BOK KIƠM (BOK KHIÊM)
CON NGƯỜI CỦA CHÚA QUAN PHÒNG
I. LỜI DẪN NHẬP
Trong tập hồi ký nguyên tác “Les sauvages Bahnars”, NXB. Paris, 1929, Cha Dourisboure (Cố Ân), khi thuật lại những bước đầu truyền giáo và khai phá Miền Tây Nguyên, ghi lại cuộc gặp gỡ “bất đắc dĩ”, nhưng kỳ thú và mang ý nghĩa“quan phòng” (vào đầu năm 1850) tại Kon Phar với một “con người đáng gờm”. Đó là Bok Kiơm - trong bản dịch qua tiếng phổ thông phiêm âm là Bok KIEM - người đại diện Triều đình Huế trên vùng cư dân người Bahnar đang sinh sống. Có thể nói đây là quyển sách đầu tiên nói đến một vị Tù trưởng người Bahnar giàu có và đầy quyền lực, nhưng được Chúa quan phòng chuẩn bị cho chặng đường truyền giáo đầy cam go thử thách trên vùng Tây Nguyên, vào giai đoạnđầu tiên còn trong trứng nước của sứ vụ tông đồ và xây dựng cộng đoàn tín hữu trên vùng các dân tộc ít người này. Một buổi lễ “KẾT NGHĨA ANH EM” giữa Thầy Sáu DO và Ông KIƠM đúng cung cách của người dân tộc được diễn ra tại KON PHAR. Những tập nghiên cứu sau cũng đều dựa vào tập Hồi ký này để minh hoạ lại sinh hoạt của những con người truyền giáo, mối tương quan của họ đối với anh em Bahnar. Sự can thiệp của Bok KIƠM với một số dân làng Bahnar chưa quen biết và mang nặng sắc thái tôn giáo Yang đầy cấm kỵ hay giúp lương thực cho đoàn truyền giáo khi các ngài lâm cảnh túng cực nói lên lòng Chúa xót thương và quan phòng kỳ diệu cho công cuộc truyền giáo. Nhất là khi bịTriều đình Huế ép buộc phải dẫn đường cho quan quân truy nã đoàn truyền giáo, ông tìm cách che giấu và khôn ngoan dẫn đoàn quan quân theo những lối đi vòng vo trong rừng sâu nhiều ngày để làm họ nản lòng tháo lui không truy tìm đoàn truyền giáo cũng như người anh em kết nghĩa của ông là Thầy Sáu Do nữa. Nhờ vậy, đoàn truyền giáo được an toàn trong giai đoạn này phải nói là nhờ Ông KIƠM, một con người quả cảm, huynh đệ chân thật. Công việc truyền giáotrước tiên là công việc của Thiên Chúa, nên Người biết phải làm gì vào đúng thời điểm, với những con người được quan phòng cho từng giai đoạn. Ông KIƠM tựa như Saolê được thế lực thù địch trao công tác truy nã những con người tin vào danh Đức Kitô, thì đã trở nên dụng cụ của Thiên Chúa phục vụ cho công cuộc Truyền rao Tin Mừng của Người cho các dân ngoại.
Chúng ta chưa có một tài liệu bằng văn bản tra cứu có hệ thống về cuộc đời, gia tộc hoặc về con người của Ông KIƠM hay nơi Ông sinh sống. Trong tâm tình BƯỚC THEO DẤU CHÂN CÁC VỊ THỪA SAI, nhất là vào thời điểm MỪNG 150 NĂM NGÀY KHAI MỞ CÔNG CUỘC TRUYỀN GIÁO TÂY NGUYÊN (1848-1998), chúng tôi đến thăm tại chỗ và tìm hiểu GIA TỘC, con cháu của Ông KIƠM đang sống tại vùng Plei Bông Pim, Plei Bông Mor cũng như xã Kon Từng tại làng DE KƠTU và rải rác nhiều nơi tại tỉnh Gialai. Còn một động lực tôn giáo như huyền bí đã thúc đẩy chúng tôi tiến hành tra cứu - tuy còn phải tiếp tục kiểm chứng một số nơi cần thiết - là tại sao có hiện tượng con cháu của Ông KIƠM chân tình tìm đến các vị linh mục để xin tòng giáo từ mấy năm qua? Việc chúng tôi tiếp xúc với họ qua vài câu chuyện trao đổi hỏi thăm đơn sơ và thân tình đã làm sống lại những hồi ức về GIA PHẢ của họ. Trong câu chuyện thuật lại nguồn gốc GIA TỘC của họ, hầu hết các con cháu hiện nay của Ông KIƠM vùng Plei Bông Pim, Plei Bông Mor hay KON TỪNG, nhất là các cụ dân tộc cao tuổi - dù họ không phải là người Công giáo - đều nghe nói đến Ông KIƠM có liên hệ mật thiết với các vị thừa sai đầu tiên và nghe biết một số linh mục thừa sai thế hệ thứ hai. Các câu chuyện được họ thuật lại về lai lịch CỘI NGUỒN TỔ TIÊN ÔNG BÀ có phần thêu dệt yếu tố thần thoại, nhưng có thể cho thấy được một lớp tiềm thức trong họ, mang dấu ấn lai lịch của ông bà xuất phát từ những nơi nào đó để dần dần đến định cư nơi đây. Trên cuộc tìm đất sống này, họ cũng thuật lại những biến cố thiết thân với bản làng, gia đình của họ. Qua đó họ như bảo lưu được những biến cố trọng đại của gia tộc. Dưới cái lớp mang đầy vẻ thần thoại gói ghém được GIA PHONG do Ông Bà Tổ Tiên để lại mà họ có bổn phận giữ gìn và lưu truyền, họ nhắc nhớ cho con cháu cẩn thận giữ gìn như gia bảo.
II. CÂU CHUYỆN THÂN TÌNH
Những ngày vào mùa hè năm nay - 1997 - tiết trời oi bức, nhưng khác với các năm trước, trời bắt đầu đổ mưa sớm hơn mọi năm. Mưa khá lớn và liên tục, nhất là tại Ayunpa và Gialai vào đầu tháng 4. Chúng tôi lo sợ thời tiết không thuận tiện cho dự định của chúng tôi: đi thăm vài làng dân tộc để tìm hiểu một nhân vật quan trọng có liên quan với giai đoạnđầu của công cuộc Truyền giáo Tây Nguyên: Ông KIƠM. Địa điểm đầu tiên chúng tôi đến thăm là làng Plei Bông Mor và từ đó sẽ đặt phương hướng đến những nơi khác theo nhu cầu cần thiết đòi hỏi. Chúng tôi chọn cứ điểm này vì có một số sách nói rằng dân làng Plei Bông Pim, Plei Bông Mor, Kon Từng là nơi các con cháu của Ông KIƠM sinh sống. Chính Ông KIƠM cũng đã lập nghiệp tại đây như sách của Ông Raymond Le Jarriel, tập Tiểu sử họ Châu Khê của Ông Huỳnh Kim Miên sinh trưởng tại đây ghi lại và một số tờ thông tin như Compte rendu MEP (năm 1880) hay Hlabar Tơbang số27, năm 1913. Chúng tôi được một số hiểu biết về vùng này qua bản văn trên, để từ đó có thể đi vào thực tế, truy vềCỘI NGUỒN GIA TỘC của Ông KIƠM, người được chúng tôi đang quan tâm tìm hiểu.
A. CON ĐƯỜNG DẪN ĐẾN LÀNG PLEI BÔNG MOR NGÀY NAY
Sáng ngày 15-4-1997, trời đã có những hạt mưa rơi. Chúng tôi từ thị xã Pleiku ra đi từ lúc 7 giờ 30 trực chỉ về Plei Bông. Từ ngã ba quốc lộ 19 rẽ bên trái vào Plei Bông Mor trên con đường đá có đổ thêm nhựa, chúng tôi vượt qua hai chiếc cầu nhỏ bằng xi măng. Quang cảnh đẹp, không khí tươi mát. Dòng nước đổ vào thượng nguồn sông Ayưnh-thượng nằm bên tay phải chúng tôi. Chúng tôi đi qua Uỷ ban xã Ayưnh nằm trên nền nhà thờ cũ của họ Châu Khê. Bên tả ngạn sông Ayưnh là làng Plei Bông Pim, người con trai của Ông KIƠM đã lập nghiệp từ lâu nơi đây, với một ngôi nhà rông mái tôn và nhiều nhà dân tộc mái ngói đỏ được sản xuất tại chỗ. Đi tới một đoạn đường nữa, chúng tôi vào làng Plei Bông Mor - tên người cháu ngoại của Ông KIƠM - nằm hai bên trục lộ. Lộ này dẫn đến trại cải tạo Plei Bông, thẳngđến Hà Đông nằm phía bắc, Hà Tây nằm hướng tây tây bắc, là con đường đã in dấu chân của Đoàn Truyền Giáo đầu tiên xưa kia cách đây 150 năm. Plei Bông Mor cách quốc lộ 19 khoảng 7 cây số.
B. NHỮNG CON ĐƯỜNG RỪNG ĐÃ IN DẤU CHÂN TRUYỀN GIÁO
Chúng tôi gặp gỡ một vài anh thanh niên người Công giáo, con cháu của Ông KIƠM, trao đổi về vài địa danh hay vài con đường mòn được người dân tộc thường đi đến Xã Nam - An Khê. Họ cho biết anh em dân tộc xưa kia cũng có khi đi theo trục lộ 19, lúc đó còn là con đường mòn, mới xây dựng từ năm 1912-1930. Ngoài ra, dân làng thường dùng conđường phía bắc, nằm cách làng Plei Bông Mor 7 cây số. Ngày nay, dân làng cũng thường đi đến Xã Nam huyện Kơ-Bang bằng con đường mòn này. Từ Plei Bông Mor đến Xã Nam khoảng 60 cây số về hướng đông, dân làng đi bộ băng qua rừng, vượt đồi núi và suối lạch và đi ngang qua một số làng dân tộc. Ở giữa đoạn đường này có làng Kon Se Kieng. Theo lời anh Cơm làng Plei Bông Mor, được một cụ già làng Kon Se Kieng kể lại, tại nơi đây có một cây thánh giá bằng gỗ to cao, dưới chân thánh giá có chôn một cái chai. Nay cây thánh giá đó không còn nữa. Chắc hẳn con đường mòn này được Đoàn Truyền Giáo sử dụng ngay từ đầu thời Thầy Sáu Do đóng vai lái buôn khai phá. Con đường mới này cách xa con đường người Kinh thường buôn bán qua lại để tiến sâu vào phần đất sinh sống của người dân tộc nằm ngoài tầmảnh hưởng trực tiếp của Triều đình Huế.
C. NHỮNG CON ĐƯỜNG TRUYỀN GIÁO QUA CÁC LÀNG DÂN TỘC
Chúng ta cùng đồng hành với các vị truyền giáo từ GÒ THỊ đến KON KƠXÂM:
1. LẦN ĐẦU TIÊN ĐÓNG VAI NGƯỜI GIÚP VIỆC (1848-1849)
Thầy Sáu Do khi đóng vai đầy tớ giúp việc cho lái buôn giàu có người Kinh ở An Sơn (An Khê ngày nay) đã rảo khắp các nơi từ An Sơn đến các buôn làng người dân tộc Bahnar vùng Kơ-Bang, Plei Bông, Suối Đôi, Đak-Đoa và các làng người Jrais vùng Hơdrung (vùng Pleiku ngày nay). Sau 6 tháng đóng vai người giúp việc cần mẫn chăm chỉ, tiếp thu được một số tiếng nói dân tộc cũng như biết được khá đủ về địa hình và các đường mòn trong vùng, Thầy âm thầm rời ông chủđể về Gò Thị (tỉnh Bình Định) báo cáo lại cho Đức Giám Mục những thành quả đã thu thập được cho công việc dẫnđường cho đoàn truyền giáo sau này. Được Đức Cha chấp nhận dự án đóng vai người lái buôn, Thầy Sáu Do lên đường cùng 4 chủng sinh khác làm gia nhân và một vài người giáo dân phụ giúp, không theo con đường lái buôn người Kinh thường đi, nhưng lần mò theo hướng phía bắc An Sơn (An Khê ngày nay) đến vùng bắc Plei Bông Mor ngày nay.
Bài viết ngày 14-8-1989 về sở họ Châu Khê của Ông Huỳnh Kim Miên người thuộc sở họ này - xã Ayưnh, huyện Mang-Giang, có đoạn viết:
“Cha Do và những người đi theo dừng chân nơi đây (nơi có thân cây bắt ngang qua dòng suối thượng nguồn sông Ayưnh), cất chòi gần bên suối để nghỉ ngơi và cũng để theo dõi 2 làng dân tộc ở bên đồi suối và một ở đồi bên kia suối (Plei Bông Pim và Plei Bông Mor) vì sợ bị bắt giết hoặc giải giao cho Triều đình Huế. Đêm ấy, một con tê giác xông vào chòi húc chết một người trong đoàn và đây lần đầu tiên trong lịch sử truyền giáo cho dân ngoại ở Cao Nguyên một cây Thánh giá đã được cắm trên đất Cao Nguyên - trên nấm mộ của một Kitô hữu đã sớm nằm xuống trong khát vọng đem Tin Mừng cho đồng bào thiểu số”.
Cũng theo lời ông Miên, thì những năm 1938-1940, đồng bào quả quyết còn có mấy cây cột nhà cháy, nhưng không thấy nấm mộ và thánh giá đâu. Chúng tôi đã đến dòng suối này và thấy thân cây gỗ màu đen nằm ngang qua suối vẫn còn đó, không biết nó nằm từ khi nào, nhưng dẫu sao nó như ghi lại dấu ấn lịch sử truyền giáo xa xưa, nơi đoàn truyền giáo đã đến.
Thầy Sáu Do cũng đã đến vùng Đak-Đoa cũng như vùng người Jrais Hơdrung. Kỷ niệm về lần gặp gỡ ban đầu không lấy gì làm tốt đẹp lắm: tất cả của cải, đồ đạc mang theo bị cướp sạch, may mà thoát thân khỏi chết, trở về gặp lại Đức Giám Mục ở Gò Thị lần nữa.
2. HƯỚNG ĐẠO THEO NGÃ ĐƯỜNG RỪNG PHÍA BẮC
Ra đi lần này (cuối năm 1849), thầy Sáu Do có thêm Cha Combes đợt đầu và đợt hai thêm Cha Fontaine mới từ Tân Gia Ba chân ướt chân ráo đến Bình Định. Cha Combes cùng thầy Sáu Do đi đợt đầu đến gần Trạm Gò, bị đàn voi chận đường và rượt chạy một trận thở không ra hơi, nhưng may thoát nạn được là vì chú voi dừng lại để dẫm nát chiếc nón bị đánh rớt khi họ thoát thân. Sau trận bị voi rượt, các ngài bị trận mưa lũ dữ dội phải tháo lui về Gò Thị, trình diện cho Đức Giám Mục thành tích chẳng vẻ vang gì mấy.
Sau 15 ngày nghỉ lấy lại sức, Cha Combes, thêm Cha Fontaine phải mất 3 ngày đàng, được sự hướng đạo của Thầy Sáu Do, từ Gò Thị đi lần hồi đến Bến - trong đó mất 2 ngày đường sông, vượt qua đèo Dốc Ván cao thẳng đứng nằm phía tây, tiến tới Trạm Gò (mất 1 ngày đi bộ leo núi cao). Từ Trạm Gò là nơi tạm trú ẩn, đoàn truyền giáo phải vượt sông Ba, tiến lên phía bắc đến Kon Go (cách trục lộ 19 quảng 10 cây số, vùng Xã Nam, thuộc huyện Kơ-Bang ngày nay). TừKon Go, các ngài lần theo vùng trũng thẳng hướng bắc tây bắc qua các làng như Kom Klun Ye (làng Bơlu hiếu khách), Kon Se Kieng, đến Pơtuk (nay gọi là Bơtất) và De Kyeng. Đoàn truyền giáo trực chỉ đến KON-PHAR nằm phía bắc Plei Bông Mor vùng Hà Đông ngày nay. Tại KON PHAR, thầy Sáu Do, Cha Combes, Cha Fontaine gặp Ông KIƠM bất ngờ. Tạiđây cuộc kết nghĩa anh em diễn ra thân tình giữa Ông KIƠM và thầy Sáu Do trong sự quan phòng đặc biệt yêu thương của Thiên Chúa. Nhờ Ông KIƠM can thiệp, theo đường rừng về phía tây, hai vị thừa sai, Thầy Sáu Do và đoàn người phụ giúp đã đến được làng Kơlang hữu ngạn suối Kơtơng vào tháng 10-1850.
3. ĐOÀN TRUYỀN GIÁO THỨ HAI
Vào ngày 11-11-1850, Đức Cha gởi lên Cao Nguyên một đoàn truyền giáo khác gồm 15 người, trong đó có các Cha Dourisboure (vừa ở Pháp mới sang, đến Gò Thị ngày 23-6-1850), và Cha Desgouts từ một họ đạo ở Quảng Ngãi vào. Lần này, Thầy Thám, em Thầy Sáu Do, là người hướng đạo. Đêm đi ngày nghỉ vượt núi với bao hiểm nguy, đoàn truyền giáo đã đến làng Bơlu vào ngày Lễ Giáng Sinh năm 1850 và được Thầy Sáu Do đi đón. Nghỉ ngơi lấy sức tại Bơlu vài ngày, vào ngày đầu năm dương lịch 1-1-1851, sau khi chào chúc năm mới, thầy Sáu Do và đoàn truyền giáo lên đường hướng về Kon-Phar. Mới ra khỏi làng, Thầy Sáu Do đạp phải chông tre đến lút bàn chân, chông gãy sát bàn chân không làm cách nào để rút ra nhưng vẫn cố gắng đến Kon-Phar trong ngày. Vào ngày hôm sau (2 tháng 1), đoàn truyền giáođã đến được Kơlang. Cuộc gặp gỡ đầy xúc động giữa 4 linh mục thừa sai: Cha Combes, Cha Fontaine cùng Cha Dourisboure, Cha Desgouts vừa mới tới trong lời tạ ơn, trong sự nghẹn ngào và bỡ ngỡ. Thầy Sáu Do sau mấy ngày mớiđến được Kơlang với bàn chân sưng to, cương mủ, đau đớn. Sau ba bốn tháng, chông tre lần lần ăn lên trên và lòi ra trên phần mu chân. Sau khi rời bỏ vùng âm u độc địa, đầm lầy Kơlang, các ngài theo dòng suối Kơtơng đến tạm trú tại làng Kon Kơxâm nằm ở tả ngạn sông ĐakBla, gần nơi hợp lưu với các nhánh thuộc suối Kơtơng.
4. NHỮNG KẾT QUẢ ĐẦU TIÊN
Đoàn Truyền Giáo không dừng chân tại KON KƠXÂM mà tiến về phía tây sông Đak-Bla khảo sát vùng đất và cư dân. Các ngài đã tìm được vùng đất bằng phẳng 2 bên sông và lập trại tại đó. Đầu năm 1852, Đức Giám mục Đại Diện Tông toàĐông Đàng Trong - Đức cha Stêphanô Cuénot Thể - đã phân định thêm 3 Trung tâm Truyền giáo như sau:
Cha Combes (Cha Bê), Bề trên Vùng Truyền giáo, phụ trách Trung tâm Truyền giáo Kon Kơxâm (xã Hà Tây, huyện Chư Pah ngày nay); Cha Desgouts (Cha Đệ) và Thầy Sáu Do ở Trung tâm Truyền giáo Rơhai (Tân Hương ngày nay); Cha Fontaine (Cha Phẩm) ở Plei Chư (nơi hợp lưu sông Đak Bla và sông Pơko, thuộc xã Sa Bình, Huyện Sa Thầy ngày nay), và Cha Dourisboure (Cha Ân) ở Kon Trang (thị trấn Đak Hà ngày nay).
Ngày 16-10-1853, hai hoa rừng đầu tiên lãnh bí tích Rửa Tội: GIUSE NGUI và GIOAN PAT.
Vào ngày 28-12-1853, ông HMUR phúc hậu và anh hùng là người tiếp theo lãnh phép Thánh Tẩy, sau khi dứt khoát và can đảm bỏ ngẫu tượng vật linh trước con mắt lo sợ của dân làng.
Giữa năm 1853, Thầy Sáu Do về Gò Thị để thụ phong linh mục và sau đó ngài vội trở lại Điểm Truyền giáo Rơhai với ý nguyện là thực hiện chương trình ổn định cuộc sống, khai hoá người dân tộc bằng cách quy tụ dân, lập làng, lập các nông trường kiểu mẫu như Kontum, Đak-Kâm..., hướng dẫn họ cách trồng lúa nước, mua trâu bò về và tập dân làng cày bừa theo kiểu người Kinh. Cộng đồng tín hữu người Kinh được hình thành bên cạnh làng dân tộc để giúp đỡ đắc lực và khuyến khích người dân tộc làm ăn theo kiểu trồng lúa nước và định cư, giúp họ phòng tránh bệnh tật... Đây mới là thành quả kinh kế, xã hội, chưa nói đến phát triển văn hoá bằng việc sáng tạo chữ viết và tập đọc, tập viết cho anh em dân tộc, nhất là cho giới thanh niên nam nữ, đặc biệt để ý nâng cao nếp sống gia đình văn minh.
III. CHÚNG TÔI GẶP ÔNG A. GRÊNG TẠI LÀNG DE KƠTU THỊ TRẤN KON DƠNG, HUYỆN MANG GIANG
Sau khi chúng tôi lên thăm chiếc cầu độc đáo mang tính lịch sử truyền giáo, được làm thành do một thân cây nằm bắcngang qua thượng nguồn suối Ayưnh. Màu đen vẫn còn như xưa, nó chống chọi nổi với nhiều trận lũ lụt và khí hậu khắc nghiệt. Chúng tôi cảm ơn các anh em thanh niên đã giúp chúng tôi, sau đó tiếp tục hướng đến làng De Kơtu, thuộc huyện Mang-Giang. Một người dân tộc tuổi hơn 60 vui vẻ và linh hoạt mời chúng tôi lên nhà sàn, tiếp chuyện vui vẻ. Tên ông là A. GRÊNG.
Lúc đầu ông hơi bỡ ngỡ, nhưng nhờ người bà con giới thiệu và sau khi biết rõ chúng tôi đến thăm với mục đích gì, dần dần ông như sống lại dĩ vãng và trổ tài lợi khẩu của mình.
A. TỔ TIÊN ÔNG KIƠM
Người Bahnar là dân tộc thuộc tôn giáo cúng thần Yang. Trong những dịp cúng thần Yang, họ kêu cầu đến thần tổ tiên, thần sông, thần núi, hồn ông bà đã chết, qua đó họ góp phần bảo lưu những tiềm thức xa xưa được truyền khẩu, vềdòng tộc cũng như về các nơi họ đã sinh sống. Trong câu truyện kể lại về tổ tiên, họ có thêu dệt một số nét mang tính thần thoại, nhưng qua đó tàng ẩn cội nguồn và gia phong nào đó. Tổ tiên ông KIƠM cũng được lưu trữ trong ký ức nơi thế hệ hậu sinh như vậy. Sau khi được gợi ý về những buổi cầu cúng Yang do thầy cúng đọc, ông Breng đã thuật lại cho chúng tôi về cội nguồn của ông KIƠM cũng là của gia đình ông với lòng xác tín. Ông kể nội dung câu chuyện như sau:
Hai sui gia cùng đi săn với dân làng, mãi mê chuyện trò với nhau về gia đình con cháu. Dân làng đã đuổi theo con thịt khá xa, bỏ hai ông lại đàng sau. Hai ông thấy đói bụng và tìm trái cây ăn cho đỡ đói. Thình lình hai ông gặp được cây cau có một bắp cau to khác thường. Hai ông bắt đầu đốn thân cau, thì nghe tiếng trẻ khóc. Dừng tay lại tìm xem tiếng trẻ khóc ở đâu, nhưng họ không thấy đứa trẻ nào cả. Hai ông lại chặt vào thân và cũng nghe tiếng khóc như lần trước. Họ đi tìm nhưng cũng chẳng thấy trẻ khóc đâu. Cuối cùng cây cau đã bị đốn ngã xuống và tiếng trẻ kêu thất thanh. Hai ông lo lắng chạy tìm xung quanh, thử xem trẻ con ở đâu mà khóc to như thế nhưng cũng chẳng thấy. Cuối cùng hai ông lại chặt bắp cau non và thấy một em bé trai độ 2-3 tháng nằm trong bẹ non. Hai ông vừa lo lắng và vừa mừng vì bắt gặp được một em bé xinh đẹp. Các bà vợ của hai ông sui này, một bà sinh con được 9 tháng, bà kia mới sinh được 3 tháng. Đứa trẻ BU BƠNANG được trao cho ông sui có vợ vừa sinh 3 tháng. Bà này nuôi nó cùng với con mình bằng sữa của bà. Bé BU BƠNANG lớn lên như bao trẻ trai khác và cưới vợ.
I. BU BƠNANG sống với vợ và sinh ra được 3 đứa con. Nhưng 3 bé này là 3 con vật:
1. Đứa nhất là con gái, tên là YĂ BƠNHUOL (bé TÊ-TÊ).
2. Đứa thứ hai là người con trai, tên là BOK BING SƠLONG (chàng RỒNG).
3. Đứa thứ ba cũng là đứa con trai, tên là BOK AIENG (chú VOI).
II. YĂ BƠNHUOL (cô TÊ-TÊ) có gia đình và sinh ra BOK BÊNG.
III. BOK BÊNG sinh ra BOK KIƠM
Phải chăng câu truyện BU BƠNANG nói lên cội nguồn tổ tiên của họ từ vùng Trung Châu, xứ có nhiều cây cau, dần đi lên vùng Tây Nguyên sau những biến động xã hội? Nhưng trong quá trình biến động đó, nhóm người Bahnar này coi trọng và bảo tồn gia đình bằng cách đề cao vai trò người phụ nữ, bà vợ trong gia đình qua hiện thân con BƠNHUOL (con TÊ TÊ) xù xì vảy đen. Hay ở đây có phải muốn nói lên con TÊ TÊ là thuốc gia truyền dân tộc, dùng trị liệu các bệnh của đàn bà do việc sinh nở nhiều? Sức mạnh của nòi giống có phải được thể hiện nơi BOK BING SƠLONG (con rồng núi), và BOK AIENG (con voi)? Và cũng muốn nói lên gia phong và dũng khí nơi dòng tộc đã sản sinh ra ông KIƠM?
B. ÔNG KIƠM, THEO ÔNG A. GRÊNG, CÓ 8 BÀ VỢ: 4 bà thuộc huyện Mang Giang ngày nay, 4 bà vợ thuộc người làng DE KALEK Tih và DE KATECK Tih (nay thuộc huyện Kơ-Bang). Lúc đầu hai làng Plei Bông Pim và Plei Bông Mor nằm tại Gia-Trung ngày nay, phía bắc cách quốc lộ 19 khoảng 3 cây số, dần dần di chuyển về Plei Bông Pim và Plei Bông Mor ngày nay. Theo Raymond Le Jarriel, nguyên quán của ông KIƠM là Plei Bông Mor (xem B.A.V.H., 1942, tr. 11). Theo tập Lịch sử họ Châu Khê, ông Miên hình như muốn nói đến nơi chôn nhau cắt rốn của ông KIƠM cũng như nơi chôn cất của ông trong vùng Plei Bông Mor. Nhưng một số dân làng Plei Bông Mor cho rằng nơi chôn cất ông KIƠM thuộc vùng Plei DE KALEK Tih (thường gọi Plei Alei vùng huyện Kơ-Bang). Chúng tôi tạm gác lại vấn đề để sau này có dịp sẽ tìm hiểu thêm. Nhưng dù gì đi nữa, có lúc ông KIƠM, vì tranh chấp với người Hơdrung, đã về sống tại vùng BA-HAM (huyện Kơ-Bang). Chúng tôi xin tiếp tục ghi lại về Dòng Tộc con cháu ông KIƠM tại vùng huyện Mang Giang do các người vợ sinh ra.


Chúng tôi xin ghi lại lời của Cha Dourisboure nhận định về con người của ông KIƠM trong quyển hồi ký của ngài, ghi lại thời điểm sau khi đã kết nghĩa anh em với Thầy Sáu Do như sau:
“Từ lúc đó (lúc đã kết nghĩa anh em), đối với chúng tôi, lòng thành tín của Bok KIƠM chưa một lần nào phai mờ và trong khi tôi viết những dòng này, Ông ta vẫn là người bạn thiết nghĩa của chúng tôi không khác gì trong những ngàyđầu. Trong những lúc gây cấn nhất, Ông đã trợ giúp chúng tôi và không hề ngần ngại trong những việc hết sức nguy hiểm. Chính nhờ ông mà về sau chúng tôi mới có thể bỏ qua con đường liên lạc phía Bắc và chào vĩnh biệt anh chàng háu ăn Ba-Ham. Chính Ông, với phương tiện nô lệ và voi nhà của mình, đã đảm trách việc vận chuyển qua ngã An Sơn tất cả những gì người ta gửi lên cho chúng tôi từ Địa phận Đàng Trong sau này; các quan ở đồng bằng hay tin chúng tôi ẩn trú trên miền Thượng đã chỉ thị cho Ông bắt giữ chúng tôi, nhưng ông ta đã biết cách xử lý hết sức khéo léo, vừa làm hài lòng các quan vừa không lỗi phạm tình bạn đối với chúng tôi”.
C. CÂU CHUYỆN VỀ LÀNG DE KƠTU, CON CHÁU ÔNG KIƠM
Chúng tôi đến thăm gia đình ông A. Grêng con cháu ông KIƠM như chúng tôi đã trình bày trong phần gia phả ở trên. Trong cuộc gặp gỡ này, ngoài câu truyện về cội nguồn Tổ Tiên của ông KIƠM ra, ông A. Grêng còn cho chúng tôi biết Kon Tơng có quan hệ tốt, thân tình với các linh mục vị Thừa Sai và trong làng còn có một địa danh gọi là “ĐAK BOK”.
Ông cho biết ĐAK BOK là GIỌT NƯỚC được các CHA xây dựng từ xa xưa cho dân DE KƠTU đến kín nước, tắm rửa, nay công trình đó không còn sử dụng được vì với thời gian, suối HNHANG bị xói mòn bờ, biến nơi GIỌT NƯỚC cũ thành mộtđám ruộng, nơi dấu vết công trình xây dựng bằng vôi đá bị chôn vùi sâu dưới mặt đất. Còn GIỌT NƯỚC đã lấn vào trong bờ nơi mô đất cao, nay vẫn còn dùng. Chúng tôi đã ra tận nơi để quan sát, chỉ còn thấy GIỌT NƯỚC hiện dân đang sửdụng, còn công trình xây dựng xưa không còn nữa. Tuy nhiên, điều này gợi lại cho chúng tôi hình ảnh các vị Thừa sai quan tâm đặc biệt đến dân làng và dân làng cũng quý trọng các ngài, đồng thời đây cũng là dấu chứng phần nào các ngài quý trọng và biết ơn ông KIƠM đã tận tình giúp đỡ các ngài trong thời gian trước, nay trả công lao cho con cháu ông KIƠM, bằng cách quan tâm đến nhu cầu của họ.
Ngày nay, chúng tôi cũng nhận thấy con cháu ông KIƠM xin tòng giáo nhiều, đặc biệt vùng Plei Bông, như Plei Bông Mor trên 300 gia đình xin tòng giáo, đa số đã được rửa tội. Dân làng De Kơtu rất thiện cảm với ĐẠO. Phải chăng đó là dấu chỉ Thiên Chúa đã làm mọc lên những HẠT GIỐNG TIN MỪNG được các Thừa sai đi trước gieo trồng? Mảnh đất Gia tộcđượm tình thân thương trước kia là MẢNH ĐẤT TỐT đã được chuẩn bị trước cho MÙA MÀNG ngày nay. Nhân dịp này, chúng tôi tìm hiểu mối tương quan giữa dân làng De Kơtu với công việc truyền giáo của các vị thừa sai như thế nào. Qua dòng lịch sử, chúng tôi đã có một số sử liệu cụ thể như sau:
Năm 1880, Đức cha Galibert, Giám mục Địa phận Đông Đàng Trong, đi kinh lý vùng truyền giáo Bahnar lần đầu tiên. Ngài nhận định cần có những điểm truyền giáo «trung gian» giữa vùng Cao Nguyên và Trung Châu, đặc biệt tại các làng người Bahnar vùng Kon-Tơng (người Kinh gọi Kon Từng) này. Cha Dourisboure và Cha Vialleton thực hiện bước tiếp xúcđầu tiên để chuẩn bị gởi linh mục đến với người dân tộc vùng này. Các cư dân ở đây đón tiếp các ngài rất nồng hậu và theo phong tục địa phương, mỗi người được tự do tòng giáo như lòng mình mong muốn. Đức Cha dự định sẽ gởi đến vùng truyền giáo một linh mục thừa sai khi vị này biết tạm đủ tiếng Kinh và sẽ điều Cha Soubeyre đến phụ trách truyền giáo vùng Kon-Từng vào năm 1880 (x. Compte rendu MEP năm 1880, tr. 63-66). Chẳng may cũng chính năm đó Cha Soubeyre qua đời đột ngột tại Kon Jơdreh. Chương trình của Đức Cha chưa thể thực hiện được vì thiếu nhân sự.
Đầu thế kỷ XX này, khi đường giao thông được xây dựng từ Qui Nhơn đến Pleiku (quốc lộ 19), Kon-Từng cũng là nơi dừng chân của các vị thừa sai. Cuối năm 1912 đầu năm 1913, Đức cha Jeanningros kinh lý vùng truyền giáo dân tộc, có dùng cơm trưa và nghỉ chân tại suối Ơnhang (nay dân gọi là suối Hnhang), được các già làng đến chào thăm. Nơi Đức Cha dừng chân có phải là nơi có GIỌT NƯỚC được các vị thừa sai xây dựng cho dân làng ngày trước không?
Chúng tôi đứng phía bên này bờ suối Hnhang gần GIỌT NƯỚC bây giờ nhìn qua bên bờ suối đối diện, có hỏi ông Grêng làđường phía trước mặt dẫn đến đâu. Ông trả lời: "Có thể đi đến gặp đường Suối Đôi- Đak Đoa".
Khi các vị thừa sai bỏ đường phía bắc qua làng Bơlu, Konphar, Kơlang, Kơxâm như thời kỳ mới khai phá để tránh lái buôn người kinh (1849-1865), các ngài đã đi đường Suối Đôi - Đak Đoa qua Plei Tuer cách 3 cây số, đường lên Kontum (từ1865) (Nhà thờ Plei Tuer là nơi nghỉ chân cho các thừa sai lên xuống Trung Châu). Con đường này còn dùng mãi đến thập niên 1950-1960, dù từ thập niên 1930 đã xây dựng xong đường quốc lộ 14 từ Pleiku lên Kontum.
Cuộc tìm theo vết chân của các vị thừa sai tiên khởi của chúng tôi đã đạt được phần nào thành quả ngoài mong ước, tuy còn nhiều điểm cần tìm hiểu thêm: như nơi ông KIƠM sinh sống sau khi ông nhận thấy sống ở vùng Plei Bông Mo có chuyện bất hoà với dân tộc Jrais-Hơdrung, ông đã đến vùng BA-HAM, và con cháu nơi đó như thế nào? Và nơi chốn an táng ông nay ở làng nào? Đó là những điểm khá lý thú cần ghi nhận về cuộc đời một con người tự bản thân đã có một chỗ đứng trong Lịch sử Truyền giáo Tây Nguyên Kontum, và nay con cháu một lần nữa đang ghi lại chặng đường sinh hoa kết quả do TÌNH KẾT NGHĨA ANH EM giữa ông KIƠM với Thầy SÁU DO. Hoa quả đó thể hiện nơi số đông con cháu Ông đã tòng giáo và đang sống đức tin tích cực, chân thành và can đảm.
Lm. Gioakim Nguyễn Hoàng Sơn