Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2011

RƯỢU CẦN

Rượu cần là "đặc sản" của các dân tộc thiểu số Việt Nam - Từ "đặc sản" ở đây, ngoài ý nghĩa là sản phẩm đặc biệt về nội dung, chất lượng mà còn bao hàm cả sự độc đáo có một không hai về cách tiêu dùng...

Trong hàng chục, hàng trăm loại rượu, có lẽ đây là loại duy nhất không uống bằng ly, bằng chén mà uống bằng một dụng cụ đặc biệt được gọi là cần.

Bởi thế, việc sử dụng thứ đặc sản này có thêm "công đoạn" hút, trước khi uống chúng vào người. Hơn nữa, đối với rượu cần, người ta không uống một mình với mục đích giải sầu mà chỉ uống tập thể vào những dịp lễ Tết, hội hè... khi tiếp đãi bạn bè, khách quý phương xa. Vào những ngày trọng đại đó, chóe rượu được đặt trang trọng giữa nhà, bên bếp lửa bập bùng; còn khách và chủ cùng quây quần xung quanh, ngất ngây trong tiếng cồng chiêng trầm bổng. Mọi người ngồi xếp chân vòng tròn, vít cong cây cần làm bằng ống trúc và hút say sưa.

Như đã nói ở trên, rượu cần không phải là thức uống giải sầu, cũng không phải dùng để nhậu nhẹt, đánh chén. Vì thế, người ta không dùng mổi khi uống, mà mổi ở đây chính là những điệu nhảy, điệu múa, là ánh mắt, lời ca trong tiếng cồng chiêng và tiếng suối reo. Nguyên liệu làm rượu cũng chỉ là những loại ngũ cốc thông thường... Song bí quyết chính là ở chất gây men. Chất gây men được làm từ lá rừng và thường được giữ kín, không tiết lộ cho người ngoài sắc tộc. 

Về cách chế biến thật đơn giản nhưng độc đáo: men và tinh bột được trộn đều, cho vào chóe, bên trong phủ lớp trấu dùng để ủ. Sau đó, thay vì mang đi chưng cất bằng nhiệt như các loại rượuthường, người ta đem chóe chôn sâu xuống đất đúng 100 ngày. Dĩ nhiên, thời gian chôn càng lâu rượu càng thơm ngon, quyến rũ. Ðiểm nữa, trước khi uống phải đổ đầy nước suối vào chóe với mục đích hòa tan chất cổn trong nước đầu tiên này gọi là nước cốt. Nước cốt màu vàng sánh, có mùi hương lan tỏa tuyệt vời hết sức đặc trưng.

Rượu cần độc đáo là thế nên không ít người cho rằng uống rượu cần chính là một nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Qua chóe rượu, người ta xích lại gần nhau hơn, thương yêu đùm bọc nhau hơn. Ðiều này có thể giải thích lý do vì sao càng ngày càng có nhiều du khách ngoại quốc tìm đến rượu cần như là một sản phẩm văn hóa đầy sức hấp dẫn lạ kỳ của rừng núi Việt Nam.


(Theo Nông thôn Việt Nam)


RƯỢU CẦN TÂY NGUYÊN

Rượu cần không uống bằng ly, bằng chén mà bằng những cần trúc nhỏ, là đặc sản phổ biến thứ hai trong đời sống của các dân tộc Việt Nam.

Rượu cần có từ rất lâu đời ở khắp mọi nơi từ miền núi phía Bắc đến vùng Tây Nguyên. Nó được làm từ gạo, ngô, bo bo, sắn, kê… và mỗi loại lại mang một hương vị thơm ngon đặc trưng riêng. Mặc dù rất phong phú đa dạng nhưng hầu hết tất cả các loại rượu cần đều được làm theo một phương pháp độc đáo là ủ men bằng lá rừng mà không qua chưng cất. Rượu cần hạ thổ ủ càng lâu thì càng thơm ngon. Khi uống người ta đổ nước suối (hoặc nước đun sôi để nguội) vào vò rượu rồi cắm cần trúc vào để người uống hút lên.

Rượu cần có nồng độ nhẹ. Hương vị nồng nàn của men lá rừng khiến ta có cảm giác lâng lâng ngây ngất, dẫu say nhưng vẫn muốn được uống thêm, vui mãi. Bởi thế người ta không uống rượu cần một mình hay uống để giải sầu mà thường uống cùng nhiều người vào những ngày mùa bội thu, những dịp lễ hội, tiếp đãi bạn bè, khách quý phương xa. Rượu của đồng bào Ba Na được các dân tộc ở Tây Nguyên khen là ngon nhất, sau đó mới là rượu của người Ê đê và Xơ đăng.

Rượu cần ở Tây Nguyên dùng trong mỗi dịp lễ lớn như bỏ mả, ăn cơm mới. Những ngày lễ này đều được cử hành trọng thể ở nhà làng (nhà rông). Đồng bào đánh cồng chiêng, nhảy múa, ca hát rồi ăn thịt trâu nướng, uống rượu say túy lúy. Bên ché rượu, trai, gái hát cho nhau nghe những bài hát chan chưa ân tình: “Anh ở bên này ghè rượu/ Vít cần trúc cong cong thành một nửa bầu trời/ Thành một nửa trái tim mơ hồ gọi/ Một nửa còn bên ấy/ Bạn tình ơi!/Bên này trái tim, bên ấy trái tim/Vòng ngực nổi cồn trên miệng ché/ Rượu chảy về hai bên, men say còn ở giữa/Lửa phừng phừng bứt tượt áo nuk – kiar…/Ơi chân trời lửa bên em sao mà xa ngái thế/Đường gấp khúc trái tim sâu thăm thẳm đáy men nồng”.

Uống rượu cần thể hiện sự đoàn kết, thương yêu. Mọi người cùng uống với nhau chung cần, trẻ, già, trai, gái nhâm nhi thịt trâu nướng...

Rượu cần có nhiều loại. Rượu thóc là lúa mới xay, rửa cho sạch, ngâm rồi trộn men để bỏ vào ché. Lấy lá chuối bịt miệng ché độ năm, sáu hôm là dùng được. Rượu cơm là rượu làm bằng gạo nấu thành cơm ủ với men; hoặc là trộn đều bỏ vào ché; hay bỏ một lớp cơm, một lớp men cũng được. Cơm rượu chỉ vài ba hôm là nở tràn ché. Còn rượu kê, bo bo, bắp, mì... cũng làm theo cách trên.

Đồng bào Ba Na gọi rễ cây men là Hiam. Rễ này cùng với rừng, ớt được giã nhỏ, trộn với gạo rồi viên thành viên nhỏ. Hoặc lấy rễ dây men, loại dây có gai bò trên mặt đất giống như dây trầu, đem phơi khô, giã nhỏ với củ riềng hay củ rừng rồi cũng viên thành từng viên lớn như quả trứng gà so. Mỗi ché chỉ bỏ độ một viên men là đủ.

Làm rượu cần theo cách của đồng bào Tây Nguyên rất đơn giản. Chỉ cần bỏ men vào cơm ủ trong ché (ghè) độ bốn, năm hôm là thành rượu. Lúc nào uống, người ta chỉ cần đổ thêm nước lã, chứ không chưng cất như rượu đế. Rượu cần để lâu ngày càng ngon. Có người đem chôn rượu ở dưới đất hàng năm cho rượu hả hơi mới đem lên uống.

Đến lúc uống, đồng bào đem cần cắm vào ché. Cần uống thường làm bằng cây trúc hay cây triêng. Cuống cây triêng thường dài cả mét, chặt đem về phơi khô, rút lõi bỏ đi, dùng làm cần rượu thì tuyệt.

Uống rượu không phải uống sao cũng được. Nếu có khách đến nhà thì vấn đề “uống” là cả một nghi thức rườm rà. Họ tin rằng, rượu là do trời (Yang) ban đến cho nên rượu mới được quý hóa trong việc dùng nó.

Khi chủ nhà mang ché rượu bày ra giữa nhà tức thì các nhà lân cận cũng mang rượu đến chung vui cùng nhà có khách. Các ché rượu được buộc chặt vào các cây cột bằng gỗ hay bằng tre. Chủ nhà mới mở miệng ché lấy lá tranh vứt ra ngoài, đoạn cắ cây cần vào. Xong đâu đấy chủ nhà mới múc nước lã đổ vào ché cho tràn, rồi uống một hớp trước để tỏ lòng chân thành và tỏ cho khách biết rượu không có bỏ thuốc độc. Còn phía khách, trước khi uống, bao giờ cũng hút một ngụm rồi nhổ bỏ, vì theo tục xưa, để tránh tình trạng bị đầu độc.

Sự đề phòng trở thành tục lệ. Ngày nghi thức uống rượu có thay đổi tùy theo mỗi dân tộc và mỗi địa phương. Sau đó, chủ nhà thay mặt cả gia đình chúc khách được sức khỏe, sống lâu và gặp nhiều may mắn, sinh con đẻ cái cho thật nhiều. Chủ nhà còn đưa tay phải nắm lấy cần, tay trái đặt tay lên miệng ché, lâm râm khấn rằng: “Mách ỏ rạ mách tổ ỏ rạ, ghệt am ỏ rạ…” có nghĩa “anh em vui vẻ ăn nhậu, xin anh em thương yêu nhau…”.

Qua những nghi thức đầu tiên, chủ khách cứ tiếp tục uống, vừa uống vừa chuyện trò vui vẻ. Rượu vơi đến đâu, chủ nhà múc nước thêm vào đến đó. Nếu khách là người miền xuôi lên thăm, thì thật là: “Trường Sơn cao ngất rừng xanh/ Quây quần rũ rượu, Thượng - Kinh chung cần”.

Nếu như trước kia rượu cần chỉ là thứ đồ uống đặc trưng của núi rừng, của các dân tộc ít người thì ngày nay nó đã xuất hiện rất nhiều và rất được yêu thích ở chốn thị thành, trong những cuộc vui liên hoan, trong những đêm lửa trại của thanh niên, sinh viên.

Ở đâu có rượu cần là ở đó có niềm vui, có tiếng cười và sự giao lưu thân ái. Không ít người đã coi rượu cần như một biểu tượng của niềm vui, tình đoàn kết, là một nét sinh hoạt văn hóa cộng đồng. Rượu cần ngày càng được nhiều người Việt Nam, đặc biệt là du khách nước ngoài tìm đến để thưởng thức, khám phá nét văn hóa độc đáo mang đậm dấu ấn của núi rừng và thiên nhiên nguyên sơ.

Theo nhận định của một số nhà nghiên cứu văn hóa dân gian, có lẽ chỉ sau cây lúa, biểu trưng cho nền văn hóa nông nghiệp, rượu cần là đặc sản phổ biến thứ hai trong cuộc sống của các dân tộc ở Việt Nam.

Lạc Trường (báo Đất Việt)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét