12/05/2018 02:00 GMT+7
- Phát triển, với tư duy phá bỏ hết cái cũ, e rằng rồi một ngày chúng ta ngẩn ngẩn ngơ ngơ giữa thời hiện đại, quên cả lối về quá khứ.
Đầu những năm 60 của thế kỷ trước quê tôi rùng rùng phong trào xoá bỏ mê tín dị đoan, mà thực chất là phá bỏ nơi thờ tự thần linh hình thành từ thời trước cuộc cách mạng tháng 8-1945, nó cũng đồng nghĩa với việc xoá bỏ cơ sở văn hoá tâm linh tàn dư thời phong kiến.
Làng tôi ngày ấy không có chùa, chỉ có đình và nghè, nơi thờ thành hoàng. Đình được dỡ xuống, cột lim mái ngói đưa về làm trường học, trạm y tế. Đồ thờ bằng gỗ vàng tâm được xẻ ra làm phao lưới. Rừng cây nguyên sinh rộng cả héc ta bao quanh ngôi nghè, phút chốc bị chặt phá trắng... Gia đình nào có sách chữ Nho đều đem ra đốt hoặc phất diều thả chơi. Ngay cả cái miếu nhỏ đầu làng cũng bị phá. Làng cơ bản thành làng vô thần vô thánh.
Sau này lớn lên, được đi đây đi đó, tôi biết, chuyện phá đình phá chùa thời đó là phong trào chung của cả miền Bắc, do ảnh hưởng từ cuộc “cách mạng văn hóa” bên Trung Quốc. “Xuất khẩu” cuộc cách mạng sang bên ta họ một công đôi ba việc, trong đó có cái việc, tôi nghĩ, rất thâm độc và nguy hiểm, là dưới cái mũ xoá bỏ tàn dư phong kiến, họ mượn tay chúng ta hòng xóa hết mọi dấu vết quá khứ của chính dân tộc chúng ta.
Cũng may, hồi đó không phải làng nào, xã nào trên miền Bắc cũng quá tả, quyết liệt, triệt để như ở làng tôi.
Cách đây mấy năm, có đôi lần sang Trung Quốc, qua mấy nơi, từ Quảng Tây, Vân Nam đến Tây An, Bắc Kinh, tôi nhận thấy các công trình kiến trúc văn hoá tâm linh, lâu đài, thành quách của họ vẫn đồ sộ, lung linh. Hoá ra họ chỉ xúi, ép ta phá, còn họ, hầu như không sứt mẻ.
Giữa năm ngoái, tôi được sang đất nước Cuba. Người dân Cuba có một tư duy rất thực tế mà đầy chất lãng mạn: Biến cái cũ thành cái cổ; biến cái cổ thành di sản. Không chỉ là tư duy, đó là hiện thực, hiển hiện trên khắp xứ sở “hòn đảo tự do”. Thử tưởng tượng, một loạt những xe hơi cũ, từ Lada, Volga, Moskvitch hay Ford, Dodge... có tuổi thọ 50, 60 năm, nếu ở Việt Nam, đã biến thành đồng nát, sắt vụn từ thuở nào. Nhưng ở Cuba, chính quyền khuyến khích người dân giữ lại, tân trang, thành phương tiện phục vụ khách du lịch rất bắt mắt và ăn khách.
Người dân Cuba có một tư duy rất thực tế mà đầy chất lãng mạn: Biến cái cũ thành cái cổ; biến cái cổ thành di sản. Ảnh: Uông Ngọc Dậu. |
Cuộc cách mạng 1959 nhân dân Cuba đánh đổ chế độ độc tài Batista nhưng hầu hết cơ sở vật chất của chế độ cũ vẫn được giữ gìn nguyên vẹn, trở thành di sản, phát huy giá trị, thành nguồn lợi phục vụ chính cuộc sống người dân. Những con phố lát đá, vườn hoa, lâu đài, tượng đài, quảng trường, khách sạn, bến cảng, pháo đài... có từ nhiều trăm năm trước vẫn tồn tại hài hoà bên những công trình kiến trúc của thời đại Fidel Castro và nhà nước Cuba Xã hội chủ nghĩa.
Hầu hết cơ sở vật chất của chế độ cũ vẫn được giữ gìn nguyên vẹn, trở thành di sản, phát huy giá trị, thành nguồn lợi phục vụ chính cuộc sống người dân. Ảnh: Uông Ngọc Dậu. |
Trong thủ đô La Havana còn nguyên vẹn những nghĩa trang từ thời thực dân Tây Ban Nha, đó là một phần thực thể sinh động của lịch sử, đó cũng là một dạng bảo tàng kiến trúc bia mộ, là địa chỉ cho khách tham quan và hậu duệ những người nằm dưới bia mộ kia tìm đến... Khách sạn Ambos Mundos được xây dựng từ những năm đầu thế kỷ 20, có căn phòng nhà văn người Mỹ Hemingway từng ở và viết tác phẩm Chuông nguyện hồn ai (1939-1940) được giữ bền đẹp như xưa, trở nên thu hút du khách lạ kỳ.
Hầu hết cơ sở vật chất của chế độ cũ vẫn được giữ gìn nguyên vẹn, trở thành di sản, phát huy giá trị, thành nguồn lợi phục vụ chính cuộc sống người dân. Ảnh: Uông Ngọc Dậu. |
Nói chuyện nước người, lại nói chuyện nước mình.
Hơn hai năm trước, những người làm nghề chài lưới ở thị xã Sầm Sơn, Thanh Hoá (khi ấy chưa nâng cấp lên thành phố) kéo lên UBND tỉnh phản đối chủ trương xoá bến chài của họ ở phía đông đường Hồ Xuân Hương...Trước đó, người dân làng chài các xã Quảng Cư, Quảng Tiến đã phải chấp nhận di dời khỏi nơi cư trú bao đời, nhường đất cho Tập đoàn FLC thực hiện dự án sân golf, biệt thự, nhà hàng, khách sạn. Tư duy của những nhà làm dự án còn đi xa hơn, họ không muốn những bến chài tồn tại trong không gian phát triển du lịch mở rộng của họ. Tập đoàn FLC muốn xoá sổ các bến chài, còn người dân thì đòi giữ lại. Xung đột chỉ được tháo ngồi nổ khi người lãnh đạo cao nhất của tỉnh Thanh Hoá-ông Bí thư Tỉnh ủy trực tiếp đối thoại với người dân và tuyên bố giữ nguyên trạng các bến chài như nó vốn tồn tại.
Ở đây có câu chuyện về tư duy giải quyết bài toán giữa phát triển và bảo tồn, kinh tế và văn hoá. Các bến chài phía đông con đường ven biển mang tên Hồ Xuân Hương của thành phố Sầm Sơn tồn tại đến bây giờ không làm tổn hại không gian du lịch, cũng không đến mức làm sụt giảm nguồn thu của nhà đầu tư. Thực tế nó đang là điểm nhấn cho không gian du lịch biển, là minh chứng cho hoạt động cư dân trong không gian sinh tồn truyền thống giữa một đô thị hiện đại có cái gốc là những làng chài. Hơn thế, nó giúp hoá giải xung đột giữa người dân với chính quyền, người dân và nhà đầu tư.
Mấy tuần nay, dư luận xã hội và báo chí lại rộ câu chuyện bảo tồn và phát triển ở thành phố mang tên Bác, nơi từng được mệnh danh là “Hòn ngọc Viễn Đông”. Một, là thành phố đang có ý định phá bỏ Dinh Thượng Thơ, nằm ở góc đường Đồng Khởi và Lý Tự Trọng thuộc quận 1, TP.HCM, ngay phía sau trụ sở UBND thành phố, để xây mới, cao hơn, to hơn, hiện đại hơn. Hai, là phá bỏ nhà thờ Thủ Thiêm và tu viện Dòng tu Mến thánh giá cũng như các chùa chiền nằm trong khu vực dự án khu đô thị Thủ Thiêm.
Thực tế những gì đang diễn ra trên đất nước ta, khi thực hiện các dự án phát triển, vẫn thường nghiêng về di dời, phá bỏ toàn bộ cái cũ để xây cái mới. Về kinh tế, đó có thể là cái lợi dễ thấy, trước mắt. Nhưng về văn hoá, thì đó là cái hại, cả trước mắt và lâu dài. Ngay cả về kinh tế, ai dám chắc phá bỏ Dinh Thượng Thơ để xây mới có lợi hơn là giữ nó lại, biến nó thành di sản, với công năng mới, thành “Ngôi nhà ký ức”, nơi lưu giữ hình ảnh, kỷ vật thành phố 300 năm chẳng hạn? Thành phố Hồ Chí Minh có thừa nguồn lực tài chính và quỹ đất để xây trụ sở mới bề thế, hoành tráng mà không cần phải phá bỏ Dinh Thượng Thơ. Dinh Thượng Thơ, một điểm nhấn kiến trúc với giá trị khác biệt, là một phần ký ức, một tín hiệu dẫn dắt con người trở về với quá khứ, phá bỏ nó đi, liệu có là quyết định khôn ngoan?
Dinh Thượng Thơ Sài Gòn. Ảnh: Tim Doling sưu tầm/ Tuổi trẻ online
|
Tương tự, phá bỏ Nhà thờ Thủ Thiêm, Tu viện Mến thánh giá, hay các công trình kiến trúc chùa chiền có lịch sử hàng trăm năm trong vùng dự án khu đô thị Thủ Thiêm, sẽ gây ra rất nhiều hệ lụy, lợi bất cập hại, là một quyết định thiếu thận trọng. Một kiến trúc sư bình thường cũng có thể giải bài toán bảo tồn nguyên trạng các công trình này trong khu đô thị mới.
Ông Võ Viết Thanh, cựu Chủ tịch UBND thành phố, người chủ trì lập dự án khu đô thị Thủ Thiêm, mới đây cho hay: “Chúng tôi đã đề xuất giữ lại ngôi chùa, nhà thờ, đình Thủ Thiêm, nâng cấp khu chợ Thủ Thiêm và đường Lương Định Của... Ưu tiên tái định cư tại chỗ để đảm bảo đời sống xã hội cho người dân, bao gồm các sinh kế lẫn đời sống tâm linh”. Vị cựu Chủ tịch thành phố cũng bày tỏ quan điểm: “Còn về các cơ sở tôn giáo, giữ những nơi đó rõ ràng có lợi cho đời sống tâm linh của người dân, văn hoá lịch sử của khu vực, nó đâu có hại gì cho các công trình công ích”.
Những nguyên tắc này rõ ràng là nhân văn, minh bạch, không lẽ những người kế nhiệm lại hoặc vô tình quên, hoặc phủ nhận?
Chính chúng ta, chứ không ai khác, tự tạo nên hội chứng đứt gãy văn hoá, và đang phải gánh chịu hậu quả.
Phát triển, với tư duy phá bỏ hết cái cũ, e rằng rồi một ngày chúng ta ngẩn ngẩn ngơ ngơ giữa thời hiện đại, quên cả lối về quá khứ!
Uông Ngọc Dậu
Nguồn bài viết: http://vietnamnet.vn/vn/tuanvietnam/dachieu/roi-chung-ta-quen-loi-ve-qua-khu-450167.html
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét