Trong nguồn sách báo do Nhà in trường Kuenot Kontum [1] xuất bản từ đầu thế kỷ XX đặc biệt có 2 tạp chí: HLABAR TƠBANG (từ năm 1911) bằng tiếng Bahnar và CHỨC DỊCH THƠ TÍN (từ tháng 5/1933) bằng chữ quốc ngữ.
Riêng CHỨC DỊCH THƠ TÍN là tập san của Hội chức việc Địa phận Kontum, xuất bản mỗi tháng một kỳ, trong đó có hẳn một mục “Văn Uyển”, hầu như số nào cũng có văn thơ đăng.
Chúng tôi muốn giới thiệu một tiểu thuyết, in trong tạp chí “Chức dịch thơ tín” Địa phận Kontum từ số 36, tháng 4/1936 đến số 51, tháng 7/1937: đó là tiểu thuyết “RỪNG XANH LƯU LẠC” của tác giả Bế Ngọc. Có thể nói đây là tiểu thuyết đầu tiên về đề tài phiêu lưu mạo hiểm ở Tây Nguyên. Bởi trước đó hầu hết những tác phẩm viết về Tây Nguyên – Kontum thường dưới dạng những bài khảo cứu hoặc lịch sử truyền giáo [2]. Hình thức viết văn chương bắt đầu xuất hiện ở Kontum vào đầu những năm 1930 với một số bài thơ, còn tác phẩm văn xuôi rất hiếm. Tiểu thuyết “Rừng xanh lưu lạc” thật sự là một nỗ lực rất đáng trân trọng góp phần hình thành và tô điểm cho Dòng Văn học Công giáo Làng Hồ.
Tóm lược nội dung
Tiểu thuyết “Rừng xanh lưu lạc” gồm 6 chương (đoạn), kể lại cuộc phiêu lưu khám phá của một thiếu niên Công giáo tên Phùng Bá ở Sài gòn giữa khu rừng Tây Nguyên – Kontum. Trong một chuyến tham quan cùng gia đình lên Miền Thượng, trong lúc xe hơi của họ bị hỏng máy dừng lại bên một mé rừng, thình lình có một đàn voi xuất hiện và con voi đầu đàn đã cuộn cậu bé vào vòi đưa thẳng vào rừng già. Tưởng như số phận đã an bài cho cậu thiếu niên, nhưng thật kỳ lạ, đàn voi không những không làm hại cậu bé, trái lại còn nâng đỡ, cưu mang. Từ đây, cậu bắt đầu cuộc phiêu lưu giữa rừng xanh với “Ông Già”, “Cô Ba” và “Bướm Bướm” (tên cậu đặt cho gia đình voi)…Có những giờ phút thư thái, thinh lặng nguyện cầu nhưng cũng lắm phen gặp gian nan, nguy hiểm. Cậu đã nhiều lần nhớ về gia đình, cha mẹ, song chỉ biết cầu may bằng cách viết thư ghi địa chỉ nhà, bỏ vào ống tre rồi thả trôi trên một nhánh sông Đăk Bla, mong ai đó nhặt được…Cậu và “Ông Già” đã làm được việc thiện là cứu được “Thằng Bé”, một thiếu niên sắc tộc chẳng may bị cọp vồ mang vào rừng. Từ Thằng Bé, họ khám phá ra một hang động có 2 tù trưởng chuyên bắt cóc người làm nô lệ. Đột nhập hang động này họ cứu được Ngo, chính là anh trai của Thằng Bé. Ngo và Thằng Bé hướng dẫn Phùng Bá và đàn voi về làng. Dân làng vui mừng biết ơn vị ân nhân đã cứu mạng người thân của họ. Phùng Bá và dân làng hợp lực hóa giải một vài xung đột xảy ra giữa các làng trong vùng. Qua gặp gỡ thương lái người Kinh vào buôn bán trong làng, họ tìm cách liên lạc với vị linh mục phụ trách xứ đạo gần nhất, sau đó vị linh mục báo lại Cha Bề trên ở trung tâm Kontum. Cha Bề trên đã tìm cách liên lạc được với cha mẹ cậu ở Sài gòn (ông Phùng Ngọc và bà Ca Thị Trinh). Câu chuyện kết thúc có hậu với đoạn kết của tác giả như sau:
“…Liên tiếp được giây thép Bề trên chính Kontum đánh cho hay chuyện Phùng Bá đã đến Kontum. Ông Phùng Ngọc và bà Ca Thị Trinh hết sức vui mừng tạ ơn Chúa, đoạn dọn dẹp đồ hành lý lên đàng thẳng đến Kontum.
Chiều ngày thứ ba đã thấy xa xa tháp nhà thờ Kontum. Xe ù một lúc nữa thì tới nơi. Ai biết đặng khi ấy cha con, mẹ con gặp nhau vui mừng là thể nào ! Cái tình cảnh ấy không nói tưởng độc giả cũng biết được vậy. Phùng Bá thuật lại đủ mọi sự đầu đuôi cho cha mẹ nghe. Rồi đó còn ở lại Kontum độ một tuần nữa mới về Sài gòn. Cũng có đem Thằng Bé đi theo nữa. Thằng Bé này sau học hành sáng trí, trở về làm chủ làng, ít năm sau được phước nghe giảng tin lành Evan và hằng giữ đạo tử tế hẳn hoi luôn.
Thế là ngày nay, Phùng Bá mới thoát ra khỏi cái cảnh lạc lài trôi nổi cậu đã trải qua ngót một năm vậy. “Kẻ trông cậy Đức Chúa Trời chẳng hề sẽ hoài công cùng hổ ngươi bao giờ”.
Tác giả
Các tác giả thơ văn góp mặt trong “Văn Uyển” của Chức Dịch Thơ Tín hầu hết đều xuất thân từ tầng lớp có gắn bó với chữ nghĩa như: linh mục, giáo viên, công chức, chức việc, chủng sinh…Ngoài “Rừng xanh lưu lạc”, Bế Ngọc còn có “Câu chuyện cha Gioan” cũng đăng nhiều kỳ trong tạp chí này.
Một trang của tiểu thuyết “Rừng xanh lưu lạc” trong Tạp chí
“Chức dịch thơ tín”, in năm 1936 tại Nhà in Kuenot Kontum
Trang bìa “Chức dịch thơ tín” số 36, tháng 04/1936
Một đóng góp đáng ghi nhận
Chúng ta nên biết rằng Cao Nguyên Kontum (ngày nay gọi là Tây Nguyên) cho đến thập niên 30, thậm chí thập niên 40, 50 của thế kỷ trước vẫn chỉ là một vùng rừng núi mênh mông, dân cư còn thưa thớt, chủ yếu vẫn là nơi sinh sống của các bộ tộc Bahnar, Rơngao, Jarai, Sêđăng…cùng với các tập tục gần như nguyên vẹn thuở hoang sơ. Nơi này được mệnh danh là xứ “rừng thiêng nước độc”, ít có bóng người dám lui tới vì sợ bệnh sốt rét rừng…Tiểu thuyết “Rừng xanh lưu lạc” năm 1936 chỉ với vỏn vẹn 6 chương đã đề cập tới nhiều vấn đề liên quan đến Miền Thượng như: rừng già, thú dữ, những mối khó khăn hiểm nguy, nạn chiếm hữu nô lệ và chiến tranh giữa các bộ tộc…Đồng thời cũng đề cao lòng nhân ái, tính trung thực của người sắc tộc bản địa, mối quan hệ tình nghĩa Kinh-Thượng, công cuộc truyền giáo đang diễn ra nơi đây.v.v. Tất cả đều mong muốn đưa dẫn đến một viễn cảnh tốt đẹp trong tương lai.
Cho đến thời điểm năm 1936, ngoài những tác phẩm văn xuôi về nhiều đề tài và thể loại do Nhà in Làng Sông Quinhơn xuất bản [3], tiểu thuyết “Rừng xanh lưu lạc” của Bế Ngọc, Nhà in Kuenot Kontum về phiêu lưu mạo hiểm Tây Nguyên cũng là một chủ đề khá mới mẻ, hấp dẫn. Có thể nói đây là một đóng góp khá sớm của văn học Công giáo Tây Nguyên rất đáng được ghi nhận.
LÊ MINH SƠN
31/8/2021
WGPKT(07/09/2021) KONTUM
————————
[1] Nhà in trường Kuenot Kontum còn được ghi với các tên: Nhà in Hnam trưng Kuenot, Nhà in Địa phận Kontum, Hnam in Beatô Kuenot Kontum, , Imprimerie de Bx Cuenot, Hnam in Misiô Kontum.
[2] Một số tác phẩm tiếng Việt như: “Lược khảo về tỉnh Kontum”, Trần Đình Nam, Tạp chí Nam Phong số 74, 8/1923; “Mở Đạo Kontum”, P. Ban và S. Thiệt, Nhà in Qui Nhơn 5/1933; “Kontum tỉnh chí”, Võ Chuẩn, Tạp chí Nam phong 10/1933; “Mọi Kontum”, Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi, NXB Mirador Huế, 1937…
[3] x. Catalogue (Thư mục) của Nhà in Qui Nhơn 05/1934, phần IV Littérature (Văn chương).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét