Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Năm, 26 tháng 5, 2022

Tổng quan về tiến trình văn học Công giáo Việt Nam (Phần 2) - Tác giả: Bùi Công Thuấn

 

  • PHẦN II
    “THỜI KỲ KHAI MỞ VĂN HỌC HIỆN ĐẠI”
    (đầu thế kỷ XX đến 1975)
  • 1.Bối cảnh lịch sử, văn học
  • TRUYỆN
  • CA VÃN
  • THƠ
  • TUỒNG, KỊCH
  • BÁO CHÍ CÔNG GIÁO

PHẦN II
“THỜI KỲ KHAI MỞ VĂN HỌC HIỆN ĐẠI”
(đầu thế kỷ XX đến 1975)

1.Bối cảnh lịch sử, văn học


Từ khi Thực dân Pháp nổ tiếng súng xâm lược nước ta (1858), bối cảnh lịch sử, chính trị, tôn giáo đã chuyển sang một giai đọan khác: giai đọan chống ngoại xâm giành độc lập. Giai đoạn này khởi đi từ phong trào Cần Vương đến phong trào Cách mạng (Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Ái Quốc, Nguyễn Thái Học…) và Cách mạng tháng Tám 1945 thành công.

Giai đoạn này thực dân Pháp đánh chiếm, bình định và khai thác thuộc địa. Chúng đặt ách thống trị, đàn áp các phong trào yêu nước, khai thác sức người, sức của làm bần cùng hóa dân tộc Việt mà nạn đòi năm Ất Dậu 1945 làm hơn hai triệu người dân Việt Nam chết đói là hậu quả tất nhiên. Đồng thời chúng cũng áp dụng những chính sách văn hóa gọi là “khai hóa văn minh” thực chất là xâm lược và nô dịch.

Về phía Giáo hội Việt Nam, tinh thần dân tộc là cốt lõi cho mọi hoạt động tôn giáo. Hai Giám mục tiên khởi người Việt là Giám mục GB Nguyễn Bá Tòng (1868-1949) thụ phong Giám mục năm 1933 và Giám Mục Giuse Đaminh Hồ Ngọc Cẩn (1876-1948) thụ phong Giám mục năm1935.

Văn học dân tộc từ 1858 chuyển sang văn học yêu nước chống ngoại xâm (1858-1900) tiêu biểu là Nguyễn Ðình Chiểu, Phan Văn Trị, Nguyễn Thông, Nguyễn Quang Bích,…tiếp theo là văn học yêu nước và cách mạng với Phan Bội Châu, Phan Chu Trinh, Nguyễn Ái Quốc, Huỳnh Thúc Kháng, Ngô Đức Kế.
Sang thế kỷ XX, văn học Việt Nam bước vào tiến trình hiện đại hóa, tiếp nhận văn học phương tây về tư tưởng, thể loại, và thi pháp. Đặc biệt là sự phát triển của chữ Quốc ngữ, báo chí Quốc ngữ thúc đẩy sự phát triển của văn học Quốc ngữ. Nho học bị bãi bỏ. Nhiều trào lưu, khuynh hướng xuất hiện với tinh thần dân chủ phương Tây. Tiêu biểu là các tác giả: Hồ Biểu Chánh, Hoàng Ngọc Phách, Phạm Duy Tốn, Tản Đà, phong trào Thơ Mới (Thế Lữ, Xuân Diệu, Huy Cận, Nguyễn Bính, Hàn Mạc Tử…). Văn xuôi với nhiều khuynh hướng: Khuynh hướng lãng mạn (Tự Lực văn đoàn…), khuynh hướng hiện thực (Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, Tam Lang…), văn học Cách mạng (Tố Hữu, thơ ca trong tù)…

Trong xu thế ào ạt hiện đại hóa của văn học dân tộc đầu thế kỷ XX, văn học Công giáo đi những bước tiên phong. Truyện Thầy Lazaro Phiền của P.J.B Nguyễn Trọng Quản (1887) được coi là tiểu thuyết Quốc ngữ đầu tiên ở Việt Nam viết theo lối Tây. Tuồng Cha Minh (1881-viết về thánh Philipphê Phan Văn Minh) bằng chữ quốc-ngữ đầu tiên là một "vở kịch nói kiểu tây-phương hoàn chỉnh”. Hàn Mạc Tử là người đã góp phần hiện đại hóa thơ Việt từ truyền thống đến hiện đại. Tuần báo Nam Kỳ địa phận (1908-1945) là tờ báo Công giáo đầu tiên góp nhiều giá trị vào báo chí Quốc ngữ đương thời.

Theo Nt Đinh Thị Oanh, Nam Kỳ địa phận qui tụ một “ê kíp” nhà văn vừa hùng hậu, vừa uy tín: Matthêu Hồ Tấn Đức, Jacques Lê Văn Đức, Nguyễn Hữu Bài, Hồ Ngọc Cẩn, Huỳnh Tịnh Hướng, Nguyễn Văn Thích, Lê Thiện Bá (Phêrô Nghĩa), Trần Văn Trang, Nguyễn Bá Tòng, Paul Vàng, Antoine Phi, Gabriel Hữu, Phaolô Qui, Phaolô Đạt, Nguyễn Cang Thường, Bá Đa Lộc Linh Đài, P.Đỗ Thới Của, Hồng Lam, An Phang, E.Thành Thông, Paul Tạo, Nguyễn Ngọc Quang, Francois Hữu Tâm, P.Nguyễn Hữu Lượng, F.X. Lê Vĩnh Khương,…, và “Từ truyện đầu tiên Truyện ông Gioang Ngô Kim Thạch đăng năm 1916 cho đến tiểu thuyết Tiếng oanh năm 1942, báo Nam Kỳ địa phận đã có gần 20 tác phẩm của hơn chục tác giả. Các tác phẩm này, bên cạnh những đặc điểm chung của truyện và tiểu thuyết Nam Bộ, đã có những nét đặc sắc riêng do được các nhà văn Công giáo sáng tác”[[1]]

Trong Văn học Công giáo Việt Nam-Những chặng đường, nhà nghiên cứu Lê Đình Bảng gọi văn học Công giáo thế kỷ XX là “Chặng đường đơm hoa kết trái”. Ông giới thiệu các loại tác phẩm: Thánh kinh-Phúc âm diễn ca; Phụng vụ, Giáo lý, Kinh nguyện, Tu đức; Thần học, Triết học; Văn kiện, Thư chung, Thư luân lưu, Thông cáo; Giáo sử, niên giám,Kỷ yếu, Lịch Công giáo; Tự điển, Từ điển, Ngôn ngữ, Biên khảo văn học; Truyện, Ca vãn, Thơ, Tuồng kịch, Thánh nhạc; giới thiệu thư viện Hội đồng Giám mục Việt Nam (tr.255).

Theo tôi, chỉ các tác phẩm Truyện, Ca Vãn, Thơ, Tuồng kịch và Biên khảo văn học là tác phẩm văn học (với cách hiểu: Văn học là khoa học nghiên cứu văn chương). Những tác phẩm loại khác mà Lê Đình Bảng giới thiệu gọi chung là văn hóa phẩm. Đó là loại văn công cụ, văn nhật dụng, không phải văn chương (văn nghệ thuật, Fiction).

Xin lược qua tiến trình văn học Công giáo ở một vài thể loại:

TRUYỆN

Lê Đình Bảng giới thiệu các tác giả:

Gillbert Trần Chánh Chiếu (1867-1919), Jacque Lê Văn Đức (1887-1947); Phêrô Nghĩa (Lm Philipphê Lê Thiện Bá. 1891-1981). Cung Giũ Nguyên (1909-2008); Lm Nguyễn Duy Tôn (1919-1976). Nguyễn Duy Diễn (1920-1965); Lm Hán Chương Vũ Đình Trác (1927-2003); Hà Châu

Nhà nghiên cứu Nguyễn Vy Khanh trong chuyên luận Đôi nét về văn học Công giáo Việt Nam giới thiệu thêm tác giả:[[2]] Bùi Hoàng Thư; Thảo Trường; Quyên Di; Đường Phượng Bay

Nhà nghiên cứu trẻ Nt Bích Hạt ghi thêm tên nhà văn nữ Nguyễn Thị Thanh Huệ (bút danh Hoàng Lan).

Rất tiếc nhà nghiên cứu Lê Đình Bảng, Nguyễn Vy Khanh và Nt Bích Hạt không phân tích rõ tác phẩm nào là tiểu thuyết Công giáo. Cho nên trong danh mục tác giả Công giáo, có nhiều tác phẩm không phải là “văn học Công giáo”.

Thí dụ:

Trường hợp Thụy An với tiểu thuyết Một linh hồn. Các nhà nghiên cứu đều đưa vào danh mục nhà văn Công giáo. Thực tế, Thụy An cuối đời quy y cửa Phật và Một linh hồn chỉ là tiểu thuyết tình cảm, kiểu truyện “Tình chỉ đẹp khi còn dang dở”, lấy bối cảnh Công giáo (thay cho bối cảnh chùa chiền trong truyện của Khái Hưng).

Đường Phương Bay viết chuyện tình cảm của giới tu hành (một kiểu thời thượng câu khách).

Về tác phẩm của Thảo Trường, nhà phê bình Đặng Tiến cho biết: Trong tác phẩm Thử Lửa (1962), Người Đàn Bà Mang Thai Trên Kinh Đồng Tháp (1966), Thao Trường trực tiếp đề cập đến chính trị… Khi sang Mỹ đoàn tụ với gia đình 1993, Thảo Trường tiếp tục viết. Anh cũng mô tả nhiều cảnh oái oăm của xã hội Việt Nam sau 1975, hay cảnh sống của người Việt định cư tại Hoa Kỳ[[3]].

Nhà văn nữ Nguyễn Thị Thanh Huệ chỉ viết tác phẩm thế tục để kiếm sống và nuôi con. Bà có 40 tiểu thuyết và tập truyện. Từ sau những tập truyện ngắn, bà bắt tay vào viết tiểu thuyết nhiều tập kiểu “ngôn tình” ăn khách với bút danh Hoàng Lan [[4]].

CA VÃN


Lê Đình Bảng giới thiệu tên 58 tác phẩm. Thí dụ : Vãn cha Minh, Vãn Lái Gẫm tữ đạo của Paulus Của 1902, Huấn tử ca của Lê Thiện Bá. 1938 ; Trường ca Anrê Phú Yên của Trăng Thập Tự. 1976 ; Phúc âm nhất lãm diễn ca của Long Giang Tử.1977 ; Sứ điệp tình thương (Phúc âm diễn ca) của Nguyễn Xuân Văn 1998.

THƠ


Lê Đình Bảng giới thiệu tên 46 nhà thơ: Mai Lão Bạng (1870-1942), Quận công Nguyễn Hữu Bài (1863-1935), Giám mục Đaminh Hồ Ngọc Cẩn (1876-1948), Lm Giuse Maria Nguyễn Văn Thích (1891-1979), Mai Lâm (1915-1992), Tống Việt Toại (1875-1958), Phạm Đình Tân (1913-1992), Giang Long Tử (1920-1990), Lm Lê Thiện Bá (4891-1981), Lm Giuse Trần Văn Trang (1882-1945). GM GB Nguyễn Bá Tòng (1868-1944), GM Giacôbê Nguyễn Ngọc Quang (1909-1990), Nguyễn Duy Diễn (1920-1965), Đỗ Đình (1909-1970), Bùi Tuân (1913-1966), Lm Vũ Đức Trinh (1918-1964), Lm Vũ Đình Trác (1927-2003), Lm Nguyễn Xuân Văn (1922-2002), Lm Hoàng Kim (1930-1985), Hồ Dzếnh (1916-1991), Bàng Bá Lân (1912-1988), Hàn Mạc Tử…(tr. 338, đd)

Lê Đình Bảng giới thiệu thêm: (tr 339) Võ Long Tê, Phạm Đình Khiêm, An Sơn Vị, Cao Vĩnh Phan, Xuân Ly Băng, Hoàng Diệp, Trương Đình Hòe, Mai Thành, Trăng Thập Tự, Đơn Phương, Nguyễn Tầm Thường, Đinh Cao Thuấn, Phạm Châu Diên, Bách Huyền, Nhất Tuấn, Từ Khang yến, Thanh Huệ, Xuân Thu, Hoàng Khánh, Lý Thụy Ý, Diệp Đình, Đình Quang, Minh Quân, Phanxicô… «và còn biết bao nhiêu thi nhân đã và đang miệt mài sáng tác, dùng thi ca như một lời kinh nguyện cầu, đem thiên Chúa đến gần mọi người hơn bằng ngôn ngữ và hơi thở đương đại của đời sống đức tin lòng đạo »

Trong bộ sách Có một vườn thơ đạo do Trăng Thập Tự chủ biên (gồm 5 cuốn, 2430 trang) giới thiệu và trích tuyển thơ của 183 tác giả thơ Công giáo suốt từ thời Hàn Mạc Tử (1912) đến nay.

Bộ sách Ở thượng nguồn thi ca Công giáo Việt Nam gồm 6 cuốn (4.088 trang) in năm 2009, Lê Đình Bảng đã giới thiệu và trích tuyển thơ của 76 tác giả từ thế kỷ XVI đến 2009. Ông sắp xếp vào các “miền thơ”: Miền thơ Phúc Âm diễn ca, Miền thơ trong kinh nguyện, Miền thơ Kinh cầu nguyện, Miền thơ Huấn ca, Miền thơ trong thánh nhạc, thánh ca, Miền thơ trong ký ức dòng đời.

Xem ra, nói như Lê Đình Bảng rằng: “còn biết bao thi nhân” Công giáo…

Tôi hoài nghi điều này. Ngoại trừ một vài tên tuổi, còn lại hầu hết các “thi nhân” mà Lê Đình Bảng giới thiệu chỉ là “nhà thơ phong trào”, sáng tác theo quán tính bắt chước, không sáng tạo, không cá tính và không để lại dấu ấn. Rất rõ ràng là trên văn đàn thi ca dân tộc, ngoài một vài khuôn mặt như Hồ Dzếnh, Bàng Bá Lân, Hàn Mạc Tử, còn lại không một “thi nhân” nào được lịch sử thi ca dân tộc ghi tên.

Trong danh sách được giới thiệu, có người là người Công giáo nhưng không phải “nhà thơ Công giáo” “dùng thi ca như một lời kinh nguyện cầu, đem thiên Chúa đến gần mọi người ». Xin đơn cử một vài trường hợp:

Thơ của Mai Lão Bạng (bài Lão Bạng phổ khuyến thư) là thơ của người chiến sĩ cách mạng trong phong trào Duy Tân, Đông Du.

Thơ của Quận công Nguyễn Hữu Bài (Thơ Nôm Phước Môn 120 bài thơ Nôm) là thơ thế sự, thơ của một người yêu nước. Năm 1922 vua Khải Định sang Pháp, cụ Bài đã viết: Hộ giá đi Tây; Giá ngự ở Paris; Viếng Đài kỷ niệm Nogent sur Marne; Đi coi chiến trường Verdun; Xem Triển Lãm Marseille vân vân.

Lý Thuỵ Ý nổi tiếng ở Sài gòn với những bài thơ “Lính mà em”, viết về người lính Cộng hòa. Nhà thơ này có vài bài nói đến Chúa như một mốt thời thượng, hoàn toàn không sáng tác để “đem Thiên Chúa đến gần mọi người”. Xin đọc: Thượng đế và em, Eve, Trái táo Eve…

Một trường hợp khác là: “thi nhân” Đơn Phương. Tác giả này ái mộ Hàn Mạc Tử nên viết tiếp Quần Tiên Hội của họ Hàn. Vì đồng bệnh với họ Hàn nên Đơn Phương viết những bài như: Vu vơ; Dại quá! Xin chừa; Khở lòng chưa; Ta đem mai táng; Nói chuyện nhau dưới mồ; Gởi lại mai sau; Trời chớm sang thu. Năm 2012 ông qua đời ở tuổi 72. Tôi không thấy thơ ông “đem Thiên Chúa đến gần mọi người” như Lê Đình Bảng giới thiệu.

Tôi ngờ rằng, vì không xác định thế nào là “nhà văn Công giáo”, thế nào là “tác phẩm văn học Công giáo” nên người sưu tập đã đưa tất cả các tác giả Công giáo (người đã chịu Phép Rửa) vào danh mục “nhà thơ Công giáo” mà không phân tích thơ, văn của họ có được sáng tác dưới ánh sáng tư tưởng Mỹ học Kitô giáo và Chủ nghĩa Nhân văn của Tin Mừng hay không? Mục đích sáng tác có phải là để loan báo Tin Mừng hay không, và họ có đóng góp gì mới mẻ về nghệ thuật cho tiến trình thi ca của dân tộc?

TUỒNG, KỊCH


Nhà nghiên cứu Lê Đình Bảng giới thiệu tên 20 vở tuồng kịch Công giáo đầu thế kỷ XX như: Tuồng Chơn phước Năm Thuông tử đạo của Tôma Trí (1910); Tuồng thương khó của GB Nguyễn Bá Tòng (1912); Tuồng Bảy mối tội của Hồ Ngọc Cẩn (1922); Tuồng Sébastien tử đạo (1922)…

Nhà nghiên cứu Nguyễn Vy Khanh đã giới thiệu Tuồng Cha Minh (1881), Tuồng Joseph (xuất-bản 1888) của Trương Minh Ký (tác-giả ngoài công giáo) [[5]]…

Nhà nghiên cứu-Ths Lê Thị Hà giới thiệu: trước 1945 có khoảng 20 vở tuồng Công giáo như Cêcilia Tuồng, Chúa Hài Đồng, Đavid Thánh Vương Nhứt Tấn, Gioang Lều Nhứt Tấn, Tuồng Đức Mẹ Lộ Đức, Tuồng Joseph, Tuồng Thương khó…Theo đó, vở tuồng có niên đại sớm nhất là Tuồng Joseph (1888); đến các vở như Cêcilia Tuồng, Đavid Thánh Vương Nhứt Tấn, Gioang Lều Nhứt Tấn xuất bản năm 1899, cùng được in trong tập Vãn và Tuồng của nhà in Sàigòn, Impr. de la Mission, 1899. Vở tuồng được in muộn nhất là Tuồng Đức Mẹ Lộ Đức, kỷ niệm đệ nhất bách chu niên Đức Mẹ hiện ra tại Lộ Đức (1858), tác giả Vũ Hòa Đức, do nhà sách Thánh Gia in năm 1959…(nguồn: Hướng đến 400 năm văn học Công giáo Việt Nam. tr 523)

BÁO CHÍ CÔNG GIÁO


Nhà nghiên cứu-Nt Đinh Thị Oanh cho biết: “làng báo Công giáo đã xuất hiện Thánh Giáo Tuần Báo Bắc Kỳ (1920), Trung Hòa Nhật Báo (1923), Lời thăm (1922), Công giáo Đồng thinh (1927), SacerdosIndonensis (1927),… trong đó tờ Nam Kỳ Địa Phận (1908) là đáng kể nhất” (Khái lược Nam Kỳ địa phận-Nt Đinh Thị Oanh, đd)

Ts Phạm Huy Thông trong bài “Diện mạo của báo chí Công giáo ở Việt Nam”[[6]] cho biết: trước 1945 “Hầu như giáo phận nào, dòng tu nào cũng ra báo”. Nam Kỳ địa phận (1908), Trung Hoà nhật báo (Hà Nội) tồn tại 22 năm từ tháng 9- 1923 đến 1945; tờ Văn côi (Nam Định), Thánh thể báo (Phát Diệm-ra đời năm 1919), nguyệt san Sancerdos Indosinensis (Huế) do linh mục Cadiere Cả phụ trách, xuất bản ngày 19-3-1927. Tờ tam nhật tuần báo Vì Chúa của linh mục G.M Thích xuất bản năm 1936 ở Huế, bằng cả quốc ngữ, Hán văn và Pháp văn, phát hành ra cả nước ngoài. Dòng Đa minh có tờ Đa minh, dòng Chúa Cứu thế Hà Nội có tờ Đức Mẹ hằng cứu giúp (năm 1929), dòng Đa minh Hải Phòng có tờ Hy vọng (năm 1937)…

Sau cách mạng tháng 8-1945, hầu như tất cả các tờ báo Công giáo đều đóng cửa. Miền Bắc chỉ còn tờ Chính nghĩa của Uỷ ban Liên lạc Công giáo ra đời từ năm 1955.

Sau năm 1954, tại miền Nam, báo Công giáo bắt đầu hồi phục và phát triển mạnh. Khó mà có thể kể tên hết các tờ báo Công giáo thời kỳ này nhưng hầu như các dòng tu, hội đoàn, trường học Công giáo đều có tờ báo riêng. Sau ngày 30-4-1975, hầu hết các tờ báo Công giáo trên đây đều đóng cửa hoặc di tản ra nước ngoài. Chỉ có tờ Công giáo và dân tộc từ Pháp trở về và hoạt động tại Sài Gòn từ ngày 10-7-1975.

***

Nhìn chung, văn học Công giáo “khai mở thời kỳ hiện đại”, giai đọan đầu thế kỷ XX đến 1945, có sự phát triển mạnh mẽ và đi những bước tiên phong về tiểu thuyết, tuồng kịch và thi ca. Các thể Diễn ca, huấn ca, truyện các thánh của thời kỳ trước tiếp tục phát triển. Đáng kể là tiểu thuyết có yếu tố Kitô giáo (truyện Thầy Laza rô Phiền của Nguyễn Trọng Quản, Đôi bước lưu ly, Cha giết con của Phêrô Nghĩa-Lê Thiện Bá; Những ngày đẫm máu của Nguyễn Duy Diễn, tiểu thuyết đầu tiên về các thánh tử đạo Việt Nam…) và thơ Hàn Mạc Tử.

Giai đoạn sau (từ 1945 đến 1975) là 30 năm chiến tranh vệ quốc. Ở miền Bắc, giai đoạn này, Giáo hội sống thầm lặng. Văn thơ Công giáo rất hiếm hoi (ngoại trừ bài thơ Tha La xóm đạo của Vũ Anh Khanh, in năm 1950 và các bài Nhớ trăng rằm quê Mẹ; Rồi mùa kháng chiến thành công (1952) của Đình Hòe in trong “tuyển tập thơ của giáo phận Vinh” năm 2004 ). Ở miền Nam tiếp tục những gì đã đạt được ở giai đoạn trước, truyện và thơ vẫn theo dòng văn học Lãng mạn trước 1945.

***

[1] Nt Đinh Thị Oanh-Khái lược Nam Kỳ Địa Phận: Tờ báo Công giáo đầu tiên ở Việt Nam
https://dongtrinhvuongsaigon.org/vi/news/sach-hay/tuan-bao-nam-ky-dia-phan-916.html

[2] Nguyễn Vy Khanh-Đôi nét về văn học Công giáo Việt Nam

[3] Đặng Tiến-Nhà văn Thảo Trường
http://www.art2all.net/tho/dangtien/dt_thaotruong2.htm

[4] Đăng Huỳnh: Nhà văn 83 tuổi kể chuyện “Biến khỏi thành phố”
https://baocantho.com.vn/nha-van-83-tuoi-ke-chuyen-bien-khoi-thanh-pho--a118238.html

[5] Nguyễn Vy Khanh-Vài Ghi Nhận Về Kịch
https://www.vanchuongviet.org/index.php?comp=tacpham&action=detail&id=16771

[6] Phạm Huy Thông - “Diện mạo của báo chí Công giáo ở Việt Nam
http://www.vietcatholicnews.net/News/Html/67554.htm

(còn nữa)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét