Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Sáu, 6 tháng 1, 2012

10 SỰ KIỆN QUỐC TẾ NỔI BẬT NĂM 2011


Do báo BẠN ĐƯỜNG bình chọn


1. Mùa xuân Arập


Cuộc nổi dậy lật đổ Tổng thống Zine el Abidine Ben Ali ở Tuynidi vào đầu năm 2011 đã kích động phong trào Mùa xuân Arập, một làn sóng biểu tình đòi hỏi dân chủ và thay đổi chế độ tại các nước Trung Đông và Bắc Phi. Tại Ai Cập, Tổng thống Hosni Mubarak đã bị phế truất hồi tháng 2/2011 sau hơn 40 năm cầm quyền. Các cuộc biểu tình ở Xyri và Yêmen diễn ra theo chiều hướng khác. Sau nhiều tháng chứng kiến phong trào nổi dậy của các bộ lạc và tình trạng đào ngũ của các nhà lãnh đạo quân đội chủ chốt, Tổng thống Yêmen Ali Abdullah Saleh đã đồng ý ra đi. Tại Xyri, tình trạng bạo lực còn dữ dội hơn nhiều. Chế độ của ông Bashar Assad đã dùng xe tăng và súng đạn để đối phó với người biểu tình trong nỗ lực nhằm giữ vững quyền lực. Theo ước tính của Liên Hợp quốc, có hơn 3.500 người đã thiệt mạng trong các cuộc trấn áp đẫm máu vốn chưa có hồi kết ở Xyri.


2. Trùm khủng bố Osama bin Laden bị tiêu diệt
Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 1/5 chính thức thông báo Osama bin Laden, thủ lĩnh mạng lưới khủng bố quốc tế al-Qaeda, đã bị tiêu diệt. Mất nhiều năm để truy lùng và thu thập tin tức tình báo, lực lượng an ninh Mỹ chỉ tốn chưa đầy 40 phút trong đêm 30/4 rạng sáng 1/5 để tiêu diệt nhân vật bị truy nã số 1 của nước này. Mỹ phát hiện bin Laden trong một khu nhà tại Abbottabad, cách thủ đô Islamabad của Pakixtan 53km. Cái chết của bin Laden đánh dấu thành quả to lớn nhất trong nỗ lực chống al-Qaeda của nước Mỹ, song liệu sự kiện này có đặt dấu chấm hết cho hoạt động của mạng lưới al-Qaeda hay không hiện vẫn là câu hỏi còn bỏ ngỏ.

3. Động đất, sóng thần Nhật Bản
Thảm họa xảy ra ngày 11/3 ở Đông Bắc Nhật Bản đã cướp đi sinh mạng của ít nhất 16.000 người và hơn 12.000 người mất tích. Đây là thảm họa tồi tệ nhất tại Nhật Bản kể từ năm 1923 với trận động đất tại Kano khiến hơn 142.000 người thiệt mạng. Thảm họa này đã gây ra cuộc khủng hoảng hạt nhân Fukushima khiến cho Nhật Bản bị thiệt hại ước tính lên đến 235 tỷ USD, tương đương 4% GDP.

4. Khủng hoảng nợ ở Eurozone
Cuộc khủng hoảng nợ của Khu vực sử dụng đồng Euro (Eurozone) đang ở mức báo động đỏ. Cơn lốc khủng hoảng đã cuốn trôi 6 vị Thủ tướng (Ailen,  Bồ Đào Nha, Xlôvakia, Hy Lạp, Italia và Tây Ban Nha) và đe doạ lật đổ nhiều chính phủ khác trong Eurozone. Cuộc khủng hoảng đã khiến Thủ tướng Silvio Berlusconi, một chính khách lão luyện ở Italia,  phải từ chức sau 17 năm thống trị chính trường nước này. Cuộc khủng hoảng này đang chia rẽ châu Âu một cách sâu rộng và có nguy cơ kéo kinh tế thế giới sa vào vòng xoáy suy thoái mới.

5. Nội chiến ở Liby

Hơn 40 năm cầm quyền của nhà lãnh đạo Liby Muammar Gaddafi kết thúc một cách bi thảm vào ngày 20/10/2011. Vào đầu tháng 3, cuộc nổi dậy tại Liby trở thành một cuộc nội chiến toàn diện khi các tay súng không được đào tạo cầm vũ khí chiến đấu chống lực lượng của ông Gaddafi. Liên Hợp quốcsau đó đã thông qua một nghị quyết  can thiệp của nước ngoài khiến 40.000 người Liby đã thiệt mạng. Ngày 20/10, sau khi bị phát hiện đang trốn trong một cống rác, ông Gaddafi bị quân nổi dậy bắt giữ và giết chết.

6. Vấn đề Biển Đông được “quốc tế hoá” 
Tại Hội nghị Cấp cao Đông Á ngày 19/11/2011 ở Bali (Inđônêxia), vấn đề Biển Đông đã được “quốc tế hoá”, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc. Ngoài Tổng thống Mỹ Barack Obama và nhiều nhà lãnh đạo ASEAN, Thủ tướng Ấn Độ Manmohan Singh đã đề cập vấn đề Biển Đông một cách thẳng thắn trong cuộc gặp người đồng nhiệm Trung Quốc. Còn Thủ tướng Nhật Bản Yoshihiko Noda thì thúc đẩy vấn đề bảo đảm “an ninh hàng hải” (ở Biển Đông) trong cuộc gặp các nhà lãnh đạo ASEAN. Vấn đề Biển Đông được quốc tế quan tâm cho phép Philippin, Malaixia, Brunây và Việt Nam ít chịu áp lực hơn từ phía Trung Quốc vốn chỉ muốn giải quyết vấn đề lãnh hải một cách song phương với từng nước đơn lẻ.

7. Phong trào “Chiếm phố Wall” lan rộng

Các cuộc biểu tình hưởng ứng phong trào “Chiếm phố Wall” (Ocupy Wall Street) nổ ra từ 17/9 ở New York (Mỹ), rồi lan rộng khắp nước Mỹ và lan đến nhiều nước ở châu Âu, châu Á, châu Đại Dương và Mỹ Latinh, với sự tham gia của hàng triệu người phản đối sự tham lam của giới tài phiệt ngân hàng, tình trạng phân hoá giàu nghèo và bất bình đẳng kinh tế hiện nay trên thế giới. Những người biểu tình lên án các ngân hàng phá hoại kinh tế toàn cầu và đẩy hàng triệu người vào cảnh đói nghèo. Ngày 15/10, tại Rome, các cuộc biểu tình với sự tham gia của khoảng 200.000 người đã biến thành bạo loạn.

8. Các vụ cuồng sát ở châu Âu

Ngày 22/7, Na Uy trải qua một vụ thảm sát khủng khiếp nhất kể từ Chiến tranh thế giới thứ hai. Tại Oslo, một xe bom phát nổ gần các toà nhà Chính phủ, làm thiệt mạng 8 người. Sự việc càng trở nên kinh hoàng với vụ một tay súng bắn chết 69 người đang tham gia trại hè của giới trẻ do Đảng Lao động cầm quyền tổ chức trên đảo Utoeya. Hung thủ duy nhất của cả hai vụ thảm sát này là Anders Behring Breivik, một kẻ cuồng tín cực hữu 32 tuổi. Tiếp đó, ngày 13/12, gã đàn ông Nordine Amrani dùng lựu đạn và súng trường điên cuồng tấn công đám đông những người đang đi mua sắm ở khu chợ Giáng sinh trên quảng trường trung tâm thành phố Liege, khiến 6 người thiệt mạng và 123 người bị thương. Tên này cũng đã chết trong vụ tấn công.

9. Giấc mơ nhà nước Palextin chóng tàn

Với sự suy tàn của tiến trình hòa bình Trung Đông, lãnh đạo chính quyền Palextin đã chọn cách đệ đơn trực tiếp lên Liên Hợp quốc xin công nhận là Nhà nước độc lập. Tro ng nhiều tháng trước phiên họp vào tháng 9 của Đại hội đồng Liên Hợp quốc, Ixraen và Mỹ đã cảnh báo về động thái này, lập luận rằng việc công nhận Nhà nước Palextin chỉ có thể đạt được thông qua đối thoại trực tiếp với Ixraen. Khi Tổng thống Palextin Mahmoud Abbas xuất hiện trước Đại hội đồng và thông báo về việc đệ đơn xin công nhận Nhà nước Palextin, ông được hoan nghênh nhiệt liệt và được chào đón như một người hùng khi trở về nước. Tuy nhiên, nỗ lực trên dường như đã chết yểu trong vài tháng sau đó.

10. Lũ lụt tàn phá Đông Nam Á 
Lũ lụt chưa từng có đã tàn phá nhiều quốc gia Đông Nam Á, trong đó Thái Lan và Campuchia là hai nước bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Lũ lụt đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho nông nghiệp các nước Đông Nam Á. Diện tích lúa bị mất trắng là 12,5% ở Thái Lan, 12% ở Campuchia, khoảng 7,5% ở Lào, 6% ở  Philíppin và khoảng 0,4 % ở Việt Nam. Thiên tai lũ lụt kéo dài hơn 3 tháng ở Thái Lan đã làm 529 người chết, 2 người mất tích, làm 24/77 tỉnh bị ngập lụt; khoảng 2,8 triệu người của 1,1 triệu gia đình bị ảnh hưởng và tổng thiệt hại kinh tế ước trên 40 tỷ USD. Những ngày cuối năm, Philippin đã đón cơn bão làm hơn 1.000 người thiệt mạng và mất tích.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét