Tôi chịu ơn sách vở thật nhiều, nhờ sách vở mà đời sống tôi thành ra súc tích, khác hơn cuộc đời cơm áo............Những cơn bão của đời là để chứng nghiệm sức mạnh của chiếc neo của ta............Hãy cẩn thận lưỡi, vì đó là một chỗ ướt dễ trượt............Tình bạn là một thứ tình cảm êm dịu, đủ sức tô bồi cho đời người được sung sướng và có đạo đức............Kỹ nghệ giải trí ngày nay chú trọng vào ô nhiễm của các dòng sông nhiều hơn là ô nhiễm chính nó đưa vào tư duy của con người............Nếu bạn muốn cảm thấy giàu có, hãy đếm tất cả những gì bạn có mà tiền bạc không mua được............

Chủ Nhật, 26 tháng 6, 2011

PHỤ NỮ VIỆT NAM - VỚI CÂU ĐỐI TRONG ĐỜI



 
Lê Xuân Quang
 
Trong lịch sử văn chương nước nhà không thiếu những nam nhân ra đề, đối lại, tạo ra biết bao nhiêu câu đối, thơ đối lừng danh, được dân gian thuộc lòng truyền tụng rồi ghi vào sử sách.
Thế nhưng giới “hồng quần” tham gia trò chơi chữ này lại quá ít. Nếu lục lại trong thư cảo của giai đoạn trung cận đại, chúng ta chỉ tìm được 2 nữ sĩ Đoàn Thị Điểm và Hồ Xuân Hương, có những câu đối, thơ đối khiến đấng mày râu đương thời và hậu thế - hôm nay phải khâm phục.
Trước tiên hãy kể về Đoàn Thị Điểm.
Theo từ điển Wikipedia: Bà Đoàn có biệt hiệu Hồng Hà Nữ Sĩ, người xã Giai Phạm, huyện Văn giang, tỉnh Bắc Ninh. Sinh dưới triều Lê (1705) cùng thời với cống Quỳnh và Đặng Trần Côn.
Đoàn Thị Điểm tư chất thông minh, học một biết mười, nổi tiếng văn chương ngay từ khi còn nhỏ. Mới lên sáu, đã học sách Hán cao tổ. Anh ruột là Đoàn Doãn Luân ra một câu đối để thử sức học của em:
Bạch xà đương đạo, Quý bạt kiếm nhi trảm chi.
Rắn trắng chặn đường, ông Quý (tên tục vua Hán cao tổ) tuốt gươm mà chém nó. (1)
Cô em đối ngay:
Hoàng long phụ chu, Vũ ngưỡng thiên nhi thán viết
Rồng vàng đội thuyền, vua Vũ trông trời mà than rằng...
Năm 15 tuổi, một buổi tối, ông Luân xuống ao rửa chân, thấy em đương soi gương bên cửa sổ, tức cảnh ông đọc vế ra:
Đối kính hoạ my, nhất điểm phiên thành lưỡng điểm.
Soi gương kẻ lông mày, một chấm (điểm) hóa ra hai chấm.
Điểm là chấm, là nét vẽ, lại là tên em gái, câu nói của ông anh, có nghĩa: Soi gương vẽ mi - một nàng Điểm thành hai nàng Điểm.
Bà ứng khẩu đối ngay:
Lâm trì ngoạn nguyệt, chích luân chuyển tác song luân
Tới ao ngắm trăng, một vầng trăng hóa hai vầng trăng.
Luân là ví mặt trăng tròn vành vạnh, lại là tên anh trai. Trăng sáng in hình xuống ao. Anh trai (Đoàn Luân) dưới ánh sáng của trăng, in xuống nước cũng thành hai ông Luân – (một trên bờ, một dưới nước).
Bấy giờ ở kinh đô có bốn danh sĩ thường được tôn là Tràng an tứ Hổ:
– Nguyễn Duy Kỳ, người Thuỷ nguyên, Kiến an;
– Trần Danh Tân, người Cổ am, huyện Vĩnh bảo, Hải dương;
– Nguyễn Bá Lân, người Cổ đô
– Vũ Toại, người Thiên lộc
Nghe danh nữ sĩ, bốn người rủ nhau tới nhà bà để so tài. Biết đây là những người háo danh, bà suy nghỉ chín chắn rồi ra một câu đối để thử tài “bốn… Hổ”:
Đình tiền thiếu nữ khuyến tân lang
Trước sân, thiếu nữ mời ăn trầu.
Tân lang là biểu tượng trầu cau, cùng âm với tân lang là chàng rể mới.
Bốn “hổ” không đối được đành lẳng lặng “chuồn”!
Theo truyền thuyết: Trạng Quỳnh cùng thời với Đoàn Thị Điểm cũng lừng danh về trí thông minh, tài đối đáp “lỡm” thiên hạ từ bé. Khi cha dẫn đến nhà thầy xin cho vào học – thầy đồ chính là cha Đoàn Thị Điểm. Thầy gọi, Quỳnh vào, xưng tên và nói mình là nho sinh muốn theo học nhưng thiếu người tiến dẫn nên không dám đường đột. Thầy đồ bảo : Anh nhận là nho sinh có lòng hiếu học, nếu quyết muốn học thì ta ra câu đối này, đối được ta sẽ cho nhập môn. Quỳnh xin vâng. Ông đồ đọc :
Thằng quỷ ôm cái đấu đứng cửa khôi nguyên.
Trong tiếng Hán, chữ Quỷ ghép với chữ Đấu, thành chữ Khôi – là khôi nguyên – (trạng nguyên). Quỳnh suy nghĩ rất nhanh rồi đáp liền :
Con mộc tựa cây bàng dòm nhà bảng nhãn.
Tiếng Hán chữ Mộc chắp với chữ Bàng thành chữ Bảng – là bảng nhãn (sau trạng nguyên). Thầy đồ khen ngợi Quỳnh nhận vào học.
Thầy có cô con gái đẹp người, đẹp nết khiến Quỳnh mê tít, chỉ tìm cách xán lại. Cô Điểm đoan trang luôn ngăn cản “ý xấu” của Quỳnh nên thường ngăn chặn Quỳnh bằng những cuộc so tài : Đối đáp. Rất nhiều cuộc thi tài bằng câu đối, Quỳnh thường bị thua. Một ngày từ phòng học Quỳnh nhìn qua cửa sổ sang phòng cô Điểm, thấy nàng vén rèm cửa sổ ngồi trước bàn. Hai cửa sổ trông thẳng sang nhau. Quỳnh mở lời tán xin qua bên ấy chơi. Điểm bảo: Nếu đối được vế này sẽ mở cửa mời qua, Quỳnh nhận lời. Điểm đọc :
Hai người ngồi hai bên cửa sổ song song
Chữ song tiếng Hán là hai, đồng âm với chữ song nghĩa là chấn song cửa sổ. Song song tiếng Hán có nghĩa là 2 cửa sổ lại đồng âm với "song song" là sóng đôi nhau. Quỳnh lại “tịt”.
Nhân một lần Quỳnh ra phố Mía trở về, khoe gặp cô gái tên Mật, ra vẻ ngầm nói: Ta đây không ”thiếu” gái theo... Nàng Điểm hiểu thâm ý của anh chàng, ”nổi tam bành”, đọc ngay vế ra :
Lên phố Mía, gặp cô hàng Mật, cầm tay Kéo lại hỏi thăm Đường..
Kéo lại là hành động khi hỏi ai đó mà họ đang bận không có thời gian tiếp, trả lời. Nhưng kéo cũng có nghĩa là đường của Mía làm thành một loại dân gian gọi là Kẹo kéo (2). Vế ra rất ”ác” , khó cả về từ ngữ và ý nghĩa, bởi vì tất cả những từ liên quan đến Mía đã được người ra vế xử dụng hết: Mía - Mật - Kéo (kẹo) - Đường. Quỳnh nghe xong vã mồ hôi mà vẫn bí… tắc - đành lẳng lặng chuồn ngay.
Một lần khác, thấy Điểm vào buồng tắm, Quỳnh lại chứng nào tật ấy, si tình đến táo tợn: Đòi vào tắm cùng. Nàng Điểm lại cho một bài học khác bằng câu vế thách đối:
Da trắng vỗ bì bạch. (câu này được diễn giải ở nhiều tài liệu, nhiều lần)
Quỳnh lại phải chào thua và…“chạy”!
Một lần giáp Tết, Quỳnh đi tới nhà thầy gặp trời mưa ướt lướt thướt. Điểm đang ngồi gói nem, lấy một đĩa mời Quỳnh ăn. Quỳnh đáp : Chả thích nem, chỉ thích giò thôi !
Câu nói ỡm ờ của tay trai lơ si tình ngầm ý: Tôi chả muốn ăn nem, chỉ muốn “ăn”… giò (đùi) – nghĩa là muốn chiếm lấy thân thể của cô gái! Đến câu này thì Điểm thực sự nổi giận, nàng suy nghĩ giây lát, bảo: Nếu đối được câu này thì muốn “ăn” gì cũng cho, đoạn đọc :
Trời mưa đất THỊT trơn như MỠ,
DÒ, MỌC, NINH, NEM, CHẢ muốn ăn
!
"Dò" (đi lò dò) đồng âm với Giò Lụa, Giò Thủ và… "giò" (đùi).
"Chả" là chẳng, lại cũng có nghĩa là thức ăn từ thịt lợn (chả nem, chả quế). Vế đối có cả "Thịt, Mỡ, Giò, Nem, Ninh, Mọc, Chả", là những món ăn ngon, qúy của bữa tiệc của dân ta, nhất là bốn món: Giò - Nem - Ninh - Mọc đã được tổng kết được đưa vào món bắt buộc của bữa tiệc linh đình (Nem Công - Chả Phượng) của giới giầu sang thời xa xưa….
Còn ở câu vế ra của nữ sĩ, các từ đã bị dùng hết. Ông Trạng tương lai đành phải chào thua và “lủi” nhanh !
Sau nhiều lần thất bại, Quỳnh căm lắm tìm cách “chơi” lại đối thủ.
Nhưng vắt óc mà không ra kế. Tình cờ nhân một tối đi qua phòng “nàng”, thấy cửa không khóa, Quỳnh nghĩ ra một trò tinh quái… hi vọng sẽ làm Nàng xấu hổ – để trả thù…
Đoàn Thị Điểm đi đâu đó trở về, tắt đèn lên giường ngủ. Chợt sửng sốt suýt rú lên vì tay sờ thấy “một vật”… cương cứng, nóng hổi – nghĩ ngay ra đó là của… người và kẻ nằm trên giường kia là ai? Nàng trấn tĩnh lại, lên giọng: Ta biết ngươi. Ta sẽ ra một vế đối, nếu không đối được sẽ mách thầy, đối được thì tha cho.
Quỳnh nhỏm dậy run rẩy xin hứa. Nàng đọc:
Trướng nội vô phong phàm tự lập
Trong phòng không có gió mà cột buồm lại dựng lên!
Sợ hết hồn, cũng may trước “cửa tử”, Quỳnh đối được ngay:
Hưng trung bất vũ thủy trường lưu.
Trong bụng không có mưa mà nước cứ chảy dài.
Sau nhiều lần quan sát, tiếp xúc, nàng Điểm thất vọng về Quỳnh… Nhân một lần thầy sai Điểm mang lễ lên chùa, Quỳnh được thầy cho theo cùng. Khi đi trên đường cái quan, thấy rặng cây xương rồng được người mới trồng nhưng khô héo, rũ gục, Điểm chi đám cây, hướng vào Quỳnh, đọc:
Cây xương rồng, trồng đất rắn, long lại hoàn long
Rồng – chữ Hán là Long.
Long – chữ Nôm nghĩa là lỏng lẻo (hỏng).
Điểm có ý bảo Quỳnh: Tính cách ngươi như vậy thì dù có học hành, có được răn dậy, cuối cùng cũng sẽ không chuyển được, hỏng cứ hoàn hỏng thôi !
Ý nghĩa của vế ra rất xâu xa, Chữ dùng hầu như đã hết, khóa chặt ở hai đầu. Trước sự chê trách của người đẹp, Quỳnh đã xuất thần đọc được vế đối – vẻ cù nhầy:
Quả dưa chuột, tuột thẳng gang, thử chơi thì thử
Thử chữ Hán nghĩa là chuột,
Thử chữ Nôm là thử xem.
Cả 2 chữ : Chuột (Nôm) – Thử (Hán) cũng đã dùng rồi. Câu đối của Quỳnh mang ý nghĩa thách thức : Ừ đấy ! Ta cứ thế mà vẫn chẳng sao đâu. Không tin hãy (thử) chờ xem !
Còn có giai thoại kể rằng khi sứ của phương bắc sang nước ta, Sau khi công việc đã xong họ đi dạo thăm thú kinh đô của nước “Man di”, nghe người dẫn đường nói : Có một tửu điếm rượu ngon, thức nhắm tốt, người chủ là một phụ nữ hay chữ. Sứ giả Bắc phương muốn đến thử tài. Bước vào quán thấy một phụ nữ xinh đẹp (thực ra bà Đoàn được “Cấp trên” bố trí sẵn trong vai chủ quán…). Sứ Tàu vào, bà tiếp khách ân cần niềm nở.
Vốn sẵn tính ngạo mạn, khinh thường dân “ngoại bang”, một “chú Sứ” – áng chừng đầu đàn về văn chương – buông câu miệt thị, thăm dò :
An Nam nhất thốn thổ, bất tri kỷ nhân canh
An Nam một tấc đất, không biết bao nhiêu người cày
Câu đối vế ra mang ý nghĩa tục tĩu, xấc ngạo và chọc ghẹo (3).
Biết đây là những kẻ hợm mình, lại quyết tâm giữ thể diện cho quốc gia như “nhiệm vụ” được giao, bằng tài năng trác tuyệt, Bà Đoàn đối ngay không cần kiêng dè, nể nang:
Bắc quốc chư đại phu, giai nho thử đồ xuất
Nước Bắc (Tàu) các vị đại phu, hết thảy đều do chỗ ấy mà chui ra cả.
Câu đối đáp còn tục hơn câu ra đề – như cái tát vào mặt kẻ phàm phu tục tử vô lễ. Các Đại phu bị nhục nhưng phải tấm tắc khen văn tài của nữ chủ quán.
Bà Đoàn đã dậy cho bọn ngoại bang láo xược bài học lễ độ, lịch sự khiến chúng bị đau đến độ mất mặt mà vẫn phải tâm phục, khẩu phục. Các đấng “Mày - Râu” ngoại bang tưởng rằng đàn bà nước Nam yếu đuối, sẽ xấu hổ khi họ nhắc đến điều mà nữ nhi thường tình chi dám đối đáp trong phòng the với người đàn ông của mình.
Ai ngờ !…
Có thể nói : Hai Người phụ nữ duy nhất trong văn học Việt Nam – giai đoạn Trung cận đại – có những câu đối, thơ đối hay, hàm súc đến tuyệt vời, là : Hồng Hà Nữ Sĩ Đoàn Thị Điểm và Bà chúa thơ Nôm – Hồ Xuân Hương!
Phụ nữ trong giới quan trường giỏi như vậy đã đi một nhẽ. Nhưng phụ nữ Việt cổ trong dân gian cũng đâu có kém ai. Lấy một thí dụ được dân gian truyền tụng :
Một ngày, có hai thầy trò nhà sư – một sư Bác, một chú Tiểu – đi trên đường cái quan qua một làng thôn kia. Họ nhìn thấy một Nữ canh điền (Người thợ cầy) cùng một con trâu… cái – đang cặm cụi làm cái việc nặng nhọc (cầy ruộng) mà địa phương khác chỉ dành cho đàn ông (4). Vốn gốc là nho sinh, vẫn còn nặng lòng trần tục nên chỉ có ý khoe tài văn chương chứ không có ý miệt thị người phụ nữ nông dân, Sư Bác tức cảnh đọc:
Nhất ngưu, nhất thửa, nhất canh điền.
Chú tiểu cũng biết chữ, lại mới vừa vào chùa làm Tiểu tăng, vẫn còn đang vương vất mùi trần tục nên vui vẻ, hăng hái nối:
Nhất lôn hướng hậu, nhất lôn tiền.
Dịch nghĩa :
Một con trâu, một mảnh ruộng, một người thợ cầy
Một l… hướng về phía sau, một l… lại hướng về phía trước.
Chị Canh điền đang mồ hôi nhễ nhãi, mồm đang “Vắt” … “Đi” – dục trâu. Thấy hai vị “con Phật” có thái độ khoe khoang văn tài. Vốn là con gái một thầy đồ, cha chết, gia cảnh bần hàn nghe họ trêu trọc, chị vội “họ” trâu lại, ngẩng lên, lau mồ hôi trán, nhìn chăm chăm…
Sư Bác và chú Tiểu chột dạ sợ chị nông dân nổi sùng.
Nhưng không – nữ canh điền cất giọng từ tốn đọc vế đối của mình :
Nhất Sư, nhất Tiểu, nhất Chùa chiền
Rồi, ngừng lại giây lát…
Hai thầy trò nhà sư trố mắt nhìn, giỏng tai, chờ đợi - nghe…
Đột nhiên câu thứ hai của vế đối vút lên, vỡ oà ra ;
Lưỡng đầu chỉ Địa, lưỡng đầu Thiên !
Hai thầy trò tái mặt vội cúi gằm, bước nhanh như chạy, trong khi Nữ Canh Điền kia cười phá lên. Tiếng cười của chị mới sảng khoái làm sao !…

 Chú thích:
(1) – Theo sách Đông Chu Liệt Quốc : Hán Cao Tổ – Lưu Bang trước khi khởi binh đánh Tần Thủy Hoàng – làm chức Đình Trưởng. Một tối ông uống rượu với các bạn, nửa đêm vùng dậy đòi đi về nhà. Bạn bè khuyên không nên về vào giờ này vì phải qua con mà đường theo dư luận : Ở đấy thường có con rắn trắng thành tinh xuất hiện, gặp người là ăn thịt. Đang say rượu, Lưu Bang không nghe, cứ quyết đi. Đến giữa đường quả nhiên con rắn trắng nằm chắn lối, Lưu Bang vung gươm chém chết rắn trắng trở về nhà bình an trước sự thán phục của nhân dân trong vùng. Họ cho rằng đó là người của trời sai xuống trừ ác.
Khi Lưu Bang hiệu triệu đánh Tần Thủy Hoàng, dân chúng rủ nhau đi theo rất đông. Lưu Bang khởi nghiệp, tiêu diệt nhà Tần tiếp theo diệt “Đồng minh” Hạng Võ, lên ngôi Hán Cao Tổ… lập ra nhà Hán sau này.
(2) – Kẹo Kéo là thứ kẹo được làm từ mật mía. Kẹo nguyên dạng mầu trắng sữa, làm thành một cục rất dẻo, dai. Muốn lấy kẹo, người bán phải véo vào cục đường kéo dài ra rồi dùng kéo cắt. Tất cả trẻ em ở làng quê đều thích ăn kẹo kéo. Cứ nghe thấy người bán kẹo rao : Kẹo kéo vừa dẻo vừa dai… đây ! là bọn trẻ túa ra mua ăn…
(3) – Nhà thơ Xuân Sách đã vận dụng tích này viết về một tác gỉa – nhà Văn, trong thơ Chân dung nhà văn – của ông : Đất làng vừa một tấc/ Bao nhiêu người đến cầy/ Thóc giống còn mấy hạt/ Đợi mùa sau hẵng hay.
(4) – Tôi đã sống ở làng Đình Bảng, huyện Từ Sơn nhiều năm và công nhận hiện tượng này là có thật. Phụ nữ Đình Bảng rất đảm đang. Công việc ruộng đồng, buôn bán, làm giầu – chủ yếu do họ đảm nhiệm. các “Đức ông… chồng” thường là ở trong nhà có khi “trông con, đuổi gà” cho… vợ. Tuy vậy phụ nữ Đình Bảng cũng vẫn bị các Huyện khác của Bắc Ninh liệt vào hàng 1 trong tứ Bất, được dân đất Kinh Bắc tổng kết thành câu ca :
Bất giao – Phù Lưu, hữu
Bất Phu – Đình Bảng, thê
Bất Ẫm – Đồng Kị, thủy
Bất Thực – Cẩm Giang, Kê.
(Phù Lưu, Đình Bảng, Đồng Ki, Cẩm Giang là 4 làng nằm xung quanh Đình Bảng - Từ Sơn. Tất nhiên đây là câu vè do các cụ đặt từ xa xưa…).
 
                                                                                                 (Theo TTVHQN)

CÁI TRIẾT HỌC BẮT ĐẦU BẰNG KÍNH VÀ SỢ


Bá Dương
Trích "Người Trung quốc xấu xí"


Năm nghìn năm văn hóa truyền thống của chúng ta lấy sự sùng bái làm nền tảng, làm cho cái quan hệ giữa người và người chỉ dựa trên sự kính sợ hơn là trên tình cảm yêu thương.
Viết đến đây thế nào cũng có người gào lên : " Còn cái chữ NHÂN của chúng ta thì sao ? " Nếu nói đến chữ NHÂN phải phân biệt rõ hai mặt. Một mặt là nếu bảo có chữ nhân thì tất nhiên là có, nhưng chỉ có trong sách vở, mà trên hành động thì cái thành tố của nó quá nhỏ bé. Sở dĩ chúng ta hơi một tí là lôi cái chữ " nhân " này ra chỉ vì có thể dễ dàng tìm nó trong sách vở mà khó tìm được nó trong hành động. Mặt khác, chữ " nhân " tựa hồ không phải là " ái " ; chữ " ái " tựa hồ không phải là " nhân ". " Nhân " là phe nắm quyền, đối với thứ dân ở dưới có một chút tình thương xót và thông cảm nên mới bố thí, ban phát cho để tỏ ra mình độ lượng, khảng khái - như cô trông trẻ đối với trẻ con ở vườn trẻ.
Sự thực là giữa người và người đầy những " cung kính " và " sợ sệt ". Có nhiều người vì kính mà thành sợ, chẳng khác nào con đối với cha. Có nhiều người vì sợ thành ra kính, giống gái đĩ đối với khách làng chơi, như đại thần đối với hoàng đế, tiện dân đối với quan lại, tù nhân với cai ngục.
Anh không thấy Chu Toàn Trung tiên sinh làm cái tiết mục gì lúc hoàng đế mở quần thần đại yến sao ? (ông này mưu phản mà tên Toàn Trung - nhưng không trung- lại là tên vua ban) Anh ông ta là Chu Dục tiên Sinh mắng : " Lão tam, mày làm phản như vậy không sợ diệt tộc à ? ", làm cho mọi người cụt hứng bỏ ra về. Sử sách lập tức xưng tụng anh ông ta là đại đại trung thần, kỳ thật anh ông ta chỉ vì sợ " diệt tộc " mà thôi. Trong chính sử, cái loại tiết mục này nhiều lắm. Bất cứ sự kiện nào, nếu loại bỏ cái phần sợ hãi đi thì những tình cảm còn lại chả có ý nghĩa gì nữa.
Trong Hồng Lâu Mộng, Giả Bảo Ngọc tiên sinh viết cho Lâm Đại Ngọc nữ sĩ : " Trong lòng tôi, ngoài bà nội, cha, mẹ tôi, thì chỉ còn có cô thôi ! " Tôi bây giờ cũng đã nhiều tuổi, tôi nghi câu nói này là không thật. Nói rằng Giả Bảo Ngọc yêu bà nội, yêu mẹ thì không có gì là giả tạo, chứ nói yêu ông bố thì tôi e rằng vấn đề trở nên rất to tát. Vì có dùng kính hiển vi để soi toàn bộ tác phẩm cũng không thể tìm thấy được một tý vết tích nào của cái tình yêu đó, mà chỉ toàn thấy sự hãi sợ. Chỉ nghe bố gọi là Giả Bảo Ngọc đã rụng rời tay chân. Tình cảm của con đối với cha như vậy thì nơi tiềm thức chắc phải mong sao cho ông già anh ta chết phứt đi cho rồi. Cái triết học khởi từ kính, sợ làm cho khoảng cách giữa vua và tôi, giữa quan và dân, càng ngày càng thêm xa cách. Cái tôn nghiêm của hoàng đế tất phải " lên cao đến 33 thiên đường, để lợp ngói cho Ngọc Hoàng thượng đế ". Còn thần dân thấp hèn tất phải " chết đến 18 từng địa ngục, thay Diêm vương đào than đá ".
Trên thế giới này chưa hề có quốc gia nào lại cần đến cái phong cách xui xẻo đến như Trung Quốc vậy.


                                                                                                         (Theo TTVHQN)

BÀN VỀ TRÁCH NHIỆM

 

                                                                                                                 

Tôi nghĩ, sự phong phú trong tình cảm của con người thể hiện ở sự cảm nhận về trách nhiệm của họ. Người có tinh thần trách nhiệm cao nhất định sẽ được xung quanh tin cậy.

Sự vĩ đại của Chúa Giê-su

Tôi nghĩ, từ cổ chí kim, từ đông sang tây không có ai không tự ý thức được trách nhiệm của mình và không làm tròn trách nhiệm ấy mà lại có thể tìm được hạnh phúc riêng hay làm cho xã hội phát triển. Tôi không hiểu lắm về tôn giáo nhưng nghe nói chúa Ghê-su đã vì loài người mà bị đóng đinh trên cây thánh giá. Những điều chúng ta không nghĩ đó là trách nhiệm thuộc về mình thì chúa Giê-su lại cho rằng mình phải gánh lấy tất cả trên vai. Con người đánh mất đi sự quý giá của mình, chìm đắm trong dục vọng, tranh cướp đồ đạc, đánh cãi nhau, hoặc như ở đây đó có chiến tranh, thế giới như chiến trường
Tu La.
.. Nhìn thấy cảnh ấy, có lẽ Chúa Giê-su đã nghĩ, thật là thảm cảnh và tự thấy mình phải làm gì đó để cứu rỗi con người.

Nếu là một ông vua hay vị thủ tướng, đương nhiên họ sẽ nghĩ việc toàn thể người dân không được sống an lành chính là trách nhiệm của mình. Nhưng Chúa Giê-su không phải là vua của một nước, vậy mà lại nhận tất cả trách nhiệm về mình. Hơn nữa, Chúa Giê-su ý thức rằng cần phải làm cho những người xung quanh tốt hơn lên và đã lao tâm khổ tứ đến vậy. Nhưng cuối cùng, Chúa Giê-su cũng không vượt qua được và chia lìa khỏi thế giới. Dù vậy, Chúa Giê-su cũng không hề phẫn nộ, từ đầu đến cuối vẫn bình thản như không có điều gì xảy ra. Tôi nghĩ, đó chính là điều vĩ đại ở Chúa Giê-su.

Chúng ta không thể làm được như Chúa Giê-su. Nhưng chí ít cũng nên tự ý thức rõ ràng về trách nhiệm đối với công việc mình làm.

Một nhân cách đáng kính

Mấy năm về trước, trong số ít nhiều đối tác của tôi có một người khá thành công. Sau Chiến tranh thế giới thứ nhất, ông vấp phải cuộc khủng hoảng, sự nghiệp kinh doanh thất bại và phải vay nợ ngân hàng rất nhiều. Để trả nợ đó, ông phải xử lý tài sản của mình và đã làm theo một cách là: Đem hết tài sản ra để đập vào khoản nợ ngân hàng. Cả nhẫn của bà vợ, đại khái là tất cả những thứ có giá trị ông đều đem ra hết.

Thời đó, khi công việc làm ăn không trôi chảy và phải giải thể, thì người ta thường đem giấu ít nhiều tài sản đi. Đó là xu hướng chung. Nếu họ có 100 nghìn yên thì chỉ cần trả đến 90 nghìn yên, phần còn lại ngân hàng sẽ xuê xoa cho qua. Nhưng ông bạn đó không hề nói gì mà đưa hết tài sản của mình ra làm người nhân viên ngân hàng cũng phải ngạc nhiên và bảo: "Khoản tiền chúng tôi cho ông vay tất nhiên là sẽ phải thu lại, nhưng ông không phải làm đến thế đâu! Đồ tư trang của bà nhà thì xin ông cứ giữ lấy!". Ngược lại, chính nhân viên ngân hàng thấy ngại và bảo ông mang một phần về.

Sau đó, ông phục hồi lại sản nghiệp rất ngoạn mục và trở nên thành đạt. Lúc ấy, ông mới kể về những khổ cực trước kia và tôi đã vô cùng cảm động. Giả sử tôi cũng rơi vào hoàn cảnh như vậy thì liệu có thể quyết đoán mà đối ứng với tình hình như ông được hay không? Tôi rất lấy làm bái phục và tự mình cũng muốn trở thành người như ông. Nếu có tinh thần trách nhiệm mạnh mẽ đến như vậy thì công việc sẽ trôi chảy, mà cuộc sống cũng trở nên ấm no.

Mỗi người có trách nhiệm riêng

Cho đến nay tôi vẫn luôn quan niệm rằng, tình hình kinh doanh của công ty tốt hay xấu là thuộc về trách nhiệm của giám đốc, tình hình của một bộ phận ra sao là trách nhiệm của trưởng bộ phận, tình hình của một phòng thế nào là trách nhiệm của trưởng phòng. Chẳng hạn, khi thành tích của một phòng không tiến bộ lên, thì cũng có khi người có trách nhiệm của phòng ấy sẽ bảo: "Tại nhân viên của phòng tôi không ra sao cả". Thấy vậy tôi sẽ nói: "Cậu nói gì mà khó nghe vậy? Thành tích của phòng ra sao là thuộc trách nhiệm của cậu đấy chứ! Giả sử trong số cấp dưới của cậu có ai làm việc không tốt, làm cho thành tích của cả phòng không khá lên được, thì cậu có thể nói với công ty rằng người nhân viên đó không hợp với công việc, công ty nên sử dụng họ vào việc khác. Cậu không nói gì mà cứ thế sử dụng họ nghĩa là trách nhiệm đó thuộc về cậu đấy ! Bởi vậy, tôi sẽ không nghe lời thanh minh của cậu rằng cấp dưới làm việc không tốt hay vì bất cứ một nguyên nhân nào khác!".

Điều này cũng áp dụng cho tất cả những nhân viên khác của công ty. Trong phạm vi công việc được giao, người đó sẽ là người có trách nhiệm cao nhất. Tức là có thể nói,họ là người quản lý công việc của chính mình. Không, không phải chỉ nhân viên công ty, mà cả những người làm việc một mình, những người chuyên nội trợ hay học sinh cũng đều phải có trách nhiệm tối cao trong công việc của mình.

Mỗi người ở một vị trí khác nhau mà đều nhận thức mạnh mẽ về trách nhiệm của mình, có tinh thần độc lập tự chủ thực sự và hợp tác hành động cùng với những người khác, thì không những sẽ có được ý nghĩa cuộc sống của chính người đó, mà còn làm cho xã hộ này giàu đẹp.

                                                     (Theo TTVHQN)

Matsushita

KIÊU NGẠO HÃO



Bá Dương
Trích “Người Trung quốc xấu xí

Dịch giả Nguyễn Hồi Thủ

Có một số người như bị mắc cái bệnh làm cao, hễ cứ nói đến nước Mỹ thì lại lên mặt sổ toẹt: "Văn hóa của nước Mỹ nông choẹt!" (Có người lại cho là loại văn hóa "chẳng có nền tảng gì! "; người thì cho là "không có chiều sâu!"; đại khái là một thứ lăng nhăng không ra gì).
Văn hóa nước Mỹ có thật nông cạn không ? Đó lại là một vấn đề khác. Nhưng cứ giả sử cho là nó nông cạn đi thì chúng ta lại càng phải thấy xấu hổ, thay vì lên mặt. Chẳng khác nào chuyện một anh chàng dòng dõi thư hương bị phá sản, áo quần rách rưới, ngồi xổm trong một ngôi miếu đổ, sống nhờ vào cơm thừa canh cặn mà còn gào lên: " Ông nội tao làm đến tể tướng! Còn bố nó bất quá chỉ là một tên đào cống mà thôi ! ".
Không những không biết tự lấy làm hổ thẹn vì sao mình lại bần cùng đến thế, lại còn dương dương đắc ý về chuyện đối phương xuất thân bần tiện.
Cái câu này đáng lẽ phải để cho người khác nói về chúng ta mới đúng. Nhưng nếu có người nói như vậy chắc chắn sẽ không khỏi xảy ra một vụ đấu khẩu kịch liệt. Khi tuyên bố không khống như thế thì rõ ràng cái kiêu ngạo kia đã che lấp hết sự sáng suốt của mình rồi.
Kiêu ngạo hão chỉ là một thứ tự mãn làm cho hoa mắt - Tự mình say sưa, tự mình ý dâm, trùm chăn lên đầu rồi nghĩ ngợi bậy bạ.
Ông Khổng Khâu thuở xưa đã phí công tìm ra bao nhiêu thứ " tích cổ " cho người sau lấy đó làm gương sửa mình. Ngày nay đồng bào Trung Quốc không phải tốn một tý công sức nào mà vẫn có một nước Mỹ trước mắt để có thể nhìn vào, sờ vào, tìm tòi nghiên cứu, thể nghiệm. Không hiểu vì sao người Trung Quốc vẫn còn đem cái lòng kiêu ngạo hão của mình để chối bỏ cái kiểu mẫu sống đó, viện cớ rằng nó là một thứ ngoại lai từ nghìn dặm?
Chúng ta cũng không thể ca ngợi nước Mỹ là một đóa hoa được. Nếu thật tình nó đẹp như một đóa hoa thì người Mỹ đã không phải dùng đến những nhà lao. Nhưng có một điểm nhất định có thể giúp cho chúng ta học tập, đó là lối sống của người Mỹ, một thứ vũ khí rất lợi hại để người Mỹ chống những phê bình của các lưu học sinh đến từ bất cứ nước nào (kể cả những người từ cái hố lưu huỳnh chui lên).
Chỉ cần hỏi một câu : " Anh thấy nước Mỹ là không được, không hay. Vậy theo anh cái phương thức sinh hoạt của người Mỹ thì thế nào ? " Nhìn một cách tổng quan ai cũng phải công nhận nước Mỹ là một xã hội tự do dân chủ, có một nền công lý rất vững mạnh và rộng rãi.
Cái tệ hại nhất của lòng kiêu hão là tự mình xây lên cho mình một bức tường. Tự mình cô lập mình vào trong một cái thùng chứa nước, uống nước vào phình cả bụng lên, chẳng khác nào cái bụng phệ của Bá Dương tôi đây, phình lên đến nỗi không còn cách nhét thêm một thứ gì nữa, cùng lắm chỉ thêm được vài khẩu súng Tây, mấy khẩu cà-nông và dăm chiếc tàu bọc thép. Còn những thứ văn hóa ghê gớm, cơ bản hơn kia - giáo dục, nghệ thuật, lễ nghĩa, đạo lý cá nhân, tinh thần xử thế - không những không thể nhét thêm vào mà chỉ cần nhìn đến một cái cũng đã thấy nổi da gà lên rồi.
Thật ra để tự cứu lấy mình, chúng ta không nhất thiết cần phải noi gương nước Mỹ, nước Đức, nước Nhật. Nhưng cũng không nên quên rằng sau Chiến tranh Thế giới Lần thứ II nước Đức và nước Nhật đã phục hưng nhanh chóng đến độ đáng sợ. Người Trung Quốc khi tìm hiểu về vấn đề chỉ thấy nguyên nhân của nó nào là ở Kế hoạch Marshall Lần thứ IV, nào là Chiến tranh Hàn Quốc, nào là cơ sở công nghiệp vốn vững mạnh của hai nước này. Nghe ra dường như tất cả chỉ là vấn đề vận may mà thôi.
Than ôi ! Mọi người đều quên một điều là sau khi bại trận, hai nước này đã trở thành một thứ quốc gia hạng ba, nhưng dân của hai nước này vẫn là loại dân hạng nhất với cả tiềm lực văn hóa thâm hậu. Chẳng khác nào một anh khổng lồ ba đầu sáu tay, đùng một cái bị đánh gục xuống đất, một lúc sau từ từ hồi tỉnh đứng dậy phủi quần bước đi, vẫn đường đường là một hảo hán.
Còn cái anh Trung Quốc bị lao phổi đến thời kỳ thứ ba kia, nhất thời đứng trên vũ đài thế giới dương dương tự đắc, nhưng rồi một cơn gió lạnh thổi đến lập tức hắt hơi ba bốn cái thật to, mũi dãi ròng ròng. Có người bảo uống átx-pi-rin đi, thì lại bảo người đó có tư tưởng quá khích, làm lung lay đất nước. Kết quả giống một củ hành trồng ngược, hai người đỡ cũng không nâng lên được.
Hễ cứ có ai nói nên bắt chước người khác là có một chút gì đó không thể nhịn nhục được - đại trượng phu tất phải đạp đất chống trời, oanh oanh liệt liệt, làm cho những đứa nhãi ranh phải khâm phục, ghen tị chứ ai lại đi bắt chước ! Vấn đề là cái mẽ ngoài này ở đời Đường, đời Hán thì đích thực là có. Song thời thế đã đổi thay rồi !
Cái ông phương Tây kia đã nổi lên quá mạnh, đánh không nổi, chửi cũng không thắng, thôi thì những chuyện cũ kia cũng chỉ như mây khói. Hiện tại phương pháp duy nhất có thể làm là học hỏi họ. Mà cũng không còn con đường nào khác.
Nếu như cứ một mực kiêu ngạo hão, giống một bà lão già lúc nào cũng giơ cái chân bị bó vừa kinh vừa thối của mình lên khoe nào là bó đẹp, bó khéo, thì không tránh được sẽ đi vào cái ngõ của sự diệt vong. Kiêu ngạo hão làm chúng ta có cảm tưởng hão huyền là người Trung Quốc không thể nào bị diệt vong, vin vào cớ dân tộc Trung Quốc có thừa sức đồng hóa. Bằng chứng là chúng ta đã hai lần bị mất nước rồi, một lần về tay Mông Cổ và lần thứ hai về tay Mãn Châu. Nhưng kết quả chẳng qua chỉ như một con diều đảo cánh, kẻ xâm lược chả đã cúp đuôi bỏ chạy rồi ư? Đối với Mãn Châu còn tệ hại hơn, nghĩa là chẳng còn đường nào mà cúp đuôi chạy nữa !
Cái lý luận và bằng chứng này tuy làm chúng ta càng tự tin hơn, nhưng chúng hoàn toàn không thể bảo đảm rằng trong tương lai chúng ta sẽ không còn có thể bị mất nước nữa.
Có một điều cần chú ý là bất kể một quốc gia, dù lớn thế nào chăng nữa, lúc chưa bị diệt vong vẫn nghĩ mình sẽ không bao giờ bị diệt vong. Mà một dân tộc trước khi bị tuyệt chủng, dĩ nhiên cũng là một dân tộc chưa bao giờ bị tuyệt chủng. Song, nếu cuối cùng chẳng may bị diệt vong, ắt cuối cùng cũng bị tuyệt chủng.
Cái kiêu ngạo hão kia chỉ che lấp tầm nhìn, mê hoặc con tim, làm cho không thấy được những nguy cơ ở bên trong cũng như bên ngoài. Lúc nguy cơ đến thật thì chỉ có đám dân đen và con cháu sau này lại phải khóc mà thôi.
Khi đến Peloponnese (Pê-lo-pô-ne-dơ), người Hy-lạp còn ở trong tình trạng ăn lông ở lỗ, đít còn đóng khố, thì dân ở đảo Crê-tơ (Crète) đã có một nền văn minh xán lạn huy hoàng, không chỉ biết luyện thép mà còn có những thành tựu kỹ thuật cao độ khác. Nhưng sau đó, chỉ trong một khoảng thời gian 200 năm, người Crê-tơ đã bị người Hy-lạp chinh phục đến không
còn dấu vết gì cả.
Năm nghìn năm trước ở Nam Mỹ đã có những cung điện của đế quốc In-ca, hiện tại vẫn còn tìm thấy di tích trong vùng núi hoang của Pê-ru. Chỉ cần căn cứ vào các kiến trúc tráng lệ đó chúng ta cũng đủ thấy trình độ văn hóa của họ cao như thế nào (Vào lúc người In-ca xây những lâu đài này thì người Trung Quốc chúng ta còn là một dân tộc dã man ăn lông ở lỗ). Nhưng bây giờ người In-ca ở đâu ?
 Bá Dương, người viết những điều này, không phải là kẻ chuyên môn đi làm mất tinh thần người khác. Nhưng chúng ta cần thấy rõ rằng cạnh tranh là một thứ rất vô tình. Ông trời kia không thể vì anh Trung Quốc có 5.000 năm văn hóa mà phái thiên binh xuống bảo hộ như Đường Tăng được.
Vì vậy nhân lúc còn đang sống trên thế gian này, chúng ta cần phải cấp tốc rèn luyện, làm sao nôn ra được tất cả những thứ dơ bẩn trong ruột, ăn vào được những thứ có chất dinh dưỡng tốt. Hiện tại chúng ta thương tiếc những quốc gia đã bị tiêu vong trong lịch sử, những dân tộc đã bị tuyệt chủng, nhưng đừng hy vọng trong tương lai hậu thế sẽ lại thương xót chúng ta như vậy.
Có thể tóm lại trong một câu như thế này chăng : " Đừng để cho người đời sau lại bị người đời sau nữa khóc ".
 
                                                                                                    (Theo TTVHQN)

Thứ Tư, 22 tháng 6, 2011

ĐẶC SẢN DẾ CHIÊN KON TUM

Cửa khẩu Bờ Y, thuộc xã Bờ Y, huyện Ngọc Hồi, Kon Tum vốn là một điểm du lịch lý thú. Từ đây, du khách đến với đến nước Lào xinh đẹp. Và tại khu vực cửa khẩu này từ lâu còn có món đặc sản dế chiên được truyền tai trong khắp giới sành ẩm thực.
 
Vùng đất màu mỡ này, sau mùa thu hoạch lúa, ngô cũng là lúc loài dế sinh sôi, nảy nở. Người dân nơi đây ban đầu chỉ bắt dế về chế biến thành những món ăn chơi. Nhưng không ngờ, những món ăn chơi dân dã đó đã trở thành đặc sản.

Để có một đĩa dế chiên vàng thơm cần trải qua nhiều công đoạn chế biến. Đầu tiên dế bắt về được rửa sạch, để ráo nước, sau đó cho vào chảo dầu đang sôi chiên lên. Bằng cách đó các bộ phận như đầu, chân... của dế trở nên giòn tan, còn phần thân dế lại không mất đi vị béo ngậy vốn có. Tiếp đó, để món dế có thêm hương vị, người ta nêm gia vị, bỏ thêm trái ớt, lá chanh, sả thái nhỏ vào rang chung. Khi cho các gia vị vào phải rang thật nhanh để lá chanh không bị mất đi màu xanh.

Dế được sắp lên đĩa cùng với những lát dưa leo thái mỏng và bên cạnh là một chén (bát) đậu phộng rang vàng, một chén tương ớt đỏ tươi. Dế chiên có cái giòn tan của phần chân, đầu và vị béo ngầy ngậy của mình dế. Hương vị của dế càng đặc biệt hơn bởi mùi thơm của lá sả, lá chanh và vài ba hạt đậu rang đi kèm.

                                                                         (Theo Vinabooking)

GIẢNG KHÉO

                                                                 Cha Phaolô BAN
                     (Trích Tạp chí “Chức dịch thơ tín”, Địa phận Kontum, số 28, tháng 8 năm 1935).

Ở sở kia có thói: trẻ họ ven chừng mười sáu mười bảy tuổi, hay xức thuốc thơm và hay dắc hoa tươi trên ngực. Thói ấy không xứng con nhà có đạo, vì hay làm cớ cho trẻ nam chọc ghẹo và rờ trên ngực trẻ nữ, là đều chướng mắt khó coi. Cha sở đã nhiều phen khuyên bảo quở phạt, song sắp trẻ chẳng xem sao, mà lại càng ra sức sửa bộ mình hơn nữa. Cha lấy làm phiền lắm.

          Song khỏi ít lâu người đổi, cha mới tới nhận sở. Ngày Chúa nhựt kế, người ra nhà thờ, lên toà giảng rằng: Ở đây anh em có thói quen, trẻ nữ hay xức thuốc thơm và dắc hoa trên ngực, cha cựu người đã quở trách nhiều lần và người có gắn vó giặn tôi hãy ra sức phá thói ấy. Song tôi xét rằng: cha già ngài nhặt quá, (lũ trẻ ngước đầu hỉnh mũi), vì sự xức thuốc thơm và dắc hoa thể ấy, chẳng lạ gì. Vì trong trẻ nữ, cũng có nhiều đứa vốn có bịnh kín, (trẻ nữ cúi đầu sập mặt), nên hay bay mùi hỉnh hỉnh, (trẻ càng xấu mặt), nên chúng nó phải xức thuốc và dắc hoa thơm cho đảm mùi. Vậy tôi nói cho trẻ nam biết: khi thấy trẻ nữ đứa nào xức thuốc thơm và dắc hoa, thì đừng lấy làm lạ chi, đó là đứa có bịnh kín hay bay mùi khó chịu, nên phải làm vậy cho đảm mùi. Cha nói chưa dứt lời, thì có nhiều đứa gái sẻ lén rứt hoa nơi ngực mà liệng xuống.

          Khi lễ rồi ra khỏi nhà thờ, có một hai đứa còn tiếc chưa quăng, thì lũ trai chỉ cho nhau mà cười rằng: chị kia có bịnh kín thiệt và bay mùi hỉnh hỉnh. Đứa ấy lấy làm mắc cỡ quá sức, lật đật rứt hoa quăng đi và cút thẳng về nhà.

          Từ ấy thói xức thuốc thơm và dắc hoa nơi ngực, ở sở nầy đã biến mất.

Chủ Nhật, 12 tháng 6, 2011

CHA PHILÍPPHÊ ĐỀ (1895-1937) - Linh mục người Kontum đầu tiên của Vùng truyền Giáo Tây Nguyên

CHA PHILÍPPHÊ ĐỀ
Linh mục người Kontum đầu tiên của Vùng truyền Giáo Tây Nguyên.
Sinh: 1895 - Thụ phong Lm: 1925 - Qua đời: 4/11/1937
 
Cha Philípphê Đề là linh mục người Kon Tum đầu tiên, được phong chức vào năm 1925, sau 77 năm Tin Mừng đến với Tây Nguyên, kể từ ngày thầy sáu Phanxicô Xaviê Nguyễn Do, theo lệnh Đức Cha Stêphanô Cuénot (Thể) mở đường thành công lên miền đất này (1848). Khi đã đặt được cơ sở trên Miền Truyền Giáo Kon Tum (1851), Đức Cha và các Cha liền bắt tay vào việc đào tạo linh mục bản xứ. Một Chủng viện được thiết lập ngay trung tâm miền Kon Tum (tại Rơhai – khu vực nhà thờ Tân Hương ngày nay), nhưng Chủng viện phải sớm đóng cửa vì lý do thủy thổ khắc nghiệt – gây bệnh tật chết chóc cho các chủng sinh đến từ đồng bằng; còn đối với miền Kon Tum thì vì mới đón nhận đạo Chúa, và việc học văn hoá còn sơ khai, chưa đáp ứng được đòi hỏi của việc đào tạo ơn gọi. Chỉ đến khi Trường Cuénot – trường đào tạo thầy giảng (Yao Phu) và ươm mầm linh mục, được xây dựng và đi vào hoạt động (1908), thì công việc đào tạo linh mục mới thật sự bắt đầu trở lại một cách bài bản và có kết quả, dù còn rất khiêm tốn. Và từ ngôi trường – chủng viện Cuénot này (theo cách nói của cha Jannin), đã là nơi xuất thân của nhiều linh mục bản xứ Kon Tum. Cha Philípphê Đề là người đầu tiên trong số đó.

1. Gia đình và thân thế.

          Cha Philípphê Đề sinh năm 1895 tại họ đạo Trại Lý (sau đổi tên Gò Mít – nay là giáo xứ Tân Hương, giáo phận Kon Tum), trong một gia đình đạo đức. Cha ngài mất sớm, còn mẹ là bà Lý là người phụ nữ đức hạnh, giúp việc cha sở Tân Hương lâu năm. Theo cha Phaolô Lê Đình Ban ghi lại, khi cha mới lên Kon Tum (năm 1914), ở Tân Hương làm cha phó cha Alberty (cố Hiền), hàng tuần cứ đến thứ tư thì bà Lý đưa các trẻ em nữ đến nhà xứ để cha khảo hạch giáo lý, dạy dỗ thêm. Cha nhận thấy các em siêng năng sốt sắng và hiểu lẽ đạo khá, thì hay khen bà Lý có lòng đạo đức và biết cách hướng dẫn chỉ bảo các em.

          Được có một người mẹ đạo đức, gương mẫu như vậy, cha Đề hẳn đã hấp thụ một nền giáo dục tốt từ gia đình. Ngay khi còn nhỏ, trẻ Philípphê Đề có tính nết hiền lành, thật thà, ngay thẳng. Chắc chắn việc học giáo lý, tham dự thánh lễ tại nhà thờ giáo xứ, tập làm các việc nhân đức… là những điều mà em thực hành thường xuyên, ít khi nào bê trễ.

2. Con đường tiến đến chức linh mục.
         
Năm 1908, Trường Chân Phước Cuénot vừa được xây dựng xong và khánh thành (13.01.1908), nhằm đào tạo thầy giảng người dân tộc (Yao Phu) và ươm trồng ơn gọi linh mục. Cha Martial Jannin (Phước) được đặt làm giám đốc trường. Năm ấy cha Đề vừa tròn 13 tuổi, đã được cha giám đốc tuyển chọn vào học trường Cuénot khoá đầu tiên. [Khoá đầu tiên 1908 có tất cả 89 học trò nhập học, qua tuyển lọc còn 50 em;  trong số đó sau này có 24 chú làm Giáo phu, và đặc biệt chỉ một mình chú Philípphê Đề đi đến chức linh mục]. Trong trường Cuénot, các học trò hàng ngày được tập rèn khép mình vào kỷ luật, thực hành kinh nguyện, học tập văn hoá…, và bước đầu học tiếng La tinh, do cha Alberty (Hiền) hướng dẫn. Nhận thấy trẻ Philípphê Đề không những hiền lành đạo đức, mà còn sáng trí, nên năm 1909, Bề trên chọn gởi đi Tiểu Chủng viện Làng Sông (Qui Nhơn) để tu học trở thành linh mục. Tại TCV Làng Sông, chú Đề về sức học cũng vừa theo kịp các bạn đồng lớp, nhưng tính hạnh thì ai cũng khen: hiền lành thật thà, không bao giờ giận ai, không bao giờ mất lòng ai. Hạnh kiểm tốt của chú được cha giám đốc Chủng viện ghi nhận và báo về cha Bề trên Kon Tum, làm ai nấy đều vui mừng và hy vọng. Mãn Tiểu chủng viện, thầy Đề được Đức Giám Mục Địa phận Đông Đàng Trong chỉ định đi thực tập mục vụ 2 năm tại họ đạo Gò Thị (Bình Định). Đây là một họ đạo kỳ cựu, số giáo dân đông và ruộng đất phì nhiêu, nơi đặt Toà Giám Mục (cũ) thời Đức cha Cuénot, có tu viện của các nữ tu Mến Thánh Giá...Nơi đây là quê hương các thánh tử đạo, như thánh Giám mục Stêphanô Cuénot (Thể), thánh  Anrê Năm Thuông (Nguyễn Kim Thông).v.v., càng hun đúc thêm tinh thần truyền giáo và lòng trung thành bền đỗ nơi thầy. Sau 2 năm giúp xứ chu toàn bổn phận, thầy được gọi trở lại tiếp tục tu học tại Đại Chủng viện Qui Nhơn. Và đến năm 1925, thầy Philípphê Đề thụ phong linh mục, do Đức Cha Damien Grangeon (Mẫn), giám mục giáo phận Qui Nhơn truyền chức. Cha Philípphê Đề là vị linh mục địa phương Kon Tum đầu tiên, sau 77 năm kể từ khi Tin Mừng được gieo vãi trên miền đất này vào năm 1848. 


Kon Tum; hình vẽ lại từ một tấm ảnh của Cha Jannin
Giáo phận Đông Đàng Trong. - Toà nhà chính của Trường học-Chủng viện Cuénot, 


 3. Hoạt động mục vụ.

          Lãnh nhận chức linh mục rồi, Đức Cha Qui Nhơn sai ngài về lại phục vụ quê hương Kon Tum, và Bề trên Kon Tum (lúc đó là Cha Jannin Phước) chỉ định ngài phụ trách địa sở Kon Sơlăng – Plei Tơuer. Kon Sơlăng – Plei Tơuer là một địa sở gồm 2 sắc dân: Bana và Jơrai. Dân Bana tòng giáo đã lâu, giữ đạo có phần nề nếp hơn; còn dân Jơrai mới theo đạo, và còn vướng nặng với các tập tục mê tín, nên ngài phải vất vả với họ nhiều. Ở đó cũng có một họ nhỏ người Kinh là họ Tân Phước (gốc dân Tân Hương, lập từ năm 1924), dù bổn đạo còn ít song ngài cũng lo lắng cất nhà thờ riêng cho họ.

          Năm 1937, nơi vùng dân tộc Jơrai rộ lên phong trào mê tín dị đoan về Dam Klan (thần xà), loan truyền về “thần mới, đạo mới”. Trong địa sở Kon Sơlăng cũng có nhiều làng đi xin “nước linh” của Dam Klan và giết trâu bò cúng tế. Cha Đề rất lo lắng và buồn lòng. Trong báo cáo gởi Đức giám mục địa phận (Đức Cha Martial Jannin Phước), cha đã trình rằng: Dân Jơrai thiệt yếu đuối về đức tin và cứng cỏi về việc đạo, dù con hết lòng dạy dỗ lo lắng thế nào, thì họ cũng lãng xao như dân ngoại. Bởi lo sợ giáo dân nghe theo kẻ ngoại làm điều mê tín dị đoan, nên ngài cất công đi từ làng này qua làng khác, nhằm lúc mùa mưa lụt, nhiều khi ngài phải ướt cả mình. Do vậy, đầu tháng 6.1937, ngài bị bệnh thương hàn rất nặng, tưởng chừng không qua khỏi. Nhờ ơn Chúa và uống thuốc men, nên bệnh thương hàn đã khỏi, nhưng lại phát qua bệng thũng. Đức Cha đưa ngài về Kon Tum chữa trị, uống thuốc nhà thương Kon Tum., sau chuyển xuống nhà thương Qui Nhơn, nhưng bệnh tình không thuyên giảm. Ngài xin chuyển qua điều trị bằng thuốc Nam, ban đầu theo thầy thuốc ở  huyện Bồng Sơn, sau đến ở nhà một người bà con ở họ Trung Yên (Bình Định), tìm thầy hốt thuốc,  nhưng bệnh tình cứ ban đầu có dấu bớt, sau lại trở nặng hơn. Biết khó chữa khỏi, ngài viết thơ xin Đức Cha và cũng nhắn tin nhờ các cha nói cho mình được về Kon Tum, để nếu có chết cũng ở giữa anh em linh mục và bà con  bạn hữu. Nhưng Đức Cha còn hy vọng nên khuyên ngài ra lại nhà thương Qui Nhơn chữa trị. Lúc ấy ngài rất buồn nhưng cũng sẵn lòng ra đi: Tôi đi là vâng lời Đức Cha, vì vâng lời hơn của lễ, chớ phần tôi thì ước ao về Kon Tum mà thôi!

          Ngài vào nhà thương Qui Nhơn, đến đầu tháng 11/1937 thì bệnh trở lại rất nặng. Và 8 giờ sáng ngày 4/11/1937, Cha Philípphê Đề đã trút hơi thở cuối cùng, an nghỉ trong Chúa. Các Cha trong vùng lân cận lo đem xác ngài về nhà thờ Thác Đá. Nhận được tin, các Cha Kon Tum gồm Cha Phan, Cha Ban, Cha Stutmann (Báu) và một cha nữa, thay mặt Đức Cha Kon Tum xuống Qui Nhơn lo liệu việc an táng. Giáo dân 2 họ Thác Đá và Trung Yên thay nhau cầu lễ. Và ngày 6/11/1937, thánh lễ an táng Cha Đề tại nhà thờ Thác Đá do Cha Phan, là niên trưởng các Cha người Kinh ở Kon Tum, chủ tế. Cha Ban nói lời cám ơn, và Cha Stutmann (Báu) làm phép tại huyệt mộ. Cha Philípphê Đề đã được an táng tại Nghĩa địa các đấng tử đạo thời Văn Thân (1885), ở gần bên nhà thờ Thác Đá. Nơi đây, ngài an nghỉ chờ ngày phục sinh cùng các đấng tử đạo.

          Tuy cuộc đời ngắn ngủi với 42 năm tuổi đời, 12 năm linh mục, nhưng Cha Philípphê Đề được biết đến là một linh mục hiền lành, đạo đức, tận tuỵ với công việc mục vụ. Ngài là hoa trái đầu tiên của địa phận Kon Tum, báo hiệu những kết quả tốt đẹp hơn trong việc đào tạo linh mục bản xứ cho miền truyền giáo Tây Nguyên này.
                                   
                                                                  P. Lê Minh Sơn                                                                                                                          

----------------------------- 
Tài liệu tham khảo:

          1/ Cha Phaolô Ban, “Hạnh tích cha Đề”, Tạp chí Chức Dịch Thơ Tín, Địa phận Kon Tum, số 58, tháng 2/1938, tr. 789-791.
          2/ Hlabar Tơbang, Hnam trưng Kuênot, số 1, năm 1911, mục “Măt tôm de hok tro xo”, tr. 1-3.
        3/ Kỷ yếu Năm Thánh Yao Phu, Giáo phận Kon Tum 2008, mục “Danh sách học sinh trường Cuenot năm 1908”, tr. 50-51.
            4/ Thư của cha Martial Jannin, Hội Thừa sai Paris, năm 1910 (tiếng Pháp) – "Một vườn ươm thầy giảng và linh mục ở xứ Bahnar".
            [Hình trường Cuénot trong bài này được được trích từ bức thư trên].
             
-----------------------------------------------------