THƠ SƠN CA LINH
Bùi Công Thuấn
***
Sơn Ca Linh là bút danh ghi dưới tên những bài thơ của Lm Giuse Trương Đình Hiền [1]. Ngài hiện là Tổng Đại diện Giáo phận Quy Nhơn. Tôi cần giới thiệu rõ điều này, bởi vì là một Linh mục, khi diễn ngôn, nhà thơ Sơn Ca Linh sẽ phải tự giới hạn đề tài, phạm vi phản ánh cuộc sống, và thái độ với hiện thực. Linh mục là người của Chúa, là hiện thân của Đức Giêsu giữa đời thường hôm nay, vì thế một nhà thơ Linh mục không thể viết như một người thế tục. Sự chọn lựa đề tài, nội dung, cách thể hiện tư tưởng và nghệ thuật của nhà thơ Linh mục đều kín múc từ Kinh thánh và hướng đến mục đích loan báo Tin Mừng. Nhưng một nhà thơ loan báo Tin Mừng sẽ khác với một Linh mục giảng Kinh thánh trên tòa giảng.
Tôi sẽ chỉ nói đến phẩm chất thi nhân của Sơn Ca Linh trong thơ. Tôi đã đọc hơn 200 bài thơ của Sơn Ca Linh đăng trên trang web của Giáo phận Quy Nhơn. Quả thực thơ Sơn Ca Linh có nhiều điều cuốn hút tôi. Đó là một cánh đồng nghệ thuật thật phong phú sắc màu, trên đó hiện lên khuôn mặt nhà thơ vừa thâm trầm sâu sắc vừa dung dị hồn nhiên và có nhiều đường nét mới lạ.
CÁNH ĐỒNG NGHỆ THUẬT ĐA SẮC MÀU
Phẩm chất thi nhân của một người làm thơ (nhà thơ) được xác định trước hết là ở sự sáng tạo những tứ thơ mới lạ giàu thẩm mỹ, ở những quan sát tinh tế, những xúc cảm mãnh liệt của một trái tim ngân rung tình yêu Con người và ở khả năng làm mới ngôn ngữ để thể hiện Cái Đẹp. Nhà thơ, người sáng tạo Cái Đẹp. Thợ thơ (chữ của Nam Cao), là người làm theo quán tính bắt chước, hô những khẩu hiệu nhạt nhẽo.
Thơ Sơn Ca Linh có những hạt châu ngọc của ca dao. Bài ca dao “Trâu ơi” là một bài ca dân dã rất đẹp cả về hình tượng và tư tưởng. Sơn Ca Linh có bài “Gọi trâu” cũng với vẻ đẹp trân quý như vậy. Sự sáng tạo là ở khả năng khám phá và nâng cao tư tưởng cánh đồng cỏ với con trâu trong thơ ca dân tộc thành cánh đồng truyền giáo.
Thơ Sơn Ca Linh cũng có những bài mang vẻ đẹp của thơ Lãng mạn: giàu có về nhạc điệu. Tứ thơ đầy sắc màu và cái tôi trữ tình tha thiết mênh mang. Sự khác biệt với thơ Lãng mạn là ở chỗ thơ Lãng mạn đẩy Cái Tôi cá nhân lên mức cực đoan, còn thơ lãng mạn của Sơn Ca Linh lại lấp lánh vẻ đẹp Đời Dâng hiến.
Sơn Linh Ca cũng có những bài Đường luật thất ngôn rất chuẩn mực về niêm luật nhưng lại rất mới ở nội dung Kinh thánh. Đường luật cổ điển đầy dẫy điển tích Trung Quốc. Đường luật của Sơn Ca Linh dung dị với những điển ngữ “nhà đạo”.
Đặc sắc thơ Sơn Linh Ca là những bài thơ tự do. Những bài thơ này phá cách về số câu số chữ nhưng vẫn giữ âm điệu của thể thơ 7- 8 chữ. Bài thơ có cấu trúc lập luận. Có khi là lập luận tương phản: tương phản giữa Kinh thánh và thế tục; có khi là lập luận theo tuyến tính “xưa-nay”; nhiều bài có cấu trúc quy nạp, các luận cứ dẫn đến kết luận ở cuối bài. Sơn Ca Linh kết hợp cấu trúc lập luận với tự sự (kể truyện) và “cảm nhận” vấn đề, vì thế bài thơ được kiến tạo đa tầng: kết nối lịch sử với hiện tại, kết nối Kinh thánh với cuộc đời, kết nối những vấn đề chung với “cảm nhận” riêng của tác giả. Những bài thơ này định vị một phong cách thơ rất riêng của Sơn Ca Linh so với thơ Xuân Ly Băng, Trăng Thập Tự, Lê Đình Bảng.
Sơn Ca Linh cũng khai phá một con đường nghệ thuật mới mẻ so với thể “Diễn ca” và thể “Huấn ca” truyền thống. Con đường này vượt trội so với kiểu “Thơ ca cầu nguyện” mà nhiều tác giả giáo dân hiện nay đang theo đuổi. “Diễn ca” là diễn Kinh thánh (văn xuôi) thành ca vè để dễ học dễ thuộc. “Thơ ca cầu nguyện” cũng diễn ca Kinh thánh, từ đó viết thêm phần cầu nguyện (thường là theo một công thức nhất định). Cả hai lối thơ “Diễn ca” và “thơ ca cầu nguyện” đòi buộc người viết phải giữ trung thực ý và lời của Kinh Thánh, vì đó là Lời Chúa. Nếu viết khác (chẳng hạn, chỉ lấy ý không giữ Lời) thì sẽ là sự xuyên tạc. “Cảm nhận” cho phép nhà thơ hoàn toàn xây dựng hình tượng, kiến tạo tác phẩm theo ý của mình. Sức hấp dẫn của thơ Sơn Ca Linh chính là ở những “cảm nhận” rất riêng, rất mới và những sáng tạo có tính đột phá này. Xin đọc:
Ba khổ thơ đầu là kể chuyện Kinh thánh (tự sự), là luận cứ thứ nhất. Khổ thơ thứ tư kể chuyện thế giới hôm nay, là luận cứ thứ hai (tuyến tính thời gian “xưa-nay”). Hai câu kết là chủ đề. Luận cứ 1 và luận cứ 2 dẫn đến chủ đề, đó là cấu trúc quy nạp. Nhạc thơ là nhạc của thể thơ 7-8 chữ phá cách. Bút pháp kể chuyện (tự sự) kết hợp với “cảm nhận” tạo nên sự sinh động của nội dung và sâu sắc về tư tưởng. Khổ thơ thứ 3 là một tứ thơ rất mới lạ gây ấn tượng mạnh. Diễn ngôn của thơ là loan báo Tin Mừng (kể lại chuyện Kinh Thánh) và thuyết phục (không phải là giáo huấn kiểu “Huấn ca”) người đọc tin vào Kinh thánh.
Một đặc sắc khác của thơ Sơn Ca Linh là không có sự xuất hiện chủ thể diễn ngôn (“Cái Tôi”) cá nhân. Điều này rất khác với thơ trữ tình. Nhân vật “Tôi” trong thơ trữ tình che khuất cả bài thơ. Nguyễn Bính: “Nắng mưa là bệnh của trời/ Tương tư là bệnh của tôi yêu nàng”. “Tôi” sánh ngang với “trời”. Trong thơ Sơn Ca Linh, nhà thơ (tác giả) hóa thân vào nhân vật, nói tiếng nói của nhân vật. Vì thế tiếng thơ là tiếng nói của đông đảo công chúng. Ta nghe được tiếng của người xưa và tiếng của ngày hôm nay. Thời gian và không gian thơ là một thế giới đồng hiện.
Trong thơ Sơn Ca Linh, khi “Tôi “lên tiếng, có khi là tiếng nói của các tông đồ (Cứ ngỡ là dư ảnh), có khi là tiếng nói của đám đông (Bình minh “ngày thứ nhất trong tuần”), là lời trò chuyện của đôi uyên ương (Thỏ thẻ mùa xuân), là “tụi tui”, một lũ bạn bè lúc nhỏ (Tết và mùi hương hoa cũ; Chuyện kể “Têrêsa nước ra đầy đồng”), là lời của Đức Giêsu (Biết đến bao giờ), lời của “một người khô đạo” (Xin mời Ngài nán lại), lời của bà mẹ buôn gánh bán bưng (Ai sầu hơn ai), lời của công chúng luận tội Giuđa (Nghĩ…tội Giuđa), lời của chậu hoa mãn nguyện vì có một mùa xuân thánh thiện (Tâm sự chậu hoa tết ở nhà thờ), lời của Đức cha Vinc Nguyễn Văn Bản về thăm Làng Sông (Bỗng dưng nghe lời của mẹ); lời của Cái Ta hòa trong nhiều con người (Khúc niệm ca Tuần Thánh; Lời phán xét chiều nay). Cũng có khi Sơn Ca Linh bộc lộ trức tiếp “Cái Tôi trữ tình”, nhưng rất hiếm, nhưng Cái Tôi ấy mang phẩm chất của Đức tin, không phải là “Cái tôi” vị kỷ trong thơ Lãng mạn (Ta mừng tuổi ta; Chiêm niệm; Như cánh hoa vừa rụng; Ta tìm trở lại con đường ấy). Sự đa dạng của “Cái Tôi” trữ tình trong thơ Sơn Ca Linh là một đặc điểm phong cách, tạo nên sự phong phú nghệ thuật của giọng điệu thơ, giọng đa thanh hiện đại.
Xin đọc Dẫu đời anh mang nhiều vết sẹo. Đây là lời tự tình của “Anh” nói với “Em”. Bài thơ xây dựng được hình tượng Đức Giêsu qua một góc “cảm nhận” rất trung thực, nhưng rất lạ. Giọng thơ (giọng của Đức Giêsu) cũng là giọng khác hẳn với những gì người giáo dân quen được nghe Chúa nói trong Kinh thánh (Chúa phán, Chúa nói, Ta bảo thật các ngươi. Người mở miệng dạy họ, Người bảo các ông…): Câu Kinh thánh dùng làm đề từ là: (Rồi Người bảo ông Tô-ma: “Đặt ngón tay vào đây, và hãy nhìn xem tay Thầy. Đưa tay ra mà đặt vào cạnh sườn Thầy. Đừng cứng lòng nữa, nhưng hãy tin.” Ga 20,17)
Ngôn ngữ trong thơ Sơn Ca Linh là ngôn ngữ hướng về công chúng, có nhiều “khẩu ngữ”, có nhiều trích dẫn và đôi khi là “chơi chữ” dân gian, có tính hài. Khi nhà thơ hướng về công chúng, nói chuyện, chia sẻ với công chúng; kêu gọi, cổ vũ công chúng, hoặc nhắc nhở thân tình, thì nguyên tắc giao tiếp cần có là dùng ngôn ngữ của công chúng, ngôn ngữ đương đại, khẩu ngữ. Đây cũng là đặc trưng nổi trội của thơ ca dân gian. Ngôn ngữ giàu hình ảnh, có sức gây ấn tượng lâu dài. Tuy nhiên, nếu không cẩn trọng, khẩu ngữ sẽ làm mất đi vẻ đẹp ngôn ngữ thơ ca. Điều ấy tùy thuộc vào tài năng của nhà thơ. Bài thơ sau đây, khẩu ngữ được sử dụng rất hay:
NHỮNG VẤN ĐỀ TƯ TƯỞNG
Sơn Ca Linh làm thơ về các mùa phụng vụ, về những sự kiện, những sinh hoạt tôn giáo; hoặc những vấn đề đời thường thách thức lương tâm Công giáo. Đó là những “cảm nhận” Kinh thánh mùa Giáng sinh, mùa Phục Sinh, về Đức Mẹ, các thánh; các sinh hoạt mục vụ đời thường như Mừng thụ phong Linh mục, Mừng lễ khấn dòng, về Đời dâng hiến, Khai mạc Năm Thánh, Đức Giám mục thăm mục vụ, Mừng bổn mạng, đưa tiễn người qua đời, Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng thánh đường và các hiện tượng đời sống hàng ngày như bão lụt, dịch Covid, suy tư về thân phận người phụ nữ, …Mỗi bài thơ thường có một câu Kinh Thánh làm đề từ định hướng người đọc về nội dung, chủ đề thơ, từ đó nhà thơ sáng tạo câu chuyện, xây dựng hình tượng, chọn lựa cách viết và khám phá “sứ điệp’ của Tin Mừng.
Nhưng nếu chỉ là vậy thì thơ Sơn Ca Linh sẽ tan vào dòng thơ “diễn ca”, thơ “Huấn ca” truyền thống, không để lại ấn tượng gì. Xin lưu ý rằng, ngay sau nhan đề bài thơ, tác giả thường ghi: “Chút cảm nhận về sứ điệp Tin Mừng”, “Chút cảm nhận Phục Sinh”, “Chút cảm nghiệm về Chúa Thánh Linh”, “Một thoáng suy niệm về Thánh Giuse”, hoặc “Chút suy tư từ chuyện “cách ly mùa Covid” và “tấm lá của A-đam, E-va”; hoặc “Chiêm niệm”, “Chút hoài niệm về…” , “Chút cảm nhận hoài niệm 45 năm “hải chiến hoàng sa”… nghĩa là, thơ Sơn Linh Ca không phải chỉ là “diễn ca”, mà là thơ tư tưởng, là suy tư về những vấn đề tư tưởng.
Vấn đề tư tưởng căn cốt nhất trong thơ Sơn Ca Linh là sự hiện hữu của Đức Giêsu trong thế giới hôm nay. Đức tin Công giáo dạy chúng ta rằng, Đức Giêsu là đấng Cứu độ duy nhất. Người hiện hữu với chúng ta hàng ngày mãi đến ngày tận thế. Nhưng trong nhận thức xã hội, Đức Giêsu chỉ là con người lịch sử, một nhà sáng lập tôn giáo, một nhà tư tưởng, một nhà cách mạng. Đó là một con người đã sống cách nay hơn 2000 năm, một nhân vật của quá khứ như nhiều nhân vật khác. Sơn Ca Linh đã tập trung khắc họa hình tượng Đức Giêsu đang ở giữa chúng ta, trong mọi cảnh ngộ, chia sẻ mọi nỗi niềm với chúng ta, và đem đến cho chúng ta ơn Cứu rỗi.
Xin đọc
Đọc bài thơ, chúng ta nhận ra Đức Giêsu gần gũi biết bao. “Và hôm nay,/ Ngài vẫn đi ngang qua những “con đường xưa ấy”, vẫn vang tiếng gọi mời chúng ta.
Khả năng tổng hợp Kinh thánh của Sơn Linh Ca thật tuyệt vời; những suy niệm, khám phá, cảm nghiệm của nhà thơ đã khắc tạc một cách sống động hình ảnh Đức Giêsu đang ở bên ta mỗi ngày trên vạn nẻo đường. Hình ảnh này, nghiệm suy này làm phong phú hơn những gì người giáo dân được nghe giảng trong nhà thờ về Đức Giêsu, bởi đây là hình tượng văn học, hình tượng tư tưởng-thẩm mỹ, khác với những tín niệm Thần học, triết học về Đức Giêsu. Xin đọc thêm các bài thơ: Nét hồn nhiên của Chúa, Dẫu đời anh mang nhiểu vết sẹo, Dấu chân Ngài trên bãi bờ cuộc sống, Bước chân của đấng Emmanuel, Ta vẫn đợi chờ con, Thiên thu anh vẫn đợi chờ, Nắm lấy bàn tay con, Biết đến bao giờ, Câu chuyện dòng sông, Lỡ một chuyến đò vui, Con thuyền xưa đã quên đâu, Bản xét mình mùa chay, …
Vấn đề tư tưởng thứ hai xuất hiện nhiều trong thơ Sơn Ca Linh là lẽ tử sinh. Nhà thơ chứng kiến cái chết của nhiều người thân yêu và không cầm lòng được: Cảm nhận về sự chết trong mùa Covid (Chị chết “đẹp” mà ta!), Hạt mầm và bụi tro. Tưởng nhớ 5 linh mục Qui Nhơn liên tiếp qua đời (Bao giờ mới hết mùa “thương”). Ghi niệm ngày cha Phêrô Đặng Son từ giã cõi trần (Anh về). Trong cùng một buổi sáng: Mừng 10 anh em lãnh nhận chức Phó Tế và mừng cha Stêphanô Dương Thành Thăm “về nhà Cha”- Thứ Năm Đầu tháng ngày 1.7.2021 (Đã có một buổi sáng diệu kỳ). Chút cảm nhận về “chuyến về Nhà Cha” của linh mục Luca Nguyễn Huy Kỳ (Mừng anh đã về nhà Cha). Chút cảm nhận về cuộc đời từ sự “qua đời” của cha Hoàng Kym (Một thuở “Hoàng Kim”), Chút cảm nhận về cuộc “ra đi về nhà Cha” của cha Phêrô Hoàng Kym (Một thoáng bây giờ đã thiên thu). Tưởng niệm về anh Gioakim Võ Văn Hào, cựu chức việc – thành viên ban truyền thông giáo xứ Tuy Hoà (Cho một người vừa “đi xa”). Chút suy tư và cảm nhận từ cái chết thương tâm của cô sinh viên tại Điện Biên (Chiếc xương sườn bị đánh cắp). Chia sẻ nỗi buồn của một “Bà Goá Nghèo” vừa mất đứa con trai một tại giáo xứ Hóc Gáo (Lại có một con đường Na-im như thế!), Vọng tưởng những thầy cô đã nằm xuống (Nén hương lặng thầm)…
Từ xưa đến nay, lẽ tử sinh đã là một vấn đề tư tưởng của tôn giáo và triết học. Lẽ tử sinh nằm trong Khổ đế (chân lý thứ nhất) của Phật giáo: “Sinh, lão, bệnh tử”. Câu thơ của Nguyễn Gia Thiều có sức ám ảnh kỳ lạ: “Trăm năm còn có gì đâu/ Chẳng qua một nấm cổ khâu xanh rì”. Lẽ tử sinh cũng là suy tư của triết học Hiện sinh. Hiện sinh là hiện sinh quy tử (Being toward Death-Martin Heidegger). Sống là đi về cõi chết. Lẽ tử sinh cũng nằm trong Thiên mệnh của Nho giáo. Người xưa tin rằng “sống chết có số, phú quý do trời”. Nguyễn Du viết: “Gẫm hay muôn sự tại trời” (Đoạn trường tân thanh). Tất cả những suy tư triết học đó đều dẫn đến bế tắc và hư vô. Sơn Ca Linh nhìn lẽ tử sinh theo Thần học Kitô giáo. Chết là “về nhà Cha”, “quê hương chúng ta ở trên trời”, vì thế, đó là niềm vui. Trong cùng một buổi sáng: Mừng 10 anh em lãnh nhận chức Phó Tế và mừng cha Stêphanô Dương Thành Thăm “về nhà Cha”- thì đó là một bi đát hiện sinh. Nhưng tư tưởng của Sơn Ca Linh thanh thoát vô cùng:
(Đã có một buổi sáng diệu kỳ)
Điều diệu kỳ là ở chỗ tử sinh là quy luật phát triển của cuộc sống, càng diệu kỳ hơn
chính cái chết của đức Giêsu đem đến sự sống cho nhân loại. Những tư tưởng như thế, triết học không vươn tới được.
(Mừng anh đã về nhà Cha-Chút cảm nhận về “chuyến về Nhà Cha” của linh mục Luca Nguyễn Huy Kỳ )
Một vấn đề khác cũng đè nặng trong tim nhà thơ Sơn Ca Linh là vấn đề về thân phận người phụ nữ. Cái nhìn của Sơn Ca Linh là cái nhìn có tầm lịch sử và tư tưởng, cái nhìn của một tấm lòng xót thương âu lo vô bờ (xin đọc: Người phụ nữ Việt Nam da vàng).
Và xin đọc:
Bài thơ đặt vấn đề về thân phận người phụ nữ. Đây là một vấn đề tư tưởng mang tính
nhân loại từ ngàn xưa đến nay và “cho mãi đến ngàn sau”. Từ ngày đầu, họ đã là nạn nhân của Những thằng đàn ông. Họphải chịu bao nhiêu khổ ải đau thương, biết bao giờ mới hết kiếp nạn? Nguyễn Du đã từng kêu thương cho họ: “Đau đớn thay phận đàn bà/ Lời rằng bạc mệnh cũng là lời chung”(Đoạn trường tân thanh) và ông đưa ra lời giải pháp dựa trên triết học Phật giáo: Nỗi khổ của Thúy Kiều là do “Thân/ Nghiệp”, chỉ có thể giải thoát bằng Tâm, vì “Tâm tức Phật”: “Thiện căn ở tại lòng ta/ Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài”. Nhà thơ Công giáo Sơn Ca Linh nhìn rõ những nỗi bất hạnh của người phụ nữ là do tội lỗi của “những thằng đàn ông”(tác giả nhắc lại nhiều lần cụm từ: “Những thằng đàn ông”), và đặt vấn đề, những thằng đàn ông phải học theo Chúa, ứng xử yêu thương với phụ nữ, như Chúa đã xót thương và cứu vớt người đàn bà ngoại tình (Ga 8, 1-11).
Thực ra, nếu cho rằng người phụ nữ ngay từ đầu chỉ là một “cái xương sườn bị đánh cắp”, một vật phụ thuộc, một “của dư thừa”, một “thứ phẩm”, một công cụ, nên “Nên cứ phải làm thân cò bán bưng buôn gánh,/ Làm con sen, đứa ở, dậy sớm, thức khuya./ Mang nặng, đẻ đau, cay đắng…dư thừa”, phải chịu câm lặng, dốt nát tù hãm và đọa đày…thì đó là nguyên nhân gần. Cũng có thể “cái xương sườn bị đánh cắp” là một ẩn dụ hay về thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến. Thực ra, cội nguồn nỗi thống khổ của nhân loại nói chung và người phụ nữ nói riêng là tội lỗi. Sách Sáng Thế Ký, chương 2, câu 16-19 nói rõ điều này. Sau khi Adam và Eva ăn trái cấm, Thiên Chúa nói với họ: “Với người đàn bà, Chúa phán: “Ta sẽ làm cho ngươi phải cực nhọc thật nhiều khi thai nghén; ngươi sẽ phải cực nhọc lúc sinh con. Ngươi sẽ thèm muốn chồng ngươi, và nó sẽ thống trị ngươi.”Với con người, Chúa phán: “Vì ngươi đã nghe lời vợ và ăn trái cây mà Ta đã truyền cho ngươi rằng: “Ngươi đừng ăn nó”, nên đất đai bị nguyền rủa vì ngươi; ngươi sẽ phải cực nhọc mọi ngày trong đời ngươi, mới kiếm được miếng ăn từ đất mà ra.Ðất đai sẽ trổ sinh gai góc cho ngươi, ngươi sẽ ăn cỏ ngoài đồng. Ngươi sẽ phải đổ mồ hôi trán mới có bánh ăn, cho đến khi trở về với đất, vì từ đất, ngươi đã được lấy ra. Ngươi là bụi đất, và sẽ trở về với bụi đất.”
Một vấn đề tư tưởng khác trong thơ Sơn Ca Linh là sự thách thức lương tâm Công giáo trước những vấn đề của hiện thực. Đức Giêsu nói với Philatô rằng: “Nước Tôi không thuộc về thế gian này”(Ga 18, 33b-37), nhưng Người cũng nói với các môn đệ: « Này Thầy sai anh em đi như chiên con đi vào giữa bầy sói » (Lc 10, 1-12.17-20). Đó là thực tại đòi buộc nhà thơ phải đối mặt, nói như Nguyễn Du, cuộc sống này là những cuộc bể dâu: “Trải qua một cuộc bể dâu/ Những điều trông thấy mà đau đớn lòng”. Nhà thơ Sơn Ca Linh đã nghe nhịp đập trái tim mình thế nào trước những thách thức lương tâm trong cuộc sống?
Đây là bức tranh thế giới:
Và đây là thời mạt pháp:
(Bồ câu đã về hay “bóng chim tăm cá:)
Người đọc có thể nghe được tiếng trái tim nhà thơ đau xót trước thực tại những con người thấp cổ bé miệng bị chà đạp, bị hủy diệt. Nhà thơ không thể kềm lòng không lên tiếng trước những nghịch lý, những bất công, những vô luân vô đạo của “thời mạt pháp”. Dù Nước của Chúa không thuộc về thế gian này, nhưng người mục tử của Chúa đang sống giữa thế gian đầy tội ác thì không thể làm ngơ. Dù vậy, Sơn Linh Ca không để mình bị cuốn vào cõi trần tục, mà đặt trái tim mình trong trái tim thương yêu của Chúa. Từ đó nhìn ra “trời mới đất mới” của Kinh thánh.
(Bồ câu đã về hay “bóng chim tăm cá)
(“Trời mới đất mới” và “những đồng xu ten!”)
THAY LỜI KẾT
Còn nhiều điều để viết về thơ Sơn Ca Linh (có thể viết một chuyên luận), bởi thơ Sơn Ca Linh là bước phát triển mới cả về tư tưởng và nghệ thuật so với các nhà thơ Công giáo đi trước; song trong phạm vi một bài viết, tôi xin tạm kết ở đây.
Nói thực lòng, nếu thơ Sơn Ca Linh không hay, không đặt được những vấn đề căn cốt cuộc sống hôm nay thì không thể cuốn hút tôi đọc nổi hơn 200 bài thơ. Tôi rất thích những bài lục bát ca dao như châu ngọc về tình yêu quê hương [3], những bài mang cảm xúc êm đềm sâu lắng như thơ Lãng mạn [4]; những chuyện kể sinh động, trẻ trung hấp dẫn [5], những khúc tráng ca mang khí phách cổ điển [6], những bài thơ tự do mang đặc trưng cốt cách thơ Sơn Ca Linh. Tất nhiên thơ Sơn Ca Linh cũng có những bài đầy ắp ý tưởng song ngôn ngữ hơi xô bồ, cấu trúc lỏng lẻo dài dòng, tính nghị luận lấn át tính hình tượng thẩm mỹ. Dù vậy, tâm trí tôi đã mở ra nhiều điều khi tiếp cận những “Cảm nhận” Kinh thánh từ những bài thơ của Sơn Ca Linh, và một niềm reo vui hân hoan khi đọc được những bài thơ mà trái tim nhà thơ gắn với cuộc sống này, với anh em, với đồng bào và với cả cộng đồng nhân loại, trái tim Emmanuel.
Những bài thơ ấy giúp người đọc Vượt qua bể dâu để hồn mình an lạc trong niềm tin đầy Ánh sáng.
______________________
[1] Lm. Giuse Trương Đình Hiền sinh ngày 08-7-1952 tại Trà Câu, Quảng Ngãi. Bút danh: Sơn Ca Linh, Cha sở nhà quê.Tác phẩm đã in:
– Ngôn ngữ Tin mừng trong dáng đứng Việt Nam (chủ biên một sưu tập);
– Anrê Phú Yên, rực sáng một vì sao (chủ biên một sưu tập);
– Linh mục, một cuộc đời mắc nợ (thơ, nhạc, ký)
[3] Những bài Lục bát ca dao: Góc chiều, Cần chi, Gọi trâu, Tràng Mân Côi của mẹ tôi, Một chuyến sang bờ, Chỉ cần một chút tình thôi, Từ đây năm tháng lặng thầm, Nghĩ mà thương chị, Chiêm niệm, Thiên thu anh vẫn đợi chờ …
[4] Cảm xúc thơ Lãng mạn: Bóng trưa, Lời thì thầm của cỏ, Vì em đã mang lời khấn nhỏ, Anh về, Tại sao tôi khóc, Em và “chuyện tình tháng bảy”, Mùi hương tháng Chạp, Mùi hương xuân cũ, Người thiếu phụ không chồng, Dáng chị, Mùa thu và những chuyến đi xa, Chiều xuân này vắng mẹ, Dấu “Trường Thăng” đã khép, Bỗng dưng nghe mùi của mẹ…
[5] Những bài thơ kể chuyện: Huyền thoại chim họa mi ức đỏ, Giọt nước mắt và đóa “hoa hồng tuyết”, Cổ tích “hạt cải”, Chuyện kể “Têrêsa nước ra đầy đồng”, Huyền thoại màu xanh, Chuyện cổ tích “Bà góa, tầm bánh và đồng xu”, Con nợ Mẹ món quà sinh nhật, [6] Những khúc tráng ca: Chìm theo vận nước cả mùa xuân, Nghe dòng sông kể chuyện, Ta nhớ mãi “tấm áo lông lạc đà” ngày đó…
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét