Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Hai, 30 tháng 1, 2023

Giáo Xứ Hoàng Yên: Tạ Ơn Kỷ Niệm Cung Hiến Đền Thánh Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam

Ngày 30 tháng Giêng năm 2023, Giáo xứ Hoàng Yên, Giáo hạt Chư Prông, Giáo phận Kon Tum đã cử hành thánh lễ tạ ơn kỷ niệm ngày làm phép ngôi Thánh Đường của Giáo xứ, được cung hiến trở thành Đền thánh dâng kính Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam.

Còn nhớ cách đây 5 năm, vào ngày 30 tháng Giêng năm 2018, cộng đoàn Giáo xứ Hoàng Yên vô cùng hân hoan phấn khởi và vui mừng chào đón Đức Cha Aloisiô Giám mục Giáo phận, quý cha và các thành phần dân Chúa khắp nơi qui tụ về với Giáo xứ trong ngày lễ khánh thành và đặc biệt hơn là Cung hiến ngôi Thánh Đường này, theo ý của Đức Giám mục Giáo phận.

Được đặt viên đá ngày 01/01/2016, đến ngày 15/08/2016 mới bắt đầu công việc xây dựng Nhà thờ và tất cả khuôn viên gồm nhà giáo lý, nhà truyền thống, nhà xứ…với tổng diện tích hàng ngàn mét vuông.

Từ ngày trọng đại đó đến nay, Giáo xứ luôn luôn cảm tạ hồng ân Thiên Chúa và nỗ lực sống chứng tá đức tin trong cộng đoàn và mở rộng truyền giáo, sống bác ái đối với tất cả mọi người.

Và hôm nay 30/01/2023, kỷ niệm Cung hiến Nhà thờ, cộng đoàn Giáo xứ đã Chầu Mình Thánh Chúa vào lúc 9g00, do cha chính xứ Đaminh Nguyễn Xuân Hùng chủ sự.

Sau đó Thánh lễ tạ ơn bắt đầu vào lúc 9g30, do Đức Cha Phêrô Trần Thanh Chung, nguyên Giám mục Giáo phận Kon Tum chủ tế. Đồng tế với Đức Cha Phêrô có cha Louis Gonzaga Nguyễn Quang Vinh, Quản miền Gia Lai, quý cha Hạt trưởng, quý cha Bề trên và một số quý cha trong Giáo hạt Chư Prông. Tham dự thánh lễ còn có thầy Phó tế, quý tu sĩ nam nữ, đại diện quý chức việc của một số Giáo xứ và giáo dân trong và ngoài Giáo xứ.


Cha Louis Gonzaga Nguyễn Quang Vinh đã chia sẻ Lời Chúa trong Thánh lễ.

Thánh lễ diễn ra trong bầu khí trang nghiêm, sốt sắng.

Cuối Thánh lễ, cha Đaminh Nguyễn Xuân Hùng, chính xứ Hoàng Yên và cũng cũng là cha Hạt trưởng hạt Chư Prông tỏ bày tâm tình tri ân Đức Cha Phêrô, đã thay mặt Đức Cha Giáo phận chủ tế Thánh lễ tạ ơn hôm nay; cha Louis Quản miền Gia Lai đã hiện diện và chia sẻ Lời Chúa trong Thánh lễ; quý cha đồng tế, quý tu sĩ nam nữ và toàn thể cộng đoàn dân Chúa. Cha xứ Hoàng Yên cũng nhắc lại tầm quan trọng của phụng tự về Đền thánh của Thiên Chúa và nói lên niềm thao thức và mong ước quý cha, quý tu sĩ và cộng đoàn dân Chúa qui tụ về nơi đây đông đảo hơn nữa để đón nhận ơn phúc của Chúa từ nơi Đền thánh này.

 

Minh Sơn – Văn Phương

(Ban MVTT GP Kon Tum)

 

Bài chia sẻ của cha Louis Gonzaga Nguyễn Quang Vinh trong Thánh lễ

KỶ NIỆM CUNG HIẾN ĐỀN THÁNH NỮ VƯƠNG CÁC THÁNH TỬ ĐẠO VIỆT NAM – GIÁO XỨ HOÀNG YÊN 30. 1. 2023

         

Trọng kính Đức Cha Phêrô,

Kính thưa quý cha Quản Hạt, quý linh mục đồng tế, quý tu sĩ nam nữ và toàn thể anh chị em giáo dân,

Trong bầu khí sang xuân, chúng ta quy tụ về đây để ca ngợi Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam, nhân ngày kỷ niệm 5 năm cung hiến đền thánh nầy.

1. Kính thưa anh chị em, phát đi từ kinh nghiệm xã hội, trong mối quan hệ ngoại giao giữa các quốc gia, chúng ta thấy có tòa đại sứ của một đất nước xa xôi được thiết lập trên lãnh thổ của một quốc gia khác, ví dụ như tòa đại sứ Trung Quốc, Nga, Mỹ, Anh, Pháp tại Việt Nam. Sự hiện diện các tòa đại sứ cho thấy Việt Nam có mối tương giao hữu nghị với những quốc gia đó và nhìn nhận chủ quyền của họ trên đất nước mình như một pháp nhân độc lập. Tòa đại sứ hay tòa lãnh sự là biểu tượng ban giao hữu hảo giữa hai quốc gia.

Cũng vậy trong lãnh vực tôn giáo, trong một địa phận hay một quốc gia, chúng ta thấy có những lãnh địa dành riêng cho việc phụng tự, ví dụ như: linh địa La Vang được dành cho việc tôn sùng Đức Mẹ của giáo hội Việt Nam, linh địa Trà Kiệu cho địa phận Đà Nẳng, linh địa Đức Mẹ Măng Đen cho giáo phận Kontum.  Và để tôn vinh Nữ Vương các thánh tử đạo Việt Nam, địa phận Kontum chọn thánh đường giáo xứ Hoàng Yên để suy tôn “Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam”. Đền thánh nầy đã được cung hiến cho Đức Mẹ, do Đức Giám Mục địa phận cử hành cách đây 5 năm, với thánh hiệu là: “Đền Thánh Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam”, mà hằng năm vào ngày kỷ niệm cung hiến, giáo hội Kontum có bổn phận dâng thánh lễ long trọng theo luật phụng tự. 

Như vậy có thể tóm tắt nói: “Đền Thánh được cung hiến là để cho con người có nơi tôn thờ Thiên Chúa, và là tượng trưng cho thành thánh Giêrusalem mới, là nơi Thiên Chúa ngự và là cửa tiến vào Thiên Đàng.  Nơi đây Thiên Chúa tụ họp đoàn dân của Ngài, để họ ngợi khen Danh Chúa”.

2. Cung hiến một thánh đường đồng nghĩa với việc cộng đồng tín hữu chọn lãnh địa và kính dâng lãnh địa đó cho việc tôn thờ Thiên Chúa, để vinh danh niềm tin tôn giáo của mình. Thánh đường là Nơi Thiên Chúa ngự trị giữa cộng đoàn dân Chúa, để Thiên Chúa đồng hành và nâng đỡ dân, để lắng nghe dân Chúa kêu khấn, nơi đây con người tiếp xúc với Thiên Chúa để được Thiên Chúa chữa lành, nơi đây Thiên Chúa và con người hội ngộ gặp gỡ và trao đổi với nhau. Thánh đường là Điểm Hẹn giữa con người với Thiên Chúa.   Trong Bài Đọc 1, ngôn sứ Edêkien thi vị nói về đền thờ mang lại sự sống : “Có nước vọt ra từ ngưỡng cửa đền thờ và chảy về phía đông.   Sông chảy đến đâu thì mọi sinh vật lúc nhúc ở đó sẽ được sống …  Trên hai bờ sông sẽ mọc lên mọi giống cây ăn trái, lá không bao giờ tàn, trái không bao giờ hết.  Trái dùng làm lương thực, còn lá để làm thuốc”.  Nghĩa là đền thánh đem lại sự sống , sự chữa lành và sự bình an cho con người. Nơi đây Thiên Chúa chữa lành các thứ bệnh tật nhất là bịnh tâm hồn, nơi đây Thiên Chúa ban lương thực nuôi sống muôn dân’ , nơi đây có “cây sinh trái làm lương thực và lá làm thuốc trị bịnh” (xem Bài đọc 1, Ed 47, 1-2. 8-9).

Cung hiến đền thờ có nghĩa là dành riêng một lãnh địa, một cơ sở vật chất cố định được xây dựng cho việc phụng thờ Thiên Chúa, việc dâng hiến có tính bền lâu, là dấu chỉ hữu hình diễn tả tâm tình hiếu kính của người tín hữu dâng lên cho Thiên Chúa, nơi đây như là lãnh địa của Thiên Chúa, là nhà của Thiên Chúa.

3. Bài Đọc 2, Sách Khải huyền nói tới ‘trời mới đất mới’. Khi con người chạy đến với ‘Nhà Tạm của Thiên Chúa’ ở giữa dân của Người, con người được gặp gỡ Thiên Chúa và lòng họ được đổi mới, theo lối nói ‘trời mới đất mới’, con người có khả năng bắt đầu lại, phục hồi lại ơn thánh sủng đã bị đánh mất do tội lỗi. Nơi thánh điện con người bày tỏ tâm sự vui buồn cho Thiên Chúa đấng thấu suốt tâm hồn con người để con người được Thiên Chúa an ủi vỗ về, chẳng khác nào đặt con người vào sự đổi mới tâm hồn, làm mới lại đời sống của mình.

Thật vậy qua việc gặp gỡ Thiên Chúa, Người có thể biến đổi họ trở nên mới, và từ đó con người nhìn môi trường mình đang sống cách mới mẽ.  Thật vậy Nguyễn Du có lý khi nói : “Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ”, khi con người u sầu vì thất bại do tội lỗi gây nên, cái nhìn của họ mất đi sự trong sáng và niềm hy vọng. Nhưng một khi gặp được Thiên Chúa trong thánh điện, con người có khả năng làm mới lại cuộc đời u tối của họ, mới trong tư duy, trong hành xử với tha nhân, mới trong phong cách làm con Thiên Chúa.

Cũng cần nhắc lại đền thánh cao quý nhất đó là đền thờ tâm hồn nơi Thiên Chúa ngự trị, có khi chúng ta quên mất ơn Bí Tích rửa tội, ngày đó chúng ta đã được thánh hiến cho Chúa Ba Ngôi, nhưng vì thiếu săc sóc linh hồn mình nó trở nên hỗn tạp cần phải tẩy uế, như Chúa đã tẩy uế đền thờ Giêrusalem hôm nay.  Có khi tâm hồn chúng ta đầy ganh tỵ, đố kỵ, tham lam, gây hấn, đam mê bất chính và các tính hư tật xấu khác, tâm hồn cần được Thiên Chúa tẩy uế.

4. Tìm hiểu về thánh hiệu : “Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam”. Câu hỏi gợi lên: Liệu Đức Maria Nữ Vương có kinh nghiệm đau khổ như Các Thánh Tử Đạo Việt Nam không?  Chúng ta khẳng định mà không chút nghi ngại, là có.  Đức Maria thật sự có tham dự vào những đau khổ của các Thánh Tử đạo.  Thật ra khi suy tôn Đức Maria là Nữ vương các thánh tử đạo mà còn hoài nghi về việc tử đạo của Đức Mẹ thì chẳng khác gì nói ‘vua bóng đá mà không biết đá bóng’.  Một sự mâu thuẫn nhãn tiền không thể chấp nhận được.  Nữ Vương các thánh tử đạo đã có những thương tích của một vị tử đạo, ngôn sứ Simeon nói tiên tri về Đức Mẹ khi ông ẳm Chúa Giêsu trong tay rằng : “một lưỡi gương sẽ đâu thâu qua lòng bà”.  Mà thật sự đúng như vậy.  Ai đau khổ cho bằng người mẹ bồng con đi tỵ nạn nơi đất khách quê người, ai đau khổ bằng người mẹ lạc mất con và ai đau khổ hơn người mẹ ẳm xác con, sau khi thấy tim con bị đâm thủng “máu cùng nước chảy ra”.  Kinh thánh ghi lại khoảnh khắc khi Chúa Giêsu bị đóng đinh vào thập giá và bị giương cao lên khỏi mặt đất thì Mẹ đứng đó, dưới chân thập giá của con mình. “Stabat Mater Dolorosa”.  Tất cả đau thương nầy đã xảy ra nơi tâm hồn Đức Maria không đủ để nói Đức Mẹ đã tử đạo dù không đổ máu sao?  Và Đức Mẹ chẳng xứng danh là Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo sao?

5. Cho nên khi tuyên dương Đức Mẹ là Nữ vương của các tử đạo, là tuyên dương Đức Mẹ là Nữ vương các sự đau khổ. Vì vậy Đức Mẹ sầu bi dễ đồng cảm với mọi nỗi đau khổ của nhân loại dưới muôn vàn hình thức khác nhau. Thật ra đau khổ chẳng có giá trị nào cả, có chăng, đau khổ  tìm được giá trị cứu độ khi chúng ta đặt đau khổ trong sự hiệp thông với đau khổ của Đức Kitô, của Đức Maria và các của Các Thánh Tử Đạo.  Mỗi người có lịch sử riêng của mình không ai giống ai, mỗi người có cái ‘tử đạo’ riêng của mình không giống nhau, tuy nhiên chúng ta giống nhau ở chỗ, chúng ta cần có người cảm thông và nâng đỡ khi gặp hoạn nạn khó khăn trong đời sống xã hội nhất là trong đời sống tâm linh.  Có lẽ nơi đền thánh Nữ Vương Các Thánh Tử Đạo Việt Nam nầy sẽ giúp chúng ta tìm lại được sự bình an cho tâm hồn.  Trong cái nhìn đạo đức có thể nói khi chúng ta gặp đau khổ là lúc chúng xích lại gần với Các thánh tử đạo và người Mẹ đứng dưới chân thập giá Chúa Kitô và gần với Chúa Giêsu nhiều hơn.  Thật ra trong đời sống xã hội không phải mọi việc đều có thể được hóa giải bằng kinh tế, chính trị, nhưng rất nhiều trường hợp phải chạy đến với giải pháp tâm linh nơi các linh địa và đền thánh. Amen

Chúc anh chị em một năm mới bình an và thánh đức trong năm Quý Mão nầy 2023.

 

Giáo xứ Hoàng Yên ngày 30.1. 2023 Ngày kỷ niệm cung hiến thánh Đường.

Louis Nguyễn Quang Vinh – Lm Kontum

 

WGPKT(31/01/2023) KONTUM

Nguồn: Website Giáo Phận Kon Tum

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét