Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Chủ Nhật, 31 tháng 7, 2011

GIÁO LÝ VIÊN MIỀN KON TUM MỪNG KÍNH CHÂN PHƯỚC ANRÊ PHÚ YÊN, 30.7.2011



(31.07.2011). Ngày Truyền Thống của GLV Gp Kon Tum năm nay được tổ chức theo Miền: Kon Tum tại giáo xứ Tân Hương và Plei Ku tại giáo xứ La Sơn, vào Thứ Bảy  ngày 30.7.2011. Theo dự định đáng lẽ được tổ chức vào ngày 26.7.2011, đúng ngày lễ kính Á Thánh Anrê Phú Yên, bổn mạng của GLV, nhưng vì hôm đó là lễ an táng và đưa tiễn Cha cố Giuse Nguyễn Thanh Liên, Tổng Đại Diện yêu quí, nên ngày gặp mặt GLV được dời sang 30.7.2011.  

Tại Miền Kon Tum, mặc dù cơn bão số 3 gây nên mưa dầm suốt từ ngày hôm trước, nhưng không làm chùn bước các GLV, cả những GLV ở vùng sâu vùng xa. Dưới trời mưa lúc nặng hạt, khi lất phất, lũ lượt từng tốp anh chị em kéo về Nhà Sinh Hoạt giáo xứ Tân Hương. 8 giờ 10 phút, hầu hết GLV đã có mặt nhận thẻ ghi danh, nhận tài liệu, nhận diện nhóm của mình, sau đó tất cả qui tụ trước Nhà Sinh Hoạt và trật tự di chuyển vào vị trí bên trong Phòng Hội, nơi bố trí sẵn sân khấu và phông chính của ngày sinh hoạt. 469 GLV chia thành 15 Nhóm ngồi theo từng đơn vị nhóm của mình, háo hức chờ đợi giây phút khai mạc.

Đúng 8 giờ 20, Đức Cha Micae – Giám mục giáo phận từ từ tiến vào nhà sinh hoạt của giáo xứ. Đồng loạt GLV đứng dậy chào đón vị cha chung của Giáo phận. Cùng đi với Đức Cha có cha Quản Hạt cũng là cha sở Tân Hương, Cha Lộc, phụ tá giáo xứ Chính Toà và là cha phụ trách điều phối Ngày GLV Kon Tum (do cha Trưởng Ban GL đi La Sơn), cha Long (Kon H’ring). Ngay lúc đó, người dẫn chương trình cất lên bài hát chủ đề: “Đức Tin Nở Tươi Trên Môi Miệng” và cả khán phòng đã nhộn nhịp hẳn lên.

Sau nghi thức khai mạc,  bài đồng diễn liên khúc: “Giêsu, Thầy Dạy GLV - Khung Trời Ước Mơ” do các em thiếu nhi gx Tân Hương góp mặt.

Đặc biệt, giây phút quan trọng nhất là bài huấn từ của Đức Cha. Ngài chào mừng tất cả GLV hạt Kon Tum nhân Ngày Truyền Thống hàng năm, đó là một hồng ân quí giá mà Thiên Chúa đã thương ban cho Giáo phận, cho các GLV. Ngài mời gọi các GLV hãy nhìn lên gương của Chân phước Anrê Phú Yên, một thầy giảng trẻ tuổi, vào một thời buổi khó khăn cấm cách, đã anh dũng loan báo Lời Chúa và chấp nhận hy sinh vì Nước Trời. Sau khi xem xét chương trình sinh hoạt, Đức Cha nhắn nhủ các GLV rằng: đừng quên cầu nguyện khi Diễn-Nguyện, biểu diễn phải đi đôi với cầu nguyện, suy gẫm, đặt nặng phần nội tâm. Sau huấn từ của Đức Cha, mọi người cùng cất lên bài hát chủ đề (bài 2): “Đức Tin Hành Động”.

Sau đó, toàn thể anh chị em GLV cùng tiễn chân Đức Cha và quí Cha, vì bận nhiều công việc không thể ở lại, nhưng chiều nay, Đức Cha và quý Cha sẽ trở lại để dâng thánh lễ cho anh chị em GLV.

Trong chương trình ngày họp mặt, các GLV được mời gọi suy gẫm Thư của Thánh Giacôbê tông đồ, cô đọng trong chủ đề: “ĐỨC TIN NỞ TƯƠI TRÊN MÔI MIỆNG”. Buổi sáng, sau khai mạc là phần gợi ý chủ đề do Cha Lộc hướng dẫn. Cha đã trình bày cho GLV về Đức Tin dựa trên thư Thánh Giacôbê, theo 5 câu hỏi gợi ý-chia sẻ. Sau đó, các nhóm chia nhau trao đổi, thảo luận theo các câu hỏi gợi ý. Rồi sau đó, mọi người quy tụ trở lại để đúc kết chung với nhau, qua hình thức diễn nguyện, xen kẽ bởi những lời đúc kết của các nhóm. Trong buổi sáng, có 3 tiết mục diễn nguyện theo chủ đề và buổi chiều có 2 diễn nguyện. Nội dung của diễn nguyện rất phong phú và đã dạng, thể hiện ở mức độ chiều sâu về niềm tin và chứng tá như: kịch thoại, suy niệm cầu nguyện, xoang cồng chiêng,… Các tiết mục khác nhau nhưng mang chung một âm hưởng của đức tin như: “Lời nói san sẻ đức tin”, “Đức tin biết nói lời gieo rắc hy vọng”, “Đức tin biết nói lời chan chứa tình yêu”, “Đức tin cùng với cộng đoàn và Hội Thánh” và “Một đức tin không thu hẹp trong trí óc tâm hồn, không vu vơ trống rỗng, nhưng hãy là con người trọn vẹn, biết hành động”.

Tiếp theo là giờ cầu nguyện chung, những lời cầu nguyện tự phát của các Nhóm trong bầu khí sốt sáng, yên lặng và hướng tâm hồn lên cao. Sau mỗi lời nguyện là điệp khúc được lập đi lập lại, thiết tha, sốt mến: “Xin ban cho con một đức tin chan hoà. Xin ban cho con một đức tin nồng thắm. Xin ban cho con một đức tin dẫu bằng hạt cải. Xin ban cho con một đức tin chuyển núi dời non”.

11 giờ 30, các GLV cùng nhau thưởng thức bữa cơm thanh đạm, chan hoà tình thân ái, do cha sở Tân Hương thiết đãi và có các chị em phụ trách dọn sẵn làm ấm lòng mọi người.

Vào đầu giờ chiều, Sr. Linh (Dak Pơsi) đến chia sẻ cho anh chị em GLV về đề tài: “phác họa một vài phương pháp áp dụng cụ thể theo tinh thần của thánh Giacôbê”. Các GLV tiếp tục suy niệm, chia sẻ và diễn nguyện.

Đúng 15 giờ 00, các GLV quy tụ vào Nhà thờ, cùng đón đoàn rước do Đức Giám Mục chủ sự và quý linh mục hiệp dâng thánh lễ tạ ơn, kính Chân phước Anrê Phú Yên. Vào đầu Thánh lễ, Đức Giám Mục mời gọi các GLV cùng nhau tạ ơn Chúa qua một ngày gặp gỡ, sinh hoạt và cùng hiệp ý cầu cho Cha cố Giuse Nguyễn Thanh Liên, Tổng đại Diện được sớm hưởng nhan thánh Chúa. Trong bài gỉảng, Đức Cha kể lại những điểm nhấn trong cuộc đời của người GLV trẻ tuổi Anrê Phú Yên, tử đạo lúc 19 tuổi, mới có 5 năm theo đạo Chúa, trong một hoàn cảnh xã hội cấm cách đạo Chúa Kitô, nhưng Ngài đã can trường làm chứng bằng lời nói, nhất là bằng việc làm cho đến chết. Qua những chứng tá trong đời sống đức tin, Đức Cha nhắn gửi các GLV: “Đời Kitô hữu phải biết ‘quì xuống’, biết ‘đứng lên’ và ‘ra đi’, nghĩa là phải biết đến quỳ bên Chúa cầu nguyện, sống kết hợp với Chúa, và đứng dậy ra đi loan báo Tin Mừng tình yêu cứu độ cho anh em đồng loại, cho những người nghèo khó.

Thánh lễ thêm phần sốt sắng với phần múa Bộ lễ Bana, do GLV Kon Rơbang hiệp dâng cùng cộng đoàn.

Cuối lễ, một đại diện nói lên tâm tình cám ơn Đức Cha, quý cha, quý Sr. và tất cả mọi người đã cộng tác, chung sức cách này hay cách khác để có một ngày gặp gỡ đầy ắp tình thương, dồi dào nghĩa cử.

Kinh tạ lễ đã kết thúc, nhưng mọi người vẫn đứng yên, dường như chưa muốn rời xa ngay. Có lẽ ai nấy đang chờ đợi giây phút cất lên lời ca: “Gặp nhau đây, rồi chia tay…”  vang lên và rồi tay nắm tay, dần dần ra khỏi Nhà thờ, tạm biệt nhau trong ánh mắt tràn đầy niềm tin và yêu mến. Trên môi mỗi người đã nở tươi nụ cười hy vọng.

 DƯỚI ĐÂY LÀ VÀI HÌNH ẢNH NGÀY SINH SINH HOẠT


                                                                           Qui tụ


                                                      Cùng nhau hát bài hát chủ đề

ĐGM ban huấn từ


                                                                     Gợi ý chủ đề


                                                      Chia sẻ theo nhóm (15 nhóm)


                                                       Diến nguyện theo chủ đề


                                                              Bữa cơm huynh đệ


                                                             ĐGM chia sẻ Lời Chúa


  


                                                      Chụp hình lưu niệm với ĐGM

                                                                                                                                

                                                           L.M.Sơn ghi nhanh tại  Giáo xứ Tân Hương, 30.7.2011

Thứ Năm, 28 tháng 7, 2011

LAS VEGAS: XU SAU CÙNG


Hà Thúc Sinh 
  
“Las Vegas, Đô Thị Ánh Sáng Không Bao Giờ Ngủ! Mở Cửa 24 Giờ Một Ngày, 365 Ngày Một Năm!”
 Kinh đô đổ bác lớn nhất thế giới ấy có thể mánh mung xạo sự chuyện gì chứ riêng chuyện quảng cáo bên trên nó nghiêm chỉnh không ai bằng. Về mặt lịch sử nó đã có đó từ những năm 1700s, nhưng chỉ chính thức trở thành một thành phố vào năm 1905 với dân số 800 người, và mức gia tăng chỉ nhanh chóng khi cuộc đại khủng hoảng kinh tế xảy ra với những sòng bạc đầu tiên được cấp giấy phép vào ngày 19-3-1931. Ngày nay, Las Vegas là một trung tâm du lịch, giải trí, cờ bạc, và kỹ nghệ quốc phòng. Dân số hơn 1 triệu người sống toàn bằng những nghề có liên quan tới việc phục vụ một lượng du khách hàng năm từ khắp năm châu đổ đến lên tới 37 triệu.
 Có năm nó đã lên tới 37 triệu lẻ vài người ấy là khi người viết có bạn bè phương xa ghé đến và sẽ đi làm tour guide cho họ vài ngày. Đến nơi chia cánh ra, ai thích bài bạc cứ việc, còn ai thích đi coi shows, uống vanh Napa, ăn xì tếch kiểu Nữu Ước chính hiệu, và coi người ta... đánh bạc thì tiếp tục đi theo sự chỉ dẫn của tour guide này.
 Vâng, lang thang coi người ta đánh bạc cũng là một cái thú. Chỉ ở sòng bạc, và chỉ với người đứng ngoài quan sát mới thấy ra được điều này: từ một cô thợ móng tay đến một bà chủ xưởng may, từ một ông giáo đến một ông du đãng, từ một cô ca sĩ đến một ông tu sĩ, từ một ông nhà báo đến một bà nhà bếp, vân vân và vân vân, sẽ từ từ lộ ra hết bản chân diện mục: rộng rãi, ti tiểu, cao thượng, thấp hèn, thận trọng, hung hăng, xi măng cốt sắt hay bán trời không văn tự. Không có gì có thể che giấu giúp họ được nữa những thứ họ không thật sự sở hữu khi họ đã ngồi vào sòng bạc! Nhưng thú nhất vẫn là được nhìn những bộ mặt của kẻ chuyên nghề tháu cáy, thứ bộ mặt dù mang màu da nào cũng đều giống nhau ở một điểm: họ nhìn mà làm như không thấy. Họ ngó mà thực thì chả ngó ai. Mặt cứ giả bộ thộn ra như kẻ lấy ráy tai.
Xem một lát rồi mình cười chơi một phát, rồi mình lại đi ăn, đi uống, đi coi shows. Bạn hỏi lý do tại sao đi Las Vegas mà không đánh bài thì cứ thật thà trả lời vì không biết đánh. Còn giật máy thì đã lỡ có thiên kiến mất rồi. Dù sao một trong những bài toán thống kê đầu tiên về phép xác xuất là bài “Ném Đồng Cắc” có phần liên hệ đến vụ giật máy rất khó quên. Cứ mỗi lần đến Las Vegas nó lại lồm cồm thức dậy  trong trí nhớ. Nó chứng minh giật máy giống như mình ném lên đồng bạc cắc, mới đầu có sấp có ngửa, ném mãi chỉ còn một mặt; cũng thế, giật mãi, cái câu ca dao của ta “cờ bạc canh đỏ canh đen; nào ai có dại đem tiền vứt đi” sẽ đến lúc tự chứng tỏ nó sai bét, và kết quả đồng bạc sau cùng trong túi của ta nhất định sẽ vào nằm yên ngủ trong máy của chủ sòng. Cái này được chứng minh bằng toán, mà đi cãi nhau với toán thì hơi... kỳ. Không nên.
 *
Vả lại nói là sòng bạc nhưng không phải cái loại sòng bạc Kim Chung của tướng Bảy Viễn đâu. Nó không phải là nơi để cãi nhau dù là cãi nhau với... bài toán thống kê. Nó là nơi an toàn, cực kỳ vui vẻ cho những tay chơi lương thiện và không vi luật, chẳng hạn gian lận, chụp ảnh, để con cái dưới 18 tuổi đụng vào những chỗ đã bị cấm đụng như máy giật vân vân đều rắc rối pháp lý hoặc bị đuổi khỏi sòng. Về cơ sở thì sòng nào cũng nguy nga, tráng lệ. Thật khó mà nói ở Las Vegas sòng nào hơn sòng nào về mặt tiện nghi và các phương tiện giúp cho con người vui chơi những ngày nghỉ dài trong năm, hoặc sau một thời gian làm việc quá căng, đi giải trí đôi ba ngày cho nó nhẹ mình. Nhưng cho dù ta vốn là người bị dị ứng nặng với hai trường hợp mất tiền “oan,” một là vì lơ đãng bị cảnh sát nó nhét vào tay một tờ giấy phạt đau đớn, và hai là tự nhiên tạt ngang để thua một mớ tiền lãng xẹt cho cái máy chết tiệt, ta cũng không nên quên rằng lòng tham con người (vốn tưởng là lạ mặt với ta) cũng giống như một món ăn ta vốn tưởng là ta không thích. Mà món ăn thì, như một câu tục ngữ Pháp nói, “Sự ngon miệng sẽ đến trong khi ta ăn,” cũng thế, lòng tham sẽ đến khi ta bắt đầu... thắng. Đang nhâm nhi ly cổ-nhắc, tơ lơ mơ ngồi xem anh bạn thân giật máy, đùng một cái anh đứng lên, để lại một đống tiền, bảo: “Ê, giật cho đỡ buồn tay bạn hiền, đi toa-lét cái đã.” Mươi phút, có thể nửa tiếng sau không chừng, bạn mới trở lại. Thấy hết tiền bạn vô tư kéo mình sang trò chơi khác. Bạn nào biết “một tiền bạn thêm vạn tiền mình” đã chui vào nằm trong cái hòm sắt ấy một cách... chẳng dại nào giống cái dại nào!
 Chuyện đời khôn dại là chuyện khó luận, nhưng khi dẫn bạn sang chơi Las Vegas, người viết cũng hay được hỏi ý kiến, thí dụ: bước vào thế giới không bao giờ ngủ ấy ta cần... cảnh giác gì chăng? Thường câu hỏi đại loại bạn hiền chỉ được trả lời một cách gián tiếp: sòng đầu tiên được dẫn đến là sòng Caesar Palace. Mặt tiền nó tráng lệ lắm. Một tượng Julius Caesar hùng tráng như lúc ông còn là tướng trận tiền bên Gaul, quyết vượt sông Rubicon về lại Ý để làm lịch sử chứ không phải nhão ra như sợi bún lúc chui ra khỏi giường loan của Cleopatra sau này. Nhưng đó, bạn hiền có thấy gì đặc biệt ở tượng Caesar không? Không? Xin bạn nhìn kỹ lần nữa đi trước khi trả lời. Vẫn không? Thôi được, thế bạn có thấy Caesar mặt khó đăm đăm, một cánh tay cương quyết giơ thẳng ra phía trước không? Thấy! Thế có nghĩa là gì? Chắc là chào khách theo kiểu... Quốc Xã! Ồ không, Caesar sinh ra chẳng muốn chào ai mà chỉ muốn người ta chào mình thôi, thế nên sau này mới chết thảm về tay bọn Brutus đấy bạn. Việc Caesar chỉ tay ra đường nơi sòng bạc thật rất giản dị và dễ hiểu. Ông ấy đang quát: “Ê, mấy tên đã cháy túi kia, cút ra ngay!”.
Vâng, bài học cảnh giác vỡ lòng ở Las Vegas, có thể như thế, là đừng để cháy túi và nếu lỡ cháy túi rồi thì cút thôi. Caesar có vẻ sỗ sàng, anh chị, nhưng nghĩ cho cùng trong lão có thể còn sót tí chữ nhân. Để cho cánh cháy túi chàng ràng ở đó thêm một lát, rồi ngứa ngáy, rồi moi thẻ nhựa ra là coi như rồi đời (vợ) chồng con (Thống kê cho biết hiện nay cánh chị em chiếm 67% quân số trong lực lượng liên minh nam nữ thường xuyên tham chiến trên lãnh thổ Las Vegas!)
 Một huyền thoại đáng nghe về Las Vegas.
Lẽ tất nhiên giữa các bố già Las Vegas và các tay chơi có khác biệt gì chăng nữa nhưng sau cùng họ vẫn có một nhận thức giống nhau, dù một bên sớm một bên muộn, rằng thì là: đến Las Vegas để bỏ tiền lại chứ không phải để đem tiền đi. Vì nếu khách đến đó để đem tiền đi thì thật giản dị đã không còn Las Vegas. Và hơn thế, nó không thể nào trở thành một kỹ nghệ thu vào 40 tỷ USD mỗi năm với đủ món ăn chơi  mà chỉ riêng cờ bạc các bố già đã bỏ túi số tiền lên tới hơn 7.5 tỷ USD. Con số chính xác theo thống kê năm 2000 là 7.673.134.268 USD (*). Và nếu sòng bạc không là cái máy hút tiền của đám tín đồ thần đổ bác, nước Mỹ không có hiện trạng này: ngày nay đã có 48 trên 50 tiểu bang hợp pháp hoá việc cờ bạc. Trừ Hawaii và Utah.
 Sau này, trong thập niên 90 cũng có vài thiên tài điện toán, những kẻ muốn làm ngược lại định luật bên trên là... không chịu bỏ tiền lại nhưng nhất định đem tiền đi. Cánh này, do đó, đã dùng một loại remote control đặc biệt chỉnh được hệ thống máy giật và kéo thắng cả triệu đô, nhưng sau khi thắng lớn, có lẽ anh linh tổ tiên hiện về khuyên bảo, họ tự nguyện xin vào gặp các bố già thú thật “chúng em chơi dại, dè đâu chuông nó báo, tiền nó chảy, chúng em dập đầu xin lỗi, xin các đàn anh ban phép cho chúng em được an toàn ra khỏi Las Vegas về với vợ con, và xin thề hứa không bao giờ dám trở lại đất này nghịch ngợm làm phiền lòng các đàn anh nữa.” Đại khái thế.
 Nhưng trong lịch sử Las Vegas từng có một kẻ lấy được tiền của các bố già và ra khỏi Las Vegas hiên ngang, an toàn, dù sau đó anh ta có còn hiện diện trên mặt đất nữa không thì không ai biết. Chuyện thế này:
 Một khách trung niên ăn mặc sang trọng nhưng trông mệt mỏi. Lý do anh đã trải qua nhiều đêm thức với sòng tài xỉu tuy không hề đặt tiền. Những tay chơi dần dần quen mặt anh. Cứ mỗi lần mấy con súc sắc được ném anh đều theo dõi gần như nín thở, và nét mặt thay đổi sự vui buồn rõ đến nỗi những người chung quanh bắt đầu phải ngạc nhiên, lưu ý. Một nửa khuya, khi mấy con súc sắc được ném ra, tự dưng anh hét lên: “Trời ơi!” Khách chơi không hiểu chuyện gì, hỏi han, thì anh ôm đầu buồn khổ nói: “Tôi căn mấy ngày nay, đoán biết chắc đến 95% là lần ném vừa rồi phải là lẻ, nhưng 5% còn lại không chiều tôi, nó ra chẵn, và ôi thôi, thế là toi 100 ngàn!” Ai cũng ngạc nhiên vì có thấy anh đặt tiền đâu. Nhưng anh đã rút tập chi phiếu ra, ký trả số tiền đúng 100 ngàn và đưa cho người điều khiển sòng bạc. Anh nói: “Vì danh dự của tôi, xin anh nhận chi phiếu này.” Ai cũng cho là anh ta không điên cũng không bình thường. Nhưng anh vẫn một mực đòi trả vì “Xin đừng để tôi sống như một kẻ tự làm mất danh dự.” Lịch sử  Las Vegas làm gì đã có trường hợp tương tự! Người điều khiển tất nhiên phải thỉnh sếp đến, và qua hai ba cấp sếp không giải quyết được, sau cùng bố già xuất hiện. Bố già nghĩ bụng, “Mẹ cha thằng điên này muốn trả thì ông cho trả!” Rỗi lão vui vẻ bảo bộ hạ xem xét tình trạng tấm chi phiếu thế nào, kế tuyên bố: “Vì danh dự của ông, sòng chúng tôi chấp nhận món tiền này!” Nói xong bố già lạnh lùng quay gót, và anh ta cũng buồn buồn lui bước. Hai ngày kế khách chơi chỉ thấy “thằng điên” ngồi uống rượu li bì. Cho đến một chiều kia, đúng 6 giờ, anh ta lại ghé ngồi vào sòng và lặng lẽ nhập trận trở lại.
 Vào đúng nửa khuya, khi mấy con súc sắc vừa ném ra và đã nằm yên, khách chơi một lần nữa muốn vỡ tai vì một tiếng thét xem ra còn kinh hơn tiếng thét lần trước: “T... r... ời... ơ.... ơ....i....!” Thật là một tiếng thét đứt ruột. Tất cả bàng hoàng chưa kịp có phản ứng thì anh ta đã nhảy dựng lên, reo tiếp: “Thắng rồi, thắng một triệu rồi!”
 Từ đó, nghe nói suốt một thời gian dài các sòng bạc đều có treo những tấm biển nhỏ đề hàng chữ mạ vàng: “No Mind Gambling!” Cấm đánh bạc tưởng.
 *
 Nhưng dân nước nào đánh bạc kinh nhất? Mỹ điển hình qua Las Vegas? Thưa không, cứ tính theo tỉ lệ dân số thì chức vô địch phải dành cho Úc. Dân số Úc có 19 triệu người, tức chỉ quãng 2/3 so với dân số tiểu bang California hoặc quốc gia Canada, nhưng tỷ lệ đánh bạc thì cả nước Mỹ cũng thua. Theo thống kê, người Mỹ trung bình chỉ có quãng 50% đánh bạc 1 năm 1 lần. Trong khi đó, theo tài liệu chính thức của thủ đô Canberra đưa ra, 80% người Úc (trong có vô số Mít ta) đánh bạc ít nhất 1 năm 1 lần, 40% 1 tuần 1 lần. Úc chiếm 1/5 tổng số máy đánh xì phé của cả thế giới. Trời ơi, quốc gia gì mà tuần nào cũng có gần một nửa nước lũ lượt kéo nhau đi đánh bạc!
 Chỉ riêng điều này chẳng biết Úc có hơn Mỹ không, nói rõ hơn là có hơn Las Vegas không, đó là lòng yêu của các bố già bày tỏ với những con mòng của họ. Vâng, cuộc vui nào cũng chóng tàn, dù bài bạc hay không bài bạc, tất cả cũng đến lúc lên máy bay rời Las Vegas để trở về với đời sống cày cuốc. Lúc ngồi đợi máy bay ở phi trường, bạn còn váng vất trong cơn mê giật? Đừng lo, sẽ có cơ hội sau cùng cho bạn giật. Vâng, máy giật ở phi trường Las Vagas có cả trong... phòng vệ sinh. Ở đây không có máy giật lớn, nhỏ thôi. Của đáng tội các bố già biết cả, túi còn nặng đâu nữa mà to với không to. Thường máy giật ở đây lớn nhất là 25 xu và nhỏ nhất là... 1 xu. Thế đấy, các bố già luôn luôn theo bạn bén gót và sẽ bày tỏ lòng ưu ái cái túi của bạn đến phút chia tay cuối cùng.
 *
 Las Vegas, chữ Tây Ban Nha có nghĩa là những cánh đồng cỏ. Và khi “nhẹ huẫng” ngồi trên máy bay bay về tổ ấm, nhìn xuống lúc đó người ta mới bừng tỉnh, chẳng thấy đâu những cánh đồng cỏ xanh rờn hứa hẹn, chỉ thấy toàn thể là một vùng sa mạc hoang vu, có sức nóng mùa hè giống một thứ hoả ngục nung nấu mà trong lịch sử hơn một lần nhiệt độ đã lên tới 117 độ Fahrenheit = 47.2222222 độ Celsius như vào ngày 19-7-2005 chẳng hạn.
 Bạn sẽ đi Las Vegas vào mùa hè năm nay? Không chúc bạn may mắn mà chỉ xin nhắc bạn, đặc biệt quý bà quý cô, nếu có máu mê, làm ơn mặc giùm nhiều nhiều quần áo ª
 --
(*) 2000 là năm cao điểm. Những năm gần đây, vì ảnh hưởng khủng hoảng kinh tế toàn cầu, những lợi tức trên bị tụt dốc và Las Vegas đã phải khép mình đứng sau Macao.

 (Nguồn: TTVHQN)

NGUYÊN TẮC CÚNG, KHẤN, VÁI, VÀ LẠY


I.          Nghi thức cúng Gia-Tiên
Khi cúng thì chủ gia đình phải bầy đồ lễ cùng với hoa quả theo nguyên-tắc “đông bình tây quả,” rượu, và nước. Sau đó, phải đốt đèn (đèn dầu, đèn cầy, hay đèn điện), thắp nhang, đánh chuông, khấn, và cúng trước rồi những người trong gia đình theo thứ tự trên dưới cúng sau.
Nhang (hương) đèn để mời và chuông để thỉnh tổ tiên. Khi cúng thì phải chắp tay đưa lên ngang trán khấn. Khấn là lời trình với tổ tiên về ngày cúng liên quan đến tên người quá cố, ngày tháng năm ta và tây, tên địa phương mình ở, tên mình và tên những người trong gia đình, lý do cúng và lời cầu nguyên, v.v.. Riêng tên người quá cố ta phải khấn rõ nhỏ. Sau khi khấn rồi, tuỳ theo địa vị của người cúng và người quá cố mà vái hay lạy. Nếu bố cúng con thì chỉ vái bốn vái mà thôi. Nếu con cháu cúng tổ tiên thì phải lạy bốn lạy. Chúng ta cần hiểu cho rõ về ý nghĩa của Cúng, Khấn, Vái, và Lạy.
II. Định nghĩa của Cúng, Khấn, Vái, và Lạy
a.      Cúng
Khi có giỗ Tết, gia-chủ bày hoa (bông) quả, nước, rượu, cỗ-bàn, chén bát, đũa, muỗng (thìa) lên bàn thờ rồi thắp nhang (hương), thắp đèn, đốt nến (đèn cầy), khấn, vái, hay lạy để tỏ lòng hiếu-kính, biết ơn, và cầu phước-lành. Đây là nghĩa rộng của cúng. Trong nghĩa bình-thường, cúng là thắp nhang (hương), khấn, lạy,và vái.
b.      Khấn
Khấn là lời cầu-khẩn lầm-rầm trong miệng khi cúng, tức là lời nói nhỏ liên-quan đến các chi-tiết về ngày tháng năm, nơi-chốn, mục-đích buổi cúng lễ, cúng ai, tên những người trong gia đình, lời cầu xin, và lời hứa.
Sau khi khấn, người ta thường vái vì vái được coi là lời chào kính-cẩn. Người ta thường nói khấn vái là vậy. Trong truyện Kiều, Nguyễn Du dùng từ khấn vái trong câu “Lầm rầm khấn vái nhỏ to,/ Sụp ngồi đặt cỏ trước mồ bước ra.” (câu 95-96)
c.       Vái
Vái thường được áp-dụng ở thế đứng, nhất là trong dịp lễ ở ngoài trời. Vái thay thế cho lạy ở trong trường hợp này. Vái là chắp hai bàn tay lại để trước ngực rồi đưa lên ngang đầu, hơi cúi đầu và khom lưng xuống rồi sau đó ngẩng lên, đưa hai bàn tay xuống lên theo nhịp lúc cúi xuống khi ngẩng lên. Tùy theo từng trường-hợp, người ta vái 2,3,4, hay 5 vái (xem phần sau).
d.      Lạy
Lạy là hành-động bày tỏ lòng tôn-kính chân-thành với tất-cả tâm-hồn và thể-xác đối với người trên hay người quá-cố vào bậc trên của mình. Có hai thế lạy: thế lạy của đàn ông và thế lạy của đàn bà. Có bốn trường hợp lạy: 2 lạy, 3 lạy, 4 lạy, và 5 lạy. Mỗi trường hợp đều có mang ý-nghĩa khác nhau.
* Thế lạy của đàn ông
Thế lạy của đàn ông là cách đứng thẳng theo thế nghiêm, chắp hai tay trước ngực và dơ cao lên ngang trán, cúi mình xuống, đưa hai bàn tay đang chắp xuống gần tới mặt chiếu hay mặt đất thì xòe hai bàn tay ra đặt nằm úp xuống, đồng thời quì gối bên trái rồi gối bên phải xuống đất, và cúi rạp đầu xuống gần hai bàn tay theo thế phủ- phục. Sau đó cất người lên bằng cách đưa hai bàn tay chắp lại để lên đầu gối trái lúc bấy giờ đã co lên và đưa về phía trước ngang với đầu gối chân phải đang quì để lấy đà đứng dậy, chân phải đang quì cũng theo đà đứng lên để cùng với chân trái đứng ở thế nghiêm như lúc đầu. Cứ theo thế đó mà lạy tiếp cho đủ số lạy (xem phần Ý-Nghĩa của Lạy dưới đây). Khi lạy xong thì vái ba vái rồi lui ra.
Có thể quì bằng chân phải hay chân trái trước cũng được, tùy theo thuận chân nào thì quì chân ấy trước. Có điều cần nhớ là khi quì chân nào xuống trước thì khi chuẩn-bị cho thế đứng dậy phải đưa chân đó về phía trước nửa bước và tì hai bàn tay đã chắp lại lên đầu gối chân đó để lấy thế đứng lên. Thế lạy theo kiểu này rất khoa-học và vững-vàng. Sở-dĩ phải quì chân trái xuống trước vì thường chân phải vững hơn nên dùng để giữ thế thăng-bằng cho khỏi ngã. Khi chuẩn-bị đứng lên cũng vậy. Sở-dĩ chân trái co lên đưa về phía trước được vững-vàng là nhờ chân phải có thế vững hơn để làm chuẩn.
Thế lạy phủ-phục của mấy nhà sư rất khó. Các Thầy phất tay áo cà sa, đưa hai tay chống xuống ngay mặt đất và đồng-thời quì hai đầu gối xuống luôn. Khi đứng dậy các Thầy đẩy hai bàn tay lấy thế đứng hẳn lên mà không cần phải để tay tỳ lên đầu gối. Sở dĩ được như thế là nhờ các Thầy đã tập-luyện hằng-ngày mỗi khi cúng Phật. Nếu thỉnh-thoảng quí cụ mới đi lễ chùa, phải cẩn-thận vì không lạy quen mà lại bắt chước thế lạy của mấy Thầy thì rất có thể mất thăng-bằng.
* Thế lạy của đàn bà
Thế lạy của các bà là cách ngồi trệt xuống đất để hai cẳng chân vắt chéo về phía trái, bàn chân phải ngửa lên để ở phía dưới đùi chân trái. Nếu mặc áo dài thì kéo tà áo trước trải ngay ngắn về phía trước và kéo vạt áo sau về phía sau để che mông cho đẹp mắt. Sau đó, chắp hai bàn tay lại để ở trước ngực rồi đưa cao lên ngang với tầm trán, giữ tay ở thế chắp đó mà cúi đầu xuống. Khi đầu gần chạm mặt đất thì đưa hai bàn tay đang chắp đặt nằm úp xuống đất và để đầu lên hai bàn tay. Giữ ở thế đó độ một hai giây, rồi dùng hai bàn tay đẩy để lấy thế ngồi thẳng lên đồng-thời chắp hai bàn tay lại đưa lên ngang trán như lần đầu. Cứ theo thế đó mà lạy tiếp cho đủ số lạy cần thiết (xem phần Ý Nghĩa của Lạy dưới đây). Lạy xong thì đứng lên và vái ba vái rồi lui ra là hoàn tất thế lạy.
 Cũng có một số bà lại áp dụng thế lạy theo cách quì hai đầu gối xuống chiếu, để mông lên hai gót chân, hai tay chắp lại đưa cao lên đầu rồi giữ hai tay ở thế chắp đó mà cúi mình xuống, khi đầu gần chạm mặt chiếu thì xòe hai bàn tay ra úp xuống chiếu rồi để đầu lên hai bàn tay. Cứ tiếp tục lạy theo cách đã trình bày trên. Thế lạy này có thể làm đau ngón chân và đầu gối mà còn không mấy đẹp mắt.
Thế lạy của đàn ông có vẻ hùng-dũng, tượng trưng cho dương. Thế lạy của các bà có tính cách uyển-chuyển tha-thướt, tượng-trưng cho âm. Thế lạy của đàn ông có điều bất-tiện là khi mặc âu-phục thì rất khó lạy. Hiện nay chỉ có mấy vị cao-niên còn áp-dụng thế lạy của đàn ông, nhất là trong dịp lễ Quốc-Tổ. Còn phần đông, người ta có thói quen chỉ đứng vái mà thôi.
Thế lạy của đàn ông và đàn bà là truyền-thống rất có ý-nghĩa của người Việt ta. Nó vừa thành-khẩn vừa trang-nghiêm trong lúc cúng tổ-tiên. Nếu muốn giữ phong-tục tốt đẹp này, các bạn nam nữ thanh-niên phải có lòng tự-nguyện. Muốn áp-dụng thế lạy, nhất là thế lạy của đàn ông, ta phải tập-dượt lâu mới nhuần-nhuyễn được. Nếu đã muốn thì mọi việc sẽ thành.
III . Ý nghĩa của Lạy và Vái
Số lần lạy và vái đều mang một ý-nghĩa rất đặc-biệt. Sau đây chúng tôi xin trình-bày về ý-nghĩa của vái và lạy. Đây là phong-tục đặc-biệt của Việt Nam ta mà người Tàu không có tục-lệ này. Khi cúng, người Tàu chỉ lạy 3 lạy hay vái 3 vái mà thôi.
Ý nghĩa của 2 Lạy và 2 Vái
Hai lạy dùng để áp-dụng cho người sống như trong trường-hợp cô dâu chú rể lạy cha mẹ. Khi đi phúng-điếu, nếu là vai dưới của người quá-cố như em, con cháu, và những người vào hàng con em, v.v., ta nên lạy 2 lạy.
Nếu vái sau khi đã lạy, người ta thường vái ba vái. Ý-nghĩa của ba vái này, như đã nói ở trên là lời chào kính-cẩn, chứ không có ý-nghĩa nào khác. Nhưng trong trường- hợp người quá-cố còn để trong quan-tài tại nhà quàn, người đến phúng- điếu, nếu là vai trên của người quá-cố như các bậc cao-niên, hay những người vào hàng cha, anh, chị, chú, bác, cô, dì, v. v., của người quá-cố, thì chỉ đứng để vái hai vái mà thôi. Khi quan-tài đã được hạ-huyệt, tức là sau khi chôn rồi, người ta vái người quá cố 4 vái.
Theo nguyên lý âm-dương, khi chưa chôn, người quá-cố được coi như còn sống nên ta lạy 2 lạy. Hai lạy này tượng-trưng cho âm dương nhị khí hòa-hợp trên dương-thế, tức là sự sống. Sau khi người quá cố được chôn rồi, phải lạy 4 lạy.
Ý nghĩa của 3 Lạy và 3 Vái
Khi đi lễ Phật, ta lạy 3 lạy. Ba lạy tượng-trưng cho Phật, Pháp, và Tăng. Phật ở đây là giác, tức là giác-ngộ, sáng-suốt, và thông hiểu mọi lẽ. Pháp là chánh, tức là điều chánh-đáng, trái với tà ngụy. Tăng là tịnh, tức là trong-sạch, thanh-tịnh, không bợn-nhơ. Đây là nói về nguyên-tắc phải theo. Tuy-nhiên, còn tùy mỗi chùa, mỗi nơi, và thói quen, người ta lễ Phật có khi 4 hay 5 lạy.
Trong trường-hợp cúng Phật, khi ta mặc đồ Âu-phục, nếu cảm thấy khó-khăn trong khi lạy, ta đứng nghiêm và vái ba vái trước bàn thờ Phật.
Ý nghĩa của 4 Lạy và 4 Vái
Bốn lạy để cúng người quá-cố như ông bà, cha mẹ, và thánh-thần. Bốn lạy tượng trưng cho tứ-thân phụ-mẫu, bốn phương (đông: thuộc dương, tây: thuộc âm, nam: thuộc dương, và bắc: thuộc âm), và tứ-tượng (Thái Dương,Thiếu Dương, Thái Âm, Thiếu Âm). Nói chung, bốn lạy bao-gồm cả cõi âm lẫn cõi dương mà hồn ở trên trời và phách hay vía ở dưới đất nương vào đó để làm chỗ trú-ngụ.
Bốn vái dùng để cúng người quá-cố như ông bà, cha mẹ, và thánh thần, khi không thể áp-dụng thế lạy.

(Nguồn: TTVHQN)