Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Bảy, 6 tháng 11, 2021

THỰC HƯ CÓ GIÁO SĨ I-NÊ-XU LÉN TRUYỀN GIÁO Ở ĐẠI VIỆT NĂM 1533

 

Xưa nay nhiều tài liệu giáo sử cho rằng năm 1533 có giáo sĩ I-nê-xu (hay I-nê-khu, I-ni-khu) đến truyền giáo tại Ninh Cường, Quần Anh huyện Nam Chân, và Trà Lũ huyện Giao Thủy, thuộc tỉnh Nam Định ngày nay. Từ đó, năm 1533 được nhiều nhà sử học Công giáo Việt Nam chọn là năm khởi đầu lịch sử truyền giáo của Giáo Hội Công Giáo Việt Nam. Giáo sĩ I-nê-xu thuộc dòng tu nào ? Thực hư việc ông đến Đại việt  truyền giáo vào năm 1533 ?
         
1. Một số sự kiện

Bộ Đại Việt Sử Ký Toàn Thư (được biên soạn xong năm 1697), cho biết vào năm 1663 Lê Huyền Tông (1663-1671) cấm đạo Hoa Lang[1] truyền bá ở nước ta:
“Mùa đông, tháng 10 [1663], cấm người trong nước học đạo Hoa Lang. Trước đây, có người nước Hoa Lang vào ở nước ta, lập ra đạo lạ để lừa phỉnh dân ngu. Bọn đàn ông, đàn bà ngu dốt nhiều kẻ tin mộ. Trường giảng đạo người ở hỗn tạp, trai gái không phân biệt. Trước đã đuổi người giảng đạo đi rồi mà sách đạo và nơi giảng hãy còn, thói tệ chưa đổi. Đến đây lại nghiêm cấm”.[2] Đại Việt Sử Ký không nói đến mốc điểm đạo Hoa Lang được truyền vào Đại Việt.
Bộ Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục[3] nhắc lại thông tin của Đại Việt Sử Ký Toàn Thư về việc Lê Huyền Tông cấm đạo Hoa Lang năm 1663, đồng thời còn thêm lời giải thích về mốc điểm đạo Hoa Lang được truyền vào Đại Việt:

Tháng 10, mùa đông [1663]. Nhắc rõ lệnh cấm người theo tả đạo Gia tô : Trước đây, có người Tây Dương gọi là Hoa lang di, vào ở trong nước ta đem đạo dị đoan của Gia tô lừa dối dụ dỗ làm ngu muội dân chúng, những người quê mùa nông nổi phần nhiều tin mộ đạo ấy, họ lập tòa giảng nghe giảng đạo, sự mê hoặc đắm đuối mỗi ngày càng sâu rộng. Trước đã hạ lệnh đuổi người truyền đạo ấy đi, nhưng còn bọn tiểu nhân thấm sâu vào tập tục ấy chưa thay đổi được, nên đến nay lại hạ lệnh cấm. Lời chua: - Gia - tô: Theo sách Dã Lục, thì ngày tháng 3 năm Nguyên Hòa thứ nhất (1533) đời Lê Trang Tông, người Tây Dương tên là Y-nê-xu lén lút đến xã Ninh Cường, xã Quần Anh huyện Nam Chân và xã Trà Lũ huyện Giao Thủy, ngấm ngầm truyền giáo về tả đạo Gia tô.” [4] Theo chú thích, thì Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục cho biết thông tin này được trích từ dã lục, nghĩa là từ những nguồn tin của tư nhân trong dân gian, không phải nguồn tin chính thống được các sử quan biên soạn.[5]
Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục lập lại mốc điểm đạo Gia tô được truyền vào Đại Việt nhân việc chúa Trịnh Doanh cấm đạo vào năm 1754, thời Lê Hiển Tông (1740-1786):

“Tháng 9, mùa thu [1754]. Lại cấm tả đạo Hòa Lan.  Trước kia, vào khoảng năm Nguyên Hòa (1533-1548) đời Lê Trang Tông, Y-Nê-Xu, người Tây Dương, mới đem đạo ấy vào vùng ven biển, thuộc huyện Giao Thủy, huyện Nam Chân, lén lút truyền giáo, gọi là "đạo thiên chúa" cũng gọi là "Thập tự giáo". Giáo lý này dùng thiên đường địa ngục để phân biệt báo ứng về điều thiện, điều ác, cũng gần giống đạo Phật, có thêm vào thuyết xưng tội, rửa tội nữa. Họ ngày đêm dụ dỗ, lừa dối, những người ngu xuẩn quê mùa bị họ làm mê hoặc đắm đuối, dầu có lệnh cấm, chết cũng không bỏ. Khoảng năm Cảnh Trị (1663-1671) và Chính Hòa (1680-1704), triều đình đã nhiều lần ra cấm lệnh rõ ràng, nhưng vì lòng dân bị che lấp đã lâu, rút cuộc không thay đổi được. Đến nay lại bàn cấm đoán nghiêm ngặt hơn, nhưng cũng không thể nào ngăn cấm được”.  Với lời Lời chua-Tả đạo Hòa Lan: Tức tả đạo Hoa Lang, xem Huyền Tông, năm Cảnh Trị thứ nhất (Chb. XXXIII, 5, 6). [6]

2. Nguồn lịch sử về sự kiện một người Tây dương đến truyền đạo ở Đại Việt vào năm 1533.
- Theo Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục thì sự kiện ấy “Theo sách Dã Lục, thì ngày tháng 3 năm Nguyên Hòa thứ nhất (1533) đời Lê Trang Tông, người Tây Dương tên là Y-nê-xu lén lút đến xã Ninh Cường, xã Quần Anh huyện Nam Chân và xã Trà Lũ huyện Giao Thủy, ngấm ngầm truyền giáo về tả đạo Gia tô ”.
- Hai tác giả Chu Thiên và Đinh Xuân Lâm trong bài viết tựa đề “Tây Dương Gia tô bí lục, một tài liệu lịch sử quý giá nêu cao tinh thần yêu nước chống xâm lược” đã viết: “Về mốc lịch sử đầu tiên của đạo Gia tô ở nước ta, tác giả [Tây dương Gia tô bí lục] viết: “Đời Trang-tông Du hoàng đế năm Quý tỵ, năm đầu niên hiệu Nguyên-hòa, Y-nê-khu lén lút đến ẩn nấp ở làng Ninh-cường…”.
Hai tác giả viết tiếp: “
Chẳc chlà sách Khâm định Việt sử Thông giám cương mục của Quốc sử quán triều Nguyễn đã căn cứ vào đấy, nên mi chua : Lê Trang-tông, niên hỉệu Nguyên- hòa năm đầu, có người Tây là Y-nê-khu lén vào truyền giáo  các làng Quần-anh, Ninh- cưng, huyện Nam-chân (tức Nam-trực ngày nay) và các làng Trà-Iũ, huyện Giao-thủy, đều thuộc tỉnh Nam-định ngày nay”. V thời đim này, chúng tôi ngờ rằng chưa được đúng với sự thật và cn được nghiên cu thêmNhững sách cũ của các giáo sĩ Tây phương viết chưa có quyn nào xác minh công nhận. Theo chỗ chúng tôi biết thì thi kỳ này, miền Bắc còn thuộc nhà Mạc (Mạc Đăng Doanh) và trong các sách v truyền giáo của thời kỳ này, không thấy nói đến việc này.[7]
Trần Thanh Ái, tác giả bài viết “Người Bồ Đào Nha đến Đại Việt” đã viết: “ Khâm định Việt sử thông giám cương mục có ghi năm 1533 một người Tây dương tên là I-nê-xu, mà nhiều nhà nghiên cứu cho là phiên âm từ Inácio, đến truyền đạo tại Nam Định. Mốc thời gian này được Trương Vĩnh Ký, Nguyễn Hồng, Manguin, v.v. dẫn lại. Mặc dù sự việc trên chỉ được ghi lại trong dã lục, và không thấy tài liệu nào của Bồ Đào Nha ghi về việc truyền giáo trong giai đoạn này, nhưng không vì thế mà phủ định ghi chép trên, vì việc truyền đạo là một trong những nhiệm vụ được vua Bồ Đào Nha đề ra khi tổ chức các đoàn thám hiểm về phương Đông nối tiếp tinh thần thập tự chinh của những thế kỷ trước. Thật vậy, trong các chuyến hải hành, thường có các nhà truyền giáo tháp tùng cùng các đoàn thám hiểm và thương mại. Cũng chính vì thế mà ngay sau khi chiếm Malacca, dòng Saint-Dominique thành lập tỉnh dòng Sainte-Croix phụ trách các nước vùng Đông Ấn Độ.
Tuy nhiên, nhiều chi tiết cho phép nghĩ rằng dã lục mà Khâm định Việt sử thông giám cương mục sử dụng để nói về việc người Tây dương đến truyền đạo chính là tài liệu Tây dương Gia tô bí lục, vì các chi tiết liên quan đến việc các nhà truyền đạo Thiên chúa vào nước Đại Việt của hai tài liệu này trùng khớp với nhau hoàn toàn:
Nước ta về thời Hậu Lê đời vua Trang Tông Dụ hoàng đế, năm Quý Tị niên hiệu Nguyên Hòa thứ I (1533), giặc Tây sai giám mục khâm mạng là Ingatiô lẻn vào lén lút truyền đạo ở làng Ninh Cường, huyện Nam Chân.” (Tây dương Gia tô bí lục, 1981). [8] 
Trần Thanh Ái nêu lên một vài sự kiện liên quan đến sự kiện nêu trên trong Tây dương Gia tô bí lục rồi nêu quan điểm: “Các điều trên đây khiến người đọc phải nghi vấn về tính chính xác của nhiều chi tiết trong Tây dương Gia tô bí lục. Có thể là khi biên soạn (cuối thế kỷ XVIII), các tác giả đã dựa vào những hồi ức cộng đồng thuộc nhiều thế hệ (tính từ 1533 đến khi biên soạn tài liệu này thì hơn 260 năm) nên rất dễ có sự nhầm lẫn về thời gian, tên tuổi, và kể cả sự kiện. Cũng không loại trừ khả năng đó là kết quả của sự sáng tạo cá nhân được xây dựng trên nền lịch sử, như thường thấy trong nhiều tác phẩm du ký của châu Âu ngày xưa như bộ Peregrinaçào của Fernão Mendes Pinto. Chính vì thế mà nhiều nhà nghiên cứu gọi Tây dương Gia tô bí lục là truyện ký dã sử”.
Trần Thanh Ái viết tiếp: “Một giả định khác: nếu dã lục mà Khâm định Việt sử thông giám cương mục sử dụng không phải là Tây dương Gia tô bí lục mà là một tài liệu khác, không liên quan đến việc giảng đạo của các giáo sĩ dòng Tên, liệu có dòng truyền giáo nào khác đến Đại Việt năm 1533 không? ”. Đặt vấn đề và đưa ra một số sự kiện lịch sử, rồi tác giả đi đến kết luận: “Tóm lại, những chi tiết mà Khâm định Việt sử thông giám cương mục dẫn lại từ dã lục là không phù hợp với những dữ liệu lịch sử đã được xác nhận”. [9]
 - Linh mục Bùi Đức Sinh, O.P. khi đề cập đến sự kiện Khâm định Việt Sử thông giám cương mục đã viết về nhân vật và mốc điểm lịch sử truyền giáo ở Việt Nam, Linh mục Bùi Đức Sinh viết: “Giáo sĩ I-Nê-Khu là người nước nào và thuộc dòng tu nào? Không một sử liệu nào nói rõ. Có tác giả cho ngài là một linh mục dòng Đaminh Tây Ban Nha, nhưng cũng có tác giả khác nói I-Ni-Khu thuộc dòng Phanxicô hoặc dòng Tên quốc tịch Bồ Đào Nha.

Nếu giáo sĩ I-Nê-Khu là một cha dòng Đaminh thì không thể là cha Inigo de Santa Maria như sử gia Gispert đã muốn gán cho. Vì cha Inigo từ Manila sang Cao Miên năm 1604, rồi cùng năm ấy cha qua đời trên đường trở về Manila để xin thêm cán bộ truyền giáo. Như vậy nếu cha Inigo cũng có mặt ở đất Bắc hồi năm 1533 thì khi từ trần cha phải thọ cả 100 tuổi. Một linh mục đã già gần 100 tuổi, thiết tưởng không một bề trên nào sai đi từ Manila sang Cao Miên giảng đạo. Nhưng nếu không phải là cha Inigo de Santa Maria, thì có thể là một trong những thừa sai Đaminh Bồ Đào Nha, thuộc tỉnh dòng Thánh giá Đông Ấn, là tỉnh dòng đảm nhiệm công việc truyền giáo vùng Đông Nam Á bấy giờ.
Rất có thể I-Ni-Khu là một giáo sĩ dòng Phan sinh Bồ Đào Nha, vì các cha dòng này cũng như dòng Đaminh đã bắt đầu giảng đạo ở Á Đông từ thế kỷ XVI, nhất là những giáo sĩ thuộc hai quốc tịch Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha. Còn giả thuyết cho rằng I-Ni-Khu thuộc dòng Tên không thể chấp nhận được, vì thánh Inhaxu lập dòng năm 1540, nghĩa là sau sự kiện đã xãy ra đến 7 năm. Nói tóm, ngoài những chi tiết mà Khâm định Việt Sử kể lại, phải quyết định như Bonifacy rằng: “Người ta không biết gì hơn về vị giáo sĩ I-Ni-Khu”.[10]

- Sử liệu Dòng Phansinh Tây Ban Nha

Biên niên sử của Tỉnh dòng Phanxicô Tây Ban Nha và các tài liệu sử liên quan có nhắc đến thành viên của Tỉnh dòng là Linh mục Martin-Ignatio de Loyola, cháu thánh Ingatio de Loyola, trên chuyến hải trình khởi hành từ Macao đi Malacca vào ngày 31.12.1582, có ghé vào bờ biển Đại Việt nhưng không thể ở lâu vì phải đi Malacca. Trong thời gian ngắn lưu lại Đại Việt, cha ghi nhận người dân ở đây sẵn sàng đón nhận Tin Mừng và tha thiết xin được đón nhận Phép rửa… [11]

3. Nhận định:
Việc Khâm Định Việt Sử đã lấy nguồn từ Tây Dương Gia Tô Bí Lục
Một trong những lý do mà các nhà nghiên cứu nại vào để đưa ra quan điểm Khâm Định Việt Sử đã lấy nguồn từ Tây Dương Gia Tô Bí Lục về sự kiện I-nê-xu lén vào truyền giáo ở Đại Việt vào năm 1533 là dựa vào mốc điểm ra đời của hai tác phẩm và sự trùng hợp về chi tiết sự kiện. Tây Dương Gia Tô Bí Lục ra đời trước, được khởi thảo từ năm 1794[12] và được in năm Nhâm Thân, Gia Long 11 (1812).[13] Khâm Định Việt Sử được bắt đầu biên soạn theo lệnh vua Tự Đức từ năm 1856, viết xong 1881, khắc in 1884.[14]

Tuy nhiên, nếu Tây Dương Gia Tô Bí Lục được khởi thảo năm 1794 và được in năm 1812, thì tại sao trong bản Tây Dương Gia Tô Bí Lục được lưu giữ hiện nay, được dịch, được xuất bản, có những sự kiện lịch sử xảy ra sau khi tác phẩm ra đời ?. Chẳng hạn, sự kiện chiến tranh nha phiến giữa Anh và Trung Quốc xảy ra giữa thế kỷ 19 (1840 – 1843 và 1856 – 1860) được Tây Dương Gia Tô Bí Lục đề cập đến: “Năm thứ 20 (1840), vua Đạo Quang hạ lệnh cấm, kẻ nào hút trộm thì xử chém, tịch thu gia sản”.[15]
Vấn nạn nầy được Ngô Đức Thọ, dịch giả tác phẩm lý giải trong phần giới thiệu: “Ngoài phần chính văn, trong sách còn có nhiều ghi chú viết chữ nhỏ lưỡng cước… Điều đó cho thấy rằng trước đây Tây Dương Gia Tô bí lục đã được dư luận chú ý và từng có một vài người khác tham gia vào việc chú thích bình luận tác phẩm. Hơn thế, phải chăng trong định bản hiện nay phần nào còn có vai trò nhuận sắc, bổ sung của một trong những người khuyết danh, chẳng hạn ở đoạn nói về sự kiện chiến tranh thuốc phiện ở Trung Quốc? Điều đó hiện còn chưa rõ. Dẫu sao thì việc có một vài người khác đã tham gia bình luận chú thích, một bộ phận hợp thành của tác phẩm, là điều đã rõ. Vì vậy, chúng tôi cho rằng về tác giả Tây Dương Gia Tô bí lục, ngoài bốn người đã nói trên [Phạm Ngộ Hiên, Nguyễn Hoà Đường, Nguyễn Bá Am, Trần Trình Hiên], nên kể thêm sự đóng góp của một vài người khuyết danh ở nửa cuối thế kỷ XIX nữa”.[16]

Về tên gọi thừa sai Ingatio (I-Nê-Khu, Y-Nê-Khu, I-nê-xu):
Các Dòng Đaminh, Dòng Phan sinh Bồ Đào Nha, Dòng Tên, Dòng Phan sinh Tây Ban Nha là những Dòng có liên quan đến việc truyền giáo ở Á Đông từ thế kỷ XVI. Trong số các Dòng nầy có những thừa sai có tên gọi Ingatio. Tuy nhiên, hành trạng của thừa sai Ingatio có liên quan đến sự kiện năm 1533 mà Tây Dương Gia tô Bí Lục và Khâm Định Việt Sử nói đến, hiện chưa được tìm thấy trong các nguồn sử của các Dòng. Các tác giả viết sau này cũng chỉ căn cứ vào Khâm Định Việt Sử để nói về mốc điểm Kitô giáo được du nhập vào Việt Nam.

- Về mốc điểm năm 1533:
Căn cứ vào các sự kiện trong Tây Dương Gia tô Bí Lục như:
* Nơi bài tựa, tác giả viết “Viết vào tháng Hoa đào [tức tháng Hai] năm Giáp Dần, thời nhà Lê suy tàn”. Năm Giáp Dần là năm 1794, thuộc thời vua Cảnh Thịnh triều Tây Sơn. Tuy nhiên, tác giả không đề niên hiệu Cảnh Thịnh mà đề “nhà Lê suy tàn”.
* Tây Dương Gia Tô Bí Lục viết: “Nước ta về thời Hậu Lê đời vua Trang Tông Dụ hoàng đế, năm Quý Tị niên hiệu Nguyên Hòa thứ I (1533), giặc Tây sai giám mục khâm mạng là Ingatiô
 lẻn vào lén lút truyền đạo ở làng Ninh Cường, huyện Nam Chân”. Thực ra năm 1533, Nguyễn Kim, một cựu võ tướng của nhà Lê không thần phục nhà Mạc, đã đưa Lê Ninh lên ngôi trên đất Ai Lao (Lào), tức là vua Lê Trang Tông, niên hiệu là Nguyên Hòa.[17] Lúc bấy giờ vua Lê Trang Tông ở bên đất Lào, toàn bộ đất Đại Việt thuộc quyền cai trị của nhà Mạc, cụ thể là thời Thái-tông Văn hoàng đế Mạc Đăng Doanh, năm Đại-chính thứ 4. Tuy nhiên tác giả không đề niên hiệu Đại Chính của vua Mạc mà đề niên hiệu Nguyên Hòa của vua Lê.
Với những chứng từ nêu trên cho thấy tác giả Tây Dương Gia Tô Bí Lục là những nho sĩ tôn Lê, chịu ảnh hưởng Nho giáo rất sâu đậm.[18]  Tác giả Tây Dương Gia Tô Bí Lục chọn năm Quý Tỵ 1533, mở đầu thời Lê Trung Hưng (Hậu Lê), để đưa một nhân vật ngoại quốc mà lịch sử không chứng minh được và gán cho việc lén lút vào truyền giáo ở nước ta giữa lúc mà hai họ Lê - Mạc đang tranh giành với nhau, trong nước nhiều việc, không ai rỗi mà soát xét những việc nhỏ nhặt.[19] Việc những nhân vật và sự kiện lịch sử không thể tìm thấy trong lịch sử thì đầy dẫy trong Tây Dương Gia Tô Bí Lục.

- Về những địa danh Nam Chân, Quần Anh, Trà Lũ, Ninh Cường
Tác giả Tây Dương Gia Tô Bí Lục đã viết: “Nam Chân là nơi phong tục cổ xưa thô lậu, nên đến đó trước. Ingatiô sang đến nước ta bèn lẻ vào cư ngụ ở các làng Quần Anh, Trà Lũ, Ninh Cường, đến đâu đều cho tiền, phát thuốc, khiến cho những kẻ ngu khờ phải mang ơn mà chịu nghe giảng đạo. Từ đó đạo Gia Tô mới bắt đầu lan đến nước ta”. Thời điểm khởi viết Tây dương Gia Tô Bí Lục (1794), lúc bấy giờ những địa danh mà Tây dương Gia Tô Bí Lục vừa kể trên là vùng đất Công giáo rất sầm uất, thuộc Giáo phận Đông Đàng Ngoài, nay thuộc Giáo phận Bùi Chu. Phải chăng tác giả Tây Dương Gia Tô Bí Lục mượn những địa danh nầy để ngầm nói các tín hữu là những kẻ ngu khờ, phong tục cổ xưa thô lậu ?

4. Kết luận:
Xét về phương diện lịch sử truyền giáo của Giáo hội toàn cầu nói chung và Giáo hội Việt Nam nói riêng, Tây Dương Gia tô Bí Lục đầy dẫy những nhân vật và sự kiện lịch sử không có trong lịch sử mà không thể liệt kê dài dòng trong bài viết nầy. Ở đây chỉ nêu nhân vật Ingatio mà bài viết nầy đã đề cập. Tác giả Tây Dương Gia tô Bí Lục còn tạo ra nhân vật Ingatiô vào thời Chúa Giêsu ở Thế kỷ thứ I và bịa đặt hoang đường câu chuyện khi viết: “Một hôm con chúa Trời đến làng SaNa kê bục giảng đạo, lời lẽ lưu loát. Dân làng trông tướng mạo Jêsu, ai cũng cho là lạ, những người có học thức trong làng cũng đến nhìn lén xem y là người thế nào. Lúc ấy Jêsu đang thao thao thuyết giáo xưng tao xưng mày với dân làng, nhiều lần nêu tên những người tài giỏi các nơi mà chê bai, cho là còn kém mình. Bốn mươi năm trước, ở làng SaNa có Ingatiô và 8 người khác có công đức, được dân làng lập miếu thờ phụng. Mấy người có học nhân đó hỏi Jêsu: “Thầy có biết tiên thánh làng chúng tôi là Ingatô không?” Jêsu đáp: “Các ngươi chẳng hiểu ta chút nào! Nay ta bảo các ngươi: Từ khi chưa có Ingatiô thì đã có ta rồi, sao ta lại chẳng biết?” Nghe Jêsu trả lời như vậy, mấy người kia bừng giận mắng rằng: “Gã yêu tà điên rồ kia, người mới ba mươi tuổi, sao dám bảo là sinh trước Ingatiô của chúng ta?” Nói đoạn bèn gióng trống hô người vây bắt. Thầy trò Jêsu tháo thân bỏ chạy tán loạn. Dân chúng nhặt gạch đá tới tấp ném theo”.[20]
Tóm lại, sự kiện và nhân vật mà Tây Dương Gia Tô Bí Lục và Khâm Định Việt Sử viết về mốc điểm truyền giáo ở Việt Nam là một vấn đề tồn nghi lịch sử, thậm chí là sự bịa đặt của Tây Dương Gia Tô Bí lục, không thể tin tưởng.

  

   Lm. Gioan Võ Đình Đệ

  Viết xong ngày lễ hai thánh Tông đồ Simon và Tađêô (28.10.2021).

  


[1] Cách chung, Đạo Hoa Lang được hiểu là đạo do người Tây phương truyền vào, có khi được gọi là là Gia-tô [Kitô]. Xem  thêm: ROLAND JACQUES, Các nhà truyền giáo Bồ Đào Nha và thời kỳ đầu của Giáo hội Công giáo Việt Nam, Định Hướng Tùng Thư, 2004, Tome 2, trang 47-85).

[2] LÊ VĂN HƯU…, Đại Việt sử ký toàn thư, Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam dịch, Khoa Học Xã Hội – Hà Nội,1993, trang 68.

[3] Bộ sách được khởi thảo từ năm 1856 theo lệnh vua Tự Đức. Sau 05 lần thẩm định, sách được khắc in và ban hành năm 1884

[4] Xem QUỐC SỬ QUÁN TRIỀU NGUYỄN, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Viện sử học dịch, Giáo Dục - Hà Nội, 1998, trang 720.

[5] Cũng như Dã sử, sách của tư gia ở dân gian ghi chép, khác với sách của sử quan, nên gọi là Dã Lục. (theo chú thích số  3 của Viện Sử Học ở cuối trang 720)

[6] Xem QUỐC SỬ QUÁN TRIỀU NGUYỄN, Sđd, trang 889-890.

[7] Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 107, Tháng 2/1968, trang 56-62.

[8] Tạp chí Xưa&Nay, Số 530, tháng 4 năm 2002, trang 8-9.

[9] Tạp chí Xưa&Nay, Sđd, trang 9, cột 2.

[10] LM. BÙI ĐỨC SINH, O.P., M.A.,  Giáo Hội Công Giáo ở Việt Nam, Calgary-Canada, 2002, Q.I, trang  54-56.

[11] Xem GONZALEZ  DE  MENDOZA,  Histoire du grand royaume de la Chine, situé aux Indes orientales…, Paris 1589, trang 304b.

[12] Cuối lời tựa sách : Viết vào tháng Hoa đào [tức tháng Hai] năm Giáp Dần, thời nhà Lê suy tàn. Năm Giáp Dần thời Lê suy tàn là năm 1794.

[13] Tây Dương Gia Tô Bí Lục (Quyển IX) - talawas.org/talaDB/showFile.php?res=10257&rb=08.

[14] QUỐC SỬ QUÁN TRIỀU NGUYỄN, Sđd,  trang 2.

[15] Tây Dương Gia Tô Bí Lục (Quyển IX) - talawas.org/talaDB/showFile.php?res=10257&rb=08.

[16] Tây Dương Gia Tô Bí Lục (Lời giới thiệu) - talawas.org/talaDB/showFile.php?res=10257&rb=08.

[17] Xem QUỐC SỬ QUÁN TRIỀU NGUYỄN, Khâm Định Việt Sử Thông Giám Cương Mục, Viện sử học dịch, Giáo Dục - Hà Nội, 1998, trang 631.

[18] Xem thêm Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử số 107, Tháng 2/1968, trang 58-59.

[19] Xem Tây Dương Gia Tô Bí Lục (Quyển IX)  - talawas.org/talaDB/showFile.php?res=10257&rb=08.

[20] Tây Dương Gia Tô Bí Lục  (Quyển II) - talawas.org/talaDB/showFile.php?res=10257&rb=08.

Tác giả bài viết: Lm. Gioan Võ Đình Đệ

Nguồn: https://gpquinhon.org/q/truyen-giao/thuc-hu-co-giao-si-inexu-len-truyen-giao-o-dai-viet-nam-1533-4918.html


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét