Chúa nhật - 01/10/2023 05:44
Hiện nay Viện Nghiên cứu Hán Nôm đang lưu giữ bản photocopy từ quyển sách chữ Nôm viết tay khổ 31cmx 22cm, dày 55 trang mang ký hiệu AB196, MF1848 được ghi chép trong tác phẩm Di sản Hán Nôm, Thư mục đề yếu tập 3, Nxb Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1993, trang 278, mục 3625 với nhan đề Thuật tích việc nước Nam do Đặng Đức Tuấn soạn. Bản chữ Nôm viết tay được người sao lại tên là Lý vào ngày mùng 6 tháng 3 năm Canh Thìn (1940).
Lề phải của trang 1 bản chữ Nôm, nhan đề sách có 6 chữ được viết dọc từ trên xuống: Thuật tích nước việc Nam vãn kèm dấu móc ngoặc của người đời sau này đánh bên phải chữ thứ ba, kéo xuống bên trái chữ thứ tư, biểu thị hai chữ này viết ngược, phải đảo lại vị trí để đọc là Thuật tích việc nước Nam vãn[1] (Vãn là một thể loại văn viết trong văn chương Hán Nôm). Do đó khi nhắc đến tác phẩm này thì hầu hết bỏ chữ “vãn” và chỉ nói Thuật tích việc nước Nam mà thôi!
Riêng ông Nguyễn Văn
Thoa đưa ra dẫn chứng và đi đến kết luận: “Đọc nhan đề Thuật tích việc
nước Nam vãn, vừa tích vừa việc, nghe âm ngữ lủng củng, không ổn chút nào.
Của César phải trả lại César, thiết từ nay nên đọc đúng là Thuật tích nước
Việt Nam vãn, nghe êm tai, rõ nghĩa và mát lòng tác giả vô cùng!”[2]. Đây chỉ là ý kiến cá nhân của ông Nguyễn Văn Thoa mà thôi!
Ông Nguyễn Văn Thoa cũng liệt kê một số tác giả trong “Dòng sách báo bằng chữ
Quốc ngữ” có có bài viết liên quan đến tác phẩm “Thuật tích việc nước
Nam”, nhưng rất tiếc là ông Nguyễn Văn Thoa lại quên tên một tác giả là ông
Đinh Thái Sơn[3].
Tháng 9 năm 1911 bản
quốc ngữ Thuật tích việc đạo nước Nam (xin lưu ý là có thêm
chữ “đạo”) được nhà in Phát Toán, Sài Gòn phát hành (Phát Toán,
Libraire- Imprimeur) khổ 35cmx 24cm gồm 40 trang. Cuốn sách này hiện lưu trữ
tại Thư viện Quốc gia Việt Nam với mã phân loại: TVQG (NVL): X375[4].
Trang bìa ghi: “Thuật tích việc đạo nước Nam, par Linh mục Khâm, Quí
Hợi niên tạo, Edite par Dinh-Thái-Son (Maison Phát- Toán)”. Như vậy tác
phẩm Thuật tích việc đạo nước Nam là do Linh mục
Khâm viết vào năm Quí Hợi (1863). Linh mục Khâm chính là Linh mục Gioakim Đặng
Đức Tuấn (1806-1874) giữ chức Khâm sai phái[5] trong phái bộ
Phan Thanh Giản và Lâm Duy Hiệp vào Sài Gòn để xin chuộc lại ba tỉnh miền Đông
Nam Kỳ (Biên Hòa, Gia Định, Định Tường) vào tháng 5 năm Nhâm Tuất (1862). Sau
khi phái bộ nghị hòa về đến Huế, vua Tự Đức đã bãi bỏ lệnh phân sáp và bắt đạo.
Do đó sang năm Quí Hợi (1863) Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn mới có thời giờ
rảnh rỗi viết tác phẩm Thuật tích việc đạo nước Nam.
Hiện nay tác
phẩm Thuật tích việc đạo nước Nam của Linh mục Gioakim Đặng
Đức Tuấn được Đinh Thái Sơn cho xuất bản vào tháng 9 năm 1911 bằng chữ quốc ngữ
được xem là bản xưa nhất.
Tác giả của tác
phẩm Đặng Đức Tuấn tinh hoa Công giáo ái quốc Việt Nam không
gọi là Thuật tích việc đạo nước Nam mà gọi là Việt Nam
giáo sử diễn ca[6]. Đúng vậy, tác phẩm Thuật tích việc
đạo nước Nam là một tác phẩm thuộc loại “giáo sử” (sử “đạo” chứ
không phải sử “đời”).
Cuối tác phẩm Thuật
tích việc đạo nước Nam Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn viết: “Thấy
trong thiên vận tuần hoàn/ Thuật tích việc đạo để truyền hậu lai”. Linh mục
Gioakim Đặng Đức Tuấn đã khẳng định: “Thuật tích việc đạo” chứ
không phải “việc đời”!
Do đó để đọc đúng tên
tác phẩm của Linh mục Gioakim Đặng Đức Tuấn phải là Thuật tích việc đạo
nước Nam chứ không thể là Thuật tích việc nước Nam như
nhiều người nhầm tưởng lâu nay!
______________________
Chú thích:
[1][2][3][5]- Nguyễn
Văn Thoa, Cuộc đời và tác phẩm của Linh mục Đặng Đức Tuấn,
Nxb Tổng hợp TPHCM, tr. 288, 63, 41-57, 223 & 234.
[4]- Bài viết Chung quanh bản quốc ngữ “Thuật tích việc đạo nước Nam”
của Linh mục Khâm, Tác giả Lê Minh Sơn, In chung trong tác phẩm Tọa
đàm về L.M. Đặng Đức Tuấn tại hội trường Tiểu chủng viện Qui Nhơn ngày
23-9-2023, Tủ sách Nước Mặn xuất bản, tr. 401- 425.
[6]- Võ Ngọc Nhã, Linh
mục & Lam Giang, Giáo sư, Đặng Đức Tuấn tinh hoa Công giáo ái quốc
Việt Nam, Tủ sách Nước Mặn tọa đàm 23/9/2023 xuất bản, tr. 38
Tác giả bài viết: Nguyễn Văn Nghệ - Giáo xứ Cây Vông -
Nha Trang
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét