Linh mục Gioan Võ Đình Đệ
WHĐ (27.9.2022) - Khi Tòa thánh thành lập hai giáo phận Tông tòa tại đất nước “Con Rồng Cháu Tiên” vào ngày 09.09.1659, Đức cha Pierre Lambert de La Motte được bổ nhiệm làm Giám quản Tông tòa Giáo phận Đàng Trong. Ngày 27.11.1660, Đức cha rời cảng Marseille để đến với Giáo phận. Sau cuộc hành trình 02 năm, 02 tháng, 04 ngày, Đức cha đã đến Xiêm La. Tuy nhiên, vì hoàn cảnh xã hội, Đức cha chưa thể vào gia đình Đàng Trong của mình. Đến lúc có thể, ngày 20.7.1671, Đức cha rời cảng Ayutthaya để vào Đàng Trong. Trong chuyến viếng thăm mục vụ nầy, Nước Mặn - nơi có duyên nợ với Đức cha Lambert.
3. CÁC THỪA SAI DÒNG TÊN ĐẦU TIÊN ĐẾN NƯỚC MẶN |
1. ĐỊA LÝ - THIÊN NHIÊN MỘT VÙNG ĐẤT:
“Mãn vui Hương Thủy Ngự Bình,
Ai vô Bình Định với mình thì vô
Chẳng lịch bằng kinh đô,
Bình Định không đồng khô cỏ cháy.
Năm dòng sông chảy,
Sáu dãy non cao,
Biển Đông sóng vỗ dạt dào,
Tháp xưa làm bút ghi tiếng anh hào vào mây xanh.”
Những lời mộc mạc ấy của người học trò xứ ‘nẫu’ ngỏ lời với người học trò sông Hương núi Ngự đã giới thiệu được khái quát thủy thổ của tỉnh Bình Định. Tỉnh Bình Định có bờ biển dài 134 km. Từ Nam ra Bắc có nhiều dòng sông lớn nhỏ với dòng nước trong xanh ngoằn ngoèo uốn lượn trong đất Bình Định trước khi ra biển cả hòa mình với đại dương. Năm dòng sông lớn cắt ngang địa hình Bình Định theo hướng Tây – Đông: sông Tam Quan, sông Lại Giang, sông La Tinh, sông Côn, sông Hà Thanh. Năm dòng sông nầy trước khi chảy ra biển quần tụ thành những đầm vịnh, cửa biển, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao lưu từ vùng biển vào đồng bằng, lên miền núi và ngược lại. Sông Tam Quan chảy ra cửa biển Kim Bồng. Sông Lại Giang chảy ra cửa biển An Giũ.[1] Sông La Tinh vào đầm Đề Gi [2] ra cửa biển Đề Gi. Sông Hà Thanh và Sông Côn vào đầm Thị Nại ra cửa biển Thị Nại - Qui Nhơn.
2. CẢNG THỊ NƯỚC MẶN
Ngoài năm dòng sông chính nầy còn có những phụ lưu song song hoặc giao nhau với các tỉnh lộ, huyện lộ. Dọc theo các điểm bờ sông giao nhau với đường bộ và tại các cửa biển, các cụm dân cư đã được hình thành. Các làng nghề, các cảng thị sông biển cũng sớm ra đời cùng với các cụm cư dân. Trong số các cảng thị được hình thành tại Bình Định, Nước Mặn là một cảng thị sầm uất được hình thành bên bờ sông Hà Bạc, một chi nhánh của sông Côn.
Trong thế đứng đối lập với chúa Trịnh ở Đàng Ngoài, chúa Nguyễn ở Đàng Trong có những quyết sách tận dụng mọi nhân tố cũng như điều kiện thuận lợi tự nhiên, nhằm xây dựng cho mình một thế đứng vững mạnh ở Đàng Trong. Trong tầm nhìn đó, phát triển thương mại hàng hải là quyết sách căn bản đã giúp cho chúa Nguyễn đạt được thành công. Vào cuối thế kỷ XVI đến thế kỷ XVII, chúa Nguyễn đã có những quyết sách khai thác năng lực của các cảng biển như Hội An (Quảng Nam ngày nay), Thanh Hà (Huế ngày nay), và Nước Mặn (Bình Định ngày nay).[3] Các phố cảng này chiếm vị trí quan trọng trong quan hệ ngoại thương, đón nhận các đoàn thương nhân Bồ Đào Nha, Nhật Bản, Trung Hoa, Hà Lan, Anh Quốc... Trong đó, thương cảng Hội An chiếm vị trí quan trọng hàng đầu. Đặc biệt Hội An và Nước Mặn là hai phố cảng gắn liền với lịch sử loan báo Tin Mừng ở Đàng Trong.
Trong Hồng Đức bản đồ (1490) thương cảng Nước Mặn được ghi là "Nước Mặn hải môn". Trong giai đoạn thế kỷ XVI-XVII, Nước Mặn là một cảng thị sầm uất ở phủ Qui Nhơn (Bình Định ngày nay). Năm 1618, cha Borri được quan phủ Qui Nhơn đưa đến Nước Mặn; trong một bản tường thuật cha gọi đó là thành phố Nước Mặn (Città Nuoecman). Cha Borri không nói đến cảnh buôn bán ở Nước Mặn nhưng đã cho thấy sự rộng lớn của cảng thị này: "dài năm dặm, rộng nửa dặm".[4] Năm 1650, Nước Mặn các cha Dòng Tên vẽ trên bản đồ với tên gọi "Nehor Man ou Eau salée".[5]
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Nhân “Thời phồn vinh, Nước Mặn có đường hàng hải quốc tế của người Bồ Đào Nha đi lại buôn bán với Vuconva, Luzon (Philippines), Malaysia, Macao và có lẽ cả Nhật Bản. Nước Mặn có đường biển tới các cảng trong nước như: Hội An, Đà Nẵng, Phú Xuân, Cam Ranh, Gia Định; đường sông tới các thị tứ ở Qui Nhơn như: Đập Đá, An Thái, Phú Phong, Đại An, Gò Găng, Phú Đa”.[7]
TS. Đỗ Bang đã nhận xét: “Xét về tầm vóc của thương cảng, Nước Mặn không thể hơn cảng Thị Nại thời vương quốc Champa (thế kỷ X-XV). Xét về ngoại thương, Nước Mặn cũng khó sánh được với Hội An, Thanh Hà, Phố Hiến… nhưng về nội thương, Nước Mặn có vị thế quan trọng cho cả phủ Qui Nhơn và vùng Tây Nguyên hiện nay”.[8]
TS. Lê Đình Phụng, trong bài Thương cảng Nước Mặn (Qui Nhơn) - Xứ Đàng Trong cho rằng: “Nằm trên địa bàn một phủ giàu có, gần các phủ Phú Yên, Bình Khang, Dinh Nha Trang, có nguồn hàng dồi dào từ cao nguyên đổ về, cảng Nước Mặn có vai trò quan trọng trong giao lưu thương mại… cũng như các thương cảng xứ Đàng Trong, cảng Nước Mặn hoạt động chủ yếu với sự tham gia của các thương nhân người Hoa và thương nhân châu Âu qua lại buôn bán, thu mua hàng hóa, sản vật nhiệt đới”.[9]
Năm 1994, đoàn khảo cổ Việt - Nhật đã khảo sát nghiên cứu khu vực Nước Mặn. “Đặc biệt, khi được tiếp xúc trực tiếp với những mảnh sứ Hizen tìm lọc từ trong “mớ hỗn độn” đồ sứ Trung Hoa do dân thu gom được, chúng tôi nhận thấy thương cảng Nước Mặn hình như có đủ các loại hình gốm Hizen mà tại địa điểm khảo cổ học Indonesia và Thái Lan đã tìm thấy. Trong đó cũng có những loại mà ở thương cảng Thanh Hà và Hội An chưa phát hiện được”.[10]
Vào tháng 04 năm 2006, Bảo tàng tổng hợp Bình Định đã tổ chức khảo sát nhưng không quy mô. Kết quả được ghi nhận: "Hố khảo sát chỉ có diện tích 6m², lại mới đào khoảng 50cm, nhưng các nhà khoa học đã tìm thấy hàng vài trăm mảnh gốm sứ các loại: gốm Gò Sành (gốm Chăm thế kỷ XIV-XV), gốm Chu Đậu (Việt Nam, thế kỷ XVI), Nhật Bản, Trung Quốc (thế kỷ XVII), thậm chí cả gốm vùng Trung Cận Đông, gốm Thái Lan. Nhiều nhất vẫn là gốm Chăm, Trung Quốc và Nhật Bản. Gốm Trung Quốc và Nhật Bản cùng mang màu xanh trắng, nhưng có thể phân biệt khá rõ về sắc độ và sự tinh xảo. Có mặt tại điểm khảo sát, tiến sĩ Roxana M.Brown (một chuyên gia về gốm Đông Nam Á, hiện là Giám đốc Bảo tàng Gốm Đông Nam Á thuộc Đại học Bangkok - Thái Lan), nhận xét: "Niên đại của các hiện vật gốm Trung Quốc và Nhật Bản nằm khoảng thời gian từ 1620 đến 1680".[11]
Tháng 07 năm 2016, Bảo tàng tổng hợp tỉnh Bình Định phối hợp với Viện khảo cổ học, tổ chức khai quật khảo cổ khu vực thương cảng Nước Mặn do thạc sĩ Bùi Văn Hiếu, cán bộ Viện khảo cổ học chủ trì. Ngày 22.07.2016, tại Bảo tàng tổng hợp tỉnh Bình Định, đoàn khảo cổ báo cáo kết quả khai quật bốn hố thám sát. Về vật liệu kiến trúc, thu được 789 mảnh gạch ngói, đa phần đều bị vỡ nhỏ. Đồ gốm sứ, thu được 4.844 mảnh đất nung, gốm men và sứ cũng phần lớn đều vỡ nhỏ. Gốm men và sứ bao gồm các loại hình bát, đĩa, cốc... với các dòng men nâu, ngọc, trắng, lam có nguồn gốc Việt Nam, Trung Quốc, Nhật Bản, niên đại trải dài từ thế kỷ XVI-XVII đến thế kỷ XIX- XX. Đồ sành, thu được 2.823 mảnh, chủ yếu niên đại khoảng thế kỷ XVII-XVIII. Đồ sắt, thu được 12 hiện vật đã bị oxy hóa nặng, chưa xác định loại hình và niên đại. Ngoài ra có năm đồng tiền và một mảnh tiền cũng bị oxy hóa nặng, trong đó có hai đồng cho thấy tiền Khai Nguyên thông bảo (713-741) và Khang Hy thông bảo (1661-1722).[12]
Sách Đại Nam Nhất Thống Chí, bản chép thời Tự Đức, trong phần tỉnh Bình Định, mục thị tập có ghi tên 118 chợ lớn nhỏ trong toàn tỉnh Bình Định, nhưng không thấy có Nước Mặn, dù chỉ là một chợ nhỏ.[13] Như thế, bước sang thế kỷ XIX, cảng thị Nước Mặn vang bóng một thời đã suy tàn, các thương nhân đến các nơi khác hoặc về Qui Nhơn buôn bán, tạo tiền đề phát triển cho thành phố Qui Nhơn ngày nay.[14]
Sự ra đời của một cảng thị, sự hưng thịnh, suy vong, lụi tàn đều có những lý do tất yếu của nó. Theo các nhà nghiên cứu, cảng thị Nước Mặn ngày xưa bao gồm các thôn An Hòa và Lương Quang xã Phước Quang, thôn Kim Xuyên xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước ngày nay. Trải qua thời gian dài dâu bể và do sự bồi đắp tự nhiên của phù sa, cảng thị ngày càng biến dạng và suy tàn.
Vào thế kỷ XVII-XVIII, cửa khẩu đi vào Nước Mặn được gọi là Kẻ Thử.[15] Cửa khẩu này dẫn vào phía Bắc đầm Thị Nại, phân biệt với cửa Thị Nại ở phía Nam. Cửa Kẻ Thử đã bị bồi lấp, nối liền núi Bà ở phía Bắc và núi Đơn ở phía Nam tạo nên một trảng cát dài hơn 8km. Ngày nay tại vùng đất này vẫn còn tên gọi chợ Kẻ Thử thuộc thôn Phương Phi, xã Cát Tiến, huyện Phù Cát.
Theo truyền tụng dân gian, vào thời Gia Long, trời nổ sấm và lấp cửa Kẻ Thử. Theo bản đồ địa chất Nghĩa Bình, từ Đề Gi qua núi Bà đến Qui Nhơn có mạch đứt gãy hoạt động từ 500 năm nay, mạch đứt gãy chạy theo hướng Tây Bắc - Đông Nam. Cửa Kẻ Thử nằm ngay trên mạch đứt gãy này nên đành chịu sự vùi lấp của nó. Cách nay khoảng hơn 200 năm, mạch đứt gãy này có sự kiến tạo đột biến ở phía Nam núi Bà làm cho vùng này trồi lên cách bất thường. Cửa Kẻ Thử bị lấp. Nó đã hoàn thành nhiệm vụ lịch sử của mình.[16]
3. CÁC THỪA SAI DÒNG TÊN ĐẦU TIÊN ĐẾN NƯỚC MẶN
Vào một ngày trong tháng Bảy năm 1618, các thừa sai Dòng Tên đến Nước Mặn qua sự giúp đỡ của ông Trần Đức Hòa, quan tuần phủ khám lý Qui Nhơn.[17] Linh mục Cristoforo Borri, người trong cuộc, kể lại câu chuyện thuở ban đầu ngày xưa ấy:
“Cha Buzomi, cha De Pina và tôi, chúng tôi bỏ Hội An để đi Qui Nhơn theo quan trấn thủ của tỉnh đó…ông giục chúng tôi quyết định về nơi chúng tôi thấy thuận tiện để dựng một nhà thờ. Chúng tôi liền chỉ cho ông thấy một địa điểm chúng tôi cho là rất hợp và rất tiện để làm việc đó. Ông chấp thuận ngay, rồi ông trở về tư dinh ở ngoài thành phố. Ba ngày sau, người ta đến cho chúng tôi biết là nhà thờ đã được đem đến. Được tin đó chúng tôi rất vui mừng và sung sướng, chúng tôi ra khỏi nhà, hăm hở tới coi sự lạ lùng này, chúng tôi cũng muốn biết xem nhà thờ có thể đem đến bằng cách nào. Chúng tôi biết là nhà thờ phải được làm bằng ván lắp, theo họa đồ đã vẽ. Chúng tôi cũng được biết là tòa nhà này rất lớn và rất cao, phải được đặt trên những cột cao và lớn. Tức thì chúng tôi phát hiện ra trong cánh đồng một đạo quân trên một nghìn người khuân vác các bộ phận của nhà thờ. Mỗi cột có ba mươi người lực lưỡng và khoẻ mạnh nhất khênh. Còn những người khác thì vác xà, người khênh ván, người khênh nóc, kẻ mang sàn, người khuân cái này kẻ mang cái khác. Tất cả đều trật tự mang đến, mỗi người một bộ phận. Sân nhà chúng tôi chật ních người. Chúng tôi niềm nở đón tiếp họ với niềm hân hoan các bạn có thể nghĩ được là như thế nào. Chỉ có một điều làm cho chúng tôi buồn phiền là trong nhà không có gì để ít ra cho họ ăn qua loa. Đám người rất đông này tuy được quan trấn trả công hậu hĩ nhưng chúng tôi cũng thấy xấu hổ và bẽ mặt nếu để họ ra đi mà không cho họ chút gì lót dạ. Nhưng chúng tôi không phải lo lắng lâu khi thấy mỗi người ngồi trên đồ vật người ta căn dặn phải kỹ càng giữ lấy và khi đã sẵn sàng họ mở khăn gói ra, trong đó có tất cả dụng cụ nhà bếp gồm có nồi, thịt, cơm và cá. Họ nhóm lửa và tự nấu nướng lấy. Không ồn ào. Không xin xỏ gì. khi họ ăn xong thì một người chủ thầu lấy dây đo địa điểm, đo khoảng giữa hai cột, rồi ông cho gọi người đem tới dựng vào chỗ. Sau đó ông gọi tất cả lần lượt khuân các bộ phận khác tới và mỗi người đem lắp xong là ra về ngay. Cứ thế, tất cả đều làm việc trong trật tự không nhầm lẫn. Ai cũng làm đúng cách thức, và tất cả khối lớn lao đó được dựng nội nhật trong một ngày, làm cho chúng tôi rất mực sung sướng. Nhưng hoặc là vì người ta làm quá vội vã, hoặc là vì người lắp đặt không cẩn thận nên ngôi nhà không đứng thẳng lắm, trái lại hơi nghiêng một chút. Người ta kể cho quan trấn biết, thế là ông cho gọi kiến trúc sư tới và truyền cho phải làm lại ngay, nếu không sẽ bị cắt gân chân và phải gọi tất cả ngần ấy thợ trở lại để làm cho xong. Kiến trúc sư tuân lệnh và cho dỡ hết, rồi với tất cả khéo léo và thận trọng hơn, ông cho làm lại thật đúng và trong không bao lâu công việc đã hoàn thành.
Để biết rõ về quan trấn đạo hạnh đã tận tâm lo việc của chúng tôi và rất quý trọng công việc đó, thì tôi sẽ kể một việc rất đặc biệt để kết thúc chương này. Số là có những làn gió Nam rất nồng nực thường nổi lên và thổi liên tục vào các tháng sáu, bảy và tám gây nên một sức nóng bức lạ lùng làm cháy, làm khô héo và thiêu huỷ nhà cửa vì chỉ làm bằng gỗ. Do đó chỉ một tia lửa nhỏ vì vô ý hay do cách nào khác rơi vào thì cũng có thể làm lửa bốc lên ngay lập tức như châm diêm đốt vậy. Vì thế, thường xảy ra nhiều vụ hỏa hoạn lớn ở khắp lãnh thổ trong ba tháng đó. Một khi lửa đã bén vào một nhà thì trong nháy mắt ngọn lửa từ nhà này sẽ lan sang hết các nhà khác, lần lượt thẳng tắp theo hướng gió thổi và biến tất cả thành tro một cách thảm hại. Để tránh nguy cơ này, nhất là tránh cho nhà thờ chúng tôi ở ngay giữa thành phố và cũng để cho người ta biết chúng tôi được quan trên quý trọng đến mức nào, ông ra sắc lệnh bắt tất cả các nhà ở cùng hàng với nhà chúng tôi, theo hướng luồng gió nóng thổi, phải dỡ mái xuống trong hai tháng đó. Và số nhà phải để trống mái đó nhiều đến độ có thể chiếm một khoảng rộng ít là hai dặm Ý. Và ông đã chủ ý ra lệnh như vậy để nếu lửa bén vào một nhà nào trong những nhà ấy thì dễ ngăn cản không cho nó bén sang nhà chúng tôi. Mọi người đều nghiêm chỉnh thi hành vì danh dự và sự trọng kính họ dành cho ông.” [18]
4. TRUNG TÂM TRUYỀN GIÁO NƯỚC MẶN
4.1. Các Thừa sai Dòng Tên
Ngày 18.01.1615, các thừa sai Dòng Tên đặt chân lên cửa biển Đà Nẵng. Tháng 7.1618, Nước Mặn là Cư sở đầu tiên của các thừa sai được thành lập. Khoảng cuối năm 1619, Cư sở thứ hai được thành lập tại Hội An. Năm 1625, Cư sở thứ ba được thành lập tại Dinh Chiêm, Quảng Nam. Đây là ba trung tâm truyền giáo được các thừa sai Dòng Tên thiết lập mở màn cho công cuộc loan báo Tin Mừng tại Đàng Trong. [19]
Sau khi Cư sở Hội An được thành lập, đầu năm 1620, địa bàn truyền giáo của Đàng Trong được chia làm hai vùng do hai nhóm thừa sai ở hai cư sở phụ trách. Địa bàn Cư sở Hội An gồm các vùng phía Bắc của Đàng Trong: Quảng Nam và Thuận Hóa, dưới sự lãnh đạo của cha Marques. Địa bàn Cư sở Nước Mặn gồm các vùng phía Nam của Đàng Trong: "Quagnin, Pulocambì e Ranràn", tức Quảng Nghĩa, Qui Nhơn và Phú Yên, dưới sự lãnh đạo của cha Buzomi.[20] Theo báo cáo thường niên năm 1620, các thừa sai tại Nước Mặn đã rửa tội được 180 người. Các thừa sai thường xuyên ở tại Nước Mặn trong những năm đầu: Linh mục Francesco Buzomi (Ý), Linh mục Cristoforo Borri (Ý), Linh mục Francisco de Pina (Bồ), Tu huynh Antonio Diaz (Bồ). [21]
Để phục vụ cho công cuộc truyền giáo, tại cư sở Nước Mặn có một thanh niên mười sáu tuổi, lanh lợi và thông minh, giỏi Hán văn, được dân làng yêu mến, là một tân tòng, tên thánh rửa tội là Phêrô. Dưới sự giám sát của cha Buzomi, anh giúp các thừa sai biên dịch sang tiếng địa phương quyển sách giáo lý gồm các kinh: Lạy Cha, Kính Mừng, Tin Kính, Mười điều răn… mà các Kitô hữu đã thuộc.[22] Đây là quyển sách giáo lý bằng tiếng Đàng Trong đầu tiên phục vụ cho công cuộc truyền giáo tại Việt Nam.
Năm 1619, cha Buzomi thành lập một trường học tại cư sở Nước Mặn, chọn một thầy giáo xuất sắc về chữ Hán và chữ Nôm để làm việc tại trường nhằm giúp các thừa sai trong việc nghiên cứu và ghi âm tiếng Việt, hoặc dịch các tài liệu cho các thừa sai.[23]
Ba Linh mục dòng Tên đầu tiên tại cư sở Nước Mặn được ghi nhận có những đóng góp ban đầu trong việc dùng mẫu tự Latin ghi âm tiếng Việt, sáng tạo ra chữ Quốc ngữ là: Bề trên Buzomi, Pina và Borri. Giáo sư, Nhà giáo nhân dân Phan Huy Lê, Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử kết luận trong cuộc Hội thảo “Bình Định với chữ Quốc ngữ”: “Trên cơ sở những chứng cứ hiện nay, có thể kết luận, chữ Quốc ngữ trong trạng thái phôi thai, ra đời sớm nhất ở ba trung tâm: Nước Mặn, Hội An và Dinh Chiêm, trong đó Nước Mặn có phần sớm hơn”.[24]
Kết quả truyền giáo của các thừa sai Dòng Tên tại Đại Việt đã đưa đến việc thành lập hai giáo phận Tông tòa. Ngày 09.09.1659, Đức Giáo hoàng Alexandrô VII ký Sắc chỉ thiết lập Giáo phận Tông tòa Đàng Ngoài và Giáo phận Tông tòa Đàng Trong. Nguồn Son của sông Gianh được chọn làm ranh giới giữa hai Giáo phận. Đức cha François Pallu được bổ nhiệm làm Đại diện Tông tòa Đàng Ngoài. Đức cha Pierre Lambert de La Motte được bổ nhiệm làm Đại diện Tông tòa Đàng Trong.
Trung tâm truyền giáo Nước Mặn được các thừa sai Dòng Tên phụ trách cho đến khoảng tháng 02.1665. Sau khi các thừa sai Dòng Tên không còn làm việc ở vùng nầy, các thừa sai Mission Etrangère de Paris (MEP) nối tiếp công việc của các thừa sai Dòng Tên.
4.2. Các Thừa sai MEP
Trong chuyến viếng thăm mục vụ đầu tiên tại Đàng Trong vào cuối năm 1671 đến đầu năm 1672, Nước Mặn là điểm dừng chân của Đức cha Pierre Lambert de La Motte. Trên đường đi thăm mục vụ Giáo phận Đàng Trong, Đức cha Lambert bị ngộ độc thực phẩm tại Ninh Hòa,[25] Đức cha được chuyển gấp đến Nước Mặn vì ở đây có một bệnh xá do cha Hainques thành lập khoảng năm 1666.[26] Đức cha Lambert an dưỡng tại Nước Mặn suốt 6 tuần lễ, Linh mục Vachet phải ban bí tích xức dầu cho ngài. Ngày 01.11.1671, lễ Các Thánh, Đức cha Lambert de La Motte rời Nước Mặn, lên đường đi Quảng Ngãi, sau đó đi Hội An. Tại Quảng Ngãi, Đức cha lập Dòng Mến Thánh Giá tại An Chỉ.[27]
Trên đường từ Hội An trở về Thái Lan, Đức cha Lambert de La Motte đã ghé lại Nước Mặn. Đức cha ở đây 08 ngày, thăm viếng, ban các bí tích và ban 06 bài sai cắt đặt các thầy giảng và một số giáo dân đứng đầu một số nhà thờ. Và để cho niềm vui của giáo dân Nước Mặn được trọn vẹn, Đức cha Lambert de La Motte đặt cha Giuse Trang, Linh mục người Việt [28], ở tại Nước Mặn, có quyền hạn như một cha sở. Ngoài nhiệm vụ đặc biệt trên, Đức cha còn ban cho cha Giuse quyền cai quản tổng quát toàn vùng (Nước Mặn).[29] Cha Vachet [30] nhận định: “Người thợ đáng kính này là người được vinh dự làm Linh mục tiên khởi xứ Đàng Trong. Chắc hẳn, ngài nhận được những hoa quả đầu mùa trong sứ vụ Linh mục. Ngài mang trong mình một lòng nhiệt thành cháy bỏng, một sự cẩn thận hiếm có, và một sức làm việc dẻo dai. Lòng bác ái của ngài làm cho ngài vui vẻ chịu đựng mọi khiếm khuyết của dân tộc. Tính hiền hòa của ngài khiến cho mọi người dễ cảm mến ngài. Đức khiêm nhường của ngài làm cho ngài rất khổ cực khi phải chấp nhận chính con người mình. Đức vâng lời của ngài làm ngài phục tùng tuyệt đối các bề trên của ngài ; cho dù nhiều nơi đã tha thiết muốn được ngài làm vị mục tử chăn dắt họ, nhưng ngài không hề bao giờ tỏ ra ước muốn nào khác hơn là được thi hành ý muốn Giám mục của mình”.[31] Như vậy, nhiều nơi đã xin Đức cha cho cha Giuse Trang được ở lại với họ nhưng Đức cha không cho. Đức cha chỉ bổ nhiệm cha Giuse ở với giáo dân Nước Mặn. Quả vậy, Nước Mặn có duyên nợ với Đức cha !
Sau cha Giuse Trang,[32] thời điểm (1683-1709) một mình cha Ausiès de Fonbone (MEP) ở Nước Mặn phụ trách từ Bình Định đến Phú Yên.
Trong thống kê của Đức cha Cuénot Thể năm 1850, Bình Định được chia làm 04 Paroeciae. Nước Mặn thuộc Paroecia vocatur Tam Thuộc với 44 giáo dân.[33]
5. ĐÀI TƯỞNG NIỆM
Trải qua thời gian lịch sử khá dài, các cơ sở vật chất của trung tâm truyền giáo Nước Mặn không còn. Theo lưu truyền của dòng tộc họ Võ, tại vườn nhà ông Võ Cự Anh ở Nước Mặn, thôn An Hòa, xã Phước Quang, huyện Tuy Phước có một nền đất, con cháu được ông bà lưu truyền không được xây dựng nhà cửa trên nền đất ấy nhằm tôn trọng “đất thánh”, đất đã được các nhà truyền giáo sử dụng. Hiện nay, tại nền đất nầy có công trình do Tòa Giám mục Qui Nhơn thiết dựng để kỷ niệm việc các thừa sai Dòng Tên đến lập cư sở truyền giáo đầu tiên tại Đàng Trong. Đồng thời cũng để kỷ niệm sự kiện Đức cha Pierre Lambert de La Motte, Giám mục Đại diện Tông tòa đầu tiên của Giáo phận Đàng Trong, Đấng sáng lập Dòng Mến Thánh Giá, đã dừng chân ở đây trong chuyến viếng thăm mục vụ đầu tiên của ngài tại Giáo phận Tông tòa Đàng Trong. Ngoài ra, ngày 20.11.2017, UBND tỉnh Bình Định đã lập bia Di tích Lịch sử cấp tỉnh: Nước Mặn Nơi Phôi Thai Chữ Quốc Ngữ.
Sau khi được gia đình ông Võ Cự Anh đồng ý, ngày 17.9.2009, bằng văn thư số 3170/UBND-NC, UBND tỉnh Bình Định chấp thuận cho Tòa Giám Mục Qui Nhơn được xây dựng công trình nầy. Ngày 09.04.2010, Sở Tài Nguyên Môi Trường Bình Định cấp Giấy Chứng Nhận Quyền Sử Dụng Đất cho Tòa Giám Mục. Ngày 01.11.2010, Sở Xây Dựng Bình Định đã cấp cho Tòa Giám Mục Qui Nhơn Giấy Phép Xây Dựng số 215/GPXD.
Thứ Tư ngày 04.5.2011, Tòa Giám mục khởi công đào móng. Khi đào móng, dưới phần đất tự nhiên khoảng 60 phân, có một phần móng gạch đất nung đã mềm gần như đất tự nhiên. Phải chăng đây là “chút gì để nhớ để thương” của người xưa gởi lại ?
Tại đây còn một giếng xưa, nước rất tốt, trong, mát và ngọt. Trong vùng Nước Mặn, tất cả giếng đều bị nhiễm phèn trừ “giếng xưa” nầy. Từ xưa tới nay, trước khi có hệ thống nước công cộng, bà con trong vùng thường đến lấy nước từ “giếng xưa” nầy về dùng trong những dịp quan hôn tang tế của gia đình.
Ngày 15.7.2011, dòng chữ sau đây đã khắc vào đá được đặt vào công trình: [34]
ĐỂ MUÔN ĐỜI GHI NHỚ
Tại nơi đây, Nước Mặn
- Ba Linh mục Dòng Tên: Francesco Buzomi người Ý, Francisco de Pina người Bồ Đào Nha, Cristoforo Borri người Ý, và tu huynh António Diaz người Bồ Đào Nha, đã đến lập cơ sở truyền giáo đầu tiên vào tháng 7 năm 1618, do lời mời của quan Trần Đức Hòa, Khám lý phủ Qui Nhơn.
- Đức Giám mục Phêrô Lambert de La Motte, Đại diện Tông tòa tiên khởi Giáo phận Đàng Trong, tiền thân của Giáo phận Qui Nhơn, đã đến vào tháng 10 năm 1671. Đầu năm 1672, khi trở lại, ngài bổ nhiệm một Linh mục Việt Nam đầu tiên như là quản xứ; đó là cha Giuse Trang, quê Quảng Ngãi, vị Linh mục Việt Nam tiên khởi, do chính ngài truyền chức vào ngày 31.3.1668 tại Ayutthaya, Thái Lan; cũng chính ngài lập Dòng Mến Thánh Giá ở Đàng Trong, tại An Chỉ, Quảng Ngãi, vào cuối năm 1671.
Qui Nhơn, ngày 15 tháng 7 năm 2011
Giám mục Giáo phận Qui Nhơn
Ngày 31.7.2011, công trình đã được hoàn thành. Ngày 06.8.2011, Đức cha Phêrô Nguyễn Soạn chủ sự nghi thức làm phép.
Nước Mặn, Cư sở truyền giáo đầu tiên của các thừa sai dòng tên tại Đại Việt.
Nước Mặn, nơi phôi thai chữ Quốc ngữ.
Nước Mặn, nơi duyên nợ với Đức cha Pierre Lambert de la Motte.
Nhìn lại quá khứ thấy Chúa yêu thương, để trong hiện tại và hướng tới tương lai, con cháu bền lòng nối gót cha ông mà sống và gieo hạt Tin Mừng.
[3] Xem ĐỖ BANG, Phố cảng vùng Thuận Quảng thế kỷ XVII-XVIII, Luận án PTS. Khoa học lịch sử, Hà Nội 1993, tr. 172.
[4] Theo CHRISTOFORO BORRI, Relatione della nuova missione delli PP. della Compagnia di Giesù al Regno della Cocincina, Francesco Corbelletti, Roma 1631, tr. 133: Nước Mặn có diện tích "di cinque miglia in lungo, e di mezzo in largo" (dài năm dặm, rộng nửa dặm). Bản dịch Việt ngữ của Hồng Nhuệ: Tường trình về Khu truyền giáo Đàng Trong 1631, Nxb. Thăng Long, Hoa Kỳ 1989, tr. 75: "Nước Mặn, một địa điểm dài chừng hai dặm và rộng tới một dặm rưỡi". Bản dịch tiếng Pháp của Bonifacy: Relation de la nouvelle mission des Pères de la Compagnie de Jésus au Royaume de la Cochinchine, trong Bulletin des Amis du Vieux Huế, Juillet-Dec. 1931, tr. 351: "…Nuoecman, qui s'étend sur une longeur de cinq milles, et une largeur de cinq milles" (dài năm dặm, rộng năm dặm).
Tên tác giả và tên tác phẩm trên đây được viết bằng tiếng Ý thế kỷ XVII có phần khác với tiếng Ý hiện nay. Theo tiếng Ý hiện nay, tên tác giả và tác phẩm được viết như sau: CRISTOFORO BORRI, Relazione della nuova missione dei PP. della Compagnia di Gesù al Regno della Cocincina. Tuy nhiên trong sách này chúng tôi giữ nguyên tên tác giả và tác phẩm theo cách viết thời ấy.
[6] ĐỖ BANG, Phố cảng vùng Thuận Quảng thế kỷ XVII-XVIII, Hà Nội 1993, tr. 160; HENRI CORDIER, "Voyage de Pierre Poivre en Cochinchine, description de la Cochinchine", trong Revue de Extrême-Orient, T. III, 1887, tr. 167.
[7] Nguyễn Xuân Nhân, Cảng thị Nước Mặn và văn hóa cổ truyền, Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam, Nxb. Khoa học Xã hội, 2010, tr.94.
[9] Lê Đình Phụng, Thương cảng Nước Mặn (Qui Nhơn), Xứ Đàng Trong, in trong Việt Nam trong hệ thống thương mại châu Á thế kỷ XVI-XVII, Nxb. Thế Giới, 2007, tr.583-592.
[10] Bùi Minh Trí, Phạm Quốc Quân, Gốm Hizen Nhật Bản tìm thấy ở một số địa điểm khảo cổ học ở Việt Nam, Tạp chí Khảo cổ học, số 4/1994, tr.44.
[11] VIẾT THỌ - HOÀI THU, "Khảo sát cảng thị Nước Mặn", trong Báo điện tử Bình Định, 8:18’, 28.04.2006.
[13] Xem Đại Nam Nhất Thống Chí, tỉnh Bình Định (bản dịch của Nguyễn Tạo), Nhà Văn hóa Bộ Quốc gia Giáo dục xuất bản năm 1964, tr. 84-92.
[14] Trong tấm bia ở đền Quan Thánh thuộc thành phố Qui Nhơn có ghi một người họ Nguyễn, quê Nước Mặn, cúng năm quan tiền để xây dựng ngôi đền này vào năm 1837.
[17] Xem DANIELLO BARTOLI, Dell' Historia della Compagnia di Giesv La Cina, Roma 1663, terza parte dell’Asia, tr. 708.
[18] Cristoforo Borri, Relatione della nouova misione delli pp.della Compagnia di Giesu, al Regno della Concincina, Roma 1631, tr. 127 – 138. Bản dịch của Hồng Nhuệ “Tường trình về khu truyền giáo Đàng Trong”, nxb Thăng Long, Hoa Kỳ 1989, trang 72-78.
[19] Thời điểm Cư sở Nước Mặn được thành lập, biên thùy phía Nam của Đàng Trong là phủ Phú Yên, được giới hạn tại Thạch Bi Sơn ( núi Đá Bia, Đèo Cả ).
[20] Xem DANIELLO BARTOLI, Sđd, tr. 829. Quagnin, Pulocambì, e Ranràn, tức Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên ngày nay.
[22] Báo cáo năm 1618 của Francesco Eugenio đề ngày 21.01.1619 tại Macau trong Lettere Annue Del Japonne, China, Goa, et Ethiopia, Lazaro Scoriggio, Napoli 1621, trang 400-401.
[23] JÃO RODRIGUES GIRÃO, Annua De Cochinchina De 1619, JS 71, ARSI, Residencia de Nuocman da Provincia de PuloCamby, tr.009
[24] UBND tỉnh Bình Định, Viện Sử Học… Bình Định với chữ Quốc ngữ, nxb Tổng hợp TP. HCM 2016, trang 618
[25] Xem Bénigne Vachet, Chuyện Đức cha Lambert, bản dịch của Cao Kỳ Hương, lưu hành nội bộ, trang 48-50.
[26] https://irfa.paris/missionnaire/0006-hainques-antoine/, Antoine Hainques (1637-1670), Notices Biographiques.
[27] Adrien Launay, Histoire de la Mission de Cochinchine 1658-1823, Paris 2000, Tome I, trang 95-97.
[28] Cha Giuse Trang, nguyên quán Quảng Ngãi, là Linh mục Việt Nam đầu tiên được Đức cha Lambert truyền chức Linh mục vào ngày 31.3.1668 tại Thái Lan.
[29] Linh mục ở tại Nước Mặn phụ trách mục vụ trong vùng Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên. Địa bàn mục vụ nầy đã được các thừa sai dòng Tên phân định từ năm 1620.
[30] Cha Vachet và cha Giuse Trang tháp tùng Đức cha Lambert trong suốt chuyến viếng thăm mục vụ nầy.
[34] Dòng chữ gồm các thứ tiếng: Việt Nam, Bồ Đào Nha, Ý, Pháp, Anh, Latin, Nôm.
Nguồn bài viết: WHĐ (27.9.2022)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét