Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Sáu, 15 tháng 11, 2024

Thánh Lễ Mừng Kính Thánh Stêphanô Cuénot Thể, Thánh Tổ Giáo Phận Kon Tum

15-11-2024

Ngày 14 tháng 11 hàng năm, Giáo phận Kon Tum mừng kính Thánh Giám mục Stêphanô Cuénot Thể tử đạo, là thánh tổ của Giáo phận. Chính Ngài đã có sáng kiến để khai mở Miền truyền giáo Tây Nguyên, và đặc biệt là Giáo phận Kon Tum ngày nay.

Vào lúc 5 giờ 30 sáng thứ năm, ngày 14/11/2024, thánh lễ trọng thể mừng sinh nhật trên trời của Thánh Stêphanô Cuénot Thể được cử hành tại nhà thờ Chính tòa, do Đức Cha Aloisiô Nguyễn Hùng Vị, Giám mục giáo phận Kon Tum chủ tế, cùng với sự hiện diện của Cha Tổng đại diện, quý Cha Đại diện giám mục, quý Cha Hạt trưởng, quý Cha đồng tế; quý Tu sĩ nam nữ, Chủng sinh và mọi thành phần dân Chúa Kinh – Thượng.

Đoàn rước Đức Cha, quý Cha dừng lại trước tượng Thánh Stêphanô Cuénot Thể, và toàn thể cộng đoàn hướng về cùng hiệp lòng với Đức Cha thắp hương kính viếng.

Mở đầu thánh lễ, Đức Cha Aloisiô mời gọi cộng đoàn hiện diện sốt sắng dâng thánh lễ kính thánh tổ phụ của Giáo phận để cầu nguyện cho tất cả các tín hữu, cách riêng anh em Giáo phu – Ako Khul cũng mừng bổn mạng hôm nay, xin Chúa cho tất cả mọi người được vững vàng trong đức tin, có đời sống đạo đức, để càng ngày càng biết noi gương thánh tổ phụ làm chứng cho Chúa một cách đắc lực hơn nữa; và qua thánh lễ này Đức Cha sẽ ban Phép lành toàn xá cho tất cả các tín hữu nhân dịp lễ bổn mạng của Giáo phận.

Thứ Năm, 7 tháng 11, 2024

HỎI TRE BAO NHIÊU TUỔI?

 



Lũy tre làng Rơhai (Tân Hương) có niên đại gần 200 năm phía sau lưng nhà thờ hiện nay



Hỏi rặng tre già bao nhiêu tuổi?
Chiều nay lặng lẽ đứng giữa trời.
Trải mấy mùa trăng, mùa nước lũ,
Qua mấy mùa Thương Khó, Mân Côi?

Tre từ thuở lập làng dựng phố
Rơhai xưa nước rỉ giọt trong ngần (1)
Chợt một ngày lời kinh rền sông núi
Ánh Tin Mừng tỏ rạng, tiếng chuông ngân.

Mấy trăm năm tre chung tình tha thiết (2)
Nhà thờ tranh tre nứa buổi ban đầu (3)
Nhớ Bok Do đạp chông tiến lên phía trước (4)
Tre - nhân chứng vui buồn tất cả trước sau...

Dak Bla ơi xuôi theo dòng Trại Lý (5)
Hỏi tình xưa Kinh - Thượng có chặt bền?
Gò Mít (6) nối nghĩa hai miền Xuôi - Ngược
Tân Hương quê mình mong sáng đức tin.

Chiều nay thăm lũy tre già im không nói
Gió đu đưa cành lá vẫn lặng thầm.
Chợt thấy lòng mình nghe nhoi nhói,
Chỉ biết lặng nhìn tìm những búp măng.

Hoa Núi Cuối Tháng Mân Côi 2024

Nhà thờ giáo xứ Tân Hương, giáo phận Kon Tum xây dựng đại trùng tu năm 1906

_________________________

1. Plei Rơhai: theo người Bahnar - Rơngao, là làng có nhiều mạch nước rỉ ra. Chúng ta thấy có nhiều giọt nước tốt dọc theo bờ hừng trước nhà thờ Tân Hương trước đây (giờ vẫn còn một vài chỗ).

2. Cha Do mở đạo Kontum năm 1848. Năm 1850 lập làng bên lũy tre Rơhai...

3. Cha Do có công dựng 3 nhà thờ đầu tiên bằng tre nứa, và dựng nét gỗ nhà thờ hiện nay, nhưng chưa hoàn thành thì bị bệnh, về quê Bình Định dưỡng bệnh và qua đời (1872). Các cha kế tiếp: Hugon (Xuân) hoàn thành nhà thờ cha Do khởi công, cha Nguyên, cha Nicolas (Cận), cha Kemlin (Văn), cha Guerlach (Cảnh)... đều có sửa chữa, tu bổ. Đặc biệt cha Demeure (Ngự) đại trùng tu trên nét cột gỗ của cha Do (1906), và cha Alberty (Hiền) làm vòm cung, cửa ra vào, chạm khắc (1916), xây tháp chuông bằng gạch (1926)...như ta thấy hiện nay.

4. xem "Dân làng Hồ" của Lm Dourisboure (Cố Ân): Thầy sáu Do đạp trúng chông tre xuyên qua bàn chân...

5. & 6. Rơhai (1850) chung Kinh - Thượng, sau lập ra Trại Lý (1874) làng người Kinh, đổi tên thành Gò Mít (1909), và sau cùng là Tân Hương (1926) cho đến nay. Bổn mạng giáo xứ: Đức Mẹ Mân Côi.

Trại Lý là cách đọc Việt hóa chữ Bahnar: Trai Li (Dak Li), do cha Hugon (Xuân) đặt tên làng.

Nguồn: vanthoconggiao.net