Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Bảy, 26 tháng 7, 2014

Cộng đồng người Kinh đầu tiên trên đất Kon Tum





Cộng đồng người Kinh đầu tiên trên đất Kon Tum


Cùng với việc tìm đường truyền bá đạo Công giáo lên Tây Nguyên và quá trình đi tìm kế sinh nhai, vùng đất Kon Tum dần hình thành các cộng động người Kinh sống xen kẽ với người dân tộc thiểu số (DTTS). Nguồn gốc hình thành các làng người Kinh từ nhiều nguồn khác nhau.

Nguồn gốc cư dân đầu tiên trong các làng người Kinh ở Kon Tum khá đa dạng: làng hình thành từ người nhà và tín đồ của linh mục người Kinh đem theo giúp việc, sau đó định cư lâu dài ở đây; những người bị bắt làm “nô lệ” trong các làng người DTTS, trở thành “món hàng” buôn bán, được các giáo sĩ chuộc lại, biên chế vào các làng người Kinh đã có hoặc lập ra một làng mới. Một số làng hình thành do quá trình cộng cư từ nhiều nguồn cư dân như số nô lệ được chuộc lại, số di dân từ Bình Định lên Kon Tum trong phong trào Văn Thân (1885); có làng hình thành do tách cư dân của làng cũ để lập làng mới; một số làng thành lập muộn hơn là số di dân từ đồng bằng lên rồi dần dần tụ cư trở thành làng xóm v.v…
Xếp theo niên đại, chúng ta thấy một số làng người Kinh có lịch sử ra đời sớm trên đất Kon Tum sau đây:
Làng Tân Hương (phường Thống nhất, TP. Kon Tum) được hình thành năm 1874. Ban đầu, là những người Kinh quê quán từ Bình Định, theo Linh mục Nguyễn Do lên Kon Tum truyền giáo và số người Kinh được chuộc lại từ các làng người DTTS. Để tiện cho họ sinh hoạt, bằng lập ra một xóm nhỏ gọi là Trại Lý, đến năm 1909 đổi tên là Gò Mít, năm 1926 chính thức lập làng lấy tên là Tân Hương.
Làng Phương Nghĩa (phường Thắng Lợi, TP. Kon Tum), được lập năm 1882. Một số giáo dân từ vùng người Mnông (ĐăkLăk cũ) theo các nhà truyền giáo về Kon Tum lập nên làng Phương Nghĩa, sau đó tiếp nhận thêm giáo dân từ đồng bằng lên dần hình thành làng Công giáo người Kinh, sau này trở thành một giáo xứ.
Làng Ngô Trang (nay là xã Đăk La, huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) được lập năm 1885. Cư dân làng này gốc vùng Hà Đông (nay thuộc thành phố Tam Kỳ và huyện Núi Thành (Quảng Nam) bị bắt bán trong các làng người DTTS Kon Tum, được  các giáo sĩ chuộc về lập một làng nhỏ (khoảng 80 người), cùng với số giáo dân từ Bình Định lên, nhập vào thành làng Ngô Trang.
Làng Phương Quý (nay là xã Vinh Quang, TP. Kon Tum) hình thành năm 1887. Cư dân ở đây là những người bị bắt có nguồn gốc từ Quảng Nam và các cố đạo cho người về Quảng Nam chiêu mộ thêm người lên lập ra làng Phương Quý. Năm 1933, dân số của làng đã là 400 người.
Làng Phương Hoà (nay là xã Đoàn Kết, TP. Kon Tum) được lập năm 1892. Cư dân của làng vốn là người của Trại Lý (Tân Hương) vượt sông Đăk Bla qua làm ruộng nước vì đất đai ở đây màu mỡ, dễ khai phá. Đến năm 1933, dân số của làng tăng lên hơn 300 người, trở thành điểm quy tụ cư dân nhiều nơi đến sinh sống.
Làng Ngô Thạnh (nay là xã Hòa Bình, TP. Kon Tum) lập năm 1925, ban đầu gọi là Tân Thạnh, sau đổi thành Ngô Thạnh. Khởi nguyên chỉ có một số người giúp việc cho Linh mục Kemlin Văn ra làm nhà ở gần một làng người Giarai. Sau đó, thêm nhiều người gia nhập, nhân khẩu tăng lên và lập ra một thôn từ năm 1925. Làng Phước Cần, từ năm 1922 đã có người Kinh từ đồng bằng lên sinh sống, lập nên ấp Tân Phước, đến đầu năm 1929 mới thành lập một làng nhỏ tên là Phước Cần. Đến năm 1934, lập thêm làng Hà Mòn (xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà).
Ngoài các làng giáo nêu trên, ở Kon Tum có 2 làng người Kinh không theo đạo Công giáo là làng Trung Lương (lập năm 1924) và làng Lương Khê (lập năm 1927).
Khi người Kinh lên vùng đất mới Kon Tum, họ sống tụ cư thành một xóm, rồi thành lập nên một làng. Họ mang theo văn hoá từ đồng bằng lên Tây Nguyên trong cách tổ chức xóm làng, sinh hoạt kinh tế và văn hoá. Đồng thời, họ cũng tiếp thu những yếu tố mới của nơi đến, tạo ra những nét văn hoá đặc trưng riêng.
Về tổ chức xóm làng, bên cạnh hệ thống hương chức như ở đồng bằng, các làng người Kinh ở Kon Tum còn có thêm những chức vị mới như Chủ mộ là người mộ dân lập làng; Chủ tạo là người coi sóc việc làm đình chùa; Chủ khẩn là người coi việc khai khẩn ruộng đất; Thủ sắc là người giữ sắc thần; Phụng tế là người Chánh tế của làng; Chủ bái là người xem việc tế tự trong một xóm.
Về tổ chức đời sống kinh tế, buổi đầu các làng người Kinh thường định cư ở những vùng có điều kiện làm lúa nước. Do ruộng đất tốt không cần bón phân nên người dân chỉ cần làm một vụ là đủ lúa ăn cả năm. Theo số liệu ghi chép của một số tài liệu đầu thế kỷ XX,  ruộng xấu nhất, một thúng giống khi gặt cũng 25 thúng lúa. Chỗ tốt, năm thứ nhất, không phân tro gì, cũng được 75-80 thúng.
Ngoài làm ruộng, người Kinh ở Kon Tum còn làm nhiều nghề khác có nguồn gốc từ quê cũ như nghề mộc, nghề đánh cá, nghề giết mổ gia súc, nghề nấu rượu… Trong các nghề, thì nghề trao đổi hàng hoá với các DTTS địa phương, quen gọi là “nghề buôn Mọi” là nghề phát đạt nhất. Cách thức trao đổi phổ biến là các nhà buôn mang hàng hóa vào từng làng để mua bán trực tiếp, mua các sản phẩm của dân các làng sản xuất hoặc khai thác trong rừng để đổi lấy hàng hóa mang từ miền xuôi lên. Về sau, các chợ phiên được hình thành làm nơi buôn bán giữa người Kinh với người DTTS bản địa. Đến năm 1935, ở TP. Kon Tum có 6 chợ phiên được hình thành nhằm đáp ứng nhu cầu trao đổi và giao lưu giữa người bản xứ với người Kinh mới đến sau.
Do khí hậu khắc nghiệt của vùng đất mới nên nhà cửa của người Kinh ở Kon Tum trước đây chủ yếu được làm bằng tranh, tre, gỗ, tường làm bằng đất sét trộn với rơm rất chắc và điều hoà được độ chênh lớn nhiệt độ trong ngày (khoảng 8-9 độ). Vì giao thông khó khăn nên trong khẩu phần ăn của người Kinh ở Kon Tum lúc đó thịt nhiều hơn cá. Cách ăn mặc, đi lại, giao tiếp, giọng nói…vẫn giữ nguyên như nơi họ ra đi.  
Tuy nhiên, trong quá trình sinh sống đã diễn ra sự giao lưu văn hoá tự nhiên giữa cộng đồng người Kinh mới đến với các cư dân địa phương. Nhiều người địa  phương đã học cách làm ruộng nước của người Kinh, ngược lại nhiều người Kinh bỏ gánh chuyển sang mang gùi, bỏ bế con bên hông mà địu con sau lưng... Sự giao lưu văn hóa giữa những cư dân mới đến với cư dân tại chỗ trong sản xuất cũng như trong đời sống qua thời gian càng trở nên khắn khít và bền chặt. Hai ông Nguyễn Kinh Chi và Nguyễn Đổng Chi, có mặt tại Kon Tum đầu những năm 30 của thế kỷ XX đã nhận xét trong tác phẩm viết về dân tộc Ba Na Kon Tum rằng: Kể từ ngày người Kinh lên rồi tập rèn cày bừa cho người DTTS thì hiện nay ở chung quanh thành phố Kon Tum, họ bỏ lối đâm lỗ ngày xưa cho tiện. Mỗi năm đến mùa làm ruộng, thấy nào người Kinh, nào người DTTS cày bừa đầy cả đồng. Những tiếng tá ví, người DTTS  cũng quen dùng hai tiếng ấy - nghe vang động thật là vui vẻ (trích trong tác phẩm "Mọi Kon Tum" của 2 tác giả trên- người viết có chuyển ngữ một số từ cho hợp với văn phong ngày nay trong đoạn trích). Các làng người Kinh là những “điểm sáng” trong tổ chức sản xuất nông nghiệp. Kỹ thuật canh tác được họ mang từ đồng bằng lên áp dụng trên vùng đất Kon Tum hoàn toàn mới so với phương thức canh tác “phát - đốt - chọt - tỉa” truyền thống của đồng bào DTTS. Lần đầu tiên, người DTTS nhận thấy việc dùng trâu bò cày kéo, dùng bón phân, trồng cây lúa nước hiệu quả hơn với canh tác lúa rẫy. Năng suất và tính ổn định của việc canh tác lúa ruộng đã thuyết phục được dân làng mạnh dạn bỏ qua những cấm kỵ trong các công đoạn trong sản xuất và bắt đầu canh tác ruộng nước ở những nơi có điều kiện về đất đai. Một phương thức mới trong sản xuất nông nghiệp được bà con các DTTS chấp nhận.
Sau này, do nhiều yếu tố tác động, quá trình di dân của người Kinh lên Tây Nguyên sinh sống ngày nhiều hơn. Do vậy, sự giao lưu, tác động qua lại giữa cộng đồng các dân tộc tại chỗ và cộng đồng người Kinh mới đến diễn ra mạnh mẽ hơn, tạo nên mối quan hệ gắn kết bền chặt và được thử thách qua vận mệnh chung của đất nước trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm, cũng sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay ./.
Đặng Luận
(Nguồn: http://bandantoc.kontum.gov.vn/)


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét