Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Thứ Bảy, 2 tháng 12, 2017

Tin Mừng Marcô trong Mùa Vọng: Phải chăng một Giáng Sinh không máng cỏ?




Peter Edmonds SJ

Bạn có từng ngạc nhiên khi thấy Tin Mừng Marcô không có câu chuyện Giáng Sinh? Ngay cả khi không máng cỏ, mục đồng và các đạo sĩ, Marcô vẫn có nhiều điều để nói với chúng ta về ý nghĩa của Giáng Sinh, đặc biệt là khi chúng ta đọc tin mừng của Marcô cùng với các tin mừng Matthêô và Luca.
Ta có thể nào tưởng tượng ra được một Giáng Sinh mà không có những mục đồng của Luca hoặc không có các đạo sĩ của Matthêô? Làm thế nào mà một tác giả viết Tin Mừng mà lại không có câu chuyện Giáng Sinh chứ?! Thật khó mà hình dung ra được! Ấy vậy mà đó là điều mà tác giả Tin Mừng Marcô đã làm. Sự thiếu sót này có thể giải thích phần nào lý do tại sao chỉ có 8 bản sao tin mừng Marcô được lưu hành trong tám thế kỷ đầu; và trong sách bài đọc cũ thì cả năm nó được đọc chỉ trong một Chúa Nhật mà thôi.
Sách bài đọc hiện nay cũng tiếp tục lơ là với Tin mừng Marcô. Trong suốt Mùa Vọng và Giáng Sinh, trong chu kỳ ba năm, chúng ta chỉ có hai bài đọc trích từ Tin Mừng Marcô. Vào Chúa Nhật thứ nhất Mùa Vọng, ta nghe bài diễn từ của Đức Giêsu về Những Ngày Cuối Cùng, một đoạn văn dường như chẳng liên quan gì đến Giáng Sinh (Mc 13,33-37). Đoạn văn thứ hai được đọc vào Chúa Nhật thứ hai Mùa Vọng và gồm có tám câu đầu tiên của Tin Mừng này. Ta hãy xem kỹ đoạn này.
Có thể chia tám câu đầu tiên trong Tin Mừng Marcô thành ba phần: câu đầu tiên là tiêu đề của toàn bộ tin mừng; hai câu tiếp theo là trích dẫn Sách Thánh; năm câu còn lại nói về con người và hoạt động của Gioan làm phép rửa. Mỗi một trong ba phần này cho chúng ta một chất liệu vững chắc để hiểu về Giáng Sinh, đặc biệt là khi được kết nối với các tin mừng Matthêô và Luca.
TIÊU ĐỀ CỦA TIN MỪNG (Mc 1,1)
Chúng ta nhặt ra được năm yếu tố để chú giải trong câu đầu tiên: “Khởi đầu Tin Mừng Đức Giêsu Kitô, Con Thiên Chúa”. Đọc bản văn gốc tiếng Hy Lạp, ta nghe như đã vang lên tiếng trống rộn rã khi âm “ou” cứ lập đi lập lại: 
archê toueuangeliou Jêsou Christou huiou theou.”

Khởi đầu
‘Khởi đầu’ cũng là từ mở đầu cho toàn bộ cuốn Kinh Thánh, (‘Lúc khởi đầu, Thiên Chúa sáng tạo trời đất’ [Stk 1,1]). Sự khởi đầu này là ngày sinh nhật của vũ trụ, và nếu chúng ta nhớ lại lời Thánh Phaolô nói rằng Đức Kitô là “trưởng tử của toàn thể tạo vật’ (Cl 1,15), thì chúng ta đã ở trong bầu khí Giáng Sinh rồi! Từ ‘khởi đầu’ cũng có một áp dụng khác nữa. Nó có thể nói về các nhân vật và những biến cố mà Marcô tường thuật ở phần đầu tin mừng của mình. Nó cũng có thể nói đến toàn bộ câu chuyện tin mừng như là nền tảng và chuẩn mực cho người Kitô hữu chúng ta. Nó đơn giản chỉ muốn nói rằng đây là vị trí tốt nhất nếu như ta muốn bắt đầu câu chuyện của Kitô hữu của chính chúng ta.
Tin Mừng
Marcô tiếp tục nói về khởi đầu của ‘tin mừng’. Đây là từ mang hai ý nghĩa. Nó được người đời sử dụng để loan báo một biến cố quan trọng chẳng hạn như sự ra đời của người thừa kế ngai vàng, như vậy nó có thể kích thích cho các độc giả đầu tiên của Marcô thấy một niềm vui trong sự sinh hạ của Chúa Giêsu trên bình diện nhân loại. Nhưng từ này cũng đã được sử dụng trước đấy hàng nhiều thế kỷ trong bối cảnh tôn giáo của ngôn sứ Isaia: “Đẹp thay trên đồi núi bước chân người mang tin vui, công bố bình an, người loan tin hạnh phúc, công bố ơn cứu độ và nói với Xion rằng: "Thiên Chúa ngươi là Vua hiển trị."’ (Is 52,7).
Từ “mang tin vui” của Isaia cũng là từ mà chúng ta dịch là “tin mừng”. Luca bồi da đắp thịt vào những từ của ngôn sứ Isaia khi tường thuật lại lời của thần sứ loan báo cho các mục đồng: “Này tôi báo cho anh em một tin mừng trọng đại” (Lc 2,10), và trong lời công bố của Chúa Giêsu lúc khởi đầu sứ vụ rằng mình được xức dầu để “đem Tin Mừng cho kẻ nghèo hèn” (4,18). Nhưng từ như “bình an”, “cứu độ” và “Chúa hiển trị” được gắn kết với các biến cố Giáng Sinh. Các thần sứ hát ca sự bình an vào ngày Chúa Giêsu sinh ra  (2,14). Ông Simêon ngợi khen Thiên Chúa vì chính mắt ông đã nhìn thấy ơn cứu độ của Thiên Chúa (2,30). Thần sứ Gabriel nói với Đức Maria rằng người Con của bà sẽ hiển trị trên nhà Giacóp đến muôn đời (1,33). Vì thế, chúng ta đã thoáng thấy được Giáng Sinh trong từ thứ hai của Marcô: “tin mừng”.
Giêsu
Từ thứ ba là tên của “Chúa Giêsu”. Đây là tên mà Ngài được nhận biết trong suốt đời sống của mình. Marcô nói rằng Ngài xuất phát từ làng Nazarét miền Galilê (Mc 1,9), điều này hợp với những gì chúng ta biết được về quê hương của Ngài trong Matthêô (2,23) và Luca (2,4). Thông tin trong Matthêô đã chiếu ánh Giáng Sinh vào tên gọi Giêsu trong Marcô: một thần sứ của Thiên Chúa bảo Giuse rằng Giêsu là tên đứa con của Maria, vì đây là con trẻ sẽ “cứu dân mình khỏi tội” (Mt 1,21). Trong tiếng Hípri, tên này đồng nghĩa với “Giosua”, người kế nhiệm ông Môisê để dẫn đưa dân mình vào miền Đất Hứa. Như vậy, Chúa Giêsu sẽ là người dẫn đưa chúng ta vào Nước Trời.
Kitô
Từ thứ tư là “Kitô”. Tên này thường được nhắc đến trong các thư của Phaolô và trở thành tên thứ hai của Chúa Giêsu. Ngài là Đức Giêsu Kitô – là một danh hiệu hơn là tên gọi và được dịch từ ‘Messiah’ trong tiếng Hípri. Trong Tin Mừng Marcô, Phêrô đã gọi Chúa Giêsu bằng danh hiệu này khi ngài hỏi ông tin Ngài là ai (8,29). Vị thượng tế cũng đã hỏi Chúa Giêsu có phải là Đức Kitô không (14,61). Đức Kitô này, hay là Đấng Messiah, đã được Thiên Chúa hứa với Đavít qua ngôn sứ Nathan (2 Sm 7,12).
Danh hiệu này của Chúa Giêsu cũng có trong câu chuyện ấu thời của Tin mừng Luca; là một trong ba danh hiệu mà thiên sứ nói với các mục đồng về con trẻ mới sinh ra tại Bêlem. Đấy là một đấng cứu thế, là Đức Chúa “Kitô” (Lc 2,11). Lại một tin mừng khác giúp chúng ta hiểu tin mừng Marcô.
Con Thiên Chúa
Từ thứ năm và cuối cùng trong câu đầu tiên của tin mừng Marcô là “Con Thiên Chúa”. Đây là danh hiệu mà quỷ đã gọi Chúa Giêsu (Mc 5,7), nhưng người đầu tiên sử dụng nó để nói về Chúa Giêsu là viên đại đội trưởng có nhiệm vụ đóng đinh Chúa Giêsu. Sau khi thấy mà trong Đền Thờ xé ra thì ông này tuyên xưng Chúa Giêsu là “Con Thiên Chúa” (15,39).
Khởi đầu tin mừng Luca, thiên sứ Gabriel đã gọi con trẻ được Đức Maria sinh ra với danh hiệu này (1,35). Matthêô áp dụng nó cho Đức Giêsu khi trích dẫn ngôn sứ Hôsê. Matthêô gọi Chúa Giêsu là Con Thiên Chúa khi Giuse đưa con trẻ về từ Ai Cập, nơi họ đến để trốn thoát âm mưu của Hêrôđê (Mt 2,15; Hs 11,1).
Đây là những cách mà câu đầu tiên trong Tin Mừng Marcô nói về sứ điệp Giáng Sinh nếu ta nhạy bén với những tàng ý của nó. Cách tiếp cận này nhắc chúng ta rằng cách chú giải tốt nhất về một đoạn Kinh Thánh là nhờ vào những đoạn văn khác trong Kinh Thánh.
“ĐIỀU THIÊN CHÚA ĐÃ VIẾT”(Mc 1,2-3)
Hai câu tiếp theo được dẫn nhập là: “Như đã được chép trong sách ngôn sứ Isaia”, và một trích dẫn phức tạp ngay sau đó. Ngôn ngữ Kinh Thánh không thích đặt Thiên Chúa làm chủ từ cho một động từ, và vì thế như ta thấy ở đây, người ta dùng động từ ở thể thụ động. Do đó, ta phải hiểu câu “Như đã được chép” thực sự có nghĩa là “Như Thiên Chúa đã viết”.
Đọc kỹ đoạn trích này ta thấy nó gồm có ba đoạn; một trích từ ngôn sứ Isaia, nhưng hai đoạn khác dường như đến từ sách Xuất Hành và ngôn sứ Malakhi. Bản gốc của những đoạn này là “Này Ta sai thiên sứ đi trước ngươi” trích từ Xuất Hành 23,20); và “Này Ta sai sứ giả của Ta đến dọn đường trước mặt Ta” trích từ Malakhi 3,1. Từ “ngươi” trong sách Xuất Hành là ngôi thứ hai số ít: Thiên Chúa nói với Người Con của mình. Trong câu thứ ba – “Có tiếng hô: “Trong sa mạc, hãy mở một con đường cho ĐỨC CHÚA, giữa đồng hoang, hãy vạch một con lộ thẳng băng cho Thiên Chúa chúng ta” (Is 40,3) – các động từ đều ở số nhiều. Dường như những người lắng nghe tin mừng đã được xác định, đó là chính chúng ta. “Chúng ta” đã được mời gọi dọn đường cho Chúa. Ba bản văn này nói về hoạt động của Thiên Chúa trong những thời điểm khác nhau của lịch sử dân Israel: giải phóng dân Israel khỏi sự áp bức của Ai Cập trong sách Xuất Hành; cuộc trở về từ nơi lưu đầy trong sách Isaiah; và Đấng Cứu Thế sẽ đến trong tương lai trong sách Malakhi.
Bài học đàng sau những từ này của Thánh Marcô là chính vị Thiên Chúa đã hành động trong quá khứ thì giờ đây Ngài cũng hoạt động trong câu chuyện mình sắp kể. Hai trong số những bản văn này được soi sáng bởi những tin mừng xuất hiện sau đó: một lần nữa chúng ta lưu ý đến câu mà Matthêô trích dẫn Hôsê về việc Thiên Chúa gọi Con của Ngài ra khỏi Ai Cập (Mt 2,15; Hs 11,1); và trong Luca, Chúa Giêsu được tiến dâng cho Chúa trong Đền Thờ (Lc 2,22).
GIOAN LÀM PHÉP RỬA (Mc 1,4-8)
Tại thời điểm này, Gioan làm phép rửa xuất hiện. Marcô đã làm rõ tình trạng thứ cấp của Gioan đối với Chúa Giêsu. Vai trò của Gioan là người tiền hô. Sự chay tịnh và cách ăn mặc đã đồng hóa ông với một ngôn sứ thời Cựu Ước (2 V 1,8). Ông rao giảng sự hoán cải và làm phép rửa, nhưng tất cả chỉ là chuẩn bị cho một người “mạnh mẽ hơn” đến sau ông.
Trong câu chuyện thời thơ ấu của Tin Mừng Luca, có một so sánh song song giữa Chúa Giêsu với Gioan (Lc 1,5-2,52): thiên sứ Gabriel loan báo về sự sinh hạ của họ sẽ xảy ra; sự sinh hạ của họ được tường thuật; và khởi đầu sứ vụ của họ cũng được nói đến. Nhưng rõ ràng trong Tin Mừng Luca thì Gioan luôn là thứ cấp đối với Chúa Giêsu: “Gioan lớn lên và trở nên mạnh mẽ trong tinh thần” (Lc 1,80), thì Chúa Giêsu “càng thêm tuổi càng thêm khôn ngoan, trước mặt Thiên Chúa và người ta” (2,52). Gioan không chỉ là phụ cấp đối với Chúa Giêsu. Sau này, ta cũng biết được từ Tin Mừng Luca rằng tất cả những ai thuộc về Nước Trời thì được nhiều ân sủng hơn Gioan: ông thuộc về thời đại của Lề Luật và các ngôn sứ, thời quá khứ. Từ thời đó, tin mừng về nước Thiên Chúa được loan báo (Lc 16,16).
Luca cũng tường trình vai trò của Gioan như là người rao giảng về công bình xã hội  (Lc 3,10-14), trong khi Matthêô nhấn mạnh đến lời rao giảng của ông về sự phán xét (Mt 3,7-12). Tất cả những hoạt động này của Gioan như là người chuẩn bị cho con đường đều nhắm đến ơn gọi tương tự của Kitô hữu là hãy chuẩn bị cho tin mừng thông qua việc chuẩn bị mình trong suốt Mùa Vọng.
Ta có thể kết luận như vậy về 8 câu của Tin Mừng Marcô được đọc vào Chúa Nhật thứ hai Mùa Vọng năm B. Đây là điểm khởi đầu mà chúng ta sẽ biết thêm sau này nhờ vào các tin mừng khác. Đây là nền tảng vững chắc để hiểu về câu chuyện Giêsu tiếp theo đó. Ta sẽ không nghe lại Tin Mừng Marcô mãi cho đến cuối Mùa Giáng Sinh. Vào ngày lễ Chúa Giêsu chịu phép rửa, ngày Chúa Nhật bắt cầu giữa mùa Giáng Sinh với mùa mà phụng vụ gọi là “Mùa Thường Niên”, chúng ta nghe trình thuật của Marcô về Chúa Giêsu chịu phép rửa (Mc 1,9-11), ngay sau lời rao giảng của Gioan làm phép rửa.
CHÚA GIÊSU CHỊU PHÉP RỬA (Mc 1,9-11)
Trình thuật Chúa Giêsu chịu phép rửa trong Tin Mừng Marcô là trình thuật ngắn gọn nhất trong các tin mừng. Trong trình thuật, Chúa Giêsu chỉ là một người Galilê đến với Gioan. Ngài nhập đoàn với các tội nhân bước xuống dòng sông Giođan và chịu phép rửa. Chẳng có mẫu đối thoại nào giữa Gioan và Chúa Giêsu, trong khi Tin Mừng Matthêô nói Gioan đã phản đối vì cho rằng chính ông mới là người cần được Chúa Giêsu làm phép rửa (Mt 3,14). Cũng chẳng có lời cầu nguyện nào của Chúa Giêsu như trong Tin Mừng Luca (Lc 3,21).
Như trong phần mở đầu của Tin Mừng Marcô, chúng ta nhặt ra những trích dẫn rõ ràng lẫn hàm ý từ trong sách thánh nói rằng điều đang xảy ra là sự tiếp nối các hoạt động của Thiên Chúa trong quá khứ. Các tầng trời mở ra cho thấy rằng lời cầu nguyện của Isaia, “Ôi xin Ngài xé các tầng trời và ngự xuống” (Is 64, 1), đã được chấp nhận. Thánh Thần ngự xuống cho thấy rằng công cuộc sáng tạo lại đang xảy ra, vì ở cuộc sáng tạo đầu tiên thì Thánh Thần Thiên Chúa bay là là trên mặt nước (Stk 1,2). Chim bồ câu là dấu hiệu cho sự sống mới mà Chúa Giêsu đem đến; Chim bồ câu mang một cành ôliu mới nức về cho ông Nôê như là dấu hiệu trái đất hồi sinh sau trận đại hồng thủy (Stk 8,11).
Thiên Chúa được diễn tả như là tiếng hô và đi trước (Mc 1,2-3), chúng ta nghe Ngài nói những lời trong Sách Thánh – ‘Con là Con yêu dấu của Cha, Cha hài lòng về Con’ – trong đó ta nhân ra được ba bản văn Cựu Ước. Có một câu trích từ thánh vịnh vương giả, ‘Con là con của Cha, ngày hôm nay Cha đã sinh ra con’ (Tv 2,7). Chúng ta cũng thấy âm vang bài ca người tôi tớ trong sách Isaia, ‘Đây là người tôi trung ta nâng đỡ… người Ta rất hài lòng’ (Is 42,1). Ta cũng thấy lời Thiên Chúa bảo Abraham hiến tế con mình, ‘Hãy đem con của ngươi, đứa con một yêu dấu của ngươi là Ixaác’ (Stk 22,2). Qua những bản văn này, ta thấy Chúa Giêsu chịu phép rửa ở sông Giôđan vừa là vua vừa là người tôi tớ. Sự sống của Ixaác được dung thứ nhưng Đức Giêsu đã hiến mạng sống mình làm ‘giá chuộc cho nhiều người’ (Mc 10,45). Sau này Đức Giêsu sẽ nói về một phép rửa khác là cái chết của Ngài trên thập giá (Mc 10,39). Đến đây chúng ta đã hiểu rõ hơn về những gì ẩn chứa trong lời loan báo của Gioan về một đấng ‘mạnh mẽ hơn’ sẽ đến (Mc 1,7).
Vậy thì, nếu trong mùa Giáng Sinh năm B này chúng ta thấy thiếu vắng đi sự hấp dẫn của những tình tiết đầy kịch tính như trong Matthêô và Luca, được diễn dịch cách sinh động qua những màn diễn nguyện hay máng cỏ giáng sinh đầy nghệ thuật, thì cũng đừng bỏ qua những sứ điệp tiềm tàng trong ngôn ngữ ngắn ngủi nhưng thâm sâu của Marcô. Trong tiêu đề dành cho tin mừng của mình, trong các bản văn sách thánh được trích dẫn, trong những đặc điểm đối lập giữa Gioan làm phép rửa và Chúa Giêsu, và trong trình thuật Chúa Giêsu chịu phép rửa, Marcô đã cung cấp đầy đủ cho chúng ta để cử hành mùa Giáng Sinh này khi nhìn nhận hoạt động đầy yêu thương của Thiên Chúa trong thế giới của chúng ta, một Thiên Chúa mà Đức Giêsu đã nói: “Không có ai nhân lành cả, trừ ra một mình Thiên Chúa” (Mc 10,18). 
Tác giả bài viết: Lm. Phaolô Nguyễn Minh Chính chuyển ngữ
Nguồn: giaophanquinhon.org

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét