Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Năm, 17 tháng 7, 2014

Những hình ảnh thân thương của cố Lm Giuse Nguyễn Thanh Liên, Lm Giáo phận Kontum



Những hình ảnh thân thương của
cố Lm Giuse Nguyễn Thanh Liên, Lm Giáo phận Kontum 

Theo Thông Báo của Văn Phòng TGM Kontum, Giáo phận Kontum tổ chức Lễ Giỗ 3 năm của Cha cố Giuse Nguyễn Thanh Liên, nguyên Tổng Đại Diện Gp Kontum và Rước Hài Cốt Cha Cố Phaolô Lê Quang Trinh từ Nha Trang về Giáo Phận Kontum.

CHƯƠNG TRÌNH NHƯ SAU:
* Thứ Tư, ngày 23.7.2014: 
Đi Nha Trang. Đoàn của Giáo Phận gồm có: Cha TĐD Phêrô Nguyễn Vân Đông cùng 1 số linh mục, cựu chủng sinh quen biết và học trò của Cha Cố Phaolô.
* Thứ Năm, ngày 24.7.2014:
- 04giờ45: Tại Nhà Thờ Thanh Hải, Nha Trang: Thánh Lễ cầu nguyện cho Cha Cố Phaolô và giỗ 3 năm Cha TĐD Giuse, với sự hiện diện của các CVK sống tại Nha Trang.
- 16giờ30: Thánh lễ đồng tế tại Nhà Nguyện Chủng Viện Thừa Sai Kontum (146 Trần Hưng Đạo, Kontum): Giỗ 3 năm Cha TĐD Giuse, cầu nguyện cho Cha Cố Phaolô.

  Sau Thánh Lễ có nghi thức đặt hài cốt Cha Cố Phaolô Lê Quang Trinh vào nơi an nghỉ cùng với các Giám Mục và linh mục Tiền Bối.(Theo http://gpkontum.wordpress.com/).

Kontumquehuongtoi xin ghi lại vài nét Tiểu sử và cuộc đời của Cha cố Giuse Nguyễn Thanh Liên, cũng như một số hình ảnh thân thương của Ngài lúc còn trẻ, khi đang làm việc cũng như lúc mang trọng bệnh. Xin mời bấm Play:


Hình ảnh: từ Facebook Huong Nguyen
Thực hiện Slide: LMS


Cha Giuse Nguyễn Thanh Liên và Đức Cha Alexis Phạm Văn Lộc
dịp lễ Bạc 25 năm Linh mục 1996


Cha cố Giuse Nguyễn Thanh Liên

Cha cố Giuse Nguyễn Thanh Liên
(Sinh: 1943 - Lm: 1971 - Qđ: 24/07/2011)

Cha Giuse Nguyễn Thanh Liên sinh ngày 11.02.1943, tại Quế Võ,thuộc Gx. Xuân Hòa, Gp. Bắc Ninh. 
-1955-1958: Học Tiểu CV Thừa Sai Kontum.
-1959-1963: Học Tiểu CV Pi-ô XII, Hà Nội.
-1963-1967: Học Phân Khoa Triết học Kinh viện tại Giáo Hoàng Học Viện Pi-ô X, Đà Lạt.
-1967-1968: Đi thực tế tại trường Hưng Đức, Ban Mê Thuột.
-1968-1972: Học Phân khoa Thần học tại Giáo Hoàng Học Viện Pi-ô X, Đà Lạt
-18/12/1971 : Thụ phong linh mục, tại An Bình, Bàu Cá, Thống Nhất, Đồng Nai.
-1972-1975: Dạy học tại Chủng Viện Kontum, Dòng Chúa Cứu Thế Đà Lạt.
-1975-1978: Phụ trách trường Cuénot, Kontum.
-1978-15/04/2004: Chánh xứ Chính Tòa, kiêm nhiệm các xứ họ Hà Đông, Hà Tây, Ngọc Hồi, Đăk Tô, Đăk Glei.
-1997-1998: Bồi dưỡng Thần Học tại Institut Catholique, Paris.
-11/11/2003: Được bổ nhiệm làm Tổng Đại diện Giáo phận Kontum.
-01/06/2006: Chánh xứ Đăk Mót, cùng các xứ họ Dân tộc và Kinh thuộc huyện Ngọc Hồi và Đăk Glei, Kontum. 
Sau thời gian bệnh nặng, Cha đã an nghỉ trong Chúa lúc 7 giờ 15, Chúa Nhật 24 tháng 07 năm 2011. Hưởng thọ 68 tuổi, với 40 năm linh mục.
Thánh lễ An táng vào lúc 06 giờ 00, thứ Ba 26.07.2011, tại Nhà thờ Chính Tòa Kontum.
Cha Giuse Nguyễn Thanh Liên được an táng tại Nghĩa Trang giáo xứ Phương Quý, Kontum.
Để hiểu rõ hơn cuộc đời linh mục tận hiến của cha Tổng đại diện Giuse Nguyễn Thanh Liên, xin được ghi lại nguyên văn bài chia sẻ của Đức cha Micae Hoàng Đức Oanh, giám mục giáo phận Kontum, trong thánh lễ giỗ giáp 2 năm của cha Tổng Giuse tại Nhà thờ Chính tòa Kontum, thứ Tư ngày 24/07/2013:
“Anh chị em rất thân mến,
…Qua phần chia sẻ hôm nay, tôi muốn cùng với anh chị em nhìn vào cuộc đời của ngài một tí. Để tưởng nhớ tới ngài, và ta tự hỏi tưởng nhớ tới cha Giuse Nguyễn Thanh Liên cách nào là tốt đẹp nhất, hữu hiệu nhất, cụ thể nhất?
Thường khi nói đến người chết thì tôi vẫn e ngại, e ngại là ở chỗ này: là tất cả đều là hồng ân của Chúa ban. Nhiều khi chúng ta nói đến người qua đi như thể không có Thiên Chúa vậy, chỉ thấy người đó mà thôi. Ngược lại với tôi, khi nói tới cha Giuse Nguyễn Thanh Liên, tôi lại tưởng nhớ tới một người khác: là chính Đức Giêsu.
Tôi cùng học với ngài ở Chủng viện Piô XII ở Chợ Lớn, Sài Gòn. Rồi lên Đại Chủng viện - Giáo Hoàng Học viện, tôi cũng cùng học với ngài. Rồi khi làm linh mục, tôi cũng làm việc với ngài. Và đặc biệt trong 8 năm với tư cách Tổng Đại Diện, tôi hiểu rõ ngài hơn.
Hình ảnh của cha Giuse Nguyễn Thanh Liên – một con người đơn sơ, chân thành. Đó là hình ảnh đầu tiên mà tôi thấy nơi ngài. Đơn sơ, chân thành! Hình như ngài nhìn thấy mọi người như thể là chính hiện thân của Chúa Giêsu vậy. Và vì thế mà trong cách tiếp cận với hết mọi người không trừ một ai, ngài vẫn tiếp cận với lòng chân thành, quí mến. Tôi chưa một lần nghe, ngay cả các cán bộ chê trách ngài. Ngược lại, tôi toàn nghe thấy những anh em đều khen ngài. Bởi ngài sống rất thật với mọi người. Ngài sống một đời sống chân thành với từng người và tất cả. Ngài tôn trọng hết mọi người, từ cách ứng xử đến cách ăn nói, từ cách tiếp cận,  đặc biệt với anh em nghèo, anh em dân tộc. Hình như thỉnh thoảng ngài cũng nổi nóng, nhưng cái nổi nóng của ngài tôi nghĩ là rất bình thường, rất người, rất thật, nó phát xuất từ đáy lòng yêu mến. Bằng chứng ngài không dành gì cho ngài cả. Tất cả của cải của ngài hình như là của chung hết mọi người. Chúng ta hôm nay có điều kiện, phương tiện dễ dãi hơn, rộng rãi hơn, phong phú hơn, đa dạng hơn. Nhưng những năm đầu thời bao cấp, khó lắm. Có chiếc Honda là nhất rồi! Nhưng ngài không dành cho ngài. Ai sử dụng cũng được, lúc nào cũng được, để rồi ngài hy sinh tất cả cho đại cuộc. Còn ngài, ngài dùng bất cứ phương tiện nào bù vào đó.
Thứ hai, là ngài hết lòng với Giáo Hội, với Giáo Phận. Ngài yêu Giáo Phận, ngài yêu Giáo Hội. Trước hết, trong đời sống của ngài cũng như trong suy nghĩ của ngài, ngài luôn luôn nghĩ làm cách nào để Giáo Hội Chúa được tôn vinh. Tất cả cho công cuộc phục vụ dân thánh của Chúa. Hôm nay chúng ta hình dung ra một con người sẵn sàng hy sinh, quên ăn, quên ngủ để đi khắp mọi nơi. Những chỗ nào nóng bỏng nhất, chỗ nào khó khăn nhất, nhờ tới ngài, ngài không từ nan. Tôi có nhiều kỷ niệm về cách ứng xử của ngài. Tôi nhớ kỹ khi tôi được làm giám mục, ngài đang làm cha sở Chính tòa này. Tôi cũng đắn đo, đáng lẽ ngài tiếp tục ở đây. Nhưng khi tôi gợi ý ngài làm cha sở Dak Mot, tôi thấy ngài không có một phản ứng nào trái lại, ngài không hề thắc mắc, ngài không hề xin để suy nghĩ. Vui vẻ nhận liền. Theo nguyên tắc bình thường làm Tổng Đại Diện thì ở gần Giám mục, ở cạnh Giám mục. Bởi vì Tổng đại diện và Giám mục là một. Nhưng bởi vì tình hình ở miền Bắc Kontum sau ba mươi mấy năm không linh mục, không nhà thờ, không tu sĩ, không phụng vụ. Tôi thấy vai trò của ngài rất cần thiết, bởi vì ngài có cách tiếp cận rất người. Cho nên tôi đã nhờ ngài lên Dak Mot. Và anh chị em hình dung lại, khi nhà nước đã mở cửa cho một chút, tôi nói một chút thôi, một mình ngài ở trên đó, thay cho cả 7, 8, 10 linh mục hôm nay. Với phương tiện rất hạn hẹp, với hệ thống giao thông hãy còn hạn chế, rồi thêm với chức Tổng Đại Diện nữa. Ngài vui vẻ lãnh nhận và đi lên đi xuống liên tục liên tục. Không một lời than trách, không một lời than van. Rất vui vẻ.  Một hình ảnh của cha Tổng Đại Diện Nguyễn Thanh Liên, đối với tôi hình như, hình như và chắc là tôi không lầm, chưa một lần tôi nghe ngài than van và khó khăn, hình như khó khăn với ngài là chuyện nhỏ, thiếu thốn với ngài là chuyện không cần nói tới, ngay cả khi ngài nằm bệnh viện, ngài cũng không hề hé mở than van. Hình ảnh của một linh mục hoàn toàn gắn bó với Địa phận, với Giáo Hội với Giáo phận rất nổi bật nơi cha Giuse Nguyễn Thanh Liên.
Điểm thứ ba tôi có thể nói với anh chị em: ngài rất yêu mến anh chị em dân tộc, cách đặc biệt. Hình như có lần tôi cũng thử, hay đúng hơn ngỏ ý với ngài, ngài có thể đảm nhiệm một xứ người Kinh, thì ngài nói với tôi rằng, cái đó tùy Đức cha nhưng mà con nghĩ rằng con ở với anh em dân tộc thì thích hợp hơn. Ngài yêu mến anh em dân tộc hết lòng. Chính cuộc sống đơn sơ khó nghèo của ngài nói lên rõ cái lòng yêu mến của ngài đối với anh chị em dân tộc. Chắc anh chị em, nhiều anh chị em trong thánh lễ hôm nay đang ngồi đây có kinh nghiệm với ngài, kể cả những lần có thể ngài nổi nóng, tôi giả thiết có thể có những lần ngài la mắng, tôi nghĩ tất cả phát xuất từ lòng yêu mến. Như Chúa Giêsu đã từng có lần, không phải một mà nhiều lần la mắng các tông đồ, và đặc biệt với Phêrô, Chúa Giêsu yêu mến đặc biệt nhưng có lẽ Chúa cũng nặng lời với Phêrô. Có lần Chúa gọi Phêrô là Satan, xéo ra khỏi phía sau, ý tưởng của con không phải ý tưởng của Thiên Chúa! Nếu cha Tổng có lúc nào la mắng một anh chị em dân tộc nào, tôi nghĩ cũng là cái la mắng thánh thiện của Chúa Giêsu, ngài rất yêu thương anh chị em. Và vì thế không quản ngại khó khăn ở đâu, tôi nhờ ngài, ngài vui vẻ, ngài đi gỡ được hết. Anh chị em nhớ tôi chỉ ở Kontum có 8 tháng, năm 1971-1972: 22/08/1971 tôi về Chủng viện, rồi 22/04/1972 thời gian đó tôi đi dạy ở Đà Lạt, rồi sau 2003 tôi về đây, tôi không biết địa bàn trên này, cho nên tất cả nhờ ngài. Ngài vui vẻ, không từ nan một lần nào. Một trong mối bận tâm của ngài ở cuối đời là anh chị em Hàmong. Ngài rất thương. Ngài rất thương. Lòng yêu mến của ngài, để thể hiện lòng yêu mến của ngài đối với anh em dân tộc đặc biệt tôi đã gói ghém ở chiếc quan tài dành cho ngài. Anh chị em biết, khi lễ An táng ngài, thấy anh chị em vất vả di chuyển áo quan của ngài, để nói lên những vất vả ngài dành cho anh chị em dân tộc. Ngài nằm trong áo quan của một thân cây, để nhắc tới ngài nằm giữa anh chị em. Hôm nay chúng ta nhớ tới ngài, tôi nghĩ nhắc lại một chút hình ảnh của một linh mục sống đơn sơ chân thành với hết mọi người; một linh mục gắn bó với Giáo Phận, với Giáo Hội, với Tin Mừng của Chúa; một linh mục đặc biệt yêu mến anh chị em dân tộc, và với lòng nhiệt thành hăng say ra đi loan báo Tin Mừng. Tôi nghĩ cách tưởng nhớ ngài tốt đẹp nhất, ngoài lời cầu nguyện, là năng suy gẫm gương của ngài. Hãy noi gương bắt chước ngài sống đức tin, yêu thương, phục vụ và chia sẻ Tin Mừng của Chúa cho hết mọi người. Noi gương ngài bằng cách chăm chút đặc biệt tới ơn gọi từ trong gia đình của chúng ta, nhất là anh chị em các dân tộc, để có thêm nhiều ơn gọi linh mục tu sĩ tiếp nối công việc phục vụ của ngài trên cánh đồng truyền giáo mênh mông này. Đó là cách thương nhớ ngài thiết thực nhất, hữu hiệu nhất.  Xin Chúa đón nhận cha Giuse trên Nước Trời, và bầu cử cho chúng ta biết được sống với ngài qua cuộc sống yêu thương phục vụ, đặc biệt có nhiều ơn gọi linh mục tu sĩ từ các gia đình dân tộc của chúng ta, để tiếp nối công cuộc loan báo Tin Mừng, Tin Mừng mà chúng ta trong Năm Đức Tin này đã thường nhắc nhở với nhau... Đây cũng là dịp để chúng ta nhớ lại mỗi người chúng ta trước mặt Chúa, xem đời sống đức tin của chúng ta như thế nào. Có một cách tích cực hơn không, có biết chia sẻ niềm tin này cho những người chung quanh không... Xin cha Giuse được hưởng tôn nhan Chúa   mỗi người chúng ta sống như ngài đã sống, đã truyền đạt cho mọi người chúng ta, và cách riêng cho anh chị em dân tộc trên miền Tây Nguyên này. Amen.”

MINH SƠN
________________
Tham khảo:
-Cáo phó và Tiểu sử Cố linh mục Giuse Nguyễn Thanh Liên, TGM Kontum.
-Trích video Bài giảng của Đức cha Micae Giám mục Gp Kontum trong thánh lễ Giỗ giáp 2 năm ngày qua đời của Cố linh mục Giuse Nguyễn Thanh Liên, tại nhà thờ Chính tòa Kontum ngày 24/07/2013 (www.giaophankontum.com).


Thánh Lễ An Tang Cha cố Giuse Liên
tại Nhà thờ Chính tòa Kontum lúc 06giờ ngày 26/07/2011

Nơi an nghỉ cuối cùng tại Nghĩa trang Gx Phương Quý, Kontum

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét