
Những người tham gia phong trào kháng thuế ở miền Trung (1908) bị bắt
Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính
Trong bài “Địa sở Hội Đức”, chúng tôi đã chú thích về phong trào “cúp đầu” như sau: “Là cuộc dân biến phản đối sưu cao thuế nặng và chống bọn tham quan bắt đầu ở Quảng Nam vào khoảng vào đầu tháng Ba 1908 và sau đó lan đến Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên và đi ngược ra Bắc. Tên gọi chính xác phong trào này trong tài liệu của giáo phận Qui Nhơn là "cúp đầu". Trong Mémorial de Quinhon, số 26, tháng Tám 1923, tr. 194 có nói đến "les apostats des Cúp đầu", những người bỏ đạo khi phong trào này nổi lên vào năm 1908. Tại sao những cuộc biểu tình này được gọi là phong trào “cúp đầu” (Tondus)? Cúp đầu là hớt đi mái tóc dài của người Việt xưa mà để tóc ngắn như hiện nay. Cắt tóc ngắn, mặc âu phục là những cuộc vận động chống cổ hủ do cụ Phan Châu Trinh khởi xướng với phong trào Duy Tân. “Nhất là tư tưởng dân quyền mà phong trào này đề cao, đã gây tác động không nhỏ vào cuộc đời của giới dân nghèo, làm bùng lên cuộc đấu tranh "chống đi phu, đòi giảm sưu thuế" rất quyết liệt của họ tại nhiều tỉnh miền Trung.” [Theo vi.wikipedia.org/wiki/ Phong trào chống sưu thuế Trung Kỳ (1908)]. Và "trong vụ “xin xâu” năm 1908, (cắt tóc ngắn) là do những kẻ cầm đầu đoàn dân thi hành. … mỗi một đoàn dân kéo đi, giữa đường nếu có ai xin gia nhập thì đều buộc phải hớt tóc; hoặc khi đoàn dân nghỉ ở một cái chợ thì người cầm đầu đứng ra diễn thuyết, bắt đàn ông trong chợ đều phải hớt tóc rồi mới cho nhập bọn đi theo mình. (Trích “Lịch sử tóc ngắn”, Tự truyện của Phan Khôi, Ngày Nay, số 149, 15/2/1939). “Ở Phú Yên, nhân dân có cả phụ nữ kéo nhau lên đường cái quan cắt tóc thành đống, lấy lửa đốt, mùi khét đầy trời” (Nguyễn Văn Mại (1927), Lô Giang tiểu sử, Bản dịch Nguyễn Huy Xước, Thư viện Khoa học xã hội TP Hồ Chí Minh, tr.128). Ban đầu là những cuộc biểu tình chống thuế một cách ôn hòa nhưng dần trở nên bạo động. “Đoàn người biểu tình không mang theo vũ khí, không dùng bạo lực, chỉ kiên trì đòi hỏi mục đích là giảm sưu giảm thuế. Nhưng dần về sau, phong trào biến thành một cuộc đối đầu giữa dân nghèo và nhà cầm quyền. Cuộc đối đầu này kịch liệt đến nỗi những người đề xướng phong trào không thể kìm hãm được. Bởi vậy càng về sau, phong trào gần như trở thành một cuộc khởi nghĩa cướp chính quyền. Do đó, đã xảy ra nhiều vụ đổ máu.” [Theo vi.wikipedia.org/wiki/Phong trào chống sưu thuế Trung Kỳ (1908)]. Điều khiến người Công giáo và các tân tòng lo sợ là tính bạo động không kiểm soát được của phong trào. “Phải thêm vào đây sự tham lam của người ngoại giáo khi thấy đây là dịp tốt để dụ người công giáo giao tài sản của mình cho họ mà không cần viết biên nhận, và đồng thời là sự nhát đảm của người Công giáo bị cô lập ở các miền vùng núi, họ nhớ lại thảm họa năm 1885…. Tuy nhiên, những đe dọa hay tấn công xảy ra đâu đó cũng chỉ là do bị khích động đơn lẻ, không nằm trong chương trình của cuộc biểu tình, và các thủ lĩnh phong trào khi biết được những điều đó, đã ra lệnh nghiêm phải từ bỏ chúng ngay... Gán tên cho phong trào này là “cuộc bách hại” thì không thích đáng cho bằng “cuộc nổi loạn” (Báo cáo số 949 của Đức cha Grangeon về Đông Đàng Trong - Archives MEP). Tóm lại, đây là phong trào kháng thuế cự sưu chính đáng, vì thế sau này cũng đã được chính quyền đáp ứng. Tuy nhiên, tính bạo động không kiểm soát được của phong trào ở một vài nơi, sự tham lam và lợi dụng biến động để trục lợi của một số kẻ xấu đã làm cho người Công giáo và tân tòng lo sợ khi nhớ lại thảm họa văn thân năm 1885 dù rằng đây không phải là phong trào bài Công giáo”