Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Hai, 19 tháng 9, 2011

NGƯỜI GIỮ HỒN TÂY NGUYÊN


Ngọc                               trong đá
 Người giữ hồn Tây Nguyên
 Thứ sáu, 16/09/2011 06:54 
 
(ĐSCT) Với  37 năm sưu tầm và lưu giữ, bộ sưu tập cổ vật văn hóa Tây Nguyên của anh Hồ Công Văn đã lên đến 2.000 hiện vật khiến không ít  người phải trầm trồ, ngưỡng mộ khi có dịp chiêm ngưỡng. Bộ sưu tập được trưng bày khá ấn tượng, công phu tại nhà riêng anh Văn ở phường Quyết Thắng, TP. Kon Tum.
 
KHỞI ĐẦU TỪ CHỮ “DUYÊN”
Mở đầu câu chuyện, anh Văn chia sẻ: “Sau ngày đất nước thống nhất, tôi đi dạy học  xóa mù chữ cho đồng bào vùng sâu, vùng xa ở xã Đăk Môn, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum. Được họ yêu quý, mỗi lần về, nam nữ trong làng tặng tôi những món quà nho nhỏ như chiếc gùi, ống điếu, quả bầu, cái ché... Thấy có ý nghĩa, tôi giữ gìn cẩn thận để có dịp đem ra khoe với bạn bè”. 

Anh Hồ Công Văn với bù nhìn chống ma, quỷ của người địa phương
Năm 1979, kết thúc chương trình xóa mù chữ cũng là lúc những món quà mang “linh hồn”, nét văn hóa của người Tây Nguyên đủ để anh Văn có được một bộ sưu tập kha khá. Nhưng ý tưởng tìm hiểu và sưu tầm về văn hóa Tây Nguyên chỉ thực sự đến khi anh là nhân viên xây lắp các đường dây điện. Công việc của anh thường xuyên đi vào các buôn làng vùng sâu, vùng xa trong tỉnh, vì vậy anh có điều kiện tiếp xúc với văn hóa của đồng bào Ê Đê, Xơ Đăng, Giẻ Triêng, M’nông... Anh có dịp được nghe các già làng, trưởng bản kể về những nét văn hóa rất riêng của dân tộc mình.

Các đồ vật mang biểu tượng văn hóa, phong tục, lễ hội... đã lôi cuốn và kích thích sự say mê, khám phá, sưu tầm của Hồ Công Văn. Có những hiện vật anh được tặng, cũng có khi anh phải chắt chiu, tích góp tiền lương để mua. Nhưng không phải ai có tiền cũng mua được hiện vật cổ quý vì đối với đồng bào Tây Nguyên mỗi vật đều có “linh hồn”, họ chỉ bán cho người hiểu và biết quý trọng văn hóa của dân tộc mình. Sau này, một số bạn bè, người thân biết sở thích cũng mua tặng anh. Từ đó, ý tưởng có một nơi vừa thỏa mãn thú đam mê sưu tầm, vừa là nơi để mọi người đến tham quan, chiêm ngưỡng và trao đổi về văn hóa các dân tộc Tây Nguyên tại Kon Tum luôn ấp ủ trong anh.

Nón đi mưa và gùi đi săn của người Xê Đăng
HƠI THỞ ĐẠI NGÀN
Một số hiện vật anh sưu tập có tuổi đời lên đến hàng trăm tuổi, như chiếc áo bằng dây đay của người M’nông, gùi đi săn của người Xơ Đăng, bộ cồng chiêng bằng đồng đồ sộ, bộ trang sức gần 200 chiếc. Trong đó, anh quý nhất là chiếc nón đi mưa của phụ nữ và gùi đi săn của đồng bào Xơ Đăng vì sự độc đáo, khó tìm và vì tuổi đời của nó...

Gần 2.000 hiện vật được anh chia ra thành những nhóm chính: dụng cụ sinh hoạt - chiến đấu, vật trang sức, các loại nhạc cụ Tây Nguyên. Về dụng cụ sinh hoạt - chiến đấu, anh sưu tập tương đối đầy đủ gồm: gùi, ché, ống điếu, dụng cụ săn bắt, nón đi mưa, dao, đá mài... Về nhạc cụ, ngoài bộ cồng chiêng truyền thống, còn có trống, đàn T’rưng cùng nhiều loại nhạc cụ độc đáo. Đối với đồ trang sức phụ nữ, anh có đến 200 món như bông tai bằng ngà voi, vòng tay, dây đeo cổ bằng đồng, vòng đeo tay trong các lễ hội... Ngoài ra, còn có các tượng dựng nhà mồ, dao bằng bạc, ghè, các dụng cụ bằng đá mài, bù nhìn, hàng chục chiếc ống điếu của người Ba Na và Gia Rai...

Bộ sưu tập nhạc cụ Tây Nguyên
Năm 1996, anh Văn quyết định mở một nhà hàng với tên gọi Đăk Bla (tên một nhánh sông thuộc dòng Mêkông chảy qua thành phố Kon Tum) và mang một số hiện vật trong bộ sưu tập ra trưng bày, phục vụ thực khách. Ông chủ nhà hàng tâm sự: “Sưu tầm, trưng bày như vậy cũng là để lưu giữ nét đẹp văn hóa Tây Nguyên, như một cách tri ân vùng đất này”.

 Nhà hàng Đăk Bla thường là điểm tham quan của khách du lịch trong và ngoài nước mỗi khi có dịp đến với thành phố nơi cực bắc Tây Nguyên. Chị Lê Thị Thư cho biết: “Tôi thường lên Kon Tum công tác, mỗi lần đều ghé vào đây để được chiêm ngưỡng cho mãn nhãn hay đôi lúc chỉ đơn giản hỏi xem ông chủ có thêm món đồ nào mới và nghe giới thiệu về chúng”. Văn hóa Tây Nguyên đang đứng trước những thách thức bởi vấn nạn buôn bán cổ vật, các lớp nghệ nhân ra đi, thế hệ trẻ lãng quên, hững hờ trước những giá trị vật chất, tinh thần, thì việc sưu tầm, lưu giữ của anh Công thật đáng trân trọng.
 
 VÕ NGUYỄN


                                                      (Theo Báo Công An Tp. Hồ Chí Minh Thứ sáu, 16/09/2011)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét