Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Tư, 22 tháng 12, 2021

Quan điểm cá nhân về việc trang trí hang đá dịp Lễ Giáng Sinh - Tác giả: M. Hạnh Tử

 Mô hình Hang Đá đơn sơ trong nhà thờ Heiligenkreuz.

Truyền thống trang trí Hang Đá bắt nguồn từ thánh Phanxico Assisi, cũng là vị sáng lập Dòng Phanxico (Anh em hèn mọn). Sau khi thăm viếng Đất Thánh, trong đó có làng Betlem, thánh Phanxico đã làm một mô hình máng cỏ để trong phòng để chiêm ngắm và suy niệm về mầu nhiệm nhập thể, đặc biệt sự nghèo khó của Con Thiên Chúa. Ngài đã chọn điểm khó nghèo này làm linh đạo cho Dòng của mình.

Như vậy, ý nghĩa nguyên thủy của việc trang trí Hang Đá là để suy niệm và tưởng niệm mầu nhiệm nhập thể trong khó nghèo của Con Thiên Chúa, để thấy được sự khiêm nhường của Ngài, chứ không hề nhằm mục đích khuếch trương hay trang trí thuần túy.

Ở các nước công giáo châu âu, hầu như người ta chỉ trang trí mô hình hang đá đơn giản và được gìn giữ hàng chục, hàng trăm năm. Kèm theo đó ở trung tâm cung thánh, người ta chỉ đặt duy nhất một máng cỏ đơn sơ với tượng Chúa Hài Đồng, để hướng cái nhìn của tín hữu tập trung vào Chúa Giêsu chứ không phải vào các mô hình khác như mô hình hang đá hoành tráng với đèn nhấp nháy.

Ở Việt Nam, có vẻ như làm Hang Đá trở thành phong trào bề ngoài, biến mô hình Hang Đá thành một điểm check in dịp Giáng Sinh, chứ không lưu ý tới ý nghĩa thiêng liêng là sự nghèo khó khiêm nhường của Chúa nữa. Giáng Sinh trở thành dịp để người ta chạy hết từ nhà thờ này đến nhà thờ khác để check in chụp ảnh các mô hình hang đá và trầm trồ về các mức độ hoành tráng khác nhau, chứ không mấy người tĩnh tâm suy tư về mầu nhiệm Nhập Thể khiêm tốn của Ngôi Lời, và như vậy là hoàn toàn sai với mục đích nguyên thủy của truyền thống trang trí Hang Đá.

Thiết nghĩ trang trí Hang Đá dịp lễ Giáng Sinh là điều nên làm, nên duy trì để làm cho dịp lễ này thêm phần vui tươi, cũng là một cách giới thiệu niềm tin. Tuy nhiên, người tín hữu cần lưu ý tới khía cạnh thiêng liêng nhiều hơn, đừng biến nó thành một phong trào thi đua, xứ này muốn làm nổi bật hơn xứ khác... vừa tốn kém vật chất, vừa không đem lại giá trị thiêng liêng, nếu không muốn nói là lạm dụng, nhát là khi các mô hình Hang Đá bị biến tấu quá xa với lịch sử.

Trọng tâm của lễ Giáng Sinh là tưởng nhớ tình yêu lớn lao của Thiên Chúa trong mầu nhiệm Nhập Thể, vậy nên chúng ta hãy qui hướng về Ngài. Hãy trang trí Hang Đá bên ngoài đơn sơ để giúp chúng ta có thể chiêm ngắm sự nghèo khó của Chúa Hài Nhi, nhưng quan trọng hơn hãy trang trí Hang Đá tâm hồn mỗi ngày, để xứng đáng là đền thờ của Chúa, để Ngài đến và ở với chúng ta luôn mãi. Amen

Tác giả: M. Hạnh Tử

Nguồn: https://www.vanthoconggiao.net/2021/12/quan-iem-ca-nhan-ve-viec-trang-tri-hang.html

https://phatdiem.org/suy-tu-cam-nghiem/quan-diem-ca-nhan-ve-viec-trang-tri-hang-da-dip-le-giang-sinh.html

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét