Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Chủ Nhật, 27 tháng 5, 2012

Tín ngưỡng dân gian trong chiếc ghè cổ của các dân tộc thiểu số Kon Tum






Trong những lễ hội của người dân tộc thiểu số, nét đặc trưng và phổ biến đó là luôn hiện hữu hình ảnh của ché rượu cần, còn gọi là rượu ghè (jrăm). Nó không chỉ là loại đồ uống thuần túy trong các cuộc vui mà còn ẩn chứa nhiều tín ngưỡng tâm linh trong mỗi tộc người bản địa, ở đây chúng ta nói đến các loại ghè dùng để ủ rượu mà theo người dân tộc thiểu số Tây Nguyên nói chung và đồng bào 6 dân tộc thiểu số Kon Tum nói riêng nó mang một ý nghĩa quan trọng nhất định.

Trước tiên phải tìm hiểu về nguồn gốc, xuất xứ của những chiếc ghè rượu, ngày nay nếu cần ta có thể dễ dàng mua một chiếc ghè gốm bất cứ ở đâu ngoài thị trường có rất nhiều kích cỡ khác nhau để lựa chọn. Tuy nhiên những chiếc ghè cổ của người dân tộc thiểu số lại là một chuyện khác, nó tiềm ẩn giá trị tinh thần rất riêng biệt trong mỗi cộng đồng dân tộc, họ phải mất hàng chục con trâu để đổi lấy chúng từ những thương buôn vùng Châu thổ Miền Trung và cả Miền Nam từ những thế kỷ trước.
 
Cách đây hàng trăm năm khi vùng rừng núi Tây Nguyên đang còn hoang sơ, người dân tộc thiểu số đa phần sống bằng nghề săn bắt hái lượm, sinh hoạt bằng những gì sẵn có trong tự nhiên, rượu họ tự chế ra một loại men từ rễ một loại cây dạng dây leo (Rĩ Blô) được đào trong rừng, dùng củ mì để ủ nhưng lại không làm ra được dụng cụ để lưu giữ lâu dài, chỉ đơn giản là những cái nồi đất thô tự nung hoặc bằng ống thân cây lồ ô, việc bảo quản rất khó khăn nhưng lại đựng được quá ít. Tìm hiểu tâm lý và hoàn cảnh đó, những thương buôn miền xuôi người Kinh (cụ thể thời kỳ bấy giờ đa số ghè gốm được vận chuyển từ vùng Châu Ổ, Mỹ Thiện của Quảng Ngãi và gốm Quảng Đức khu vực Phú Yên xưa, một số ít là ghè sành Bình Định, sau này vì đường sá đi lại khó khăn, gốm Miền Trung ít dần, các già làng lại chuyển qua trao đổi với thương buôn vùng Lái Thiêu, Nam Bộ từ phía Nam), họ đã vận chuyển một số đồ gốm lên Tây Nguyên, đem trâu bò về xuôi để cày ruộng, ngược lại người dân bản địa có những dụng cụ hằng mơ ước đựng được mọi thứ, vừa để ủ rượu, đựng thịt rừng vừa là vật sang trọng cúng thần linh (Yàng) trong các lễ hội... 
 
 
Qua thời gian những chiếc ghè được cải biến thêm theo yêu cầu đặt hàng của người dùng mà ở đây chủ yếu là các già làng và các tộc trưởng giàu có, từ đó ghè trở thành một thứ vô cùng quý giá đối với người dân Tây Nguyên, nó trở thành một vật linh thiêng trong các lễ hội, là phần thưởng quý giá cho những ai săn được nhiều con thú nhất, người cao quý được uống rượu trong những chiếc ghè đẹp nhất, những gia đình nào lưu trữ được nhiều ghè trong nhà càng thể hiện được sự sung túc, sức mạnh của dòng tộc và là vật níu kéo được thần linh lâu hơn trong nhà mình, bảo vệ mình trải qua được sự khắc nghiệt của thiên nhiên. Người nghèo có ít trâu bò chỉ đổi được những cái ghè sành thông thường, còn gia đình khá giả lại có những chiếc ghè tráng men đủ màu sắc, có hoa văn cây cỏ, có hình tượng đặc trưng theo ý muốn. Giống như một nghệ nhân thổi hồn vào một tác phẩm nghệ thuật nào đó, cái ghè cũng như vậy, đối với người dân tộc thiểu số nó là biểu tượng của sự mạnh mẽ, nó làm cho con người “say” trong mỗi cuộc vui, làm vơi đi nỗi buồn, bớt đi sự nhọc nhằn trong cuộc sống..., chiếc ghè trở thành một vật quan trọng tột bậc. Khi ai đó đã sở hữu được những vật dụng quan trọng như vậy, những người khá giả từ những làng xa xôi hẻo lánh muốn sở hữu được nó họ lại đem những tài sản quý giá khác tìm cách để đổi lấy, từ đó giá trị của chiếc ghè càng tăng lên gấp bội, bởi vậy có những chiếc ghè người ta có thể đổi ngang từ 50 đến 60 con trâu là điều dễ hiểu.
 
 
Khi xã hội làng bản phát triển dần lên, người người dân tộc thiểu số bắt đầu phân loại cho ghè để dùng vào nhiều mục đích khác nhau, họ lựa chọn và đặt tên cho từng chiếc ghè. Những chiếc ghè cúng thần linh là những ghè quý hiếm, thường có hình tượng của con giao long, con hạc đắp nổi hay hình tượng chim muông cây lá trên thân hoặc hình hổ phù ở tai, ghè này người Ba Na thường gọi là Rănglau, ghè Runh hay ghè Chơ Brông...Người Xơ Đăng gọi là K’reng, K’loang, K’năng hoặc Xoantroeng. Loại ghè này người đồng bào xem như là “thần thánh”, có một truyền thuyết trong cộng đồng người dân tộc thiểu số Kon Tum rằng, trong một lần hỏa hoạn lớn, cả buôn làng đều bị thiêu rụi, riêng chiếc ghè rượu (K’năng) tự chui ra ngoài mà không bị lửa đốt... (ghè loại này đa phần là gốm Lái Thiêu vùng Nam Bộ xưa, chiều cao thường 50-60cm, đường kính bụng khoảng 35-45cm, có nhiều hoa văn đa dạng, lớp men được cải biến sặc sỡ hơn gốm Châu Ổ và gốm Quảng Đức).
 
Quan niệm rằng kính dâng lên Giàng những chiếc ghè đặc biệt như vậy, Giàng sẽ phù hộ cho mùa màng tươi tốt, mưa thuận gió hòa, tránh được thú dữ đến phá làng bản. Ghè rượu uống mừng trong những dịp hội làng thường rất lớn, cao 60-70cm, đường kính bụng thường 50-55cm, riêng ghè uống cho những gia đình mới, các dịp năm mới hay trong làng có sự kiện mới, uống như để tạ ơn thần linh (et Hơ’tok) họ có loại ghèHơ’tok, một loại ghè quý hiếm rất ít hoa văn và bất cứ ai cũng có thể uống như là để thể hiện lòng biết ơn của mình. Có một chi tiết khá thú vị đó là đa số chiếc ghè dùng để ủ rượu thường được trang trí bằng nhiều chấm bi đắp nổi như những chuỗi hạt kết thành nhiều tầng, tưởng vô tình nhưng thực chất đã được sắp đặt do yêu cầu đặt hàng của người xưa thể hiện một sự đoàn kết trong cộng đồng, mỗi chấm bi tượng trưng cho mỗi cá thể đang quây quần bên nhau, xếp thành nhiều lớp có ý nghĩa tiếp nối, cuộc vui sẽ luôn bất tận...
 
Vào những dịp trai làng săn được những con thú trong rừng trở về, họ quây quần bên bếp lửa và được thưởng thức “cang” rượu trong chiếc ghè có tai đắp hình những con thú rừng như chuột, sóc, ếch hay con kỳ nhông.. rất sống động (ghè Xoan K’nai hay Tơngong K’rê của Xơ Đăng, loại này có nguồn gốc thuộc gốm Quảng Đức và một số là gốm Châu Ổ), theo phong tục ngày trước cho rằng khi được uống những “cang”rượu trong chiếc ghè này họ sẽ có được sự nhanh nhẹn dẻo dai hơn trong lần kế tiếp. Một loại ghè khác thường được đem theo trong những buổi đi săn thú lớn (ghè Hakeng), kích thước nhỏ gọn, chỉ cao 22cm, để vừa trong một chiếc gùi nhỏ. Ghè này rất đặc biệt ở chỗ chỉ uống tượng trưng khi đã săn được một con thú dữ trong rừng, nó mang đậm nét tâm linh trong suy nghĩ của mỗi thợ săn chuyên nghiệp, theo họ tất cả muôn thú vạn vật đều là của một vị thần cai quản, bắt được thú chính là được thần linh thương xót phù hộ và ban cho, nên phải có lễ để cảm tạ. 
 
 
Có những cặp ghè gọi là “ghè vợ chồng” thường có một đôi, kiểu dáng, hoa văn giống hệt nhau chỉ khác ở kích thước cao thấp, khi để gần, màu sắc bỗng nhiên thay đổi, lúc cưới (bắt) chồng, cô dâu và chú rể sẽ uống với nhau, mỗi người một ghè, thể hiện sự đẹp đôi và như lời nhắn gửi với gia đình là sẵn sàng sánh vai nhau, hạnh phúc bên nhau dù cho có xảy ra bất cứ hoàn cảnh nào đi chăng nữa.. (phong tục của Xơ Đăng). Hoặc những cặp ghè có đắp nổi hình con thạch sùng, khi để sát lại nhìn như con vật phía sau đang cắn đuôi con trước trông rất độc đáo,...rượu được ủ bằng ghè này thường uống trong các dịp đính ước, một loại ghè nữa cũng có tai đắp hình con thạch sùng nhưng lại đang ưỡn cong lên. Loài côn trùng này rất gần gũi với mọi gia đình, theo tìm hiểu khi đến mùa giao phối, con cái và con đực gặp nhau thường cong thân lên, tượng trưng cho sự sinh sôi nảy nở của giống nòi, uống rượu ở ghè này sẽ có con cháu đầy đàn...
 
 
Một loại ghè được cho là đặc biệt quý đó là “ghè mẹ bồng con” (Pô kuôn pei tơ của Xê Đăng và Van jơ ron kun pul của dân tộc B’râu), ghè này có dáng thon và nhỏ, màu phổ biến nhất là màu da lươn chất liệu gốm nguyên bản đen bóng không tráng men (xuất xứ từ vùng Chămpa xưa, tuy nhiên sau này được nghệ nhân gốm Quảng Đức tái tạo lại, màu sắc và kiểu dáng có thay đổi chút ít), xung quanh vai ghè có đắp tai để gắn ống hút, trang trí các chấm bi và con thạch sùng đắp nổi, thân ghè có các chi tiết khắc hình rồng và đặc biệt có gắn kèm thêm ghè “con” ở trên miệng cao từ 10-15cm được thông với nhau và cũng có hoa văn như ghè “mẹ”, có nhiều kiểu từ “cõng một con” đến “bốn con”. Những ghè “con” gắn liền như một chiếc cốc riêng biệt, thể hiện sự tôn trọng của gia chủ đối với khách, loại rượu được ủ trong chiếc ghè này thường uống trong những buổi trao đổi hàng hóa và dùng như để “ngoại giao” với những nhân vật tiếng tăm và các thủ lĩnh khác trong vùng.
 
Trong mỗi chiếc ghè người dân bản địa ngày xưa, họ thường lấy những hình ảnh gần gũi nhất với đời thường là chim muông, cây lá,.. đưa những gì thấy được vào chiếc ghè quý của mình, làm cho chúng thêm đa dạng và phong phú về thể loại. Sau này sở dĩ có sự phân chia các loại ghè như ghè Xơ Đăng, ghè Ba Na, ghè Giẻ -Triêng... vì chúng được sở hữu, đặt tên và dùng vào mục đích riêng giữa các dân tộc bản địa, tuy nhiên họa tiết cổ xưa trên thân ghè thì gần như nhau và luôn ẩn chứa nhiều điều mà đến ngày nay chúng ta vẫn còn phải nghiên cứu.
 
 
Trong đời sống hàng ngày của đồng bào dân tộc thiểu số, hầu như gia đình nào cũng làm rượu, những chiếc ghè đều có chủ riêng biệt, nhưng khi uống thì lại không của riêng ai, họ có thể uống bất kỳ lúc nào, già trẻ trai gái đều biết uống rượu cần. Trong một lễ hội truyền thống thông thường, những ghè rượu được phân loại khá cụ thể, ghè dành cho người già (xik kră pơlei) được lựa chọn rất kỹ từ ghè quý hiếm cho đến chất lượng của rượu, những thanh niên (15 tuổi trở lên) được uống một loạt ghè riêng (xik de adruh tơdăm pơlei), ghè này thân cao hơn chứa được nhiều rượu, đường kính bụng ghè nhỏ chỉ khoảng 35-40cm thể hiện sự cường tráng, sức mạnh của tuổi trẻ, sau đó đến ghè dành cho người nhỏ hơn (từ 15 tuổi trở xuống) và con cháu phục vụ trong lễ hội (xik de aioh pơlei), loại này nhỏ, có ghè chỉ cao khoảng 40cm, những chiếc ghè này chủ yếu mang tính chất tượng trưng chứ không uống, nó chứa đựng những ước vọng của gia đình dòng tộc dành cho thế hệ sau của mình... Tất cả những chiếc ghè được dùng để ủ rượu (Jrăm) hay còn được gọi là “ghè nam”, một loại ghè rất quan trọng và đặc biệt nữa (xik bôĩ m’măn tơ nam xa) hay “ghè nữ”, bởi có tên gọi đó vì ghè này hầu như chỉ đặt một chỗ trong góc bếp, người phụ nữ thường dùng để dự trữ thức ăn, thịt rừng hay thịt muối chua có thể để ăn dần trong vài tháng ở gia đình. Kiểu dáng như chiếc chum của người Kinh, có cái khá lớn đường kính bụng lên đến 60cm, cao 80cm nhưng khác cái chum ở chỗ miệng ghè rất nhỏ chỉ rộng 15-20cm đủ đưa một bàn tay vào, rất kín đáo và giúp cho đồ vật bảo quản sẽ lâu hơn, loại ghè này đơn giản về màu sắc, không sặc sỡ, không có tai, không đắp nổi nhiều chấm nhỏ như “ghè nam” (jrăm), hoa văn chỉ đơn thuần là một số vòng tròn quanh thân ghè. Trong tín ngưỡng của một số đồng bào dân tộc thiểu số tại Kon Tum, những người già cho rằng nét vẽ trong loại ghè này tượng trưng cho sợi dây không bao giờ đứt, là sự nối kết gia đình, thể hiện trách nhiệm và thủy chung của người phụ nữ khi đã có chồng. 
 
Trong cộng đồng dân tộc thiểu số tại Kon Tum, khu vực sở hữu nhiều ghè nhất vẫn là dân tộc Ba Na, Xơ Đăng, hay Giẻ-Triêng còn các dân tộc Brâu, K’Dong, Rơ Mâm chiếm rất ít. Một điểm chung giữa các dân tộc nơi đây là khi một người chết đi, họ sẽ được mang theo chiếc ghè của họ sang thế giới bên kia, như một “bảo bối” chống lại sức mạnh của quỷ dữ. Bởi thế nên ta thường thấy trên những nấm mộ của đồng bào dân tộc thường có vật dụng lúc sống của họ, nhưng đã được người sống làm khuyết đi, chẳng hạn như bị đục thủng đáy hoặc sứt miệng.., tượng trưng cho sự mất mát, không lành lặn trong gia đình và có lẽ là cố ý để người sống không dùng được nữa nếu như bị đánh cắp. Cũng vì thế những chiếc ghè cổ ngày càng ít dần theo thời gian, chỉ một số ít tặng lại cho con cháu của mình trước khi mất thì còn được lưu lại, những chiếc ghè này người đồng bào giữ như một vật kỷ niệm tưởng nhớ người đã khuất chứ thường không sử dụng. Việc bảo quản ghè của người dân tộc thiểu số cũng gần giống nhau, chủ yếu để quanh nhà sàn cạnh bếp lửa cho bám khói bếp thật nhiều, một phần là muốn gần gũi hơn với tổ tiên của mình và cũng là giữ được lớp men không bị trầy xước...
 
Ngày nay các dân tộc thiểu số Kon Tum luôn giữ được nét văn hóa uống rượu cần trong mọi hoạt động của làng, còn số ít tại các làng vùng sâu vẫn còn ủ rượu trong những chiếc ghè quý hiếm của mình và chỉ có khách thật quý mới được uống, họ cũng cho rằng uống rượu trong những chiếc ghè ấy sẽ ngon và mát hơn, họ coi ghè như cuộc sống của họ vậy vì nó là vật chứng lịch sử hàng trăm năm và là sợi dây kết nối với quá khứ của cha ông.
 
Thế Phiệt
(Theo CTTĐTTKT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét