tôi bức tượng Mẹ Maria. Sự việc xảy đến giống như khi trên đường về trời, Mẹ đã nghe rõ tiếng kêu xin của đoàn con cái trên vùng núi rừng Măng Buk qua việc lần chuỗi mân côi. Mẹ liền đến và ở lại nơi vùng đất này. Khi đến nơi, những người con liền đặt Mẹ ở đồn lính giữa làng khoảng 20 phút để cùng Mẹ cầu nguyện. Sau đó, họ kiệu Mẹ đến nơi đã đặt cây Thánh Giá cũng chính là nơi Tổng Thống Ngô Đình Diệm đã cho dựng một bức tượng Mẹ trước kia. Dọc đường đi, dân làng và binh lính vừa kiệu vừa hát ca tụng Mẹ. Đây là một ngày thật vui của cả vùng Măng Buk. Đến nơi đặt tượng Mẹ, Cha Lộc đã làm phép bức tượng Mẹ và dạy cho dân làng biết đôi điều về Mẹ. Sau đó, chúng tôi xin Cha ban phép lành lần nữa. Gần tượng Mẹ có một ngôi nhà nguyện nhỏ nhưng vì trực thăng đến sớm nên Cha Lộc không kịp làm phép ngôi nhà nguyện nhỏ này. Từ đó đến ngày 31 tháng 12 năm 1973, mưa gió bão táp không còn nữa. Giờ đây, dân làng Măng Buk sống trong niềm hạnh phúc vô bờ. Dù ngôi làng còn rất nhỏ nhưng ngày nào cũng có người đến cầu nguyện trước Mẹ.

Nhưng thật đáng buồn khi đã có nhiều người đem đồ ăn thức uống lên đây để bán nhưng lại chưa có ai mang lương thực thiêng lên nuôi dưỡng những linh hồn đang khao khát: cánh đồng của Chúa ngày càng rộng lớn nhưng lại không có thợ gặt.

Anh chị em thân mến, xin hãy cho con em mình đến học ở trường Cuênot để góp phần mở rộng những cánh đồng của Thiên Chúa theo khả năng của mỗi người và cũng đừng quên rằng xưa kia anh chị em xưa kia đã ăn cơm của Thiên Chúa. Sau hết, nhờ ơn Chúa ban cho, xin anh chị em góp công sức cùng viết tập sách này (Hlabar TƠBANG) và sẵn sàng đến ở với những anh chị em chưa nhận biết Thiên Chúa. Con xin tạ ơn Chúa vì Ngài đã sai 2 chú Yao Phu Rên và Phat người Sêđăng đến vùng Măng Buk giúp đỡ con. Chính Đức Cha giúp chúng con lương thực trong thời gian ở đây. Dân số Măng Buk là 2630 trong đó có 2236 người theo đạo và 394 người chưa sẵn sàng. Rửa tội 2 người: một già và một trẻ.

Chúc tụng Thiên Chúa đến muôn đời.

Măng Buk, ngày 04 tháng 01 năm 1974

(trích Hlabar Tơbang số 275-276, năm 1974)

2. Hình ảnh:

a/ Cung nghinh tượng Đức Mẹ từ đồn ra nghênh đài tại tiền đồn Măng Buk [3]


Ghi ảnh ngày 19/02/2015


Ghi ảnh ngày 25/02/2015







Lược về, chúng tôi theo con đường hướng phải, dẫn đến hồ Xuân Ring, và đến xã Đăk Nên. Nơi đây nhà nước đang cho thi công một đập lớn chặn nước của các con sông như Đăk Ring, sông Đăk Selo được một nguồn nước lớn chảy từ phía nam thuộc vùng bắc huyện Kon Plong do 2 phụ lưu là Đăk Lô, Đăk Xo Rach đổ về hướng bắc đông bắc phía tỉnh Quảng Ngãi để làm thủy điện. Mặt nước hồ Xuân Ring rộng và xanh đẹp. Cư dân Kơ Yong không đủ vùng đất ruộng như rẫy để mưu sinh, còn sống chơi vơi trên vùng đất đồi núi, thiếu đất sinh hoạt cần thiết. Chúng tôi gặp một số cụ già người Kơ Yong cúng yang gần triền núi để bắt đầu phát hoang làm nương rẫy, cạnh bờ hồ Xuân Ring, thử hỏi có thể giữ được nước cho hồ này không?.









Chúng tôi về lại thành phố Kontum vào lúc 18 giờ cùng ngày với lòng phấn khởi vì gặp được DẤU TÍCH LÒNG TIN CỦA ANH EM DÂN TỘC ĐƯỢC THỂ HIỆN QUA TƯỢNG ĐÀI ĐỨC MẸ VÀ NỀN NHÀ THỜ CŨ CÓ TỪ NĂM 1961 TẠI MĂNG BUK vậy.

Ghi nhanh, ngày 28 tháng 02 năm 2015

Lm. GIOAKIM NGUYỄN HOÀNG SƠN


________________________________________

[1] Xin vào địa chỉ trang mạng Giáo phận

[2] Trích dịch trong “Hla-bar Tơbang”, số 275 và 276 năm 1974, do Chú Raphael Thuin viết tại Măng Buk ngày 4 tháng 01 năm 1974.

[3] Trưng dẫn “Nha Tuyên Úy Công Giáo, việc trong tuần, tháng 2 năm 1974”

________________________________________

Nguồn bài viết: http://giaophankontum.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét