Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Năm, 9 tháng 5, 2019

CHA TỔNG ĐẠI DIỆN KONTUM VÀ CHƯƠNG TRÌNH BẢO VỆ SỰ SỐNG


Ở giáo phận Kontum, người ta thường thấy một linh mục cao niên đến với buôn làng của người đồng bào thiểu số nghèo, trên chiếc xe Caritas, trao cho họ những món quà, dù có thể không nhiều nhưng gói ghém trong đó không ít yêu thương. Đó là cha Phero Nguyễn Vân Đông, linh mục tổng đại diện của giáo phận .
TÂM NGỌC
Trong hình ảnh có thể có: 7 người
Tôi thường gọi ngài là “ngoại” như tôi đã gọi những linh mục cao niên ở xứ sở truyền giáo này, bởi ngài đã gần tám mươi tuổi rồi. Nhưng tiếng “ngoại” thân thương ấy được đọc chệch thành “quại”. Ngài thích gọi vậy, vì ngài được sinh ra ở Bình Định. Nhưng ngài đã đồng hành cùng giáo phận Kontum suốt những tháng năm dài, trải qua bao thăng trầm và sẽ tiếp tục cho đến khi ngài về quê Trời.
Linh mục của những người phung cùi nghèo.
Tuổi thơ của vị mục tử cao niên gắn liền với những con bò hiền lành ngoài đồng cỏ, vùng đồng bằng Bình Định. Nhưng ý Chúa nhiệm màu, Ngài đã chọn ngoại làm linh mục tại vùng đất truyền giáo Kontum này, dầu nơi đây đầy khó khăn gian khổ. Người ta nói “60 năm cuộc đời” nhưng ngoại đã sống trên miền Thượng này 63 năm. Ngài đã sống hết mình, sống hết tình với đồng bào dân tộc, cách riêng là với những người bị bệnh phung cùi. Là linh mục tổng đại diện, ngoại đã không ở mãi trong phòng, nhàn nhã với chiếc máy vi tính, thư thả với những cuốn sách, với câu kinh nguyện. Ngoại đã bước ra khỏi khuôn viên nhà thờ, xứ đạo, để đến với những mảnh đời bất hạnh nhất trên mảnh đất Tây Nguyên đầy nắng gió, đất bụi. Ngoại đến để cùng sẻ chia tình thương, để an ủi những con người bất hạnh ấy.
Có thể nói giáo phận Kontum là giáo phận có bệnh nhân phung cùi nhiều nhất trong các giáo phân ở Việt Nam. Đa số họ thuộc sắc tộc thiểu số Bahnar, Jrai… ở trong những buôn làng xa xôi của giáo phận. Có lẽ vậy mà việc phát hiện, điều trị và chăm sóc cho họ gặp nhiều khó khăn. Phần nữa, những người cùi hay giấu bệnh, họ sợ không được chữa lành, theo ngoại nói thì họ sợ “sẽ bị cắt tay hay cưa chân….họ sợ rằng khi chết họ sẽ qua thế giới bên kia mà không có tay để làm việc, có chân để đi” và còn nhiều nỗi sợ khác. Khó khăn là thế, nhưng ngoại đã không bỏ cuộc. Ngài và các nữ tu trong giáo phận đã tổ chức nhiều chương trình giúp đỡ cho những bệnh nhân phung cùi, dù họ ở nơi hẻo lánh nhất nơi núi rừng Tây Nguyên này. Chẳng hạn như ngoại cùng các nữ tu tổ chức làm giày dép cho người cùi, bởi có dép thì họ mới đi lại được. Nhưng với bàn chân dị dạng do bệnh tật gây ra, họ không thể mua dép ở ngoài chợ. Vì thế cần làm dép cho người cùi. Ngoại quan tâm, yêu thương họ, giúp họ thấy họ cũng được tôn trọng, có quyền như bao người lành lặn khác và được hòa nhập với cộng đồng. Ngoại tha thiết mời gọi mọi người đừng kì thị người cùi, mà hãy yêu thương những con người bất hạnh ấy. Ngoại đã nói trong tập hồi kí của mình: “Người cùi không những cần đến sự chia sẻ về vật chất của chúng ta, mà người cùi rất cần chúng ta chia sẻ tình thương của chúng ta cho họ”. Và hãy cho đi với tất cả tấm lòng yêu thương rộng mở.

Chương trình bảo vệ sự sống và lọ mắm ruốc nghĩa tình.
Nếu giáo phận Xuân Lộc có cha Tịch “Thai nhi” thì ở giáo phận Kontum này, khi nói đến chương trình bảo vệ sự sống, người ta thường nhắc đến cha tổng đại diện kiêm trưởng ban Caritas Kontum: linh mục Phêrô Nguyễn Vân Đông. 
Ngoại bắt tay vào chương trình Bảo vệ sự sống từ những năm đầu của thập niên Chín mươi của thế kỉ XX (1992). Khi đó, ngài nghe những y tá Công giáo kể lại những câu chuyện đau lòng về các thai nhi bị phá khi mới hoài thai nơi bụng mẹ, rồi bị đổ vào hầm rác, chờ đốt. Không cầm được lòng , không chấp nhận được sự vô cảm, tàn ác đó của con người, ngài bảo “hãy đem đến cho tôi”. Kể từ khi ấy, ngài bắt đầu làm công việc này, công việc bảo vệ sự sống.
Việc đầu tiên ngài làm đó là chôn cất thai nhi. Đó là việc làm không chỉ xuất phát từ lòng nhân, hơn thế nữa nó còn là việc làm của đức tin bởi thai nhi cũng là con người. Mà con người thì có linh hồn và sự sống đời sau. “Vạn sự khởi đầu nan”! Những ngày tháng bắt đầu làm việc này, ngoại xin sự trợ giúp ở khắp nơi, dù chỉ là một mảnh đất nhỏ, nhưng người ta không cho, không quan tâm bởi “đó là vấn đề của xã hội”. Thế nhưng dần dần người ta cũng biết đến nghĩa cử cao đẹp này của ngài, và sẵn sàng giúp đỡ, dù khác tôn giáo, khác niềm tin. Từ năm 1995, ngoại bắt đầu xây mộ Đồng Nhi. Và tất cả những gì ngoại làm, đều có sự giúp đỡ từ nhiều người đạo đức, ngoài ra còn có sự trợ giúp cao vời từ Thiên Chúa và từ chính những đồng nhi bị vứt bỏ ấy. Ngoại đã xin, đã tin và phó thác nơi Chúa tất cả. Hai mươi hai năm trôi qua, hiện nay toàn giáo phận Kontum có bốn nghĩa trang Đồng Nhi (Gia Lai: 2; Kontum: 2) với hơn 35 ngàn mộ, trong đó Gia Lai có 25 ngàn mộ. Tất cả mọi sự đều một mình ngoại khởi xướng, giúp đỡ toàn diện cho đến khi giao được việc và họ tự lo được. Nếu không có một trái tim yêu thương, không có một đức tin vững vàng, mạnh mẽ thì có lẽ ngoại không làm được như vậy. Nghe ngoại kể, tôi chỉ ước chi ngoại “thất nghiệp”. 
Chương trình bảo vệ sự sống của ngoại không chỉ dừng lại ở việc chôn cất, xây mộ cho các sinh linh bị phá bỏ, mà còn một vấn đề khác quan trọng hơn đó là phải bảo vệ các thai nhi trong bụng mẹ, để chúng được chào đời, được sống. 
Giáo phận Kontum lắm người nghèo, mà đa số là người dân tộc thiểu số. Các thai phụ người Thượng thường nghèo đói triền miên suốt quá trình mang thai, nên đứa trẻ có khi chết trong bụng mẹ hoặc được sinh ra nhưng bị suy dinh dưỡng nặng. Người mẹ thì không có sữa cho con bú, không có tiền mua sữa cho con uống. Trước thực trạng ấy, ngoại quyết định: “phải có một chương trình nào đó thiết thực để giúp đỡ cho các bà mẹ mang thai mà quá nghèo. Như thế mới gọi là Bảo vệ sự sống”. 
Ngoại lập nhóm “Phát triển phụ nữ” và giao nhiệm vụ cho họ là phải để ý đến những thai phụ nghèo đang mang thai ngay nơi họ sinh sống, cách riêng là thai phụ người Thượng. Làm thế nào để họ ăn no mỗi ngày, ăn đủ chất, thì đứa con trong bụng mới khỏe và giảm được tỉ lệ trẻ bị sinh non, chết yểu. Như vậy “bảo vệ sự sống là bảo vệ ngay các thai nhi từ khi còn ở trong bụng mẹ”. Và cũng từ chương trình này, ý tưởng lọ mắm ruốc tình thương ra đời.
Là người con xuất thân từ quê biển Bình Định, ngoại đã về quê mình, đem hương biển lên miền núi. Ngoại về Quy Nhơn mua mắm ruốc, cá khô về làm quà cho người nghèo ở giáo phận Kontum, mà hầu hết là người dân tộc thiểu số. Ngoại cho người làm ruốc sả, trong ruốc sả có thịt heo, tiêu, ớt….vừa miệng khi ăn. Mỗi khi đi vào làng, ngoại đem theo, phân phát cho bà con dân tộc. Và họ bảo đó là “ruốc cao cấp”. Có lần, tôi nói đùa với ngoại rằng tôi sẽ viết một bài và đặt tựa là “cha tổng mắm ruốc”. Ngoại giãy nảy “Chớ! Chớ! Đừng có bươi móc hũ mắm ruốc lên. Có nhiều người không chịu nổi cái mùi mắm đâu”. Nhưng làm sao tôi có thể không bươi nó lên được, nhắc nó được, nó là “ruốc cao cấp” kia mà, nó là hũ mắm ruốc gói trọn yêu thương và hy vọng của ngoại. Nhờ nó, mà có biết bao đứa trẻ được cứu sống, nhiều người thoát khỏi căn bệnh “suy dinh dưỡng”, nhờ nó mà bao thai phụ đủ sức để chăm cho bào thai của mình, và đủ sữa cho con bú.
Chương trình “Bảo vệ sự sống” của ngoại không dừng lại ở đó, bởi có rất nhiều hiểm nguy rình rập xung quanh mạng sống của con người, cách riêng là những đứa trẻ mới chào đời, khi mà nó không thể làm gì để có thể tự vệ. Và ngoại đào tạo các cô mụ làng để có thể đỡ đẻ hợp vệ sinh, cắt dây rốn cho đứa trẻ mà không sợ nhiễm trùng. Bởi người dân tộc thiểu số ngại đến bệnh viện, vì bệnh viện xa và nhiều thủ tục phức tạp, trong khi nhiều người không hiểu, không biết tiếng Kinh. Và kết quả đáng mừng là số trẻ chết yểu do nhiễm trùng rốn giảm rất đáng kể.
Như vậy, chương trình bảo vệ sự sống của ngoại rất rộng, nó không chỉ một việc duy nhất là chôn cất và xây mộ cho thai nhi mà còn nhiều hơn thế nữa. Nó đòi hỏi có sự cộng tác của nhiều người, nhiều cố gắng và yêu thương. Thấy những điều ngoại đã làm cho Tây Nguyên này, tôi chỉ ước mong có thêm nhiều tấm lòng hảo tâm, cùng chung tay, giúp ngoại tôi, giúp cho những ai đang bảo vệ sự sống, để cho thế giới này đẹp hơn.

***
Ngoại là vậy! Một ông già Bình Định, chân chất, hiền lành và vui tính, cả một đời lo cho người nghèo, cho đồng bào dân tộc. Ngài đã dâng hiến trọn vẹn cho Thiên Chúa, đã sống hết mình với đồng bào Tây Nguyên. Ngoại đã cho đi mà không cần đền đáp. Bởi vì ngoại tôi, một linh mục đã, đang và sẽ mang vào mình mùi chiên cho đến hết cuộc đời.

Nguồn bài viết: fb Tâm Ngọc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét