Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Tư, 2 tháng 10, 2019

Hai Hang Đá Đức Mẹ Lộ Đức Phương Nghĩa Và Tân Hương – Chứng Tích Lòng Yêu Mến Đức Mẹ


 
Hang đá Lộ Đức tại Giáo xứ Phương Nghĩa và tại Giáo xứ Tân Hương, Tp. Kon Tum
Việc tôn kính Đức Mẹ Maria đã bắt rễ sâu trong lòng tín hữu Việt Nam.
Đối với Miền truyền giáo Kontum, ngay từ buổi đầu khai sinh đã đón nhận Đức Mẹ là Đấng Bảo Trợ. Cha Bề trên Phêrô Combes (Bê), ngay khi còn đang trên đường vượt biển đến với Miền truyền giáo, đã khấn hứa rằng nếu Chúa thương cho ngài thoát chết khỏi tay quân cướp biển, ngài sẽ dâng kính Đức Mẹ cơ sở truyền giáo đầu tiên ngài thiết lập ở miền Thượng, với danh hiệu là Đức Mẹ Giải Thoát, và đã được Đức cha Cuénot (Thể) ban phép. Vì vậy, vào khoảng giữa năm 1852, Kon Kơxâm – một trong bốn trung tâm được thiết lập đầu tiên đã được cha Bề trên Miền truyền giáo long trọng đặt dưới sự bảo trợ của Đức Mẹ, với tên gọi: “Cơ sở Truyền Giáo Đức Mẹ Giải Thoát” (Mission de Notre-Dame de la Délivrance) [1]. Kể từ đó, nhiều cộng đoàn khác cũng đã tín nhiệm chọn Mẹ làm bổn mạng: Trung tâm Rơhai (Plei Rơhai, Tân Hương, Kon H’rachôt.v.v. chọn Đức Mẹ Mân Côi (Paroisse du Saint-Rosaire); Địa sở Kontum-Phương Nghĩa chọn Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội (Paroisse de l’Immaculée-Conception); Địa sở Phương Hòa chọn Đức Mẹ Lộ Đức (Paroisse de Notre-Dame de Lourdes), về sau cũng gọi là Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội .v.v.
Ngoài những nhà thờ được xây dựng với thánh tượng Đức Mẹ đặt trên cao phía trên cung thánh – với ý nghĩa nhà thờ và giáo xứ đã được dâng kính cho Hiền Mẫu Chúa Giêsu, nhiều hình thức tôn vinh Đức Mẹ khác cũng được duy trì và phát triển trong nếp sống đạo đức của cộng đoàn qua dòng thời gian như: Hang đá kính Đức Mẹ, Đài tôn vinh Đức Mẹ…
Giữa lòng thành phố Kontum, ngoài những công trình tôn giáo cổ kính như Nhà thờ Chính tòa (Gỗ), Nhà thờ Tân Hương, Chủng viện Thừa sai, Tòa Giám mục, khu vực trường Cuénot, nhà dòng nữ tu Ảnh Phép Lạ…, hai Hang đá Đức Mẹ Lộ Đức Phương Nghĩa và Tân Hương như những nét chấm phá tô điểm thêm cho phố Đạo Kontum hiền hòa, an bình. Hai công trình kính Đức Mẹ này tuy qui mô khiêm tốn và có lịch sử thời gian khác nhau, nhưng cả hai đều tọa lạc trên những đường phố chính của thành phố, không chỉ là chứng tích của lòng yêu mến và tin tưởng vào Mẹ Đấng Cứu Thế của cộng đoàn dân Chúa, mà còn chứng nhận lòng ngưỡng mộ và tín nhiệm của đồng bào bên lương đối với Mẹ Chúa Trời; là nơi thanh lặng nguyện cầu giữa đô thị tất bật ồn ào của cuộc sống thường ngày. 
Nhân dịp bước vào Tháng Mân Côi kính Đức Mẹ, chúng tôi xin tìm hiểu về lịch sử hai Hang đá Đức Mẹ Lộ Đức tại hai giáo xứ Phương Nghĩa và Tân Hương, để chúng ta thêm lòng yêu mến Mẹ, thường xuyên đến cầu khẩn và bắt chước gương lành của Mẹ, để được Mẹ hướng dẫn đến gặp Chúa Giêsu con của Ngài.
I. HANG ĐÁ ĐỨC MẸ LỘ ĐỨC PHƯƠNG NGHĨA
Ảnh: Minh Sơn
1. THÀNH LẬP HANG ĐÁ KÍNH ĐỨC MẸ
Năm 1925, cha François-Régis Louison (cố Lui) được bổ nhiệm làm chính xứ địa sở Kontum thay cha Emile Kemlin (Văn) vừa mới qua đời tại Mạc-xây (Marseille, Pháp). Địa sở Kontum lúc bấy giờ gồm các họ đạo Phương Nghĩa (Kinh) và Kontum (Bahnar); số tín hữu: 1500 người, một nửa là dân tộc Bahnar, một nửa là người Kinh [2]; Họ Kontum gồm 3 làng: Kontum Kơnâm, Kontum Kơpơng và Kon Kơlor. Cha Louison là một linh mục có lòng sùng kính Đức Mẹ Maria. Hầu như chiều tối nào sau giờ kinh chiều và viếng Mình Thánh Chúa, cha cũng đi tản bộ lần chuỗi Mân Côi từ nhà thờ Kontum (Chính tòa), dọc theo con đường (trước đây là đường Tự Do, nay là đường Lý Tự Trọng) dẫn đến “Cầu nhỏ” – tức mấy tấm ván bắc ngang mương nước thời đó (nay là ống cống trước Hang đá), nằm trên đường Ruy-đờ-la-Mạc-nờ (rue de la Marne) thời Pháp thuộc (sau đổi thành Lê Thánh Tôn, ngày nay là đường Trần Hưng Đạo). Có lẽ cha Louison cũng đã từng cầu nguyện, suy tư và ước muốn xây dựng một địa điểm kính Đức Mẹ tại khu vực này.

Vào đầu năm 1927, cha Louison được về Pháp để bồi bổ sức khỏe và thăm gia đình. Cha đã đến kính viếng Đức Mẹ Lộ Đức tại quê nhà (hang đá Massabielle, Lourdes) và dâng thánh lễ tại đó, cùng khấn hứa: nếu Đức Mẹ đoái nhận lời nguyện, ngài sẽ xây dựng một Hang đá Lộ Đức kính Đức Mẹ tại Phương Nghĩa, trong địa sở của ngài.
Trở về nhiệm sở vào tháng 7 năm 1927, cha Louison lúc nào cũng bận tâm về việc xây dựng Hang đá. Vào tháng 3 năm 1928, cha họp Ban chức việc để chuẩn bị xây cất một trường tiểu học cho con em trong giáo xứ. Trường tiểu học mang tên Trường Tiểu học Thánh Giuse Phương Nghĩa, do các thầy dòng Giuse phụ trách, tọa lạc tại khu vực Dòng Nữ tu Ảnh Phép Lạ (Ảnh Vảy) ngày nay. Công trình trường học này do ông Molini, một cựu sĩ quan Pháp lãnh thầu [3]. Cũng chính trong tháng 3 năm 1928 này, Hang đá Lộ Đức được khởi công xây dựng! Lúc đầu ông Molini không nhất trí với cha Louison về địa điểm xây dựng hang đá, vì khu vực này vào thời đó vắng vẻ, uế tạp, không được bằng phẳng, vả lại gần mương nước công cộng. Nhưng cha Louison vẫn giữ lập trường và quả quyết: khu vực này sẽ trở nên trung tâm cầu nguyện của giáo xứ Phương Nghĩa, nơi qui tụ những tâm hồn yêu mến Đức Maria Vô nhiễm Nguyên tội, và là điểm tham quan du lịch của tỉnh Kontum trong tương lai… 
Cha kêu gọi mọi thành phần dân Chúa trong địa sở tham gia tích cực vào công việc đạo đức này. Ban xây dựng hang đá Lộ Đức được thành lập, đứng đầu là ông trùm phủ Xuân của họ Phương Nghĩa, lo chuẩn bị các khâu để có thể thi công công trình.
Sáng ngày 25.03.1928 (Lễ Truyền Tin) là ngày khởi công khai phá và san bằng khu đất (Hang đá hiện nay). Mọi thành phần dân Chúa, từ quý chức việc, giáo dân Kinh-Thượng, nam nữ lão ấu… đều hăng hái tham gia công việc: nào chặt cây, đào  gốc, san lấp đất;  kẻ khiêng, người gánh…quang cảnh thật nhộn nhịp! Đúng 12 giờ trưa, khi nghe chuông nhật một từ nhà thờ Kontum ngân vang, cha sở và mọi người ngừng làm việc, cùng nhau đọc kinh Truyền tin. Theo ý cha sở, mỗi ngày giáo dân chỉ làm việc một buổi sáng, còn buổi chiều nghỉ để lo việc nhà.
Sau hai tuần tích cực làm việc, giai đoạn san lấp mặt bằng đã cơ bản hoàn thành.
Vào ngày 31.05.1928 (lễ Đức Mẹ đi viếng bà thánh Isave), bắt đầu  khởi công xây dựng Hang đá dưới sự điều hành của Ban xây dựng và ông Molini. Đá phần lớn được lấy từ Hố Tre ở Ruộng Lào, tức Tân Điền, xã Đoàn Kết bây giờ; một số đá khác được lượm dọc theo các mương nước trên đường Ngô Quyền, Lý Tự Trọng… ngày nay. Sau khoảng 3 tuần thi công, Hang đá Lộ Đức đã hình thành. Một số giáo dân tự nguyện tiếp tục làm việc: đắp lối đi, ngăn luống trồng hoa, trồng cây cảnh… để tô điểm thêm cho khu vực hang đá.
Hang đá đã hoàn thành nhưng chưa có tượng Đức Mẹ, do cha Louison đặt mua bên Pháp chưa về đến Kontum. Đến tháng 7 năm 1928 tượng Đức Mẹ mới tới Sài gòn…và đầu tháng 8 năm 1928 tượng Đức Mẹ về tới Phương Nghĩa.
Lễ Đức Mẹ Mông Triệu 15.08.1928, cha sở đã tổ chức lễ làm phép và đặt tượng Đức Mẹ để khánh thành Hang đá Lộ Đức. Xuất phát từ nhà thờ Kontum, đoàn rước gồm đủ mọi thành phần giáo dân Kinh -Thượng, vừa đi vừa lần chuỗi Mân Côi vừa hát thánh ca…Khi đoàn kiệu gần đến, pháo bông bắt đầu nổ tỏa sáng trên Hang đá làm sáng rực cả khu vực, như để tôn vinh Đức Mẹ. Đến nơi, cha sở làm phép tượng, ngài nói đại khái: “Hôm nay là ngày vui mừng nhất, đáng ghi nhất trong đời linh mục thừa sai của cha: mong ước của cha từ bao năm qua nay đã được thực hiện. Đức Mẹ đã nhận lời cầu xin của cha, cha ước muốn nơi đây sẽ được mọi người trong giáo xứ kính mến và thường xuyên cầu khẩn cùng Mẹ. Cha hy vọng rằng nơi đây Mẹ Maria sẽ được tôn vinhCon của Mẹ sẽ được cả sáng, nhiều người sẽ được ơn trở lại cùng Chúa Giêsu. Vì vậy, tất cả chúng con hãy cùng cha dâng lời cảm tạ Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội …”.
Hang đá Lộ Đức Phương Nghĩa thời kỳ đầu có diện tích nhỏ hơn hang đá ngày nay, tượng Đức Mẹ được đặt phía trên bên phải hang đá, chung quanh quang cảnh còn khoảng khoát trống trải. Nơi đây đã trở thành điểm quy tụ đọc kinh cầu nguyện và thăm viếng thật lý tưởng, không chỉ cho giáo dân trong giáo xứ Phương Nghĩa, mà còn cho nhiều người trong thị xã Kontum và các vùng lân cận, bất kể lương giáo. 
Hang đá kính Đức Mẹ, đường rue de la Marne (giữa thành phố Kontum)
Đường Lê Thánh Tôn trước 1975, hiện nay là số 144 đường Trần Hưng Đạo, Phường Thắng Lợi, Tp. Kontum.
Hình: trích từ bài viết Kontum tỉnh chí của quan Võ Chuẩn, quản đạo Kontum,
in trong báo Nam Phong Tạp Chí, số 193, Février-Mars 1934, tr. 141.  (Minh Sơn sưu tầm).
2. TRÙNG TU HANG ĐÁ NHƯ NGÀY NAY
Trải qua thời gian, đến năm 1962, thời cha Bề trên Simon Nguyễn Diện làm chính xứ Phương Nghĩa (1952-1962), ngài đã cho trùng tu qui mô Hang đá để trở thành nơi tôn nghiêm và mỹ thuật như ta thấy ngày nay.
Ngày 11.04.1962, cha Simon triệu tập cuộc họp Ban Chức việc và đại diện các thành phân dân Chúa trong giáo xứ để bàn về việc đại tu Hang đá Đức Mẹ Phương Nghĩa, lâu năm bị xuống cấp. Toàn thể cộng đoàn dân Chúa đồng tâm nhất trí, với sự hỗ trợ của Tòa giám mục, của các ân nhân đạo cũng như đời; đặc biệt với sự cộng tác tích cực của ông câu Stêphanô Nguyễn Kim Vệ, ông biện G.B Đặng Lâm (ông biện Sang). Các hạng mục chỉnh trang đã được thực hiện:
-Nới rộng thêm diện tích hang đá, -phía bên trên hang đá làm hồ nước phun, có nước chảy xuống róc rách, -đào một giếng nước bên cạnh hang đá (thường gọi là giếng nước Đức Mẹ), -đặt bàn thờ bên trong hang đá (để dâng Thánh lễ), -đặt tượng thánh nữ Bernadette, -làm trụ nến, -xây hàng rào bao lơn xung quanh, -bắt điện chiếu sáng.v.v. Công việc đại tu hoàn thành vào tháng 07.1962, nhìn chung hang đá được chỉnh trang y như ta thấy ngày nay.  
Lễ Mông Triệu 15.08.1962, thánh lễ tạ ơn được tổ chức tại hang đá, do ĐGM giáo phận Phaolô Kim (Seitz) chủ tế cùng với các linh mục hạt Kontum, với sự tham dự của các chủng sinh Chủng viện Thừa sai Kontum, trường Giáo phu Cuénot, trường trung tiểu học Lasan, trường Têrêxa Tân Hương, các ân nhân, các khách quý phần đời và đông đảo giáo dân Kinh-Thượng.
Từ sau lần chỉnh trang năm 1962 đến nay, Hang đá Lộ Đức Phương Nghĩa luôn được các linh mục quản xứ quan tâm bảo quản và tu bổ:
– Tháng 6 và  tháng 7 năm 1974, cha Giuse Maria Nguyễn Hữu Nghị (cha sở Phương Nghĩa từ 1963-1975) cho lát gạch bông ở trong hang đá và một phần ở ngoài.
– Đầu tháng 12.1987, thời cha sở Giuse Nguyễn Văn Đắc, để chuẩn bị mừng lễ Bổn mạng của giáo xứ (08.12), đồng thời để kính mừng Năm Thánh Mẫu, giáo xứ đã lát gạch bông toàn bộ phần giữa của hang đá.
Và vào dịp lễ Đức Mẹ hồn xác lên Trời 15.08.1988, cha sở Giuse và toàn thể cộng đoàn giáo xứ đã tổ chức giờ tôn vinh đặc biệt kính Đức Mẹ tại Hang đá, mừng kỷ niệm 60 năm xây dựng và khánh thành Hang đá Đức Mẹ Lộ Đức Phương Nghĩa (15.08.1928-15.08.1988), và bế mạc Năm Thánh Mẫu (1988).
Năm 1991: Tráng ciment đường đi phía bên hông trái từ cửa phụ vào hang đá.
Tháng 07.1999: Sửa sang toàn bộ mặt bằng hang đá.
-Thời cha sở Đaminh Trương Bảo Tâm (1999-2010), san lấp hồ nước sau lưng thánh nữ Bernadette (bên cạnh Giếng nước).
Ngày 14.07.2009, khởi công gia cố hang đá, xây bờ kè phía sau lưng hang đá để giữ vững nền móng lâu năm bị xuống cấp…
Thánh Lễ Tại Hang Đá Đức Mẹ
3. LÒNG TÔN KÍNH ĐỨC MẸ VÀ ƠN LÀNH ĐỨC MẸ
          Qua thời gian, ngày càng có nhiều người đến kính viếng Đức Mẹ tại hang đá Lộ Đức Phương Nghĩa. Rất nhiều người đã được ơn của Đức Mẹ. Tiếng lành đồn xa, nhiều anh chị em bên lương cũng đến cầu khấn, dâng cúng hoa, hương, nến…Ngay thời kỳ đầu đã thấy ghi lại lòng yêu mến và tin tưởng của các tín hữu vào lòng hiền mẫu từ ái của Mẹ, nhất là ơn chữa lành:
…“Cố Lui (Louison) cũng lập vườn bông,
Kế luôn phía dưới giữa đồng ngã ba,
Thường kêu hang đá Đức Bà,
Để cho ai nấy đến mà khẩn xin.
Tự lòng kính mến cậy tin,
Ốm đau tật bịnh an tuyên hằng hà”.                                    
(Trích Chức dịch Thơ tín, Địa phận Kontum, No 44, Décembre 1936, tr. 553).
ƠN LÀNH ĐỨC MẸ
Dám xin cha Quản lý đăng mấy lời quê kệch nầy vào Thơ tín, hầu cho kẻ xem được thêm lòng trông cậy Đức Mẹ hơn nữa.
Trong năm nay tôi phải bịnh lá lách, đi nhà thương Kontum uống thuốc, mà chẳng thấy công hiệu gì, ngã lòng tôi về nằm tại nhà bà Dư ở Phương nghĩa đặng đổi khí ít bữa. Song bịnh càng ngày càng thêm, thuốc tây thuốc nam cũng có mà chẳng thấy chi là khá. Bữa kia lại bị bịnh díp, nổi cơn rét rất nặng, nằm bất tỉnh nhơn sự. Người ta đi rước thầy đặt ống mạch xem, thì cho là nan trị, vì mạch lên 45 độ rưỡi, thế thường thì phải chết.
Bấy giờ cha Xi-mong Thiệt khấn cùng Đức Mẹ nơi hang Lộ Đức Phương nghĩa một lễ misa và bảo tôi phải hiệp một ý cùng người mà khấn như vậy. Lại tôi cũng thầm thì kêu xin cùng Đức Mẹ và hứa: nếu Đức Mẹ cho tôi qua khỏi, thì sẽ đặng vào báo Lời thăm hoặc Thơ tín mà cao rao quờn phép và lòng lành Đức Mẹ. Quả thật Đức Mẹ chẳng hề bỏ kẻ chạy đến cùng người: tôi chẳng những là qua khỏi, mà bây giờ cũng hết bịnh. Thật ứng nghiệm như lời: “Đức Bà cứu kẻ liệt kẻ khốn”. Nên tôi chẳng dám bỏ qua lời đã hứa và xin cha chủ bút đăng vào Thơ tín, hầu cho chư vị khán quan cao rao lòng nhơn từ Đức Mẹ một ngày một hơn.
                                                                                    Paul Huấn
                                                                                    Họ Đức Bà
(Trích Chức dịch Thơ tín, Địa phận Kontum, No 10, Janvier 1934, tr. 93).
Đã gần một thế kỷ trôi qua (1928-2019), lòng yêu mến và tin tưởng của cộng đoàn dân Chúa vào Đức Mẹ vẫn không hề giảm sút. Ơn lành của Đức Mẹ vẫn dạt dào. Xin được mượn lại lời tâm tình đầy hiếu kính và lời cầu nguyện chân thành của cha Giuse Nguyễn Văn Đắc cách nay 26 năm tại hang đá, trong giờ tôn vinh Đức Mẹ mừng kỷ niệm 60 năm Hang đá Lộ Đức Phương Nghĩa (1928-1988), để cùng tiếp tục tạ ơn Chúa và cám ơn Mẹ mãi không ngơi:
“Chiều nay trong tâm tình tạ ơn Chúa và Mẹ Maria, trong lòng yêu mến Thân Mẫu Đấng Cứu Thế, trong ý hướng nhớ tới công trình đạo đức của vị sáng lập ra khu vực hang đá Lộ Đức này (cha Louison đáng kính), và trong hân hoan mừng kỷ niệm 60 năm ngày thành lập hang đá (1928-1988), chúng ta khiêm tốn dâng lên Mẹ Vô Nhiễm giờ tôn vinh đặc biệt này qua tràng hạt Môi Khôi cùng với những lời ca tiếng hát đầy tình hiếu thảo.
Xin Mẹ tiếp tục chúc phước lành cho giáo xứ chúng con. Chúng con nguyện sẽ yêu thương nhau hơn, sống đẹp lòng Mẹ hơn, để làm chứng cho mọi người biết chúng con là môn đệ của Chúa Giêsu, Con của Mẹ”.
Hiện nay, vào mỗi thứ bảy đầu tháng, giáo xứ tổ chức đọc kinh chung tại Hang đá Đức Mẹ. Vào các dịp lễ trọng hoặc lễ đặc biệt kính Đức Mẹ như:  lễ Đức Mẹ Lộ Đức, lễ Đức Mẹ Hồn Xác Lên Trời, hay dịp khai mạc Tháng Hoa, Tháng Mân Côi…, Cha sở và giáo dân qui tụ dâng thánh lễ ngay tại Hang đá Đức Mẹ.                                                                                   
 Phêrô Minh Sơn 
Đầu Tháng Mân Côi
01.10.2014 – 01.10.2019
_________________________
*Dựa theo tài liệu:
-“Lịch sử Hang đá Lộ Đức Phương Nghĩa, Kontum”, tài liệu đánh máy chữ, ngày 13.08.1988, lưu tại giáo xứ Phương Nghĩa, do ông Câu Phaolô Nguyễn Tấn Quang cung cấp.
-Tài liệu trên đây cũng cho biết có tham khảo bản Hồi ký viết tay của thầy Giuse Lê Tấn Tài về Hang đá Đức Mẹ, ngày 19.03.1981; và theo ký ức của các bậc lão thành có uy tín trong giáo xứ Phương Nghĩa.
-Một số nguồn tài liệu khác.
———————————————
CHÚ THÍCH:
[1] x. P. Dourisboure (cố Ân), Dân Làng Hồ, NXB Đà Nẵng 2008, tr.105.
[2] x. Les Missions Catholiques, N3050, 09.12.1927, tr. 581.
[3] Ông Molini cũng là người đã lãnh xây cất chiếc cầu đúc xi-măng bắc qua sông Đăk Bla vào đầu thập niên 1930, vị trí chiếc cầu đoạn khúc sông trước khách sạn Đông Dương ngày nay. Chiếc cầu này bị cây lụt lớn năm 1932 phá vỡ khi chưa kịp khánh thành, vết tích còn lại là “Hòn Bi” (trụ cầu xi-măng) hiện nằm dưới mặt nước gần cầu Đăk Bla hiện tại.
*
*    *
II.HANG ĐÁ ĐỨC MẸ LỘ ĐỨC TÂN HƯƠNG – KONTUM
Ảnh: Minh Sơn
Tại địa sở Tân Hương được dâng kính cho Nữ Vương Rất Thánh Mân Côi, lòng tôn kính Đức Maria đã có từ xa xưa và dưới nhiều hình thức phong phú.
Các vị thừa sai đã phổ biến Hội Mân Côi từ rất lâu tại Giáo phận Kontum, khởi đầu từ địa sở Tân Hương (La Confrérie du St Rosaire à Tân Hương) vào năm 1905 [1], và hình thức hội cầu nguyện đạo đức này phát triển khá mạnh vào thời Cố Hiền (cha Jules Alberty) làm chính xứ (1913-1948) [2]. Hội Mân Côi liên kết các hội viên với nhau sống tình hiệp thông trong giáo phận. Ngoài việc đọc kinh Mân Côi mỗi ngày, các thành viên có trách nhiệm thể hiện tình liên đới, thăm viếng giúp đỡ lẫn nhau, mang lời kinh nguyện vào cuộc sống xã hội cụ thể, đem Đạo vào đời và làm cho đời thấm nhuần tinh thần bác ái của Tin Mừng.
Theo đà phát triển, dân số thị xã Kontum ngày càng tăng nhanh, lập nên nhiều làng xóm mới. Ngoài những làng công giáo đã có từ trước như Tân Hương, Phương Nghĩa, Phương Quý, Phương Hòa.v.v., nhiều làng người Kinh bên lương cũng được dần dần hình thành gần trung tâm Kontum, như là làng Trung Lương (1914), làng Lương Khế (1927), làng Võ Lâm (1938) [3]…Cha sở thời bấy giờ là Cố Hiền đã rất quan tâm đến việc mở rộng truyền giáo cho anh chị em các làng này.
Thật lạ lùng! Rất nhiều anh chị em bên lương tuy chưa trở thành những người thờ phượng Thiên Chúa, nhưng lại có lòng yêu mến Đức Mẹ! Nhất là khi Hang đá Đức Mẹ Lộ Đức Phương Nghĩa đã trở nên khá “nổi tiếng”, Đức Mẹ tỏ ra “thiêng” cách âm thầm đối với đồng bào cả giáo lẫn lương. Nhiều câu chuyện của người bên lương về ơn lành Đức Mẹ được kể lại và vẫn còn lưu truyền đến ngày nay. 
Thập niên 1950, đồng bào bên lương sống chung quanh thị xã Kontum đã truyền tụng một câu chuyện mà đã trở thành “thời sự” vào thời kỳ đó. Câu chuyện kể rằng: Trước thời gian đình chiến vào năm 1954, quân đội Pháp đã dùng máy bay khu trục bắn phá và ném bom thị xã Kontum,  nhưng nhờ vào sự che chở của một “Bà mặc áo choàng trắng với thắt lưng xanh”, Bà đã dùng vạt áo choàng của Bà để che chắn, nhờ vậy mà không một ai bị chết và bị thương. Mọi người đều đã được an lành!
[Theo Hồi ký viết tay về Hang đá Đức Mẹ Tân Hương của ông Phêrô Nguyễn Lài (anh của cố Lm Phaolô Nguyễn Đây, Gp Kontum), ngày 23.08.2006.  Nhà ông Lài ở sát cạnh Hang Đá Đức Mẹ Tân Hương (Nhà Hàng Hoàn Vũ – Tiệm bi-a Alpha bây giờ). Ông Lài hiện định cư cùng gia đình tại Hoa Kỳ)].
Thời Cha Giacôbê Nguyễn Tấn Đường được bổ nhiệm chính xứ Tân Hương (1956-1963), cha đã cho xây một Đài kính Đức Mẹ Nữ Vương Ban Sự Bình An, tượng cao hơn 2m, đế tượng cao 3m, đối diện với ngôi thánh đường Tân Hương, phía bên kia đường Nguyễn Huệ. Đài Đức Mẹ đã đáp ứng nhu cầu tâm linh của giáo dân Tân Hương cũng như dân chúng trong thị xã Kontum. Ngoài những giờ kinh chung của giáo xứ, rất nhiều tín hữu đến cầu nguyện riêng thầm lặng trước Đài Đức Mẹ; nhiều người bên lương cũng đến dâng hoa, hương, nến và cầu khấn cùng Đức Mẹ.
Đài Nữ Vương Ban Sự Bình An năm 1972
Ảnh: Phòng truyền thống giáo xứ Tân Hương năm 2006
Chiến tranh ngày càng ác liệt. Biến cố 1972, các gia đình chạy loạn. Nhiều người công giáo cũng như bên lương đã đến cầu khẩn tại Đài Đức Mẹ Tân Hương. Khi tình hình tạm lắng, dân chúng lần lượt trở về nhà và vui mừng thấy mọi người vẫn bình an… Tin tưởng vào sự cầu bầu của Mẹ, cha sở Giuse Phạm Thiên Trường (cha sở 1963-1972) và giáo dân đã đặt một bia đá tạ ơn tại Đài Đức Mẹ. Tấm bia khắc dòng chữ: “Ghi nhớ: Hồng ân Thiên Chúa và Đức Mẹ đã phù trợ chúng con qua cảnh khói lửa Mùa Hè 72”. Bia đá này do ông Phaolô Nguyễn Văn Nho nhận đặt làm ở Tân Định, Sài Gòn mang về.
Tháng 12.1972, cha Luca Bùi Thủ được bổ nhiệm chính xứ Tân Hương. Đài Đức Mẹ Bình An lúc này qua thời gian đã bị xuống cấp. Do vị trí Đài Đức Mẹ gần bờ hừng sông Đăk Bla, nên nước mưa chảy xói mòn đã làm nứt đế tượng. Vào tháng 05.1974, nhân kỷ niệm 100 năm thành lập Họ đạo người Kinh đầu tiên (Trại Lý, sau đổi tên Gò Mít, giáo xứ Tân Hương ngày nay) 1874 – 1974, Cha sở Luca Bùi Thủ đã kêu gọi giáo dân tự nguyện đóng góp công, của để xây lại Hang Đá Đức Mẹ Lộ Đức cùng với vườn hoa, cây cảnh, hồ nước…Đá được lấy chuyển về từ Đèo Sao Mai (De Sơmei) cách thị xã Kontum hơn 10 cây số. Mọi thành phần dân Chúa, chủ lực là các gia trưởng và bà mẹ, ca đoàn Liên Minh Thánh Tâm.v.v. đã hăng hái tham gia công tác. Những tảng đá lớn từ chân núi được đục, chẻ hoặc cho nổ mìn, sau đó giáo dân chuyền từ chân núi ra bên ngoài để chất lên xe, chở về nhà thờ. Tuy công việc khá nặng nhọc nhưng mọi người đều vui vẻ nhiệt tình làm việc. Đích thân cha sở Luca cũng đến công trường để chỉ đạo và khích lệ tinh thần mọi người.
QUANG CẢNH GIÁO DÂN ĐI LẤY ĐÁ
TỪ DE SƠMEI VỀ LÀM HANG ĐÁ ĐỨC MẸ
Ảnh: Phòng truyền thống giáo xứ Tân Hương năm 2006
Sau thời gian thi công dưới sự điều hành của Ban xây dựng, đứng đầu là ông câu chánh Phêrô Võ Văn Muồi (ông cố thân sinh của cha Micae Võ Văn Sự), ông câu phó Phaolô Phạm Văn Thanh, ông Phêrô Nguyễn Hữu Phú…, đến tháng 09.1974 Hang đá Đức Mẹ đã hoàn thành cùng với các công trình phụ trợ chung quanh như hồ nước, vườn hoa, trồng cây cảnh…Tượng Đức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội và thánh nữ Bernadette do cha sở Luca đặt mua từ Sài gòn cũng đã được đưa về đến giáo xứ.
Vào dịp lễ Mân Côi bổn mạng giáo xứ ngày 06/10/1974, ĐGM Giáo phận Phaolô Kim Seitz đã đến thăm mục vụ, dâng thánh lễ tại nhà thờ Tân Hương. Đức Cha đã đến viếng và long trọng làm phép tượng Đức Mẹ và khánh thành Hang đá Lộ Đức Tân Hương, trước sự hiện diện của toàn thể cộng đoàn dân Chúa trong giáo xứ và quý khách mời. Nhân dịp này, bia đá tạ ơn đã được đặt lại tại vị trí như ngày nay và ghi thêm dòng chữ: “Kỷ niệm Bách Chu Niên ngày thành lập giáo xứ Tân Hương. Lễ Mân Côi 06.10.1974”. 
Bia Đá Tạ Ơn
“Ghi nhớ: Hồng ân Thiên Chúa và Đức Mẹ đã phù trợ chúng con qua cảnh khói lửa Mùa Hè 72. Kỷ niệm Bách Chu Niên ngày thành lập giáo xứ Tân Hương. Lễ Mân Côi 06.10.1974”
Biến cố lịch sử 1975, một lần nữa giáo dân Tân Hương và nhiều người dân thị xã Kontum lại bị dao động. Nhiều gia đình đã đến quỳ trước hang đá Đức Mẹ lần chuỗi Mân Côi và cầu nguyện, trước khi phải lên đường di tản.
Sau biến cố 1975, thời kỳ đầu với bao khó khăn, cấm cản: lệnh chính quyền chỉ cho phép linh mục dâng thánh lễ trong nhà thờ đúng 30 phút mà thôi, không được lâu hơn!? Cha Luca Bùi Thủ dâng thánh lễ đến đúng giờ qui định, ngài dừng lại mời giáo dân ra Hang đá Đức Mẹ tiếp tục đọc kinh, còn một mình ngài ở lại dâng lễ âm thầm. Cứ như vậy suốt một thời gian, Đức Mẹ đã ân cần chăm sóc, ủi an vỗ về đoàn con của Mẹ vượt qua thử thách, giữ vững niềm tin.
Năm 1998, cha Luca đã cho xây vỉa hè, lát gạch phía trước Hang đá Đức Mẹ.
Năm Thánh 2000, Hang đá được chỉnh trang, tu sửa tường rào, lót bê-tông đường đi, đặt một số ghế đá để giáo dân ngồi đọc kinh… 
Năm 2003, thời cha sở Lu-y Nguyễn Quang Vinh: sửa chữa hồ nước, lát gạch men và làm chiếc cầu kiểu bắc qua hồ nước.
Hang đá Đức Mẹ Tân Hương năm 2003
Năm 2013: lấp hồ nước phía trước Hang đá, đặt thêm ghế đá…
Tháng 10.2014
Năm 2014, nhận thấy Hang đá Đức Mẹ qua thời gian đã bị xuống cấp, hơn nữa do mặt đường Nguyễn Huệ ngày nay đã được nâng cao, nên Hang đá đã bị thấp trũng so với mặt đường…Cha sở Giuse Đỗ Hiệu đã kêu gọi mọi thành phần giáo dân trong giáo xứ đóng góp tài chính để chuẩn bị tôn tạo, chỉnh trang Hang đá, nhằm tạo cho Hang đá Đức Mẹ Lộ Đức Tân Hương một bộ mặt mới, xứng đáng là nơi tôn kính Đức Mẹ không chỉ của giáo xứ Tân Hương, mà còn là nơi chốn tâm linh, mang lại sự an bình cho nhiều người dân thành phố Kontum. Hiện nay tại Hang đá mỗi buổi chiều tối đều có giáo dân đọc kinh cầu nguyện, đặc biệt mỗi tối thứ Bảy mọi thành phần trong giáo xứ được mời gọi đến cùng nhau lần hạt Mân Côi, hát thánh ca tôn vinh Mẹ.
Giáo dân cầu nguyện trước Hang Đá Đức Mẹ Tân Hương
Ảnh: 10.2014
Trở lại với bức tượng Đức Mẹ Bình An trước năm 1974, bức tượng này cha Giuse Phạm Minh Công đã chuộc lại và đem đặt trên đỉnh núi Chữ Pao, trên đường quốc lộ 14 Kontum-Pleiku. Sau đây là lời kể của chính cha Giuse Phạm Minh Công, hiện nay là cha sở giáo xứ An Khê, Gp Kontum:
“Nhân đây, tôi cũng xin kể lại tình hình chiến sự tại núi Chữ Pao, Đèo Sao Mai. Đây là một ngọn núi khá cao trong vùng, có những hốc đá lớn có thể làm nơi tránh bom đạn. Vì gần Thị xã Kontum, nên tôi cũng hay đi lại, Tôi nghĩ đặt một tượng Đức Mẹ ở trên đỉnh núi đó thì thật là tuyệt vời. Tôi liền gặp Cha Luca Bùi Thủ, đang là Cha xứ Tân Hương, xin cha nhượng cho tôi bức tượng Đức Mẹ ban ơn lành cao tới trên 2m hiện ở trước mặt tiền của nhà thờ. Ngài đồng ý và tôi đã mau chóng đưa Đức Mẹ lên đỉnh núi. Chưa kịp đặt lên bệ cao thì tình hình chiến sự căng thẳng, tôi không có dịp lên đó nữa. Nghe nói, anh em quân nhân trên đó cũng đã đặt Đức Mẹ lên một tảng đá lớn. Sau 75 thì bị hai du kích bắn phá, và Đức Mẹ bị xô xuống vực, chỉ còn sót lại ít mảnh vụn rêu phong. Hai du kích đó khi trở xuống núi, đã bị trúng mìn chết tại chỗ!”[4].
*  *  *
Phêrô Minh Sơn 
Đầu Tháng Mân Côi
01.10.2014 – 01.10.2019                                                                                                                        
______________________
*Tài liệu tham khảo:
Lịch sử Giáo xứ Tân Hương, Linh mục Luca Bùi Thủ, bản đánh máy ngày 24.03.1976.
– Hồi ký viết tay về Hang đá Đức Mẹ Tân Hương của ông Phêrô Nguyễn Lài (anh của cố Lm Phaolô Nguyễn Đây, Gp Kontum), ngày 23.08.2006.  Nhà ông Lài ở sát cạnh Hang Đá Đức Mẹ Tân Hương (Nhà hàng Hoàn Vũ – Tiệm bi-a Alpha bây giờ). Ông Lài hiện định cư cùng gia đình tại Hoa Kỳ).
-Phỏng vấn một số nhân chứng còn sống: Ông Phaolô Phạm Văn Thanh (nguyên Câu phó), ông Phaolô Nguyễn Văn Nho.
———————————-                                                                            
CHÚ THÍCH:
[1] x. Echos 11.1949, tr. 2.
[2] -x. Chức Dịch Thơ Tín, số 40, tháng 08.1936, tr. 486: Vào năm 1932, lễ Đức Mẹ Mân Côi tại nhà thờ Tân Hương được ghi lại có cuộc kêu gọi các thành phần tín hữu từ khắp các xứ đạo gia nhập Hội Mân Côi; có linh mục giảng thuyết về việc vào Hội Mân Côi, về ơn lành Đức Mẹ qua việc lần chuỗi Mân Côi, linh mục làm phép chuỗi Mân Côi.v.v.
   -Đến năm 1949, Hội Mân Côi ở Tân Hương (La Confrérie du St Rosaire à Tân Hương) vẫn là một hội đoàn đang hoạt động (x. Echos 08.1949).
[3] x. Kon Tum: Đất nước-Con người, NXB Đà Nẵng 1998, tr. 11.
[4] Trích: KÝ ỨC VỀ TƯỢNG ĐÀI ĐỨC MẸ MĂNG ĐEN, Lm Giuse Phạm Minh Công, An Khê, ngày 03.07.2011 (Nguồn tin: gpkontum.wordpresscom).
WGPKT(03/10/2019) KONTUM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét