Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2012

ĐÌNH LÀNG Ở PHỐ NÚI




Đình làng là công trình kiến trúc gắn bó với cư dân vùng đồng bằng từ rất xa xưa. Nhưng, ở ngay trung tâm thành phố Kon Tum thuộc khu vực Tây Nguyên này, cũng có những mái đình làng sừng sững "thi gan cùng tuế nguyệt". Những ngôi đình hoà nhập trong một không gian rộng lớn của vùng đất với những mái nhà Rông truyền thống, góp mặt cho sự đa dạng, phong phú của văn hoá các dân tộc Kon Tum.

Đình Lương Khế
Cùng với sự có mặt và định cư ngày càng đông của cư dân người Kinh trên đất này, những ngôi đình được lần lượt xây dựng vào những năm đầu thế kỷ XX. Ngôi đình đầu tiên được xây dựng là Đình Lương Khế, đến nay đã gần 100 năm tuổi. Năm 1913, sau hai  năm lập làng Lương Khế, dân làng cùng nhau xây dựng một ngôi đình giữa làng làm nơi thờ thần hoàng bản xứ, mong cho thần linh phù hộ, che chở cho dân an cư lập nghiệp. Đình được xây dựng bước đầu bằng mái tranh, vách nứa, nền đất. Mặt Đình quay về hướng nam và nằm trên khu đất cao. Đình xây dựng theo kiểu chữ "môn". Chính điện thờ Tổ Hùng Vương. Dãy nhà hướng nam thờ các vị tiền hiền có công khai phá xây dựng làng. Dãy nhà hướng bắc là nơi dân làng hội họp trong các ngày lễ hội. Nhà chính điện ba gian, kiểu kiến trúc nhà kho của người Việt, bờ nóc gắn hình "lưỡng long chầu nguyệt", bốn đầu đao mái trên, mái dưới đều gắn dây cuốn. Sau những lần tu bổ, mái đình được lợp lại bằng ngói vảy, tường xây bằng gạch, sườn gỗ. Trên đầu nóc đắp đôi lưỡng phụng chầu nguyệt, các hàng cột ở tiền sảnh được khắc hình rồng. Ngày 26-6-1925, Vua Khải Định ban Sắc thần cho Đình Lương Khế. Đình còn lưu giữ được nhiều di vật cổ thời vua Khải Định và vua Bảo Đại cho đến ngày nay. Đình Lương Khế hiện tọa lạc tại đường Trần Phú, thành phố Kon Tum.
Khuôn viên di tích LS-VH đình Trung Lương.
 
Cùng một mục đích thờ cúng thần linh, cầu mong sự yên ổn và thịnh vượng cho dân làng, các đình Trung Lương, Võ Lâm cũng được xây dựng.
 
Đình Trung Lương, xây dựng năm 1917. Là nơi thờ thần Hoàng Bổn Cảnh, mang đậm tín ngưỡng văn hoá dân gian của khu vực miền Trung. Ngày nay, Đình Trung Lương tọa lạc tại góc ngã tư đường Phan Đình Phùng - Phan Chu Trinh, thành phố Kon Tum. Tại Đình hiện còn lưu giữ các di vật có giá trị rất lớn về mặt lịch sử văn hoá của địa phương (01 chiếc mõ, 01 giá để chiêng, chế tác năm Bảo Đại thứ 11, 01 tấm hoành phi, 02 giá bát bộ có niên đại cùng với Đình).
 
Di tích LS-VH đình Võ Lâm
 
Đình Võ Lâm, niên đại 1935, sau khi thị xã Kon Tum được thành lập (năm 1929). Đình được xây dựng tại trung tâm làng Võ Lâm, tổng Tân Hương, đạo Kon Tum. Hiện Đình toạ lạc tại vị trí góc ngã tư đường Bà Triệu - Mạc Đĩnh Chi, thành phố Kon Tum. Khi xây dựng, diện tích toàn bộ khuôn viên của Đình rộng 10.000 m2. Đình Võ Lâm cũng là một công trình kiến trúc dân gian cổ của người Việt thuộc khu vực miền Trung Việt Nam. Kiểu kiến trúc hình chữ "Đinh", gồm nhà Tiền đường, Chánh điện, nhà thờ Tiền hiền và nhà Nhóm. Hiện nay đình vẫn còn lưu giữ được một số hiện vật có giá trị.
 
Trước đây, khi các ngôi đình được lập nên, dân làng đều cử một người đứng ra trông coi đình. Người này được gọi là Chủ tạo. Những linh vật của đình được chủ tạo cất giữ và đem ra lau chùi cẩn trọng mỗi khi chuẩn bị tổ chức tế lễ. Ngày nay, đình vẫn được những người có trách nhiệm giữ gìn, trông nom. Tại đây diễn ra các lễ tế và là nơi nhân dân trong, ngoài tỉnh thường xuyên đến dâng hương, cầu an.
 
Sự hiện hữu của những ngôi đình với những giá trị lịch sử - văn hóa có ý nghĩa rất lớn trong tiến trình lịch sử xây dựng vùng đất Kon Tum, góp phần đánh dấu sự giao thoa, hội nhập văn hoá của người Kinh trong nền văn hóa đa dạng của cộng đồng các dân tộc Kon Tum. Ngày 03-8-2007, đình Trung Lương và Võ Lâm đã được Uỷ ban nhân dân tỉnh quyết định công nhận là di tích lịch sử - văn hoá cấp tỉnh. Đây là 2 trong số 17 di tích lịch sử, văn hoá, danh thắng cấp quốc gia và cấp tỉnh của Kon Tum đã được công nhận tính đến thời điểm hiện nay. Riêng Đình Lương Khế, hiện đang hoàn tất hồ sơ đề nghị công nhận di tích.
 
Trần Lê
(Nguồn: CTTĐTTKT)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét