Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Ba, 25 tháng 4, 2023

Mémorial, Mission de Quinhon (1904-1953): Ấn phẩm báo chí đầu tiên của Nhà in Làng Sông



MÉMORIAL, MISSION DE QUINHON (1904-1953)
ẤN PHẨM BÁO CHÍ ĐẦU TIÊN CỦA NHÀ IN LÀNG SÔNG


Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính

 

Ấn phẩm có thể xếp vào thể loại “báo chí” đầu tiên của địa phận Qui Nhơn là tờ Mémorial, Mission de Qui Nhơn, được phát hành từ năm 1904,[1] tức là ngay khi nhà in Làng Sông được cha Maheu tái lập năm 1904.[2] Như vậy, tờ thông tin này xuất hiện sớm hơn tờ Bulletin của Hội Thừa sai hải ngoại Paris (MEP).

Tờ Bulletin của các cha thừa sai MEP chỉ được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1922, để phổ biến những bài viết có chất lượng của các cha thừa sai là những chuyên gia thuộc mọi lãnh vực. Trong Hội thừa sai có những chuyên gia về lịch sử, địa lý, nhân chủng học, thực vật học, etc… Tờ Bulletin là phương tiện cho phép những ánh sáng này phát sáng và phổ biến ra bên ngoài. Đây không phải là một tạp chí khoa học nhưng sẵn sàng đón nhận những bài báo chất lượng cao làm vinh danh cho tác giả, cho Hội cũng như tạo uy tín cho tờ Bulletin.

Tờ Mémorial, Mission de Quinhon ra đời trong bối cảnh chung của các miền truyền giáo tại Á châu đều có những tờ thông tin liên lạc riêng của địa phận. “Hiện giờ phần lớn các địa phận đều có tờ báo nhỏ của riêng mình đưa những tin tức quan trọng, chẳng hạn như Bulletin de Seoul (bán nguyệt san), Bulletin de la Mission de Taikou (bán nguyện san), Çà 
et Là (Tây Tứ Xuyên, tuần báo); Vérité, phụ bản tiếng Pháp của tờ Tsong-che-pao, Tạp chí Công giáo của Tây Tứ Xuyên (tuần báo); Semaine du KientchangPetit Nouvelliste du Yunnan (nguyệt san); Echo du Shek-sat (Quảng Đông; tuần báo); tất cả những ấn hành này đều chỉ được dành cho các thừa sai. Tờ Mémorial de Quinhon … cũng được gởi cho các linh mục bản xứ. Xiêm có tờ Trait-d’Union. Tờ The Voice của Rangoon và Le Semeur của Pondichéry  là những tờ báo tháng dành cho tín hữu người Âu của Miến Điện và Ấn Độ.”[3]

Là tập san không định kỳ và chỉ dành cho hàng giáo sĩ, không phổ biến cho giáo dân, Mémorial, Mission de Quinhon chỉ như là một cơ quan thông tin riêng tư dành cho các thừa sai và các linh mục bản xứ trong địa phận, do đó không có lợi nhuận và sẽ chỉ được gởi cho họ. “Tập nhỏ này gọi là Mémorial, chẳng phải là tập nhựt trình cứ tháng cứ kỳ (revue périodique): cho nên kẻ lo việc chẳng buộc mình phải cứ ngày nào cho chắc mà phát ra. Song là như thơ chung bề trên gởi cho các linh mục địa phận. Bởi đó không cần phải giữ lề lối như nhựt trình, là thứ ai coi cũng được. Vậy xin các cha, ai lãnh tập nầy, thì hãy giữ, đừng đưa vấy vá ra làm chi.”[4] Vì tính cách riêng biệt này nên thông tin cũng hết sức đặc thù, chẳng hạn lời rao về một món đồ bị bỏ quên cần tìm lại chủ nhân: “Một linh mục bản xứ vừa ghé qua Thác Đá, đã bỏ quên một bình dầu thánh ở đấy, xin hỏi sở quản lý, nơi nó được gởi ở đấy”,[5] hay về sự đãng trí của các cha thừa sai quên … đóng tiền báo: “Các cha thừa sai đăng ký trọn đời tập Mémorial, vì đãng trí (par distraction) mà quên trả 1 đồng phí đặt báo hằng năm, sẽ bị trừ cũng một số tiền trên biên lai tài khoản của sở quản lý”.[6]

Dù là tờ thông tin của địa phận Qui Nhơn nhưng nội dung tờ Mémorial hầu hết được viết bằng tiếng Pháp, thỉnh thoảng mới có đôi thông tin bằng tiếng Việt. Một độc giả nêu vấn đề trên và được tờ Mémorial, Mission de Quinhon, số tháng Hai 1924, tr. 28, trả lời như sau: “Tại sao không viết (tờ Mémorial) bằng tiếng Việt? Quý cha đã có những bài viết rất hay trong tập Mémorial nhưng tại sao không viết bằng tiếng Việt? Như thế sẽ có được nhiều người đọc hơn. Trả lời: Cha thân mến, cha có lý, thế nhưng cha có muốn xem xét các lý do này không? Lý do đầu tiên là: cha Quản lý tập san – ngài luôn nhắc lại điều này – là “ngài không biết tiếng Việt”. Nhưng chúng tôi cũng muốn liệt kê cho cha những lý do khác:

1. Nhiều linh mục Việt biết đủ tiếng Pháp để đọc tập san.
2. Các linh mục Việt của chúng ta biết tiếng Pháp, họ thích đọc bằng tiếng Pháp để duy trì những kiến thức đã học được.
3. Những ai không biết tiếng Pháp họ cũng thấy rằng chúng tôi cũng đã nỗ lực viết tiếng Việt cho họ chứ không muốn viết bằng tiếng Pháp … mà chắc rằng họ sẽ được những người khác giải thích cho họ.
4. Khi viết bằng tiếng Pháp, tất cả các thừa sai chúng tôi đều đọc được cũng như một số đông các linh mục bản xứ, nếu viết bằng tiếng Việt, liệu có được như vậy không?
5. Chúng tôi không bao giờ nói rằng sẽ không viết bài bằng tiếng Việt, nhưng như cha biết đó, nó thật là khó: nhưng khó không phải là không thể nên chúng tôi hy vọng rằng năm 1924 sẽ có sự đổi mới.”

Và thông tin tiếng Việt rất cần thiết và hữu ích ngay sau trong số Mémorial tiếp theo là thông báo về hiện tình lưu hành bạc giả và cách phân biệt tờ 20$: “Thứ bạc 20$ có thứ giả mạo; ai nấy phải cẩn thận coi kỹ kẻo đã mất của mà ghe lần lại phải tốn công khai báo. Vậy những dấu chỉ bạc giấy 20 giả, kể ra đây cho ai nấy biết và cũng phải nói lại cho kẻ khác biết với …”[7]

Tuy chỉ là một tờ thông tin nội bộ của địa phận nhưng “hệ thống phát hành” lại rất tiên tiến và vươn xa đến tận … nước Pháp. “Tờ Mémorial vẫn luôn được gởi cho những cha vắng mặt, những ai trong số này không thường xuyên nhận được thì xin báo cho Đức cha phó hay cha quản lý nhà in”.[8] Trong chiến tranh I, các cha thừa sai đi quân dịch ở Pháp hay đang ở Tây nguyên cũng vẫn đều đặn nhận được tờ Mémorial của địa phận. Tất cả những người thợ trong cánh đồng truyền giáo Đông Đàng Trong đều được nối kết với nhau qua tờ Mémorial. “Các thừa sai ở Việt Nam muốn có thông tin thường xuyên về các cha được huy động miền trên và ngược lại các thừa sai ở xứ người Bahnar muốn có thông tin ở dưới này. Vì thế, như một cơ quan nối kết, tờ Mémorial là dấu nối hàn gắn giữa hai cực, Việt Nam và Pháp.[9] Cha Gustave Dubulle Phương (1865-1937), sau một thời gian làm việc tại Nam Bình, địa phận Qui Nhơn, ngài trở về Pháp để vào Dòng Trappist theo ơn gọi của mình, tuy nhiên ngài vẫn giữ mối liên hệ với địa phận Qui Nhơn nhờ tờ Mémorial, Mission de Quinhon và Lời Thăm. Từ tu viện Sept-Fons ngày 25 tháng 11 (1923), ngài viết: “Sự vắng mặt lâu dài của tôi, thay vì cắt đi những mối liên hệ gắn bó giữa tôi với địa phận, chỉ làm cho nó siết chặt hơn mà thôi. Mỗi buổi sáng, tôi đánh thức tình cảm này khi cầu xin cùng Thánh Tâm Chúa cho mọi người, cho các anh em đồng sự, các linh mục bản xứ, cho mọi công việc, và đặc biệt là cho địa sở Xóm Nam được nhiều ơn cải đạo. Đối với tôi, tờ Mémorial và Lời Thăm là gạch nối giữa tôi và các anh em, điều này sẽ còn tiếp tục mãi cho đến khi Chúa dẫn đưa tôi về một thế giới tốt đẹp hơn”[10]  

Vì là tờ thông tin liên lạc nội bộ nên Mémorial vẫn được liên tục phát hành và không định kỳ, đôi khi đình bản vì lý do bất khả kháng. “Tháng Bảy 1917, trong thời gian cha quản lý nhà in và Đức cha vắng mặt, cha Dorgeville thay thế đảm trách công việc nhà in vừa dạy ở Làng Sông. Vì thế không có tờ Mémorial từ số 130 tháng 3 cho đến số 131 tháng 7”.[11]

Đến năm 1920, tờ Mémorial, Mission de Quinhon có sự thay đổi lớn. Đức cha Grangeon muốn đi xa hơn nữa, vượt qua khỏi tầm vóc của địa phận, nên ngài đã sáng lập nên tờ “Mémorial Indochinois”. Những nội dung chính của tờ Mémorial, Mission de Quinhon sẽ được chuyển qua tờ Mémorial Indochinois, chỉ giữ lại phần tin thời sự của địa phận, các tin bổ nhiệm hay thông báo của Tòa giám mục“Như chúng tôi đã loan tin trước đây, tờ Mémorial số 157 (tháng 12 năm 1919) là số báo cuối cùng của bộ cũ (ancienne série) bắt đầu từ tháng 10 năm 1904. Đối với những loạt bài báo nhận được nhiều sự quan tâm trong các mục: vie spirituelle, nouvelles de l’extérieur, documents du Saint Siège, documents officiels sur l’Indochine (đời sống thiêng liêng, tin ngoại bộ, tài liệu Tòa thánh, tài liệu chính thức về Đông Dương), thì tờ Mémorial Indochinois, mà các thừa sai và một phần ba các linh mục bản xứ đã đặt mua, sẽ thay thế cho đàn anh của mình cách ích lợi hơn. Vì thế, từ nay chúng tôi sẽ chỉ in một vài trang những ý kiến và tin tức đặc biệt liên quan đến địa phận Qui Nhơn. Tập báo nhỏ này được xuất bản hầu như mỗi tháng, không hẳn là báo định kỳ.

Dưới tiêu đề chung là “Actes et avis officiels” (những văn kiện và ý kiến chính thức), các linh mục trong địa phận sẽ tìm thấy trong đó là các bổ nhiệm, các ý kiến, những thông tin của Tòa giám mục. Kế đến là một chỉ dẫn ngắn thông báo, nếu có, những Văn kiện của Tòa thánh[12] và những quyết định thực tế của các Thánh bộ ở Rôma mà bản văn và các tài liệu thường sẽ in trong tờ Mémorial Indochinois. Đây sẽ là phần chính thức của tờ phụ trương này (supplément). Phần thứ hai, không chính thức, sẽ có những tin về những người vắng mặt hay đau yếu, kế đến là phần tin thời sự trong địa phận. Chúng tôi cám ơn trước quý độc giả, đặc biệt là những người ở các tỉnh xa, sẵn lòng gởi đến trung tâm chúng tôi vài tin tức về các địa sở. Một hai hàng thêm vào ở phần tái bút trong các thư gởi về tòa giám mục, sở quản lý hay nhà in, cũng đủ để thông báo một vài sự kiện thú vị cho mọi người. (Không cần phải nhắc lại là tờ phụ trương này chỉ dành riêng cho các linh mục trong địa phận chúng ta)”.[13]    

Và số đầu tiên, “Numéro 1”, trong bộ mới (nouvelle série) phát hành ngày 12 tháng 2 năm 1920, (Mémorial, Mission de Quinhon, Nouvelle série – N1 – 12 Février 1920) chỉ vỏn vẹn có 5 trang; số tiếp theo phát hành ngày 15 tháng 3 (Mémorial, Mission de Quinhon, Nouvelle série – N2 – 15 Mars 1920) cũng chỉ được 7 trang, trong khi số cuối cùng của bộ cũ phát hành ngày 30 tháng 12 năm 1919 (Mémorial, Mission de Quinhon, – No 157  –30 Décembre 1919) có đến hơn 30 trang với đầy đủ các mục: Avis et communion – Actes du St. Siège – Liturgie – Poésie – Documents de l’Officel – La Foire de Hanoi – Comptes religieux – Chronique – Nécrologe.

Tầm quan trọng của báo chí trong công cuộc truyền giáo không hề được xem nhẹ trong bối cảnh ngành in ấn mới ở mức “kém phát triển” như xếp loại của Việt Nam thời bấy giờ, Đức cha Grangeon chẳng những đã sáng lập nên một tờ báo mới mà còn khuyến khích cổ vũ hoạt động báo chí đã có trong địa phận. Ngài viết: “Báo “Trung Hòa” được Tòa thánh ban khen và chúc phước lành cho những đấng gầy dựng, những vị cổ động, những kẻ giúp lo cách nào cho tờ báo ấy được phát đạt. Lời ban khen và chúc phước ấy ban ra ngày 23 Février 1924. Ấy Tòa thánh biết rõ các tờ báo có đạo rất làm ích cho nhơn dân, nên khi nghe nơi nào xuất bản đăng báo có đạo, thì vui mừng ban khen và chúc phước. Vậy ta hãy tận lực giúp các tờ báo có đạo trong nước Nam ta, ít nữa là giúp cho “Lời Thăm” và tờ “Mémorial” là của riêng địa phận ta, hầu mở mang việc truyền giáo trong bổn xứ.… Vả chẳng phải là viết các việc lạ, song cần nhứt là viết về việc phong hóa đặng tấn ích cho giáo nhơn, cùng những lời dạy dỗ khuyên răn hầu mọi người được nhờ phần rỗi”.[14]

Chiến tranh thế giới lần I đã khiến cho nguồn giấy bị thiếu hụt nên khổ báo được thu nhỏ lại: “Nhiều người có lý do để tiếc nuối rằng tờ Mémorial không giữ được khổ báo trước đây, cho phép đóng tập đồng bộ hơn. Đây là điều bất khả thể vì cơn “khủng hoảng giấy”. Với một sự điều chỉnh nhỏ, lúc đóng bìa, ta có thể phần nào tránh được sự bất tiện này. Nhiều anh em đồng sự đề nghị mục “Avis et Communications” (ý kiến và thông tin) nên đặt ở đầu cuốn Mémorial. Số báo này đã làm thỏa mãn ước muốn này.”[15]

Tờ Mémorial, Mission de Quinhon đình bản với số tháng 11-12 năm 1953, dù rằng không thể phát hành liên tục trước và trong thời gian kháng chiến bắt đầu từ năm 1946. Các số báo trong những năm cuối cùng không còn hàng chữ “Imprimerie de Quinhon” như thường lệ ở cuối tập nữa. Có thể nói kể từ thời gian này trở đi, khi nhà in đã bị “trưng dụng”, thì danh xưng “Imprimerie de Quinhon” không còn chủ thể chính danh, do đó, không tồn tại nữa vì không thuộc quyền quản lý của bản quyền Địa phận.
 
[1] Henri Cordier, Bibliotheca indosinica, Dictionnaire bibliographique des ouvrages relatifs à la péninsule indochinoise, Vol. III. - 1914, tr. 1938.
[2] Trong “Dự thảo mục lục báo chí Công giáo Việt Nam”, Hành trình 100 năm báo chí Công giáo Việt Nam, tác giả Lê Đình Bảng đã xếp tờ Mémorial ở vị trí thứ 8 khi cho rằng năm phát hành số đầu tiên là 1927 (tr. 149). Vị trí thứ 1 thuộc về tờ Nam kỳ địa phận, phát hành năm 1908 (tr. 143), trong khi Mémorial de Quinhon phát hành năm 1904. Tờ Lời thăm các thầy giảng (tiền thân tờ Lời Thăm) được xếp thứ 5 (tr. 146) với năm phát hành là 1921, trong khi số đầu tiên phát hành ngày 20/9/1919.
[3] Xem “Entre Nous”, Supplément số 5 (Mai 1922), Bulletin MEP, Mai 1922.
[4] Mémorial, Mission de Quinhon, No 66, 5 Aout 1910.
[5] Mémorial, Mission de Quinhon, No 57, 30 Septembre 1909, tr. 144
[6] Mémorial, Mission de Quinhon, 20 Février 1916, tr. 8
[7] Mémorial, Mission de Quinhon, Mars 1924, tr. 33
[8] Mémorial, Mission de Quinhon, 30 Mars 1917, tr. 24
[9] Mémorial, Mission de Quinhon, 10 Décembre 1917, tr. 119
[10] Mémorial, Mission de Quinhon, Janvier 1924, tr. 12
[11] Mémorial, Mission de Quinhon, 30 Juillet 1917, tr. 43
[12] Chẳng hạn ở trang 3 trong số đầu tiên của bộ mới này (N1 – 12 Février 1920) đã thông báo ngắn gọn rằng: “bức “tông thư” quan trọng về truyền giáo đã xuất hiện trong N của tờ Mémorial Indochinois”.
[13] Mémorial, Mission de Quinhon, 12 Février 1920, tr. 1-2.
[14] Mémorial, Mission de Quinhon, Juin 1924, tr. 80
[15] Mémorial, Mission de Quinhon, số 157, 30 Décembre 1919.





Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
Nguồn: gpquinhon.org/ 






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét