Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Sáu, 27 tháng 11, 2015

ĐÔI DÒNG TÂM SỰ CỦA CHA TÔMA NGUYỄN VĂN THƯỢNG NHÂN DỊP KỈ NIỆM 50 NĂM THÀNH LẬP GIÁO XỨ ĐỨC AN





Ngày 24.11.1965 – 24.11.2015 Giáo xứ Đức An tròn 50 năm ngày thành lập. Trải qua 50 năm hình thành và phát triển với 8 đời linh mục. Hiện nay do cha Tôma Nguyễn Văn Thượng làm Chánh xứ. So với tuổi của Giáo xứ với thời gian mà Ngài gắn bó, coi sóc chưa phải là dài. Nhưng có thể khẳng định cha Tôma là người khá am hiểu và tường tận về lịch sử của Giáo xứ Đức An và Ngài cho rằng đó là điều may mắn đối với Ngài để từ đó Ngài càng cảm nghiệm được sâu sắc hơn về tình yêu, lòng thương xót Chúa dành cho Giáo xứ trong suốt 50 năm qua thông qua các biến cố xảy ra tại Giáo xứ từ thời gian đầu thành lập cho đến những biến đổi của Giáo xứ hôm nay. Nhân dịp này cha Tôma Nguyễn Văn Thượng đã có những chia sẻ thân tình, cởi mở với Ban truyền thông Miền Pleiku về những tâm tư, tình cảm của Ngài về nơi mà Ngài đang gắn bó, coi sóc.

Ban Truyền thông: Con xin chào Cha! Xin cảm ơn Cha đã dành thời gian để chia sẻ những tâm tư, tình cảm cũng như thao thức của Cha nhân dịp Giáo xứ Đức An tròn 50 tuổi.
Thưa Cha! Đối với một Giáo xứ mà thời gian hình thành tương đối lâu năm và đã có nền tảng khá vững vàng như Đức An, vậy khi về nhận nhiệm vụ tại Giáo xứ Đức An, điều đầu tiên Cha thực hiện là gì, xin Cha chia sẻ với mọi người?

Cha Tôma: Bản thân tôi khi đến Giáo xứ nào cũng vậy, mình cố gắng tìm hiểu lịch sử của Giáo xứ đó, cố gắng ghi lại, tìm lại lịch sử của Giáo xứ. Năm đầu tiên về, tôi đã làm điều này, tôi viết lại một phần lịch sử. Cám ơn Chúa khi làm những việc này mình gặp được những người trong cuộc, tôi gặp được vị Linh mục Chánh xứ đầu tiên của Giáo xứ. Tất cả những vấn đề liên quan đến lịch sử, nhờ Ngài mà chúng tôi biết được bao nhiêu chuyện bình thường không ai biết được. Người dân ở đó nhưng họ cũng lãng quên nên khi có dịp nhắc lại nó lại bật lên. Tôi cám ơn Chúa, lúc bấy giờ tôi gặp được Cha Gioan Baotixita Trần Văn Hộ, Ngài biết tôi lo lắng, đặt những vấn đề lịch sử, Ngài rất mừng. Bởi trước đó chẳng có ai hỏi Ngài về những chuyện đó cả. Ngài đã trình bày cho tôi biết bao là những chuyện mình không tưởng tượng được. Có những chi tiết mà người ngoài và ngay cả giáo dân cũng không biết được, hàng ngũ Linh mục, anh em cũng không biết. Đó là những may mắn của tôi, gặp được Người trong cuộc ngay ở thời điểm lúc đầu. Sau đó, tôi tìm đến vị Cha Sở thứ 2, cha AnTôn Phan Hữu Hậu. Ngài cũng nói những chuyện không ai biết. Cái may mắn của tôi là tôi gặp được những vị trong cuộc. Cho đến bây giờ tôi thấy một điều lạ, Giáo xứ Đức An cho đến bây giờ là 8 đời cha Sở đang còn sống.

Ban Truyền thông: Dạ, thưa Cha như vậy Cha có thể tóm lược giúp chúng con một vài biến cố quan trọng đối với Giáo xứ Đức An mà theo Cha được biết qua lời kể của các vị Linh mục trước đó?

Cha Tôma: Biến cố đầu tiên thành lập Giáo xứ nó có liên quan đến thời đại. Giáo xứ Đức An không thể tách ra khỏi thời cuộc, ra khỏi lịch sử. Vào thời điểm năm 1965, các dinh điền bị tàn phá, dân quy tụ về thành phố hoặc bỏ đi nơi khác. Những người quy tụ về đây là từ giáo họ Phaolô, Hiếu Nghĩa, Hiếu Đức, Hiếu Lễ, Hoa Lư…đó là những nơi mà dân từ các dinh điền về. Trong thời điểm đó, người ta đang cần một vị Linh mục để lo cho anh em. Người ta đề nghị phải lập nên Giám đốc Caritas (như cha Đông bây giờ) lo chuyện này. Rồi người ta đề nghị thành lập một Giáo xứ mới và đặt trụ sở của Caritas ở Giáo xứ này.
Biến cố thứ hai và cũng là biến cố đau thương nhất của Giáo xứ Đức An là biến cố Tết Mậu Thân năm 1968. Tết Mậu Thân không đâu bị tàn phá, mất mát cả về người lẫn của như Đức An. Cha Phó và 71 giáo dân bị chết. Đó là biến cố mà tôi nghĩ là tan thương nhất, nó cũng là biến cố tác động lên vị Linh mục Chánh xứ đầu tiên, làm Ngài hoàn toàn suy sụp, bi quan, không còn hy vọng gì. Cho khi Ngài gặp lại Giáo xứ và gặp lại tôi, Ngài đã không tưởng tượng Giáo xứ lại có thể biến đổi như vậy.
Vị linh mục kế nhiệm, Cha sở thứ hai là cha Antôn Phan Hữu Hậu. Ngài về Ngài bắt đầu xây đài Đức Mẹ, sửa lại nhà thờ cũ và quy tụ lại giáo dân và tiến hành xây dựng lại nhà thờ mới. Thế rồi chiến tranh tiếp tục. Năm 1975 các vị cũng đi.
Tóm lại, 10 năm đầu có những biến cố xảy ra như vậy. Với tôi biến cố năm 1968 ghê gớm về cả tinh thần người lãnh đạo và cả giáo dân.

Ban Truyền thông: Thưa Cha, như vậy sau 1975 sự phát triển của Giáo xứ Đức An diễn ra như thế nào?

Cha Tôma: Sự phát triển của Đức An bắt đầu từ con đường Võ Thị Sáu bây giờ. Vị linh mục thứ 2 Ngài rất tâm đắc. Ngài đã mở con đường Võ Thị Sáu. Linh mục đi trước đã có công mở đường các con đường xung quanh. Nói về sự phát triển của Đức An, tôi dùng hình ảnh con đường Wừu này khi được nối sang Nguyễn Thái Học cả khu vực này biến đổi, thay đổi bộ mặt của Giáo xứ. Trước thì Đức An nghèo lắm, bây giờ thì khác theo đà của xã hội, chính trị và bị tác động của thời cuộc. Vì vậy, quá trình phát triển của Giáo xứ Đức An sẽ không quên được các yếu tố đó.

Ban Truyền thông: Vậy Cha có thể giới thiệu đôi nét về hoạt động của Đức An và đâu là điểm mạnh thưa Cha?

Cha Tôma: Hầu hết các Giáo xứ của chúng ta hoạt động thuần túy tôn giáo ( các lễ nghi, các bí tích là chính). Bên cạnh đó còn có những hoạt động bên ngoài xã hội như công tác xã hội từ thiện. Tất cả những đóng góp lo cho hoạt động từ thiện chỗ này, chỗ kia họ thực hiện rất nhanh, rất tốt, đó là nét của Đức An. Tuy chúng tôi không đứng ra tổ chức nhưng khi cần người ta rất sẵn lòng để làm. Thế nhưng một trong những vấn đề của Giáo hội, một trong những sinh hoạt lớn mà chúng tôi ưu tư là làm sao để Lời Chúa, phương tiện quan trọng nhất để giáo dân tiếp cận với Lời Chúa, từng bước một họ yêu mến Lời Chúa, họ siêng năng đọc Lời Chúa và cầu nguyện với Lời Chúa nhiều hơn. Đó là điều mà tôi rất ưu tư, lo lắng và tìm nhiều kiểu, nhiều cách để công việc được đi tới. Tuy nhiên mình làm được đến đâu thì làm, không thể đánh giá được. Bởi vì để giúp bà con hình thành thói quen giở Kinh thánh, đọc Kinh thánh, đối chiếu Kinh thánh, dùng câu Kinh Thánh để cầu nguyện…phải có thời gian. Đạo của chúng ta là đạo đọc kinh nhiều hơn là cầu nguyện. Mình làm sao để họ sử dụng Lời Chúa để cầu nguyện, suy nghĩ, hướng dẫn hành động của mình. Trong cuộc sống người ta có những tiêu chuẩn, như tiêu chuẩn của Đức Khổng, Đức Phật…nhưng đạo của mình tiêu chuẩn là Lời Chúa.

Ban Truyền thông: Theo kinh nghiệm của Cha để Lời Chúa đi vào trong cuộc sống mỗi người Kitô hữu thì con đường nào là hiệu quả nhất. Bởi vì hiện nay có thực trạng, đi lễ để giữ đạo chứ chưa hẳn sống đạo, mà muốn sống đạo thì phải bắt đầu từ Lời Chúa?

Cha Tôma: Bản thân tôi cũng vậy, đầu tiên mình có đọc không? Một bản văn Kinh Thánh khi dở ra có đọc không, đó là cám dỗ đơn giản nhất của người đọc Kinh Thánh. Đối với một người khi đã thấm nhuần thì không bao giờ nói là mình đã biết rồi. Đọc đi đọc lại. Điều quan trọng nhất với tôi là có đọc không? Vậy cứ đọc đi, đọc lại, khiêm tốn xin Chúa soi sáng, dạy mình. Phương thức của tôi chỉ là đọc. Đầu tiên ở trên nhà thờ người ta cũng chưa quen với việc này. Nên khi tôi đọc tôi mời cộng đoàn cùng đọc. Thường khi tôi chia sẻ Lời Chúa, câu Kinh Thánh này có liên quan đến câu Kinh Thánh kia thì mình giúp người ta. Từng bước người ta thấy được, phải có thời gian. Mình không làm được chỉ có Chúa làm. Trước hết chỉ mời người ta đọc. Đó là kinh nghiệm của tôi bao nhiêu năm.

Ban Truyền thông: Thưa Cha, nhân dịp Giáo xứ kỉ niệm tròn 50 năm, Cha có thông điệp gì gửi đến giáo dân nhân dịp đặc biệt này? 

Cha Tôma: Điều tôi cảm nghiệm và tôi thấy qua biến cố này, làm sao mọi người nhận ra được Chúa đang ở với người ta, Chúa đang làm cho người ta những điều kỳ diệu. Thường chúng ta không nhận ra điều này. 50 năm với các biến cố, trong đó biến cố đau thương nhất năm 1968 thì phải đọc được bàn tay của Chúa, tình thương của Chúa. Vì vậy trong chương trình diễn nguyện, làm thế nào để diễn và cầu nguyện. Tôi nghĩ đó là điều quan trọng nhất của người Công giáo. Khi anh không thấy Chúa hiện diện, không cảm nghiệm Người yêu thương thì không thể là người Công giáo.

Ban Truyền thông: Một lần nữa xin cảm ơn về những chia sẻ vừa rồi của Cha. Tin rằng với tấm lòng, những trăn trở cũng như thông điệp mà Cha muốn gửi đến tất cả giáo dân trong Giáo xứ nhân kỉ niệm 50 năm sẽ thắp lên ngọn lửa của lòng sốt mến nơi mỗi người con trong xứ đạo để từ đó Lời Chúa sẽ giúp mọi người đổi mới tâm hồn, hướng đến những điều cao đẹp như lòng Chúa hằng ước mong. Xin Chúa luôn tuôn tràn hồng ân để cha tiếp tục chăn dắt đàn chiên của mình đi theo đường lối Chúa.

GPKONTUM (27/11/2015) KONTUM
Ban Mục Vụ
Truyền Thông Miền Pleiku thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét