Trước UBND Thành phố Kontum hiện nay, có một cây sung cổ thụ tàn lá
to lớn, xanh đẹp sừng sững đứng trên vỉa hè bên ngoài hàng rào. Không rõ cây
sung này có từ bao giờ, chỉ nhớ thời học sinh thường qua lại con đường Nguyễn
Huệ, đã nhìn thấy cây sung thành ra thân quen. Vào mùa sung ra quả, chi chít
quả xanh, nâu dắt díu trên cành, rồi quả đỏ chín thơm lựng rụng đầy vỉa hè…
Thân quen thành ra để ý tìm hiểu. Ngày xưa nơi khu vực này, gần
đường Tố Hữu ngày nay, có một làng dân tộc Bahnar mang tên Kon H’ra (còn viết
Hara). Người dân tộc thường hay đặt tên làng theo tên sông suối, cây cối…“H’ra”
tiếng Bahnar có nghĩa là “Cây sung”, làng Kon H’ra có nghĩa là làng có nhiều
cây sung. Cây sung là giống cây rừng hay sống gần sông nước, có nhiều công dụng
như lấy gỗ; quả, lá, rễ…đều là vị thuốc chữa nhiều bệnh, đặc biệt vỏ cây có
công dụng chữa bệnh sốt rét rừng. Người Bahnar hay gọi những vị già làng, những
người lớn tuổi có uy tín trong làng một cách thân thương: “Cây sung đầu
suối”.
Làng Kon H’ra này theo đạo Công giáo từ rất lâu, từ thời cha Do lên
ở nhà thờ Tân Hương (1850). Dân làng H’ra cùng sống chung hòa bình với các làng
kề cận như Plei Rơhai (vị trí gần Tỉnh đội đối diện trường PTTH Kontum bây giờ,
làng Plei Don (trên đường Trần Phú đối diện đình Lương Khế)…và làng người Kinh
Trại Lý, Gò Mít (Tân Hương bây giờ).v.v. Về mặt tôn giáo, Họ đạo Kon Hara trực
thuộc Trung Tâm truyền giáo Rơhai (nhà thờ Tân Hương ngày nay).
Cây sung này chắc có lẽ không phải mọc ngẫu nhiên, mà phải là hậu
duệ của rừng sung ngày xưa, nay bỗng trở nên đơn độc, cô lẻ đến nỗi không còn
mấy ai nhớ đến gốc tích. Mà cũng phải, vì Làng Cây Sung (Kon H’ra) cũng đã di
dời đi khỏi vị trí từ lâu.
Chuyện kể rằng…
Vào nửa cuối thế kỷ 17, khi người Kinh dưới đồng bằng lũ lượt kéo
nhau lên định cư trên đất Kontum vì nhiều lý do: tìm kế sinh nhai, trốn tránh
cơn bắt đạo của triều Nguyễn…đã làm cho cuộc sống vốn yên bình nơi đây bị xáo
trộn. Người dân tộc hay có tục “chạy làng”. Làng Kon H’ra đã di dời làng sang
bên kia sông Dak Bla, định cư nơi vị trí mới là làng Kon H’ra Kơtu hiện nay.
(Về sau, năm 1931 [1], làng Plei Rơhai cũng dời làng qua bên kia sông ngay vị
trí bây giờ; làng Plei Don cũng di dời đến vị trí ngày nay gần làng Phương
Quí).
Vào một năm nọ, trời đổ mưa lớn, sấm sét đã đánh cháy rụi ngôi Nhà
Rông của làng. Quá kinh hãi! Dân làng tin rằng Yàng (Thần Linh, Chúa) đã không
muốn mọi người bỏ đất cũ mà đi đến chỗ mới này. Dân làng họp lại. Có 2 anh em
là 2 già làng uy tín. Người anh cùng một số lũ làng thì vẫn ở lại xây dựng nơi
định cư mới; còn người em thì quyết tâm lên đường, với một vài gia đình, gồm
thanh nam nữ tú quay trở lại làng cũ. Quay về tới nơi thì không thể nào lên
được vị trí trước đây được nữa, họ đành phải dựng nhà lập làng bên dưới thung
lũng cạnh bờ sông Dak Bla, đối diện nhà thờ Tân Hương bây giờ. Dân gọi tên làng
là Kon H’ra chôt, nghĩa là Làng Kon H’ra Quay Lại (trong tiếng Bahnar, “chôt” có
nghĩa là “trở về”, “quay lại chỗ cũ”). Vì vậy làng của người anh còn ở lại bên
kia sông gọi là Kon H’ra Kơtu (Làng H’ra gốc, làng H’ra cũ). Sau năm 1975, do
chính sách giãn dân, làng Kon H’ra Kơtu còn tách ra lập thành một làng mới nữa
gọi là Kon H’ra Klăh (Klăh có nghĩa là tách ra).
Làng Kon H’ra chôt tách ra khỏi Kon H’ra Kơtu để quay về, đó là vào
năm 1895 [2]. Sau 15 năm xây dựng, vào năm 1910, Kon Hara chốt trở thành họ đạo
toàn tòng Công giáo, trực thuộc địa sở Rơhai (nhà thờ Tân Hương ngày nay) [3].
Đã gần 125 năm (1895-2019) xây dựng Kon H'ra chốt, từ bao thăng
trầm đổi thay. Anh em Kinh và Dân tộc sống gần gũi yêu thương đùm bọc lẫn nhau
từ thời xa xưa...
Cùng với đà phát triển mở rộng đô thị Kontum, Làng Kon H’ra chốt
lại một lần nữa đứng trước nguy cơ phải di dời đi nơi khác. Đất canh tác màu mỡ
gần lưu vực dọc sông Đak Bla từng nuôi sống dân làng từ bao đời, đã lần hồi bị
thu hẹp và mất hẳn do mở đường giao thông (Trần Phú kéo dài) và chuyển đổi
thành đất thổ cư…đã đẩy dân làng dần mất hết đất canh tác. Nghe đâu Làng Kon
H’ra chốt cũng thuộc diện qui hoạch, nằm trong dự án phải di dời đi nơi khác!?
Dân Làng đã một lần vì mảnh đất quê hương và vì tình nghĩa
Kinh-Thượng, quyết tâm quay trở lại, chấp nhận chịu biết bao nhiêu thiệt thòi,
cùng chung lòng chung sức xây dựng thị xã - thành phố Kontum được tươi đẹp, an
bình và giữ được bản sắc như ngày hôm nay…
Câu chuyện Cây Sung cổ thụ giờ đây đang trở thành câu chuyện cổ
tích. Bởi nhờ có cây sung chứng tích này mà chúng ta ngày nay hiểu hơn tình nghĩa
anh em Thượng-Kinh lâu đời, thật sâu nặng, thủy chung, trên mảnh đất Kontum yêu
dấu này.
Bài và ảnh: LÊ MINH SƠN
(Ghi lại theo lời kể của các Già Làng Kon H'ra chôt năm 2006).
Kontum 10.06.2017
đến nay 30.07.2019
________________
[1], [2] và [3]: x. Echo Giáo phận Kontum 1948.
-----------------------------
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét