Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Bảy, 11 tháng 9, 2021

ĐỊNH HƯỚNG VĂN HỌC TRONG MỤC VỤ TRUYỀN GIÁO THỜI ĐẦU TẠI VIỆT NAM - Lm. Giuse Trương Đình Hiền




DẪN NHẬP: Một chuyện “không hề nhỏ”

Trong khi “đại dịch Covid” đang đe doạ khắp hang cùng ngõ hẻm, một bối cảnh đen tối mà ở đó mọi người đang nơm nớp lo lắng và bận tâm tới các nhu cầu sống còn, tới bình ôxy để thở, tới liều vaccine để chích, tới lò hoả táng nếu lỡ người thân qua đời, tới cân gạo, gam muối để sống qua ngày thời giản cách…, thì hôm nay, ở đây, chúng ta lại họp nhau, cho dù là online, để bàn chuyện văn học, văn hoá ! Chắc chắn sẽ không thiếu người chắp môi dè bỉu: “Rõ làm chuyện ruồi bu”; hay có thể minh hoạ hài hước một chút: dưới mắt anh cán bộ nào đó, thì “cuộc hội thảo văn học” này chẳng khác nào “câu chuyện cái bánh mì”[1], một thứ không phải là “lương thực”, không là “vật thiết yếu” !

Mà đây là một sự thật đang diễn ra trong đất nước chúng ta: văn học, văn chương, văn hoá gần như là một thứ “xa xỉ”, chẳng liên quan và cần thiết gì cho cuộc sống, như phát biểu năm nào của một vị đại biểu Quốc Hội Việt Nam, ông Dương Trung Quốc: “Tại sao sự đầu tư cho văn hoá còn ít, là vì chúng ta còn quan niệm văn hoá là một cái gì đó xa xỉ. Ngay như các địa phương đầu tư cho văn hoá cũng ít. Họ có thể thấy ngay hiệu quả khi đầu tư cho một con đường nhưng họ không bao giờ suy nghĩ được về những cái liên quan đến tâm hồn con người, giúp con người hình thành nhân cách. Đó là những thứ không cân đong, đo đếm được”[2].

Và nếu “ngược thời gian trở về quá khứ” cách đây đúng 100 năm (1921), chúng ta cũng gặp cái tâm trạng “đã từng” như thế, tâm trạng của cố thi sĩ Tản Đà Nguyễn Khắc Hiếu[3] được khắc hoạ trong bài thơ để đời “Hầu Giời”[4], mà không ít người vẫn nhớ mấy câu:

Văn chương hạ giới rẻ như bèo
Kiếm được đồng lãi thực rất khó
Kiếm được thời ít, tiêu thời nhiều
Làm mãi quanh năm chẳng đủ tiêu…

Nhưng đó là chuyện “văn chương hạ giới rẻ như bèo của năm 1921 cho đến chuyện “bánh mì không là lương thực của 2021”, câu chuyện “Trăm năm trong cõi người ta”[5] !

Hôm nay chúng ta không mất công để “lấn sân” qua lãnh vực bao la đa sự nầy mà chủ yếu dừng lại để “hàn huyên với nhau” câu chuyện trong nhà, trong mái nhà “Mẹ Hội Thánh Công Giáo Việt Nam” mà chủ đề đã ghi rõ trong thư mời: NGÀY HỌP MẶT VĂN THƠ CÔNG GIÁO HẰNG NĂM LẦN THỨ 10 với Chủ đề: Dòng Văn Học Công Giáo Đương Đại.

Thoạt nhìn qua chủ đề nầy, cảm giác đầu tiên của tôi là: đây không là “chuyện nhỏ” nhưng là “lớn chuyện” à nhen !

Thế nhưng, con sông dòng suối nào cũng đều có cội nguồn để xuất phát. Nếu thực sự có một “Dòng Văn Học Công Giáo đương đại”, thì chắc chắn phải có một “cội nguồn của Dòng Văn Học” đó. Chính vì thế, trước khi quý vị bàn chuyện “văn học Công Giáo đương đại”, xin cho phép tôi được một chút “ngược dòng thời gian”, tìm về cái cội nguồn của “dòng sông tinh thần” đó; hay nói cách khác, trở về cái thuở mà “Hạt giống Lời Chúa” lần đầu tiên được gieo xuống trên mảnh đất Việt Nam này để xem thử “Cha Ông chúng ta đã vận dụng làm sao cái khí cụ văn học, văn hoá trong công cuộc rao giảng Tin Mừng”; hay nói cho có vẻ “trường lớp” một chút, thì đó là “ĐỊNH HƯỚNG VĂN HỌC TRONG MỤC VỤ TRUYỀN GIÁO THỜI ĐẦU TẠI VIỆT NAM”.

Chắc chắn, đây cũng chỉ là một cuộc “cỡi ngựa xem hoa” trong khung cảnh giới hạn của một cuộc toạ đàm online, mà thời gian chuẩn bị gần như để “điền vào chỗ trống”, nên chỉ xin nêu bật một vài nét đan thanh trên một số khía cạnh được cho là trọng điểm, dựa trên những “cột mốc văn hoá, văn học” dính liền với một số tác phẩm và tác giả mang tính định hình.

Dĩ nhiên đây chỉ là những “tổng hợp quan điểm” mà hầu hết được chắt lọc từ những công trình nghiên cứu giá trị và công phu của các bậc tiền nhân hay tác giả đương đại; cọng thêm những suy tư, nhận định mang tính chủ quan, cầu thị và gợi mở để có thêm những phát hiện quân bình và chuẩn xác để những gì liên quan đến văn hoá, văn học, cho dù mang diện mạo và bản sắc Công Giáo, vẫn được khả tín và đáng trân trọng.

I. NHỮNG VIÊN GẠCH LÁT NỀN: ĐỊNH HƯỚNG CỦA CÁC THỪA SAI

Nếu lấy năm 1615 các thừa sai Dòng Tên cập bến Cửa Hàn Đàng Trong, và năm 1627 cập bến Cửa Bạng Đàng Ngoài làm cột mốc rõ ràng đánh dấu công cuộc truyền giáo tại Việt nam[6], thì quả thật, không phải một sớm một chiều mà người Công Giáo Việt Nam có ngay một công trình văn hoá, văn học cụ thể. Chính vì thế, trong buổi “khai hoang mở đất” này, nếu có tác phẩm nào, công trình nào liên quan đến văn hoá, văn học mang dáng đứng Tin Mừng có liên quan đến quê hương đất nước chúng ta, thì phải công nhận, trước hết, đó là nhờ công sức của các thừa sai, của những người ngoại quốc, những người mang trong mình đầy “lửa tông đồ” và trái tim yêu mến vùng đất mà họ đang ân cần rắc gieo hạt giống Tin Mừng; sau đó là những bậc cha ông, những người Công Giáo đầu tiên vừa thấm nhuần giáo lý Phúc Âm, vừa thông minh tài trí để “Tin Mừng Hoá” nền văn hoá, văn học của quê hương mình.  
1. Các thừa sai và “cuộc gặp gỡ ban đầu”

Theo lời tường thuật của một thừa sai thuộc hạng “khai quốc công thần” cho nền văn hoá văn học Công Giáo Việt Nam, linh mục Alexandre de Rhodes (Đắc Lộ), thì cho đến thế kỷ 17, người Âu Châu, đặc biệt là Pháp quốc, gần như chưa biết gì về xứ sở, về vùng đất mà hôm nay là Việt Nam chúng ta. Thật vậy, chính ngài đã ghi rõ trong tập ký sự “Hành trình và Truyền giáo”: “Tôi biết bởi đâu đất nước rất đẹp này lại không được biết tới, bởi đâu các nhà địa lý châu Âu không biết tới tên gọi và gần như không ghi trong bản đồ nào cả, tuy họ chép đầy đủ tên các nước trên thế giới. Là vì họ lẫn với một nơi trùng với tên xứ này. Về xứ này họ chỉ đưa ra những lời dối trá làm cho những ai đến đây phải phì cười. Họ chỉ dựa theo sách vở và tự coi là nhà bác học, thế rồi người ta nhai lại những sai lầm của người viết sách”[7].
Và cái “xứ này” đó chính là “Đàng Ngoài”, được coi như “đại diện chính thức” của đất nước Việt Nam thuở ấy: Nước Việt chúng ta mà thời điểm khi thừa sai Đắc Lộ lần đầu đặt chân đến (1624) lại là một đất nước đang trong tình trạng “chia cắt chính trị” với hai miền “xứ Bắc”, “xứ Nam” hay “Đàng Ngoài”, “Đàng Trong”[8]. Riêng thừa sai Cristoforo Borri, vì là thuộc nhóm thừa sai Dòng Tên tiếp cận với Đàng Trong nên vị này có phần ưu ái vùng đất nầy: “Tôi chỉ nói đến Đàng Trong bởi vì chỉ với nơi đây người Bồ Đào Nha mới giao thương và chỉ trong vùng đất này những giáo sĩ mới đến đặt nền móng cho Cơ Đốc giáo”[9].

Tuy nhiên, về mặt văn hoá, văn học, hay đời sống tinh thần nói chung, Đàng Trong và Đàng Ngoài chỉ là một; vì thực ra, Đàng Trong cũng chỉ là một “thực tế chính trị” tách ra khỏi Đàng Ngoài để tồn tại và đương đầu với “Chúa Trịnh” từ năm 1558, khi Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hoá[10]; và sau biến cố đó khoảng hơn 50 năm (1615) chính là khoảng thời gian các thừa sai Dòng Tên cập bến Cửa Hàn (Đà Nẵng) để từ đó, bắt đầu thiết đặt những trung tâm truyền giáo trước tiên tại Đàng Trong: cư sở Nước Mặn (1618), cư sở Hội An (1620), cư sở Dinh Chiêm Quảng Nam (1624)[11]; sau đó đến lượt “Bắc tiến” (1627)[12].

2. Văn hoá, văn học An Nam dưới cái nhìn của “người ngoài”

Bởi vì “ta nói về mình” có thể rơi vào căn bệnh chủ quan; vả lại, chắc chắn đã có không ít tư liệu lịch sử nghiên cứu, bàn luận, ghi nhận. Ở đây, chúng ta lựa chọn các ý kiến của những vị có thế giá và có những nghiên cứu chuyên sâu về Việt Nam.

2.1. Một nền văn hoá, văn học ảnh hưởng Trung Hoa:          

Cả Cristoforo Borri, chuyên khảo về Đàng Trong, lẫn S. Baron, chuyên khảo Đàng Ngoài đều có nhận xét như nhau về “tầm ảnh hưởng Trung Hoa” trên lãnh vực văn hoá, văn học, giáo dục… của Việt Nam thời ấy:

Thật vậy, khi nói tới chủ đề “Văn học, Văn hoá Công Giáo”, chúng ta không thể không nhắc đến một “ân nhân” người Ý, Cristoforo Borri, vị thừa sai Dòng Tên, một trong những người khai dựng Chữ Quốc Ngữ từ năm 1618 tại Trung Tâm truyền giáo đầu tiên của Dòng Tên tại Đàng Trong, cư sở Nước Mặn[13]. Ngay từ những ngày đầu tiếp cận với vùng đất này, quê hương này, ngài đã có một nhận định liên quan đến văn học, văn hoá rất tích cực về “con người Đàng Trong cách đây khoảng 400 năm” trong tác phẩm tự thuật thuộc dạng quý hiếm của ngài còn lưu lại: Relation de la nouvelle mission des Pères de la Compagnie de Jésus au royaume de la Cochinchine (Ký sự về tân sứ vụ của các cha Dòng Tên tại vương quốc Đàng Trong mà nhiều dịch giả đã tóm gọn: Xứ Đàng Trong)“Ở Đàng Trong có rất nhiều trường ốc, trong trường lại có thầy đồ, lớp học, học trò, có thăng tiến bằng con đường khoa cử cùng một phương cách như ở Trung Quốc. Họ dạy cùng những môn học, và họ sử dụng cùng những sách vở, nghĩa là sách Zinfus hay là sách Confus theo cách gọi của người Bồ Đào Nha. Học thuyết sâu sắc này rất có uy thế và được trọng vọng như Aristote ở phương Tây vậy, song nó cổ xưa hơn. Sách vở họ đầy uyên bác, điển tích, châm ngôn nghiêm khắc, ngạn ngữ và nhiều thứ tương tự liên quan tới sự cai trị của triều đình, cũng giống như Senèque, Caton và Tullius ở ta. Họ bỏ rất nhiều thời gian để học cách sử dụng xác đáng các câu, từ, và những chữ tượng hình mà họ viết. Tuy nhiên, họ có vẽ coi trọng nhất là triết học tinh thần, đạo đức học, kinh tế và chính trị.”[14]

Trong khi đó, Samuel Baron[15], một tác giả là thương nhân thuộc công ty Đông Ấn, từng có thời gian sống ở Đàng Ngoài, cũng đã có nhận xét tương tự: “Việc học của người Đàng Ngoài không chỉ gồm có học ngôn ngữ như kiểu người Âu ta, vả chăng họ khá xa lạ với triết học của chúng ta; nhưng họ có một triết gia tên Khổng Tử (thường người ta gọi ông là Congtu), một người Hoa đã sáng lập ra nền khoa học và nghệ thuật của họ, tức cũng giống với người Trung Hoa…”[16].

2.2. Một nền văn hoá, văn học nặng từ chương, khoa cử

Và cho dù Đàng Trong hay Đàng Ngoài, toàn bộ đời sống văn hoá, văn học, giáo dục…, có thể nói được, của Việt Nam ta thuở ấy nặng về từ chương, khoa cử với động lực chủ yếu chính là con đường thăng quan tiến chức: “Người Đàng Ngoài có chí lớn học hành bởi đây là bước duy nhất có thể đưa họ đến với danh vọng và các đặc quyền, những điều này rõ là khiến họ siêng năng dùi mài kinh sử rất mực; nhưng cũng như ở nhiều xứ sở khác, việc đỗ đạt hay thất bại còn phụ thuộc vào năng lực của chính các sĩ tử, như sự sáng dạ, tính kiên trì và đặc biệt là có được trời phú cho trí nhớ tốt hay không; trí nhớ tốt là điều kiện tiên quyết để học hành thành tài ở một xứ sở nổi tiếng sử dụng các ký tự tượng hình mà từ đó tạo nên vô cùng nhiều từ mang nhiều ý nghĩa khác nhau…”[17].

3. Hai “điểm nhấn” trong xây dựng bước đầu: Bảo tồn – Phát triển

Trong lời “Bạt”, kết thúc thiên “ký sự về Đàng Trong”, thừa sai và cũng là tác giả, cha Cristoforo Borri đã đưa ra nhiều nhận xét tích cực: Công cuộc truyền bá đức tin thuận lợi, các thừa sai được tự do giảng đạo, người dân bao dung, cởi mở; ngôn ngữ giao tiếp có thể học được dễ dàng; văn hoá và đời sống tâm linh gần gũi với giáo lý Kitô giáo[18]…; và ngài cũng đã ước mơ với niềm xác tín: “Vì vậy, tôi tin rằng Thiên Chúa, Ngài sẽ đánh thức những bộ óc hào hiệp, những trái tim nhiệt huyết muốn vinh danh Thiên Chúa, đưa họ tới không chỉ Đàng Trong mà cả Đàng Ngoài để truyền bá Phúc Âm, để dựng lên nhà thờ và giáo dân sánh ngang với những nhà thờ và giáo dân lừng lẫy nhất thế giới. Lạy Chúa vinh quang, lạy Đức Mẹ thiêng liêng”[19].

Và những ước mơ của thừa sai Cristoforo Borri đã trở thành hiện thực khi những “chiến hữu”, những người bạn “tông đồ khai phá” của ngài đặt những viên đá móng đầu tiên trong việc dùng con đường văn hoá, văn học, văn chương… để chuyển tải sứ điệp Tin Mừng.

Ở đây muốn nhấn mạnh đến hai chiều kích mang tính định hướng: “BẢO TỒN và PHÁT TRIỂN”; đây cũng là cái nhìn mang tầm vóc “tiên tri” đã góp phần không nhỏ để Thánh Bộ Truyền Bá đức tin sau nầy có cơ sở để đúc kết nên “Huấn Thị 1659” và “Công nghị 1664” (Tức Monita ad missionarios)[20], hai tấm “bảng chỉ đường” thích dụng cho công cuộc truyền giáo tại Á Châu – Việt Nam vào thế kỷ 17 và xuyên suốt sau đó.

Hai chiều kích trên (Bảo tồn và Phát triển) được thể hiện qua nhiều nhân vật cùng với các tác phẩm “để đời”, mà nếu không có họ, chắc chắn không có những tác phẩm “Đạo, Đời” quý hiếm bằng chữ Nôm như Thiên Chúa thánh giáo Khải mông (Majorica), Sấm Truyền Ca (Lữ Y Đoan), Phục dĩ Chí tôn (Thầy Phanxicô)…; hay bằng chữ Quốc như: Tự điển Việt Bồ La, Phép Giảng Tám ngày (Đắc Lộ), Inê Tử Đạo vãn (Huỳnh Lâu)[21], Tự điển Anamitico-Latinum (Pigneau de Béhaine:1773; Jean-Louis Taberd: 1838; Thánh Philip Phan Văn Minh), Sổ sang chép các việc (Philipphee Bỉnh)….; và chắc chắn sẽ không xuất hiện những nhân vật kiệt xuất, những “tượng đài văn học, văn hoá Công Giáo như Đặng Đức Tuấn, Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Trường Tộ…; hay sau nầy, những Hàn Mặc Tử, Xuân Ly Băng, Nguyễn Xuân Văn… với những tác phẩm văn thơ Công Giáo bằng chữ Quốc ngữ đĩnh đạt sánh vai trong trường văn trận bút của nền văn học Việt Nam.

3.1. Bảo tồn: Văn học Công Giáo chữ Nôm

Đây là “điểm nhấn” quan trọng mà người Công Giáo Việt Nam rất tự hào và cần phải bảo vệ. Bởi vì, trong giới học thuật cũng như biên khảo lịch sử liên quan đến buổi đầu truyền giáo tại Việt Nam, có một “bộ phận không nhỏ” cứ ôm một lối tư duy và lý luận đầy thiên kiến và hẹp hòi, nếu không nói là thiếu hiểu biết, khi cho rằng: công cuộc truyền bá Đạo Công Giáo của các giáo sĩ phương Tây đã làm phương hại và tiêu tán chữ Nôm, vốn là “Quốc ngữ”, công cụ cốt lõi, và dĩ nhiên, là biểu trưng của văn hoá, văn học Việt Nam suốt hàng bao thế kỷ.[22]

Một bằng chứng hoàn toàn ngược lại. Chính các ngài là những kẻ đã góp phần giới thiệu, quảng bá và làm cho chữ Nôm phát triển lên “một tầm cao mới”, phổ thông hơn, quốc tế hơn, và cũng bình dân phổ cập hơn, thay vì chỉ quanh quẩn trong giới cung đình hoặc nho sĩ.

Và sau đây là những khuôn mặt tiêu biểu cho “Văn học chữ Nôm Công Giáo thời đầu”:

3.1.1. Gironimo Majoria (1591-1656): người phát động văn hoá-văn học Công Giáo chữ Nôm:

Theo nhà nghiên cứu linh mục Nguyễn Đức Thông, thì giáo sĩ “Girolamo Majorica (1591-1656), thuộc Dòng Tên, người Napoli, nước Ý, truyền giáo tại Việt Nam từ năm 1623 đến khi qua đời năm 1656, đã viết và phiên dịch 45 quyển sách, và soạn 12 quyển bằng văn xuôi và văn vần… Chữ Nôm của ông là chữ Nôm nguyên tuyền, chưa bị vua Tự Đức san định lại. Nội dung các tác phẩm của ông rất phong phú về xã hội học, triết học, nhân văn học và là một kho tư liệu vô giá về ngôn ngữ học”[23].

Riêng nhà nghiên cứu, Nguyễn Khắc Xuyên, sau khi ghi nhận công khám phá, phát hiện “nhà văn hoá-văn học chữ Nôm Majorica” của một linh mục người Đức, cha Georg Schurhammer và tiếp sau đó là giáo sư Hoàng Xuân Hãn vào năm 1951, đã có một nhận xét thật chí lý: “Địa vị chữ Nôm trong giai đoạn nầy là một cuộc cách mạng. Nếu Hồ Quý Ly đã một phần nào thất bại trong việc tiến cử chữ Nôm làm văn tự chính thức trong giới văn học và dân chính; nếu sau này, thế kỷ XVIII vua Tây Sơn Nguyễn Huệ mới chỉ khởi xướng và chưa kịp hoàn tất công cuộc dịch thuật các sách ra chữ Nôm và dùng chữ này trong các khoa cử, thì ngay đầu thế kỷ XVII, các giáo sĩ người Âu, nhất là Mai Do người Ý đã thực hiện được cuộc cải cách lớn lao và bền bỉ. Đó là lấy ngôn ngữ, văn tự của người địa phương để giáo hoá người địa phương, dùng chữ Nôm để truyền bá tôn giáo cho người Việt mà ngót 50 sách của Mai Do là một bằng chứng vĩ đại”[24]. (x. NGUYỄN THANH QUANG – Linh mục GIOAN VÕ ĐÌNH ĐỆ, Một số vấn đề chữ Quốc ngữ, nxb Khoa Học Xã Hội 2020, Girolamo Majorica một trong những người đầu tiên viết văn xuôi bằng chữ Nôm, Nguyễn Thanh Quang, tr. 141-146).

Và cũng từ sự khởi xướng và phát động “văn hoá-văn học chữ Nôm” của thừa sai Majorica đó, những người Công Giáo Việt Nam đã đáp ứng và vận dụng cách tuyệt hảo qua các chứng nhân và tác phẩm tiêu biểu sau đây:

3.1.2. Lữ Y Đoan (1613-1678) với Sấm Truyền Ca: Thi ca Công Giáo chữ Nôm.

Nếu cho rằng chữ Nôm đã xuất hiện vào thế kỷ XIII với Hàn Thuyên, thì mãi đến thế kỷ XIX, tức sau sáu thế kỷ, trên văn đàn Việt Nam mới xuất một thi phẩm chữ Nôm nổi tiếng: Truyện Kiều của thi hào Nguyễn Du (1870). Thế nhưng, trước Nguyễn Du cả 200 năm, chỉ mới hơn 50 năm kể từ khi các thừa sai Dòng Tên lần đầu tiên đặt chân lên Cửa Hàn Đàng Trong (1615), thì đã có một linh mục Việt Nam, cha Lữ Y Đoan đã dùng ngôn ngữ thuần Việt (chữ Nôm) để dịch toàn bộ Ngũ Thư của Cựu Ước bằng những vần thơ lục bát mượt mà thanh tao chẳng thua kém Truyện Kiều qua tác phẩm “Sấm Truyền Ca”[25].

Nhà nghiên cứu Nguyễn Đức Thông đã cho chúng ta biết: “Lữ Y Đoan sinh tại Kẻ Chàm (dinh Quảng Nam), một người có tương quan rộng và tinh thông kinh sách, được thụ phong linh mục do Đức Cha Lambert de la Motte năm 1676. Là một chủ chiên nhiệt thành, luôn trăn trở đem Lời Chúa đến cho muôn người, với tài văn chương uyên bác, ông đã sáng tác Kinh Thánh theo thể thơ lục bát, một vần thơ rất gần gũi tâm hồn người Việt. Đứa con tinh thần mang tên Sấm Truyền Ca của ông gồm 3596 câu thơ lục bát, chào đời năm 1670 được tầng lớp giáo dân Việt Nam yêu thơ đón nhận nồng nàn, họ chuyền tay nhau, đọc, ngâm nga cách thích thú. Tiếc rằng do quan niệm hẹp hòi, coi thi ca là chuyện thơ thẩn thẫn thờ của bọn thiếu thần học, tác phẩm này đã bị bỏ xó, mối mọt gặm nhấm gần hết. Mãi đến năm 1993 mới được Khoa Ngữ Văn Trường Đại Học Tổng Hợp Thành phố Hồ Chí Minh đặt thành vấn đề”[26].

3.1.3. Một số tác giả văn học Công Giáo chữ Nôm khác

Chắc chắn, chính trong dòng chảy văn học chữ Nôm Công Giáo mà những “cây đại thụ” như Majorica, Lữ Y Đoan đã khởi xướng và xây những viên gạch đầu tiên, đã có một đội ngũ linh mục cũng như giáo dân hưởng ứng và vận dụng thành công qua những tác phẩm đa thể loại được biết đến hoặc còn lưu lại. Đó là những nhân vật tiêu biểu như:

Thầy Gioan Thanh Minh (1588-1663): Là một trong bốn “chứng nhân tử đạo” của cuộc bách hại năm 1663, thầy Gioan Thanh Minh (còn được gọi là Jean Vuang hay Ke-Tlam), một thi sĩ, một người thông thạo Hán Nôm, từng dạy ngôn ngữ cho các linh mục thừa sai, soạn tác thơ văn giáo lý để dạy đạo, rất khiêm nhường đạo đức vâng phục bề trên và đã chết vì đạo cách oai hùng.[27] Chắc chắn, nhờ ơn Chúa Thánh Thần tác động của “một thuở ban đầu” tiếp nhận Tin Mừng, cái thuở “ngỡ ngàng rung động” của một thời “Công vụ Tông Đồ”, cùng với những “gợi hứng” đầy hiện thực và hữu dụng của các thừa sai như Majorica, thầy Gioan Thanh Minh, với cái vốn Hán Nôm phong phú, đã soạn tác, mà theo lịch sử ghi lại, “15 tác phẩm bằng chữ Nôm, hầu hết là hạnh ác thánh. Lời thơ của thầy chải chuốt, đầy lòng thành kính khiến dân thì ưa thích, các quan thì chịu ảnh hưởng nặng, chúa Nguyễn Phúc Lan thán phục. Giống như Majorica, Gioan Thanh Minh đáng được kể vào số những người tiên phong sử dụng truyện Nôm, tức văn xuôi Nôm”.[28] (x. ĐỖ QUANG CHÍNH, SJ., Dòng Tên trong xã hội Đại Việt 1615-1773, nxb Tôn Giáo 2008, tr. 234).

- Thầy Phanxicô: một hoà thượng Phật giáo trở lại sau cuộc tranh luận với linh mục Majorica và được thuyết phục bởi các lý chứng của giáo lý Phúc Âm, đã để lại một bài kinh có thể nói là một tuyệt tác trong kho tàng văn học Công Giáo Hán Nôm. Bài kinh mang tên “Cảm tạ niệm từ” hay “Phục dĩ chí tôn”[29].

- Mẹ con bà Catarina: vì cảm nhận được nét đẹp của Tin Mừng, của giáo lý, lại được hun đúc trong cái nôi văn hoá của đất Thăng Long cùng với một tâm thức được nuôi dưỡng trong bầu khí văn hoá bình dân của tục ngữ, ca dao…, hay văn hoá cung đình với thi, phú, vãn…, bà Catarina cùng với con gái đã soạn tác “lịch sử cứu độ” bằng ngôn ngữ thi ca; vừa là phương tiện chuyển tải giáo lý đức tin cho các dự tòng, tân tòng; vừa để giới thiệu Đạo Chúa cho lương dân. Đây là những tác phẩm làm giàu cho kho tàng văn học Hán Nôm Công giáo[30]

Dĩ nhiên, để liệt kê cho đủ những gương mặt, những tác phẩm Hán Nôm Công Giáo thì còn phải nghiên cứu chuyên sâu. Ở đây, chỉ là một phác hoạ đan thanh để minh chứng rằng: công cuộc rao giảng Tin Mừng tại Việt Nam ngay từ buổi sơ khai đã không tác hại hay làm suy yếu nền văn học, văn hoá Hán Nôm đang hiện hữu, mà còn bảo vệ, tài bồi, và làm cho được nên phong phú, phát triển. Bằng chứng là chỉ trong vòng chưa đầy 30 năm, từ năm 1632-1656, số lượng văn bản chữ Nôm của Công Giáo tính được 4.200 trang (Trong khi văn bản Quốc ngữ mới có 700 trang)[31]. Riêng bên lãnh vực văn học Nôm ngoài Công Giáo, mặc dù đã tồn tại bốn thế kỷ (Thế kỷ XIII đến XVII), vẫn chỉ còn một số bản sao của một ít tác phẩm như Quốc Âm Thi Tập của Nguyễn Trãi, Hồng Đức Quốc Âm Thi Tập của Hội Tao Đàn, thơ văn quốc âm của Nguyễn Bĩnh Khiêm[32]

3.2. Phát triển: Văn học Công Giáo chữ Quốc ngữ

Câu chuyện về “Chữ Quốc Ngữ”, ngôn ngữ chính thức của Việt Nam hiện nay, một dạng chữ ký âm tiếng Việt theo mẫu tự La tinh, luôn là một đề tài “hot” trên nhiều diễn đàn tại đất nước Việt Nam suốt hàng trăm năm nay, kể từ khi vua Khải Định ra đạo dụ “Mậu Ngọ 1918” (28.12.1918), tức đạo dụ bãi bỏ hệ thống Khoa Cử phong kiến thuộc chữ Hán trên toàn lãnh thổ Trung Kỳ (thuộc chủ quyền Việt Nam). Nên nhớ, Bắc Kỳ, với chế độ “Bảo Hộ”, mở khoa Thi Hương cuối cùng năm 1915; và Nam Kỳ thuộc địa của Pháp đã chuyển hẳn sang “Quốc ngữ” toàn bộ sinh hoạt văn hoá, chính trị, giáo dục… từ năm 1882.

Thật vậy, trong suốt thời gian trên, từ đầu thế kỷ 20 đến nay, vẫn song song hai luồng ý kiến: một thiểu số chống đối chữ Quốc ngữ và phần đông bênh vực. Thiểu số chống đối đầu tiên hầu hết thuộc thành phần sĩ phu phong kiến; những người được đào tạo và tiến thân trong môi trường khoa cử Hán Nôm. Cho tới hôm nay, thì số chống đối chỉ còn “đếm trên đầu ngón tay” mà hầu hết trong số đó, việc chống chữ Quốc ngữ chỉ là cái màn che, chỉ là “diện”; chống Công Giáo mới là chủ đích, là “điểm”; một “mặc cảm” thù nghịch mang tính “chính trị” hơn là văn hoá hay học thuật[33]. Trong khi đó, số còn lại, nếu không thuộc những kẻ có vấn đề về “jugement”, thì cũng thuộc loại “cuồng, ngông” lập dị !

3.2.1. Chặng đường “đi lên mặt trăng”

Ngày 12/9/1962, trong chương trình chinh phục không gian và tài trợ cho dự án Apollo, Tông thống John F. Kennedy của Mỹ đã tuyên bố: “Chúng ta chọn đi lên Mặt Trăng và tiến hành những chương trình khác không phải vì đây là những việc dễ làm, nhưng bởi vì đây là những sứ mạng khó khăn…”.

Mượn cụm từ “đi lên mặt trăng” để muốn nói rằng: chọn con đường sáng tạo một loại chữ viết để ký âm ngôn ngữ của người Việt Nam … hầu làm chất xúc tác trong nỗ lực “mục vụ văn hoá” hay góp phần vào công cuộc loan báo Tin Mừng là một “sứ mạng khó khăn”. Thật vậy, chính một trong những vị Thừa sai đầy mạo hiểm và thông minh đó “chọn đi lên mặt trăng” đó đã từng nhận định rằng: khó mà học được tiếng Việt vì “họ nói như chim hót”[34].

Mà đâu chỉ khó về phương diện ngôn ngữ ! Các vị tiền phong sáng tạo chữ quốc ngữ đã phải đối diện với bao nhiêu gian truân khổ ải khác có khi về chính trị (não trạng bài ngoại, nghi ngờ…), không thích nghi về khí hậu, tập quán, thổ nhưỡng, thiếu thốn phương tiện sống và làm việc, khó khăn đi lại, di chuyển…; chỉ cần đọc qua những kết quả nầy chúng ta có thể thấy “con đường hội nhập văn hoá về phương diện ngôn ngữ” của các ngài khó khăn dường nào:

- Thừa sai Francisco de Pina chết đuối tại cửa biển Hội An mới có 40 tuổi (1585-1625).

- Thừa sai Francesco Buzomi bị trục xuất về Macao và chết năm 1639 (1576-1639).

- Thừa sai Gaspar d’ Amaral cũng chết đuối tại vinh Bắc bộ lúc mới 50 tuổi (1592-1645).

- Thừa sai Đắc Lộ bị trục xuất vĩnh viễn khỏi Việt Nam năm 1645…

Nhưng Chúa Thánh Thần luôn có cách của Ngài; và rồi những “hạt giống được gieo cứ dần dần lớn lên và hôm nay đã trở thành một cánh đồng lúa lên xanh bát ngát” !

3.2.2. Chữ Quốc ngữ: những chặng đường lớn lên và thành tựu

Thế nhưng công việc tưởng như “đi lên mặt trăng” đầy huyển tưởng đó, sau 400 năm, không phải chỉ thành hiện thực mà là một “hiện thực phong phú”, như một đánh giá cụ thể sau: “Bắt đầu với 8.000 từ ngữ đã được các giáo sĩ Bồ Đào Nha phiên âm vào thế kỷ thứ 17 với công dụng là truyền giáo, chữ Quốc ngữ đã không ngừng phát triển để đáp ứng được nhu cầu của người Việt trước những biến chuyển liên tục của văn hóa, chính trị, kinh tế, xã hội và nhất là khoa học kỹ thuật. Giờ đây chữ Quốc ngữ đã có chỗ đứng vững vàng trong ngôn ngữ Việt Nam và đã có hơn 200.000 từ để có thể phiên dịch cuốn tự điển Anh quốc Oxford Advanced Learner‘s English Dictionary mà không bị lúng túng vì thiếu chữ, thiếu từ”[35] (Dẫn nguồn[36]).

Nhìn kết quả chữ Quốc Ngữ sau 400 năm giữ gìn, tôn tạo và phát triển, chúng ta sẽ không thấy có điều gì kinh ngạc với khoảng thời gian dài dằng dặc như thế; nhưng nếu xem lại vài “cột mốc của một thuở ban đầu” nghiên cứu và thiết dựng, chúng ta sẽ không ngần ngại cho rằng: thành tựu “Quốc Ngữ” đó chính là một “phép lạ”.

- Năm 1615: Nhóm thừa sai Dòng Tên cập bến Cửa Hàn, Quảng Nam.

- Năm 1618: Cư sở truyền giáo chính thức đầu tiên của Dòng Tên được thiết lập tại Nước Mặn, Qui Nhơn với ưu tiên hàng đầu: “chuyên tâm nghiên cứu ngôn ngữ[37].

- Năm 1651: Hai tác phẩm “Quốc Ngữ” đầu tiên được linh mục thừa sai Alexandre De Rhodes xuất bản tại Vatican: Cuốn Tự điển Việt-Bồ-La và cuốn Phép giảng tám ngày.[38].

- Năm 1772: Đức Giám Mục Bigneau de Béhaine soạn tự điển Anamitico-Latinum: Quốc ngữ đạt tới độ chín mùi với tác phẩm thi ca Quốc ngữ tiêu biểu được soạn tác và lưu hành: Inê Tử đạo vãn của linh mục Laurent Huỳnh Lâu[39].

- Năm 1838: Đức Giám Mục Jean Louis Taberd bổ sung và hoàn thiện tự điển Anamitico-Latinum 1772 cùng với việc giới thiệu “văn chương Quốc ngữ cho thế giới” khi cho in vào cuốn tự điển quan trọng nầy thi phẩm “Inê Vãn Tử Đạo” với 4 ngôn ngữ: Quốc ngữ, La tinh, Anh và Pháp. Đây cũng là thời điểm xuất hiện tác phẩm văn xuôi quốc ngữ hoàn chỉnh tiêu biểu: Sổ sang chép các việc của linh mục Philipphê Bỉnh (1822)[40].

Như vậy, từ tác phẩm Quốc ngữ đầu tiên xuất hiện dưới dạng thô sơ cơ bản (Tự điển Việt Bồ La – Phép Giảng Tám Ngày năm 1651) tới cuốn tự điển Taberd 1838 cùng với 2 tác phẩm tiêu biểu đại diện: văn vần với “Inê Tử Đạo vãn” và văn xuôi với “Sổ sang chép các việc”chữ Việt với mẫu tự La Tinh đã sánh vai bên cạnh các ngôn ngữ quan trọng và thông dụng nhất của thế giới lúc bấy giờ (La Tinh, Anh, Pháp). Vâng, Việt Nam đã có chữ viết, một thứ chữ viết mà rất nhiều quốc gia, dân tộc ước mơ, dò dẫm, thử nghiệm…nhưng cho đến nay vẫn đành “bó tay” !

II. SỰ KHÔN NGOAN CỦA MẸ HỘI THÁNH: ĐỊNH HƯỚNG CHÍNH THỨC

Nếu lấy thời điểm “1659”, thời điểm thiết lập các giáo phận Tông Toà đầu tiên tại Việt Nam và Trung Hoa, làm cột mốc, thì con thuyền Hội Thánh đã ra khơi hơn mười sáu thế kỷ. Trong một khoảng thời gian dài thăm thẳm đó, ngoài những “định hướng của Tin Mừng”[41], hành trang cốt yếu, gần như chưa có một “tấm bảng chỉ đường” rõ ràng và cụ thể nào để hướng dẫn cho các thừa sai hoạt động loan báo Tin Mừng, đặc biệt trong lãnh vực văn hoá, văn học, như chúng ta đang có ngày hôm nay.

Tuy nhiên, vì phần đông các nhà truyền giáo đều là các tu sĩ, nên, nhờ ánh sáng linh đạo của mỗi Hội Dòng, những kinh nghiệm “thừa thượng tiếp hạ” trao đổi cho nhau, cùng với những kiến thức còn lưu giữ hay thu thập được, công cuộc truyền giáo cứ thế mà tiến bước, phát triển. Cho nên có thể nói được, những “quyết sách” của Toà Thánh về công cuộc truyền giáo trong mọi thời, đặc biệt vào thế kỷ XVII, XVIII, phần lớn có sự đóng góp không nhỏ về kinh nghiệm và phương thức hành động của các tu sĩ các Hội Dòng.           

1. Lắng nghe kinh nghiệm xương máu của các thừa sai

Nhưng không phải Hội Dòng nào cũng dễ dàng thành công trong công cuộc “chài lưới người”. Theo nhà nghiên cứu, linh mục Roland Jacques, từ thế kỷ XVI, với nhiều đợt liên tiếp nhau, tiếp cận cả Đàng Trong lẫn Đàng Ngoài, nhưng các thừa sai của các Hội Dòng Phanxicô và Augustinô thuộc Bồ Đào Nha hoặc Tây Ban Nha đều gần như thất bại: “Ký sự của các tu sĩ dòng Phanxicô và dòng Augustinô hé cho thấy rằng vào dịp nầy việc gặp gỡ giữa các nền văn hoá thực như là một đối thoại giữa những người điếc. Nó không đem lại những kết quả thấy được một cách cụ thể trong bối cảnh Việt Nam”[42].

Nhưng may mắn, Toà Thánh thì không điếc ! Nhất là khi Toà Thánh chính thức thiết lập Thánh Bộ Truyền Giáo vào ngày 22.6.1622, mà người điều hành thực chất lại là một vị Thư ký năng động, nhiệt thành và rất biết lắng nghe. Đó là Đức ông Francesco Ingoli, Thư ký Thánh Bộ suốt 27 năm (1622) cho đến khi qua đời (1649): “Ngài thích thú lắng nghe họ và hỏi thăm tỉ mỉ hiện trạng các nơi họ truyền giáo. Ngài dám ngỏ lời với ngay cả những thừa sai nhỏ bé nhất, xin họ góp ý để làm sao phát triển được công cuộc truyền giáo”[43].

Và sau khi tổng hợp các bảng phúc trình: bảng “phúc trình 1622 của Dòng Tên” và nhất là ba bản tường trình thuộc Thánh Bộ mà đức ông Ingoli có trong tay (tường trình 1625, 1628 và 1644)[44], Toà Thánh qua Thánh Bộ Truyền Bá Đức Tin đã sẵn sàng cho một “chương trình hành động” mới mẻ và thích dụng: “Điều đáng kể là Thánh Bộ đã có được một chương trình rõ ràng và rất thích ứng với những nhu cầu cụ thể và với những vấn đề truyền bá đức tin. Dựa theo đó, Thánh Bộ có thể hướng dẫn các thừa sai một cách thống nhất và Thánh Bộ có sẵn chương trình để quy chiếu”[45].

“Chương trình hành động” đó chính là văn kiện “Huấn thị 1659”[46], mà nếu mang tên theo truyền thống của Giáo Hội là các văn tự đầu tiên, thì đó là “Quoniam vos ea estis diligentia” (Bởi vì chư huynh rất đổi mau lẹ lo công việc)[47].

Dĩ nhiên, để có được văn kiện Huấn thị 1659 không phải chỉ một sớm một chiều; hoặc do các động lực từ các bản phúc trình của các Dòng tu mà còn với bao nhiêu tác động khác của lịch sử và bối cảnh mục vụ đương thời: Dư âm tinh thần canh tân và truyền giáo của Công Đồng Trento, sự hấp dẫn của trào lưu “tìm đất mới” của các đoàn thám hiểm Âu Châu, việc khuyết trương thương mãi đường biển và kỹ thuật đóng tàu viễn dương; và nhất là sự thoái trào và kém hiệu quả của chế độ “Bảo Trợ Truyền Giáo”… Tất cả đều là những chất xúc tác để Giáo Hội Mẹ tìm ra những phương án thích hợp cho sứ vụ truyền giáo của mình[48].

2. Định hướng mang tính chỉ đạo: Huấn thị 1659

Giờ đây, chúng ta cùng dừng lại nơi chính bản văn để xét xem Huấn thị 1659 đã định hướng thế nào về văn hoá, văn học trong mục vụ truyền giáo; và dĩ nhiên, chỉ nêu bật những điểm chính liên quan.

2.1. Tôn trọng cổ tục bản xứ:

“Chư huynh đừng bao giờ muốn sửa đổi, đừng tìm lý lẽ nào để buộc dân chúng sửa đổi những phép xã giao, tập tục, phong hóa của họ, trừ khi nó hiển nhiên mâu thuẫn với đạo thánh và luân lý. Có gì vô lý bỉ ổi hơn mang theo cả nước Pháp, Tây Ban Nha, nước Ý, hay bất cứ nước nào khác bên trời Âu sang cho dân Trung Hoa chăng? Không phải mang thứ ấy đến cho họ, bèn là mang chân lý đức tin, một chân lý không loại trừ nghi lễ và tập tục của bất cứ một dân tộc nào, cũng không xúc phạm đến những nghi lễ ấy, miễn là chúng không xấu; ngược lại, chân lý ấy, muốn cho người ta bảo tồn và duy trì chúng là đàng khác.

Có thể nói, tự nhiên ai ai cũng cho những cái của mình và nhất là của quê hương xứ sở mình là hơn tất cả, và yêu mến những báu vật đó hơn những cái của ngoại lai. Nguyên việc sửa chữa những quốc lệ của người ta cũng đủ gây lòng oán hận sâu đậm rồi, nhất là những tập tục cổ đã có lâu đời nhất mà các tiền nhân vẫn có thể nhớ tông tích. Càng tệ hơn nữa nếu chư huynh hủy bỏ những tập tục đó để đem phong tục quí quốc mà thay thế vào ! Vậy đừng bao giờ nên đem những tục lệ Âu châu đến đối lập với tục lệ của các dân tộc ấy; trái lại hãy hết lòng sống cho quen với tập tục của họ”[49]

2.2. Về vấn đề văn hóa, văn học:

“Hơn nữa, để cổ võ việc viết sách và khảo cứu đạo giáo trong những miền đó, cần phải dịch từ tiếng la tinh hoặc Hy Lạp sang tiếng địa phương một số sách thần học của các thánh nhân và những sách khác như vậy. Cho nên, chư huynh hãy cẩn thận tìm tại nơi chư huynh ở hoặc nơi khác một cộng sự viên nào khả dĩ chu toàn công việc ấy, nghĩa là thạo cả hai ngôn ngữ và cả đạo lý. Tìm được người nào, hãy trình cho Thánh Bộ được rõ.

Chư huynh hãy tận tâm và gắng lo sáng lập nhiều trường học để dạy miễn phí la ngữ cho thanh thiếu niên bản xứ, còn giáo lý thì dạy bằng tiếng bản quốc. Hãy lo sao cho các phụ huynh công giáo giao con em theo học với chư huynh cùng với các cộng sự viên của chư huynh chứ đừng để chúng theo học người bên lương”[50].

2.3. Vẫn rất hợp thời:

Chúng ta hoàn toàn đồng ý với linh mục tác giả linh mục Đào Quang Toản về giá trị tuyệt vời của định hướng mang tính “Hội nhập văn hoá” của Huấn Thị 1659, khi nhận xét bằng những “lời có cánh”: “Những lời của Huấn Thị năm 1659 được coi là tuyệt diệu nhất, tiến bộ nhất, được biết đến nhiều nhất và được ca tụng nhiều nhất là những lời nầy …”[51]. Và những nguyên tắc hội nhập văn hoá của Huấn thị 1659 chắc chắn sẽ không thiếu trong tinh thần của Vatican II mà chúng ta có thể đọc thấy nơi các văn kiện như: Lumen Gentium (số 16); Ad Gentes (số 9); Gaudium et Spes (số 54); Tuyên ngôn Nostra Aetate (số 2)…

Và Huấn thị 1659 chắc chắn sẽ là một “hướng đi tiên phong”, một gợi hứng cho tông huấn Giáo Hội tại Á Châu của Đức thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II sau 340 năm (1659-1999): “Trong quá trình gặp gỡ các nền văn hóa khác của thế giới, Giáo Hội không những truyền sang các chân lý và những giá trị của mình và đổi mới các nền văn hóa từ bên trong, nhưng Giáo Hội cũng tiếp thu từ các nền văn hóa khác nhau, những yếu tố tích cực có sẵn trong các nền văn hóa đó. Đó là con đường bắt buộc cho những nhà rao giảng Tin Mừng khi trình bày đức tin Kitô giáo”[52].

3. Định hướng mang tính thực hành: Công nghị 1664 (Monita ad missionarios)

Nếu Huấn thị 1659 mang tính “định hướng chỉ đạo” dành riêng cho các vị chủ chăn, đặc biệt cho các Giám Mục Tông Toà như danh tính văn kiện thường được biết đến: Huấn dụ các đại diện tông tòa đi các nước Trung Quốc, Đàng Ngoài và Đàng Trong năm 1659 (Instructio vicariorum apostolicorum ad regna Sinarum, Tonchini et Cocincinae proficiscentium 1659)[53]thì Công nghị 1664 với văn kiện Monita ad Missionarios lại là “định hướng thực hành”, dành cho những ai trực tiếp dấn thân thực hành “mục vụ truyền giáo”.

Chúng ta thử dừng lại một vài chiều kích trong định hướng của Monita.

3.1. Tìm hiểu thực trạng

“Vậy… cố gắng hết sức để tìm hiểu tình trạng của nơi truyền giáo… ; nghiên cứu cặn kẽ phong tục địa phương và các sở thích của dân chúng… ; khám phá mọi thứ liên quan đến tôn giáo của dân địa phương, những nghi lễ và những sai lầm phổ biến nơi họ… ; tìm hiểu kỹ thời kỳ mới du nhập đạo, lịch sử xuất phát, những phương thức được các đấng thừa sai dùng để củng cố ngọn đuốc đức tin và chủ yếu những người đã thành công nhất; cuối cùng nếu có sự gián đoạn trong việc phát triển các xứ truyền giáo, thì lý do là gì và lúc đó cách ứng xử của các thừa sai ra sao?... ;”[54].

3.2. Học ngôn ngữ

“Chúa Giêsu Kitô Chúa chúng ta đã không sai các thánh Tông đồ đi rao giảng Tin Mừng khắp thế gian mà không trước tiên ban cho các ngài ơn nói các thứ tiếng (Cv 2,4). Điều đó rõ ràng cho thấy sứ vụ rao giảng kéo theo sự cần thiết học các thứ tiếng, bởi vì Thiên Chúa, trong sự khôn ngoan của Ngài, đã muốn rằng đức tin lan truyền bằng phương thức rao giảng. Thật vậy, “Ấy vậy, tin là do bởi đã được nghe, còn nghe là nhờ việc rao giảng Lời Đức Kitô” (Rm 2,17) (…). Gương thánh Fr. Xavier cho thấy khá rõ: ngay cả khi được sự trợ giúp của người thông dịch khéo nhất, vị thừa sai cũng ít thành công, nếu chính ngài không tinh thông ngôn ngữ của xứ đó (Tursel., Vita S.Fr. Xav., lib. 7, c. 2). Và ngài sẽ không được quên là ngài chỉ nhằm vào việc học ngôn ngữ bác học và văn chuơng đến mức mà sao nhãng ngôn ngữ bình dân được quảng đại dân chúng sử dụng, ngài phải làm cho, không chỉ những nhà thông thái mà cả những người thất học cũng có thể hiểu ngài nói. Trong toàn bộ việc này, vả lại, ngài sẽ phải trông chờ nhiều hơn vào sự cầu nguyện hơn là chính việc học của mình” [55].

3.3. Ngôn ngữ cho mọi người

“Ngài sẽ cố gắng trước hết nói thứ ngôn ngữ vừa tầm mọi người. Ngài sẽ bỏ đi điều vượt quá trí khôn của những người bình thường mà kết quả duy nhất chỉ là làm lóa mắt họ. Sau cùng, để dùng lời của thánh Công đồng Trente “Ước gì ngài nuôi dưỡng bằng lời cứu rỗi những dân tộc được giao phó cho ngài, bằng cách giảng dạy mọi người điều cần thiết cho việc cứu rỗi và dạy điều ấy trong một ngôn ngữ dễ hiểu và ngắn gọn, bằng cách thu hút sự chú ý của họ về những thói hư tật xấu phải tránh và những nhân đức phải thi hành để khỏi sa hoả ngục và đón nhận vinh quang thiên quốc” (Sess. 4, c.2, de Reform.)”[56].

3.4. Phân định trong hội nhập văn hoá

“Về vấn đề này, ngài sẽ dành một phần quan tâm để tìm hỏi tập quán của dân địa phương, để phân biệt rõ ràng tính chất ngại ngùng của chúng: dân sự, chính trị hay mê tín? Ngài sẽ cố gắng lo báo cho Tòa Thánh biết mọi sự, ngài sẽ xin Tòa Thánh cho mình biết những tập quán nào sẽ phải lên án, đồng ý hay chiếu cố và nhất là cho ngài biết những phương cách phải dùng để tranh thủ các tâm hồn. Như thế, bằng cách làm mọi việc cho mọi người, ngài sẽ chinh phục mọi người đến với Chúa Giêsu Kitô”[57]

4. Hạt giống đã đơm bông

Dĩ nhiên, không phải tất cả những gì Huấn thị 1659 và Monita ad missionarios đề xuất và chỉ đạo là hoàn toàn khả thi và được chấp hành nghiêm túc, như nhận xét thâm thuý và quân bình của một chứng nhân đương thời khi ấy, Joseph Metzler, về Huấn thị 1659 như sau: “Đương nhiên là chương trình truyền giáo rộng rãi đó, gần như mới mẻ về mọi điểm, không thể một sớm một chiều thực hiện được. Điều đáng kể là Thánh Bộ đã có được một chương trình rõ ràng và rất thích ứng với những nhu cầu cụ thể và với những vấn đề truyền bá đức tin. Dựa theo đó, Thánh Bộ có thể hướng dẫn các thừa sai một cách thống nhất và Thánh Bộ có sẵn chương trình để quy chiếu…”[58].

Phải chăng, nhờ những định hướng mục vụ thích dụng đó mà công việc hội nhập văn hoá đã được áp dụng cụ thể, việc vận dụng con đường văn học, thi ca để chuyển tải Tin Mừng không là chuyện “xa xỉ” hay trừu tượng, mây gió, mà trở thành khí cụ hữu hiệu, mang lại lợi ích thiết thực cho công cuộc loan báo Tin Mừng lúc bấy giờ.

Thật vậy, nếu các tác phẩm Quốc ngữ đầu tiên, tự điển Việt Bồ La và Phép Giảng Tám ngày, được in ấn tại nhà in của Thánh Bộ Truyền Giáo và phát hành tại kinh đô của Giáo Hội vào năm 1651[59], thì chắc chắn, công trình văn hoá văn học Quốc ngữ đầu tiên nầy, sẽ nhờ sự hậu thuẫn của Huấn thị 1659, cũng từ Trung tâm Giáo đô này, và “đôi cánh tinh thần” của Công Nghị 1664 với Monita ad missionarios làm cho lớn lên, bay bổng và gieo hạt giống Tin Mừng trên khắp các cánh đồng truyền giáo Việt Nam.

KẾT: Văn hoá, văn học hay Lời Chúa và “dáng đứng nhân loại”

Chọn lựa cách “hội nhập văn hóa” để chuyển tải Tin Mừng, để loan truyền chân lý cứu độ sao cho hiệu quả và phong phú, cách làm của Cha Ông ta đó nào đâu có phải là chuyện mới mẻ gì đâu! Từ thuở xa xưa khi bộ tộc của Israel còn trong thời “ăn lông ở lỗ”, khi tổ phụ của dân tộc họ, cụ Ápraham còn lang thang trên các thảo nguyên sống đời du mục, Thiên Chúa đã áp dụng nguyên tắc “hội nhập văn hóa” mang tính “nhập thể” rồi. Có nghĩa là Lời Mạc Khải của Thiên Chúa khi đi vào thế giới đã chọn đi qua “một chiếc cửa nhân loại” là “lịch sử của dân tộc Israel” với tất cả những yếu tố nhân văn, địa lý, xã hội, chính trị, kinh tế, pháp luật, lịch sử… của dân tộc nầy. Toàn bộ tuyệt tác Thánh Kinh Cựu và Tân ước phải chăng là “Lời mạc khải nhập thể giữa lòng nhân loại qua lịch sử của dân tộc Israel”, là cuộc “hội nhập văn hóa” của chính Thiên Chúa để chuyển tải cho nhân loại những chân lý của trời cao, một cuộc hội nhập thiết thân, sâu sắc như mưa, như tuyết thấm sâu trong mảnh đất trần gian:

“Cũng như mưa với tuyết sa xuống từ trời
không trở về trời nếu chưa thấm xuống đất,
chưa làm cho đất phì nhiêu và đâm chồi nẩy lộc,
cho kẻ gieo có hạt giống, cho người đói có bánh ăn,
thì lời Ta cũng vậy, một khi xuất phát từ miệng Ta,
sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả,
chưa thực hiện ý muốn của Ta,
chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó.” (Is 55, 10-11).

Cũng chính với nguyên tắc “hội nhập văn hóa” đó, mà chúng ta tìm thấy ngôn ngữ của Kinh Thánh Cựu ước cũng như Tân ước mang nhiều “dáng đứng” khác nhau, theo trào lưu lịch sử văn hóa xã hội của dân tộc Israel: Từ thể văn mang tính huyền thoại, cổ tích (Sáng Thế, Tin mừng thời thơ ấu), đến anh hùng ca lịch sử (Xuất Hành, Samuen, Macabêô…), pháp đình lề luật, phụng tự (Thứ luật, Lêvi…), khải huyền tiên tri (Đanien, Êgiêkien, Khải huyền của Thánh Gioan…), châm ngôn huấn đạo (Khôn ngoan, Châm Ngôn, Giảng Viên..), thi ca trữ tình (Diễm tình ca), truyện ngắn tình yêu (Hôsê…), ca kinh nguyện cầu (Thánh vịnh…).

Và khi “Ngôi Lời thành xác phàm và cắm lều ở giữa chúng ta” (Ga 1,14), thì Ngài cũng không làm gì khác hơn cái cách “sư phạm truyền thống” của Thiên Chúa. Ngài đã nói Lời Thiên Chúa bằng ngôn ngữ của dân tộc Ngài, Ngài đã vận dụng những chất liệu của cuộc sống đương thời để diễn tả các chân lý cao sâu của huyền nhiệm Nước Trời: Những hình ảnh chúng ta gặp thấy trong Tin Mừng như: “Người Mục Tử vác chiên trên vai”, “Cây nho sai trái”, “Tấm lưới thả xuống biển”, “Những cô trinh nữ cầm đèn đi đón tân lang”, “cây hoa huệ ngoài đồng”, “con chim se sẻ trên cành cây”… nào có xa lạ gì với đời thường của dân Palestine thưở ấy. Quả thật “ngôn ngữ của Thiên Chúa mang dáng đứng nhân loại là thế đó !

Thật không “phải đạo” chút nào nếu Hội Thánh lại đi ngược hay không chọn đi con đường mà Thiên Chúa đã chọn, mà Đức Kitô đã đi: con đường nhập thể, con đường hội nhập văn hóa”. May mắn làm sao, trên cuộc hành trình sống và chuyển tải đức tin suốt hơn 2000 năm nay, Hội Thánh đã vận dụng mọi yếu tố tốt đẹp của văn hóa, văn minh con người trong việc diễn tả, sống và loan truyền chân lý đức tin.

Thánh Phêrô, Thủ lãnh các Tông Đồ, Giáo Hoàng đầu tiên, ngay từ những ngày đầu Hội Thánh đã được Thánh Thần linh ứng cần phải chọn lựa con đường “hội nhập đó qua thị kiến “tấm khăn lớn với đủ mọi thú vật, rắn rết…” (Cv 10, 9-16). Trong khi đó Thánh Phaolô, một vị Thánh ký, một thần học gia, một nhà truyền giáo vĩ đại đã tóm gọn nguyên tắc nầy trong mấy từ cô đọng và súc tích: “Không còn chuyện phân biệt Do Thái hay Hy Lạp, nô lệ hay tự do, đàn ông hay đàn bà; nhưng tất cả anh em chỉ là một trong Đức Kitô” (Gl 3, 28). Và thế là Hội Thánh lớn mãi lên, vươn mình trên mọi miền thế giới, mang Tin Mừng Chúa Kitô rắc gieo trên khắp các cánh đồng văn hóa thế giới; và cứ như thế, Tin Mừng của Chúa đã mang “dáng đứng” của nhiều dân tộc, nhiều ngôn ngữ, nhiều loại hình văn hóa, lễ nghi, phụng tự… của mọi dân trên khắp địa cầu.

Công Đồng Vatican II đã long trọng xác nhận điều đó như một nguyên lý nền tảng để hình thành và xây dựng Giáo Hội: “Giáo Hội, tức Dân Thiên Chúa, họp thành Nước ấy, không loại bỏ di sản trần thế của bất cứ dân tộc nào; trái lại, Giáo Hội cổ võ và thu dụng tất cả những gì tốt lành nơi tài sản, nguồn lực và phong hóa của các dân tộc, và khi thu dụng, Giáo Hội tinh luyện, kiện toàn và thăng hóa chúng” (LG số 12). Trong khi đó, với Tông huấn “Ecclesia in Asia” (Giáo Hội tại Á Châu), Đức Gioan Phaolô II đã có những giáo huấn rạch ròi: “Từ viễn ảnh nầy, thấy rõ ràng việc Phúc Âm hóa và hội nhập văn hóa liên hệ với nhau cách tự nhiên và mật thiết. Tin mừng và việc rao giảng Tin Mừng chắc chắn không đồng hóa với văn hóa, không tùy thuộc vào nó. Nhưng Nước Thiên Chúa đến với muôn dân là những người liên kết sâu xa với một nền văn hóa, và do đó việc xây dựng Vương Quốc không tránh khỏi mượn các yếu tố từ các nền văn hóa nhân loại. Vì vậy, Đức Phaolô VI nói việc tách biệt Tin Mừng ra khỏi văn hóa là thảm trạng của thời đại chúng ta, gây ảnh hưởng sâu xa trên cả việc rao giảng Tin Mừng và nền văn hóa” (GHTAC số 21).
  
May mắn làm sao ! Những nguyên tắc nầy, những định hướng nầy đã được Cha Ông ta áp dụng từ lâu. Thật vậy, không đợi phải có “Công đồng chung Vatican II với định hướng của Hiến Chế “Vui Mừng và Hy vọng”, không đợi đến những chỉ thị cụ thể có tính mục vụ thực tiễn của Tông huấn “Giáo Hội tại Á Châu”, ngay từ đầu, khi Tin Mừng được gieo trồng trên Đất Việt, Cha Ông ta đã biết thế nào là “Hội nhập văn hoá”, thế nào là “diễn tả Tin Mừng bằng ngôn ngữ và văn hoá bản địa”, thế nào là “trình bày ngôn ngữ Tin Mừng trong dáng đứng Việt Nam”. Và đó chính là diện mạo, là bản sắc của dòng chảy văn hoá, văn học Công Giáo giữa lòng dân tộc Việt Nam kể từ khi Tin Mừng được gieo trồng trên mảnh đất nầy.

Trương Đình Hiền (Viết xong ngày 10.9.2021)

  

 


[1] Vụ bánh mì không phải là lương thực: Tỉnh uỷ Khánh Hoà yêu cầu xử lý nghiêm, website https://tuoitre.vn/vu-banh-mi-khong-phai-la-luong-thuc-tinh-uy-khanh-hoa-yeu-cau-xu-ly-nghiem-2021072011281755.htmđăng ngày 20.7.2021.

[2] T.SÂM, Đại biểu Quốc hội nói gì về đầu tư cho văn hóa?, website http://baovanhoa.vn/chinh-tri/artmid/417/articleid/23498/dai-bieu-quoc-hoi-noi-gi-ve160dau-tu-cho-van-hoa, đăng ngày 01.11.2019.

[3] Tản Đà (1889 -1939) tên khai sinh là Nguyễn Khắc Hiếu, người làng Khê Thượng, huyện Bất Bạt, tỉnh Sơn Tây (nay là xã Sơn Đà, huyện Ba Vì, tỉnh Hà Tây). Làng ông nằm ven sông Đà, núi Tản Viên. Chọn bút danh Tản Đà, có lẽ nhà thơ ước muốn gửi gắm trong đó cả hồn thiêng sông núi quê hương mình.

[4] Bài thơ “Hầu Trời” in trong tập thơ “Còn Chơi” xuất bản năm 1921.

[5] Câu thơ mở đầu trong đại thi phẩm trường thiên lục bát “Truyện Kiều” của thi hào Nguyễn Du (1766-1820)

[6] HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM, Giáo Hội Công Giáo Việt Nam, Niên Giám 2016, nxb Tôn Giáo 2017, tr.175.

[7] ALEXANDRE DE RHODES, Hành trình và truyền giáo (Divers voyages et missions), bản dịch Việt ngữ của Hồng Nhuệ, nxb Hồng Đức 2020, tr. 94.

[8] Sđd, tr. 75.

[9] CRISTOFORO BORRI, Xứ Đàng Trong, Thanh Thư dịch, nxb Tổng Hợp Thành phố Hồ Chí Minh 2019, tr. 49.

[10] BAN BIÊN SOẠN LỊCH SỬ GIÁO PHẬN, Giáo phận Qui Nhơn qua dòng thời gian, nxb. An Tôn & Đuốc Sáng, đăng ký Bản quyền tại Hoa Kỳ tháng 06.2017, tr. 16-17.

[11] Sđd, tr. 48-55.

[12] ALEXANDRE DE RHODES, Hành trình và truyền giáo, sđd, tr. 103.

[13] x. NGUYỄN THANH QUANG, Linh mục GIOAN VÕ ĐÌNH ĐỆ, Một số vấn đề chữ Quốc ngữ, nxb Khoa Học Xã Hội 2020, tr. 20-28.

[14] CRISTOFORO BORRI, Xứ Đàng Trong, sđd, tr. 102.

[15] x. OLGA DROR & K.W. TAYLOR, Việt Nam thế kỷ XVII những góc nhìn từ bên ngoài, Hoàng Tịnh Thuỷ dịch, nxb Đà Nẵng 2020, tr. 179-205.

[16] Sđd, tr. 495.

[17] Sđd, tr. 494.

[18] CRISTOFORO BORRI, Xứ Đàng Trong, sđd, tr. 232-233.

[19] Sđd, tr. 234.

[20] Để hiểu rõ hai văn kiện nầy, xin giới thiệu tác phẩm mang tên “Bình vẫn chưa hề cũ” của linh mục Giuse Trương Đình Hiền, nxb An Tôn & Đuốc Sáng 2021.

[21] Sở dĩ xếp tác phẩm “Inê Tử đạo vãn” vào số các tác phẩm văn chương Quốc ngữ vì cho tới hôm nay, chưa có bằng chứng hiển nhiên nào xác định đó là tác phẩm viết bằng chữ Nôm, dầu là nguyên bản, thứ bản hoặc những chi tiết liên quan đến bản dịch hay người dịch; trái lại có một bằng chứng minh nhiên là tác phẩm được in bằng chữ Quốc ngữ, như một tác phẩm Quốc ngữ tiêu biểu, trong Tự Điển Dictionarium Anamitico – Latinum của Đức cha Jean Louis Taberd, xuất bản năm 1838. Chắc chắn đây là tác phẩm Quốc ngữ rất nổi tiếng và được lưu hành khá lâu trước đó nên đã được dịch sang ba thứ tiếng Anh, Pháp và La Tinh, cùng được các soạn giả tự điển chọn đăng vào cuốn tự điển Tabert trên như một “bài mẫu” của thể loại văn thơ “Vãn”. Một chi tiết nữa để khẳng định tác giả và dịch giả của bài vãn nầy chỉ là một: đó là linh mục Laurent Huỳnh Lâu. Bởi vì ngài là một linh mục thông thạo cả ba ngoại ngữ La Tinh, Anh, Pháp là bào huynh của nhân vật chính “Inê”, và là một trong những người được xếp chung trong nhóm “kiện toàn chữ Quốc ngữ” vào giai đoạn hình thành cuốn tự điển Anamitico-Latinum của Đức Giám Mục Bá Đa Lộc. (x. ĐÔ QUANG CHÍNH, SJ., Dòng Tên trong xã hội đại việt 1615-1773, nxb Tôn giáo 2008, tr. 454).

[22] TS. LÊ TÙNG LÂM – ĐÀO LÊ THANH HOÀNG, Bản chất sự ra đời của chữ Quốc ngữ, đăng trong Kỷ yếu Hội Thảo “Bình Định và chữ Quốc Ngữ”, nxb Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh 2016, tr. 98: “Thế nhưng, từ khi các giáo sĩ Dòng Tên vào Việt Nam, họ đã tìm cách sáng tạo ra chữ Quốc ngữ để thay thế chữ Nôm của người Việt. Đây là một âm mưu thâm sâu của thực dân…”.

[23] LM. NGUYỄN ĐỨC THÔNG, Văn học Công Giáo chữ Nôm thế kỷ XVII, trích trong: Hội Đồng Giám Mục Việt Nam – Uỷ ban Văn hoá, Bốn Trăm Năm Hình Thành và Phát Ttriển Chữ Quốc Ngữ Trong Lịch Sử Loan Báo Tin Mừng Tại Việt Nam (Tài liệu Hội thảo 25&26/10/2019), tr. 293-299).

[24] NGUYỄN KHẮC XUYÊN, Địa vị chữ Nôm trong buổi tiếp xúc đầu tiên giữa Âu và Á thế kỷ XVII, trong Tạp chí Đại học Huế, số 15, tháng 5/1960, tr. 149-159.

[25] LỮ Y ĐOAN, Sấm Truyền Ca, Testamenti Veteris 1670, nxb. Hồng Đức 2020, tr. 11-16.

[26] LM. NGUYỄN ĐỨC THÔNG, Văn học Công Giáo chữ Nôm thế kỷ XVII, sđd.

[27] A. LAUNAY, Histoire de la mission de Cochinchine, III, Paris, 1925, tr. 510.

[28] LM. NGUYỄN ĐỨC THÔNG, Văn học Công Giáo chữ Nôm thế kỷ XVII, sđd.

[29] Sđd.

[30] Sđd.

[31] LM. NGUYỄN ĐỨC THÔNG, Văn học Công Giáo chữ Nôm thế kỷ XVII, sđd.

[32] LM. NGUYỄN ĐỨC THÔNG, Văn học Công Giáo chữ Nôm thế kỷ XVII, sđd.

[33] ROLAND JACQUES, Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam (Les missionnaires portugais et les débuts de l’ Église catholique au Viet-Nam), Biligue – Tome 1, nxb Định Hướng Tùng Thư 2004, tr. 31: “Việc áp dụng vần latinh làm chữ viết đã được xem như một hành động chính trị thù nghịch, một mưu đồ huỷ diệt văn hoá nhằm chia rẽ cộng đồng quốc gia và áp đặt một sự thống trị của ngoại quốc…”.

[34] ALEXANDRE DE RHODES, Hành trình và truyền giáo, sđd, tr. 85: “Đối với tôi, thú thật vừa tới Đàng Trong và nghe dân xứ này nói, nhất là phụ nữ, ôi tưởng như nghe chim hót và tôi không bao giờ mong có thể học được”.

[35] LƯƠNG NGUYÊN HIỀN, Chữ Quốc Ngữ nước ta từ Alexandre de Rhodes đến Trương Vĩnh Ký. Nguồn : https://thuvienhoasen.org/a30249/chu-quoc-ngu-chu-nuoc-ta-tu-alexandre-de-rhodes-den-truong-vinh-ky

[36] Sđd, MAI KIM ĐỊNH, Chữ Quốc Ngữ, tiếng Việt Nam, và Tu sĩ Alexandre de Rhodes.

[37] BAN BIÊN TẬP LỊCH SỬ GIÁO PHẬN. GIÁO PHẬN QUI NHƠN QUA DÒNG THỜI GIAN, nxb. Antôn & Đuốc Sáng, 2017. Tr. 96-97

[38] Ibid. Tr. 104-105.

[39] x. Ghi chú 21 ở trên. (x. ĐỖ QUANG CHÍNH, SJ., Tản mạn lịch sử Giáo Hội Công Giáo, sđd, tr. 111).

[40] ĐỖ QUANG CHÍNH, SJ., Tản mạn lịch sử Giáo Hội Công Giáo, sđd, tr. 112.

[41] “Lệnh lên đường” trong Tin Mừng Nhất Lãm (Mt 10, 1.5-14; Mc 6,7-13; Lc 9,1-6): Bản văn nầy đặc biệt liên quan đến “tư cách, thái độ, hành trang…” của “nhà truyền giáo” mà không ít tác giả gọi là “lệnh lên đường”: Đức Giê-su tập họp Nhóm Mười Hai lại, ban cho các ông năng lực và quyền phép để trừ mọi thứ quỷ và chữa các bệnh tật. Người sai các ông đi rao giảng Nước Thiên Chúa và chữa lành bệnh nhân. Người nói: “Anh em đừng mang gì đi đường, đừng mang gậy, bao bị, lương thực, tiền bạc, cũng đừng có hai áo. Khi anh em vào bất cứ nhà nào, thì ở lại đó và cũng từ đó mà ra đi. Hễ người ta không đón tiếp anh em, thì khi ra khỏi thành, anh em hãy giũ bụi chân để tỏ ý phản đối họ.” Các ông ra đi, rảo qua các làng mạc loan báo Tin Mừng và chữa bệnh khắp nơi. (Lc 9,1-6).

[42] ROLAND JACQUES, Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và …, sđd, tr. 55.

[43] LM. ĐÀO QUANG TOẢN, Giáo Hội Việt Nam năm 1659, nxb Phương Đông, 2010, trang 20.

[44] Sđd, tr. 26-43.

[45] Sđd, tr. 46.

[46] Nếu chọn cách gọi truyền thống về tên các văn kiện trong Giáo Hội (chọn các chữ đầu) thì đây là Huấn thị “Quoniam vos ea estis dligentia” (x. LM ĐÀO QUANG TOẢN, Giáo Hội Việt Nam năm 1659, tr. 46). Nếu chọn cách gọi theo đúng nội dung văn kiện thì đây là “Đầu đề của tư liệu này là: Instructio vicariorum apostolicorum ad regna Sinarum, Tonchini et Cocincinae proficiscentium 1659 (Huấn dụ các đại diện tông tòa đi các nước Trung Quốc, Đàng Ngoài và Đàng Trong năm 1659). (x. ĐỖ QUANG CHÍNH, SJ, Hai Giám Mục đầu tiên tại Việt Nam, nxb An Tôn & Đuốc Sáng 2005, tr. 120).

[47] LM. ĐÀO QUANG TOẢN, Giáo Hội Việt Nam năm 1659, sđd, tr. 50.

[48] LM. GIUSE TRƯƠNG ĐÌNH HIỀN, Bình vẫn chưa hề cũ, Huấn thị 1659-Công nghị 1664, Kim chỉ nam truyền giáo thế kỷ 17, nxb An Tôn & Đuốc sáng 2021, tr. 22-33.

[49] Sđd, Phụ lục 1, tr. 159-160.

[50] Sđd, Phụ lục 1, tr. 163-164.

[51] LM. ĐÀO QUANG TOẢN, Giáo Hội Việt Nam…, sđd, tr. 78-79.

[52] ĐGH GIOAN PHAOLÔ II, EA, số 21.

[53] ĐỖ QUANG CHÍNH, SJ, Hai Giám Mục đầu tiên tại Việt Nam, nxb An Tôn & Đuốc Sáng 2005, tr. 120.

[54] LM. GIUSE TRƯƠNG ĐÌNH HIỀN, Bình vẫn chưa hề cũ, sđd, Phần Phụ Lục 2, tr. 199-200.

[55] Sđd, tr. 201.

[56] Sđd, tr. 221.

[57] Sđd, tr. 244.

[58] LM. ĐÀO QUANG TOẢN, Giáo Hội Việt Nam năm 1659, sđd, tr. 43.

[59] ĐỖ QUANG CHÍNH, SJ., Lịch sử chữ Quốc ngữ 1620-1659, nxb Tôn giáo 2008, tr. 119-120.

 

                                                          Tác giả bài viết: Giuse Trương Đình Hiền

                                                          Nguồn bài viết: gpquinhon.org

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét