Kontumquehuongtoi xin trân trọng giới thiệu bài viết về Cha Do của Lm Gioan Võ Đình Đệ, Gp. Qui Nhơn. với những chi tiết nghiên cứu từ sử liệu về con đường truyền giáo xưa từ Bình Định lên Kontum. Thiết nghĩ đây là một trong những tài liệu quí góp phần bổ túc làm phong phú thêm về "Con người tiên phong mở đường truyền giáo Tây Nguyên", cũng như công cuộc mở đạo Tây Nguyên. Chúng tôi cũng đang cố gắng tìm hiểu các nguồn tài liệu và ước mong các nhà sử học, những người yêu mến sử học công giáo, nhất là ở Qui Nhơn-Bình Định-Kontum-Hội Thừa sai Hải Ngoại Paris (Chủng viện Pi-năng xưa.v.v.) ai có thể tìm được tấm ảnh chân dung của Cha Do, xem mặt mũi thật của ngài như thế nào...Cũng đã tiếp cận nhiều nguồn sử liệu rất thú vị về đề tài này, tuy nhiên hiện vẫn chưa thể đi đến chung cuộc. Mong thay!

Tượng kỷ niệm Cha Do tại khuôn viên nhà thờ Tân Hương (Kontum)
CHA PHANXICÔ XAVIÊ NGUYỄN DO (1823-1872)
NGƯỜI TIÊN PHONG
MỞ ĐƯỜNG TRUYỀN GIÁO TÂY NGUYÊN
NGƯỜI TIÊN PHONG
MỞ ĐƯỜNG TRUYỀN GIÁO TÂY NGUYÊN
Cha Dourisboure Ân, vị thừa sai lỗi lạc đã từng 35 năm vượt qua mọi thứ hiểm nguy trên miền truyền giáo Tây Nguyên, nói về người đã chung lưng đấu cật với mình trong việc truyền giáo: “Trong các Đấng chung tình cùng tôi mà mở đạo cho người dân tộc, thì có cha Do rất là đáng mến, đáng khen hơn hết. Người rất đại độ quảng tâm: phải khốn khó chẳng nao, được an vui không chuộng, hằng khiêm tốn an hoà, lúc đau ốm cũng chẳng hề năn nỉ”.[1]
I. ĐỨC CHA CUÊNOT THỂ VỚI VIỆC TRUYỀN GIÁO Ở TÂY NGUYÊN
Đức Cha Cuénot luôn luôn quan tâm đến việc truyền giáo. Trong đó truyền giáo Tây Nguyên là ‘nốt nhạc chủ âm’ trong bài ‘trường ca truyền giáo’ của Đức cha Cuénot.
Đức cha Cuénot đã kiên trì chỉ đạo, thúc đẩy, tổ chức mọi cách để Tin Mừng được đem đến cho các dân tộc thiểu số sinh sống ở Tây Nguyên. Năm 1838, Đức cha đã sai ông Ninh ở Quảng Ngãi ra Cam Lộ [2] tìm đường lên Tây Nguyên, và ông Quờn ở Mằng Lăng, Phú Yên do thám tìm đường lên Tây Nguyên theo ngả Phú Yên, nhưng không thành.
Tháng 02 năm 1842, được lệnh Đức cha Cuênot, cha Miche, cha Duclos, ông Quờn, ông Thiêu, ông Ngãi cùng với 11 người khác từ Phú Yên lên đường đến Tây Nguyên nhưng đã bị bắt. [3]
Sau nhiều lần thất bại nhưng không nản, Đức cha muốn tìm đường lên Tây Nguyên qua ngỏ An Sơn (An Khê). Lúc bấy giờ An Sơn là biên giới và cũng là trung tâm buôn bán giữa người Kinh và người Thượng.
Thầy Do vừa từ Chủng viện Pinăng trở về, Đức cha giao cho thầy nhiệm vụ tìm một con đường để đi truyền giáo cho các bộ lạc thượng ở Tây Nguyên qua ngả An Sơn.[4]
II. THẦY PHANXICÔ XAVIÊ NGUYỄN DO
Thầy Do được sinh ra, lớn lên trong một gia đình, một họ đạo, một môi trường huấn luyện thích hợp cho công cuộc truyền giáo Tây Nguyên. Chúng ta thử tìm hiểu môi trường đã hun đúc nên con người cho công việc nầy.
A. GIA ĐÌNH VÀ HỌ ĐẠO
Tại nghĩa trang các cha Kon Tum, trên mộ của cha Do có ghi “Cha Phanxicô Xaviê Nguyễn Do”. Ngoài ra trong những sử liệu đã được tìm thấy, danh tánh của thầy còn được ghi: Thầy Sáu Do, Cha Do, Cha Lành, hoặc Thầy An.
Thầy Do sinh năm 1823 tại họ Đồng Hâu,[5] nay thuộc giáo xứ Gia Chiểu. Họ Đồng Hâu đã được các thừa sai Dòng Phanxicô đến loan báo Tin Mừng từ đầu thế kỷ 18. Đồng Hâu được các cha Dòng Phanxicô dẫn dắt theo tinh thần khó nghèo, hy sinh cùng với khí thiêng núi rừng hùng vĩ của nhánh núi Kim Sơn thuộc dãy Trường Sơn, và sự trái ngược phong thủy thường xuyên của các nhánh nguồn của sông Lại Giang giữa hai mùa mưa nắng, như đã rèn cho người dân trong vùng tính bền bỉ, điềm tĩnh trước những thử thách của cuộc đời:
Đã cam tháng đợi năm chờ,
Duyên em đục chịu, trong nhờ, quản bao.
Cảnh thiên nhiên ấy cùng với ơn Thánh Thần đã hun đúc tinh thần đức tin của các tín hữu trong vùng, trong đó có cậu Phanxicô Xaviê Nguyễn Do. Chính trong môi trường ấy, nhà ông Nhơn tại Đông Hâu là nơi Đức cha Cuênot ẩn trú gần một năm trước khi vào Gò Thị. Trong thời gian ẩn trú tại đây Đức cha đã truyền chức linh mục cho cha Nhàn.[6]
B. CHỦNG VIỆN PINĂNG
Chủng viện Thánh Giuse được đặt tại Pinăng (Mã Lai), là nơi đào tạo linh mục bản địa của vùng truyền giáo Đông Á theo linh đạo của Huấn Thị Gởi Các Thừa Sai, một kết quả quan trọng của Công đồng Juthia năm 1664. Trong đó, Huấn Thị chỉ dẫn cho nhà truyền giáo cách sống đời tu đức, cách giảng đạo và cách tổ chức giáo hội địa phương. Thầy Do đã dùi mài kinh sử ở Pinăng 9 năm: 7 năm học và 2 năm phụ giáo