Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Chủ Nhật, 5 tháng 6, 2016

Ông Phan Khôi và cô Kiều



PHẠM XUÂN NGUYÊN

Cô Kiều của Nguyễn Du từ khi xuất hiện trong văn chương Việt Nam đã nhận bao tiếng khen lời chê, khen hết lời và chê hết mực, nhưng cô vẫn sống trong niềm yêu mến của bao lớp người Việt, từ bậc thức giả đến kẻ bình dân, xưa đã vậy mà nay cũng vậy.
Ông Phan Khôi và cô Kiều
Ảnh: internet
Song hễ khi có biến cố tinh thần tư tưởng gì đụng đến giống nòi Việt thì cô gái đến từ nước Trung Hoa này lại hay bị đưa ra dằn dỗi, trách cứ, làm như cô là “chính danh thủ phạm” sự suy thoái phong tục, đạo đức của xứ Nam này. Mà lạ, những người nặng lời với cô nhất lại là những người có học, những nhà nho.
Thì đây, đầu thế kỷ XX, chính xác là năm 1924 tháng 9, cô Kiều và Truyện Kiều bị ông nghè Ngô Đức Kế (1878 - 1929) lớn tiếng phê phán. Thứ nhất, ông cho truyện đời cô là truyện phong tình nên có hại: “Vả dù sự tích ấy mà có thiệt đi nữa, thì một đôi thiếu niên nam nữ, đêm thanh người vắng, trèo tường trổ ngõ, ước hội chuyện trò với nhau, đối với phong hóa đạo đức đã là việc bất chính; mở đầu quyển sách như thế, dù sau có tô vẽ hiếu nghĩa gì đâu nữa cũng không đủ làm gương tốt cho đời”. Thứ hai, ông cho văn Nguyễn Du hay nhưng chỉ hay một lối, mà văn hay nhưng nói truyện phong tình thì cũng hóa dở: “Nói về văn chương quốc âm của ông Nguyễn Du, thì vẫn là hay thiệt, song cái lối văn vần, ngâm nga ngợi hát, chỉ là một lối trong đạo văn chương. Văn tuy hay mà truyện là truyện phong tình, thì cái vẻ ai dâm sầu oán, đạo dục tăng bi, tám chữ ấy không tránh đàng nào cho khỏi”. Thứ ba, ông cho việc xưa nay cấm thanh niên đọc Kiều là đúng: “Ngày trước các cụ tiền bối thường cấm con em xem Truyện Kiều; trong xã hội ai hay đọc Kiều nghêu ngao, thì cho là kẻ đàng điếm. Cái phép gia đình giáo dục của các cụ như thế, thiệt là phải lắm”1.

Hoàn cảnh nào đã khiến ông nghè Ngô phẫn nộ bừng bừng với cô Kiều và cả Nguyễn Du như vậy?

Đó là bài diễn thuyết của Phạm Quỳnh (1892 - 1945) tại buổi lễ kỷ niệm Nguyễn Du nhân ngày mất của nhà thi hào do Ban Văn học của Hội Khai Trí Tiến Đức mà học giả họ Phạm là tổng thư ký tổ chức tại Hà Nội tháng 8/1924. Mở đầu Phạm Quỳnh nói rõ mục đích cuộc kỷ niệm nhân ngày giỗ này là “để nhắc lại cho quốc dân nhớ đến công nghiệp một người đã gây dựng cho quốc âm ta thành văn chương, để lại cho chúng ta một cái “hương hỏa” rất quý báu, đời đời làm vẻ vang cho cả giống nòi”. Phạm Quỳnh ca ngợi Truyện Kiều “vừa là kinh, vừa là truyện, vừa là Thánh thư Phúc âm của cả một dân tộc”, là “một thiên văn khế tuyệt bút”, là quốc hoa, quốc túy, quốc hồn của nước ta, để ta có thể “ngạo nghễ với non sông mà tự phụ với người đời rằng: Truyện Kiều còn, tiếng ta còn, tiếng ta còn, nước ta còn, có gì mà lo, có gì mà sợ, có điều chi nữa mà ngờ!...”. Điệp khúc nổi tiếng này được Phạm Quỳnh nhắc lại ở lời thề cuối bài diễn thuyết trước vong linh Nguyễn Du. Thề rằng: “Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn, còn non còn nước còn dài, chúng tôi là kẻ hậu sinh xin dầu lòng dốc chí cố gia công trau chuốt lấy tiếng quốc âm nhà, cho quốc hoa ngày một rực rỡ, quốc hồn ngày một tỉnh táo, quốc bộ ngày một tấn tới, quốc vận ngày một vẻ vang, ngõ hầu khỏi phụ cái chí hoài bão của tiên sinh, ngậm cười chín suối cũng còn thơm lây!2

Ngô Đức Kế không chịu được việc này. Ông coi việc Phạm Quỳnh ca tụng Truyện Kiều và Nguyễn Du tót vời như vậy là một tà thuyết có hại cho nhân tâm thế đạo, là làm vận nước suy yếu. Trước khi mắng cô Kiều để phê Phạm Quỳnh, Ngô Đức Kế đã luận về chính học cùng tà thuyết để lập luận cho tư tưởng của mình. Ông viết: “Vận nước thịnh hay suy quan hệ tại đâu? - Tại nhân tâm thể đạo. Nhân tâm thế đạo xấu hay tốt, cỗi gốc tại đâu? - Tại học thuyết tà hay chính. Rộng xét năm châu, trải xem lịch sử, dọc ngang mấy vạn dặm, trên dưới mấy ngàn năm, từ đông đến tây, từ xưa đến nay, hễ nước nào khi vận nước thịnh cường tất là khi ấy trong nước chính học sáng rệt; nước nào khi vận nước suy đốn, tất là khi ấy trong nước tà thuyết lưu hành. Chính học sáng rệt thì thế đạo nhân tâm phải tốt, mà vận nước cũng theo chính học mà nổi lên; tà thuyết lưu hành thì nhân tâm thế đạo phải hư, mà vận nước cũng theo tà thuyết mà đắm mất”. Từ căn bản tư tưởng này ông nghè Ngô cho cô Kiều là xấu, Truyện Kiều là xấu, vậy mà có kẻ cực lực tán dương, đề cao tác phẩm này đến mức có quan hệ với quốc vận Việt Nam, lại còn hô hào phải học Kiều, đọc Kiều, giảng Kiều, thì ông thấy là quá lắm, thật là vận nước đã đến lúc suy vi tận cùng, “thiệt là “con oanh học nói” xằng xiên bậy bạ, rồ dại điên cuồng, tà thuyết mê dân đến thế là cực”. Cô Kiều và Nguyễn Du bị vạ lây vào đây: “Truyện Thanh Tâm tài nhân là tiểu thuyết hèn mạt bên Tàu, mà nay nước Việt Nam tôn phụng làm chính kinh chính sử, thiệt là rước lấy một cái đại sỉ nhục. Như vậy, ông Ngô mắng cô Kiều là vì chính sự, ông nói chuyện chính trị nên ông hạ giá văn chương.

Bài ông Phạm đăng tạp chí Nam Phong của ông Phạm. Bài ông Ngô đăng tạp chí Hữu Thanh của ông Ngô. Hai bài kế nhau chưa đầy một tháng. Sau đó không thấy ông Phạm nói gì lại ông Ngô, mà cũng không thấy ông Ngô nói gì thêm ông Phạm. Cô Kiều bị mắng đúng hay mắng oan cũng không được ai phân xử.

Bẵng đi sáu năm, năm 1930, khi này Ngô Đức Kế vừa mất năm trước, có một người xông ra trách cứ Phạm Quỳnh đối với Ngô Đức Kế. Đó là ông tú Phan Khôi (1887 - 1959). Ông Phan đưa ông Phạm ra như một điển hình của hạng “học phiệt” là “hạng người ỷ có học rộng, tri thức nhiều, văn hay, trí thuật cũng khá, rồi tự coi mình như là bậc “thầy”, chẳng kể dư luận ra chi”. Và ông Phan lấy ngay thí dụ ông Phạm “học phiệt” là đã không trả lời bài công kích của ông Ngô. Ông Phan nhận là ông Ngô “có ác cảm” với ông Phạm, “vì sự tư ý đó nên trong bài Chánh học với tà thuyết của họ Ngô có chỗ không được công bằng; tuy vậy, lấy đại thể cái bài mà nói, thì cách công kích như vậy là chánh đáng”. Nhưng bài của ông Ngô “nó là một vấn đề lớn, có quan hệ với học phong sĩ tập”, dầu ông Ngô không chỉ đích danh ông Phạm, song những điều nói đến trong bài đều là những việc, những ý của ông Phạm cả, vậy thì ý kiến của ông Ngô là phải hay quấy ông Phạm phải lên tiếng đáp lại. “Đàng nào cũng phải trả lời hết, không phép làm thinh. Làm thinh thì tỏ ra hai dấu: một là bí, hết đường nói lại; hai là khinh người. Bí mà làm thinh, không nhận lỗi cách đường đường chánh chánh, thì thành ra mình không có can đảm, không biết phục thiện. Còn khinh người thì lại vô lý lắm, mình khinh người, người lại chẳng biết khinh mình sao? Huống chi, phải biết rằng khinh người bằng một cách như vậy, thì trong khi mình khinh người đó, chính mình tự khinh lấy mình rồi, vì mình đã đối với mình, với người, cũng đều không ngay thật”3.
 

Bài Phan Khôi ra trên báo Phụ Nữ Tân Văn cuối tháng 7/1930. Đến cuối tháng 8/1930 cũng trên báo ấy, Phạm Quỳnh trả lời. Sau khi biện luận về hai chữ “học phiệt” ông Phan gắn cho mình, ông Phạm nói đến trường họp ông Phan đưa ra làm thí dụ là sự im lặng của ông trước bài viết ông Ngô công kích mình. Trước hết, ông Phạm nói rõ: “Ông nghè Ngô nay là người thiên cổ rồi. Kẻ khuất người còn, chuyện bao năm cũ kể ra làm gì? Nhưng Phan tiên sanh đã giở giói ra, thì tôi cũng phải nối lời phân trần cho rõ lẽ: xin vong linh ông Ngô chứng giám!”. Tiếp đó ông Phạm bày tỏ thái độ của mình đối với cá nhân con người ông Ngô: “Họ Ngô với tôi vốn không có hiềm khích gì. Ông là người quốc sự phạm cũ, vì việc nước nhà mà long đong chìm nổi trong bao năm, dầu người không đồng tư tưởng, đồng chánh kiến với ông cũng phải kính trọng cái thân thế của ông. Tôi cũng vậy, thủy chung vẫn coi ông như bậc đàn anh”. Đi vào việc bài viết của ông Ngô, ông Phạm cho nguyên do có bài đó là vì cả hai ông đều làm báo, báo ông Ngô (Hữu Thanh) ra sau báo ông Phạm (Nam Phong) nên thói “hàng thịt nguýt hàng cá” là chuyện thường. Ông Phạm quyết làm thinh không trả lời vì: “Ai cũng biết rằng họ Ngô không phải vì Truyện Kiều mà bình phẩm Truyện Kiều, chỉ là kiếm cớ đế gây cuộc “cãi lộn” với tôi, trước là làm một cách quảng cáo cho báo Hữu Thanh, sau cũng để thỏa một cái lòng ác cảm riêng chăng. Truyện Kiều là một nền văn chương kiệt tác. Xét Truyện Kiều phải đứng về phương diện văn chương mà xét, nay họ Ngô lại đứng về phương diện đạo đức - mà là cái đạo đức rất hẹp hòi của phái hương nguyện - thì rõ là chủ ý lập luận thiên đi, để có chỗ mà công kích người ta. Như vậy không phải là một vấn đề văn chương học vấn gì nữa, chỉ là một vấn đề cá nhân mà thôi”. Và như vậy với ông Phạm, đây không hề là chuyện khinh hay sợ dư luận gì cả. Theo ông, không nên coi thường dư luận, nhưng cũng đừng làm nô lệ cho dư luận. Ông hiểu ngầm ý phê phán chính trị trong bài viết của ông Ngô nhằm vào mình, nên nhân dịp trả lời Phan Khôi, ông bày tỏ cái lập trường của mình: “Sau cuộc phản đối của ông nghè Ngô, trong nước liền nổi lên cái phong trào chánh trị mới! Có người nối gót ông Ngô cũng đem lời nọ tiếng kia mà phẩm bình tôi. Tôi đều nhứt thiết làm thinh cả. Là vì những lời bình phẩm đó là toàn về cái thái độ chánh trị của tôi, mà tôi vốn không phải là nhà chánh trị. Tôi vốn là nhà làm văn, nhà học vấn. Cái chủ nghĩa tôi phụng sự bấy lâu nay, - kể có trên dưới mười lăm năm trời, thật là dốc một lòng, chuyên một dạ, - chính là chủ nghĩa quốc gia, nhưng chỉ mới phụng sự về phương diện văn hóa, chưa hề chuyển di sang phương diện chánh trị. Vì tôi chỉ chuyên chú về một việc tài bồi quốc văn như vậy, cho nên thật không để chí vào việc chánh trị. Ai bình phẩm tôi về chánh trị là bình phẩm sai cả. Tôi cho là bất túc khinh trọng, nên không hề đối đáp, không hề cải chánh bao giờ”4.

Bài viết của Phạm Quỳnh trả lời Phan Khôi đã dấy động một bạn đồng chí của Ngô Đức Kế là Huỳnh Thúc Kháng (1876 - 1947) lên tiếng ngay để “chiêu tuyết những lời bài báng cho một chí sĩ mới qua đời”. Trên báo nhà Tiếng Dân (số 317, 17/ 9/1930), ông Huỳnh bảo vệ bạn mình bằng sự phê phán gay gắt ông Phạm chờ khi ông Ngô mất rồi mới lên tiếng, lại giở những mối hiềm khích lâu nay ra nói, lại gán cho ông Ngô đạo đức hương nguyện, tóm lại ông Phạm chỉ toàn nặc oán cá nhân, không biện giải gì cả về chánh học cùng tà thuyết là điều ông Ngô chủ ý nêu lên. Đây là điều khả thủ của ông Huỳnh. Nhưng ông Huỳnh chung đường tư tưởng với ông Ngô và chung cả cách lập luận tư tưởng trong khi tranh biện, nghĩa là đang nói Kiều thì hạ thấp Kiều để phục vụ cho mục đích chính trị của mình. Đối với ông Huỳnh, cô Kiều càng đáng khinh bỉ hơn nữa, có thể nói là ông mạt sát cô Kiều khi gọi là “con đĩ Kiều”. Ông đẩy tới mức cực đoan của ông Ngô lên cực đoan hơn nữa. “Con đĩ Kiều kia, có cái giá trị gì? người tô vẽ Kiều kia có công đức gì mà hoan nghinh” - câu này khiến báo Phụ Nữ Tân Văn khi đăng lại bài ông Huỳnh (số 72, 2/10/1930) đã phải chú thích rằng “Cho con đĩ Kiều không có giá trị gì thì phải lắm; còn bảo người tô vẽ Kiều không có công đức gì thì chúng tôi không chịu”. Cuối cùng, để muốn đánh gục người đề cao Kiều, ông Huỳnh đánh gục luôn Truyện Kiều: “Sau nầy tôi xin chánh cáo cho anh em trí thức trong nước rằng: Truyện Kiều chẳng qua là một lối văn chương mua vui mà thôi, chớ không phải là thứ sách học; mà nói cho đúng, Truyện Kiều là một thứ dâm thư, rõ không ích mà có hại. Ở xã hội ta từ có kẻ tán dương Truyện Kiều, truyền bá học Kiều đến nay, đã biết bao lớp thanh niên say mê sóng sắc, chìm nổi biển tình, dứt cả nền nếp gia đình, trật tự xã hội, mà theo mối ham mê của mình. Hiện xã hội ta ngày nay mà diễn ra những tuồng thương phong bại tục kia, cái giống độc con đĩ Kiều, gieo vào trong cõi tư tưởng không phải là ít. Vậy ngày nay mà được trăm ngàn người học Kiều, thì khắp trong xã hội ta, không thấy cái gì ích mà chỉ thấy cái hại”. Chống lại hoàn cảnh đó, ông Huỳnh đánh giá Ngô Đức Kế là “cột đá giữ dòng sông lở, ngọn đuốc trong khoảng đêm trường” có mãnh lực “kéo được bao nhiêu kẻ sa hầm sụp hố” do Phạm Quỳnh bày ra5.

Phan Khôi lại phải lên tiếng sau tiếng nói của Huỳnh Thúc Kháng. Trên báo Trung Lập ba số liền (tháng 10/1930) ông Phan viết ba bài phân tích những cái không được trong bài của ông Huỳnh. Mặc dù chịu bài của ông Huỳnh là “một cái nghị luận đường chánh, một cái ý kiến đáng và cần phát biểu”, nhưng ông Phan tiếc cho ông Huỳnh là có đôi chỗ ông “không được đích xác và công bình cho lắm”, lại có chỗ ông nói “người”, đem chuyện cá nhân của ông Ngô và ông Phạm ra nói, thay vì luận “việc”, tức là bàn thẳng vào chuyện chánh học và tà thuyết. Đặc biệt, ở kỳ ba của bài viết, Phan Khôi đã tập trung phê thẳng ý kiến về Truyện Kiều của Huỳnh Thúc Kháng, cho rằng sự mạt sát Truyện Kiều và việc đem phong hóa sa sút thời nay đổ tội cả cho Truyện Kiều là điều thật quá đáng. Nhân đó ông Phan trình bày về hai học phái: nghệ thuật vị nhân sinh và nghệ thuật vị nghệ thuật, cả hai phái đều có giá trị hết, để bênh vực cho người khen Truyện Kiều. “Nếu cứ theo cái hiện tượng ấy và nếu nhận cho văn chương Truyện Kiều là đẹp là hay, thì cái người vì quốc ngữ mà cổ động cho Truyện Kiều, kỷ niệm ông Nguyễn Du, chẳng phải là làm một việc không có ý thức. Vì trong khi làm việc ấy, người ta đứng về phái nghệ thuật, người ta chỉ sùng bái cái đẹp mà thôi, mà tự họ lại nghĩ rằng cái đẹp ấy chẳng có thể nào gây ra ảnh hưởng xấu cho xã hội”. Vì vậy ông Phan cho việc làm của Ban Văn học Hội Khai Trí Tiến Đức là chẳng có chỗ nào đáng công kích cả. Kết luận, Phan Khôi như muốn chiêu tuyết lại cho cô Kiều và tác phẩm của Nguyễn Du, cũng như biện hộ cho Phạm Quỳnh trong chuyện này, trước sự công kích bôi nhọ của hai chí sĩ họ Ngô và họ Huỳnh:

“Muốn duy trì phong hóa thì kiếm cách mà duy trì; muốn vãn hồi thế đạo nhân tâm thì cứ việc mà vãn hồi; còn Truyện Kiều, nếu đã nhìn nó là một thứ mỹ văn học thì phải để cho nó tự do phát triển. Chỉ khi nào đủ tang chứng nói được rằng Truyện Kiều quả đã làm hại cho phong hóa, cho thế đạo nhân tâm, thì khi ấy hãy nên cấm hẳn đi mà thôi. Trước khi có người đề xướng Truyện Kiều, phong tục của ta có quả là thật tốt chăng? Kịp đến khi chỉ có người tán dương Truyện Kiều một cái, mà làm cho dứt cả nề nếp gia đình, trật tự xã hội, như thế thì cái họa Truyện Kiều lớn lắm thật. Song, chỗ nay tôi không dám tin lời tiên sanh. Nếu tiên sanh lập ra được một cái biểu thống kê tội ác trước hồi đó và sau hồi đó cho thiệt đành rành, mà tôi thấy ra tội ác sau nhiều hơn trước, thì tôi mới tin được vậy”6.

Huỳnh Thúc Kháng cho bài viết này của Phan Khôi là bài biện hộ của trạng sư chứ không phải bài phê bình của học giả, “ý ít lời nhiều, có cái vẻ nhành rậm che gốc, mây nổi khuất trăng, e độc giả nhận lời ông mà sanh mối hiểu lầm” [đối với HTK] nên ông phải viết bài biện chính lại. Trong cái bài dài đăng bốn kỳ báo Trung Lập (từ cuối tháng 10 đến đầu tháng 11/1930) ông Huỳnh thương xác lại với ông Phan những điều ông đã viết trong bài trước mà theo như ông Huỳnh cảm nhận là ông Phan đã hiểu sai ý hoặc bắt bẻ, vặn vẹo. Nhưng cái ý chính vẫn là “biện biệt chánh học với tà thuyết”. Ông Huỳnh vẫn khẳng định lại: “Tôi đã nhận bài Chánh học [của Ngô Đức Kế] là chân chánh thì binh vực cái người làm bài chân chánh kia và chiêu tuyết lời vu báng kia chính là cái gốc trong luận điểm của bài tôi, mà dầu có ai cho là tư vị thì tư vị một người chí sĩ trọn đời đày đọa vì việc của nước, không hơn đem văn chương của mình mà binh vực cho một con đĩ Tàu sao?” Kết thúc bài ông Huỳnh cho là cả mình và ông Phan đều là trạng sư, chỉ khác ông cãi cho một người chí sĩ đã qua đời và cho chính mình, còn ông Phan thì cãi cho một vị văn sĩ đương cầm bút viết báo, viết sách. So ra thế ông Huỳnh thấy mình không có công gì, còn ông Phan “dầu không công, nhưng hơn tôi một điều: là được nghe giọng ngâm Kiều êm ái kia”7. Câu kết đầy ý vị mỉa mai, chua chát, coi như Phan Khôi thuộc phe Phạm Quỳnh tán dương Truyện Kiều và cô Kiều là theo tà thuyết làm hại chánh học.

Cuộc tranh luận Kiều sau bài viết này của Huỳnh Thúc Kháng không biết còn tiếp tục hay không. Nhưng căn cứ vào những bài đã xuất hiện, ta có thể thấy gì ở Phan Khôi? Trước hết là thái độ nhập cuộc của người cầm bút trước một chuyện lớn của học thuật và cuộc sống. Phan Khôi không phải là người xới lên chuyện cô Kiều và Truyện Kiều từ đầu. Nhưng khi theo dõi thái độ của hai bên tranh luận ông thấy mình không thể im lặng. Đầu tiên là vì thái độ xử sự của Phạm Quỳnh chọn cách im tiếng trước một bài viết nói về mình mà ông quy kết là thái độ “học phiệt”. Sau đến là thái độ nặng nề của Ngô Đức Kế và Huỳnh Thúc Kháng đối với kiệt tác thi ca của dân tộc mà ông không thể đồng tình. Như vậy Phan Khôi đã nhập cuộc tranh luận với ý thức rõ ràng về thái độ văn hóa cần có khi tranh luận văn chương, học thuật, và thái độ khoa học phải có khi bàn đến đối tượng tranh luận. Điều thứ hai, Phan Khôi đã chạm đến một vấn đề lớn của phê bình văn chương mà về sau này thường được nói đến như là “xã hội học dung tục”. Coi Truyện Kiều là nguồn gốc của sự đồi bại thế tục nhân tâm theo một kiểu nói vu khoát, trùm lấp, mà không có chứng minh, khảo sát, đó là một sự hại cho văn chương mà Phan Khôi đã cảnh báo sớm. Như vậy, ông không chỉ bênh vực cho cô Kiều, cho Truyện Kiều, mà còn bảo vệ cho tác phẩm văn học nói chung tránh khỏi lối phê bình thông tục, nhân danh chính trị, đạo đức, xã hội một cách gượng ép, cưỡng bức, theo những lý do ngoài văn chương8.

Cố nhiên ở đây, cũng như trong các cuộc tranh luận khác mà Phan Khôi tham gia, ông luôn say sưa, thẳng thắn, lấn lướt với tinh thần “ngự sử trên văn đàn”. Không phải luận điểm nào của ông cũng đúng, lập luận nào của ông cũng chắc chắn, và giọng điệu lúc nào cũng thấu tình đạt lý, có nhiều sức thuyết phục người cùng tranh luận. Điều này chừng như Trần Trọng Kim đã có ý nhắc khéo ông là phê người khác “học phiệt” thì cũng phải cẩn thận với chính mình9. Nhưng cái tâm ông là sáng, cái mục đích của ông là rõ: thấy điều sai theo quan niệm của mình, thấy sự hại cho nhân quần, xã hội thì ông lên tiếng tranh cãi, biện bác, đòi cho mình và cho người được nói lên hết ý kiến của mỗi bên, không chịu sự quy định và quy chụp của quyền uy nào ngoài sở học và tri kiến. Phan Khôi, trong các cuộc tranh luận với Trần Trọng Kim, Phạm Quỳnh, Huỳnh Thúc Kháng, là người đồng đẳng về học thức nên bình đẳng về nhận thức. “Chỉ đáng sợ nhứt là cái học tôn nhứt, rồi cứ dùng thế lực mà đè nén mất sự ngôn luận tự do, thì cái học ấy dẫu hay đến đâu rồi cùng hóa ra dở” (Trần Trọng Kim). Đây cũng là một bài học có ích mà ông và những người thế hệ ông - những nhà nho biết theo Tây học, để lại cho hậu thế.

Thực chất, có thể nói, cuộc tranh luận quanh Truyện Kiều này là một cuộc đấu tranh chính trị - tư tưởng diễn ra ở thập niên hai mươi, ba mươi thế kỷ hai mươi mà người khởi đầu là Ngô Đức Kế. Những bài viết của ông Ngô ông Phạm ông Phan ông Huỳnh còn đó. Đọc chúng từ khoảng lùi thời gian hơn tám mươi năm và đặt trong sự song chiếu với thời họ sống, ta hiểu ra được một số điều còn cấp thiết đến hôm nay. Tấm lòng yêu nước, đau đáu với vận nước của Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng là điều đã được chứng thực bằng chính cuộc đời các ông. Chính tấm lòng đó đã buộc họ phải cất tiếng nói cảnh báo quốc dân đồng bào trước một hiện tượng mà họ nghĩ là sai lầm, lệch lạc, nguy hại, dù cái mà họ nói đến đó là một kiệt tác văn chương của dân tộc. Chính trị đôi khi vì mục đích của nó phải buộc xâm phạm và giết chết văn hóa. Tôi nghĩ hai bậc chí sĩ của chúng ta không thể không biết giá trị Truyện Kiều, không thể không biết thiên tài Nguyễn Du, ngay cả nếu họ có bị hạn chế trong khuôn khổ giáo lý nho gia. Nhưng họ đã bỏ qua văn học để nói về chính trị, cốt để báo động một nguy cơ họ cho là rất có thật và đã đến rất gần. Bài viết của Phan Khôi ngay từ hồi ấy đã vạch ra rất trúng, với sự nhạy bén và tinh tường kỳ lạ, những hạn chế và sai lầm của họ về nhận thức và phương pháp trong việc nhìn nhận Truyện Kiều và tranh luận vấn đề. Nói ra điều này là để đánh giá đúng nhãn quan học thuật văn hóa của Phan Khôi, nhưng không hề là hạ thấp con người Ngô Đức Kế và bạn đồng chí của ông. Có những hạn chế lịch sử của thời đại con người không thể vượt qua. Và có những ấu trĩ, phiến diện của một thời con người chỉ dần khắc phục về sau. Tôi liên tưởng ở đây một ý của F. Engels tự nhận khuyết điểm khi trình bày học thuyết chung của K. Marx và ông khiến một số môn đệ đương thời hiểu sai luận điểm cơ bản trong chủ nghĩa duy vật biện chứng của các ông, từ “xét đến cùng kinh tế là quyết định” thành ra “kinh tế là yếu tố duy nhất quyết định”. Engels viết: “Marx và tôi cũng có chịu trách nhiệm một phần về việc những anh em trẻ đôi khi nhấn mạnh quá mức vào mặt kinh tế. Đối với kẻ thù, chúng tôi phải nhấn mạnh cái nguyên lý chủ yếu mà họ phủ nhận, và chúng tôi cũng ít khi có thì giờ, có chỗ và cơ hội, để làm cho những nhân tố khác tham gia vào sự tác động lẫn nhau, có được địa vị đúng của chúng. Nhưng khi phải trình bày một thời kỳ lịch sử, nghĩa là khi áp dụng lý luận vào thực tế, thì lại là một vấn đề khác và ở đây không thể có một sự sai lầm nào được”10. Có lẽ, nên hiểu Ngô Đức Kế, Huỳnh Thúc Kháng trong cuộc tranh luận mượn Kiều theo tinh thần này của Engels và nên áp dụng điều Engels nói khi xem xét trường hợp này. Và từ góc độ này cũng có thể thấy Phan Khôi đã có một cách nhìn mác-xít, ít nhất là trong cuộc tranh luận về Truyện Kiều đang nói đây. Đúng hơn thì đây là bước chuyển của ông từ luận lý học (logique) sang biện chứng học (dialectique) trong quá trình học hỏi và vận dụng các phương pháp khoa học của phương Tây mà ông rất nhiệt thành, say mê, và tin tưởng. Nhưng đó lại là một đề tài khác, “Phan Khôi và cô Logique”, có nhiều thú vị sẽ bàn sau.

Còn bây giờ, tôi tin, ở thế giới bên kia, hẳn là tất cả các ông Phan, Trần, Ngô, Huỳnh, Phạm đều đã gặp cụ Nguyễn và cùng nhau ngâm nga những câu Kiều, thương cho cô Kiều và khen cho tiếng Việt.

P.X.N
(TCSH327/05-2016)

...................................................
1. Ngô Đức Kế, “Luận về chánh học cùng tà thuyết - quốc văn, Kim Vân Kiều, Nguyễn Du”, Hữu Thanh, số 21 (1/9/1924). Dẫn theo. Tuyển tập phê bình văn học Việt Nam, tập 1, Nguyễn Ngọc Thiện (chủ biên), Nxb. Văn học, H. 1997, tr. 364-372.

2. Phạm Quỳnh, “Bài diễn thuyết bằng quốc văn”, Nam Phong, số 86 (8/1924). Dẫn theo. Tuyển tập phê bình văn học Việt Nam, tập 1, Nguyễn Ngọc Thiện (chủ biên), Nxb. Văn học, 1997, tr. 270-277.

3. Phan Khôi, “Cảnh cáo các nhà “học phiệt”, Phụ Nữ Tân Văn, số 62 (24/7/1930). Dẫn theo. Phan Khôi. Tác phẩm đăng báo 1930, Lại Nguyên Ân sưu tầm, biên soạn, Nxb. Hội Nhà văn & Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, H. 2006, tr. 202-212.

4. Phạm Quỳnh, “Trả lời bài “Cảnh cáo các nhà học phiệt” của Phan Khôi tiên sanh”, Phụ Nữ Tân Văn, số 67 (28/8/1930). Dẫn theo. Phan Khôi. Tác phẩm đăng báo 1930, Lại Nguyên Ân sưu tầm, biên soạn, Nxb. Hội Nhà văn & Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, H. 2006, tr. 906-912.

5. Huỳnh Thúc Kháng, “Chánh học cùng tà thuyết có phải là vấn đề quan hệ chung không? (Chiêu tuyết những lời bài báng cho một chí sĩ mới qua đời)”, Tiếng Dân, số 317 (17/9/1930). Dẫn theo. Phan Khôi. Tác phẩm đăng báo 1930, Lại Nguyên Ân sưu tầm, biên soạn, Nxb Hội Nhà văn & Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, H. 2006, tr. 913-917.

6. Phan Khôi, “Đọc bài “Chiêu tuyết cho một nhà chí sĩ” của ông Huỳnh Thúc Kháng”, Trung Lập, số 6266, 6267, 6268 (10/1930). Dẫn theo. Phan Khôi. Tác phẩm đăng báo 1930, Lại Nguyên Ân sưu tầm, biên soạn, Nxb. Hội Nhà văn & Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, H. 2006, tr. 418-428.

7. Huỳnh Thúc Kháng, “Biện chánh lại mấy lời phê bình của ông Phan Khôi”, Trung Lập, số 6284 (28/10/1930), số 6285 (29/10/1930), số 6289 (4/11/1930), số 6291 (6/11/1930). Dẫn theo. Phan Khôi. Tác phẩm đăng báo 1930, Lại Nguyên Ân sưu tầm, biên soạn, Nxb. Hội Nhà văn & Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, H. 2006, tr. 968-979.

8. Một điều thú vị là Phan Khôi còn bảo vệ cho Nguyễn Du ở một trường hợp ngoài đời. Vốn là ở Hà Nội những năm 1930 chẳng hiểu sao “người ta lại chơi ác” đem tên tác giả Truyện Kiều đặt cho một ngõ hẻm có nhiều ma cô, gái điếm, lại “đường hẹp lé mà cong quẹo, tối tối, người ta hay lẩn lút ở đó mà tiểu tiện hóa nên khai thúi vô cùng”. Phan Khôi xót xa tập Kiều “Tuồng chi cái ngõ hôi tanh/ Tên ngàn thu để ô cái danh ông Tiên Điền” và kêu lên với hội đồng thành phố Hà Nội rằng “Con đường nầy rút tên ra/ Con đường khác sẽ lựa mà đặt tên”. Bài học này còn thời sự cả đến hôm nay. (Dẫn theo. Phan Khôi. Tác phẩm đăng báo 1930, Lại Nguyên Ân sưu tầm, biên soạn, Nxb. Hội Nhà văn & Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây, H. 2006, tr. 749.)

9. “Thiết tưởng nói điều phải có nhiều cách nói, nếu mình lấy cái thái độ thanh nhã ôn hòa mà nói, thì ai chẳng muốn nghe. Phàm khi đã bàn đến những điều nghĩa lý, thì ta phải lấy cái nghĩa công chính mà nói chớ không nên để ý vào sự cầu thắng. Vì đã có cái ý cầu thắng, thì tất là động khí, mà đã động khí thì còn bàn thế nào được cái trung chánh của đạo lý nữa?”. Trần Trọng Kim, “Mời Phan Khôi tiên sanh trở về nhà học của ta mà nói chuyện”, Phụ Nữ Tân Văn, số 71 (25/9/1930), số 72 (2/10/1930), số 74 (16/10/1930). Dẫn theo. Phan Khôi. Tác phẩm đăng báo 1930, Lại Nguyên Ân sưu tầm, biên soạn, Nxb. Hội Nhà văn & Trung tâm Văn hóa Ngôn ngữ Đông Tây” H. 2006, tr. 917-944.

10. K. Marx, F. Engels, V. Lenin, Về văn học và nghệ thuật, Nxb. Sự Thật, H. 1977, tr. 102-103.
  
(Nguồn : tapchisonghuong.com.vn)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét