Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Sáu, 11 tháng 5, 2012

BÁNH CÁT-TÊ-LA ANRÊ PHÚ YÊN HAY BÁNH BÔNG LANG?




Trong một chuyến về thăm Việt Nam năm 2007, cha Dương Hữu Nhân tức Roland Jacques O.M.I thuộc Dòng Hiến sĩ Đức Bà Vô Nhiễm đã ghé thăm Đền thánh Phước Kiều vào ngày áp lễ Á thánh  AnRê Phú Yên, 25 tháng bảy. Ngài đến đây trước khi vào Mằng Lăng, quê hương thánh nhân, không chỉ vì ngài đã dày công tìm tòi dữ  liệu lịch sử, giúp Hội đồng Giám mục Việt Nam và Tòa án phong thánh của Giáo hội có đủ chứng cớ để  tiến hành phong Á thánh năm 2000 dưới triều Đức Thánh Cha Gioan Phao lô 2 được xuôi thuận, mà còn thăm nơi lưu dấu những vết chân linh mục Dòng Tên Francesco Pina, mà qua tác phẩm nổi tiếng “ Những người Bồ Đào Nha tiên phong trong lĩnh vực Việt ngữ học”  mà ngài đã dày công nghiên cứu.

Sau khi sách được công bố , các nhà chuyên môn về chữ quốc ngữ đã đồng thuận: Dinh Cham tức Dinh trấn Thanh Chiêm nơi Á thánh An rê Ranran tuyên xưng đức tin là cái nôi của chữ quốc ngữ.” “Chữ Quốc ngữ, Thánh địa Thanh Chiêm, công đầu giáo sĩ Pina.” (Trích Văn bia Dinh trấn Thanh Chiêm).
Linh mục An tôn Nguyễn Trường Thăng và vòng hoa mừng của Giáo xứ Hội An, ngày khánh thành văn bia Dinh Trấn Thanh Chiêm.
Nhân dịp nầy, tôi có hỏi ngài về chiếc bánh lịch sử “ castillan” theo nhiều tác giả là bánh Tây Ban Nha . Ngài đỏ mặt và đính chính ngay “ Không phải Tây Ban Nha mà là bánh Bồ Đào Nha. Bánh Castela chứ không phải castillan” Tôi ngớ ra. Lợi dụng cơ hội, tôi “ điều tra” tiếp và ngài cho biết : ngày nay bánh đó vẫn còn thông dụng ở nhiều nơi, nhất là ở quê hương Bồ Đào Nha và Nhật Bản. Tôi xin ngài giúp sưu tầm công thức làm bánh. Ngài hứa sẽ giúp. Sau đó lên mạng tìm hiểu về bánh Castela và thấy hình ảnh bánh nầy khá “quen quen”. (Vào Google , tìm hình ảnh và bài viết về từ castela)
Mà tại sao lại hỏi về bánh Cát Tê La? Thưa , vì bánh nầy có liên quan đến Á thánh An rê Phú yên.
Tài liệu hồ sơ phong Á Thánh cho người chứng đức tin đầu tiên trên đất Việt rất phong phú. Quý giá nhất là những chứng nhân tại chỗ, ngoài cha Đắc Lộ còn có nhiều thương gia, thủy thủ Bồ Đào Nha hiện diện. Ở đây, chỉ bàn chuyện “ bánh trái”.
Người chứng thứ hai, ông Francisco de Azrvedo Teixeira, 51 tuổi,  quê thành Evora, ngụ tại Macao có khai “…và chàng ( An Rê Ranran) đã ăn một miếng bánh Castela mà cha Đắc Lộ trao cho, thấm nước; và chính tôi là người cầm nơi tay cái dĩa sứ mà chàng đã nhúng bánh. Và sau khi ăn, vào khoảng bốn năm giờ chiều, ngày 26 tháng bảy ( Dương lịch 1644), chàng được dẫn công khai đến một cánh đồng…”
Nhân chứng số ba là Antonio Pecanha de Mandoca, quê thủ đô Lisbao, 40 tuổi có khai vào ngày 19 tháng 12 năm 1644.” khi tin về là có lệnh xử tử, do một binh sĩ hoặc một đầy tớ của một vị quan khác mang đến…..chàng ( An Rê ) đã hài lòng và vui vẻ chấp nhận tin đó.Và chàng đã ăn một miếng bánh ngọt castela mà cha Đắc Lộ đã trao cho chàng lúc đó, vì cha cũng có mặt với tôi và các người Bồ Đào Nha khác..”
Á thánh An Rê đã “ nhấm nháp “ chút ít bánh Cát Tê La trước khi về “ dự tiệc trên trời”.
Vậy bánh Castela là gì? Theo cha Dương Hữu Nhân đó là bánh làm bằng bột mì, đường và trứng rất phổ biến dưới cái tên pão castelo hoặc pão de castela . Ngày nay ở Bồ Đào Nha và Bra Din người ta gọi tắt là “ pão de ló “ Loại bánh nầy rất thông dụng ở những địa danh có mặt người Bồ Đào Nha. Ở Nhật Bản và “ Cao ly” ( Corea ) vẫn còn gọi là bánh Castela. Từ vựng castelo dụng ý nói lòng trắng trứng đánh đặc như “ lâu đài, castelo”. Từ ngữ pão de Castela (bánh Cát-tê-la) đã được các nhân chứng xử dụng chứ không phải là ‘” pain de Castille”  như nhiều người dịch là “ bánh Tây Ban Nha” mà theo cha Nhân  là “inexact, không chính xác”. Ngài còn sưu tầm nhiều công thức làm bánh của người Bra Din và Bồ Đào Nha nhưng qua biến thiên lịch sử có pha thêm bơ, men… rất đa dạng, và cho là không còn nguyên bản, vì vào thế kỷ 17 làm gì tìm ra những thực phẩm cao cấp nầy tại Á Châu.
Tìm vào Internet cũng thấy có những thông tin “ hay hay”. Một người viết “ Một đồng nghiệp đã mang bánh “ castella” cho mọi người. Đây là một loại bánh xốp tiêu biểu vùng Nagasaki, và rất nổi tiếng ít nhất là ở Fukuoka. Có ba loại : xanh trà, sô cô la, và phó mát…” Một thông tin khác “ Điều thú vị là loại bánh nầy được mang đến Nagasaki ( hải cảng quốc tế duy nhất ở Nhật Bản thời bấy giờ) do các nhà truyền giáo người Bồ Đào Nha vào thế kỷ 16. Pão de Catela có nghĩa “ bánh từ Castilla”  theo tiếng Bồ..”
Thời gian sau, đúng lời hứa, cha Dương Hữu Nhân đã gửi cho tôi nhiều công thức cả tiếng “ Ta” lẫn  tiêng “Tây”. Đây là công thức loại không men.
Một vài mẫu bánh Castela trên mạng Internet.
Công thức làm bánh Anrê Phú Yên (« Bánh Cát-tê-la »)
Thành phần
8 quả trứng
8 oz. = 225 gr. đường
8 oz. = 225 gr. bột mì (bột đặc biệt : mì trọn vẹn, chất lượng nhẹ = ‘soft whole wheat’)
¼ thìa cà-phê (1 nhúm) muối
Cách làm
Trong một tô lớn đánh phần lòng trắng của trứng, cho đến làm mũi nhọn đứng (8 phút).
Trong một tô khác đánh phần lòng đỏ trứng (5 phút), rồi đánh tiếp với đường một phút nữa (tổng cộng là 6 phút).
Phối hợp hai thành phần với nhau một cách nhẹ nhõm, rồi dần dần cho thêm bột mì và muối cho đến bột biến đi (2 phút).
Đổ bột nhào vào cái khuôn loại cao, và nướng bằng lò (163°C = 325°F) trong khoảng 45 phút.
Để xem nếu nấu chín đẩy một cái dao vào (hoặc dùng một cái que) : nếu nó khô, thì chín rồi.
Mời quý vị dùng ngon miệng !
Tuy chưa được ăn loại bánh nầy nhưng qua hình ảnh và công thức, tôi có cảm giác đây là loại bánh quen thuộc. Phải chăng đó là lọai bánh thuẫn hoặc bánh “bông lang” mà bao nhiêu thế hệ người Việt sống ở Miền Trung đã từng nhấm nháp? Phải chăng nguyên gốc là “bánh hoa lang“ (như đạo Hoa lang  tức đạo người Bồ Đào Nha ( công giáo) ?  Có lẻ chữ hoa vẫn thông dụng cho đến thế kỷ 19, vì muốn tránh úy vợ vua Minh Mạng tức bà Hồ thị Hoa (1791-1807) nên  từ hoa đổi thành Huê, chẳng hạn hoa tình đổi thành huê tình , Hoa kiều thành Huê kiều. Còn bánh hoa lang nếu đọc ra bánh huê lang , xem ra không hay lắm. Người Miền Nam vẫn gọi hoa là bông, chắc là để kỵ úy. Nghe đâu tại Sài Gòn trước kia có cầu Hoa sau đổi thành cầu Bông. Cũng thế bánh Hoa lang thành bông lan, quá hay.
Phải chăng người Nhật, người Bồ đã  du nhập bánh ( pão ) nầy vào đất nước ta? Các nhà nghiên cứu lịch sử và ngành nghề sẽ có câu trã lời. Về phần các bà mẹ gia đình và các nhà sản xuất bánh công giáo, xin hãy thử xử dụng công thức trên làm món đặc sản nầy vào dịp 26 tháng bảy 2008, ngày giỗ Á thánh An Rê. Để rồi từ nay, bánh Cát Tê La Á thánh An Rê Phú Yên sẽ mãi mãi đi vào truyền thống công giáo Việt Nam mỗi năm dịp lễ của Người.
Linh mục An Tôn Nguyễn Trường Thăng,
Tháng 6 năm 2008
Giáo xứ Hội An, quản nhiệm Đền Á thánh Anrê Phú Yên, Phước Kiều.
MỘT TRUYỀN THỐNG ĐÃ ĐƯỢC BẮT ĐẦU  TỬ NĂM 2008.
Kể từ ngày bài viết Bánh Cát tê la Việt Ân Đức được “ trình làng” .Đền Á Thánh  Anrê Phú Yên tại Phước Kiều  đã cố gắng thực hiện ý định trên. Mỗi năm vào ngày lễ, Đền thánh cố gắng cung cấp 1500 bánh “ cá nhân”, loại nhỏ và 60 bánh “ tập thể” cỡ lớn. Năm 2008, cơ sở bánh Đồng Thành, Đà Nẵng thực hiện. Từ năm 2009, chị Thanh Thu, cơ sở bánh Thanh Thu đã giúp hoàn chỉnh chiếc bánh trên. Cũng nên biết, chị Thanh Thu, tuy bị khuyết tật không đi lại được nhưng nhờ đức tin và ý chí, chị đã vượt qua mọi nghịch cảnh, tốt nghiệp Đại học và hoàn thành xuất  sắc nhiều văn bằng quản trị khác. Chị còn là một hội viên năng nổ của Hội Khuyết tật Thành Phố Đà Nẵng. Cơ sở chính nằm ngay đầu con đường vào khu du lịch Ngũ hành Sơn. Ngoài ra còn có năm vệ tinh khác. Bà con nhớ ủng hộ chị.
Bánh Cát tê la Việt Ân Đức  26 tháng 7 2008.
Bánh Cát tê la  Việt Ân Đức 26 tháng 7 2009

Bánh Cát tê la  Việt Ân Đức 26 tháng 7 2010

CASTELA VIỆT ÂN ĐỨC  26/7/2011.
XIN CÁM ƠN CHỊ THANH THU VÀ CÁC ÂN NHÂN GIÚP ĐỠ THỰC HIỆN.
SANG NĂM 2012, BÁNH PHẢI ĐẸP HƠN, NGON HƠN, NGHE CHỊ!
ĐỨC TIN VÀ CÁI ĐẦU QUAN TRỌNG HƠN ĐÔI CHÂN CHỊ THU Ạ!

(Nguồn: antonnguyentruongthang.com)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét