Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Hai, 24 tháng 7, 2017

MẸ LÀNG SÔNG VÀ LẦN THAY ÁO MỚI


(Chút cảm nhận về ngày thánh hóa các hạng mục mới được trùng tu của chủng viện Làng Sông, 23-07-2017)

            Hôm nay 23/7, cả giáo phận Qui Nhơn bắt đầu Tuần Tam Nhật cầu nguyện cho ngày đại lễ Khai Mạc Năm Thánh 400 năm Loan báo Tin Mừng và cho cộng đoàn dân Chúa giáo phận sống Năm Thánh cách hiệu quả và thiết thực về thiêng liêng cũng như về mục vụ.
            Cũng chính trong ngày nầy, Đức Cha Matthêô, vị Chủ chăn giáo phận đã về tại “Tổ đường” Làng Sông, nơi mà đúng ngày 26/7 tới đây, sẽ chính thức long trọng cử hành đại lễ Khai mạc Năm Thánh giáo phận Qui Nhơn để làm phép thánh hóa toàn bộ các hạng mục của chủng viện vừa mới được trùng tu và tái dựng.
            Chúng ta biết rằng, chủng viện Làng Sông được thành lập sau sự kiện mục vụ quan trọng của giáo phận Đàng Trong thời Đức Thánh Giám mục Théodore Cuénot Thể, tức Công Nghị Gò Thị khoáng họp vào các ngày 03, 06 và 10/8/1841, mà quyết nghị sau đó chính là việc thiết lập hai trường chủng viện Mương Lỡ và Làng Sông để phục vụ việc đào tạo linh mục bản xứ đáp ứng các nhu cầu truyền giáo khản thiết lúc bấy giờ.[1]
            Nếu tính từ điểm đó đến nay, chủng viện Làng Sông đã tồn tại ngót nghét 170 năm. Trong một thời gian dài đằng đẵng ấy, chủng viện Làng Sông đã kinh qua bao cuộc thăng trầm dâu bể mà những cây sao với 125 năm tuổi như là những chứng tích hùng hồn và sống động.[2]
            Mà không chỉ hàng sao vô tri vô giác, chứng tích của Làng Sông còn được khắc ghi bằng máu của những chứng nhân anh hùng mà cuộc tử đạo của cha Phaolô Châu, một trong những vị Giám Đốc thời đầu của chủng viện Làng Sông, vào tháng 5/1862 tại Gò Chàm Bình Định là một chứng minh cụ thể.[3]
            Nhưng vật đổi sao dời ! Trải qua bao nhiêu tai ách của thời bách hại cuối thế kỷ 19, rồi chịu đựng bao cuộc điêu linh của chiến tranh, loạn lạc những năm tháng tiếp theo, chủng viện Làng Sông đã phải nhiều lần bị phá hủy rồi tái dựng tạm bợ, cho đến khi được xây dựng chắc chắn vào năm 1925 vào đời Đức Cha Grangeon Mẫn[4], mà 2 dãy nhà cổ kính uy nghiêm đang còn trụ vững cho tới mãi hôm nay.
            Không chỉ là cái nôi đào tạo linh mục cho giáo phận, Làng Sông còn là nơi đặt Tòa Giám Mục trong một thời gian dài, từ khoảng năm 1865 cho đến năm 1931[5] và là trung tâm văn hóa lớn không chỉ cho giáo phận Qui Nhơn mà ảnh hưởng đến toàn vùng Đông Dương, với Nhà In Làng Sông, một trong 3 cơ sở in ấn lớn nhất của Việt Nam vào đầu thế kỷ 20.[6]

            Từ năm 2008, giáo phận Qui Nhơn đã bắt đầu chương trình chuẩn bị xa hướng về sự kiện giáo phận Qui Nhơn kỷ niệm 400 năm đón nhận Tin Mừng lần đầu tiên tại Nước Mặn (tháng 7/1618). Chính vì thế, các Vị chủ chăn giáo phận đã hướng về Làng Sông như một dấu ấn cội nguồn để nung đốt niềm tin cho dân Chúa. Bắt đầu từ năm 2011, Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn đã cho trùng tu sơ khởi cơ sở Làng Sông và quyết định thành lập Dòng Nữ Tỳ Chúa Giêsu Tình Thương cùng cho phép Hội Dòng non trẻ nầy dùng tạm cơ sở trong những bước đầu. Cũng chính nhờ có cộng đoàn các nữ tu hiện diện mà bổng dưng Làng Sông già cội héo hon đã trở nên tươi vui mang đầy nhựa sống mới.[7]
            Khi những ngày mừng kỷ niệm Năm Thánh 2018 sắp đến gần, Đức Cha Matthêô, cùng với Hội Đồng linh mục quyết định chọn Làng Sông làm nơi cử hành đại lễ Khai mạc năm Thánh 400 năm Loan Báo Tin Mừng ; và để đáp ứng cho yêu cầu mục vụ trọng đại nầy, công cuộc đại trùng tu chủng viện Làng Sông chính thức bắt đầu vào khoảng đầu năm 2015.[8]
            Và hôm nay, sau hơn 2 năm tất bật thi công miệt mài, dưới sự chỉ đạo tổng quát của chính Đức Cha Mathêô và giám sát thực hiện trực tiếp của cha Gioan Võ Đình Đệ, Quản lý giáo phận, các hạng mục công trình đã được “mặc chiếc áo mới” trong dáng đứng cổ kính uy nghiêm của một Làng Sông, xứng đáng là “tổ đường của giáo phận”.
            Với nghi thức làm phép thánh hóa hôm nay, chủng viện Làng Sông, tiếp tục trở thành nơi cất giữ hồn thiêng nguồn cội đức tin của giáo phận, và để mãi mãi, làm mái ấm của mẹ hiền tỏa rợp bóng mát, như những tàn lá xum xuê của những cội sao già, che phủ mọi đứa con.
Lm. Giuse Trương Đình Hiền
 

[1] GIÁO PHẬN QUI NHƠN QUA DÒNG THỜI GIAN, nxb An Tôn & Đuốc Sáng, Đăng ký bản quyền tại Hoa Kỳ, 01/2017. Trang 200-202
[2] Linh mục Phêrô Nguyễn Quang Báu, CHỦNG VIỆN LÀNG SÔNG GIÁO PHẬN QUI NHƠN, 2017, Tủ sách Nước Mặn, trang 4.
[3] SĐD (CHỦNG VIỆN LÀNG SÔNG GIÁO PHẬN QUI NHƠN) trang 77
[4] SĐD (CHỦNG VIỆN LÀNG SÔNG GIÁO PHẬN QUI NHƠN) trang 79
[5] SĐD (CHỦNG VIỆN LÀNG SÔNG GIÁO PHẬN QUI NHƠN) trang 38-39
[6] SĐD (CHỦNG VIỆN LÀNG SÔNG GIÁO PHẬN QUI NHƠN) trang 42-43
[7] SĐD (CHỦNG VIỆN LÀNG SÔNG GIÁO PHẬN QUI NHƠN) trang 113
[8] SĐD (CHỦNG VIỆN LÀNG SÔNG GIÁO PHẬN QUI NHƠN) trang 114-115


 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
 
  
 
Tác giả bài viết: Lm. Giuse Trương Đình Hiền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét